Người ta thường nói những câu như là: “Có tiền mua tiên cũng được,” “ăn ngon, ngủ kỷ là tiên trên đời,” “ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây” v.v... Điều đó cho ta thấy, người đời rất coi trọng phước báu nhân gian, ngũ dục lục trần; cho nên cả đời phải làm lụng vất vả để mong sao đạt được những thứ này.
Trong kinh Đức Phật bảo: “Giàu sang, thương muốn không thể bền giữ, phải nên lánh xa, chẳng thể an vui.” Giàu sang, thương muốn chính là ngũ dục lục trần, là cái nhân sanh ra ác đạo và luân hồi sanh tử, nên Phật bảo chúng ta chẳng nên dích mắc vào đó, chỉ phải nên tinh tấn niệm Phật cầu sinh về cõi nước An Lạc, để được trí huệ thông suốt, công đức thù thắng. Đức Phật còn dạy: Nếu người đời cứ mãi phóng tâm vào chỗ ham muốn ngũ dục lục trần, phụ kinh bỏ giới thì sẽ mãi mãi trôi lăn trong lục đạo, lãnh chịu biết bao sự khổ nạn.
Bồ-tát do nhờ vào tâm Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi nên có thể xả ly mọi chấp trước đối với ngũ dục lục trần. Bồ-tát lại do xả ly được mọi chấp trước nên mới có thể hằng thuận với tất cả chúng sanh ở khắp mọi nơi. Chúng ta nên biết chữ “chúng sanh” không phải là chỉ riêng con người mà thôi, chúng sanh có nghĩa là chúng duyên hòa hợp, tức là nó bao gồm hết thảy các loài động vật, tất cả các sự, vật, hiện tượng, hoàn cảnh v.v... do nhân duyên hòa hợp kết thành. Ngay cả hư không cũng là chúng sanh bởi vì hư không cũng có pháp tánh. Nếu hư không không có pháp tánh thì làm sao có thể chứa đựng và vận chuyển các làn sóng điện tử và các vật chất trong nó? Bồ-tát có thể thực hiện được tâm Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi là do các Ngài có khả năng nhìn thấu, buông xuống, tự tại và tùy duyên.
· “Nhìn thấu” là đối với tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian đều thông rõ minh bạch, không có sai sót, cũng không có nghi ngờ nhầm lẫn; đây là trí huệ lưu lộ từ trong Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, bình đẳng và sáng suốt. Tự tánh thấy như thế nào? Tự tánh thấy rõ tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian đều là huyễn hóa, không thật, như kinh Kim Cang nói: “Hết thảy các pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng.” Tự tánh thấy hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng có thứ nào là chân thật, mọi chuyện trong thế gian đều thường luôn thay đổi, sanh diệt trong từng mỗi sát-na.
Mạng sống của con người chỉ nằm trong một hơi thở, khi mình thở ra mà không hít vào được thì coi như là đã chết. Hằng ngày khi chúng ta xem tin tức trên báo chí hoặc các đài TV đều thấy có người chết. Trong số những người chết đó, có người già chết cũng có không ít những người còn rất trẻ mà cũng bị chết. Chúng ta thử hỏi, lúc ta đến thế gian này, ta đem theo cái gì và lúc ra đi sẽ có thể mang theo được cái gì? Câu trả lời mà ai nấy đều biết rõ, chúng ta tới thế gian này với đôi bàn tay trắng và lúc ra đi cũng sẽ trắng tay, một chút gì cũng không mang theo được. Thế thì thế gian này có cái gì là thật đáng để cho chúng ta mong cầu, hơn thua tranh dành? Chỉ khi nào chúng ta thật sự thấy rõ và chấp nhận được sự thật này thì có thể dễ dàng buông xả hơn, và cũng nhờ đó mà công phu niệm Phật mới được đắc lực. Tổ Ấn Quang dạy chúng ta nên dán chữ “tử” trên trán để niệm Phật; đây là lời cảnh báo, thúc đẩy, khiến chúng ta tinh tấn tu tập hạnh buông xả để có thể niệm Phật với công phu đắc lực, nhằm giải quyết vấn nạn sanh tử ngay trong đời này.
