- Chiều nay mặt trời lặn ngoài đồng đẹp quá Chu ơi, tiếc rằng chỉ có mỗi một mình bác đứng ngắm thật là không chán mắt !
Bác Nguyễn vừa lau đôi kính trắng vừa nói chuyện với cô cháu.
- Sao bác đi mà không gọi cháu, thế là bác xấu, bác ích kỷ, bác chỉ muốn hưởng thụ lấy một mình !
Chu nũng nịu trách móc, biết rằng bác rất yêu mình, miễn đừng làm gì quá quắt hỗn láo thì thôi, ngoài ra tha hồ làm nũng.
- Tại lúc bác đi ngang phòng định gọi Chu mà thấy Chu đang chúi đầu đọc sách có vẻ say mê nên bác không muốn làm phiền.
- Sao lại làm phiền, bác đã biết cháu mà đã ôm đến quyển sách là say mê đọc cho đến khi nào đau ngực mới thôi, nếu lúc chiều bác gọi đi thì chẳng những là cháu được xem mặt trời lặn với bác mà lại khỏi phải đau…
Bác Nguyễn cau mặt tỏ vẻ không bằng lòng khi nghe cô cháu nói :
- Thế là cháu hư nhé, lớn rồi phải tự biết săn sóc lấy mình, làm gì cũng phải có điều độ. Cháu làm việc và ăn uống thất thường, ngộ nhỡ ngã xuống ốm thì sao? Ba và bác đâu có thì giờ ở cạnh cháu để săn sóc, như thế là cháu làm cho ba với bác buồn đấy nhé.
- Bác có buồn thì buồn chứ ba không buồn đâu, ba không thương…
- Chu chỉ nói bậy, sao ba lại không thương Chu…
Bác Nguyễn đã lau xong đôi kính, mang lên mắt ngay ngắn rồi cúi xuống đống hồ sơ đọc nốt, trong khi cô cháu gái cũng trở lại với quyển sách của mình. Đêm nào cũng thế, Chu mang sách vở sang phòng bác Nguyễn làm việc để học chung cho đỡ tốn một ngọn đèn. Bác Nguyễn với ba chỉ là đôi bạn cũ, gặp nhau trong thời loạn, rồi vì hoàn cảnh thuận tiện nên ở chung.
Hai người tuy khác hẳn tính nhau nhưng rất quý nhau, họ bảo hai thái cực dễ bắt tay nhau là thế. Bác Nguyễn tuy theo Tây học nhưng đã hấp thụ được từ thuở bé một nền giáo dục cổ nên bác biết dung hòa hai lối sống. Bác vẫn luôn luôn giảng cho cô cháu nghe những câu triết lý trong sách Khổng Mạnh, trong các thứ kinh khác nhau thế nào, kinh Dịch, kinh Thư, kinh Thi, kinh Lễ và kinh Xuân Thu. Nhất là trong kinh Dịch phần quan trọng nó ở đâu, bác vẫn bảo không phải chỉ đọc thuộc làu "Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi v.v…" mà bảo rằng biết Dịch. Bác muốn Chu phải hiểu Dịch qua phần triết lý đạo đức chứ không phải chỉ hiểu qua phần bói toán bốc phệ mà thôi.
Tuy vậy không phải bác là người cổ hủ hoàn toàn, trái lại bác làm việc rất có phương pháp. Bác vẫn là gương mẫu cho tất cả các bạn bè chung quanh, ai cũng quý mến và kính trọng.
Ba là một con người nghệ sĩ, đã nghệ sĩ lại thông minh, tài hoa, khi nào ba cầm đến cây đàn thôi thì khỏi phải nói, bà nào yếu bóng vía đêm ấy về nhà tha hồ mà thao thức. Đã nghệ sĩ ba lại còn thêm có số đào hoa, hay là hai thứ ấy vẫn đi đôi với nhau chăng. Mỗi lần nghe ba hắt hơi hai lần tức thì nhà láng giềng thế nào cũng có người gửi dầu nhị thiên đường sang.
Ngoài những thứ tài riêng, ba lại còn là một con người rất thông minh, rất khôn ngoan, lúc nào cũng biết tính toán sự lợi hại. Ai đi đâu với ba thì giữa đường dù có gặp mưa bão cũng không bị ướt qua một manh áo. Bác Nguyễn và Chu vẫn đặt tên ba là "ông bốn mươi răng". Người ta thường chỉ có ba mươi hai cái răng, trong số ấy có bốn cái răng khôn. Thấy ba khôn ngoan quá, chắc ba phải có thừa đến tám cái răng khôn nên mới được đặt tên như thế.
Nói gì ba cũng chỉ cười, trả lời lại rất vui vẻ, đấy cũng là một trong những sự khôn ngoan của ba.
