Cầm quyển sách trên tay với độ dày 340 trang khổ A5 do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam-Trung Tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang ấn hành và nhà xuất bản Hồng Đức tái bản lần thứ 2 năm 2015. Sách này do Phật Tử Nguyên Đạo Văn Công Tuấn trao tay cho tôi tại khóa tu Phật Thất từ ngày 24 đến 31.09.2017 vừa qua tại chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc. Tôi rất vui mừng được đọc tác phẩm thứ hai của Giáo Sư Lê Tự Hỷ. Ngắm nhìn bìa sách cũng như cách in ấn của Việt Nam trong hiện tại đã tiến được 8 phần 10 so với Đài Loan hay Đức, nên tôi lại càng vui hơn nữa. Bởi lẽ từ năm 1975 đến cuối năm 2000 tất cả những kinh sách được in ấn tại Việt Nam, kể cả đóng bìa cứng cũng rất kém về kỹ thuật và mỹ thuật, nhưng nay sau hơn 40 năm, nghề in ấn Việt Nam đã bắt đầu có cơ ngơi vươn lên cùng với thế giới sách vở rồi và hy vọng rằng nghề ấn loát nầy sẽ không dừng lại ở đây.
Tôi vốn ưa đọc sách, nhưng cũng rất kén chọn sách hay để đọc, vì nếu lỡ đọc một quyển Kinh hay sách nào đó không bổ ích, thì cảm thấy tốn quá nhiều thời gian của mình. Sách hay Kinh điển vốn là món ăn tinh thần của tôi trong nhiều năm tháng nay. Trước đây tôi đã đọc quyển “Asoka từ huyền thoại đến sự thật” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ viết và cũng đã điểm qua sách nầy cũng như cho đăng tải lên nhiều trang nhà để độc giả khắp nơi làm quen được với tác phẩm quý hiếm nầy. Trước đó nữa thì tôi đã đọc “Chú Đại Bi giảng giải” của Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại Vạn Phật Thánh Thành, Hoa Kỳ và Thượng Tọa Thích Minh Định ở Pháp đã dịch sang Việt ngữ rất lưu loát và sách nầy tôi cũng đã điểm qua. Kế đến hôm tháng 7 vừa qua, tôi có ghé thăm chùa Kim Quang của Thượng Tọa, Thầy đã biếu cho tôi quyển “Chú Lăng Nghiêm Kệ và giảng giải tập 1” của Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng và Thầy đã dịch ra Việt Văn rất trôi chảy. Quyển nầy có hai phần: Phần đầu tiếng Việt và phần sau, Sư Cô em ruột của Thượng Tọa dịch ra tiếng Pháp cũng rất tuyệt vời. Thầy ấy bảo rằng vào tháng 11 nầy, lúc tôi qua giảng pháp tại chùa Kim Quang thì Thầy sẽ biếu cho tập 2 để đọc. Trong khi chưa có tập 2 của chú Lăng Nghiêm thì tôi đã nhận được quyển “Thần chú trong Phật Giáo” nầy của Giáo Sư Lê Tự Hỷ, nên đã đọc trong vòng 4 tiếng đồng hồ trên xe lửa chạy nhanh từ Hannover đến Ravensburg vào ngày 9 tháng 10 năm 2017 vừa qua và tôi nghĩ rằng mình phải có bổn phận điểm lại sách nầy để giới thiệu với các độc giả khắp nơi, làm quen với những Kinh sách, chú giải quan trọng nầy. Dĩ nhiên sẽ không phải chỉ có toàn là những lời khen tặng, mà đâu đó chắc sẽ không thiếu những góp ý chân thành, nên xin tác giả và các soạn giả hoan hỷ cho về những vấn đề xây dựng nầy.
