Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Ðịnh Hướng Tương Lai Với Thế Hệ Tăng Sĩ Trẻ Ngày Nay »» Ðịnh Hướng Tương Lai Với Thế Hệ Tăng Sĩ Trẻ Ngày Nay »»

Ðịnh Hướng Tương Lai Với Thế Hệ Tăng Sĩ Trẻ Ngày Nay
»» Ðịnh Hướng Tương Lai Với Thế Hệ Tăng Sĩ Trẻ Ngày Nay

Donate

(Lượt xem: 11.068)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Ðịnh Hướng Tương Lai Với Thế Hệ Tăng Sĩ Trẻ Ngày Nay

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kính bạch quý Ôn, Kính thưa quý Thầy, đại chúng cùng quý Phật tử hiện diện,

Hôm nay chúng tôi được quý ôn, quý thầy trên cho phép và tạo điều kiện cho chúng tôi gặp gỡ đại chúng và quý Phật tử có nhân duyên. Trong hai năm qua, từ các buổi học về Câu xá, học Luật, các thầy, các chú đã có nghe tiếng nói của tôi rồi, nhưng nay mình mới có dịp để nói chuyện với nhau. Đây không phải là lớp học mà là buổi nói chuyện. Chuyện đời có, chuyện đạo có. Tuy rằng mình nói chuyện đạo, nhưng bây gìờ mình không thể tách đạo ra khỏi đời.

Chuyện thì nhiều lắm, đây mình chỉ nói vài chuyện để hiểu thôi. Với lại, quan trọng hơn, để cho chúng ta quen. Sau này khi nghe tôi ở trong đó giảng ra, mấy thầy, chú tưởng tượng như tôi đang ngồi đây cho nó dễ. Phần tôi, khi giảng ở trong đó tôi cũng tưởng tượng được trước mặt tôi như thế nào. Trước nay ngồi ở trong đó mà giảng, tôi chỉ thấy có vách tường không hà! (tiếng cười rộ…). Thành ra nhiều khi không biết nói như thế nào. Không biết được các thầy, chú có hiểu không và hiểu tới mức nào? Đúng là nhắm mắt mà nói. Bây giờ mấy thầy nghe, được mờ mắt mà nhìn, còn tôi mở mắt mà nói!

Ngoài ra, hôm nay còn có thêm một số Phật tử tham dự để nghe-gọi là kết duyên nhưng cũng xin quý vị thông cảm, vì hôm nay chắc tôi nói chuyện với mấy thầy ở đây nhiều hơn, và có nhiều vấn đề có thể không liên can tới quý vị. Vả lại đây cũng không phải là buổi giảng pháp hay buổi học.

Trong buổi nói chuyện, nói về tiếp xúc. Nếu tôi sống ở đây với đại chúng thì vấn đề nó khác vì quan hệ của mình hằng ngày có tiếp xúc, nói với nhau về tâm tư, tình cảm. Giữa thầy và trò hiểu nhau thì vấn đềtruyền trao, học hỏi có dễ dàng hơn. Còn chúng ta đây, mỗi người mỗi đường. Sự hiểu biết, trình độ… mọi cái đều rất là cách biệt thì để nói chuyện thật thông cảm rất là khó.

Với lại, có một điểm mà tôi biết qua kinh nghiệm của mình từ hồi nhỏ là giữa hai thế hệ: thế hệ lớn và thế hệ nhỏ, chắc chắn phải có một khoảng cách mà mình rất khó vượt qua. Vấn đề khoảng cách, như trong gia đình giữa cha và con. Trong xã hội, giữa thầy và trò. Không những chỉ chúng ta mà ở phương tây cũng vậy. Luôn có nhiều xung đột, ray rứt trong xã hội mà vì không để ý nên chúng ta không thấy. Ví dụ như tôi hồi nhỏ đi học, hay ngay cả trước tôi như sư ông Nhất Hạnh mà qua lời kể, tôi biết có những khoảng cách rất khó. Lúc đó, với các Thầy, Tổ đi trước họ chỉ học nội điển thuần túy, không đi học ngoài. Là người đầu tiên chủ trương Tăng sĩ cần phải học để hiểu biết xã hội chung quanh mình. Sư Ông là người đầu tiên tự động học tiếng Anh, tiếng Pháp, lúc đó đã bị chống đối rất nhiều. Cho đến ngày nay, nếu một vài quý vị còn nghe vài lời không bằng lòng về sư Ông, nghĩa là hậu quả đó vẫn còn. Tức là đã qua nhiều thế hệ-trên 50 năm rồi mà ảnh hưởng đó vẫn còn kéo dài.

Còn trường hợp của tôi, như hồi trẻ lúc ở Từ Đàm tôi có nghe Ôn Từ Đàm than như vầy: “Hồi xưa giữa Thầy với các Tổ luôn có tình cảm thân thiết thầy trò, là vì thầy dạy cái gì thì trò học cái đó, mà trò học cái gì thì thầy dạy được”. Cũng đúng thôi, vì như tôi lúc đó đi học toán về thì Ôn Từ Đàm không dạy được. Tôi đi học vật lý thì về Ôn cũng không biết đâu mà dạy. Còn dạy kinh điển theo như chương trình hồi xưa thì lớp trẻ họ không thích cách tiếp thu đó. Đó là khoảng cách, và là nỗi ray rứt của các thế hệ lớn, như thế hệ Ôn Từ Đàm. Mà thế hệ đệ tử đầu tiên đó, Ôn chăm sóc kỹ lắm, nhưng khi hiểu ra mình không thể dạy được thì Ôn bỏ lơ-như thế hệ của tôi. Nghĩa là Ôn bỏ dần. Đứa nào học được thì học, Ôn không nói được.

Cho đến lớp của tôi thì khi tôi bắt đầu đi dạy, tuy không có cách biệt nhiều về tuổi tác, vì tôi đi dạy hồi còn rất trẻ. Giữa thầy và trò chỉ hơn nhau vài ba tuổi nhưng tôi nhớ có lần mình la các thầy học tăng ở viện Cao Đẳng Hải Đức không lo học, thì các thầy có nói: “Thầy thông cảm tụi con còn trẻ, thầy cho tụi con chơi một chút”. Tôi nói: “Chớ tui có lớn đâu! Hơn mấy thầy vài ba tuổi là cùng”. Chỉ cách vài ba tuổi mà vẫn có khoảng cách, hoặc cảm giác có khoảng cách. Cho tới bây giờ tôi vẫn cảm giác có khoảng cách, Bây giờ không phải khoảng cách về vấn đề trình độ nữa, như khoảng cách hồi thời Ôn Từ Đàm.

Bây giờ các thầy, các chú đi học đại học về tôi có thể giảng được. Ngay như các thầy đi học toán, học vật lý cấp đại học, khi cần tôi vẫn có thể giảng cho được, huống hồ là kinh điển. Nhưng mà vẫn có khoảng cách mà nhiều khi tôi không dám nói. Ngay như ở chùa Già Lam, có nhiều cái mình không dám nói. Mình có cảm giác rằng có lẽ mình lạc hậu rồi. Mình già nên có thể lạc hậu… nên có nhiều điều mình không dám nói. Nhưng vấn đề chủ động là ở thế hệ trẻ.

Tuy là có khoảng cách, nhưng thế hệ trẻ phải chủ động nhất là ở các học tăng ở cái giai đoạn gọi là bắt đầu. Ít nhất là từ khi bắt đầu thọ giới Tỳ kheo, các tân Tỳ kheo ở tuổi 20, cái tuổi đó ở ngoài người ta gọi là bắt đầu bước vào đời. Ở đây, mình bước vào đạo. Mà đời hay đạo, đều phải có định hướng. Ở cái tuổi đó là phải có định hướng. Định hướng thế nào cho chính mình và cho nhiều vấn đề nữa. Ở ngoài, cái tuổi đó vào đời chỉ cần định hướng cho tương lai của chính mình. Nhiều lắm là cho gia đình mình. Chỉ có “hoàng tử” may ra mới có định hướng cho tương lai của đất nước, dân tộc mình. Nhưng đối với quy thầy còn hơn như thế nhiều, tuy là còn trẻ.

Khi mới thọ giới, phải định hướng cho cuôc đời của mình có giữ trọn chiếc áo này không? Phải làm thế nào để giữ được? Tức là cái tinh thần, cái khí tiết của mình, phải giữ cho bản thân mình và cho cả đạo pháp nữa. Trong đó có nghĩa một cách gián tiếp định hướng cho cả dân tộc, chứ không phải đơn giản. Đó là cái sứ mạng mình phải nhận thấy. Bởi khi mình nói rằng một người thọ giới Tỳ kheo là phát túc siêu phương, tâm hình dị tục. Tức là tiến tới một phương trời cao rộng, thì mục đích không phải là thấp kém. Không thể hèn nhát. Không bình thường như người sinh viên ngoài đời. Sinh viên ngoài đời nếu học giỏi lắm, chức vụ làm tới tổng thống là cùng. Và ước mong nhiều lắm là làm ích nước lợi dân cho một đời là hết.

Còn trách nhiệm của một Tỳ kheo, một vị thầy thì định hướng cho tương lai của mình là phải bảo đảmcho trọn vẹn con đường đi của mình, mà còn bảo đảm cho được cả sự kế thừa và tồn tại của chánh pháp. Điều đó có nghĩa là làm đuốc soi sáng cho cả cộng đồng-nếu nói nhỏ là cộng đồng Phật tử chung quanh mình. Nói lớn ra là mình đủ khả năng thắp lên ngọn đèn để tìm hướng đi cho đất nước, cho dân tộc. Hay rộng lớn hơn nữa là cho cả nhân loại. Nhưng nói lo cho đất nước, cho cả nhân loại thì cao quá, xa quá ta cho là viễn vông. Thì thu nhỏ lại, nói là cho cộng đồng Phật tử thôi thì tạm thời cũng được, nhưng không thể không định hướng. Định hướng thì tùy vào khả năng của mình. Cái đó mấy thầy dạy không được. Không ai dạy được cái định hướng này cho mình. Các thầy dạy đủ cả: giới luật, tu trì, kinh nghiệm… Nhưng chắc chắn các thầy dù có trí tuệ tới đâu-vì mình chưa phải là thánh, chưa có được trí tuệ Bát Nhã của Phật, nên vẫn bị hạn chế về thời đại của mình. Như nói trong 10 năm nữa, đất nước này sẽ như thế nào, bản thân tôi không biết được. Nhưng mấy thầy cần phải biết! Vì bây giờ các vị thọ tân Tỳ kheo ở tuổi 20 thì 10 năm nữa 30 tuổi, mấy thầy bắt đầu hành đạo, có trách nhiệm gánh vác việc đạo, thì lúc ấy đất nước như thế nào? Mình sẽ phải làm gì, phải định hướng! Đó là việc tôi phải định hướng ngay từ khi tôi 20 tuổi. Không thể không có được!

Như bây giờ nói riêng chuyện bản thân tôi, khi tiếp xúc với thanh niên ở nước ngoài về, họ có học, có trình độ, nói đủ các vấn đề Đông-Tây, văn hóa, triết lý… Tôi không sợ, nhưng tôi nói rằng có một khoảng cách thế hệ-không phải là khoảng cách giữa thầy và Phật tử, nhưng dù sao tới một lứa tuổi nào đó, người ta vẫn có tinh thần bảo thủ nhất định.

