Xây nhiều chùa lớn, dựng nhiều tượng Phật khổng lồ có thể giải nghiệp hay không? Cầu nguyện siêng năng, cúng tiền nhiều cho đại tăng có thể giải nghiệp hay không? Đó là những câu hỏi đang được nhiều Phật tử quan tâm. Kinh Phật dạy có nhiều cách giải nghiệp. Sau đây là trích dịch một số kinh liên hệ tới nghiệp và giải nghiệp.__o__
Tác ý, khởi lên ý định, suy tính tư lường (intention) là nghiệp (kamma), vì khởi dậy từ tham, từ ước muốn. Kinh AN 6.63 viết:
“Tác ý, ta nói với chư tỳ kheo, chính là nghiệp. Khi tác ý, là gây nghiệp cho thân, khẩu và ý.”
__o__
Nghiệp lành, phước đức không thể tới từ kinh cầu nguyện hay ước muốn. Kinh AN 5.43 viết:
“Năm phước này được chờ đón, ưa chuộng, vui thích, và khó đạt được trong cõi này. Năm phước nào? Trường thọ… nhan sắc… vui sướng… vị thế [xã hội]… tái sanh vào cõi trời… Bây giờ, ta nói với các ngươi, năm điều đó không đạt được qua cầu nguyện hay ước nguyện.”
__o__
Hãy tư duy, quán sát rằng chính mỗi người mang theo nghiệp riêng mỗi người, tự trách nhiệm về nghiệp của mình, là thừa tự từ nghiệp lành và dữ qua thân, khẩu, ý. Quán sát, tư duy như thế sẽ làm ác hạnh trong thân khẩu ý được buông bỏ hoàn tay hay yếu đi. Kinh AN 5.57 viết:
“Tôi là sở hữu chủ nghiệp của chính tôi, là thừa tự nghiệp của chính tôi, sinh ra từ nghiệp của chính tôi, liên hệ xuyên qua nghiệp của chính tôi, và có nghiệp của chính tôi như người hòa giải của tôi.
Đó là sự kiện mỗi người hãy tự quán chiếu thường, cho dù là nam hay nữ, là cư sĩ hay tu sĩ…
Bây giờ, dựa vào chuỗi lý luận về cách quán sát tư duy thường xuyên đó… rằng ‘tôi là sở hữu chủ nghiệp của chính tôi, là thừa tự nghiệp của chính tôi, sinh ra từ nghiệp của chính tôi, liên hệ xuyên qua nghiệp của chính tôi, và có nghiệp của chính tôi như người hòa giải của tôi. Bất cứ những gì tôi làm, dù tốt hay xấu, tôi cũng sẽ là thừa tự nghiệp cho việc làm đó. Có những chúng sanh tự làm những việc bất thiện trong thân… trong khẩu… trong ý… Nhưng khi thường xuyên tư duy quán sát như thế, những việc bất thiện trong thân, khẩu và ý sẽ hoặc là được buông xả toàn bộ hay yếu dần đi…”
__o__
Hoàng Hậu Mallikā hỏi Đức Phật rằng nghiệp lành nào dẫn tới nhan sắc xinh đẹp, tài sản lớn… cho người phụ nữ. Đức Phật trả lời trong Kinh AN 4.197 rằng (bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu):
“Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều, không có nổi nóng, không có nổi giận, không nổi sân, không sừng sộ, không gây hấn, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không bất mãn. Người này bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; tánh tình không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tái sanh dung sắc đẹp, sắc đẹp tốt, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn.”
__o__
Chúng sanh luân hồi trong ba cõi đều bị buộc theo nghiệp riêng từng cõi: nơi dục giới, thức được an lập trong giới thấp kém; nơi sắc giới, thức được an lập trong giới bậc trung; nơi vô sắc giới, thức được an lập trong giới bậc thù thắng. Kinh AN 3.77 ghi lời Đức Phật dạy ngài Ananda về nghiệp trong cõi dục giới:
“- Này Ananda, nếu không có hành động (nghiệp) và sự chín muồi của dục giới, thời dục hữu có thể trình bày được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ananda, hữu có mặt.”