Tôi vốn sinh ra từ quê hương xứ Quảng và bản chất là nông dân, nên nghĩ sao nói vậy và tôi cũng được biết tác giả Lê Tự Hỷ cũng là người xuất thân từ quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mặc dầu đang ở đâu và giảng dạy ngôn ngữ nào đi nữa thì âm điệu tiếng Quảng Nam vẫn còn nguyên vẹn. Tôi được phước duyên là đi xuất gia từ năm 1964 đến bây giờ và từ đó đến nay những thời Kinh Lăng Nghiêm vào những buổi sáng hầu như chưa bao giờ xao lãng, ngoại trừ vài ngày ốm đau cũng như ở trong bệnh viện mấy ngày tại xứ Đức trong năm 2016 vừa qua, và hầu như Lăng Nghiêm đối với tôi, việc hành trì xem ra như cơm ăn, áo mặc, không thể thiếu trong bất cứ ngày nào. Ngày xưa còn nhỏ, lứa tuổi 15 đã được xuất gia học đạo và bài Kinh đầu tiên phải trả cho Quý Chú lớn hơn ở trong chùa Phước Lâm là Kinh Lăng Nghiêm. Thuở ấy học thuộc lòng Lăng Nghiêm, tôi chẳng hiểu tại sao phải học và cứ học như thế để hành trì, cho đến bây giờ năm 2017 nầy là hơn 54 năm như thế, tôi thấy Lăng Nghiêm vẫn là Lăng Nghiêm, nhưng Lăng Nghiêm bây giờ mỗi buổi sáng tôi hành trì với Đại Chúng chùa Viên Giác, Hannover hay ở tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg nầy, tôi nhận thấy được một oai thần mãnh liệt từ kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng ra để tuyên thuyết Thần Chú nầy, nên với tôi là một pháp hành vô cùng quan trọng.
Nhân đọc quyển “Thần chú trong Phật Giáo” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ, tôi xin nêu ra đây 3 quan điểm trong khi đọc Kinh, trì Chú hay nói đúng hơn là pháp học, pháp hành và pháp học lẫn pháp hành. Đây chỉ là quan niệm của tôi và tôi xin điểm qua từng pháp một qua các câu Thần Chú “Yết Đế, Yết Đế Ba La Tăng, Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha”, kế tiếp là câu “Án Ma Ni Bát Di Hồng” rồi “Chú Đại Bi” và Thập Chú trong Kinh Lăng Nghiêm của quyển sách nầy mà Giáo Sư Lê Tự Hỷ đã dày công nghiên cứu.
Tôi xin phép xếp Giáo Sư Lê Tự Hỷ vào quan điểm thứ nhất là Pháp Học. Học là một Pháp rất quan trọng. Bởi vì Đức Phật vẫn hay dạy rằng: “Ai hiểu được Pháp kẻ đó sẽ hiểu được Phật và ai hiểu được Phật người ấy sẽ hiểu được Pháp”. Như vậy việc học và hiểu Pháp rất quan trọng. Lâu nay Kinh điển được dịch từ chữ Pali sang tiếng Việt, bên Đại Tạng Kinh Nam Truyền gồm 13 tập với 25.000 trang Kinh văn, thì có Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Minh Châu đã làm; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo) do Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Tịnh Hạnh chủ trương dịch từ Hán văn sang Việt Văn thành Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, cũng không dưới 250.000 trang Kinh, nhưng vấn đề giảng giải những Thần Chú ra tiếng Hán và tiếng Việt thì tôi thấy chỉ mới có Cố Hòa Thượng Tuyên Hóa và Giáo Sư Lê Tự Hỷ thực hiện. Tôi không rõ Giáo Sư Lê Tự Hỷ học tiếng Phạn ở đâu, nhưng khả năng phân tích và ngữ nghĩa trong Phạn ngữ của Giáo Sư thật quả là tuyệt vời. Có lẽ một phần do tự học như Hòa Thượng Thích Tuệ Sĩ mà ra. Riêng tôi phạm trù Phạn ngữ cũng như tiếng Pali thì xin chịu, bởi từ nhỏ vốn quen với nền văn học chữ Hán cũng như Anh, Pháp, Nhật và Đức ngữ, nên ở những phạm trù Phạn Ngữ thuộc về Thần Chú, thì tôi chỉ có dựa cột mà nghe chứ không dám luận bàn. Vì cuộc đời nầy có nhiều việc phải tu, phải học nữa, cho đến khi nào nắp quan tài đậy lại mới thôi. Cho nên người xưa thường nói rằng:
Học hải vô nhai cần thị ngạn
Thanh không hữu lộ chí vi thê
