Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tiểu luận văn học »» Trần Trung Đạo, Tuổi Thơ, Mẹ, Quê Hương và Dân Tộc »»

Tiểu luận văn học
»» Trần Trung Đạo, Tuổi Thơ, Mẹ, Quê Hương và Dân Tộc

Donate

(Lượt xem: 7.585)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Trần Trung Đạo, Tuổi Thơ, Mẹ, Quê Hương và Dân Tộc

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(LGT: Bài phát biểu của Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trong buổi chiều Thơ Nhạc Giấc Mơ Việt Nam của Trần Trung Đạo được tổ chức tại San Diego ngày 17 tháng 12 năm 2005)

Tiến trình lịch nghiệm của con người được trải dài theo từng tiếng khóc, tiếng cười tự thủa nằm nôi. Ai trong chúng ta không có tiếng khóc đầu đời, nụ cười măng sữa? Đó là sinh thái tự nhiên của mọi người trên mặt đất. Từ một dân tộc nắng xám da người, băng qua bao nhiêu bãi sa mạc hoang vu, khô cằn sỏi đá, dân tộc Ấn Độ đã sinh ra và trưởng thành trên lưng lạc đà, dưới triền núi tuyết, bên bờ sông Hằng, dòng sông Thiêng của nền văn minh cổ Ấn, mà mãi đến hôm nay, tiếng khóc, nụ cười vẫn còn miên man như bất tận được tồn đọng trong vò nước đội trên đầu, hay trên cổ lạc đà băng qua những đồi cát nóng. Cho đến vùng đồng bằng cỏ xanh của sông Dương Tử, nền văn minh Trung Hoa, núi cao, sông sâu, chơm chởm thác ghềnh ngày đêm nguồn nước đổ bất tận. Từ núi sông thiên nhiên đó đã cho con người cái khí thiêng hít thở để un đúc dòng máu của Mẹ được trưởng thành, cao ngất trên non. Hay quê hương Chùa Tháp, thế giới của Chư Thiên mang nhiều sắc thái tâm linh trọng vọng mà từ tuổi hoa niên con người đó đã hiến dâng đời mình trong nếp sống thanh đạm, để rồi mang hành trang vào đời như lẽ tất nhiên. Quê hương nào cũng vậy, dân tộc nào cũng có tuổi măng tơ, hơi ấm đầu đời của Mẹ được bảo tồn qua quê hương đó, của dân tộc đó.

Qua những tác phẩm Giấc Mơ Việt Nam, Tâm Bút, Thơ Trần Trung Đạo… mỗi chúng ta đều nhìn thấy những chất dinh dưỡng trong các tác phẩm này để nuôi lớn ý thức sinh tồn cho quê hương, dân tộc Việt Nam. Ý thức sinh tồn ấy được thắp sáng tâm linh tác giả qua hương vị giáo pháp giác ngộ, giải thoát, qua tánh đức Bi, Trí, Dũng của một đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam. Hành trang đó như một gia tài quý báu được di chúc từ nơi người Cha kính quý muôn đời, từ người Mẹ yêu thương muôn thuở. Tác giả đã mang gia tài đó trang trải lên những trang giấy cống hiến cho đời. Tác giả Thị Nghĩa Trần Trung Đạo đã trải tuổi thơ, tri ân sinh dưỡng cũng như tấm lòng thương quý Mẹ Cha, công đức Thầy Tổ, tâm tình đối với quốc gia dân tộc qua những trang thơ chân thành.

Là nhà văn, nhà thơ, tác giả Trần Trung Đạo đã tâm sự cùng độc giả về đời mình. Quê hương tác giả là xứ Quảng xa xôi, dải đất miền Trung địa linh nhân kiệt nuôi dưỡng bao nhiêu anh hùng dân tộc, bao nhà văn, nhà thơ, anh tài nước Việt. Cũng có lẽ vì mang dòng máu đó, Trần Trung Đạo đã đắm mình trong nỗi u hoài, nhớ thương về Mẹ, về quê hương đổ nát, điêu tàn, về đất nước dân tộc lầm than cơ cực.

