Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau.
(Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại.
(Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói.
(Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được.
(I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy.
(When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó.
(We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Làm như môi trường chung quanh cũng đồng lõa tiếp tay với nỗi buồn bực sẵn có trong lòng mà hành hạ, quấy rầy cái thân già lẻ loi thui thủi của ông cho đến nơi đến chốn vậy.
Mỗi năm cứ vào đầu Xuân, trong vườn sau nhà ông đủ loại hoa nở rộ cũng chính là lúc ông khổ sở nhất vì chứng dị ứng với phấn hoa.
Lúc con trai ông còn ở nhà cứ nhằng ông sao trồng quá nhiều hoa để cho không khí kém trong lành. Nó đâu biết rằng mỗi loại hoa nở vào từng mùa khác nhau - đặc biệt là dịp Tết - có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với ông.
Đó là vì ông vốn là người luôn thích sống theo thói quen xưa, lề lối cũ, luôn giữ đúng lễ nghĩa, đạo đức, bảo vệ nề nếp, gia phong và tập quán cổ truyền một cách cực đoan, cố chấp.
Thêm vào tuổi tác cao cũng góp một phần ảnh hưởng đến sự bảo thủ, tư duy, khó chấp nhận những đổi thay đồng thời tạo nên sự cản trở khó khăn cho việc hội nhập và thích ứng với đời sống mới trên xứ người của ông.
Công việc vườn tược gần như chiếm hết thời giờ trong ngày của ông Khiêm. Mùa Đông ông chăm sóc từng gốc magnolia tím, hoa đào quince, tâng tiu từng giò thủy tiên, vun xới mấy khúm cúc đủ màu.
Ông trân quý từng cụm jasmine mùa đông mà ông dùng thay thế cho hoa mai vàng ở quê nhà và cố sao cho chúng trổ hoa vào đúng thời điểm Tết thôi. Rồi những chậu lan bướm đủ màu sắc nữa, chúng là bậu bạn của ông trong những ngày tháng lạnh lẽo.
Vào tháng Hai tháng Ba ông có nào hoa mận plum, hoa đào lông peach, đào trơn nectarine, hoa táo, hoa lê, hoa trà camelia cùng đám lan đất với những ngồng cao mang hai hàng bông to rực rỡ.
Đến tháng Tư ông lại có mấy gốc anh đào Cherry Blossom, hoa hồng rose đủ màu, rồi hoa Tử Đằng Wisteria nở rộ tím và thơm ngát, hoa đỗ quyên Azalea pha sắc, hoa tuyết Snowball trắng nuốt nuột...
Ôi thôi, kể hoài không hết tên các loài hoa nở quanh năm trong vườn nhà ông. Và rồi chính vì thế mà ông luôn bận rộn quanh năm suốt tháng, làm quần quật cả ngày không hết việc.
Nhờ thế mà ban ngày ông quên khoắng đi nỗi buồn cô quạnh, ngày dài đìu hiu cuối đời; tạm gác một bên cái buồn xa con cứ đeo đẳng bên lòng và cái tuổi tác nó cứ leo thang vùn vụt mà lại ngược chiều với sức bền bỉ dẻo dai của cơ thể ông.
Có lúc ông cũng cũng thấy cơ thể mỏi nhừ tử chứ, đau đớn chỗ này, nhức nhối chỗ nọ, nhất là cái lưng dạo này hành hạ ông thường xuyên hơn. Nhưng ông vẫn không màng quan tâm đến, vì ông cần một giấc ngủ mê mệt thiếp đi lúc đêm về.
Ông tự nhủ: cứ ngủ đêm đến sáng là sẽ khỏe lại ngay.
Và ông tiếp tục miệt mài trong thú đam mê hoa lá và cây kiểng của mình. Thế mà cứ mỗi khi quanh quẩn bên chúng vào lúc bông nở rộ đẹp nhất thì ông không sao tránh khỏi bị ngứa ngáy mắt, mũi, tai, cuống họng và nhảy mũi liên miên. Thoạt đầu ông còn chịu khó đi Bác sĩ lấy thuốc uống ngừa. Lâu dần ông lười rồi cứ để vậy chịu trận. Ông bảo để cho cơ thể quen dần, cũng chẳng chết ai. Thế mà… thế mà…
”Ách… xi… i… xì!” Lại nữa, ông phàn nàn.
-Thế mà… lâu nay nó có chịu quen đâu!
“God bless you.” Bên kia rào nhà ông có tiếng non nớt của trẻ con nói vói sang.