Giáo sư cho rằng những phiên âm Hán Việt về Thần Chú lâu nay chúng ta đọc, không sát với tiếng Việt. Do vậy nên hãy đọc âm vận được phiên âm trực tiếp từ chữ Phạn ra chữ Hán thì tương đối đúng hơn. Điều nầy hẳn tôi đồng ý với tác giả của quyển sách nầy, nhưng lâu nay ở Việt Nam chưa có vị Sư hay Cư Sĩ nào làm được điều ấy cả. Lý do là sở học về Phạn Ngữ của quý Ngài giới hạn chăng? Hay vì lẽ gì mà các Ngài đã không cho phiên âm ra Việt ngữ. Như vậy Ngài Khương Tăng Hội, Ngài Chi Cương Lương, Ngài Mâu Bác đã ở Giao Châu chúng ta từ thế kỷ thứ 2, thứ 3 đã chẳng quan tâm về vấn đề nầy hay sao? Hay là các Ngài ấy thấy rằng cứ để nguyên mẫu âm Hán Việt như thế để trì tụng thì công đức cũng không nhỏ. Đến thế kỷ thứ 8 (750) chúng ta có Ngài Phật Triết (người Lâm Ấp) và Ngài Bồ Đề Tiên Na (người Ấn Độ) đến xứ Phù Nam nầy và vào năm 752 các Ngài được Thánh Vũ Thiên Hoàng của Nhật Bản mời sang Nara để làm lễ khai nhãn cúng dường tượng Tỳ Lô Giá Na Phật bằng đồng, chắc hẳn quý Ngài cũng rất rành tiếng Phạn, không hiểu tại sao các Ngài không dịch những câu Thần Chú trong Đại Bi, Bát Nhã hay Lăng Nghiêm ra tiếng Việt? Hẳn nhiên phải có lý do, nhưng bây giờ quý Ngài ấy đâu còn hiện diện trên cõi Ta Bà nầy nữa mà tham vấn. Do vậy, chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời. Nhưng dẫu sao đi nữa việc làm của Giáo Sư Lê Tự Hỷ là việc làm đáng khâm phục và Giáo Sư cũng khuyên là lớp Tăng Ni hay Phật Tử trẻ có cơ duyên tiếp xúc với Phạn Văn thì nên đọc các Thần Chú nầy trực tiếp từ tiếng Phạn ra âm tiếng Việt thì gần gũi với nguyên ngữ hơn. Riêng phận già gần 70 tuổi như tôi trong hiện tại thì chỉ xin chấp nhận cái cũ đã trải qua truyền thống lâu nay về Pháp Hành, chứ chưa thay đổi qua Pháp Học như Giáo Sư đề nghị được.
Quan điểm thứ hai là về Pháp Hành. Ví dụ như Ngài Tuyên Hóa, Ngài Tinh Vân, Ngài Ân Thuận, Ngài Thanh Từ v.v… cả Trung Hoa và Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại các Ngài nầy hầu như không có bằng cấp nào của thế gian cả, nhưng về phép Tu của các Ngài thì quả là Thầy của cả Nhân Thiên, ít ai sánh kịp. Ngài Tuyên Hóa khi giảng giải về Chú Lăng Nghiêm hay Chú Đại Bi, Ngài có bảo rằng Ngài không biết chữ Phạn, nhưng cái cảm nhận của Ngài khi giảng đến những Thần Chú nầy, do như có lực gia trì của chư Phật và chư vị Bồ Tát nên Ngài mới giảng được như vậy. Trong sách này, kể từ trang 173 trở đi tác giả Lê Tự Hỷ không đồng ý với Ngài Tuyên Hóa mấy. Tuy nhiên Ngài đã được xưng là Thánh Tăng của đương đại và Ngài cũng có bảo rằng: “Trong đời mạt pháp nầy, nếu ai đó hành trì Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm mà bị rơi vào địa ngục, thì Ngài sẽ là người xuống đó trước”. Hành giả có thể bảo đảm được việc nầy, chứ học giả thì khó có thể nói những câu tương tự được như vậy.
Nếu đứng về quan điểm của Pháp Hành thì nên xem trang 30 của sách nầy, tác giả đã kể ra 2 câu chuyện trong Phật Giáo Tây Tạng rất hay về một vị Thầy chỉ biết trì tụng duy nhất một câu Thần Chú mà thôi. Một vị Tăng Sĩ nổi danh khác không cần Thầy dạy nữa, nên đi tìm vị Tăng Sĩ chuyên tu nầy và thấy vị nầy đọc sai âm câu Thần Chú, nên cố gắng sửa lại. Cuối cùng vị theo pháp Hành quên bẳng đi là người bạn Tăng Sĩ kia đã dạy cho mình phát âm như thế nào, nên đã lướt đi trên nước, đến cạnh bên chiếc thuyền của vị Tăng Sĩ nổi danh kia để hỏi lại về âm vận của câu chú, thì cả người chèo thuyền và vị Tăng Sĩ nổi danh kia đều hết sức kinh ngạc nên đã đáp lại rằng: “Ôi thôi! Ngài không cần gì nữa cả, không cần gì nữa cả!”.