Tôi lấy gỉả thuyết. Nói về gia tài Phật giáo Việt Nam, tôi nói đó là một cơ đồ đã mục có thể sập. Nhưng vì, trong đó tôi là người đã góp công rất nhiều, nên dù biết nó có thể sập tôi cũng không đủ can đảm để phá đi. Nhưng thế hệ trẻ các anh có đủ can đảm để phá, vì các anh chưa đóng góp gì trong đó cả. Các anh có quyền phá sập đi để xây dựng lại cái mới. Họ hoảng. Họ nói, thầy bảo sao? Tụi con không hiểu. Tụi con làm sao dám làm chuyện đó? Tôi nói. Là thanh niên, nếu các người muốn định hướng tương lai, phải đủ can đảm phá sập cái cũ, những cái đang mục rã. Không phải mình phản bội Thầy, Tổ. Không phải mình phản bội cơ nghiệp của tổ tiên, nhưng nếu cái nhà nó đã mục nát, cần đập để làm lại thì mình đập để làm lại cho nó đẹp. Mình đâu phải thuộc loại phá gia chi tử, thấy có sẵn nhà cửa muốn đập đâu thì đập, phá đâu thì phá. Mà mình muốn làm tốt hơn, phải biết tình trạng cái nhà. Phải nhận thức cho sáng suốt.

Mà như vậy ngay từ bây giờ, từ khi mới thọ Tỳ kheo, phải tập nhìn, nhận xét, học hỏi chung quanh. Học các thầy lớn, thầy nhỏ và phải tự định hướng cho mình. Nếu tôi không tự định hướng, tôi đã không học hỏi được. Mà mình phải nhận định, trong 10 năm nữa mình sẽ như thế nào? Cái này thầy không định hướng cho mình được. Các thầy dạy mình đủ cả. Từ kinh nghiệm, đức tu trì, giới luật… mọi cái đều dạy hết. Nhưng mà thầy không thể biết trong 10 năm nữa mình sẽ trở thành cái gì? Chỉ tự mình biết lấy. Mình muốn làm cái gì thầy không thể biết được. Thầy muốn mình như thế nào thì có, nhưng bản thânmình muốn mình sẽ như thế nào thì thầy không biết được. Tôi dạy đệ tử, tôi muốn sau này họ như thế này, như thế kia. Muốn họ kế nghiệp, kế thừa, truyền bá chánh pháp… nhưng thật sự tôi không biết họ muốn cái gì? Muốn làm ông hoà thượng hay muốn làm ông tổng thống. Muốn làm ông thầy tu hay muốn làm ông tiến sĩ, hay muốn làm ông ăn mày… tôi không hiểu được. Bản thân mình, là đệ tử mình phải biết để mà định hướng cuộc đời mình. Biết mình sẽ làm cái gì, và trong 10 năm tới khi mình trở thànhnhư thế thì đất nước sẽ như thế nào, nhân loại sẽ như thế nào? Đó gọi là định hướng mà nãy giờ tôi giới thiệu để các thầy nhìn thấy cái ý nghĩa, cái khái niệm rất tổng quát, để có những suy nghĩ về định hướng của mình.

Bây giờ nói về cách nhìn của tôi. Cách nhìn của mấy thầy tôi đã nói chừng đó rồi. Còn lại, mấy thầy tự nhìn lấy. Bây giờ nói cách nhìn của tôi về thế hệ tương lai., về mấy thầy đang ngồi trước mặt tôi đây. Tức là một tầng lớp tăng trẻ sẽ làm gì cho đạo pháp, và tôi sẽ nhìn. Trước hết là thất vọng. Ở đây, quý thầy ở Từ Hiếu tôi chưa tiếp xúc nhiều tôi không dám nói. Nhưng bản thân tôi gặp ở trong Saigon, tôi thấy thất vọng! Thiếu nghị lực. Đó là cái thất vọng thứ nhất.

Một người xuất gia, điều cần thiết là nghị lực. Nếu không có nghị lực không thể giữ được chiếc áo. Sau đó, nếu không có nghị lực không thể học hành được gì nhiều. Khi tôi mới ở tù về, nhiều học tăng thuộc thế hệ mới lớn- trong đó có nhiều người thật ra khi mới cạo đầu thì tôi đã ở tù rồi. Họ chưa biết tôi thế nào, nhưng đa số vẫn mến, đúng là vẫn có kính trọng. Nhưng mà họ nói với nhau thế này: “Thầy Tuệ Sỹ học hành giỏi, nhưng mà thầy…” Đại khái là họ không dám nói tôi ngang ngược, nhưng họ nói là thầy không dạy cho mình học kinh, uổng đi! Tôi đã trả lời thế này: “Cái học trong sách vỡ rất là dễ. Kinh sách trong Đại tạng cứ lấy ra học thì dễ. Nhiều người Thiên chúa giáo hay các tôn giáo khác họ học Phật rất là giỏi-giỏi hơn mấy Thầy lớn, hơn cả quý Ôn, có người còn giỏi hơn cả tôi nữa. Nhưng không phải vì vậy mà họ trở thành người Phật tử, họ phụng sự, truyền bá Chánh pháp, cho nên cái học đó không đáng”.

Cái học cơ bản, đó là học làm người; cái cốt cách của một thầy tu. Cái đó mới xứng đáng học. Mà nếu cái học đó thiếu thì không có hy vọng. Còn bây giờ, bảo rằng thôi thầy cứ ngồi dịch kinh sách cũng được, thì việc đó dễ thôi. Khi cần tôi sẽ ngồi dịch-cứ cho rằng tôi có sức khỏe để dịch trong 20 năm nữa đi, lúc đó tôi gần 80 tuổi rồi hỉ? Tôi dịch được. Mỗi năm tôi làm chừng 5, 6 bộ vì chỉ dịch, dễ thôi. Nhưng tôi dịch ra để chất chồng cả đống đó, không có ai đọc. Thế hệ trẻ không ai đọc, mà có đọc cũng chả hiểu thì tôi dịch làm gì? Để cho mối mọt ăn à? Cái quan trọng là phải có người đọc, phải có người kế thừa. Ngoài đời, người ta chỉ kế thừa về sách vỡ là đủ. Như ông thầy đi truyền nghề thợ hồ, ông chỉ cần truyền tay nghề cho khéo là đủ rồi, chứ học trò nó làm thợ hay đi ăn trộm thì là việc của nó. Nhưng người đi học đạo, đi truyền đạo không phải chỉ kế thừa kiến thức học được ở sách vỡ, mà là kế thừa cái tinh thần của đạo mà mình học được. Không phải trong vài ba ngày, không phải trong một thế hệ mà nếu nói ra là 2500 năm lịch sử không thể chối cãi, mà mình phải gánh mà đi. Mình đủ nghị lực để gánh mà thấy nó nhẹ chứ không phải nặng. Khi mình vận dụng đủ nghị lực và ý chí thì việc đó không nặng đâu. Chỉ với người lười nhác và thiếu ý chí thì nó mới nặng.

Tôi nói ngoài lề một chút cho vui. Cái thời của tôi đi học, khi lớn lên một chút thì quý thầy hay nhắc như thế này. Các chú ráng tu chứ về đời khổ lắm! phải lo cho gia đình, vợ con… khổ lắm! Tôi đã nói thế này. Mình ở đời lo cho một cái gia đình. Một bà vợ với 2, 3 đứa con mà lo không nỗi còn sợ khổ, thì khi mình xuất gia, mình phát nguyện độ tận chúng sanh, lo cả thiên hạ, thì lo làm sao mà lo? Như vậy chẳng lẽ mình cạo đầu vô chùa là để kiếm cơm à? Lo cho gia đình có vài ba người con còn sợ khổ thì vô chùa anh lo cho ai? Anh đi trốn à? Không xứng với tư cách một thầy tu. Đương nhiên về chuyện này thì tôi cãi với quý thầy tôi rồi. Đúng ra, các ngài muốn khích lệ mình hãy ráng mà tu, nhưng mà nói như vậy thìtôi phải cãi. Ngay cả với Mẹ, tôi cũng nói thế. Bà nói, làm như vậy thì mình khổ sao con? Tôi nói, mình đi tu mà còn sợ khổ thì tu làm chi? Ở ngoài đời cho sướng hơn cho rồi! Có gì mà khổ? Bà nói rằng mình được ở đây mà nói lung tung như thế, làm mất lòng người. Họ không cho mình ở, đuổi đi chỗ khác, có phải khổ không? Tôi nói, cái gì phải là nói. Đuổi đi hả? Tôi không sợ. Không cho tôi ở chùa tôi ra gầm cầu tôi ở. Ở đâu mà tu chả được. Tôi giữ cốt cách của tôi. Tôi ở gầm cầu cũng sống được. Phật ngày xưa là thái tử mà ngài sống ở gốc cây có sao đâu! Còn tôi là cái gì? Chỉ là dân thôi mà sống ở gốc cây không nỗi à? Tất nhiên là ý chí của mình ban đầu chưa đủ, nhưng mình phải học, phải rèn luyện. Mà cái học trước tiên là cốt cách, cái đó mình phải biết. Đã chọn con đường xuất gia “cát ái từ thân”, thì những chuyện như vậy mình không sợ. Phải phân biệt rõ giữa gia đình và trách nhiệm của mình chứ đừng để mình hèn, yếu kém quá, vì không lo nỗi cho gia đình nên bỏ đi tu. Chuyện đó không thể chấp nhận được. Cũng có thể có nhiều người như vậy, nhưng trong một tập thể tăng ít nhất phải có những người đủ nghị lực để mà gánh lên vai mình cái gánh nặng đó. Gọi là gánh nặng chứ nó không nặng đâu. Chứ còn người xuất gia mà cái tâm tư không rộng rãi thì không thể làm gì được, không thể lớn được.