“Thank you.” Ông cũng vội vàng đáp lễ theo phép lịch sự.
Chủ cũ ngôi nhà sát cạnh nhà ông trước kia đã dọn đi cả nửa năm rồi.
Nhà để trống cho đến bây giờ mới có người mới dọn vào được vài hôm. Theo như sự tò mò, xoi mói của ông Quỳnh - bạn ông - thì hình như chỉ thấy có một người đàn bà và hai đứa trẻ.
Ông nghe vậy thì biết vậy thôi, chẳng để ý làm chi. Đến nay nghe tiếng trẻ con ông độ chừng là bé gái chỉ khoảng 5 hay 6 tuổi là cùng.
Có lẽ gia đình hàng xóm mới là cặp vợ chồng hãy còn trẻ.
Ôi chao! Cái cổ của ông sao mà nó ngứa khốn ngứa khổ thế này.
Ông phát ho lên mấy tiếng cho thông cuống họng. Bên kia rào lại vọng lên tiếng trong trẻo, non nớt và đãi nhựa kéo dài:
“Are you O.K… ê… ế…?”
Giọng như săn đón, lo lắng và dễ thương làm sao!
“Yes, I am OK. Thank you.” Ông Khiêm mỉm cười và trả lời.
“Where is your mom?”
Bây giờ thì ông thật sự bật cười thành tiếng vì đứa bé này có sự ân cần, quan tâm cho người khác đến hay.
“I am an old man and I don’t need my mom.”
“Oh!”
Sau tiếng “oh” như trút được nỗi lo âu thì ông nghe có tiếng kéo lê vật nặng nề một cách khó khăn. Rồi một cặp mắt tròn xoe với khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn, đẹp như tiên đồng ngọc nữ nhô lên khỏi hàng rào, vẫy vẫy tay về phía ông.
“Hello! Oh! Oh! You look like my Grand Pa. Sonny! Get up here. Look at him. See? See?
Con bé này thật lanh lợi, nói không ngừng miệng.
Nó đi xuống và ông nghe lục đục một lát thì một đứa bé trai kháu khỉnh lại cố rướn đầu nhìn sang bên ông nhưng cứ bị thậm thụt vì còn quá thấp. Bây giờ thì đến phiên ông Khiêm đâm lo lắng, sợ chúng bị té lỗ đầu gẫy cẳng.
Ông lật đật chạy đến bên rào để chúng nhìn ông cho rõ và trả lời mấy câu hỏi tò mò, ngây thơ của chúng. Chúng cứ quả quyết là ông giống y ông nội của chúng trong hình.
Thằng bé Sonny thì bảo râu của ông giống râu ông nội nó.
Đứa con gái tên Annie thì chỉ vào kiếng ông đang mang và bảo kiếng của ông nó cũng như vậy đó. Ông phải phì cười và giảng giải cho chúng là những người già đều có điểm chung là để râu và mang kiếng.
Cuối cùng ông bảo chúng vào trong nhà vì ông bận việc nên không ở ngoài sân nữa.
“Can I call you ‘Grand Pa’?”
Chúng vâng lời ông, nhưng trước khi đi còn ngoái cổ hỏi.
“If it’s OK with your mom.”
Ông trả lời cho qua chuyện rồi thong thả đi vào với một thoáng lâng lâng, nhẹ nhàng và háu hức như đứa trẻ vừa được quà. Dường như có một cái gì là lạ vừa mới len lỏi vào con tim nguội lạnh, khô cằn của ông.
Có tiếng reo vui lào xào từ khóm hoa, ngọn cỏ đang đuổi theo sau lưng. Mùi hương tổng hợp của hoa Xuân thoang thoảng quyện bước chân ông vào đến tận trong nhà.
Đã lâu rồi, từ khi thằng con trai bỏ đi, ông chưa bao giờ có được giây phút vui vẻ như chiều hôm nay. Hai đứa trẻ con nhà hàng xóm mới dọn tới thật dễ thân thiện và đáng yêu làm sao. Những đứa trẻ sinh đẻ trên xứ người hình như dạn dĩ và niềm nở hơn trẻ ở xứ mình.
Giá ông có được mấy đứa cháu nội bên cạnh thì hẳn giờ này chúng cũng lớn chừng này và cũng khôn ngoan, mau mắn như thế.
Ơ, mà nào phải ông không có đâu chứ!...
Rồi theo dòng suy tư một cách vô thức, ông lần hồi quay trở về với cuốn phim cũ kỹ đã làm nhức nhối, tê buốt cả cõi lòng trong phần đời còn lại của ông.