Câu chuyện thứ 2 ở trang 32 và 33 cũng rất hấp dẫn. Đó là câu chuyện của hai học Tăng, một thông minh và một bình thường. Người bình thường niệm câu Thần Chú Án Ma Ni Bát Di Hồng trong 3 năm liền, được 100 triệu lần và người thông minh kia chỉ bắt đầu niệm danh hiệu nầy trong ba ngày còn lại; trước khi người Tăng Sĩ bình thường kia sắp xong 100 triệu lần, người Tăng Sĩ thông minh kia quán mọi người trên thế gian nầy đều là một Đức Quan Thế Âm và mình với Ngài không khác. Cuối cùng Sư Phụ của hai Vị nầy đều rất hài lòng cho Pháp Hành nầy. Thật ra thì Phật Giáo Việt Nam của chúng ta trong hiện tại thiếu những vị chuyên tu về Pháp Hành như Tây Tạng hay Trung Hoa, chứ chúng ta không thiếu những Pháp Học.
Bây giờ trở đi mới chính là những giờ phút Phật Giáo Việt Nam của chúng ta phải hạ thủ công phu, mới bắt kịp theo Phật Giáo Tây Tạng được. Tôi đi rất nhiều nơi và đến rất nhiều chốn, nhưng những nước còn hành trì Thần Chú Lăng Nghiêm rất ít, trong đó chỉ còn thấy ở các chùa Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn và An Nam Tông của Việt Nam ở Thái Lan cũng như những chùa Việt Đại Thừa tại ngoại quốc. Trong khi đó Phật Giáo Nhật Bản họ hành trì theo Kinh điển của Tông Phái họ và hoàn toàn không có Tông nào tụng Lăng Nghiêm cả; còn Phật Giáo ở Đức lại đa dạng hơn, nghĩa là nhóm Phật tử nào theo Tông Phái của Phật Giáo nước nào thì họ tụng theo ngôn ngữ tiếng của nước đó. Ví dụ như người Mỹ, người Đức, người Pháp theo Phật Giáo Tây Tạng thì họ tụng Kinh, Chú theo âm Tây Tạng, chứ họ chưa có thể biến đổi hoàn toàn theo âm vận của tiếng địa phương được. Ở đây chúng ta cũng đồng ý với Giáo Sư Lê Tư Hỷ rằng: “Công dụng của Thần Chú không từ ngoài mà được. Việc chính là hành giả ấy hành trì như thế nào mà thôi”.
Quan điểm thứ 3 là vừa có Pháp Học và có cả Pháp Hành. Đại diện cho khuynh hướng nầy có Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Minh Châu, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thánh Nghiêm và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu có ai đó đã đọc Nam Truyền Đại Tạng Kinh hay những sách của Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu viết thì chúng ta phải ngưỡng vọng một bậc Thầy đạo cao, đức trọng. Là một học giả uyên bác về tiếng Pali, Hán văn, Pháp Văn và Anh Văn, nhưng pháp Hành Thiền của Ngài không bao giờ xao lãng. Mặc dầu với cương vị của một vị Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1964 đến năm 1975, có không biết bao nhiêu việc phải giải quyết, nhưng tâm từ và tâm bi qua sự Hành Thiền, Ngài đã làm tỏa chiếu một bầu trời Vạn Hạnh cho đến mãi ngày nay. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh với hơn 150 tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn người ngoại quốc tu Thiền Chánh Niệm như thế nào và ở ngoại quốc ngày nay, trong giới Phật Giáo và các học giả khi nghe nhắc tới Thiền Sư Nhất Hạnh, không ai mà không biết.
