Hai gian phòng của tôi đã được hút bụi, lau chùi sạch sẽ, cả những quyển sách nằm trên cao, sát trần nhà cũng được tôi trèo lên thang ghế mà lau chùi. Bàn thờ mờ ảo khói hương trầm, năm nay bàn thờ lại có thêm cái chuông và cái mõ, trông ra vẻ hơn năm ngoái nhiều.
Tôi cố ý đốt trầm từ chiều, để cho tất cả màn thảm bàn ghế sách vở đều được thấm nhuần mùi hương trầm dịu dàng cao quý ấy.
Chiếc áo chọn để mặc đón giao thừa đã được đưa ra máng lên ghế, chiếc áo màu vàng tượng trưng cho đất đai, cho niềm vui. Màu vàng được cổ nhân cho là ôn nhu sung mãn, đối với riêng tôi, chiếc áo còn mang một vài kỷ niệm đặc biệt.
Tôi nhìn quanh phòng, yêu nhất là chỗ đặt cái bát cắm mấy bông trường kiếm lan. Tôi đã bỏ ra mấy tiếng đồng hồ để chọn hoa và cắm hoa, chưa kể gần nửa giờ để chùi cái bát cổ bị vôi đóng vàng ở quanh miệng. Cái tệ của nước máy đô thị là đấy, nếu không chùi rửa mỗi ngày, ngay từ lần đầu tiên thì nước sẽ cứ thế mà mỗi ngày đóng vàng lên chất men, khó làm sao chùi sạch được.
Chọn hoa cho ba ngày tết không phải dễ, hơn nữa, vì sau tường chỗ lưng bát hoa tôi lại viết một câu cổ văn nhân Trung Quốc, “Chi lan sinh ư thâm lâm bất dĩ vô nhân nhi bất phương. Quân tử tu đạo lập đức bất vị cùng khốn nhi cải tiết”* để làm chỗ tựa cho hoa.
Người Nhật hay đặt tranh bên hoa, cắm hoa theo ý tranh, hoa và tranh tương hỗ, nói lên niềm thanh ý cao của chủ nhân. Tôi không có tranh nên dùng ý thay tranh vậy. Nền giấy trắng chữ viết lối lệ thư, màu mực đen sánh đặc. Viết thật cẩn thận cũng có thể thay thế một bức tranh.
Đi rảo mấy vòng để nhìn một lượt các thứ hoa, nào Uất Kim Hương, nào Quyển Đan Vân, Duyên Vỹ, Trường Kiếm Lan v.v… hoa nào cũng mơn mởn như chào mời. Đằng xa lại có một góc chỉ bán toàn cúc loại cánh dài Bạch Phượng Vỹ, Hoàng Phượng Vỹ, nhìn thứ nào cũng muốn mua về nhưng sau một hồi cân nhắc đắn đo tôi nhất định chọn loại Trường Kiếm, có lẽ hợp với câu cổ văn nhất.
Lệ thường tôi hay mua hoa trắng, màu hoa trắng bật lên trước hàng chữ đen trông thật trang trọng, nhưng ngày mai là ngày Tết, tôi cần phải chọn màu đỏ cho vui nhà, cho thắm tươi. Các thứ hoa khác vừa đắt vừa khó cắm.
Kiếm Lan mỗi ngày héo một lớp hoa, có khi hai ngày nếu được thay nước hai lần trong ngày và, vì có nhiều nụ, nếu được săn sóc kỹ, cắt một phần cuống mỗi ngày cho nước rút lên đến tận nụ cao, hoa có thể nở đẹp từ đầu đến cuối, cả tuần lễ hay ít nhất cũng năm ngày.
Tên hoa là Kiếm Lan vì lá nó mỏng, bản to và đâm thẳng lên như từng lưỡi kiếm, đặt tên là Kiếm Lan thật hợp với ý của thiên nhiên.
Tôi chọn màu đỏ thẫm, không phải màu đỏ tầm thường, phổ thông của đại chúng vẫn dùng để may cờ mà là màu đỏ thẫm như huyết đọng ở ngoài tim. Màu này nhìn vào bao giờ cũng bắt người phải trầm ngâm suy nghĩ.
Bát hoa được cắm theo lối trực lập, không ra ngoài nghi thức của hoa đạo, bát hoa cắm xong trông như cả một bản nhạc đi vào tâm tư, tôi cứ quanh quẩn nhìn mãi không muốn sang phòng khác.