Vợ ông mất sớm, để ông lại một mình cu ky nuôi thằng con trai mới 15 tuổi. Ông chỉ mong sao lo cho nó học hành xong rồi cưới một con vợ đàng hoàng tử tế và đẻ cho ông vài đứa cháu nội để nối dõi.
Thế là ông đã làm tròn bổn phận đối với tổ tiên, giữ vẹn lời hứa với bà, vì nhà ông mấy đời vốn chỉ một cây một trái đơn độc. Thế mà bao nhiêu hy vọng ông đặt vào thằng con trai nay đã tiêu tan theo mây khói.
Trăm chuyện chỉ tại bắt nguồn từ một con đầm lai mà thôi!
Khi Nhân – thằng con trai duy nhất của ông - ra trường rồi tìm được một việc làm tương đối tốt và gần nhà thì ông Khiêm bắt đầu dò la, tìm cách làm mai mối ngầm những cô gái trong đám con cháu của bạn bè ông cho nó. Mỗi lần ông dẫn đi coi mắt đứa con gái nào thì nó đều gạt ra và viện hết lý này lẽ nọ để thối thoái.
Lúc thì nó bảo chờ có công ăn việc làm thật vững chắc đã.
Khi thì nó muốn để thong thả học lên cao nữa.
Hoặc chưa gặp phải người đồng tâm hợp ý…
Mãi cho đến khi ông Khiêm sốt ruột, lo nghĩ có lẽ mình sẽ không kịp thấy mặt cháu nội trước ngày nhắm mắt - thì đùng một cái - thằng con xin phép ông cho nó cưới một con đầm lai.
Lai gì thì ông chẳng cần hỏi, chỉ chắc một điều là nó không phải con gái Việt Nam thuần túy như ông đã trừu định.
Ông Khiêm đón tin này như trời long đất lở.
Cái điều ông lo sợ sẽ bị tuyệt dòng, tuyệt giống, mất gốc nay sắp thành sự thật rồi. Làm sao ông chấp nhận được chứ? Tổ tiên nhà ông có chịu nhìn nhận đám cháu ngoại lai chẳng giống ai trong họ hàng xưa nay không? Ông vừa lo sợ vừa tức giận phừng phừng.
Thế là ông làm toáng lên, la rầy thằng con không tiếc lời.
Cha con cứ lời qua tiếng lại.
Thằng con nhất định không nhượng bộ bố nó nửa bước.
Còn ông cương quyết không thừa nhận con dâu người nước ngoài.
Cuối cùng ông tuyên bố thẳng thừng:
“Mày còn nhìn nhận tao là cha mày thì kiếm một con vợ Việt Nam mà mang về đây. Còn muốn lấy Tây Tàu gì thì cứ đi theo nó. Tao cấm mày không được mang những thứ ấy vào nhà này. Kể như tao không có con có cháu vậy.”
Nhân chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng bỏ đi.
Vài hôm sau nó trở về với lão Quỳnh – bạn của ông Khiêm – để nhờ lão năn nỉ phụ. Nó biết ông Khiêm thường nể lời ông Quỳnh vì họ là bạn nối khố lâu đời với nhau.
Nhưng lần này thì dù ông Quỳnh nói phải nói trái gì đều bị ông Khiêm gạt qua một bên và khăng khăng giữ vững lập trường của mình: không thừa nhận con dâu ngoại quốc. Cuối cùng ông Quỳnh đành nói huệch toẹt cái sự thật phũ phàng trước mắt:
“Ông bạn già à, tôi nói thiệt nghen, lớp mình rồi nay mai gì cũng theo ông theo bà chớ đâu có lột da mà sống đời với con cháu đâu. Thôi thì mình ở xứ người được sao thì bằng lòng vậy đi, miễn tụi nó thuận thảo, hạnh phúc với nhau là mừng rồi. Như con cái tôi ấy…”
“Ông khác tôi khác. Ông có tới 3 thằng con trai, mất đứa này còn đứa kia. Còn tôi chỉ có một mống, thử hỏi cháu nội tôi một lũ ngoại lai làm sao tôi ăn nói với tổ tiên chớ?”
“Ối, thời nay mà. Ông bà mình rồi cũng châm chước chứ hơi đâu mà bắt bẻ, trách móc con cháu.”