Trở lại vấn đề, tôi nói cái học của mình, mục đích của mình không chỉ dừng lại ở đó. Người đời họ học nhiều lắm là để làm tổng thống. Đứng trên một xã hội, thế là to rồi. Còn mình đây không phải chỉ là tổng thống. Mình đứng trên cả ba cõi thì tổng thống nghĩa lý gì. Đến chư thiên còn chưa ăn thua gì. Làm ông trời, ông thượng đế còn không thèm làm mà! Đó là cái mình phải nhận định. Mình phải hiểu bản lãnh của mình.Ở đây, tôi nói lại cái thất vọng của tôi: mình thiếu nghị lực! Khi nghe thầy về thì cũng muốn học. Thì được, tôi tìm cách cho học, Dù tôi nói vậy, nói phải rèn luyện cái cốt cách, cái khí tiết, nhưng nếu muốn học thì tôi vẫn tạo điều kiện cho học. Thực ra không cần phải mở trường mới học được. Ở đây, các thầy Từ Hiếu đâu cần có trường lớp vẫn học được. Đâu cần phải có ban giảng huấn, bộ giáo dục mới học được. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn, mấy thầy hỏi thầy Thái Hòa đây thì biết. Từ những năm 80 rất khó khăn. Cả nước không ai mở được một trường học Phật mà mấy thầy ấy vẫn học được bốn năm, dù học rất khổ. Có đêm, ông thầy quản lý lên kêu, mình hết gạo rồi thầy ơi! Tôi làm sao kiếm được gạo đây? Tôi cũng chả biết. Thôi thì nhờ… Mình nói là mê tín đi! Nhưng mà cũng có Phật tử ở đâu đó có lẽ thấy mấy ông thầy khổ quá họ cũng thương nên đem cho một ít gạo. Rồi sau đó thầy trụ trì-tức thầy Đức Chơn cũng phải đi cúng. Vì mấy thầy khác đa số lo học, ít ai đi cúng. Rồi có hôm mấy thầy lên thưa, thầy trụ trì tối nay không thấy về, chả ai biết ra sao. Sáng ra thấy về, hỏi thầy đi đâu vậy? Nói, thì vô “sở” ngồi vì hành nghề trái phép. Là vì đi cúng. Cha mẹ người ta chết, coi giờ nhập liệm rồi lên mời thầy về cúng mà còn chờ mình đi xin phép hành nghề thì sao kịp? Cho nên phạm tội hành nghề trái phép, bị mời vô sở nhốt một đêm. Còn nhiều chuyện lắm… Hết chú này đến thầy kia bị công an mời lên… Bốn năm trời như vậy mà vẫn học và học giỏi! Các thầy vẫn cố chí học, và chính nhờ tình trạng đó mà vẫn duy trì được sinh mạng của Phật giáo, hay nói chung là tồn tại được trong cái… mình gọi là đại hùng, đại lực thì hơi quá hỉ? Nhưng mà không để cho người đời họ nói đó là một cái tập thể nhút nhát hay hèn nhát. Không! Mà vẫn tồn tại được. Nên tôi vẫn tìm cách cho mấy thầy học được. Ban đầu thì mừng lắm. Nghe nói học với thầy Tuệ Sỹ thì mừng lắm, nhưng được ít bữa thì nói thầy dạy khó. Thì đương nhiên học là phải khó rồi. Tôi có hát cho mấy thầy nghe đâu! Nhưng giữa thầy trò, thấy chỗ nào khó thì nói. Không hiểu thì nói tôi dạy lại. Mình học cái mới, cái lạ thì phải khó rồi chứ cái dễ thì học làm chi! Học mà ngại khó, rứa là chừng một tháng thì bỏ. Tôi làm nhiểu lần, và tôi thấy rằng từ khi tôi bắt đầu dạy học cho tới nay-trên 30 năm rồi chưa có lần nào thất bại, nhưng đây là lần đầu tôi thất bại. Ngày xưa tôi dạy thì mấy thầy cũng than khó. Có người còn nói thầy Tuệ Sỹ dạy hay tung hỏa mù. Nhưng khó thì khó mà vẫn học, chưa có ai bỏ.

Còn hiện tại thì có học đó, tới nhiều lần nhưng chỉ một thời gian rồi bỏ. Cái đó tôi không trách, tôi chỉ nói là thiếu nghị lực. Thế nhưng cũng có chuyện ngược đời, trong khi đó có những Phật tử, một số huynh trưởng gia đình Phật tử muốn được thầy dạy. Thì tôi cũng chỉ cho học. Tôi nói nhiệm vụ của tôi là học để truyền dạy mà. Họ nói sợ thầy bận việc. Tôi nói không. Bận cái gì? Việc của tôi là truyền dạy thì ai cần là tôi dạy. Chỉ có điều dạy lắc nhắc thì nó mệt, mình không đủ thời giờ. Phải học cho nó đông một chút, giảng một lần cho tiện. Vậy mà họ học rất kiên trì. Có người ở tận Thủ Đức, ban đêm đạp xe về Saigon mười mấy cây số mà người ta vẫn đi. Họ ở ngoài. Học Phật pháp là học phụ nhưng họ cần cái gì mà vẫn đi học? Vì thiệt ra học kinh điển họ chẳng vì danh vọng hay chức tước gì. Họ học có giỏi lắm cũg chả lên được thượng toạ, cũng chả làm được hòa thượng. Cũng chẳng có ai lạy họ một lạy… Nhưng tại sao họ học, và học rất đều. Mà tôi dạy kinh khó chứ không phải dễ đâu! Như kinh Duy Ma Cật đâu phải dễ hiểu. Nhưng tôi thấy khi tôi giảng họ hiểu. Trình độ của họ đâu có bằng mấy thầy, mấy chú đã lên tới cao đẳng. Nghĩa là đã học liên tục 6 hay 10 năm Phật học rồi, mà tôi dạy không hiểu. Trong khi Phật tử họ chẳng học gì nhiều, họ còn lo đi làm ăn, mà nghe tôi giảng họ hiểu. Không phải hiểu lơ mơ, vì tôi coi mặt tôi hỏi họ trả lời chứng tỏ họ hiểu. Vậy tại sao người ta hiểu, học được. Còn mấy thầy, mấy chú học không được?

Mình nói chuyện trong nhà một chút mà các Phật tử đây nếu nghe được thì đừng nghĩ lộn xộn nghe, rồi nói tôi nói xấu mấy thầy. Tôi nói để mấy thầy ở đây nghe mà hiểu. Thực tế có những vị buổi tối ngồi coi đá banh tới 3, 4 giờ sáng không thấy mệt, mà học thì mệt. Đây chỉ là một số thôi. Vì dù sao, ngay cả ở Saigon, mình cũng có hy vọng. Vì cũng có một số khác rất là hăng hái, thích học hỏi. Bây giờ tôi nói lại thế này. Không phải tôi chỉ trích mấy thầy lười, nghị lực hay không nghị lực. Mà phải có điều kiện tu tập. Tôi nói tại sao mấy thầy không thích học. Ở trong đó đi học nhiều lắm. Trường lớp mở rất nhiều nhưng có những trường hợp đi học mà muốn xin vô trường cao đẳng nhưng vì thiếu cái bằng cơ bản, người ta phải mua cái bằng cơ bản hai, ba triệu đồng để đi học. Thì cái học này là thế nào? Đi học kinh điển mà phải mua bằng cấp để đi học. Đây là dấu hiệu không lành mạnh trong vấn đề giáo dục. Tôi nói để mấy thầy phải ý thức về chuyện này. Không phải mình bày chuyện để nói xấu, nhưng mình phải hiểu biết tất cả những hoàn cảnh giáo dục chung quanh mình. Bây giờ thì cái vấn đề xây dựng, lãnh đạo để hướng dẫn thì quý Ôn với quý thầy chúng tôi có trách nhiệm. Nhưng trong vòng 10 năm nữa ở đây các thầy, các chú phải ra làm cái nhiệm vụ đó. Phải hiểu ngay từ bây giờ những chuyện như vậy- hiểu hết những mặt xấu va mặt tốt. Ở đây mình không cần nói tới mặt tốt tại vì mình hiểu rồi. Mình học Phật, mình biết cái tốt của nó rất nhiều, và mình biết mình phải khai triển những mặt tốt đó như thế nào. Nhưng đồng thời mình cũng phải biết những mặt xấu. Mình trồng rau thì mình biết rau tốt rồi-tốt mới trồng chứ! Nhưng mình cũng nên vạch lá tìm xem chỗ nào có sâu để cho bớt sâu đi. Thế hệ trẻ như, tôi không có ý chê nhưng đó là một sự thật.

Nếu nói về trách nhiệm thì đó là trách nhiệm của thầy lớn, mà trong đó tôi cũng có một phần. Mình đã không tạo điều kiện cho thế hệ trẻ rèn luyện nghị lực và ý chí. Cái nghị lực và ý chí này có một số trường hợp bẩm sinh đã có, nhưng đại đa số thì phải rèn luyện. Ta gọi là tinh-tấn-ba-la-mật mà! Đó là nghị lực, phải tu tập. Như Bồ tát phải trải qua hai a-tăng-kỳ-kiếp mới luyện được cái mình gọi là tinh tấn ba-la-mật. Rất tiếc là có những người khi xuất gia, quý thầy đưa vào chùa rồi không rèn luyện cho mình có nghị lực. Học đời thì dễ nhưng học đạo thì phải ngồi lại, trầm tĩnh và trang nghiêm để nhận định, vì học kinh điển thì không thể hời hợt được. Anh học toán tuy là khó, nhưng giải xong bài toán rồi chạy ra ngoài chơi, có rơi rụng hết vô ôn lại là được ngay. Nhưng học một trang kinh Kim-cang, Tâm-kinh… học thuộc xong bỏ đi chơi, không có một chút suy nghĩ nào thì không thể hiểu được. Cho nên cần có thời giờ học, suy nghĩ. Cần có nghị lực và phải tạo điều kiện để các thầy rèn luyện nghị lực, đó là một vấn đề. Đó là trường hợp trực tiếp của tôi dạy ở Saigon, và tôi vẫn hy vọng rằng nếu có điều kiện, tôi vẫn luôn tìm cách cổ vũ, hướng dẫn lớp trẻ tự mình rèn luyện nghị lực. Còn riêng ở Từ Hiếu này- hay nói chung là các thầy tỳ kheo trẻ ở Huế, qua những buổi dạy học và tiếp xúc quý vị rất ít, nhưng nói chung thì qua cách hiểu ở đây tôi thấy tinh thần học có. Nhưng về đây mà khen thì người ta nói tôi nịnh nên tôi không nói nữa. Tự mình có nghị lực hay không, tự mình biết lấy.

Tôi nói qua chuyện khác. Bây giờ tới chuyện này. Có nhiều vị, như các vị ngày xưa thì kinh điển không cần, nhớ trong đầu một chữ Như cũng được. Cái đó đúng. Trí huệ các ngài, ngay như đức Phật thì chả học hành gì. Chỉ cần ngồi khoanh chân một thời gian sau cũng thành Phật, gọi là vô-sư-trí mà! Nhưng chắc chắn mình không có được cái đó rồi, mà ngay như Thiện Tài đồng-tử cũng phải học, học nhiều. Thiện Tài đồng tử học cả 10 năm với Đức Vân, rồi đi lang thang lên học với Úc Già trưởng giả, rồi học toán, học liên tục, học không mệt mỏi… Đó là chuyện lý tưởng của Phật giáo, chứ ta đừng nghe chỉ một phía, bảo là chỉ cần học cái vô tâm hay vô trụ xứ, vô tâm tiện thị đạo là đủ rồi xả bỏ hết, dẹp hết sách vở. Nói như vậy cũng đúng, nhưng mới là một phần. Cũng như trong Thiền, mấy ông Thiền sư nói là giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự…ai cũng biết rồi phải không? Kinh điển không cần. Nhưng mà lật trong Đại tạng, trong 10 tông phái đạo Phật, tông phái nào sách vỡ nhiều nhất? Không những chỉ sách vỡ mà còn nhiều thứ nữa. Các phái khác nhiều lắm chỉ có sách vỡ gồm chú giải với vài luận thuyết. Mấy ông thiền sư ngoài chú giải và luận thuyết, còn nhiều chuyện nữa: Vẽ tranh, làm thơ, cắm hoa… học đủ mọi cái. Thành ra nói giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự rồi kiến tánh thành Phật nghĩa là không có gì cả, thế mà học rất nhiều chứ ta đừng có hiểu một mặt. Nhưng mà cái học không phải dễ đâu. Tôi có học nên tôi biết. Ở ngoài đời họ học để đi thi tú tài, thi cử nhân phải học ngày đêm. Có nhiều người học mà sợ buồn ngủ, phải uống cà phê cho thức để mà học. Mình tuy không cần làm như thế, nhưng mà học ít hơn họ thì không được. Còn nói về sự thông minh thì mấy thầy chắc không thông minh hơn tôi hay thầy Thát được. Mà cỡ như tôi với thấy Thát, khi ngồi vào bàn học mà dưới 10 tiếng một ngày thì chưa thể học được gì nhiều. Còn muốn làm việc thì phải từ 12 tiếng trở lên mới may ra làm được cái gì. Đấy, không phải dễ đi nhưng cái học đó nó luyện ý chí của mình, tạo nên nghị lực. Mà nếu luyện được nghị lực, thì đó là tương lai của Phật pháp. Đó là hai chuyện. Giờ nói thêm một chuyện nữa.