__o__
Hôm nay người này làm ra nghiệp, rồi tương lai hay kiếp sau sẽ lãnh nhận nghiệp quả. Câu hỏi rằng, người gây ra nghiệp và người thừa tự nghiệp có phải là một người, hay hai người khác nhau? Đức Phật bác bỏ cả hai trường hợp, nói rằng hễ đáp thế nào cũng sẽ là cực đoan; và ngài chủ trương trung đạo, nói trong Kinh SN 12.46, trích:
“Ngồi xuống một bên, vị Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
—Thưa Tôn giả Gotama, có phải người hành động là người cảm thọ?
—Này Bà-la-môn, người hành động là người cảm thọ, ấy là một cực đoan.
—Thưa Tôn giả Gotama, có phải người hành động khác, người cảm thọ khác?
—Người hành động khác, và người cảm thọ khác, ấy là cực đoan thứ hai. Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.
Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức. Do duyên thức nên có danh sắc… Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt… Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.”
__o__
Thế nào là nghiệp cũ? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều là nghiệp cũ. Thế nào là nghiệp mới? Việc mình làm bây giờ với thân, khẩu, ý là nghiệp mới. Cách nào để đoạn diệt nghiệp? Đó là Bát Chánh Đạo.
Kinh SN 35.145 giải thích (trích bản dịch của HT Thích Minh Châu):
“- Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết về các nghiệp mới và cũ, sự đoạn diệt các nghiệp, con đường đưa đến sự đoạn diệt các nghiệp. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp cũ?
Mắt, này các Tỷ-kheo, cần phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý cần phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
Các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp cũ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp mới? Này các Tỷ-kheo, hiện tại phàm làm việc gì với thân, với lời nói, hay với ý. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp mới.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đoạn diệt? Sự đoạn diệt thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp, nhờ vậy cảm thấy giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp đoạn diệt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.”
__o__
Cúng dường thức ăn, hay bố thí thức ăn sẽ được quả lành nào? Bố thí thức ăn là giúp người nhận dài thêm thọ mạng, giúp sắc diện tốt hơn, giúp thêm an lạc, và giúp sức mạnh. Kinh AN 4.57 viết (bản dịch HT Thích Minh Châu):
“—Các Thánh nữ đệ tử khi bố thí đồ ăn, này Suppavàsà, bố thí bốn sự cho những người nhận. Thế nào là bốn?
Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh. Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng, thuộc cõi Trời hay cõi Người. Sau khi cho dung sắc, người cho được chia phần dung sắc, thuộc cõi Trời hay cõi Người. Sau khi cho an lạc, người cho được chia phần an lạc, hoặc thuộc cõi Trời, hoặc thuộc cõi Người. Sau khi cho sức mạnh, người cho được chia phần sức mạnh, thuộc cõi Trời, hay cõi Người. Này Suppavàsà, khi Thánh nữ đệ tử bố thí đồ ăn, bố thí bốn sự này cho những người nhận.”
__o__
Cách nào giải được các nghiệp bất thiện nhỏ nhặt? Cũng như hạt muối bỏ vào ly nước sẽ làm người uống thấy mặn, nhưng hạt muối bỏ vào Sông Hằng sẽ không tác dụng mặn được. Do vậy, Đức Phật nói rằng một nghiệp ác nhỏ có thể đẩy chúng ta xuống địa ngục, trong khi với người biết tu, nghiệp nhỏ như thế sẽ gần như không tác dụng. Kinh AN 3.99 viết (bản dịch HT Thích Minh Châu), trích:
“- Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.
Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.”
__o__
Xây chùa khổng lồ cho chư tăng bốn phương có công đức lớn ra sao? Kinh sắp dẫn sau đây có vẻ như Đức Phật muốn nói cho hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam, nơi chính phủ và các đại gia đang rủ nhau xây chùa lớn. Ngay cả khi xây chùa khổng lồ cho chư tăng bốn phương cũng không thể có công đức bằng khởi tâm tịnh tín quy y Phật Pháp Tăng. Rồi như thế cũng không có công đức bằng tự mình giữ giới cho thanh tịnh. Rồi như thế cũng không có công đức bằng tự mình trong một khoảnh khắc tu tâm từ bi. Rồi như thế cũng không có công đức bằng trong một khoảnh khắc tu tập tưởng vô thường.