· “Buông xuống” ở đây không có nghĩa là phải rời bỏ gia đình, công việc, sự nghiệp v.v… mà là đoạn bỏ đi tâm phân biệt chấp trước, các ý nghĩ tà tri tà kiến, tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, bằng những nỗ lực trong bổn phận đối với những công việc hằng ngày của mình, nhằm hết lòng giúp đỡ cho gia đình, xả hội và chúng sanh có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy, “buông xuống” cũng chính là đoạn ác, tu thiện. Tu thiện thì phải căn cứ trên ngũ giới và thập thiện mà gìn giữ thân tâm thanh tịnh cùng thiện tương ưng; tức là không được sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ác khẩu, thêu dệt, lưỡng thiệt, tham lam, sân giận, ngu si.
Con người sống trong thế gian đều bị sức ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh, hiện tượng, sự vật và người khác xung quanh mình; đấy đều là do thế lực của định nghiệp lôi kéo mình mãi trong chốn sanh tử. Hễ tâm mình có chấp trước thì khó lìa bỏ được sức định nghiệp. Nếu như tâm mình không có chấp trước thì đều có thể bố thí ra được hết tất cả những ảnh hưởng của định nghiệp. Tức là tuy rằng nghiệp lực vẫn hiện hành theo quy luật của nó, nhưng nó chẳng thể gây tác dụng nơi tâm mình, bởi vì tâm mình chẳng chấp giữ lấy nó. Vậy, chữ “bố thí” trong Lục độ chẳng phải chỉ là buông xả tâm chấp trước đối với ngũ dục lục trần mà còn là buông xả sức ảnh hưởng của định nghiệp.
Tình hình thế giới hiện nay rất bất ổn, thiên tai, động loạn, chiến tranh, khủng bố, bất công, đói khát, bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp, nghèo đói v.v... đang xảy ra hằng ngày ở khắp mọi nơi trong năm châu bốn biển. Số người này ngày càng gia tăng rất nhiều, chớ chẳng giảm thiểu. Đây chính là cái quả do ba nghiệp tham, sân, si của chúng sanh gây ra. Ngày nay, chúng ta dù đang sống an lành, có được gia đình quyến thuộc chung sống với mình, chia sẻ với mình những cái vui cái khổ trong cuộc đời tạm bợ thì mình cũng phải nên biết “thế nào là đủ.” Chúng ta hoàn toàn không làm chủ được vận mạng của mình, chẳng biết ngày mai sẽ ra sao thì hãy nên cố gắng buông xả mọi chấp trước, để có thể sống một cuộc sống thiểu dục tri túc mà có được những sự vui vẻ, hài hòa trong từng mỗi giây, mỗi phút hiện tại khi mình còn đang thở.
Chúng ta nên biết, tâm hoan hỷ, thanh tịnh, bình đẳng ở hiện tại chính là cái nhân sanh ra nhiều thiện căn phước đức nhân duyên để được vãng sanh Cực Lạc; còn các ý niệm phiền não, phân biệt, chấp trước là cái nhân sanh ra luân hồi sanh tử khổ đau. Nói cách khác, ngay bây giờ ta gieo cái nhân như thế nào thì sẽ phải gặt hái cái quả giống như thế đấy; chẳng có cái đạo lý gieo hạt cà mà được quả dưa. Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật nhắc nhở chúng ta rằng: “Hoa trái như nhau” hay “người hiền làm thiện, từ vui vào vui, từ sáng vào sáng. Kẻ dữ làm ác, từ khổ vào khổ, từ tối vào tối.” Chỉ có những ai tin nhận được lời Phật dạy, hiểu rõ lý nhân quả và lẽ vô thường của thế gian thì mới có thể buông xuống tất cả. Người ấy quả thật là có trí tuệ nhìn thấu, biết rõ những thứ như là tiền tài, tiếng tăm, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ v.v... đều chỉ là huyễn giả, đều chỉ là những hiện tượng trong giấc mộng mà thôi!