Tôi đã nói những nỗi buồn của tôi, những thất vọng. Bây giờ nói đế sự kế thừa. Hồi trong thời kỳ căng thẳng, khi Phật học viện giải tán rồi, tôi có nói với Ôn Già Lam. Ôn nhìn xuống còn có đám tụi con. Nghĩa là còn có những học trò có khả năng, giỏi, kế thừa được. Còn tụi con nhìn xuống thì chưa thấy ai cả. Mà Ôn cũng thấy như vậy. Ôn nói. Đúng! Tui có phước hơn mấy thầy. Tức là, những năm đó tan rã hết, mấy thầy không còn ai mà sau này Ôn phải nói là “Tôi sẽ chịu nhục cho mấy thầy làm việc”. Đến bây giờ nhắc lại tôi vẫn còn muốn rơi nước mắt. “Tôi già rồi. Tôi sẽ chịu nhục cho mấy thầy làm việc”. Mà chính vì đó, bằng mọi giá tôi đã trình với Ôn: cái sức mạnh của Phật giáo không phải là chính trị, mà là văn hoá và xã hội, mà giáo dục là hàng đầu. Có thể mất cái gì cũng được nhưng không thể để một ngày mà không giáo dục tăng ni. Thành ra bằng mọi cách mình phải lập lại trường học, dưới mọi hình thức mình phải có trường học.

Nhưng mà đương nhiên mình học rồi mình dạy. Thầy truyền trò chứ không thể có bất cứ người nào muốn mình dạy sao cũng được. Còn như nếu tôi không được dạy theo ý kiến của tôi, theo sự hiểu biếtcủa tôi, mà đằng sau tôi có người biểu phải thế này, thế kia thì không bao giờ tôi đi dạy. Nếu sau lưng tôi là quý thầy, quý Ôn thì được, tôi còn quay lại mà trình bày. Nhưng nếu đằng sau là ai đó-là chính quyền hay thế lực mà ra lệnh thì tôi không thể dạy.

Chuyện này nếu tôi nói ra thì có vài vị không phải ở đây nghe được sẽ bảo tôi cố tình gây chuyện này nọ. Nhân chuyện vừa rồi có hai buổi phát văn bằng, ở đây và ở Vạn Hạnh. Ở đây thì tôi không biết rõ nhưng ở Vạn Hạnh nhận văn bằng rồi một chú ở Già Lam khi thấy tôi đi qua, đưa cái hình chụp nói thầy nhìn xem, để mừng cho tụi con. Nhìn rồi tôi cười, tôi bỏ đi. Nghĩ trong bụng rằng, thầy không mừng nỗi đâu con! Sau đó, khi tình cờ gặp sư Giác Toàn, tôi nói. Mấy thầy làm việc sao mà vô ý thức quá. Mấy thầy dạy cho một lớp tăng ni ra truyền thừa Chánh pháp mà chiếc áo của mình, mình không hãnh diệnkhi ra lãnh bằng lại bận cái áo thụng. Vậy mấy thầy truyền thừa cái gì? Rõ ràng cái áo thụng đó là của phương Tây. Cái áo thụng đó có từ đâu? Từ thời các pháp quan La-Mã, người ta vẫn còn sợ. Tôi nói với thầy Giác Toàn, ngay ở tòa án cộng sản mà cái áo đó họ không bận. Mấy thầy biết đó, truyền thống của các tòa án phương Tây là khi ra xử họ bận áo thụng. Nhưng tòa án cộng sản họ cho rằng đó là cái ảnh hưởng còn lại của Thiên chúa giáo, họ không bận. Vậy tại sao mấy thầy lại cho học tăng bận chiếc áo đó mà ra lãnh bằng? Như vậy mấy thầy truyền và thừa cái gì? Thì thầy Giác Toàn nói rằng, ngày xưa đại học Vạn Hạnh cho bận cái đó thì sao? Tôi nói, ngày xưa Vạn Hạnh là truờng đời, dạy sinh viên đời, họ mặc theo quy định của chính phủ. Còn đây là trường đạo. Mấy thầy dạy kinh lại đi làm theo đời. Mà đây lại là học tăng nữa. Cho mặc như thế thì truyền thừa cái gì? Rồi thì họ đỗ thừa nhau. Nhưng tôi nói, mấy thầy đều là người có học, có bằng cấp cả chứ không phải dốt. Có hai trường hợp: Nếu mấy thầy dốt thì đừng làm văn hóa để rồi đầu độc cả một thế hệ thanh niên. Còn nếu vì nghe lệnh người khác mà làm, tôi không chấp nhận chuyện đó. Mình học để kế thừa sư Tổ, truyền thừa chánh pháp. Ai nói đúng, ủng hộ thì tôi làm-mà là nghe đúng chứ không nghe bậy để rồi đầu độc thanh niên. Tôi biết, nhiều chú thích cái áo đó, thích hơn chiếc áo của mình nữa. Nếu thích thì cứ cởi áo tu mà đi, chứ đừng bận áo của mình mà làm chuyện như vậy, không chấp nhận được vì đó là cái tình trạng suy sụp tinh thần học tập. Tất nhiên họ nói là tôi hơi quá đáng, nhưng tôi phải nói để tăng ni ý thức việc đó đừng để nó tái diễn, chứ tôi không chống. Việc mấy thầy muốn học cái gì thì học, tôi không chống. Đừng nghĩ rằng nó đơn giản mà sai lầm rồi đầu độc cả một thế hệ. Tôi sống như đời sống của một ông thầy chùa với tất cả danh dự của tôi và ngôi chùa của tôi. Nếu đời cần thì tôi đem kiến thức, đầu óc của tôi ra phục vụ đời. Nếu không cần thì thôi, tôi về chùa tôi ở. Mà nếu không cho tôi ở chùa, tôi ra gầm cầu tôi ở cũng được. nhưng tôi giữ vững phẩm giá của tôi, và phải nhận định rõ việc đó.

Tôi muốn nhắc lại, ở đây nếu mấy thầy đã đủ sức dạy Cao đẳng Phật học-đó là tinh hoa của Phật giáo một nước, mà lại làm việc vô ý thức, thì chỉ có hai trường hợp: Một là dốt. Hai là cúi đầu làm theo lệnh của người khác. Cả hai đều không thể chấp nhận được. Dốt mà làm văn hóa thì không nên làm. Còn cúi đầu nghe lệnh người ta là hèn-cũng không nên làm văn hóa.

Nói về văn hóa Phật giáo. Trước năm 75, tính từ khi ông Diệm sụp thì Phật giáo mới bắt đầu có cơ chế đào tạo Cao đẳng và Đại học. Như vậy chỉ trong khoảng 10 năm thôi, Phật giáo đã có những cơ sở giáo dục và văn hóa bắt kịp thời đại. Nói lại thời ông Diệm. Khi tôi đi học, mỗi lần đọc tờ báo đại học Huế, mình đọc mà thấy sôi sục vì người ta coi Phật giáo không ra gì cả. Ỷ có cái trường đại học, họ cho là mình học đông, tây kim cổ muốn nói gì thì nói mà Phật giáo không đính chính được. Không có ai đủ khả năng để nói. Ví dụ có mấy ông giáo sư ở ĐH Huế, họ học ở Louvain về. Họ nói chuyện, dẫn sách thôi nhưng dẫn đủ cả. Luận câu xá có,Thành duy thức có, Đại trí độ luận có, giải thâm mật có mà dẫn tiếng Phạn có, tiếng Tàu có… mấy thầy mình không trả lời được. Biết nói sai mà không trả lời được. Tới khi ông Diệm sụp và Phật giáo có đủ cơ sở để ăn nói thì họ- các Linh mục và các giáo sư đại học không còn chê bai Phật giáo như trước nữa. Rồi văn hóa Phật giáo bắt đầu lên-chỉ trong vòng 10 năm, mà là thời kỳ chiến tranh nữa. ĐH Vạn Hạnh mà mấy thầy nên biết, sau này khi viết về lịch sử tư tưởng Việt Nam, không ai có thể bỏ qua Vạn Hạnh. Ngay bây giờ nhiều người đã viết về nó rồi. Chỉ trừ ở trong nước không ai nói thôi, chứ ở ngoài người ta vẫn viết. Trong cái gọi là tư tưởng văn học, nghệ thuật Phật giáo thì nó đứng hàng đầu. Các thầy biết, hồi đó những đám thanh niên gọi là hippy, tức những thanh niên thời đại mới đó, ra đường rất hãnh diện khi cầm tờ Tư Tưởng, tờ báo của ĐH Vạn Hạnh. Đọc thì chưa chắc đã hiểu hết đâu, nhưng đó gần như là một cái mode, họ hãnh diện vì mình có đọc tờ Tư Tưởng của Vạn Hạnh. Chỉ hoạt động trong 10 năm, nó đã chinh phục cả một thế hệ thanh niên trí thức. Mà đâu phải hoạt động dễ dàng. Xung quanh nó có rất nhiều báo không ưa Phật giáo. Mình chỉ có một trường ĐH, nhưng bên Thiên chúa giáo có ít nhất là hai trường: ĐH Đà lạt và ĐH Minh Đức. Bên Minh Đức đầu tiên muốn khai hỏa tấn công Phật giáo. Một linh mục viết trên báo của ĐH Minh Đức xuyên tạc Phật giáo, nói tới độ Tổng vụ Văn hóa phải họp và cuối cùng đề nghị tôi viết trả lời. Tôi nói cái này không cần, tại vì ông linh mục này cũng nói tào lao, không đáng gì. Ông ta mới là cử nhân thôi, để tôi cho học trò của tôi viết. Rồi tôi đưa cho một ông thầy, cũng là sinh viên thôi-một học tăng sinh viên viết. Viết mới một bài thôi, họ im liền. Đây không phải là chuyện tự hào hay tự kiêu, tôi muôn nói để mấy thầy thấy kết quả của hoạt động văn hóa, và sức mạnh của chúng ta là ở chỗ đó, chứ không phải ở chính trị đâu. Cái sức mạnh gọi là chính trị của Phật giáo Việt Nam hồi đó chỉ là chuyện phù phiếm bên ngoài. Sức mạnh thật sự của nó nằm ở văn hóa.

Còn sau này-mình nói thời gian còn lại nghe! Từ 75 đến 80 thì thôi khỏi nói rồi! Tính từ độ 82 cho tới bây giờ, Phật giáo VN có cái gì? Được bao nhiêu tờ báo? Bao nhiêu quyển sách nghiên cứu? Không cần trả lời ai cũng biết. Mà bây giờ chùa thì rất nhiều. Tăng cũng nhiều hơn, học tiến sĩ nhiều hơn hồi xưa, nhưng tại sao không làm nỗi một tờ báo? Chỉ có tờ Giác Ngộ gọi là tiếng nói chính thức của giáo hội. Mà tờ Giác Ngộ, nói kinh Phật thì cũng có, mà mình chê thì bảo là vì thành kiến, chứ thật ra chưa đúng với tầm vóc của nó, mà nhiều khi còn viết tầm bậy nữa! Một tờ báo Phật giáo thì mắc mớ gì cái chuyện của Nato với Kosovo mà mình chống báng. Mấy thầy đó làm báo chính trị hay là báo Phật giáo? Mà cái chuyện chống Nato để ủng hộ đảng cộng sản VN hay ủng hộ Trung quốc cái đó hàng chục tờ báo ở ngoài người ta nói rồi, mình nói làm chi? Nghĩa là không có một tờ báo Phật giáo thật sự. Mà cái sức mạnh của Phật giáo là ở văn hóa chứ không phải ở chính trị. Sức mạnh văn hóa mà chinh phục cả thế giới, mình phải ý thức được chuyện đó. Nhìn lại mình, trong 20 năm nữa Phật giáo VN có cái văn hóa nào đáng để chứng tỏ sự tồn tại của mình không? Không có gi cả! Trong hiện tại với tôi bây giờ, chứng tỏ là bất lực rồi.