Giao thừa này tôi sẽ mời ai đến đón Xuân, uống trà đợi giao thừa với tôi đây?
Tôi chợt nghĩ đến một vài người bạn, có một người bạn ở phương xa mà giờ phút này chắc đã hoàn toàn quên tôi. Giá có phép lạ nào đưa người ấy đến thăm tôi đêm nay, nhưng phép lạ chỉ có trong xứ thần tiên, chuyện chỉ có thể xảy ra trong giấc mơ, trừ phi một biến cố nào quan trọng đến đảo lộn hết mọi sự kiện.
Gần mười một giờ rồi, nhà tôi có chiếc bánh chưng, một ít giò lụa, với rất nhiều trái cây. Giao thừa tôi sẽ bóc bánh chưng ra cúng, chắc là sẽ một mình vì từ chiều tôi cứ ngập ngừng, nếu người tôi muốn mời mà không thể mời được thì đành đón giao thừa một mình vậy. Những người khác chỉ là tạm bợ mà thôi, câu chuyện sẽ có những quãng trắng vì tôi mải nghĩ đến người vắng mặt.
Giờ này ai cũng có gia đình, ai cũng đang vui với bạn bè với gia đình, chắc không ai còn nhớ đến tôi trên cõi đời này nữa.
Nén hương trên bàn thờ cháy gần xuống đến chân, tôi đứng lên đánh diêm châm nén hương khác, nhất định giữ cho bàn thờ có hương khói suốt đêm.
Mười một giờ rưỡi, tôi đun nước pha trà cúng giao thừa. Người bạn tôi chờ vẫn không thấy đến, mà tại sao tôi lại chờ khi biết rằng chỉ có thể là một câu chuyện hoang đường. Một thứ hy vọng dệt bằng tơ nhện, mong manh, huyền hoặc.
Tôi đến bàn, mở tập giấy ra khai bút. Tập giấy do một người thơ đã gửi tặng, nền giấy mờ mờ in hình vân hạc màu vàng óng ánh kim nhũ, trang nhã dễ thương.
Khai bút viết gì đây, một câu thơ thật hào hứng hay là một lời cầu nguyện? Thế là bắt đầu sang năm mới rồi, nhưng chuông khuya chưa báo mười hai giờ.
Có tiếng điện thoại reo, giờ này mà ai còn gọi, hay lại một lời chúc Tết quá sớm của một người đồng hương nào rỗi rãi chăng.
- Tôi muốn hỏi M… M. đó hả, sao ban sáng gọi mãi mà không nghe trả lời? Tưởng lại đi đâu rồi! Có nhận ra ai đây không?
Tôi ngập ngừng không dám tin đó là sự thật.
- Anh sang từ bao giờ? Sao lại sang đây?
Tôi hỏi một cách đần độn, hỏi mà không biết mình đã hỏi gì.
- Mới sang. Có nhớ hôm xưa hẹn là bao giờ tôi sang Ba Lê sẽ làm "ghít" không?
- Ờ nhỉ, nhớ, tôi có nói ghét nhất là công việc ấy và anh đã lẫy chứ gì? Bây giờ anh ở đâu?
- Phòng trọ đường St Michel, đang buồn đây, gọi thử xem M. có nhà không và rất ít hy vọng.
- Anh sang với ai? Mấy mình?
- Một mình. Cô ăn Tết với ai?
- Với mấy quyển sách, anh có muốn đến cúng giao thừa với tôi không?
- Muốn chứ, người ta đang buồn đây.
Tôi vội cho số nhà, chỉ rõ đường đi vì nhà tôi ở trong sân nên dễ đi lầm. Mười lăm phút sau, tôi lắng nghe tiếng bước chân người lên gác. Giấc mơ từ mấy năm nay đã biến thành sự thật, có nên tin là sự thật không?
Người ấy đến, vẫn như ngày nào, vẫn nụ cười ấy, vẫn cái nhìn ấy, bàn tay ấy, mấy năm qua mà như mới hôm qua. Chỉ khác ở cách ăn mặc sang xứ lạnh, và ra khỏi lĩnh vực công việc, lại là một buổi lễ đón giao thừa nên người ấy hòa mình với hoàn cảnh.
