Phật Đản vừa qua lại đến ngày kỷ niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, một Thánh Tăng dùng thân mình làm ngọn đuốc thức tỉnh lương tri nhân loại, đánh thức nhà cầm quyền lúc bấy giờ chìm sâu trong vô minh thế lực. Đành rằng, nhà Ngô không hoàn toàn có tội tạo nên cuộc suy vong một thể chế, bởi phía sau, còn nhiều âm mưu, nhiều áp lực tác động từ gia đình đến chính trị bên ngoài.
Không ai muốn một đất nước suy vong, không ai muốn có một cuộc hành quân "nước lũ" đêm 20/8/1963 làm đau lòng một dân tộc, để rồi, liên tục xã hội chìm sâu vào cơn loạn lạc. Qua hơn nửa thế kỷ, nhìn lại bằng tâm cảm con Phật, chẳng qua là nghiệp lực của một dân tộc, từ nhà cầm quyền cho đến tôn giáo nạn nhân đều đáng thương, đáng thông cảm. Việt Nam luôn là con cờ trên bàn cờ Quốc tế.
Bao lần thỏa hiệp giữa Ủy Ban Liên phái bảo vệ Phật giáo và chính quyền đương thời, nhưng rồi, có lẽ Tổng thống Ngô Đình Diệm vì một áp lực nào đó, vì một cạm bẫy nào đó, đan tâm mạnh tay đối với Phật giáo, để rồi mọi người đều đau đớn, một chế độ đau đớn vì sụp đổ, một xã hội đau đớn vì lòng người mất niềm tin với giới lãnh đạo, một Phật giáo đau đớn đã phải hy sinh bao mạng sống không những trong lúc đấu tranh sống còn, mà còn đau thương cho nhiều anh em Phật tử miền Trung bị bạo hành đến chết, bị bỏ vào bao bố thả sông, bị mất tích một cách mờ ám...
Những lúc mà nhà cầm quyền đương thời cứ nghĩ có quyền là có tất cả, không chịu lắng nghe trái tim của nhân dân, tin máu đổ từ Huế vào đến Sài Gòn làm rỉ máu con tim của những nhà đấu tranh cho dân chủ, của nhũng sinh viên tri thức trong và ngoài nước, để rồi, từ Nhật Bản, bài thơ "Tin Loạn Quê Hương" của Huyền Linh Tử ra đời, làm nức lòng phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đa phần anh chị em sinh viên, các nhà trí thức đương thời, đã chọn Caraven làm cứ điểm cho báo chí tụ họp quanh nhóm sinh viên do Huyền Linh tử cầm đầu, để rồi... mọi sự kết thúc trong đau thương.
Phật giáo không hả lòng trước sự tang thương của một chế độ Ngô quyền, quần chúng không hả dạ khi xã hội đầy thương tích. Vết thương chưa kịp lành mặt, liên tiếp các cuộc xuống đường ngoài ý muốn để hào khí 1963 thành một ảnh nhòa trong giáo sử.
Hơn nửa thế kỷ, nhìn lại, không ai là có tội, tội chăng là do nghiệp vận của một dân tộc đến nay vẫn chưa thấy con đường sáng như các quốc gia trong khu vực. Kỷ niệm ngày Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu không có nghĩa là một kỷ niệm hãnh diện làm nên trang sử, chỉ là một kỷ niệm để hy vọng hậu thế đừng bao giờ có thêm những ngọn đuốc sống đau thương để đòi quyền sống, quyền bình đẳng giữa con người với con người. Hy vọng không còn một dân tộc mang nặng hận thù, vì tình người vẫn là chất liệu của dân tộc Việt. Tất cả là anh em và nhìn nhau bằng tình anh em trong bào thai trăm trứng. Trong cơn đau tột cùng với bạo quyền, giòng thơ rỉ máu của Vũ Hoàng Chương ra đời, cũng như bài "Tin Loạn Quê Hương" của nhà thơ Huyền Linh Tử, một chứng nhân lịch sử của thế kỷ XX, một nhân vật lãnh đạo sinh viên lúc bấy giờ đã viết lên những con chữ, những giòng thơ bằng con tim, đổi lại, đôi chân bị liệt do tra khảo trong nhà tù, và giờ đây, vẫn là kẻ sống âm thầm bên lề xã hội với các học sinh nghèo giữa lòng Thành phố. Một căn phòng trọ u ám như cố che đậy một kiếp sống đen đúa qua nhiều thời kỳ. Anh vẫn an lạc trong kiếp nghèo và vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội những con chữ giáo dục đạo đức cho trẻ em thất học. Nhân vật thời ấy, vẫn còn sống đến hôm nay,xin trang trọng giới thiệu bài
"Tin Loạn Quê hương" của Huyền Linh Tử và bài
Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương nhân kỷ niệm ngày Bồ Tát tự thiêu:
TIN LOẠN QUÊ HƯƠNG
Tokyo qua dòng tin tê tái
Quê hương tôi cửa Từ Bi nhuộm máu
Bầy con yêu say đạo cả cúi đầu
Trước bạo tàn, ôi có một không hai!