Còn thế hệ trẻ các thầy bây giờ. Trong 5, 10 năm nữa các thầy phải ý thức rõ việc này và phải làm cho được. Nhưng muốn làm được thì ngay bây giờ tôi phải tìm người để gầy dựng, nghĩa là để hướng dẫn, rồi sau đó đủ sức rồi mấy thầy tự đi lấy. Tôi phải tìm người. Thứ nhất, bây giờ phải tập mấy thầy dịch kinh cái đã. Ban đầu dịch mấy bài dễ thôi, mà cũng chưa có người làm được. Đi tìm ở Saigon cả năm nay rồi. Tôi nói mấy thầy ở Già Lam đi tìm vẫn chưa ra. Mà với điều kiện nếu trình độ còn yếu thì tôi sẵn sàng giảng dạy cho. Còn ở Saigon nếu vật chất thiếu, tôi sẽ vận động giúp cho cả vật chất lẫn tinh thầnmà vẫn chưa tìm ra người. Không dịch nỗi! Tốt nghiệp Cao đẳng rồi mà vẫn không dịch nỗi! Ngày xưa đi dạy tôi biết, học tăng chỉ cần tốt nghiệp Trung đẳng thôi, ví dụ như lớp của thầy Phước Viên đây học hết Trung đẳng, dịch Luận-câu-xá được. Tôi coi lại tôi thấy dịch được và Phật học viện Nha Trang in đàng hoàng. Ở Saigon như vậy. Ở Huế cũng không có. Thầy Phước Viên đi tìm người ở Từ Đàm, Từ Hiếu để làm, có tôi hướng dẫn thêm mà cũng chưa thấy ai. Có mấy thầy ở Bình Định tôi cũng nói để ý tìm. Mình đi tìm nhân tài, những người để hợp tác và kế thừa. Mấy thầy phải tập ngay từ bây giờ để vừa phải thì 5 năm, có chậm lắm thì 10 năm nữa phải gánh lấy vai trò đó. Mà trong 5, 10 năm nữa đất nước VN sẽ có những tiến bộ mình bất ngờ, và trong tình trạng của tiến bộ trí thức ngoài đời như thế, mà mình là tăng sĩ Phật học cứ nửa nạc, nửa mỡ thì không truyền bá được gì, sẽ tự mình đào thải. Và Phật giáo nếu còn tồn tại, chỉ tồn tại theo cái cách mà người ta coi ông Phật cũng như ông Địa. Nghĩa là thờ Phật để cầu buôn may bán đắt, cầu cho đừng bệnh tật, cho trúng số đề… Mà nếu cứ không tìm ra người và không tổ chức được thì sẽ đến tình trạng đó thôi. Ở đây không phải tôi nói quá. Tôi biết có những vị còn ẩn dật đâu đó mà mình chưa tìm ra. Nhưng ở đây ngay cả những vị đi học tiến sĩ ở Ấn Đô về: mình thất vọng. Tôi đã nói chuyện, tôi biết. Ở đây mình có rất nhiều trường học. Trung cấp có, Cao đẳng có, Học viện có… mà các thầy dạy Cao đẳng Phật học chỉ trừ vài người, số còn lại không ai biết chữ Hán, hoặc biết rất ít. Đọc sách chưa đủ chữ để đọc, mà nghiên cứu kinh điển không biết chữ Hán coi như mất hết 50%. Không biết luôn Pali với Sanskrit thì mất hết 100%. Trình độ học Phật như thế thì đi tới đâu. Thành ra mình phải thấy cái điều bất thường này, là chùa to thì rất nhiều, tăng ni rất nhiều, trường học cũng rất nhiều mà nội dung không có. Một tình trạng không đơn giản chỉ là suy sụp, mà là… mình nói-như la làng lên đi: là nguy hiểm cho sinh mạng của Phật giáo. Bởi học kiểu đó rồi ra trường, kinh điển đọc không hiểu, giảng kinh tầm bậy, cứ theo ý mình mà giảng kinh.

Nói về cơ cấu tổ chức giáo dục. Sau này cơ cấu giáo dục của Giáo hội Phật giáo VN phát triển hơn hồi xưa nhiều. Tỉnh nào cũng có trường, trường nhiều hơn xưa. Hồi đó khi tôi làm giám học Phật học viện Trung phần, soạn chương trình giáo dục từ sơ cấp cho tới Cao đẳng, Đại học tôi đều có tham gia nên tôi biết rõ. Ban đầu chúng ta chỉ có một trường Cao đẳng là Huệ Nghiêm, sau do nhu cầu, lập thêm một cái nữa ở Nha Trang. Các trường cấp thấp hơn, mình phân theo từng địa phương. Tỉnh nào cần trường sơ cấp, tỉnh nào cần trung cấp… phân công rõ ràng, và mình điều động được. Ví dụ các học tăng học hết sơ cấp ở Đà Nẵng, tôi nói cần đưa họ vào học trung cấp ở Nha Trang để các học tăng sinh viên ở đây vừa học vừa thực tập dạy, có tôi hướng dẫn, thì họ vô liền. Mình di chuyển được, điều đó rất quan trọng vì có sự chỉ đạo rất tâp trung của một ban giáo dục tăng ni rõ ràng, và khi ở trên ra lệnh là họ đi- điều đi đâu họ đi đó.

Bây giơ tản ra từng địa phương. Nha Trang có. Phú Yên có. Mỗi nơi có một Phật học viện, tỉnh nào lo cho tỉnh nấy, khi cần điều động, họ có thể không đi. Họ nói trung ương là một chuyện, nhưng mà trung ương có cho tôi một giờ học nào đâu, tôi không cần đi. Rồi còn tình trạng này nữa: trường nhiều quá thì lấy thầy đâu mà dạy?

Tôi biết rất nhiều tỉnh không có người đủ trình độ Phật học để dạy. Thế tại sao vẫn mở trường? Thực sự ra, nếu mình dạy và học cho đúng tiêu chuẩn thì trong tình hình hiện tại, mình chưa cần nhiều trường lắm đâu. ta dồn lại mà học, chứ không mở tràn lan như thế này được. Không có thầy. Thầy đang còn học chữ Hán thì làm sao giảng kinh? Kinh đâu có đơn giản như vậy. Ở ngoài, sinh viên học Hoa văn 3 năm đi xin làm thư ký, phiên dịch thôi, người ta còn chưa thuê vì nói chưa đủ trình độ. Ở đây mình học chưa được 3 năm mà ra dạy thiên hạ thì dạy cái gì? Mà dạy kinh điển đâu phải chuyện đùa. Chỉ trừ khi-mình nói mê tín đi! có Thiên long bát bộ nào ở đâu hiện ra khai huệ cho mình sáng ra, ngủ một đêm thức dậytự nhiên dạy hay ra!

Còn nếu nói cho đúng nguyên tắc thì không thể được. Mà gặp mấy thầy tôi cũng nói thẳng. Mở như vậy là thế nào? Lãnh đạo một trường cao đẳng Phật học thì ít nhất người đứng đầu phải thông thạo chữ Hán, chứ không thể ai làm cũng được. Không phải chính phủ biểu ai thì người đó làm. Không phải đảng biểu người đó làm Viện trưởng thì người đó là Viện trưởng. Không được! Về tư cách đạo đức thì có thể có nhiều người, nhưng để lãnh đạo giáo dục phải có trình độ, nhất là cấp đại học nữa. Đào tạo cấp ĐH là đào tạo những thành phần mà trong đó ẽ có người lãnh đạo giáo hội trong tương lai, mà học bậy bạ như vậy ra lãnh đạo sẽ đi sai, sẽ dẫn hàng triệu Phậật tử đi đâu? Chuyện giáo dục đâu đùa được. Người ta đã nói rồi, làm chính trị mà sai lầm thì giết hại cả thế hệ, nhưng làm văn hóa mà sai lầm thì di hại muôn đời.. Mình không phải thần thánh gì. Không ai thần thánh gì để biết mình đúng hay sai, nhưng mà cái cơ bản, những cái tiêu chuẩn ở đời thì phải có chứ. Học kinh, dạy kinh thì bắt buộc phải biết chữ Hán. Chưa biết chữ Hán thì phải biết Sanskris, Pali. Còn không thì thôi. Anh đọc chơi để nghiên cứu cho biết thì được. Điều đó chắc ai cũng biết. Vậy tại sao vẫn mở trường?

Cách trả lời phải vướn qua quan điểm chính trị thôi.. Đến đây tôi nói hơi xa vấn đề rồi đó, nhưng vẫn phải nói để mấy thầy hiểu tại sao có những cái trường như vậy. Nếu như chỉ Nha Trang có trường thì học tăng ở Phú Yên bắt buộc phải vô Nha Trang học. Mà nếu như Nha Trang cũng không có trường thì cả hai nơi phải vô Saigon học. Như vậy là tập trung tăng sĩ lại một chỗ. Bây giờ, Phú Yên có trường thì ai cho anh vô Nha Trang hay vô Saigon học? Địa phương nào lo cho chỗ nấy. Mà học tăng ở đâu thì chắc chắn phải khai báo rồi. Như vậy có lợi vô cùng! Các thầy của mình trong trung gian đã làm hộ lý lịch cho công an, cho địa phương quản lý. Một biện pháp để quản lý tăng sĩ chặt chẽ chứ đó không phải vì mục đích giáo dục. Các vị ở đây có ai nói tôi xuyên tạc thì tôi chịu tội, nhưng theo cách nhìn của tôi thì tôi thấy như vậy rất là nguy hiểm.

Phải thoát ra khỏi tình trạng này nếu muốn tồn tại. Giáo dục không phải là chuyện lơi khơi. Ở ngoài đời, muốn làm bác sĩ phải học tốt nghiệp bác sĩ. Có bằng cấp rồi còn phải qua hội đồng y khoa xác nhận trình độ tay nghề. Muốn làm luật sư, học đậu rồi anh còn phải thực tập, có hội đồng luật sư xác nhậnkhả năng biện hộ của anh rồi mới được làm luật sư. Vì đó là sinh mạng con người. Anh cãi cho người ta, người ta chưa đáng tội tử hình mà anh cãi tầm bậy, người ta bị tử hình. Làm bác sĩ, bệnh người ta chưa đến nỗi chết mà anh trị bậy làm người ta chết. Cho nên phải bảo đảm cái học. Trong học Phật cũng vậy thôi. cái kia là chết về thể xác, còn đây người ta chết về tinh thần thì không thể lập lờ chuyện đó được. Cho nên tôi mới nói là tình trạng nguy hiểm, mình phải ý thức được.