Tôi mở cửa, đứng nép mình sau cánh cửa như muốn trốn cái giây phút đầu tiên quá thần tiên, quá huyền hoặc ấy, hay để cho tâm tư bớt dao động. Trước đây mấy phút, lúc nghe tiếng cửa hành lang đập từ dưới, tôi đã tự hỏi, câu gì chúng tôi sẽ nói với nhau phút gặp gỡ thứ nhất sau một quãng thời gian cách xa quá dài.
Những người khác ở hoàn cảnh tôi hôm nay, họ sẽ có những cử chỉ gì, họ sẽ làm gì, nói gì với nhau. Người Á Đông bao giờ cũng che giấu tình cảm, không muốn hay không quen bộc lộ... Hôm nay ngôi nhà bé nhỏ đang mở vòng tay để đón con người mà hình ảnh đã được vẽ mỗi ngày lên tường, những quãng trống, những quãng nào không bị bản đồ với tranh ảnh chiếm cứ.
- Anh vào…
- Giao thừa... một mình không buồn sao?
- Còn anh? Sao không ở nhà ăn Tết?
- Tết với nhất. Đời tôi làm gì có Tết.
Tôi cau mặt không thể hiểu, ngỡ rằng vì sao cô đơn chỉ soi sáng riêng mình tôi. Nhưng tôi vẫn chưa muốn tin rằng con người ấy cũng bị ánh sáng của vì sao kia soi lên cuộc đời, người ấy là hiện thân của hạnh phúc kia mà. Tôi đã có lần nghe nói, sao hôm nay người ấy lại đảo lộn cả sự hiểu biết của tôi như thế.
Người ấy vào, cởi tấm áo khoác máng lên, cử chỉ quen thuộc như người đã từng sống nhiều năm ở xứ lạnh.
Tôi mời sang phòng làm việc, cũng là nơi tôi sống nhiều nhất, vì chỉ phòng ấy mới có lò sưởi ấm, gian bên kia tôi đốt bằng củi, thơ mộng hơn, nhưng khó khăn và không đủ ấm nếu không đốt từ mấy tiếng đồng hồ trước.
- Để nhạc cho anh nghe, muốn không?
Tôi biết con người này yêu nhạc, sành nhạc.
- Có nhạc gì?
- Chỉ có cổ điển Âu và một ít của quê nhà.
Nói đến đây tôi chợt nhớ tôi có một băng cổ nhạc của một người bạn Trung Hoa gởi tặng nhân một chuyến viếng thăm. Tôi đi tìm ngay cuộn băng đặt vào máy, muốn dành cho người ấy một sự ngạc nhiên trong những giờ phút cuối năm.
- Sao nghe có tiếng Sắt?
Người ấy lắng tai nghe một hồi lâu, mắt lim dim như để định thần phân tích từng tiếng nhạc.
- Có cả tiếng Cổ Cầm, tiếng Không Cầm, Đại Cô… Băng nhạc này ở đâu ra đây?
Tôi cười bí mật, nhưng đây là một dịp cho tôi học hỏi, tôi sẽ bắt người ấy giảng cho tôi, phân biệt những tiếng nhạc, tôi cũng băn khoăn, tại sao người ấy là một quân nhân. Lệ thường quân nhân thì làm gì có ngày giờ rỗi mà nghiên cứu cả những vấn đề quá xa xôi như vậy. Tôi nhất định hỏi kỹ lần này, vì những lần trước chúng tôi luôn luôn bị đóng khung trong công việc.
- Sao anh biết nhiều về cổ nhạc thế?
Câu trả lời của người ấy làm tôi hơi ngạc nhiên.
- Thế hệ nào thì phải biết những gì của thế hệ ấy chứ.
- Nhưng anh ở thế hệ này kia mà.
Người ấy chỉ cười, không trả lời, vẫn nụ cười hơi có chút mỉa mai ngạo nghễ. Chuông đồng hồ nhà ai gõ 12 giờ. Tôi nghĩ thầm một quân nhân mà có thể ra ngoài xứ trong lúc này chắc là tình hình ở nhà đang được lắng dịu, hay là vì có những sự thay đổi gì khác mà mấy hôm nay tôi không theo dõi chăng? Tôi hơi cảm thấy xấu hổ vì sự tự thú nhận của mình. Ra sống ở nước ngoài là một sự đáng xấu hổ mà lại còn không theo dõi tình hình trong xứ là hai lần đáng xấu hổ.
- Bên nhà yên lắm sao mà anh đi chơi được vậy?