Thiếu Mẹ là cả một nỗi mất mát lớn lao không bù đắp được, hồi ức về thuở ấu thơ thiếu vắng bóng Mẹ hiền của tác giả Trần Trung Đạo đã cho người đọc nhìn thấy nếp sống hiu quạnh của hai Cha con tác giả trong “Chuyện Đời Mẹ”:

– Ngày Mẹ chết con chưa tròn một tháng
Cha tảo tần sớm nắng với chiều mưa
Thiếu sữa Mẹ đời con thành đại hạn
Thiếu lời ru con lớn với lọc lừa…

Thương nhớ Mẹ là một nỗi niềm khôn nguôi, để rồi những lúc được kề cận bên Cha nghe kể chuyện, tác giả thường băn khoăn hỏi Cha về dáng dấp của Mẹ hiền:

– Những đêm mưa con nằm nghe Cha kể
Chuyện đời Cha dài như một dòng sông
Mẹ có đẹp? Cha nhìn xa không nói
Nhưng con nghe dao cắt ở trong lòng.

(Chuyện Đời Mẹ – Trần Trung Đạo)

Dẫu xa xôi cách trở muôn trùng, nhưng tâm tư nhà thơ Trần Trung Đạo lúc nào cũng đầy hình ảnh của Mẹ, tấm lòng thương nhớ Mẹ của tác giả đã thể hiện thành nỗi ước mong Mẹ của mình được an lạc nơi chốn cửu tuyền, hay vãng sanh về Phật quốc, hoa sen sanh chín phẩm mà được thoát khỏi cảnh u đồ, ác đạo. Cho dẫu ngôi mộ của Mẹ tác giả đã thành hoang lạnh, không người chăm sóc:

– …Và phương ấy bao mùa mưa sẽ đến
Nấm mồ hoang hương khói lạnh từ đây
Cầu xin Mẹ bình yên qua chín cõi
Trên dương gian con nối cuộc lưu đày.

(Chuyện Đời Mẹ – Trần Trung Đạo)

Từ nỗi lòng u uẩn, tình thương của Mẹ là chất xúc tác tạo cho tác giả một tấm lòng chứa chan tình cảm về Mẹ, về tâm sự đời Mẹ của những năm tháng thuở sinh tiền. Nhớ lại thuở nằm nôi, Mẹ nhai cơm, mớm sữa cho con, chẳng quản sớm hôm khuya khoắt, chẳng quản thân gầy oằn theo năm tháng chồng chất tuổi đời. Hương vị ngọt ngào của tình Mẹ chuyền cho con hơi ấm để con được lớn khôn:

– Nếu mai mốt ba có về thăm lại
Con chỉ giùm căn láng nhỏ bên sông
Nơi Mẹ sống trong chuỗi ngày hiu quạnh
Nặng oằn vai một nỗi nhớ thương chồng
Nếu mai mốt ba có về thăm lại
Con chỉ giùm chiếc ghe nhỏ đang neo
Đời Mẹ đó, kiếp con cò lận đận
Sớm đầu non đêm cuối bể, thân nghèo.

(Trăn Trối – Trần Trung Đạo)

Và nỗi lòng của Mẹ, đã hứng bao nhiêu mưa nắng của cuộc đời, bao nhọc nhằn khổ lụy của kiếp nhân sinh, Mẹ làm thân người để một đời hy sinh cho con, cho gia đình được ấm êm hạnh phúc. Dù thương đau, dù tuyệt vọng trước cảnh đời nghiệt ngã và thử thách lao lung, nhưng lòng Mẹ vẫn kiên cường vươn cao và rộng lượng, thắm thiết với người thân và tất cả. Đây là ý thức về cảnh đời vô thường, vô ngã, là nghiệp dĩ của luân hồi, của khổ đau chồng chất, nhưng Mẹ không oán than, không hờn trách. Mẹ bằng lòng chấp nhận, đó chính là giáo lý nhẫn nhục, từ bi mà Mẹ đã thể hiện qua lời thơ của tác giả Trần Trung Đạo:

– …Nơi Mẹ chết trong mỏi mòn tuyệt vọng
Cánh cửa đời con khép lại với đau thương
…Lòng của Mẹ, một tấm lòng đại lượng
Vẫn nghìn năm son sắt chẳng phai màu.