“Không! Tôi đã bảo không là không. Anh đừng có vẽ đường cho hưu chạy nữa bằng không tình bạn bè của mình sẽ bị sức mẻ đó.” Ông Khiêm bực tức trả lời.
“Là bằng hữu với nhau lâu nay, tôi chỉ mong cha con anh được vui vẻ, gia đình anh yên ấm thôi. Tôi hy vọng anh nhẹ tay cho cháu nó nhờ. Đừng để đi đến cảnh “già néo đứt dây” nghe ông bạn già.” Ông Quỳnh hơi bị phật lòng nên nói xẵng. Xong ông quay sang Nhân và nói:
“Chú xin lỗi đã không giúp được gì cho cháu. Chuyện này chú đã đoán trước với cháu vậy đó. Khó lắm.”
Nói xong ông Quỳnh bỏ ra về.
Một mình Nhân vẫn tiếp tục xuống nước nài nỉ:
“Ba, tụi con lỡ thương nhau rồi. Ba cho con cưới Jannette nghe.”
“Không cưới xin gì cả. Mày muốn thì dắt đi cho khuất mắt tao.
Đừng bước chân vào nhà này nữa. Lời tao như đinh đóng cột.”
Nói xong ông Khiêm bỏ ra sau vườn.
Nhân buồn bã, lặng lẽ mấy hôm rồi báo cho ông biết nó đã nhận việc làm ở Âu Châu và có lẽ sẽ ở bên ấy một thời gian. Ông Khiêm kinh ngạc đến lịm đi, đớ người ra khi biết tin này.
Rồi tiếp đến là những chuỗi ngày quay quắt với nỗi xót xa thắt thẻo, buồn rầu áo não. Ông chỉ tính làm cứng cho thằng con thấy khó khăn mà thôi con đầm chứ ông đâu có nghĩ tới nước nó cũng cứng đầu cứng cổ và ngang bướng, dám thi gan với ông.
Ông thầm ước phải chi còn bà thì những chuyện nhức đầu này đã không xảy ra. Bây giờ ra nông nỗi này ông chỉ còn nuôi hy vọng thời gian sẽ làm cho thằng con sớm chán con đầm, suy nghĩ lại rồi trở về nhà.
Bẵng đi thời gian dài cha con xa cách.
Mỗi năm Nhân ghé qua nhà vài hôm thăm ông rồi lại đi tiếp, còn thì chỉ gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, việc nhà cửa, linh tinh vậy thôi.
Cả hai cha con cùng tránh nhắc nhở đến chuyện xưa.
Có nhiều lúc nói chuyện với con trai ruột thịt của mình qua điện thoại mà ông tưởng như đang nói vu vơ, gượng gạo với người xa lạ, chưa đủ thân thiết để có thể cởi mở hàn huyên mọi chuyện vậy.
Bức tường chia cách cha con ông ngày một dầy hơn, kiên cố hơn.
Vì đâu nên nỗi này? Nỗi đau nỗi buồn khó giải!
Tại sao thằng con không biết giữ đạo làm con?
Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời chứ, chẳng lẽ ông phải xuống nước đầu hàng? Bao đêm ông Khiêm nhớ đến người vợ quá cố của mình và thầm trách sao bà đi trước để khổ lại cho ông.
Nếu bà còn sống bà sẽ xử trí ra sao đây?
Ông già rồi nhưng cái lòng tự ái vẫn còn to bằng trái núi, tánh tự cao tự đại vẫn cứ y nguyên như thuở còn trẻ. Ông không thể hạ mình để lên tiếng tha thứ hay năn nỉ thằng con quay lại.
Mới cách đây mấy tháng thôi, Nhân trở về một mình và ở nhà khoảng hai tuần lễ. Ông Khiêm mừng lắm, tưởng mọi chuyện đã qua đi và sẽ trở lại bình thường như xưa. Ngờ đâu trước ngày đi nó xin ông tha lỗi rồi lại xin phép được đem vợ con về tạ tội. Thế là niềm hy vọng mới chớm trở lại của ông đã vội tan vỡ, cơn giận ngỡ rằng đã nguôi ngoai bây giờ lại bùng lên như ngọn lửa gặp phải gió to.
“Tưởng mày bỏ con đó mà về đây để tao lo vợ con đàng hoàng tử tế cho mày chứ còn cái thứ vợ con lượm đầu đường xó chợ thì đừng hòng tao nhìn nhận.”
Ông quát tháo to tiếng và tức giận quá độ khiến áp huyết lên ầm ầm đến nỗi phải chở vào bịnh viện cấp cứu. Từ đó ông mang thêm chứng bịnh cao máu. Và cũng từ đó thằng Nhân không gọi về nữa.