Người ấy chỉ cười, như lắng nghe những âm thanh đang chìm nổi trong tâm tư.
- Đêm nay không nói chuyện quân sự, chính trị, tết nhất phải nghỉ một hôm chứ.
Người ấy vừa nói vừa đưa mắt liếc nhìn giàn sách đọc theo cái thụy kỷ dài, vừa là chỗ tiếp khách ban ngày vừa là chỗ ngả lưng ban đêm của tôi.
- Sao đọc toàn sách quân sự thế, đàn bà con gái mà như vậy là trái với thiên nhiên đấy.
- Không nói chuyện quân sự, đồng ý, thế thì nói gì, âm nhạc nhé, anh giảng cho tôi đi.
Chợt thấy cây đàn tranh nằm chờ đợi trên tường. Ngày mai, sau vài tiếng đồng hồ ngủ lấy sức, tôi định khai bút, đốt hương thay nước cho hoa xong sẽ đánh đàn, mà trong hai cây đàn, tất nhiên là cây đàn tranh sẽ được lên tiếng trước. Từ lâu rồi, tôi thắc mắc vì cây đàn tranh, ai là kẻ sáng chế ra nó. Nhân dịp này tôi sẽ hỏi, tin chắc rằng con người này không thể không biết.
- Thắc mắc vì cây đàn tranh ư? Biết nó là do cây đàn Sắt ra chứ gì?
Tôi gật đầu.
- Có nhiều giả thuyết, người sau bảo rằng nó là do hai chị em đời Tần tranh nhau cây đàn sắt giật làm hai mảnh, một mảnh của cô em 12 giây và mảnh kia 13 giây của cô chị, vua Tần cho là điều kỳ lạ nên gọi là tranh cầm.
- Anh tin cái giả thuyết đó không? còn một giả thuyết khác nữa thì phải.
Tôi hỏi lại.
- Theo Tùy thư nhạc chí đời Hán thì bảo của tướng Mông Điềm chế ra, nhưng sự thực chắc là không hẳn như thế, ông ta chỉ sửa đổi lại từ 5 dây đổi thành 12 dây và làm bằng gỗ ngô đồng chứ không làm bằng tre, phỏng theo cây đàn trạc. Nhà Đường gia thêm một dây nên cây đàn tranh ngày nay có 13 dây.
Tôi nghe người ấy nói và liên miên nghĩ đến vị tướng có nhiều công mà phải bị chết oan sau khi Tần Thủy Hoàng chết.
- Chắc anh thích ông tướng ấy nhỉ, ông ta còn chế ra cây bút lông thỏ nữa phải không anh?
- Sống ở phía Bắc lạnh lắm, lại phải luôn luôn đối phó với lũ Hung nô nên ông ta buồn, ngày nay có bao nhiêu phương tiện chứ ngày xưa phải đi hằng mấy tháng trời mới đến một nơi nào mình muốn đến.
- Nhưng sao bảo ông ta có Phù Tô là con trai của Tần Thủy Hoàng ra ở với ông ấy?
- Hai thằng đàn ông với nhau thì nói chuyện gì, nói mãi cũng chán. Nhưng Phù Tô thật tội nghiệp, một con người can đảm, có chí khí, giá Tần Thủy Hoàng nghe lời ông ấy thì cục diện sẽ thay đổi hẳn. Biết đâu nó sẽ không cần cả cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông ngày nay. Mà giá Phù Tô đừng cứng cỏi quá thì đâu đến nỗi phải bị đày ra phương Bắc như thế.
Tôi muốn bật cười, định chất vấn lại, nếu nói như vậy thì phải nói rằng bất cứ hai người nào mà cứ nói chuyện mãi với nhau sẽ phải chán.
- Tại sao ông tướng Mông Điềm lại sáng chế ra cây đàn tranh, anh biết không? Chắc ông ta phải giỏi nhạc, phải mê nhạc, và phải buồn.
Đôi mắt người ấy sáng hẳn lên, một thứ ánh sáng kỳ lạ mà tôi không thể nào hiểu được. Người ấy trả lời tôi rất chậm rãi nghe như giọng kẻ biện hộ:
- Ông ấy là một võ tướng nhưng rất mê văn nghệ. Bức Trường thành dài hơn năm nghìn dặm lý, hằng triệu người bỏ xác, mỗi viên gạch đá là một mạng người. Câu nói không ngoa. Tuy nhiên có những lúc như M. vừa nói, ông ta đã buồn, đã cảm thấy cô đơn mặc dầu thắng được lũ Hung nô. Con người phức tạp, lắm khi danh vọng chưa đủ, thắng nhiều trận chưa đủ…
- Anh có đồng ý với sự xây cất bức Trường thành đó không?
