Mỗi lần về phố cổ Bao Vinh thăm chùa Thiên Giang, tôi luôn có cảm tưởng như được trở về mái nhà xưa thân thương nghỉ tạm để tiếp thêm nghị lực hướng về cõi Tịnh.
Chùa Thiên Giang được xem như dấu son trên hình hài phố cổ. Cuốc bộ dọc phố cổ, lội vào chợ rồi trở ra trước bến đò ngang cũ nay chỉ còn trong trong ký ức của mấy người già luôn ngồi sâu trong những ngôi nhà rường cổ kính. Những ngôi nhà ngủ sớm. Hơn chín giờ phố đã vắng; còn chăng là mấy người đàn ông sau khóa niệm Phật ở lại nhâm nhi tách trà, nói chuyện đạo pháp. Ngày chưa có cầu, người dân làng Hải Dương cách mười lăm cây số, khổ hơn là lụi hụi qua đò Ca Cút, mưa gió cũng đến bằng được ngôi chùa đặc biệt này niệm Phật đều đặn.
Câu đối ghi trên một trụ biểu chùa: Nam hải liên hoa cửu phẩm hương Tây phương lục trúc thiên niên thúy.
Tây phương là cõi Cực lạc lại gắn với lục trúc (loài cây ở cõi trần). Còn Nam hải (ngụ ý Ta-bà) lại gắn với liên hoa (“quốc hoa” ở Tịnh độ). Câu đối có thể hiểu theo hướng khác, song thiết nghĩ tác giả muốn gửi gắm cái triết lý: cõi Phật và cõi Trần đều “phàm thánh đồng cư”, khác ở tâm người tịnh hay nhiễm. Một vị tổ sư thí dụ sâu sắc: trăng tượng trưng cho Phật và Pháp, Tâm tượng trưng cho nước. Hễ đâu có nước sẽ hiện trăng. Nhưng nếu tâm vọng động (nước ấy không trong lặng), trăng nhấp nhóa mờ nhòa. Tâm càng trong trăng càng hiện rõ.
Thiên Giang tự nguyên là một thảo am. Rồi thành chùa làng. Dấu hiệu rõ nhất ở việc vừa thờ Phật (bức hoành bên phải từ trong chùa nhìn ra: Từ hàng tế độ) vừa thờ những con người phi phàm hoặc có công với nước (thể hiện qua bức hoành bên trái Thiên cổ vĩ nhân). Vóc dáng Thiên Giang tự mang kiến trúc thời Lý Trần. Trong chùa còn bức tượng Phật bằng đất nung với khuôn mặt rất thuần Việt. Bên phải chùa có miếu Thành hoàng, bên trái là miếu Âm linh.
Tích truyền, một ngày vua Tự Đức dong thuyền rong chơi, gặp mưa nên ghé chùa trú, và đặt tên chùa là Thiên Giang. Điều này có lý bởi thời vua chúa, nếu không là bậc đế vương mấy ai dám đặt tên sự vật gắn với chữ “Thiên”. Ba chữ “Thiên Giang tự” được khắc nổi ở chuông. Chuông không lớn, âm thanh trong và vang. Một số người cao tuổi vẫn truyền lại câu chuyện, rằng chuông do thứ phi của vua Quang Trung là bà Lê Hữu Tí dâng tặng. Gặp cảnh vua Gia Long quét sạch những gì còn vương lại từ tiền triều, chuông được dân làng chôn giấu, mãi sau này mới đào lên…
Có lẽ người dân quá quý trọng vị anh hùng áo vải nên phần nào thêu dệt, chứ thực ra trên chuông ghi rõ “Gia Long nhị niên, trọng thu nguyệt, nhị thập tam nhật” (Gia Long năm thứ 2 [1803], ngày 23 tháng trọng thu”, và còn khắc tên một số công tử nữa).