(Trăn Trối – Trần Trung Đạo)

Hình ảnh Mẹ luôn đậm nét trong những trang thơ của Trần Trung Đạo, tâm sự mang mang với nỗi niềm được chôn kín trong tận cùng trái tim thương nhớ của người con mất Mẹ, giờ chỉ là kỷ niệm, để nhớ về tình Mẹ thiêng liêng cao quý như trăng sao giữa bầu trời mênh mông vô tận, mà cứ mỗi độ Vu Lan về, tác giả lại da diết nhớ về ngày tháng xa xưa:

– Những ngày tôi còn bé
Đi lễ mùa Vu Lan
Ai cài hoa đỏ thắm
Hoa tôi màu khăn tang

….

Ngày Mẹ tôi mới chết
Tôi còn nằm trong nôi
Vô tình buông tiếng khóc
Cho đời mình cút côi
Cha chít vành khăn trắng
Lên đầu nhỏ tí teo
Ôm tôi chầm chậm bước
Vịn quan tài đi theo

(Cành Hoa Trắng – Trần Trung Đạo)

Có ai trong chúng ta không biết thương Cha nhớ Mẹ? Có ai trong chúng ta không khao khát được Mẹ ẵm bồng ôm ấp trong lòng, được Mẹ hát cho nghe, được Mẹ ru cho ngủ? Nhưng rồi cuộc đời không như mơ ước, mà một ngày nào đó phải lìa xa Cha Mẹ đến muôn trùng cách trở của tiếng gọi vô thường để thành tiếng kêu thống thiết của người con mất Mẹ:

– Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười.

(Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười – Trần Trung Đạo)

Hơn ba mươi năm rời xa chốn cũ, tâm tư tác giả luôn hướng về lối xưa, về một thời ấu thơ, non dại, về thuở bước chân sáo cắp sách đến trường làng, tung tăng cùng chúng bạn. Những dấu chân sáo trên con đê làng, những hình ảnh cây đa trước ngõ, những chiếc cầu chông chênh, ọp ẹp bắc qua dòng sông nhỏ, tiếng mái chèo khua nước sớm khuya trong cơn nước ròng, nước lớn, nhớ hàng cây me rợp bóng mát năm nào. Thế nhưng, dòng đời trôi mãi, trôi đi những hạnh phúc, ước mơ của thời niên thiếu, rồi một ngày tình cờ về thăm chốn cũ, tất cả hình ảnh xưa như còn đậm nét trong hồn để bâng khuâng tự hỏi:

– Hàng me cũ đã bao mùa thay lá
Nơi em từng che mát chuỗi ngày quên
Mùa Đông qua thổi lạnh đến bên thềm
Vẫn khổ cực như từng cơn nắng hạ.

…..

Giữa một quê hương muôn trùng thống khổ
Mười năm trời em làm được gì chăng
Rồi mai đây em sẽ hiểu ra rằng
Ai giết chết cuộc đời em thơ ấu.

(Góc Phố Xưa Nơi Mẹ Vẫn Ngồi – Trần Trung Đạo)

Mẹ mất khi còn ẵm ngửa, Cha ra đi một tối cuối năm. Bom đạn oan khiên của chiến tranh đã cướp mất người Cha, tuổi thơ và những ước mơ của tác giả. Mười ba tuổi tác giả đã truân chuyên lưu lạc nhiều nơi trước khi tìm về nương náu nơi chùa Viên Giác, Hội An, như lời dặn dò vô tình thành lời trối trăn của người Cha. Đời sống tương chao, đạm bạc với cây đa bầu bạn “quét nỗi cô đơn” mỗi sớm, đã góp phần không nhỏ cho những chủng tử từ bi, hướng thiện của tác giả. Mong ước tìm về chùa xưa như một nỗi niềm thôi thúc, để tìm lại những “mảnh đời rơi rớt” :

– Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn
Tôi sẽ đến nơi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Đi làm người du thực ở phương Tây.

(Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác – Trần Trung Đạo)

Cõi thơ của Trần Trung Đạo, chìm sâu trong những nỗi buồn bất tận, ẩn kín tâm tư trong đau thương chồng chất. Thuở ấu thơ trải dòng đời qua những bất hạnh, đắng cay, nghiệt ngã. Tác giả đã ví mình bơ vơ như “vầng trăng lẻ bạn” để lời thơ trở thành niềm u uất, để tâm tư tác giả:

– Trong thơ tôi mùa Xuân không chim hót
Thu không vàng Hạ chẳng để yêu đương
Thơ của tôi là máu rỉ trăm đường
Là u uất đã chìm sâu trong đất

(Những Người Bạn Tôi Chưa Hề Quen – Trần Trung Đạo)

Tuổi thơ và hình ảnh Mẹ trong thơ Trần Trung Đạo bàng bạc khắp nơi, mang nhiều sắc thái khác nhau: từ góc phố buôn gánh bán gồng nuôi con ăn học; đến hình ảnh Mẹ dắt díu đàn con lên vùng kinh tế mới xa xôi, lam lũ cùng gió sương, đất đá, với sắn khoai đói lạnh để rồi phải quay về thành thị bán máu nuôi con. Những đắng cay chất ngất trong hình ảnh Mẹ tạo nên những giá trị cao quý, để Mẹ là thơ, là niềm hy vọng, là chất liệu sinh tồn của tác giả. Mẹ xẻ thân cho con no đủ đến từ dòng sữa nóng, từ trái tim bao dung độ lượng:

Có những bà Mẹ nửa đêm thức dậy
Đi bán máu mình mua gạo nuôi con
Đường về chưa tới đầu thôn
Bà gục chết không kịp nhìn con lần cuối
Đứa con út cũng chết dần trong cơn đói
Miệng còn thì thào hai tiếng Mẹ ơi!

(Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua – Trần Trung Đạo)

Hai tiếng “Mẹ ơi” yêu dấu được thốt lên để mọi người chúng ta cùng cảm nghiệm được ý vị thương yêu vô bờ của Mẹ, để hình ảnh Mẹ được ấp ủ trong tim cho suốt cuộc hành trình của một kiếp người. Mất Mẹ như mất cả bầu trời, như mất cả vầng trăng tròn thuở trước:

– Mẹ ơi!
Trăng quê ngoại nghìn năm sau vẫn khuyết
Vì đời con thiếu Mẹ thuở nằm nôi

(Chuyện Với Người Đã Khuất – Trần Trung Đạo)

Cõi thơ Trần Trung Đạo đậm đà súc tích, tràn đầy hình ảnh quê hương, dân tộc, nồng nàn tình tự núi sông. Vì thế, người đọc thường bắt gặp một số địa danh như: Làng Nhân Mã, chợ Cầu Chìm, nước sông Thu Bồn, bãi cát Tây An, Núi Quế, Cồn Chợ Đụn, bờ Giao Thủy, Núi Tiên Sa, Sơn Chà, An Hải hòa quyện cùng với bờ tre xanh, vầng trăng sáng, hương lúa chín, dòng sông xanh, cùng với giọng hò cô thôn nữ nơi bến đò Nam Phước… tạo nên sức sống linh hoạt làm nền cho tuổi thơ Trần Trung Đạo, lồng lộng bóng hình của Cha, của Mẹ, của người thân cùng đất nước.

Nói đến Mẹ trong thơ Trần Trung Đạo, người đọc có thể ngầm hiểu là tuổi thơ của tác giả, và nói đến Mẹ, người đọc cũng có thể hiểu là quê hương, là dân tộc và Cha là tự do:

“Quê hương là Mẹ. Vâng, nhưng chỉ có Mẹ thôi thì cũng không đủ nhân tố để làm nên một cuộc đời khác. Không đủ yếu tố để tạo nên hạnh phúc. Mẹ có đó thì Cha đâu? Theo tôi, Cha chính là tự do.”

(Giấc Mơ Việt Nam – Trần Trung Đạo)

Từ những ý nghĩ đó, tác giả cảm nhận được thế nào là hướng đi đích thực để mong xây dựng tự do dân chủ cho Việt Nam. Và tác giả nghĩ rằng Việt Nam phải có tự do như bao nhiêu quê hương và dân tộc khác trên thế giới.