Chu là con nuôi của ba, thời loạn người ta hay cảm thấy cô độc vì thiếu cha mẹ, anh em, gia đình nên ai cũng muốn tìm đến những cảm tình để thay thế.
Tại sao ba và Chu lại quen nhau cũng không ai biết rõ, Chu gọi ba bằng ba từ trước ngày có loạn nhưng độ ấy còn sống trong gia đình, Chu chưa cảm thấy cô độc nên cảm tình giữa ba và Chu cũng chưa đậm đà mấy. Sau này gặp lại, ba thấy Chu hoàn toàn "tứ cô vô thân" nên cảm tình mới nhân lên.
Bác Nguyễn mến Chu ngay từ buổi đầu vì Chu nhắc bác nhớ đến Hương, con gái bác hiện đang ở quê nhà, một trong những vùng chưa bị chiến tranh lan tràn đến. Bác Nguyễn vẫn thường bảo Chu:
- Thấy cháu bác cứ nghĩ đến Hương, biết đâu ngày nào giặc đến vùng bác, Hương cũng sẽ bị lạc gia đình rồi cũng phải đi làm việc để kiếm cái sống như cháu. Bác chỉ mong sao cho Hương cũng sẽ được may mắn như cháu.
Ý hẳn bác muốn nói đến cái may mắn là Chu ở được mọi người không ghét vì có những người ở đâu thì chẳng mấy lâu đã xảy ra những chuyện gây gổ giận hờn, gieo rắc những sự bực mình cho người chung quanh. Theo lời bác thì đó là một trong những cái không may của một con người.
Lòng thương con gái và quý bạn khiến bác coi Chu cũng như con của chính mình, vì thế tha hồ cho Chu làm nũng.
Vùng này của bác và ba ở là một vùng còn an toàn tuy không xa mặt trận mấy, có những hôm xuôi gió, dân trong vùng vẫn nghe rõ những tiếng súng đại bác của hai bên bắn qua bắn lại. Vì là vùng còn an toàn nên mới có đủ nhà thương, trường học, và Chu ốm nên được về đi học.
Từ độ có thêm Chu, bác Nguyễn và ba phải dọn ở chung một phòng để nhường phòng bên cạnh cho cô cháu gái.
Thấy ba và bác Nguyễn cưng Chu nên mọi người cũng bắt chước cưng theo, bạn trai cưng để được lòng ba với bác, bạn gái cưng để hy vọng…
Ba thường vuốt tóc Chu và hẹn :
- Bao giờ xin được thôi làm việc cho chính phủ, ba sẽ về mở phòng luật sư lấy tiền nuôi Chu ăn học.
Tối nào cả ba người cũng xúm quanh ngọn đèn làm việc, thỉnh thoảng ngừng lại uống cốc nước hoặc kể cho nhau nghe những mẩu chuyện xẩy ra trong ngày.
Chu kể chuyện nào là hôm nay thầy giáo Chu cưới vợ nên được nghỉ giờ ấy, nhưng nghe đâu cô giáo chê thầy giáo già nên đến đêm cô giáo trốn mất, làm thầy giáo phải đốt đuốc đi tìm suốt đêm, hoặc là chiều nay Chu đi học về gặp ông Hành Tây, mặt cứ buồn thỉu buồn thiu, có lẽ tại lâu ngày không được ăn hành tây.
Bác Nguyễn cứ cười mãi về chuyện ông Hành Tây của Chu, có gì đâu, độ ấy hành tây rất hiếm, chỉ có Hà Nội mới thấy bán. Một hôm ông Hành Tây (độ ấy ông ta chưa mang cái tên ấy) được vợ gửi từ Hà Nội ra cho một gói quà, bên trong có kèm thêm một củ hành tây. Chắc hẳn là bỏ nhầm chứ ai lại đi gửi có mỗi một củ hành tây bao giờ. Nhưng không sao, cái gì hiếm vẫn quý, ông ta mừng rỡ đi đâu cũng mang theo củ hành tây trong túi áo, ngay cả lúc đến sở làm việc. Cất ở nhà ông ta lo ngộ nhỡ giặc có thả bom cháy mất cả củ hành tây thì sao. Đợi cho đến ngày phiên chợ, là ngày mà tiệm phở ngon nhất vùng có treo tấm biển lớn trước cửa "Hôm nay có thịt bò", thế là ông ta vào tiệm chễm chệ ngồi, gọi ngay một bát phở lớn (bằng hai bát phở nhỏ), mượn chủ nhà hàng một con dao, không quên nhờ liếc lại cho một lần nữa, rồi trịnh trọng tự tay thái từng lát hành tây nhỏ bỏ vào bát phở. Trình bày xong bát phở nào chanh, nào tiêu, nước mắm, ớt đâu vào đấy cả rồi, ông ta mới ngồi ngắm cái tác phẩm của mình, nuốt nước bọt ừng ực mấy cái rồi mới bắt đầu xì xụp ăn.