Vậy đó. Cảnh gà trống nuôi con của ông bây giờ thành gà trống cui cút một mình. Ông rơi vào tận cùng của nỗi cô đơn, chán chường và thất vọng vì thấy mình bất lực.
Càng ngày ông càng cảm thấy những quyết định của mình ngày ấy dường như có điều quá đáng, không ổn.
Ngày xưa cha mẹ ông ở dưới quê tận Phong Điền - Cần Thơ, cho ông lên Sài Gòn học rồi cũng muốn ông về lấy con gái vùng quê đó để có con dâu biết cách ăn thói ở cho thích hợp với gia đình chồng.
Nhưng nào ông có nghe lời đâu. Ông chống đối quyết liệt và nhất định đòi cưới An, một cô gái gốc Sài Gòn đang học trường Marie Curie.
Dạo ấy để được cưới An ông đã dọa cha mẹ nếu không bằng lòng thì ông sẽ cạo đầu đi tu. Dòng họ ông chỉ trông cậy vào một mình ông để nối dõi tông đường sau này.
Thế là cha mẹ ông đành phải chìu thằng con.
Nhờ vậy ông mới cưới được vợ theo ý mình.
Phải chăng sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó?
Phải chăng cha mẹ ông đã có tầm hiểu xa, thấy rộng và cảm thông cho thế hệ kế tiếp nhiều hơn ông, đã khôn ngoan sáng suốt hơn ông vạn lần?
Ông suy nghĩ, cân nhắc nhiều lần trong những đêm thâu trăn trở không ngủ được, rồi tự hỏi có phải mình đã tính toán sai lầm.
Làm sao lật ngược thế cờ đây? Mới đó mà đã năm năm trời!
Một tuần sau bà hàng xóm dẫn hai đứa con và mang một dĩa bánh nướng còn nóng hổi sang thăm ông. Bà bảo lẽ ra bà định sang thăm ông ngay hôm mới đến nhưng vì dọn nhà một mình quá lu bu nên không làm được. Ông Khiêm cũng lấy làm tiếc vì đúng ra chính ông phải là người đến thăm láng giềng mới dọn đến trước mới phải, nhưng vì vợ ông mất rồi nên ông chẳng biết tính toán sao coi cho được.
Janne – tên người hàng xóm và bà yêu cầu ông gọi như vậy - tánh tình bặt thiệp, cởi mở, vui vẻ, dí dỏm, đôi lúc khôi hài rất duyên dáng.
Tuy mang vẻ đẹp rạng rỡ của người Tây phương, nhưng bà vẫn không thiếu nét nhu mì, hiền hậu và tế nhị.
Janne cho ông biết sau mùa hè năm nay sẽ vào dậy môn Ngôn ngữ học cho một trường College gần khu ông ở.
Còn chồng bà vài tháng nữa sẽ chuyển công tác về hãng gốc cũng tại đây, lâu nay ông ta đã làm cho một chi nhánh của hãng này nhưng ở nơi khác.
Hai đứa trẻ một gái một trai thật xinh xắn, khôn ngoan và lễ phép.
Chờ khi người lớn ngừng chuyện mới xen vào.
“Mom, can I call him “ông nội”? Con Annie hỏi mẹ nó.
Ông Khiêm chưng hửng một cách thích thú và trố mắt nhìn vì ông nghe rõ ràng nó phát âm hai chữ “ông nội” đúng y tiếng Việt Nam.
Đoán được sự ngạc nhiên của ông, Janne giải thích:
“Tôi dạy cháu tiếng Việt đấy. Vì chuyên môn của tôi là Ngôn ngữ học nên tôi cũng biết được vài thứ tiếng. Hơn nữa chồng tôi và tôi luôn cho rằng càng biết được nhiều thứ tiếng thì càng tốt. Tôi đoán chừng ông là người Việt Nam nên rất mừng là mẹ con tôi được ở cạnh làm quen với ông và có cơ hội thực tập nói tiếng Việt luôn.”
“Ồ, tôi rất lấy làm vinh dự được cái may nắm đó. Tôi cũng nghĩ như bà, biết thêm nhiều thứ tiếng rất có lợi cho bọn trẻ về sau.”
Ông Khiêm trả lời vội vàng như sợ lỡ mất cơ hội hiếm có vậy.
Dầu gì thì cũng là cái tự hào dân tộc mà.