Dù sống trong cùng một quê hương, xứ sở nhưng có bao nhiêu người ưu tư về thực trạng đất nước, bao nhiêu người cùng chia sẻ nỗi đau giữa lòng dân tộc? nhưng riêng tác giả đã thấy tận mắt những vết hằn trên quê hương, những đói khổ của dân tộc đã in sâu vào ký ức của người thiếu niên Việt Nam như tác giả.

“Cảnh đời tuy có khác nhau. Tuổi tác tuy có khác nhau. Thời điểm tuy có khác nhau. Nhưng chúng ta, những người Việt Nam may mắn còn sống sót, cùng mang một nỗi đau chung: nỗi đau Việt Nam. Nỗi đau lớn dần theo mỗi ngày biệt xứ. Nước mắt các bà Mẹ Việt Nam khắp ba miền góp lại chắc đã nhiều hơn nước sông Hồng. Xương trắng của cha anh chúng ta nếu chất lại chắc đã dài và cao hơn cả giải Trường Sơn.” (Giấc Mơ Việt Nam – Trần Trung Đạo – Lời tựa)

Tác giả sinh ra trong những cơn bão lửa và lớn lên trong những trận cuồng nộ của con người thời đại, đã tác hại trên quê hương Việt Nam thành những hố thẳm thù hằn bởi ý thức hệ. Một ý thức hệ giết chết tình người và xoi mòn con tim dân tộc. Tác giả có cái nhìn đích thực là quê hương hiện giờ bị tàn phá bởi chủ nghĩa ngoại lai, và tác giả còn thấy rõ hơn những thảm trạng Việt Nam đang đổ ập xuống người dân Việt Nam đó là một quê hương nghèo, nghèo như buổi cơm chiều nơi vùng kinh tế mới:

“Gạo lãnh lúc chiều không đủ nấu cơm
Nên đêm ấy cả nhà ăn cháo trắng
Mỗi giọt cháo là một liều cay đắng
Chảy vào vết thương đang ung mủ trong hồn…”

(Bài thơ tháng 4 – Trần Trung Đạo)

Tư tưởng Trần Trung Đạo là tư tưởng tiêu biểu cho lớp người trẻ đầy nhiệt huyết để xây dựng quê hương. Tư tưởng đi theo dòng lịch sử giống nòi hơn bốn ngàn năm qua của dân tộc. Khi còn ở quê nhà, tác giả đã chứng kiến cảnh điêu tàn của mái nhà xưa đổ nát vì bom đạn chiến tranh. Cha chết, người thân thương chết, xóm làng xác xơ, cỏ đồng hoang vắng chẳng còn xanh tươi cho đàn trâu no bụng, cho đàn cò trắng dạo quanh tìm mồi, cho em bé thả diều trong gió mát mà thấy lòng mình nô đùa vô tư trong âm hưởng tiếng diều vi vu của đồng quê thơm mùi lúa sạ. Tất cả những hình ảnh đó vẫn đậm sâu trong ký ức của tác giả cho đến hôm nay. Sau khi vượt biên ra nước ngoài, tác giả đã từng cất bước đi khắp mọi miền từ diễn đàn văn học thi ca; đến các cuộc hội thảo, hội luận tuổi trẻ trong cộng đồng người Việt. Tác giả đều luôn thuyết trình hay dẫn khởi về một hướng đi cho tuổi trẻ Việt Nam có cái nhìn về quê hương nòi giống. Về cái dũng, cái khí khái hiên ngang của các anh hùng, liệt nữ, các nhà cách mạng vì nước hy sinh. Tác giả đã trang điểm trên mỗi tâm hồn tươi trẻ đàn em của tác giả những bông hoa dân tộc, những tinh túy giống nòi, những điểm ưu việt mà tác giả nghĩ rằng chỉ có quê hương của tác giả mới có. Như giống nòi Hồng Lạc. Như bọc trứng trăm con. Như Phù Đổng Thiên Vương ngựa sắt, roi sắt phá giặc Ân. Tác giả đã chuyển tiếp dòng máu quật cường của Lý Thường Kiệt: “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” và tấm lòng trung trinh với tổ quốc của Trần Bình Trọng: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.