Nhờ vào trí tuệ nhìn thấu suốt đạo lý đó nên họ có thể buông xả tâm chấp trước đối với tất cả ngũ dục lục trần và sức ảnh hưởng của định nghiệp mà nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Cái hoa báo mà họ có được là ngay trong hiện đời họ có được một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn với một bổn tâm thanh tịnh, trống rỗng chẳng có gì hết, và cái quả báo mà họ có được mai sau lúc lâm chung là được hóa sanh trong hoa sen nơi ao thất bảo ở cõi Cực Lạc, chỉ trong khoảng khắc họ được thân tướng quang minh, trí huệ thù thắng, thần thông tự tại như các Bồ-tát. Vậy, sự đánh đổi những thứ giả tạo như là tiền tài, tiếng tăm, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ và phiền não của thế gian với những thứ trang nghiêm thù thắng nơi cõi Cực Lạc có khác gì việc dùng một cục kẹo đường chẳng đáng một đồng xu để đổi lấy viên Bảo Châu Như Ý vô giá. Như vậy, buông xả tâm chấp trước đối với vạn duyên để được cái tâm rỗng rang thanh tịnh chính là đạo nghiệp mà chúng ta muốn thành tựu. Vì thế, các kinh đều nêu hạnh bố thí độ trước các độ khác trong Lục độ.
Nếu ngay bây giờ, chúng ta đang nằm mộng mà biết rõ là mình đang nằm mộng thì Phật còn có cách để cứu chúng ta; còn nếu như mình cứ mãi đắm chìm trong cơn mộng, chẳng chịu tỉnh thức, tiếp tục lang thang rong rủi trong cơn mộng ảo để tìm cầu ngũ dục lục trần, thì đành phải tiếp tục luân chuyển trong sáu đường thống khổ, phiền não vô tận. Nếu chúng ta khăn khăn chẳng chịu tin sự thật này mà buông xuống vạn duyên, thì chư Phật, Bồ-tát cũng đành bó tay; bởi vì thần thông của các Ngài không thắng nổi nghiệp lực của chúng ta. Nghiệp lực của chúng ta chỉ có thể khắc phục bằng cái tâm buông xả mà thôi.
Lại nữa, nếu ngay bây giờ, mình thật sự biết rõ là mình đang nằm mộng thì chính là mình đang tỉnh thức; cho đến khi mình thật sự lìa bỏ được những sự trói buộc của giấc mộng, tức là không còn bị dính mắc vào ngũ dục lục trần nữa, thì mình mới có thể được sự tự tại, tùy duyên hằng thuận với tất cả chúng sanh. Bất kể hữu tình chúng sanh như là người thiện hay ác, lạ hay quen, bạn hay thù, bất kể vô tình chúng sanh như là hoàn cảnh tốt hay xấu, vui hay buồn, thuận hay nghịch v.v..., chúng ta đều có thể tự tại, tùy duyên hằng thuận được thì mới có thể thành tựu được đạo nghiệp. Như vậy, buông xả vạn duyên để có được cái tâm rỗng rang thanh tịnh và tự tại trong tất các pháp chính là đạo nghiệp mà người tu hành mong muốn thành tựu. Vì thế, các kinh đều nêu hạnh bố thí độ trước các độ khác.
Tất cả sự tu hành để tìm cầu sự giải thoát sanh tử mà Phật đã giảng dạy đều lấy độ “không chấp trước” làm gốc. Buông xả tâm chấp trước chính là tông chỉ của kinh Kim Cang: “Xa lìa bốn tướng, tu hết thảy pháp lành, thì mới có thể chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề.” Vậy, hạnh thứ nhất bố thí độ (tức buông xả tâm chấp trước) trong Lục độ cũng chính là phát khởi Bồ-đề tâm. Vì sao? Bởi vì trong Bồ-đề tâm chẳng có bốn tướng nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả. Lấy cái tâm hạnh ấy để niệm Phật thì liền được Nhất Tâm Bất Loạn.