Đó là về vấn đề giáo dục mà tôi mới nói một cách tổng quát. Và trong vấn đề này, mấy thầy, mấy chú ai có cách nhìn khác, tôi không nói là sai, mà tôi cũng không nói là tôi đúng đâu.

Cứ tự nhìn lấy, từ từ tìm hiểu lấy. Phải suy luận theo cách của mình, nhưng quan trọng là phải biết mìnhcần học và cái ý hướng của mình. Phải định hướng cho đúng, cho tương lai của mình và cả tương lai của Phật giáo. Còn tiến xa hơn nữa thì cho đất nước, cho dân tộc. Mình xác định sự tồn tại của Phật pháp là vì chúng sanh. Tăng già tồn tại giữa thế gian này ngoài cái hạnh phúc, cái tịnh lạc Niết bàn cá nhân, còn phải vì chúng sanh. Vì Tam bảo là chỗ quy y mà. Nếu tồn tại mà không làm chỗ nương dựa được, chỉ là một tập thể ô hợp, sống không xứng đáng để làm chỗ nương dựa cho người ta, thì cái Tăng già đó không đáng tồn tại. Mà tôi nói thật. Phật giáo mà như vậy thì dẹp Phật giáo đi! Không cần thiết! Đời họ không cần. Có nhiều lý thuyết để tồn tại, để làm giàu rồi. Họ cần Phật pháp là cần cái gì khác hơn, cái mà đời không có. Chứ Phật pháp mà như thế thì diệt cũng được, không cần thiết. Thì mình biết rồi. Đối với Phật giáo, cái chuyện hoại diệt là chuyện thường. Phật Thích Ca cũng đã nói đến lúc nào đó, giáo lý của Ngài sẽ không còn nữa. Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời, thuyết lại giáo pháp mới. Nên cái chuyện đó, mình không cần, không sợ.

Xong chuyện giáo dục, tôi sẽ nói qua một chuyện hơn nữa, và tôi nhắc lại: quý vị đừng có hoàn toàn tin vào tôi, hi? Cứ kiểm chứng để thấy cái nào đúng thì nghe, không đúng thì thôi. Tôi không tới đây để nói những chuyện lung tung, mà để nói những ưu tư của tôi mà tôi muốn mấy thầy biết. Các thầy trẻ cần phải biết. Đó là cái chuyện tồn tại của-thứ nhất: Tăng gìa và thứ hai: của cả Phật giáo VN mình. Đó là cái tâm sự chung. Bây giờ thì không còn là vấn đề riêng của tăng sĩ nữa, mà của cả Phật tử. Có nhiều người rất ưu tư. Đó là sự tồn tại.

Bây giờ ta nhìn chung, ở nhiều nước Phật giáo trên thế giới chưa có nước nào mà Phật giáo phải chịu..mình không nói là thảm cảnh, mà là sự tan rã như Phật giáo VN. Rất nhiều khi bị khủng hoảng. Ở trong nước hay ở ước ngoài gì vẫn chịu sự khủng hoảng đó. Cái này tìm nguyên nhân không phải trong vài buổi mà thấy hết, nhưng phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục, để thay đổi nó. Thì đó là nguyên nhân sâu xa, lâu dài. Bây giờ mình nhìn lại hiện tại, để biết cái niềm tin của mình. Nói chung, thiệt ra tôi cũng không muốn nói, vì nói ra người ta bảo đây là vấn đề chính trị, tôi đi tuyên truyền chính trị, tôi không muốn. Tôi dạy mấy thầy, chỉ muốn mấy thầy học kinh điển. Cũng như trước đây khi ở tù, công an hỏi tôi mấy ông dạy thế nào mà mấy ông trong chùa ông nào cũng cố bảo vệ đạo pháp. Tôi nói không. Tôi từ khi đi dạy, trong lớp chưa bao gìờ tôi nói đến chuyện chính trị. Tôi chỉ dạy kinh Phật và khi họ hiểu, họ biết chuyện phải trái thì họ làm theo ý của họ.

Nhưng đây không phải là lớp học. Đây là buổi tiếp xúc mà như tôi đã nói: mình nói chuyện đời và chuyện đạo. Thiệt sự ra, mình nói ra rất đau lòng. Nói ra nó đụng chạm nhiều nên gần như không bao giờ tôi muốn nói. Ở ngoài, nhiều người khuyên thầy nên nói cho thấy cái thực trạng. Không. Tôi không nói. Đụng chạm nhiều lắm. Trên là Thầy, Ôn của mình. Dưới là huynh đệ mình. Khó nói lắm. Ở đây, với các thầy tôi mong rằng mình coi như trong nhà, chuyện gì cần hiểu mình phải hiểu. Bây giờ ta hay nói- ở ngoài cũng vậy. Nhiều người về hay nói với tôi câu “mấy ông thầy quốc doanh”. Ông Hòa thượng quốc doanh này, ông thầy quốc doanh kia, hỉ… Tôi nói là ở VN, giáo hội quốc doanh có, nhưng mà thầy quốc doanh không có. Mấy thầy cũng là thầy của tui, là bạn của tui cả. Mỗi người làm theo mỗi cách. Tui không cho là mình làm đúng, và như vậy tui cũng mong mấy thầy đừng bắt tui làm theo cách của mấy thầy. Nhưng tui có cách nhìn của tui à! Tui nhìn thấy thế nào, tui nói à! Mà nói trong nhà thôi. Tôi chưa viết một bài báo hay cuốn sách nào để nói chuyện này hết, dù đúng ra phải nói để cho mấy thầy trẻ hiểu. Thì ở đây tôi cũng muốn vậy. Nói ra tôi không muốn nói để rồi sinh ra chia rẻ mấy thầy bên này, bên kia. Thì bây giờ trong nhà mình cũng vậy. Nếu như một người ngoài không phải là Phật tử, là người dửng dưng, họ bảo: “Ối cái đám thầy chùa này chửi nhau”. Xấu hết! Tôi nói xấu thầy à? Tôi cũng xấu luôn, vì ví dụ như bây giờ tôi nói xấu mấy thầy bên kia là quốc doanh này nọ, thì ở ngoài người ta bảo “Ờ, quốc doanh cũng là thầy chùa với nhau cả. Cũng ăn cơm Phật từ nhỏ tới lớn mà ra cả tề!” Mình không nên nói xấu. Nhưng ở đây tôi cũng phải nói, và nói nhiều để mấy thầy nhận định. Phải bình tĩnh. Cần phải hiểu, nhưng không vì cái chỗ hiểu đó mà đi nói lung tung, gây những xung đột không đáng. Và trong này nếu như có vị vì cái chỗ đó mà hỗn ẩu với các bậc trưởng thượng của mình thì không nên.

Nhưng mà cần phải nói. Ví dụ như ngay từ lần đầu tiên Ôn Từ Đàm đi họp ngoài Hà Nội, tôi đưa Ôn ra tôi có nói mà sau này Ôn còn phải nhắc lại. Tôi nói “Thầy đi ra dự họp kỳ này, con mong rằng Thầy đừng để nhục sau này tụi con phải rữa”. Tôi nói thẳng như vậy, mà đối với Ôn làm chi thì làm, tôi vẫn kính trọng. Và tôi nhắc lại nhiều lần, ở đây các thầy trẻ mình đừng vì quá hăng hái mà công kích lung tung. Mình phải biết trách nhiệm của mình khi nói. Bởi vì 5, 10 năm nữa thì mấy thầy ở cái vai trò nếu chưa phải là lãnh đạo thì cũng giữ vai trò hỗ trợ quý Ôn, quý thầy lãnh đạo nên cần phải biết ngay từ bây giờ. Vì sao tôi nói điều này? Vì tôi ở Già Lam, học tăng rất đông, toàn học CĐ, ĐH cả nhưng họ không biết thế nào là Giáo hội Thống nhất, thế nào là Giáo hội PGVN.

Tất nhiên các vị đó khi mới cạo đầu đi tu thì tôi đã ở tù ra rồi. Mọi việc đã ổn định rồi, họ không biết gì cả. Thế mà họ nói chuyện với nhau, tôi nghe kể lại. Họ nói thế này. Ông Hòa thượng Huyền Quang với Hòa thượng Quảng Độ hồi thời kỳ 63 là có công với cách mạng. Nhưng sau này cách mạng thành công rồi người ta không cho mấy ông làm gì nên mấy ông bất mãn, mấy ông chống đối”. Đó là mấy chuyện của học tăng. Tôi nghe tôi buồn, và chính vì vậy tôi có trách nhiệm phải nói. Nhưng tôi nhắc lại, không phải vì nghe lời tôi mà mấy thầy đi công kích lung tung để gây những mâu thuẫn giữa thầy này thầy kia không hay. Cái chuyện nó như vậy, mình phải biết.

Tôi nói cái nguyên nhân khai sinh ra GHPGVN, và từ khi giáo hội này ra đời. Đó là thời kỳ rất căng thẳng. Lúc đó HT Trí Thủ làm Viện trưởng và có hôm đi họp về, ôn kể lại với tôi là tiếp xúc với chính quyền- hồi đó mai Chí Thọ làm chủ tịch UBND TP.HCM, họ căng thẳng với các thầy bên Viện Hóa Đạoquá. Ông Mai chí Thọ nói thế này: Các thầy chỉ có hai con đường: một là theo, hai là chống. Các thầy theo, chúng tôi dành nhiều thứ ủng hộ các thầy. Còn các thầy chống, chúng tôi có đủ xe tăng thiết giáp. Các thầy muốn chống thì chống đi! Cả hai cái đối với mình đều sai cả. Đó là thái độ hăm dọa, mà Hoà thượng cũng nói rõ: Theo chúng tôi không theo. Mà chống, chúng tôi cũng không chống. Nhưng họ nói không có con đường thứ ba.

Rồi cho tới khi vận động thành lập thống nhất… Tôi chỉ nói tâm trạng của Hòa thượng. Ôn rất căng thẳng. Nghĩa là Ôn không muốn làm nữa. Dưới áp lực của chính phủ hoàn toàn Ôn không muốn làm. Có hôm tôi dậy lúc 3:30. Hôm đó mới thức dậy thì thị giả lên thưa với tôi Ôn dậy từ lúc 2 giờ. Ôn chờ thầy và Ôn mời thầy qua uống trà. Tôi qua nói chuyện với Ôn. Ôn bảo muốn rút lui. Ôn chịu không nỗi vấn đề này. Thì tôi có ý kiến. Tôi nói hoặc Hòa thượng tiếp tục làm, hoặc HT ra lãnh đạo giáo hội mới. Thì đó là ý kiến của tôi, chứ tôi không xúi Hòa thượng. Mà tôi có xúi cũng chưa chắc Ôn nghe. Ôn có quyết định của Ôn chứ! Rõ ràng Ôn còn thắc mắc chuyện này, mà ở đây có thầy Thái Hòa chắc nhiều lần có nghe Ôn nói”Tôi sẽ chịu nhục cho mấy thầy làm việc”. Rồi thì trong thời kỳ thảo luận bàn về hiến chương, Hòa thượng hay về bàn với tôi và thầy Thát. Trong đó có một điều khoản thế này: GHPGVN là thành viên của MTTQVN.

