Phật pháp nhất định phải có sư thừa. Chẳng có sư thừa, thì việc học Phật sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, vì sao? Bởi vì bản thân chúng ta không có chánh kiến và chánh tư duy nên mọi việc làm đều trái nghịch với tự tánh, tương lai ắt sẽ bị đọa lạc, tự làm tự chịu là lẽ tự nhiên, chẳng có gì để nói. Nếu là một nhà lãnh đạo Phật pháp mà chỉ sai đường cho người khác, thì sẽ phải gánh chịu trách nhiệm nhân quả. Trên thực tế, có nhiều lúc thầy dạy đúng, nhưng trò lại hiểu sai nên làm sai, vì sao vậy? Vì không có chánh kiến, chánh tư duy nên chấp pháp, cho pháp được nghe là cố định, nên không thể khởi tác dụng Phật pháp một cách hợp lý, rơi vào chỗ bế tắc.
Mấy hôm trước, có một đồng tu gửi cho tôi một bài trích đoạn giảng ký trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Tập 479, chủ giảng bởi Tịnh Không Pháp Sư. Trong bài giảng này, Lão hòa thượng nói: “Thông thường đức Phật dạy hàng đệ tử sơ học, phải kiên trì giữ vững bốn trọng giới, bốn trọng giới này không phải là giới luật thường, mà nó rất đặc biệt, vì sao? Vì an định xã hội. Hai điều của người xuất gia: “Không làm quốc tặc, không hủy báng quốc chủ. Ý này tức là nhất định không nên can thiệp vào chính trị, cố gắng học Phật. Không làm quốc tặc, nhất định không được làm những việc tổn thương quốc gia dân tộc, tổn thương xã hội đại chúng, chắc chắn không được làm, đây là điều đầu tiên. Quốc chủ là gì? Từ người lãnh đạo quốc gia đến người lãnh đạo địa phương, ngày nay chúng ta gọi là quan viên chủ quản. Thị trưởng của một thành phố, thôn trưởng của một thôn trang, đây đều là gì? Là người lãnh đạo. Người lãnh đạo của các tầng lớp, không được nói sai lầm của họ, vì sao? Vì có pháp luật quốc gia chế chỉ họ, chúng ta không được tuyên truyền tùy tiện, tùy tiện phê bình, không được, vì sao? Vì họ là người lãnh đạo.”
Phần đông những người đọc bài viết này đều giật mình nghĩ rằng, Lục Độ Tập Kinh dạy: “Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than.” Kinh Địa Tạng và Kinh Quán Vô Lượng Phật Kinh bảo người tu đạo Phật phải lấy trung, hiếu làm cơ sở căn bản để nhập môn, nếu chưa thể thực hiện được hai điều này, thì chẳng thể học pháp môn. Nay, đất nước đang lúc lâm nguy trước mối đe dọa của giặc ngoại xâm, nhà nước lại cấu kết với giặc ngoại xâm bán nước cầu vinh, dân tộc đang đến lúc diệt vong, nhân dân đang bị áp bức khốn khổ vô cùng mà chẳng có chỗ nương nhờ. Là một Phật tử chân chánh đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, sao chẳng thể thương xót, muốn tìm mọi cách để cứu quốc, độ dân? Hàng đệ tử sơ học không biết phải làm thế nào cho trọn trách nhiệm của một người công dân mà chẳng phạm giới luật của nhà Phật; đấy đều là do thiếu trí huệ và lòng từ bi. Lòng từ bi chẳng thể phát ra nổi thì làm sao có thể xứng với đức hiệu Phật tử?
Một người học Phật biết sử dụng trí huệ một cách khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ, thì phải thấu hiểu lời dạy của hoà thượng sao cho hợp tình, hợp lý, chứ lẽ nào chấp ngữ mà bỏ sự. Trước hết, chúng ta phải xác định ý nghĩa thật sự của hai chữ “quốc tặc” và “quốc chủ” mà hòa thượng nói sao cho đúng lý, đúng sự, cớ lý đâu chấp lý phế sự mà cho đó là giữ giới thanh tịnh. Trong lịch sử Việt Nam có vua Lê Chiêu Thống bán nước, cõng rắn cắn gà nhà, trên danh nghĩa vị vua này là một quốc chủ, nhưng trên thực tế thì không phải, vì sao? Vì một vị quốc chủ phải hành những điều lợi ích cho quốc gia và xã tắc, chứ lẽ nào đi bán nước cho giặc ngoại xâm mà chẳng màng đến tương lai của người dân. Một khi nước mất thì nhà tan, nhân dân sẽ phải sống trong kiếp nô lệ, chẳng biết đến lúc nào mới thoát ra; thậm chí có thể đi đến chỗ hoàn toàn diệt vong. Một người quốc chủ như vậy, ắt đã là quốc tặc, thì làm sao người dân có thể ủng hộ được. Người nào ủng hộ bọn ác ôn như vậy, ắt cũng phải là quốc tặc.