- Không đồng ý cũng không được, vả lại đâu có phải Tần Thủy Hoàng bắt đầu, bức Trường thành đã xây lên từ trước, do vua nước Triệu và nước Yên, Tần Thủy Hoàng chỉ lo nối tiếp bức tường mà thôi.
Người ấy chợt ngừng như đang lùng một hình ảnh nào vừa lẩn trốn trong ký ức.
- Từ Lâm Thao đến Liên Đông…
- Ông tướng ấy làm sao đi tuần sát được nhỉ, giá ở vào thời nay còn có trực thăng, ngày xưa muốn đi xem một vài trăm dặm cũng phải chuẩn bị cả tuần lễ, đi mất cả tuần lễ…
Câu nói của tôi bị rơi vào trong im lặng, người ấy như không còn để ý đến sự có mặt của tôi nữa. Nhưng chẳng sao, thấy người ấy có vẻ biết nhiều, thích nghiên cứu, tôi tin rằng sẽ có thể đặt vài câu hỏi để cho tôi đỡ phải tìm kiếm. Chơi với bạn mà gặp được người nào chịu khó, hay đọc sách thật là dễ chịu. Tôi còn quanh quẩn trong vấn đề ông Tướng Mông Điềm.
- Tại sao vị tướng ấy lại đổi cây đàn tranh mà không là một thứ đàn khác, anh có biết không?
- Cây đàn Sắt to lớn, có chân nên cồng kềnh, khó xê dịch lại quá nhiều dây, phiền phức. Nhưng đàn tranh có hai thứ, đại tranh hay là Ty Huyền Tranh, hình dáng to lớn hơn, tuy chỉ có 13 dây tơ, hiện vẫn còn ở Hà Nam, Nhật Bản. Một loại nữa là Cương Huyền Tranh, 16 dây sắt, thân đàn nhỏ hơn đàn dây tơ, âm sắc cây đàn thứ nhất nghe thuần hậu, cây đàn thứ hai nghe thanh thoát, đấy là loại đàn mà xứ ta vẫn chơi. Đàn tranh còn gọi là Tần tranh vì cây đàn chỉ mới xuất hiện ở đời nhà Tần.
Người ấy ngừng một lúc, im lặng như lắng nghe tiếng đêm. Tôi đứng dậy đi ra sau bếp đun thêm nước sôi để pha lại ấm trà mới. Đêm nay phải thức, thức đến bao giờ gục xuống, tôi nhất định như thế. Bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu chuyện để học hỏi, ngủ sẽ phí đi, con người sao lại đòi ngủ, sao lại để cho giấc ngủ chiếm của mình quá nhiều thì giờ, khi biết rằng một ngày nào đó mình sẽ bị ngủ một giấc dài và mãi mãi…
- Anh có tin rằng nếu đầu năm ta thức thì quanh năm ta sẽ thức không?
- Thì đã sao, tôi đã bị ngủ một giấc ngủ quá dài, dài hằng mấy mươi thế kỷ. Đêm nay thức một đêm là quý lắm chứ. Quý và cần thiết nữa.
Tôi cau mặt ngạc nhiên, sao có lúc người ấy nói những câu bí hiểm, xa hẳn thực tế như thế này. Đùa chăng hay vì cảm động, hay vì mệt mỏi, chưa lấy lại được thăng bằng khi phải đổi từ một lục địa này sang một lục địa khác. Dầu sao tôi phải công nhận đêm nay là một đêm thật đặc biệt, có thể gọi là đặc biệt nhất trong cuộc đời rồi chăng?
- Ban nãy anh bảo hai thằng đàn ông nói chuyện mãi với nhau cũng chán, thế Bá Nha với Tử Kỳ thì sao?
- Đấy lại là khác, họ gặp nhau qua tiếng đàn.
- Đàn gì anh nhỉ?
Tôi hỏi người ấy với tất cả lòng tin của người học trò kính phục thầy.
