Nước. Nước từ đâu cứ dâng lên; lên rồi rút, rút rồi lại lên, ngập tràn đồng ruộng, ao hồ, vườn tược, làng quê, và phố thị của nhiều tỉnh thành miền Trung. Cuồng phong bão tố từ đại dương cuộn xoáy vào đất liền, kéo theo những cơn mưa xối xả ngày đêm. Nước lũ ngầu đục từ non cao đổ về, từ các đập thủy điện xả xuống, đẩy những dòng cuồng lưu ồ ạt đi về nơi trũng thấp, theo những nhánh sông hướng ra biển, chựng lại khi gặp mực biển dâng cao với cường triều gầm thét, sông nối biển biến vùng duyên hải thành một biển nước mênh mông.
Trong dòng nước ngầu đục, đã có trên trăm người thiệt mạng và mấy chục người còn mất tích; của cải, gia súc bị nhận chìm hoặc cuốn trôi. Dù đã được cảnh báo trước sẽ có lũ lụt lớn, nhiều gia đình vẫn không lường được sức nước khủng khiếp chưa từng có như vậy; hoặc cũng vì không biết phải lánh nạn ở đâu khi toàn vùng ngập tràn nước. Có thai phụ bị cuốn theo dòng lũ khi thuyền lật. Có cụ già mù trên chín mươi chẳng biết chạy đi đâu khi nước đến. Có gia đình không kịp chôn cất mẹ vừa mất khi lũ đến, phải treo quan tài mẹ lên trần nhà năm ngày mới có thuyền đến cứu hộ, đem chôn. Có bà cụ một mình ngồi trên những bao lúa chất cao, nhịn đói, thức trắng nhìn nước dâng từng giờ, không biết kêu cứu ai. Có người mẹ nằm bên cạnh xác hai con thơ chết đuối trong trận lụt, vuốt má ru con, lệ tràn. Có bà cụ vừa lo cho chồng bại liệt, vừa lo cho con bị hội chứng Down khi nước ngập nửa nhà mới kịp có ghe đến cứu. Có gia đình với đàn con nheo nhóc không kịp di tản, đành ôm nhau trên nóc nhà khóc la thảm thiết. Có bé thơ mếu máo khóc khi tìm ra sách vở học của mình ướt mem rách nát trong vũng sình. Có những dòng tin nhắn qua điện thoại, kêu cứu khẩn cấp, tuyệt vọng. Nhà nhà, nước ngập đến tận mái, đoàn cứu hộ biết đâu mà tìm.
Rồi hoang tàn để lại sau những trận lũ. Lềnh bềnh trên những vũng nước đọng và sình lầy hôi thối là xác gia súc gia cầm, cây rừng, gỗ mục, những bao lúa thóc, và tất cả vật dụng, bàn ghế, tủ thờ, quần áo, sách vở... của hàng trăm nghìn gia đình, phơi bày lên đó. Xác người được tìm lại và đã đem chôn, nhưng vẫn còn một số mất tích, không biết tìm ở đâu nơi bờ sông, khe suối lình xình nước đục. Vội vàng tìm về nhà xưa, những người già người trẻ mắt trũng sâu, thất thần, vô vọng. Cha mẹ tôi đâu, tuổi già sức yếu chắc không thể chống nổi dòng cuồng lưu vô tình phăng phăng đêm qua. Chồng tôi đâu, vợ tôi đâu, con thơ tôi đâu, có ai vớt được không khi nước lũ cuốn qua căn nhà xiêu vẹo này!
Sau một tuần mưa đổ ngày đêm, ngập lụt cùng khắp, rồi nước cũng rút dần. Nước rút về đâu? – Về nơi thấp nhất. Đổ về biển, hoặc thấm vào lòng đất. Nhưng nước mắt của khổ đau mất mát thì lăn mãi vào tận tim can.
Nước luôn đổ về nơi thấp trong khi lửa thì bốc lên cao. Nước hay lửa đều hữu dụng, không thể thiếu trong cuộc đời. Nhưng khi bạo phát thì trở thành tai họa.