Cả tôi với Ôn với thầy Thát thấy không thể chấp nhận được, vì trên lý thuyết Mặt trận tổ quốc là một tổ chức chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của đảng, mà Phật giáo không làm chính trị. Nếu vô đó, nó trở thành một tổ chức chính trị chứ không còn là Giáo hội Phật giáo nên HT cương quyết chống. Họ thuyết phụcrất nhiều. Ban đầu là thành phố, không được. Sau họ sai bà Ngô Bá Thành, là luật sư lên thuyết phục, nói lý với HT. Sau Ôn kể lại với tôi, Ngô Bá Thành lên đây nói với ta về cái chuyện đó. Ôn bảo, mình thì không cãi luật lại Ngô Bá Thành rồi. Người ta là luật sư mà. Nhưng Ôn nói như vầy: Trong mặt trận có hội Liên hiệp phụ nữ, Liên hiệp thanh niên…mà Giáo hội tui toàn là cao tăng, đại đức mà biểu chúng tôi ngồi chung với mấy bà thì làm sao chúng tôi ngồi? Bà Ngô Bá Thành không trả lời được. Ôn đơn giản lý luận chừng đó thôi. Nhưng mấy thầy biết, qua cách lý luận đó mấy thầy thấy vị trí cái Giáo hội như thế nào? Ôn không cần luật mà Ôn nói một cách cụ thể, để tránh luật mà. Cho nên cần phiả biết cái vị trícủa GHPGVN như thếế nào: Nó chỉ là một Hiệp hội, tuy cũng dùng hai chữ Giáo hội như bên đây thôi. Nhưng họ có nhiều cách đánh tráo. Khi dịch ra tiếng Anh, người ta không dịch Giáo hội. Nói trong tiếng Anh không có chữ Giáo hội, mà dùng chữữ Association of Women: Hội liên hiệp phụ nữ- ngang nhau! Một Giáo hội với Hội LH phụ nữ, LH công nôngv.v…ngang nhau. Như vậy thì nói mình lãnh đạo ai? Ông chủ tịch Giáo hội cũng như bà chủ tịch hội phụ nữ, trong Mặt trận ngồi ngang nhau, thì nói ông lãnh đạotui sao được? Hòa thượng Ôn thấy liền, Ôn không chịu, thì họ không nói nữa. Sau ra Hà nội họp, họ vẫn đề nghị lại, nhưng Ôn chống tới cùng và nói, nếu không được thì thà Ôn từ chức.

Bên Mặt trận, ban Tôn giáo thuyết phục không được, chính phủ thuyết phục không được, đảng cũng không được. Ôn cương quyết. Đó là giai đoạn căng nhất của Hòa thượng. Mà Ôn già rồi. Mà mình biết, Ôn là người chơn chất tu hành không biết thủ đoạn chính trị, không có một khả năng chính trị nào hết. Ôn không có khả năng đối phó. Không thích thì Ôn lầm lì, thế thôi.

Thế nhưng lúc đó không có một thầy nào yểm trợ Hòa thượng. Họ xa lánh Hòa thượng. Ngay cả Ôn Từ Đàm lúc đó cũng sợ không dám nói chuyện với Hòa thượng. Mấy ngày liền Ôn ở một mình. Mình phải hiểu tâm trạng của ông già lúc đó: không ai đến với Ôn hết, không ai nói chuyện với Ôn, sợ liên lụy, sợ người ta nói mình xúi giục Ôn vì Ôn vẫn cương quyết- một mình cũng cương quyết không chấp nhận. Mà mình biết Hòa thượng rồi. Ôn tu hành đức độ thì có, mà khả năng ăn nói hay đối phó không có bao nhiêu. Đối với cái tập thể chính trị, họ nhiều thủ đoạn như vậy, mà Ôn vẫn cương quyết. Cuối cùng, họ sợ Ôn từ chức họ chấp nhận thế này: để là “Có” thành viên trong MTTQ. Ôn chấp nhận CÓ chứ không phải LÀ. CÓ thì ai muốn vô thì vô. Khi cần thì mình cử người vô, không thì thôi. Vậy nên Ôn chấp nhận. Sau về Ôn kể với tôi, lúc đó thầy Từ Hạnh là Tổng thư ký, đưa biên bản lên cho Ôn ký, Ôn thấy chữ “là thành viên”, Ôn bảo: Mấy thầy thấy tui già, mấy thầy gạt tui. Trước nói là CÓ, sao bây giờ để chữ LÀ? Tôi không ký. Ký biên bản như vậy Ôn không ký.

Mấy thầy thấy cái chuyện nó lắc léo như thế. Đó là chuyện khai sinh cái Giáo hội Rồi còn một chuyện bên lề nữa. Lúc đó Ôn Thiện Siêu gọi là Tượng tọa thôi, dẫn phái đòa Giáo hội Thống nhất mình với mấy thầy ở Ấn Quang đều là Đại đức hết. Nhưng ra tới Hà nội, ngoài đó mấy thầy khác toàn là Hòa thượng với Thượng tọa. 50 tuổi HT, 30 tuổi TT, một loạt toàn là HT với TT. Thầy Minh Thành của mình đâm hoảng, thấy rằng phái đoàn Thống nhất của mình ra, thầy thì mới là Thượng tọa, còn trò toàn là Đại đức, như vậy khi ra mình thua. Thôi thì đồng loạt lên hết, tự mình phong mình lên thành Hòa thượngvới Thượng tọa hết.

Cho nên tôi nói, một cái Giáo hội mới khai sinh, chưa hình thành mà đã giành giật, tranh chấp chức vụ, địa vị như ngoài đời, cái Giáo hội đó không đáng để tôi phục vụ. Mặc dù tôi vẫn kính trọng quý thầy của mình. Ôn Thiện Siêu tôi vẫn đãnh lễ, Ôn Trí Tịnh là bậc Thầy tôi vẫn cung kính. Nhưng một cái Giáo hộisinh ra với sứ mạng cao cả, chưa làm gì đã lo tranh giành địa vị với nhau thì không đáng cho tôi phục vụchứ đừng nói là lãnh đạo tôi. Rõ ràng đó là một công cụ chính trị chứ không phải là Giáo hội. Đây mấy vị nếu nói tôi xuyên tạc thì nói. Cần thì kiểm điểm lại xem. Tôi chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

Rồi tới chuyện khác nữa. Cái này Ôn Già Lam đi họp về nói lại với tôi. Đó là vấn đề tổ chức cơ cấu. Trên đảng người ta chỉ cho mình tổ chức Ban trị sự (BTS) tới cấp tỉnh thôi. HT Ôn mới nói, Phật tử chúng tôi người ta sinh hoạt ở thôn, xã chứ còn trên tỉnh chỉ có mấy thầy không hà. Nếu BTS chỉ ở cấp tỉnh thì chỉ có mấy thầy với nhau không, Giáo hội không lãnh đạo được Phật tử. Phải có BTS tới thôn, xã. Họ không chịu, ta cãi nhau tới nỗi có lúc Ôn đập gậy lên bàn, Ôn đòi về. Ôn nói vì đây là trách nhiệm lịch sử của Ôn, không thể để cho lịch sử sau này lên án Ôn, chê cười Ôn. Sau họ chấp nhận cho tới quận. Mà Ôn nói với tôi thế này. Mình không thể làm căng được. Mình đòi cho tới xã nhưng cuối cùnghọ chỉ nhận tới quận thì tạm thời cũng được, rổi mình tranh đấu từ từ.

Nhưng mà, trong này có hai điểm. Thứ nhất, tại sao lại phải đòi? Tổ chức của mình, mình làm đúng, nếu chỗ nào vi phạm chính sách thì nhà nước gạt bỏ, còn việc tổ chức sinh hoạt tui tổ chức tới đâu mặc kệ tui. Nếu vi phạm chính sách, phạm luật thì phạt. Chứ không có chuyện xin. Cái gì cũng xin phép. Không có chuyện đó. Và điểm này nữa, thuộc về cái lắc léo của danh từ- cho tới quận, nhưng gọi là Ban đại diện (BĐD) chứ không phải BTS. Giáo hội thống nhất thì từ trên xuống dưới tới quận đều là BĐD. Mà như vậy, mấy thầy nếu có sinh hoạt mấy thầy biết đó, khi BTS tỉnh họp, các quận về họp là BĐD chứ không phải BTS. Giáo hội thống nhất thì từ trên xuống tới quận đều là BĐD. Mà như vậy, mấy thầy nếu có sinh hoạt mấy thầy biết đó, khi BTS tỉnh họp các quận về họp, vì là BĐD nên các thầy chỉ có quyền nghe và trình thôi. Có nghĩa là mấy thầy không lãnh đạo được Phật tử mình dưới quận. Mà nếu mấy thầy không lãnh đạo thì ai vô đây? Đương nhiên là mấy ông trong mặt trận thôi. Rõ ràng là tổ chức thế nào để cho nhà nước vẫn còn kiểm soát Giáo hội.

Tôi nói điều này có hơi xa một chút, nhưng để mấy thầy hiểu cái vấn đề tổ chức. Sau này nếu ở vị trílãnh đạo, ngay từ bây giờ mấy thầy phải ý thức được chuyện đó (hết mặt băng, thiếu một đoạn)… một cái Giáo hội cho có hiệu quả, và cái hình thức thế nào để đừng trở thành công cụ của bất cứ thế lựcchính trị nào.

Hôm trước ở bên Châu Lâm ông Ngọc có lên thăm và nói chuyện, tôi cũng có nói vấn đề này: vấn đềGiáo hội nằm trong Mặt trận tôi không chấp nhận. Còn vấn đề liên hiệp giữa hai Giáo hội. Tôi nói lập trường của chúng tôi là không có vấn đề liên hiệp. GHPGVN là thành viên của MTTQ, đó là một tổ chức chính trị. Chúng tôi không làm chính trị, không liên hiệp với bất cứ tổ chức chính trị nào.

Rồi người ta nói rằng trong qui chế, trong hiến pháp mình thì đảng lãnh đạo tất cả. Tôi nói tôi biết điểm đó. Tôi còn biết Lenin đã nói: “đảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng”. Lenin nói, cán bộ cộng sản nào mà đàn áp tôn giáo là phản động. Lenin không chấp nhận chuyện đàn áp tôn giáo. Trong cộng sản không có chuyện đàn áp tôn giáo, đó là Lenin đã chỉ thị: “đảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng”. “Có nghĩa là: tôn giáo là một công cụ chính trị của đảng.Vì đảng không đủ khả năngtập hợp, phải mượn tay tôn giáo tập hợp dùm. Mà tôi không bao giờ để cho Phật giáo làm công cụ cho bất cứ đảng phái chính trị nào.

Như Liên Xô, một đảng phái chính trị 70 năm thì sụp. Cứ cho là đảng CSVN tồn tại 1000 năm nữa đi, tôi cũng không bao giờ đem 2500 năm lịch sử truyền thừa Phật giáo ra làm công cụ cho bất cứ đảng phái nào. Tôi còn nói, nếu mà lời nói này của tôi là tự đào hố chôn mình, tôi vẫn sẵn sàng tự chôn mình, chứ không thể chấp nhận chuyện đó. Còn nếu nói là luật pháp đúng, tôi tôn trọng luật pháp. Nhưng luật pháp mà xâm phạm lý tưởng của tôi, tôi không chấp nhận cái luật pháp đó chứ đừng có dùng chữ luật pháp với tôi. Đúng là ở trong đất nước nào thì phải tôn trọng luật pháp đó. Nhưng nếu mình tự đặt ra luật pháp để dùng luật pháp đó xâm phạm tới giá trị, xâm phạm lý tưởng của người khác thì tôi không chấp nhận luật pháp đó, tôi sẵn sàng chịu chết. Tôi đã từng đứng trước bản án tử hình rồi. Tôi không sợ, tôi chấp nhận nó. Đây không phải tôi thách thức, mà là vấn đề lý tưởng của mình.