Con người ai cũng có lúc làm sai lầm, một vị quốc chủ vì lợi ích của quốc gia, dân tộc mà lỡ làm sai điều gì, nhân dân có thể bỏ qua, không nên hủy báng, chống trái, gây ra chiến tranh nội bộ. Nhưng nếu một vị quốc chủ vì lợi ích cá nhân mà bán nước cầu vinh, thì nhất định không thể nào chấp nhận được, vì sao? Vì vị quốc chủ ấy đã quốc tặc rồi, đâu còn là quốc chủ nữa, thì làm sao người dân có thể chấp nhận được! Chúng ta đọc kinh, nghe pháp muôn vạn lần chớ nên chấp vào ngôn từ mà phế bỏ sự thật. Học Phật nhất định phải là giác mà chẳng mê. Nếu chấp lời mà không hiểu nghĩa chân thật thì đó là mê, chẳng phải giác.
Tôi lại nhận được một bài pháp của Hòa Thượng Tịnh Không từ một đồng tu khác. Đây là một bài trích đoạn trong Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 2, trang 22 với tựa đề là “Hai câu đầu cương lĩnh trong 11 câu Tịnh Nghiệp Tam phước ‘hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng’ là quan trọng bậc nhất, đồng tu chúng ta nhất định không được lơ là bỏ qua!” Trong bài này, chúng ta đặc biệt chú ý đến câu: “Hiếu bao gồm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian, ở đây chẳng thể nói kỹ. Ở nhà có thể hiếu cha mẹ, thương yêu anh em, đây là ‘Ðễ’, có thể báo ân quốc gia tức là ‘Trung’. Thế nên tám đức: ‘Hiếu, Ðễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ’, Hiếu là căn bản, bảy đức còn lại đều là Hiếu biểu hiện trên các Sự Tướng khác nhau rồi lập nên danh tướng, chứ thật ra chỉ là một chữ Hiếu mà thôi.” Nói trong phạm vi quốc gia xã hội, thì “Hiếu Đễ” là thương dân, yêu nước. “Trung” là quyết chí bảo vệ tổ quốc. Nếu một người chẳng hiếu với dân, chẳng trung với nước, thì nhất định chẳng phải là một Phật tử chân chánh, cũng chẳng phải thật sự là một quốc chủ của một quốc gia. Vì sao? Vì “Trung, Hiếu” là hai điều quan trọng trước tiên hết trong tất cả các pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Nếu một người bất trung, bất hiếu thì Phật, Bồ Tát nhất định chẳng chấp nhận họ là đệ tử của Phật, và nhân dân cũng chẳng chấp nhận họ là quốc chủ.
Hai bài giảng trên của lão hòa thượng là nói đến Giới Luật căn bản của Nhân Thiên thừa. Trung, Hiếu là hai điều kiện đầu tiên trong Nhân Thiên thừa, nhằm dọn đường dẫn đến các pháp trong Tiểu thừa và Đại thừa. Bồ tát giới của Đại Thừa chẳng giống Nhân Thiên thừa và Tiểu Thừa. Giới Nhân Thiên của phàm phu là giữ gìn “Hiếu, Ðễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.” Giới Tiểu thừa của hàng Thanh văn là giữ gìn “Thân Nghiệp Thanh Tịnh” không phạm luật nghi, nên gọi là “thân giới.” Giới Đại thừa của Bồ-tát là giữ gìn “ý nghiệp thanh tịnh” không phạm luật nghi, nên gọi là “ý giới.”
Đối với tư tưởng của Đại thừa, thì “ý” làm chủ; thân chỉ là tên đày tớ tuân theo mệnh lệnh của chủ nhân mà hành động. Nếu “ý” được giữ gìn không phạm giới thì thân cũng theo đó mà không phạm giới vậy.