- Đàn Cổ Cầm, ngày xưa, thuở đầu tiên đàn ấy chỉ có năm dây. Sau đó vua Văn Vương và Vũ Vương, mỗi người gia thêm một sợi nên nó thành ra bảy dây, đàn này tượng trưng cho năm nhuận của âm lịch. Đàn được trang sức bằng các thứ châu ngọc, cẩn xa cừ, âm sắc thuần hậu trang trọng. Đàn không kêu to lắm nhưng trong âm thanh nghe có tiếng vàng tiếng đá, người xưa nghe Cổ Cầm để tu thân dưỡng tính, tuy trầm lặng kín đáo nhưng khí chất cao nhã. Âm thanh lại lan rộng và sự biến hóa uyển chuyển linh động. Không như tiếng đàn ngày nay.
- Có phải vì vậy mà ông tướng Mông Điềm cũng thích đàn cầm và do đó mà chế ra cây đàn tranh không?
Người ấy không trả lời, đôi mắt nhìn ra ngoài trời qua cửa sổ, đêm đen dày không ánh sao. Đã là mùa đông, ngay chính vào giữa mùa đông mà lại ở đô thị lớn thì còn ánh sao nào có thể xuất hiện. Trong sự im lặng như có ẩn chứa một niềm chua xót nếu tôi đoán không lầm. Nhưng tại sao lại chua xót, con người sống trong nhung lụa, trong sự chào đón của xã hội, của gia đình, sao lại trong ánh mắt lại thoáng niềm uất hận?
- Anh có gì nghĩ ngợi? Giao thừa rồi, sang năm mới phải vui lên, có gì vui kể tôi nghe nữa đi…
- Cô có biết tại sao Lý Tư có thể hành động một cách dã man như vậy không?
- Anh muốn nói đến vị tể tướng của đời Tần đã cùng Triệu Cao ra lệnh cho Phù Tô và tướng Mông Điềm phải tự tử đó không?
- Đúng, còn nhớ sử, khá đấy!
Tôi cắn môi để khỏi cười. Chỉ là một sự tình cờ, mấy tháng trước tôi buồn, tự nhiên vác cuốn sử Trung Quốc ra đọc và chẳng hiểu vì sao tôi lại chú ý đến tướng Mông Điềm nhiều nhất. Đâm ra có thiện cảm với ông ấy, thấy ông ta là một vị tướng mà không phải chỉ lưu danh vì dãy Trường Thành, bình định được Hung Nô mà còn chế ra cây đàn tranh và cây bút lông, cả hai thứ vẫn làm tôi say mê. Nhưng đêm nay tôi muốn để dành nói những gì thật vui, thật thơ. Tôi sẽ nói về thơ, nói về tình cảm trong thơ. Tôi sẽ hỏi người ấy nghĩ thế nào về một bài thơ mà tôi đã viết từ năm ngoái.
Bài "Tình chúng mình sẽ được vẽ lên tranh". Bài thơ mà có một số người cho là kỳ quái, độc ác, ích kỷ và một số người lại cho là độc đáo vì khi yêu mà chỉ còn có cách mong cho người kia chết đi, để rồi chờ lúc nghĩa trang gần đóng cửa, lúc hoàng hôn bước chậm rãi xuống, mọi người đều ra về mới dám đến ngồi bên mà gọi tên. Tình như thế không đáng tội nghiệp sao. Đâu có phải là ích kỷ, độc ác…
Tôi ngập ngừng chẳng biết có nên hỏi, chắc gì người ấy đã có thì giờ mà đọc thơ tôi. Con người khô cằn chỉ nhìn thấy có công việc. Với con người này phải hỏi về chính trị chắc mới là điểm sở trường. Tuy nhiên đêm giao thừa mà đưa những chuyện khó tiêu ấy ra để bàn cãi thì quanh năm sẽ không thanh thoát. Hôm nay phải để dành nói những chuyện trên trời dưới đất, chuyện màu sắc, hoa lá, âm nhạc hay tình cảm lăng nhăng, như thế để sẽ được một năm nhẹ nhàng thoải mái. Một sự tin tưởng thật mộc mạc gần như chất phác, quê mùa của thuở nào còn sót lại ở trong tôi mà tôi vẫn cố duy trì, cũng như tôi đã duy trì tất cả những gì thuộc về nếp cũ mà tôi cho là độc đáo, không nên để cho làn sóng văn minh chôn vùi mất đi.