Như thế, cách giải nghiệp tốt nhất là trong một khoảnh khắc khởi tâm từ bi, và trong một khoảnh khắc tu tập tưởng vô thường. Kinh AN 9.20 viết như sau (bản dịch của HT Thích Minh Châu):
“Thuở xưa, này Gia chủ, có một vị Bà-la-môn tên là Velàma. Vị ấy bố thí rộng lớn như sau: Vị ấy bố thí 84.000 bát bằng vàng đựng đầy bạc. Vị ấy bố thí 84.000 bát bằng bạc đựng đầy vàng. Vị ấy bố thí 84.000 bát bằng đồng đựng đầy châu báu. Vị ấy bố thí 84.000 con voi với đồ trang sức bằng vàng, với các ngọn cờ bằng vàng, bao trùm với những lưới bằng chỉ vàng và 84.000 cỗ xe, được trải với da sư tử, được trải với da cọp, được trải với da báo, được trải với mền màu vàng, với những trang sức bằng vàng, với các ngọn cờ bằng vàng, bao trùm với những lưới bằng chỉ vàng. Vị ấy bố thí 84.000 con bò sữa, cột bằng những sợi dây gai mịn với những thùng sữa bằng bạc. Vị ấy bố thí 84.000 thiếu nữ, trang sức với những bông tai bằng châu báu. Vị ấy bố thí 84.000 giường nằm trải nệm bằng len thêu bông, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, tấm thảm với lầu che phía trên, có đầu gối chân màu đỏ hai phía. Vị ấy bố thí 84.000 thước vải, bằng vải gai mịn màng nhất, bằng vải lụa mịn màng nhất, bằng vải len mịn màng nhất, bằng vải bông mịn màng nhất. Và ai có thể nói về các đồ ăn, đồ uống, loại cứng, loại mềm, các loại đồ ăn nếm và các loại nước đường. “Chúng tôi nghĩ chúng chảy như dòng sông”.
Có thể, này Gia chủ, Ông nghĩ: “Có thể Bà-la-môn Velàma là một người nào khác, vị đã bố thí một cách rộng lớn như vậy”. Này Gia chủ, chớ có nghĩ như vậy. Chính lúc ấy, Ta là Bà-la-môn Velàma, chính Ta đã bố thí rộng lớn ấy. Nhưng này Gia chủ, khi bố thí ấy được cho, không có một ai xứng đáng để nhận bố thí. Không có một ai làm cho thanh tịnh bố thí ấy. Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, nếu có ai bố thí cho một người chánh kiến, bố thí này lớn hơn quả lớn kia.
Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn và có ai bố thí cho 100 người chánh kiến, và có ai bố thí cho một vị Nhất lai, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí rộng lớn, và có ai bố thí cho 100 người Nhất lai, và có ai bố thí cho một vị Bất lai, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, và có ai bố thí cho 100 vị Bất lai, và có ai bố thí cho một vị A-la-hán, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, và có ai bố thí cho một vị A-la-hán, và có ai bố thí cho một vị Ðộc Giác Phật, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn và có người bố thí cho 100 vị Ðộc Giác Phật, có ai bố thí cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, và có ai bố thí cho chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị thượng thủ, và có ai xây dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương...
và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và Tăng, và có ai với tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu...
Và có ai với tâm tịnh tín, chấp nhận học pháp... từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu, và ai tu tập từ tâm giải thoát, cho đến trong khi khoảnh khắc vắt sữa bò, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, có ai bố thí một vị đầy đủ chánh kiến.. và có ai bố thí cho 100 vị đầy đủ chánh kiến.. và có ai bố thí một vị Bất lai... và có ai bố thí trăm vị Bất lai, và có ai bố thí một vị A-la-hán... và có ai bố thí trăm vị A-la-hán...
và có ai bố thí một vị Ðộc giác Phật, và có ai bố thí trăm vị Ðộc giác Phật, và có ai bố thí Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác...
và có ai bố thí chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, và có ai cho xây dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương...
và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và chúng Tăng... và có ai tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu...
và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm…
và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thường, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.” (1)
GHI CHÚ:
(1) Kinh AN 9.20 (Kinh Velàma): https://suttacentral.net/an9.20/vi/minh_chau