Chùa quay mặt về hướng Đông. Vào sáng có cây bồ-đề và cây sứ đỏ tỏa bóng xanh mát. Chiều về gió từ mặt sông lùa vào, mặt trời lấp lóa từ phía sau tạo nên một không gian trầm lặng yên bình. Chùa gần chợ mà không đông, không nhiễm “văn minh” chợ. Dân quanh đây nhiều người hướng Phật, ý tứ giữ gìn nên qua bao nhiêu năm chùa “vẫn thế”. Cuộc sống có thể phát triển, từ cơ sở hạ tầng đến văn hóa lai Tây Tàu nhưng lối tu tập của người Phật tử vẫn cứ tối lại có vài ba chục người đủ giai tầng đến chùa niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”. Trí thức có, tiểu thương, người khuyết tật có, đến chùa không phân biệt giàu nghèo; gần xa đều gắng nhiếp tâm.
Văn bản của làng ghi rõ: Chỉ mở cửa chùa niệm Phật. Điều này cũng gần giống với tinh thần của Ấn tổ Tịnh độ tông: đạo tràng khoảng vài chục người, mỗi một việc niệm Phật cầu sanh Cực lạc; tứ chúng cúng dường thì dùng tiền đó in kinh sách. Vào ngày vía Phật A-di- đà, có hành giả Việt kiều gửi tiền, áo quần giúp con em học sinh của Gia đình Phật tử. Người trong đạo tràng đặt lệ “hũ gạo tiết kiệm”, cuối tháng góp chung tại chùa hỗ trợ người nghèo. Bên cạnh chút ít vật chất, điều quan trọng là hàng ngày mỗi người Phật tử đều nhớ đến người nghèo hơn mình; mỗi lần sớt lại nắm gạo chính là khơi dậy lòng từ bi sâu thẳm.
Khi sương còn giăng phủ, người ngủ ở chùa đánh chuông lúc chuyến đò ngang đầu tiên vừa cập bến. Ai cũng có thể ghé chùa, chánh niệm uống trà ngẫm về cõi đời ngắn ngủi trước vũ trụ bao la. Một đêm trăng treo trước cửa chùa, mấy người sau thời khóa công phu quây lại bên hiên chánh điện luận bàn đạo pháp. Ông trưởng ban hộ tự ngoài tám mươi vẫn bảo nếu có ốm đau cũng gắng đến chùa niệm Phật. Làm gợi nhớ đến Ni sư Đạo Chứng, nguyện thà lễ Phật mà chết còn hơn chết ở trên giường.
Hơn mười năm trước chùa Thiên Giang đóng cửa thường niên ngoại trừ dịp tế miếu Âm linh và Thành hoàng làng (hai ngôi miếu nhỏ nối ngay cạnh chùa theo tín ngưỡng dân gian xưa). Một số cư sĩ nhiệt tâm đã vận động làng cho mở cửa chùa khuyến chúng tu tập. Biên bản được ký giữa ba bên gồm Ban Hộ tự, Ban Quản lý làng và chính quyền xã; có những điều khá quan trọng như: không điệp sớ, không xem ngày bói toán, không đốt giấy tiền vàng mã. Từ chục năm nay chuyện đó không một lần xảy ra. Nhiều nhà hảo tâm cúng dường cái này cái khác muốn được đốt vàng mã, đã bị từ chối. Đây là điều kiện căn cốt, nhờ đó phá được nạn mê tín dị đoan, cầu phước mua may. Chùa lâu ngày đóng cửa, không gian ẩm thấp bề bộn, dơi vô số ẩn cư trong chánh điện, bên ngoài thì cỏ mọc um tùm. Thời gian đầu sợ người vô ra có thể bị rắn cắn, Ban Hộ tự thay nhau đến làm cỏ mãi mới xong; rồi dựng lại tường rào. Sau này được thân nhân các thành viên trong đạo tràng hỗ trợ, chùa xây hậu liêu, thuận tiện cho phục vụ khách khứa vào dịp lễ trọng. Tiếp đến có người cúng tôn tượng Quán Thế Âm Bồ-tát khiến bộ mặt chùa khang trang hơn.