- Anh sang đây có việc gì không? Sao lại không chờ qua mùa xuân trời bắt đầu ấm áp, bao nhiêu cây sẽ nở hoa, nhất là hai thứ Tần Quả thụ và Anh Đào thụ sẽ tô hồng tô trắng lên không gian ở khắp các vùng ngoại ô. Tha hồ chụp ảnh gởi về khoe với vợ con.
Câu cuối cùng tôi chỉ nghĩ mà không dám nói.
- Tôi qua thăm M. tại biết rằng M. đã nghĩ nhiều về tôi, chỉ có một mục đích đó thôi. Còn những thứ cây cỏ ấy thì ở đâu chẳng có!
- Việt Nam ta làm gì có. Mà sao anh nói từ nãy đến giờ có lắm điểm tôi không thể hiểu được. Làm như...
- Sao? Có gì mà không thể hiểu…
- Làm như một là anh mơ, hai là tôi mơ.
- Đừng bao giờ tìm hiểu những gì mình thấy là khó hiểu, cũng như đừng bao giờ tìm hiểu về một giấc mơ.
Tôi nghe những lời đối thoại của chúng tôi được tiếng Sắt, tiếng Cầm, tiếng Thanh phụ họa đằng sau như một bức tranh bằng thanh âm, có chìm, có nổi. Tôi cảm động, chẳng biết phải làm gì, có thể nào một người đã vượt hàng bao nhiêu giờ máy bay để sang thăm tôi. Lại canh đúng đêm giao thừa giúp tôi lấp cô đơn.
Giao thừa rồi. Tôi để người ấy ngồi một mình, vào phòng trong thay chiếc áo vàng để đón Tết. Chiếc áo may từ 7 năm rồi mà với tôi vẫn còn có giá trị, hình như Tết nào cũng mặc nó. Tôi trở vào thấy người ấy đang nhìn quyển sách binh pháp của Tôn Tử. Tôi giật lại cất vào chỗ cũ.
- Đầu năm kiêng không nói chuyện binh pháp, không đọc binh thư.
- Ừ nhỉ, thiện chiến đã phục thượng hình. Đúng đấy.
- Anh nghĩ thế nào về vấn đề mà ngày nay Trung Hoa lục địa đang đề cao Tần Thủy Hoàng?
- Ông ta cũng làm được nhiều việc ích lợi chứ không phải là hoàn toàn đáng chê, và nếu cho là tàn ác thì ngày nay loài người còn tàn ác hơn. Đọc tập Archipel du Goulag rồi, M. có thấy không? Thời nào và chính thể nào cũng vậy.
- Anh có đồng ý rằng "cái kết quả bảo chứng cho cái phương pháp thực hiện" ư?
- Ngày trước, hồi tôi còn giữ chức vụ thì tôi đồng ý, bây giờ thì... Sau mấy trăm thế kỷ...
- Anh nói gì? Sau mấy trăm thế kỷ là sao?
- Vẫn chưa hiểu ư?
- Tôi làm sao hiểu được, anh nói có vẻ huyền hoặc quá, hay là tôi đang bị một làn mây che, tôi đang u mê?
- Chắc vậy. Đừng bao giờ nghe người ta khen mà tưởng thật. Tôi đồng ý khi M. bảo những kẻ nào ưa nghe nịnh là kẻ ấy đang tự đào hố chôn lấy mình. Bao giờ có dịp, M. nên tìm cái tác phẩm của Erasme dịch Plutarque "Phương pháp để phân biệt kẻ nịnh thần và bằng hữu".
- Chắc anh thích Plutarque nhỉ.
- Ông ta có một câu nói mà theo ý tôi người Việt Nam nhà cô ngày nay nên đặt thành vấn đề để suy nghiệm.
- Câu gì? Mà sao lại người Việt Nam nhà cô? Còn anh, bộ anh không phải là người Việt Nam sao?
- Yên, đặt câu hỏi phải đặt từ từ cho người ta trả lời chứ, thảo nào mà trên máy phóng thanh của mấy phòng họp, nhất là phòng họp quân sự hay có chữ S.
Tôi xấu hổ biết ngay là mình đang bị sửa lưng, nhưng không sao, phải thế mới chừa. Tôi hỏi lại câu hỏi thứ nhất:
- Anh bảo câu gì của Plutarque đáng cho người Việt Nam chúng ta suy nghiệm?