“Và ông cho phép chúng nó gọi bằng “ông nội” nhé?
“Được. Được lắm.” Ông Khiêm toét miệng cười.
“Theo phong tục người Việt nam thì cháu chỉ đáng tuổi con cháu ông thôi và sẽ gọi ông theo con cái mình, tức là cũng gọi ông bằng “ông nội” để cho bọn trẻ noi theo.”
Lần này bà Janne nói tiếng Việt hẳn hoi và rõ ràng.
Ông không ngờ bà chẳng những nói được mà còn am hiểu sâu xa phong tục, lễ nghĩa của người mình nữa. Ông thật hỉ hả trong lòng và có cảm tình với gia đình này ngay. Ông thầm hy vọng người chồng của Janne cũng sẽ có sự thông hiểu văn hóa Á đông như vậy.
Bỗng nhiên ông Khiêm có được một người láng giềng tốt bụng, hiểu biết và bải bui cùng hai đứa cháu nội “hờ” thật dễ thương giống như cơ may từ trên trời rớt xuống vậy. Họ qua lại với ông thường xuyên hơn.
Hai đứa nhỏ quấn quít, líu lo bên ông mỗi khi chúng sang chơi làm ông tạm quên được nỗi buồn quạnh hiu.
Janne nấu được món ăn gì lạ và ngon đều chia sẻ với ông một cách vồn vã, nhiệt tình. Nhất là sau này cô tuyên bố đang học nấu thức ăn Á đông và đặc biệt là món ăn của người Việt Nam.
Lúc đầu ông nghĩ đó chỉ là cử chỉ lịch thiệp, ân cần của người Tây phương.
Nhưng lâu dần thì ông thấy cả mấy mẹ con họ đều tỏ ra nồng nhiệt, thân thiện thật sự và luôn quan tâm đến ông một cách đặc biệt khiến ông cảm động và thấy trong lòng cũng nẩy sinh một thứ tình cảm quyến luyến, quí mến họ không kém.
Ông Khiêm vui cùng cái vui chung với gia đình hàng xóm mà lâu nay ông không hề trải qua. Ba mẹ con họ thường mời ông tham dự những buổi picnic ngoài công viên do ông hướng dẫn địa điểm, hay những bữa tiệc nướng nho nhỏ nhưng đầy thích thú cho cả người già lẫn trẻ con trong sân sau nhà.
Thét rồi ông đề nghị và được sự ủng hộ nhiệt liệt của cả 3 mẹ con là mở một cửa nhỏ giữa hàng rào ngăn hai bên vườn sau để thông thương hai nhà cho dễ dàng và an toàn cho 2 trẻ.
Ông tự coi cái trọng trách lưu truyền văn hóa và dạy tiếng nước mình cho người khác là bổn phận của ông, của những người Việt lưu vong còn nhớ gốc.
Vì vậy ông soạn thảo chương trình dạy bọn trẻ nói và đọc chữ Việt một cách kỹ càng, có phương pháp hẳn hoi, vừa hấp dẫn, vừa vui lại dễ nhớ. Ông thầm tự hào dầu gì thì mình cũng từng làm việc phiên dịch sách ngoại ngữ cho bộ giáo dục trước đây chứ tệ gì.
Bọn trẻ học nói tiếng Việt nhanh chóng và tiến bộ thấy rõ, chúng thường thỏ thẻ kể chuyện cho ông nghe về ba nó.
Thằng em có lúc mếu máo nói với ông “con nhớ Ba lắm”.
Còn con chị hay nhắc đến ông nội mà nó chưa bao giờ biết mặt, chỉ thấy qua hình. Nó bảo “Ba hứa đem con về thăm ông Nội nay mai mà”.
Có lúc nó lại bảo ba nó lấy tên bà nội đặt cho nó đó. Bà nội nó chết rồi. Ông chạnh lòng nghĩ đến thằng con mình và ước gì mấy đứa này là con của nó thì chắc ông sẽ thương yêu chúng vô vàn.
Còn Janne, có lúc cô gọi ông bằng “ông nội” theo hai đứa con, có lúc cao hứng cô gọi ông là “Papa” ngon ơ, ngọt xớt luôn làm ông rưng rưng nghĩ đến người con dâu không bao giờ có được của mình mà mủi lòng.
Vì sao nên nỗi này?
Ông vẫn thường tự hỏi. Có phải vì ông quá khắt khe, quá cố chấp không? Tại sao cứ là người Việt mới thương yêu, quí mến được?