Mấy chục năm qua dòng máu đó cứ xuôi chảy về tim của người thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu dân tộc giống nòi:

“Mấy chục năm sau, trong những đêm thao thức xứ người tôi vẫn thường mơ ngày về thắp nén hương trên mộ cụ Trần Quý Cáp, thăm lại bà con xứ Quảng. Tôi yêu những con người chân chất hiền hòa như dòng sông Thu mênh mông đổ về biển cả, và tôi cũng yêu cả tính ngang tàng thẳng thắn của đồng bào tôi sừng sững như dãy Trường Sơn.” (Giấc Mơ Việt Nam – Trần Trung Đạo)

Tư Tưởng Trần Trung Đạo được diễn đạt qua thơ văn, tác giả đã gởi trọn lòng mình xuôi theo con nước lớn, ròng của dòng sông Thu Bồn, của dòng sông Nhị, của Cửu Long Giang hòa nhập vào đại dương nhân loại. Vậy thì, thế hệ trẻ hôm nay có cái nhìn như thế nào về đất nước Việt Nam, về dân tộc Việt Nam để góp phần bằng đôi tay rắn rỏi, bằng tấm lòng thuần hậu của con dân Việt Nam?

“Cơn bão lửa dù chưa qua hết nhưng với ý chí vươn lên, những người Việt Nam may mắn còn sống sót, thay vì ngồi thở ngắn than dài cho số phận, đã dìu nhau đứng dậy, dìu nhau đi lên, sống một cuộc sống tích cực, làm những công việc tích cực cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước. Nhờ thế, sau đêm tối trời của vận nước và đời mình, đa số chúng ta đã tìm được một cành mai hy vọng ở xứ người. Để từ đó làm điểm khởi hành lên đường đi dựng lại Mùa Xuân Dân Tộc.” (Giấc Mơ Việt Nam – Trần Trung Đạo – Lời Tựa)

Tuổi trẻ Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi, như đàn chim Việt tan tác khắp bốn phương trời, rồi dừng chân đứng lại trên mọi miền lãnh thổ và trưởng thành theo từng giọt nắng, hạt mưa nơi xứ người. Bằng bài học lịch sử của Cha Ông, kể từ thuở sơ khai mở nước, dựng nước, Tổ tiên chúng ta đã lấy xương làm đất, lấy máu làm sông để tô thắm giang sơn gấm vóc. Lấy tâm thức nuôi chí anh hùng, lấy tình thương gieo mầm lẽ sống, để hôm nay đàn cháu con noi gương người xưa dồi lòng giữ chí, thẳng thắn nhìn về đất nước Việt Nam ngày nay còn nhiều điêu linh thống khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu nhân nghĩa, cũng chẳng có nhân quyền. Cả nước như thu mình vào chốn bùn lầy.

“…Những con nước nhỏ dưới chân cầu đã trôi ra biển rộng. Nhưng không phải vì thế mà tan loãng trong đại dương bát ngát như hàng triệu con nước khác. Trái lại, những giọt nước từ sông Hồng, sông Hương, sông Ba, Thu Bồn, Trà Khúc, Cửu Long, Vàm Cỏ, vẫn hẹn một ngày bốc thành hơi, bay về tưới mát ruộng đồng xứ Việt thân yêu đã nhiều năm đại hạn…” (Giấc Mơ Việt Nam – Trần Trung Đạo – Lời Tựa)

Tuổi trẻ Việt Nam lên đường để chuyển hóa bóng đêm, mang ánh sáng để xây dựng, kiến tạo lại một Việt Nam giàu đẹp, thực sự thanh bình như thủa Cha Ông. Đó là Giấc Mơ Việt Nam và thơ của Trần Trung Đạo:

“Lịch sử Việt Nam
Vinh nhục thăng trầm bao nhiêu bận
Nhưng chưa bao giờ đen tối hơn hôm nay”

(Người Con Gái Việt Nam Trên Đại Lộ Sri Ayuthaya – Trần Trung Đạo)

Dân tộc lầm than, thiếu thốn nên phải cần mẫn bằng đôi tay, trả nợ áo cơm, nuôi thân, nuôi gia đình trên mảnh đất cày trên rừng, trên rẫy, trên sỏi đá, sườn non, nơi đồng chua nước mặn của xứ Quảng, quê hương tác giả:

“Quê hương tôi nghèo khổ quá. Một hạt lúa trồng được ở Trung Phước, Đức Dục, Điện Bàn công khó bằng cả ký lúa ở Sa Đéc, Cần Thơ. Một trái bòn bon ở Đại Lộc quý bằng cả chục trái xoài, trái mít ở miền Tây.” (Mảnh Đất Nào Chôn Khúc Nhau Tôi – Giấc Mơ Việt Nam – Trần Trung Đạo)

Thơ văn tác giả Trần Trung Đạo đã nói giùm tiếng nói của những mảnh đời kém may mắn ngay trên quê hương mình. Kêu lên những tiếng đau thương cho mọi người cùng biết về thực trạng nghèo đói của bao gia đình không chốn nương thân, lê lết trên vỉa hè phố xá trong cảnh màn trời chiếu đất, để rồi biết bao mầm sống còn măng non đã bỏ mình vì thiếu sữa:

“Trong thơ tôi, có câu chuyện thật về Bà Mẹ Điên bỏ vùng Kinh Tế Mới về Sài Gòn tìm chỗ sống. Mẹ giăng tấm vải dầu trên một góc đường Trần Hưng Đạo để che nắng, che mưa cho bầy con thơ dại đang đói khổ. Mẹ bán tất cả những gì Mẹ có thể bán, kể cả máu của mình để mua sữa cho con. Cuối cùng đứa con nhỏ cũng chết. Những đêm khuya nhớ lại tiếng khóc của con đói lả trên tay Mẹ ngày nào, bà Mẹ một mình ôm chiếc gối ra đứng hát như người điên trên vỉa hè Đồng Khởi.

Tôi có bà Mẹ đã chết ngoài khơi trong cuộc hành trình bi thảm của những con chim Việt xa đàn. Mẹ gục xuống trên sàn ghe như thân chuối sau vườn nhà của Mẹ năm xưa trong một đêm giông bão tuyệt vọng.” (Giấc Mơ Việt Nam – Trần Trung Đạo)

Nơi những quê hương tự do dân chủ, chúng ta được đi trên những nấc thang tiến hóa của thời đại, ấy là cơ may để tác thành sự nghiệp đời mình, trong khi đó dân tộc Việt Nam đang đắm chìm trong bóng đêm tăm tối của những chủ nghĩa tín điều, hủy diệt những tinh túy của dân tộc. Trong cộng đồng nhân loại trên thế giới, có những dân tộc phải lưu vong cả hàng ngàn năm, họ đã phải tha phương cầu thực, nhưng tâm tư dân tộc, nỗi lòng quê hương họ không bao giờ quên lãng, và luôn ấp ủ có ngày về để nhìn rõ mặt quê hương của mình. Một dân tộc Do Thái, một quê hương Tây Tạng, hay mối hờn Hiroshima, Nawasaki của dân tộc xứ Phù Tang… Tự ái dân tộc và danh dự giống nòi là điều cần có trong dòng máu của mọi người Việt Nam.

“ …Có mấy ai trong chúng ta khi nghe những chữ Quê Cha Đất Tổ, Mẹ Việt Nam, Cái Đình, Cây Đa, Bến Đò v.v… mà không khỏi bồi hồi xao xuyến. Trong ý nghĩa đó, mỗi chúng ta là một phần kế thừa của Hồn Thiêng Sông Núi, Quê Cha Đất Tổ. Mỗi chúng ta là một cá nhân không thể phân ly của đại gia đình Việt Tộc…” (Giấc Mơ Việt Nam)

Thơ văn Trần Trung Đạo, như tâm hồn của tác giả ôm ấp nỗi niềm như tựa đề của tác phẩm “Giấc Mơ Việt Nam” để làm tiền đề cho thế hệ thanh niên Việt Nam chúng ta hôm nay, có Giấc Mơ Việt Nam thật sự thanh bình, thịnh trị ấm no và phú cường.

Cali ngày, 17 tháng 12 năm 2005
Thích Nguyên Siêu




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1499 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.200.102 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...