Kinh Vô Lượng Thọ lấy việc “phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật” làm Tông chỉ, cũng tức là dạy chúng sanh phải từ nơi Chân tâm Tự tánh mà tu hành, lấy tâm chân thành cung kính của chính mình làm đạo tràng để tu chứng, từ nơi Tâm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác của mình mà niệm Đức Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Phật. Tu hành như thế mới gọi là viên tu, viên chứng để mau chóng thành tựu đạo nghiệp. Bởi do Tâm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác chính là Pháp thân của A Di Đà Phật, nên Niệm Phật thật là một pháp môn trực thẳng, lấy tâm này là Phật để tâm này thành Phật. Nếu người niệm Phật chẳng hiểu rõ đạo lý này thì chẳng thể đạt được Nhất Tâm mà mau chóng thành tựu đạo nghiệp.
Con người chúng ta đang sống trong vô minh tăm tối ví như đang chìm đắm trong giấc mộng dài, nếu chẳng chịu cố gắng vươn lên để thức tỉnh thì phải tiếp tục chịu mãi trầm luân trong sanh tử. Phật bảo, cái khổ nhất của chúng sanh là vô minh, rồi Phật dạy chúng sanh phải tu hạnh buông xả tâm chấp trước để phá vô minh, bởi vì khi tâm chấp trước không còn thì vọng tưởng phân biệt cũng không còn nữa; khi ấy tâm mình sẽ an trú trong trạng thái tĩnh lặng rỗng rang, thanh tịnh bình đẳng và thông suốt rốt ráo. Nhà thiền gọi trạng thái ấy là hết vô minh hay minh tâm kiến tánh. Trong cảnh giới ấy, chúng ta có được cái thấy biết rõ ràng không ngằn mé, tự do du hý thần thông trong khắp mười phương thế giới, không chướng ngại. Như vậy, nếu mình nhìn thấu được bao nhiêu thì sẽ buông xả được bấy nhiêu và ngược lại nếu mình buông xả được bao nhiêu thì sẽ nhìn thấu bấy nhiêu. Hai thứ này bổ xung lẫn nhau như ngàn con mắt trong ngàn bàn tay của Ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quán Thế Âm Bồ-tát.
· “Tự tại, tùy duyên” có nghĩa là muốn được tự tại thì phải biết tùy duyên. Phan duyên là tự mình ràng buộc mình vào trong phiền não, làm mất đi sự tự do nơi cả thân lẫn tâm mình. Phẩm Thọ Ký Bồ Đề ghi: “Trong một khoảnh khắc, vì người diễn nói, khuyến khích lắng nghe, không sinh ưu não” là nói đến sự tự tại, tùy duyên của Bồ-tát. Chư Phật, Bồ-tát luôn có tâm nhẫn nại trong việc độ sanh, nếu đời này kiếp này không độ được một chúng sanh không tin Phật, chưa giác ngộ thì các Ngài sẽ chờ đến kiếp sau hay muôn vạn kiếp sau nữa mới độ họ. Nay, chúng ta cũng phải giống như vậy; nếu chúng ta không giúp được người không có duyên với Phật pháp thì cũng cứ tự tại tùy duyên, chẳng nên sanh ưu não, phiền muộn. Hãy tự lo cho việc tu hành của chính mình được viên mãn trước và coi đó là sự dự bị để có thể độ được nhiều chúng sanh trong tương lai khi mình thật sự thành tựu đạo nghiệp.
Niệm Phật là một trong những phương pháp mà Phật dạy chúng sanh thực hành để đạt được cái tâm Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi. Mà muốn đạt được cái tâm này thì chúng ta phải Nhìn Thấu, Buông Xuống, Tự Tại, Tùy Duyên! Nếu không biết niệm Phật là để có được những thành tựu này, thì dù chúng ta có thể tu tất cả công đức khác, cũng khó đạt đến mức viên mãn thành Phật.