Biết đâu cháu ông nó cũng đáng yêu như hai đứa trẻ này thì sao?
Dẫu chúng có lai căng thì vẫn còn một phần máu mủ của ông chứ nào phải nước lã?
Ờ, mà ông nghe đâu hình như thằng Nhân cũng đã có hai đứa con rồi. Nhưng biết nó ở đâu mà hỏi bây giờ? Lòng ông chùng xuống, trĩu nặng như bầu trời mùa Đông thê lương, ảm đạm.
Năm nào cũng vậy, từ khi thằng Nhân bỏ đi, cứ hễ đến ngày sinh nhật của ông Khiêm là ông Quỳnh hẹn đến để chúc thọ ông rồi họ rủ nhau đi đây đi đó để giúp ông tạm quên nỗi buồn cô quạnh.
Sau cùng ông Quỳnh trao cho ông món quà gọi là của riêng thằng Nhân nhờ ông trao lại. Còn thằng Nhân chỉ gọi về chúc mừng sinh nhật ông qua loa là xong chuyện.
Mấy lần đầu ông Khiêm buồn và giận thằng con lắm vì nó chẳng nhân nhượng và nể nang ông chút nào.
Nó cứ đi biệt không về!
Giống như tình phụ tử giữa ông và nó nhẹ tênh như lông hồng vậy.
Lâu dần ông cũng đành làm ngơ cho qua ngày đoạn tháng.
Vì ông không thể hạ mình mà xoay chuyển thế cờ được.
Năm nay thì hơi đặc biệt khác. Ông Quỳnh hẹn sẽ chuẩn bị thức ăn và mang đến nhà ông để họ cùng nhau nhậu nhẹt một bữa cho đến quắc cần câu. Nói nghe hùm hổ thế thôi chứ thật ra hai ông chỉ lai rai dăm ba sợi là đã đầu hàng thua trận tại chiến trường rồi.
Còn sức đâu mà chiến đấu đến cùng chứ!
Họ đều thừa nhận như vậy.
Nhưng vẫn đủ sức tạo bầu không khí sôi nổi, vui vẻ, hào hứng cho hai ông già sống lại giây phút hào hùng của mình ngày xửa ngày xưa.
Mới đó mà đã mấy mươi năm rồi còn gì!
Ông Quỳnh mang đến hai chai rượu đỏ, một gói khô mực cáng mỏng, tơi và mềm chấm với tương ớt, một dĩa gỏi chân gà rút xương mà ông Khiêm thích.
“Gỏi của bà nhà tôi gửi ông đấy. Còn khô mực này con dâu về VN mua qua cho tôi cùng cái máy cáng cho mềm chứ răng cỏ đâu mà nhai nổi khô mực như xưa.” Ông Quỳnh giải thích.
Trong lúc ông Khiêm loay hoay dọn thức ăn bày ra bàn rồi với tay lấy hai cái ly uống rượu thì có tiếng gọi cửa.
Mở cửa ra ông thấy người hàng xóm mới khệ nệ mang hai dĩa thức ăn thật to cùng lổm ngổm nào gói nào bọc.
Vừa thấy mặt ông Janne nói “Happy birthday, papa”.
Ông Khiêm hơi sửng sốt bất ngờ xong vui ra mặt, rồi đưa tay đỡ phụ một dĩa thức ăn và mời rối rít:
“Vào đây, vào đây tôi giới thiệu cho. Ông Quỳnh ơi, đây là…”
“Ồ! Chúng tôi đã biết nhau. Hôm đến đây không có ông ở nhà nên tôi đã sang làm quen với Janne và đã thay mặt ông mời cháu ấy sang dự tiệc sinh nhật .” Ông Quỳnh cướp lời.
Rồi ông quay sang lấy bớt những bao bọc to trên tayJanne và dục:
“Vào đi cháu. Chà! Bánh xèo và chả giò. Toàn món ông ưa thích cả đây nhé.”
Ông Khiêm ngớ ra một tí rồi cười thầm trong bụng: Lão già này môi mép, lẹ chân lẹ tay và ghê gớm thật. Thảo nào lúc trẻ luôn đắt đào nhất trong bọn.
Thức ăn được bày dọn khéo léo đẹp đẽ ra bàn nhờ sự phụ giúp của Janne. Ông Khiêm bốc thử cái chả giò còn nóng hổi và miếng bánh xèo giòn tan rồi buộc miệng:
“Chà, ngon tuyệt. Giống y như chả gò và bánh xèo bà nhà tôi thường làm lúc còn sinh tiền.”