Đa phần Phật tử mỗi lúc vào chùa đều lễ Bồ-tát như một bà mẹ nhân từ luôn chở che những chúng sanh một lòng hướng Phật lúc hoạn nạn. Chùa đêm nào cũng niệm Phật, kể cả tối giao thừa. Ban Hộ tự hầu hết đều có thể thỉnh chuông, đưa mõ. Có dạo họ còn thay nhau đánh chuông u minh lúc 4 giờ sáng. Có người dẫu đường xa, lạnh lùng rét mướt vẫn kiên nhẫn đến chùa, vì họ biết một khi tiếng chuông vang lên cùng với câu Phật hiệu, biết bao nhiêu chúng sanh chờ nương vào giảm bớt nỗi khổ trần lao. Tầm 3 giờ sáng đã có người tới nấu nước chế trà, nhấp ly trà cho tỉnh táo rồi vào thời khóa. Tiếng chuông hòa cùng tiếng mõ âm vang cho đến lúc mờ sáng, hiện rõ chuyến đò ngang đầu tiên, rồi mặt trời loang trên sông phố cổ; mùa thu thì khói sóng phủ mờ u huyền tịch tĩnh.
Ban Hộ tự thấu hiểu pháp môn Tịnh độ vi diệu, chung ý nguyện với làng: chỉ mở cửa chùa niệm Phật, ngoài ra không tu xen tạp gì thêm. Chuyên tinh mới có tấn. Tin Phật, niệm Phật là nguyên cớ duy nhất để đạo tràng tồn tại. Chùa chưa nghỉ tối nào. Có chăng những hôm đám tang mời trợ niệm, mọi người đến thẳng nhà đám niệm Phật, thời gian cũng tương đương với khóa ở chùa. Lễ khá đơn giản trong dăm mười phút, toàn bộ thời gian dành niệm Phật. Xem đây là dịp gieo duyên lành, trợ giúp tang gia, song trước hết là giúp mình.
Ban Hộ tự không nhận lễ vật từ khổ chủ. Với tấm lòng thành, cầu mong hương linh sớm cảnh tỉnh hướng cõi thiện, những người đến hộ niệm tinh tấn niệm Phật có khi còn nhất tâm hơn ở chùa. Vào các ngày lễ lớn, Ban Hộ tự cùng nhau dựng đài sen, trang trí từ trong chùa ra ngoài khuôn viên, tăng tín tâm với những ai đến chùa. Lễ Vu-lan Báo hiếu có năm được sự cúng dường của những đạo hữu, chùa tổ chức phóng sanh, thuê thuyền rồng đưa đạo tràng từ bến đò Bao Vinh ngược lên Ngã ba Sình; trên dọc hành trình vẫn có thời khóa niệm Phật gần một giờ râm ran cả lòng sông, rồi thả hoa đăng, cầu nguyện bình an, kết thúc bằng lời ca Phật hiệu về đến ngôi Tam bảo.
Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch năm 2013, chùa ấn định ngày vía Phật Di-đà (17 tháng 11ÂL) mời quý Phật tử mọi nơi cùng về niệm Phật trọn ngày. Ý tưởng xuất phát từ đôi vợ chồng; họ cúng dường suất ăn trưa cho mọi người đến dự khóa. Buổi sáng 8 giờ là bắt đầu thời thứ nhất khoảng một tiếng, thời thứ hai ít hơn, rồi dùng bữa, nghỉ ngơi; 1 giờ đến 3 giờ 30 thêm hai thời nữa, là kết thúc ngày chuyên niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Buổi tối vẫn như thường lệ; như vậy để nhớ ân Đức Từ Phụ cõi nước Cực lạc, ngày 17 hàng tháng có 5 thời niệm Phật. Người sát nách chùa đi bộ sang, người ở xa được con cháu chở đến, ai không có phương tiện thì bỏ tiền thuê xe thồ, người nghèo hơn lọ mọ cuốc bộ, đường xa thậm chí chưa kịp ăn cơm tối. Phật tử từ làng Hải Dương cách chùa mười lăm cây số mươi người góp tiền thuê xe ô-tô cùng lên. Một số người khác bỏ công sức chạy xe tới chùa niệm Phật vào các ngày rằm, mồng một. Những đêm rét mướt, trong làng cùng lúc có nhiều đám, đạo tràng cần nhân lực, người ở xa không quản khổ lên chùa lo Phật sự, lúc về lầm lũi khuya khoắt đường mưa trơn trượt, cứ một lòng nắm vững câu Phật hiệu mà đi…