May mà chợ có hai phiên một tuần, chứ nếu không thì củ hành để lâu trong túi nó sẽ nẩy mầm lên thì còn gì là thơm ngon. Ăn xong bát phở mặt mày ông ta rạng rỡ như có hào quang chiếu vào mặt. Giá lúc ấy có bom nổ trúng vào đầu chết ngay đấy chắc ông ta cũng vui lòng. Vì thế nên ông ta mới được mệnh danh là " ông Hành Tây".
Đấy là chuyện của Chu, chuyện của bác Nguyễn không ra ngoài những vụ kiện cáo ly dị, trộm cắp, án mạng hằng ngày. Trái lại ba không bao giờ nói đến công việc vì ba khôn, chuyện của ba là bà nọ cưới ông kia, ông kém bà những mấy chục tuổi, các con bà ta không bằng lòng.
Nếu bác Nguyễn có nhăn mặt hay Chu có phản đối thì ba bênh vực ngay, ba bảo rằng ở đời phải có tự do, mấy người còn hủ bại lắm, cán bộ gì Chu mà lạc hậu. Hoặc là hôm qua thằng Nhật đi chơi về khuya hay sao nên bị vợ khủng bố cho, sáng ngày đến sở mặt mày cứ lì lì ra.
- Khủng bố trắng hay là khủng bố đỏ đó hở ba?
- Trắng với đỏ là thế nào?
Bác Nguyễn ngơ ngác hỏi.
- Đỏ là có ăn đòn, trắng là chỉ bị mắng một trận thôi!
Bác Nguyễn lắc đầu nhìn cô cháu gái:
- Cô này đến nhiều chuyện, học đâu ra những chữ ấy đấy?
- Anh không biết Chu là cô cán… gáo ư mà còn hỏi!
Ba vui vẻ trả lời bác Nguyễn thay Chu. Ba vẫn thường hay kêu là Chu hôi sặc mùi chính trị. Trong nhà có con chó hay sủa vặt, bác Nguyễn cứ đùa bảo rằng sao mà giống Chu thế.
Mặc những sự chế giễu của ba với bác, Chu vẫn hay sủa vặt như con chó, ba vẫn đào hoa và bác vẫn gương mẫu. Cuộc sống bình thản qua.
Nếu cứ mãi như thế thì chẳng có gì đáng nói, nhưng mấy hôm nay sao chỉ thấy mình bác Nguyễn và Chu ngồi bên ngọn đèn, ba đi đâu mất.
Tuy không ai bảo ai nhưng cả hai bác cháu cùng có ý đợi. Chu biết rằng bác Nguyễn buồn nhưng thương và nể bạn nên không muốn nói, còn bác Nguyễn tuy im lặng nhưng cũng để ý thấy cô cháu gái chốc chốc lại đưa tay nhìn đồng hồ. Một tiếng động nào cũng làm cho hai bác cháu giật mình mừng rỡ nhìn ra phía cửa, hoặc lắng tai nghe ngóng. Trong bầu không khí đang lặng lẽ bỗng bác Nguyễn lên tiếng:
- Ba tệ thật, đêm nào cũng hai, ba giờ sáng mới về ngủ, người đã yếu, da xanh lướt ra mà cứ thức đêm mãi như thế này thì rồi đến ho lao mà chết mất.
Nghe bác Nguyễn nói, Chu ngừng đọc sách ngẩng lên nhìn những con thiêu thân quanh ngọn đèn đang vờn bay, trong trí thầm vẽ ra những cảnh nhà thương với mấy gian phòng nhỏ dành riêng cho những người bệnh lao. Nhà thương của thời chinh chiến đâu có phải như nhà thương của thời thanh bình. Chu như đang thấy rõ hình ảnh ba xanh xao, nằm nép mình trong một góc giường, để rồi thỉnh thoàng lại húng hắng ho. Chu lo sợ hỏi lại bác Nguyễn:
- Sao bác không bảo ba, ba vẫn nể bác…
- Bảo thế nào được, ba có phải là trẻ con đâu. Bác cũng không hiểu vui sướng gì cái trò đánh mạt chược ấy mà mê đến thế.
Giọng Chu buồn buồn trả lời:
- Hẳn ba đang có gì khổ tâm mà không nói, ba muốn tìm quên trong mấy con bài mạt chược ấy chăng?