“Đấy, đó là cái lợi của thời buổi văn minh Hi tech mà. Ông muốn học nấu nướng thức ăn của bất cứ nước nào trên thế giới thì chỉ cần ấn nút computer là biết cách làm ngay.” Ông Quỳnh giải thích.
“Cháu cho hai đứa nhỏ sang chơi nhé.” Không thấy hai đứa trẻ, ông Khiêm quay sang bảo Janne.
“Vâng, chúng sắp qua tới, Papa.” Janne trả lời không đắn đo.
Đang khi ông Khiêm bận rộn xếp thêm ghế cho hai đứa nhỏ thì cửa trước bật mở toang và thằng con trai ông bước thẳng vào nhà.
Ông Khiêm ngạc nhiên và mừng rỡ đến thốt không nên lời.
“Ba, con về để chúc mừng sinh nhật của Ba. Nhờ chú Quỳnh giúp nên con mua được căn nhà ở cạnh đây để gần gũi và chăm sóc Ba lúc tuổi già. Ba tha thứ cho vợ chồng con nghe Ba.”
Quá đột ngột và bất ngờ nên ông Khiêm đứng trơ như phỗng, chẳng kịp thời giờ cho những lời nói mà ông chờ đợi từ cửa miệng Nhân xuyên vào cái đầu chậm chạp của ông.
Một lát sau ông đưa mắt nhìn ra cửa để tìm vợ con nó thì Janne bước đến cầm tay ông và nài nỉ:
“Papa, con xin lỗi đã làm Papa buồn lâu nay. Papa đừng giận con nữa nghe.” Rồi quay ra gọi to “Annie, Sonny vào chào ông nội.”
Phải mất mấy phút đồng hồ cho cái bộ óc già nua đang bất động của ông Khiêm hoạt động trở lại, cho ông thấy mọi chuyện rơi đâu vào đấy đúng như ý ông mong muốn mà đã không làm được.
Ông xúc động đến đứng không vững và ngồi thụp xuống chiếc ghế trống cạnh đấy.
Hai đứa nhỏ ùa vào chia ra đứng hai bên ông, miệng nói đồng loạt
“Happy birthday ông nội.”
“Ông bạn già ơi! Vợ chồng nó có lòng thành và gắng công lắm mới tạo được ngày hôm nay. Thôi thì ông mở lượng hải hà tha thứ cho chúng để ông cháu ông hủ hỉ những ngày còn lại.” Nãy giờ ông Quỳnh lặng thinh bây giờ mới lên tiếng phụ họa.
Cảm giác mừng mừng tủi tủi, sung sướng, hối hận, nuối tiếc… lẫn lộn trào dâng, tuôn chảy ra như nước vỡ bờ khiến ông nghẹn ngào, không cầm được nước mắt.
Rồi hai giọt lệ từ từ lăn xuống, chảy dài trên đôi gò má đã không còn đầy đặn của ông.
Ông Quỳnh cũng xúc động không kém, nhưng thấy vai tuồng mình đóng đã xong, không còn cần thiết nữa nên ông lặng lẽ bỏ ra về mà không ai hay.
Nãy giờ hai đứa cháu nội im thin thít, chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chúng lo lắng, sợ sệt, hết nhìn người này lại quay sang nhìn người khác, ngạc nhiên, ngơ ngác vì thấy gương mặt người lớn sao quá nghiêm trọng. Khi thấy ông Khiêm khóc thằng Sonny vội cầm bàn tay ông bóp nhè nhẹ. Còn con Annie – bây giờ ông mới nhận ra nửa phần đầu tên nó là tên vợ ông – vòng tay lên cổ ông, rồi hạ xuống dần vừa vuốt vuốt, vỗ vỗ cái lưng hơi còng của ông vừa dỗ dành:
“It’s OK. It’s OK. Nín đi ông nội”
Ông quàng tay ghì sát hai đứa trẻ vào lòng.
Thằng con trai ông đã phải đánh một vòng thật lớn để cuối cùng mới được ông nhìn nhận bầu đoàn thê tử của nó.
Còn ông Khiêm, một cái gật đầu rất nhẹ hay một tiếng “ừ” thật ngắn gọn vậy mà ông phải mất đến 5 năm dài mới thực hiện được!
Thời gian trôi vùn vụt và nghiệt ngã, liệu còn chờ đợi ông được bao lâu nữa để cho ông tiếp tục tận hưởng cái hạnh phúc đoàn tụ quí báu này ?
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.112.142 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.