Ngài Thánh Nghiêm, người Đài Loan, năm 1972 tôi đã có dịp gặp Ngài tại Nhật và sau nầy khi Thầy Hạnh Giới tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Hannover vào năm 2003, tôi cũng đã cho Thầy ấy qua Pháp Cổ Sơn tại Đài Loan để tu học với Ngài Thánh Nghiêm trong nhiều năm. Tại đó học Tăng có thể học tư tưởng của Ngài về: Nhân Gian Tịnh Độ, Thiên Quốc Tịnh Độ, Phật Quốc Tịnh Độ và Tự Tánh Di Đà Tịnh Độ và nếu có ai đó đã đọc những sách của Ngài như: Thánh Nghiêm Tự Truyện hay So Sánh Tôn Giáo Học v.v…thì chúng ta cũng sẽ thấy được một Tiến Sĩ của Nhật Bản chịu đựng sống dưới gầm cầu ở New York suốt 6 tháng trường để thực chứng với “cái KHÔNG là gì?” sau khi đã không thành công với Ban Hộ Tự của chùa Đông Sơ ở New York. Còn Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thì khỏi phải phẩm bình, vì Ngài là một Thánh nhân trong hiện thế, nhưng mỗi ngày Ngài đều hành trì 4 tiếng đồng hồ vào mỗi buổi sáng. Còn chúng ta thì sao? Đa phần chúng ta là phàm Tăng, phàm Ni nhưng rất dễ duôi với việc hành trì qua việc trì tụng Thần Chú Lăng Nghiêm vào mỗi buổi sáng. Nếu ai đó đã đọc được những tác phẩm của Đức Đạt Lai Lạt La thì trong đó có hai quyển nên đọc trước. Đó là: “Nước tôi và dân tôi” hay “Tự do trong lưu đày” để thấy rằng một bậc Thánh Tăng đã thực hành Pháp Học và Pháp Hành như thế nào trong suốt cuộc đời của Ngài. Có như vậy chúng ta mới cố gắng để thành tựu sở tu và sở chứng của mình được, khi nhìn gương thực hiện Pháp của các Ngài.
Đọc “Nhân Sinh Yếu Nghĩa” của Ngài Tuyên Hóa giảng bằng tiếng Phổ Thông và Thượng Tọa Minh Định đã dịch sang Việt Ngữ, hay đọc “Thần Chú trong Phật Giáo” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ chúng ta sẽ thấy ngay thế nào là Pháp Học và thế nào là Pháp Hành. Riêng tôi xin chắp hai tay lại để niệm ân tất cả, vì tôi đã chưa làm được việc đó. Tôi chỉ là người nối bước theo những lối chân mòn của các bậc Tổ Đức đã từng lội qua những dòng sông sanh tử mà thôi. Từ đó chúng ta sẽ có một cái nhìn thấu triệt hơn về con đường mà chúng ta đang đi và đang phụng sự.
Về chính tả hỏi, ngã v.v… sách nầy không có lỗi, nhưng về tiếng Nhật có lẽ Giáo Sư Lê Tự Hỷ không chuyên (Dĩ nhiên là tiếng Phạn và tiếng Anh thì Giáo Sư rất rành); bởi lẽ người Nhật không bao giờ đọc là namu amida bu.(trang 88) mà họ đọc là Namu Amida Butsu (chữ Phật theo lối viết của Nhật, không giống chữ Phật viết theo chữ Hán) và ngay cả Việt Nam mình sau nầy cũng có một số người chủ trương là nên đọc “Nam Mô A Mi Đà Phật”. Như vậy cũng không ổn, vì lẽ tiếng Trung Hoa không có âm vận d và đ; nên họ đọc Di là Mi và Đà là Là. Nếu ai đó chủ trương sửa đổi, sao không đổi thành “Nam Mô A Mi Là Phật” cho đúng giọng của người Trung Quốc?
Thật ra những điều đã được nêu lên ở trên chỉ là những điều kiến giải riêng biệt của tôi mà thôi và mong rằng: Nếu bài điểm sách nầy có được lợi lạc nào đó cho cả Tác Giả lẫn Học Giả và Hành Giả trong môi trường mà mọi việc đều được phổ biến rộng rãi trên hoàn cầu như ngày hôm nay, thì quả là một điều quá tuyệt vời đối với người viết bài điểm sách nầy vậy.
Viết xong vào một sáng mùa Thu tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức ngày 11 tháng 10 năm 2017
Phật Tử Thanh Phi, Úc Châu sửa lại lỗi chính tả.