- Người Việt Nam nhà cô chứ, đó là câu "Sinh trưởng trong một thị xã bé nhỏ, tôi muốn ở lại đó vì e rằng không có tôi thì nó sẽ lại còn bé nhỏ hơn." Câu này Plutarque hay đùa, trả lời với các bạn mỗi khi có người đặt câu hỏi sao không đến Athène hoặc Gunthe mà ở.
- Câu hỏi thứ hai, thưa ngài, tại sao lại Việt Nam nhà cô, vậy chứ ngài là gì?
- Câu hỏi này thì theo tôi tưởng, M. phải tự tìm lấy, đã là người có chút kiến thức, chút tò mò, nên tự tìm lấy chứ sao lại bắt tôi phải trả lời.
Tôi cau mặt, nhìn kỹ lại người đối thoại mà ban nãy tôi cứ ngỡ rằng đó là người tôi chờ đợi, người mà tôi thường nghĩ đến mỗi khi buồn, mỗi khi cô đơn. Người ấy hình như đang không phải là người ấy mà là một người khác tôi chưa hề quen. Tôi vẫn còn đang mơ hồ không biết đây là ai? Ai đang đùa với tôi?
- Sáng rồi, tôi về cho M. ngủ nhé, coi bộ mệt rồi đấy, đàn bà con gái là thế, mới thức có một đêm đã thấy phờ phạc ra. Thế mà đòi bình quyền, đòi gia nhập M.L.F. (Phong trào giải phóng phụ nữ).
- Tôi đòi hỏi hồi nào? Ai bảo anh đấy? Mà ai bảo với anh là tôi phờ phạc? Anh ngồi xuống đây, chưa cho về.
- Khiếp lệnh bà, đầu năm mà gắt gỏng như mắm vậy sao? Quanh năm gắt ai thương cho nổi?
***
Tôi giật mình ngẩng lên, bàng hoàng nhìn ra chung quanh. Thì ra từ nãy dến giờ tôi đang gục xuống tờ giấy vân hạc, tờ giấy mà tôi định khai bút viết một bài thơ gửi người tặng giấy. Mùi hương còn thoang thoảng trên bàn thờ.
Chẳng ai đến thăm tôi cả và giấc mơ kỳ quái kia chỉ là kết quả của những trang sách sử mà tôi đã đọc từ trước đến nay. Người đến thăm tôi là tướng Mông Điềm, một vị tướng mà tôi vẫn hay nghĩ đến và hay so sánh với người thời nay.
Càng hay, giao thừa qua rất nhẹ nhàng thích thú. Giá tất cả những kẻ nào cô đơn trên đời mà đều được những giấc mơ đẹp và ích lợi như tôi thì đáng mừng cho họ biết mấy! Tôi ngồi yên cố nhớ lại những gì mà ông Tướng Mông Điềm đã nói với tôi, thầm tiếc tại sao tôi không thừa cơ hội đặc biệt ấy mà hỏi thêm nhiều vấn đề khác, bắt ông ta nói về cá nhân của Phù Tô, của Lý Tư, hay là đặt một câu hỏi mà tôi hằng thắc mắc, quan hệ nhiều đến cả cuộc đời tôi là sự ở lại hay dọn về của tôi. Tôi đã mang câu hỏi này ra đặt với nhiều người và ý kiến rất trái ngược, ai cũng có lý của họ. Tôi cũng quên không hỏi ông ta về tình hình chính trị của đất nước hiện tại, rồi sẽ có những biến chuyển gì. Tại sao tôi lại u mê quá vậy, không biết lợi dụng thời cơ!
Đầu năm mà ngồi tiếc thì quanh năm sẽ ngồi tiếc mãi, thôi vậy. Tôi đứng lên lấy cây đàn tranh, cây đàn của tướng Mông Điềm sáng chế ra theo như Tùng Thư Nhạc Chí đời Hán. Tiếc rằng tôi đàn không hay, nếu tôi đàn khá, chắc tôi sẽ làm cho người khách đêm giao thừa lắm tài ấy sẽ hài lòng. Tin rằng người vẫn còn quanh quất đâu đây…
Chú thích:
(* 芝蘭生於深林,不以無人而不芳。君子修道立德,不謂窮困而改節。
Cỏ chi, cỏ lan mọc trong rừng sâu, không phải vì không có người mà không tỏa hương thơm; người quân tử tu đạo lập đức không phải vì nghèo khốn mà cải tiết.) Cỏ chi, cỏ lan là hai loại cỏ dại có hương thơm.