Quê hương tôi đau thương kêu gọi
Những đoàn người không khí giới vùng lên
Tay chấp tay cả toàn thế giới
Tiếng Nam Mô cứu khổ vẫn vang rền
Như cầu nguyện
Cho những con người khéo bôi mặt
Tiếng chuông rơi nức nở như tha thiết
Nhưng tiềm tàng một tiếng vọng bất khuất
Vùng lên mãi một sức mạnh tuyệt thế
Họ tranh đấu bằng âm thầm lặng lẽ
Người không ăn, kẻ không uống
Những đoàn người chấp tay cúi đầu
Tấp nập kéo nhau đi
Tiến về những đại lộ
Những công trường Thủ Đô
Và trước Quốc Hội
Tokyo! Tokyo! Tôi biết rồi!
Tôi biết họ đấu tranh bằng tinh thần
"Bất bạo động"
Nhưng đầy cả ý chí bất khuất
Cha mẹ, anh em, đạo hữu họ chết
Nước mắt rớm nhưng máu lòng không rỉ
Nhưng lòng họ rớm máu
Vì tủi nhục!
Lòng họ rớm máu
Vì đoàn thể họ bị xéo dày!
Lòng họ rớm máu
Vì tín ngưỡng áp bức!
Lòng họ rớm máu
Vì những lời láo toét!
Lòng họ uất hận!
Vì những tấn tuồng vu khống
Quê hương ơi!
Tôi biết lắm quê hương ơi!
Đêm tối ấy trong lòng tôi ghi mãi
Viết thành thơ "những nỗi sầu thống thiết"
Gửi quê hương dòng hận cảm u buồn
Quê hương ơi, đừng khóc quê hương nhé!
Chính là thế, trời hôm nay lại sáng
Đấu tranh đi!
Dù không khí giới trong tay.
Đấu tranh đi!
Dù mỏi mòn kiệt lực.
Đấu tranh đi!
Dù một mạng sống còn.
Cứ thế mãi
Bất bạo động quê hương nhé!
Còn gì hơn
Cao cả lắm quê hương ơi!
Hơn cả súng đạn cầm quyền
Hơn cả bạo tàn độc ác.
Họ bắn, không van lơn!
Họ chém, không cúi lạy!
Họ bắt, cứ im lìm kéo nhau vào ngục tối.
Vẫn cứ thế,
Bất bạo động quê hương nhé!…
Quê hương ơi!
Tuy quê hương không nói
Nhưng Tổ Quốc thấu rõ.
Và lịch sử đã ghi lên,
Ghi lên hai chữ “bạo tàn”!
Tokyo, ngày 8 tháng 6 năm 1963
Sinh viên khoa học HUYỀN LINH TỬ
LỬA TỪ BI
Vũ Hoàng Chương
Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành Thơ, quỳ cả xuống.
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhoà lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc,
Ánh Đạo Vàng phơi phới
đang bừng lên, dâng lên...
Ôi, đích thực hôm nay Trời có Mặt!
Giờ là giờ Hoàng-Đạo nguy nga.
Muôn vạn khối sân-si vừa mở mắt
Nhìn nhau: tình huynh-đệ bao la.
Nam mô ĐỨC PHẬT DI ĐÀ
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ,
NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày
Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây
Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ
PHẬT-PHÁP chẳng rời tay...
Sáu ngả luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay.
Không khí vặn mình theo
khóc oà lên nổi gió
NGƯỜI siêu thăng...
giông bão lắng từ đây.
Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây
Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ-Đề.
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi!
Chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô-hình sáng chói nét TỪ-BI .
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi ?
Ngọc đá cũng thành tro
lụa tre dần mục nát
Với Thời-Gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ! còn TRÁI TIM BỒ TÁT
Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.
Ôi ngọn LỬA huyền vi!
Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác
Từ cõi Vô-Minh
Hướng về Cực-Lạc.
Vần điệu của thi-nhân chỉ còn là rơm rác
và chỉ nguyện được là rơm rác
Thơ cháy lên theo với lời Kinh;
Tụng cho nhân loại hoà bình
Trước sau bền vững tình huynh-đệ này.
Thổn thức nghe lòng Trái Đất
Mong thành Quả Phúc về Cây.
Nam-mô THÍCH CA MẦU NI PHẬT
Đồng loại chúng con
nắm tay nhau tràn nước mắt
tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây.
(Khởi viết từ ngày 11-6-63 xong ngày 15-7-63 tại SAIGON)