Khóc thương dân tình khổ lụy, ở bờ này hay bờ kia. Buồn vời vợi, hận mình bất tài vô lực trước thiên tai, nhân họa ngút ngàn. Nhìn thế nước dâng, không khỏi nhớ về Nguyễn Trãi (1380 – 1442) với bài thơ ưu tư về vận nước:
Quan hảiThung mộc trùng trùng hải lãng tiềnTrầm giang thiết tỏa diệc đồ nhiênPhúc chu thủy tín dân do thủyThị hiểm nan bằng mệnh tại thiênHọa phúc hữu môi phi nhất nhậtAnh hùng di hận kỷ thiên niênCàn khôn kim cổ vô cùng ýKhước tại thương lang viễn thụ yên.Đóng cửa biểnTrước sóng biển, đóng cọc gỗ hết lớp này đến lớp khác,Lại đặt ngầm xích sắt dưới sông, đều uổng công thôi!Bị lật thuyền mới biết dân như nước,Đã cậy thế hiểm thì khó tựa mệnh trời.Họa phúc có duyên đâu phải chợt đến trong ngày,Anh hùng đành lưu hận mấy nghìn năm.Ý vô cùng của thiên địa xưa nay,Hiện ra nơi sương khói trên hàng cây xa bên dòng nước.(Lê Tư dịch nghĩa)
Đào Duy Anh dịch thơ như sau:
Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển,Khoá sông xích sắt cũng vầy thôi.Lật thuyền mới rõ dân như nước,Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời.Hoạ phúc gây mầm không một chốc,Anh hùng để hận mấy trăm đời.Vô cùng trời đất gương kim cổ,Cây khói xa mù bát ngát khơi.Lũ lụt trong thực tế là tai họa giáng xuống lương dân. Thế nước dâng trong chính trị là tai họa cho kẻ cầm quyền. Nước nâng thuyền thì nước cũng có thể lật thuyền.(1) Ý dân một khi đã tụ lại và thịnh nộ dâng lên như nước lũ thì sẽ không thuyền nào an toàn chèo chống. Đặt mình vào tình huống khó khăn để cảm cái khổ của người. Lòng thương luôn sẵn có nhưng cơ hội để bộc phát không phải là từng ngày. Hiểm họa của đời sống cũng không phải đột nhiên mà đến. Việc thịnh suy ở đời luôn có căn nguyên của nó. Cần học cách ứng xử thế nào khi tai họa đến với người khác, vì ngày nào đó có thể sẽ đến lượt mình. Khổ đau sẽ không chừa một ai. Giữ tâm lắng đọng như mặt nước hồ thu. Gạn lọc những cáu bẩn thường làm nhiễm ô dòng nước. Lắng tâm như lắng nước, đừng để sóng động. Rồi nước sẽ yên tĩnh, và bình an sẽ đến với muôn người.
California, ngày 24 tháng 10 năm 2020Vĩnh Hảowww.vinhhao.info_________
(1) Theo Lê Tư, trang Nghiên Cứu Lịch Sử, “Khổng tử gia ngữ: “Phù quân giả, chu dã; thứ nhân giả, thủy dã. Thủy sở dĩ tải chu, diệc sở dĩ phúc chu.” Vua là thuyền, dân là nước. Nước để chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền (dẫn theo Trần Trọng Dương). Thiên “Vương chế,” sách Tuân tử có câu tương tự: “Quân giả, chu dã, thứ nhân giả, thủy dã; thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu.” Vua là thuyền, thứ nhân như nước; nước chở thuyền, cũng làm lật thuyền. Tuân tử (313 – 238 trước Tây lịch) không nhận lời này của ông mà nói rằng trích xuất từ “Truyện,” tác phẩm giải nghĩa kinh có trước đó.” (trích chú thích số 104, bài ‘Nguyễn Trãi, bề tôi của bốn dòng vua’: https://nghiencuulichsu.com/2018/01/18/nguyen-trai-be-toi-cua-bon-dong-vua/)