Bác Nguyễn có vẻ suy nghĩ sau khi nghe Chu nói:
- Nếu sự thật có như thế thì ngày mai bác sẽ nói với ba, có ai đi tìm sự lãng khuây trong cờ bạc bao giờ, đấy là con đường đi xuống vực. Bác và cháu có bổn phận phải can ngăn, ngày mai Chu giả vờ khóc, còn bác giả vờ giận, xong rồi bác nói trước và Chu sẽ nói thêm sau, xem là bác cháu ta có hơn được mấy con bài không.
Chu mỉm cười nghe, lòng nhẹ như những khi đi hành quân xa mà được lệnh nghỉ chân ngồi bệt ngay xuống bên vệ đường dưới bóng cây, cất cái bị quần áo trĩu nặng trên vai.
Từ giã bác Nguyễn về phòng mình, Chu còn nằm thao thức mãi. Chu sẽ nói thế nào cho ba nghe, thường ngày Chu nói gì cũng hay bị ba gạt ngang bằng câu "trẻ con biết gì mà nói".
Chu cũng tự biết rằng mình chỉ giỏi chính trị vặt với người ngoài, còn ở nhà với ba và bác thì Chu chỉ là một chú chó nhỏ hay sủa vặt. Tuy Chu cũng biết rằng ba rất thương mình, chẳng thế mà có hôm Chu đi lên cơ quan, ba đi họp hội nghị. Giữa đường nghe máy bay bắn ở vùng Chu đi qua, ba lo sợ đến nỗi lúc dừng xe đạp bên đường uống nước, mải nghĩ đến Chu nên lúc ra đi để quên lại cả cái cặp tài liệu quan trọng. May mà anh liên lạc đạp xe đi lấy lại được, nếu không thì nguy biết mấy.
Lúc trở về gặp lại Chu ba mừng quá bỏ cả việc, ngồi bên Chu suốt buổi nghe Chu kể chuyện con cà con kê chẳng đâu vào đâu, thỉnh thoảng ba lại xoa đầu Chu và bảo thầm như chỉ để một mình nghe:
- May quá, ba chỉ sợ Chu có việc gì…
Hôm ấy ba khao cả nhà một chầu phở, bảo rằng để mừng cái cặp tài liệu không mất.
Nằm nghĩ vẩn vơ một lúc, Chu vùng dậy đánh diêm châm cây đèn dầu tây nhỏ lên, lấy giấy bút định sẽ viết cho ba mấy giòng hay là một bức thư dài, như thế Chu khỏi phải nói gì cả, trong lúc ba đọc thư Chu sẽ chạy trốn mất và sẽ khỏi trông thấy những nét thay đổi trên mặt ba. Hoặc là ngày mai Chu sẽ cài bức thư trên tập công văn mà người tùy phái vẫn soạn để sẵn ở bàn mỗi sáng cho ba xem.
Cắn bút một lúc, ngoài hai chữ "Ba ơi" ra Chu chưa viết gì thêm nữa. Chu định sẽ nói với ba rằng đánh bạc xấu lắm, Chu sẽ lặp lại những bài luân lý cũ nói về sự hại của bài bạc, nhưng trước mắt Chu đang ẩn hiện mấy con bài hình chữ nhật bằng sừng và bàn tay của ba đang xoa lên trên. Bàn tay thường vẫn hay vuốt tóc Chu mỗi khi ba hẹn "Bao giờ xin được thôi làm việc cho chính phủ để ra mở phòng luật sư…"
Chu cắn môi cố nén những giọt nước mắt cứ muốn trào ra. Không phải Chu giận ba, Chu chỉ ghét mấy con bài mạt chược và người nào đã bày ra cái lối chơi mất thì giờ ấy.
Có lẽ ngồi đến sáng Chu cũng không viết gì thêm. Nghe có tiếng mở cổng lách tách bên ngoài, Chu định thổi đèn để ba đừng biết Chu thức khuya thì ba sẽ không bằng lòng.
Chu viết vội tiếp theo hai chữ "về ngủ" sau hai chữ "ba ơi" lúc nãy.
Thế là vẻn vẹn có bốn chữ trong bức thư mà Chu sẽ gửi cho ba, nhưng không sao, đã có bác Nguyễn, và ba vẫn rất quý bác, thế nào Chu với bác cũng sẽ thắng trận.
Tiếng chân ba vào đến sân phơi lúa, Chu thổi phụt ngọn đèn rồi lặng lẽ đi lần đến giường nằm trùm chăn đợi sáng.
Sáng mai Chu sẽ dậy sớm đến cài bức thư ấy lên tập công văn của ba. Chu muốn ba sẽ đọc thư Chu trước khi đọc những gì khác.
… Có tiếng gà bắt đầu gáy…
MĐHT