Rồi tôi hỏi thêm chuyện này nữa. Ở trong Saigon tôi có nghe một Phật tử nói- Phật tử thiệt sự đó, nói là chùa Từ Hiếu hát thánh ca Thiên chúa và treo biểu ngữ liên tôn. Mà tôi nói thẳng với ông, tôi biết chắc chắn Mỹ không xúi chuyện này, Vatican cũng không xúi chuyện này. Vậy ai xúi chuyện này? Tức chuyện Phật tử đặt điều xuyên tạc mấy thầy. Mà ở đây tôi nói cái chuyện bất thường chỗ này: một Phật tử Huynh trưởng GĐPT, sinh hoạt nhiều năm rồi mà bày đặt chuyện ra vu khống quý thầy. Ở đây ai cũng biết, mấy thầy hát thánh ca hồi nào, treo biểu ngữ liên tôn hồi nào? mà nói với tôi là “mắt thấy, tai nghe”. Một Phật tử mà dựng chuyện nói láo như vậy. Tôi nói với ông, “Tôi biết chắc mấy thầy bên Giáo hội không ai xúi họ nói láo như vậy. Không có lợi gì. mà mấy thầy bên đó cũng như tôi, tu hành họ cũng sợ mang tội vọng ngữ chứ. Như vậy nói láo tất phải có lợi họ mới nói. Vậy cái lợi này là cái lợi gì? và ai xúi họ nói?” Đây là chuyện bất thường mà còn bất thường nữa. Mình diễn ra thêm một chút thì có nghĩa: Chùa Từ Hiếu không phải là Phật giáo vì mấy thầy tụng kinh mà hát thánh ca. Vậy Từ Hiếu chỉ là một tổ chức Thiên chúa trá hình, và mấy thầy đây là Thiên chúa trá hình cả. Thì đấy, người ta nói thầy Hải Tạng là Thiên chúa, Vatican mua thầy Hải Tạng. Thế ai tung cái tin này? Đồn với mục đích gì? Tôi còn hỏi ông công an, vì ông là công an nên tôi hỏi cho biết, chứ tôi có nghe mà chưa biết đúng hay không. Tôi nghe nói mấy thầy bên Giáo hội đi tuyên truyền chùa Từ Hiếu liên tôn, mà tôi biết chắc không có vấn đề liên tôn. Ngay cả ông cũng biết HT Thiện Hạnh không có trong chuyện liên tôn. Ông đã xác nhận với tôi là không có. Vậy tại sao mấy thầy đó đi nói? Tôi biết mấy thầy cũng sợ tội vọng ngữ, nhưng có hai cái tội: tội trước mắt và tội au lưng. Cái tội trước mắt gần hơn: mấy thầy sợ, mấy thầy phải nói. Còn tội sau lưng chưa thấy, mấy thầy để sau”. Cái đó tôi nói thẳng với họ, dùng những thủ đoạn lắc léo như vậy với Phật giáo, không xứng đáng.

Còn nhiều chuyện nữa. Ở trong Saigon tôi biết nhiều thầy không dám đến gặp tôi. Nhiều khi tình cờ gặp, tánh tôi ngang, tôi hay chọc. Tôi hỏi, đi đâu lâu nay sao không thấy? Nói, bạch thầy lâu nay con bận. Hỏi, con bận hay con sợ? Đáp. Dạ bạch thầy con bận. con đang xây chùa. Ờ biết! vậy lo xây chùa đi. Không sao. Nói chơi cho vui thôi! Rồi có nhiều thầy tuy không dám tới nhưng sai đệ tử tới. Thiệt ra tôi biết. Tình huynh đệ mình đâu bỏ nhau được. Nhưng tôi hay chọc. Họ nói. dạ thầy con bận, sai đem cái này qua cúng thầy. – À! Thầy con bận hay thầy con sợ, con? Nói, dạ thầy con bận. Đó là nói chơi. Nhưng ở đây tôi hỏi công an. Tại sao mấy thầy họ sợ tới tui?

Có hai trường hợp. Một là họ coi chính quyền là tiểu nhân nên gặp tôi mấy thầy không dám gặp, tại vìchính quyền toàn là tiểu nhân hay thù vặt, (tiếng cười rộ…) họ sợ bị trả thù. Thế chính quyền có tiểu nhân hay không? Còn không, là mấy thầy hèn. Nhưng tôi không tin là Phật giáo VN lại hèn như thế. Hèn như thế thì không xứng đáng tồn tại. Nói nghe thì mình cười, nhưng ở đây tuy rằng cười, mà cười ra nước mắt. Đó là cái tình trạng mình phải hiểu. Ngay cả mấy thầy ở Huế đây vô, gặp tôi cũng tránh. Có nhiều khi tôi cũng hơi quá đáng. Tôi kêu lại hỏi. Tại sao ông gặp tôi mà không chào? Ông hèn vừa vừa thôi chứ! Nhưng nói xong tôi cười, bảo nói chơi vậy thôi chứ, đi đi. việc ông, ông làm. Việc tôi, tôi làm. Nghĩa là nói xong mình hối hận, thấy nhiều khi mình cũng là… Gọi là “sân tâm phẫn khởi mà ngôn ngữ cai nhơn”. Mình nói hơi quá đáng, nhưng mà rồi cũng không mất lòng. Sau đó gặp lại, cũng cười xuề xòa nói chuyện với nhau. Mình tìm cách. Nghĩa là lỗi mình thì mình tìm cách cải hóa để sau họ đừng có mặc cảm để nói chuyện. Chứ làm sao được? Tôi nói, ở ngoài đời họ ghét nhau, họ chửi nhau rồi ai về nhà nấy ngủ. Còn mình ở chùa thì không được. Tui có la lối mấy thầy thì ăn cơm quá đường cũng lên ngồi chung. Lên lạy Phật cũng lạy chung. Chả lẽ mình lạy Phật ở trong thì niệm “Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật”, ở ngoài đứng kế bên mình nghĩ “cái mặt này thấy dễ ghét”. Làm sao được cái chuyện đó, hỉ? Nó khác ngoài đời nhiều. Cho nên phải tạo điều kiện để mà sống.

Nãy giờ nói như vậy cũng khá nhiều. Đúng ra mình còn rất nhiều vấn đề để nói. Tôi thấy là mình đã có dịp may. Cái duyên rất tốt. Được gặp và nói chuyện với các học tăng, để rồi mấy thầy ở đây khi học hiểu được cái tâm trạng của tôi, và nhất là hiểu được mục đích của tôi khi giảng dạy quý thầy để làm cái gì? và quý thầy học để làm gì.Còn tôi, bằng bất cứ cách nào tôi cũng tìm điều kiện cho mấy thầy học. Tôi vẫn dạy. Khó khăn mấy tôi cũng chấp nhận. Chỉ có điều ra đây tôi không đi được. Nếu đi được tôi vẫn ra như thường. Cho nên mình thấy cái học của mình nó khó như vậy đó. Mà nếu thầy có mục đích để dạy, trò nếu muốn có mục đích phải nỗ lực. Và nói chung, nhiệm vụ trước mắt của mấy thầy là phải học. Còn những chuyện kia mình biết, mình để đó mà suy nghiệm. Chứ không phải biết rồi đi nói lung tung nghe! Đây tôi nhắc lại thêm lần nữa. Đừng nói lung tung, vì mấy thầy xung quanh mình cũng đều là huynh đệ của tôi cả. Cũng là sư thúc, sư bá của mấy thầy. Mình không nên nói hỗn, như vậy nó lỗi đạo. Tôi nói ví dụ như với HT Từ Đàm tôi vẫn kính nễ. Ôn vô Già Lam tôi vẫn đắp y qua đãnh lễ, còn Ôn có nói chuyện với tôi thì tôi nói. Ôn không nói thì thôi. Phần học trò mình phải giữ lễ. Nhưng trong nhà mình nói với nhau thì nói, chứ người ta nói đụng tới Ôn thì tôi bênh à.

Thôi thì nói tàm tạm chừng đó cũng được, để dành thì giờ cho những chuyện khác. Thứ nhất, tôi cũng muốn biết một số ý kiến của mấy thầy ở đây về vấn đề học, vấn đề tu, kể cả vấn đề tương lai- tương lai của Giáo hội… Thôi bây giờ mình quên cái chuyện của Giáo hội đi- Tương lai của Phật giáo và tương lai của bản thân các thầy. Ta cũng nên thảo luận. Ở đây có quý thầy, quý Ôn tham gia, mình nghe và mình may ra tìm được cái hướng nào đó để mà thoát ra khỏi tình trạng này. Nếu mình không thoát nỗi, không phải mình chết trong danh dự đâu, mà Phật giáo VN sẽ chết trong trạng thái gọi là nhục. Chẳng thà người ta tiêu diệt mình bằng vũ lực, đem mình ra xử bắn. Đàng này cho mình chùa to, Phật lớn mà bên trong trống rỗng thì tất nhiên mình cũng sẽ chết thôi, nhưng giống như một cái xác ngày càng phình to trong trạng thái bệng hoạn mà bên trong thối tha, trống rỗng…thì cái đó không thể chấp nhậ được. Rất tiếc, đúng ra chúng ta học Phật chỉ nói chuyện Phật thôi. Nhưng mà chuyện Phật nó bị chuyện đời lôi kéo nhiều quá thành mình phải nói. Nhiều khi tôi cũng thầm tự hỏi mình học kinh và tu cả đời mà không biết sai chỗ nào mà càng học, càng lớn càng thấy nó rắc rối chuyện đời ra? Ta học Phật, tu Phật đáng lẽphải thong dong giải thoát chả có ràng buộc gì, chuyện đời thấy nó phiêu diêu… mà mình sao đủ chuyện hết! Thế mình học đúng hay học sai? Chắc có sai ở trong đó. Có sai mà cũng có cái đúng. Cái đúng mình nói vậy thôi chứ mấy thầy gặp nhau vẫn vui vẻ như thường. Chả có gì. Gặp nhau vẫn ăn cơm chung, nói chuyện qua lại vui vẻ mà không phải là giả dối đâu. Có thiệt tình ở trong đó. Nói giả đạo đức với nhau thì hơi quá. Không phải đâu!

Nhưng mà cái chuyện nhà thì nhiều khi phải nói. Tại vì mình tu thì không phải lúc nào cũng ngồi tụng kinh cả. Có lúc phải ra quét rác. Có lúc phải lau bát nhang. Đốt nhang, nhang thơm thì có bụi. Mà có bụi thì phải quét chứ đừng mong nhang thơm mà không có bụi. Chuyện chi cũng vậy, vì đời là như thế. Mình còn ở trong thế gian mà. Chắc mấy thầy ở đây hành điệu thì biết rồi. Thắp nhang nhiều thì có bụi nhiều hà! Hễ muốn có nhiều nhang trầm cho thơm thì phải đỗ bụi nhiều. Mình phải chấp nhận. Cho nên chi… mà cái này tôi nói giống như tôi biện hộ nãy giờ mình nói lung tung…

(Hết “cassette” – ghi lại từ băng ghi âm buổi nói chuyện của HT Thích Tuệ Sỹ tại chùa Từ Hiếu, Huế)



    « Xem chương trước «      « Sách này có 1501 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.45.207 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (1 lượt xem) - ... ...