Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Lý duyên khởi giải thoát »» Lý duyên khởi giải thoát »»

Lý duyên khởi giải thoát
»» Lý duyên khởi giải thoát

Donate

(Lượt xem: 8.014)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Lý duyên khởi giải thoát

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Về cơ bản, lý duyên khởi giải thoát mô tả tâm lý của thiền, nghĩa là, những gì xẩy ra trong tiến trình thiền định được hành giả kinh nghiệm từ lúc đầu cho đến lúc cuối.

LDKG có liên hệ chặt chẽ với giáo lý duyên khởi trong đạo Phật . Để cho bạn nào chưa quen thuộc nhiều với những lời Phật dạy, lý duyên khởi là một chuỗi 12 yếu tố nhân quả kết nối với nhau. Yếu tố cuối cùng trong chuỗi nhân qủa này là khổ. Bởi vì là một chuỗi nhân qủa, nó cho ta thấy khổ phát sanh như thế nào. Yếu tố thứ nhất của mười hai nhân duyên là vô minh, không có khả năng thấy được thế gian như nó là, và nó thật sự hoạt động như thế nào. Như thế, bắt đầu với vô minh, yếu tố này dẫn đến yếu tố sau, tiếp luôn cho đến khổ đau. Vậy lý duyên khởi chỉ cho ta thấy khổ đau chính là hậu qủa của vô minh.

Đây là cách mà Đức Phật đã giải thích tại sao có khổ đau. Nhưng Đức Phật cũng giảng về một chuỗi nhân qủa đưa đến sự thoát khổ. Chính cái chuỗi nhân qủa này được gọi là “Lý duyên khởi giải thoát “ (SN12:23). LDKG bắt đầu với khổ, nói một cách khác, nó bắt đầu ở yếu tố cuối của lý duyên khởi – và, qua 12 yếu tố nhân qủa kết nối khác , nó chỉ cho bạn thấy làm thế nào để dần dần đi đến giải thoát.

Triển vọng chấm dứt khổ đau là một thông điệp vô cùng tích cực. Đôi khi người ta nói đạo Phật bi quan-chỉ thấy nói đến khổ đau- nhưng đây lại là điều hoàn toàn ngược lại. Đức Phật nói rằng nhờ vào khổ đau mà bạn có thể đi suốt cho đến giải thoát khỏi cái khổ đau đó.

Chúng ta hãy duyệt qua 12 chuỗi nhân duyên của LDKG. Yếu tố đầu là khổ (dukkha). Ở đây không phải chỉ muốn đề cập đến thực tế là có cái khổ mà còn muốn cho chính chúng ta nhận thức được vấn đề. Chỉ khi nào bạn hiểu được là có vấn đề thì bạn mới tìm cách giải quyết. Một phần là phải hiểu rõ về vấn đề khổ đau bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng điều quan trọng hơn là phải thấy cái phạm vi rộng lớn của khổ đau. Sự hiểu biết này bắt đầu phát sinh khi thiền định của bạn trở nên sâu sắc hơn và bạn bắt đầu thấy chính mình và thế giới theo môt cách khác. Nhưng cụ thể nhất là ý tưởng tái sanh- nhất là khi chính bạn tự mình thấy được- sẽ khiến cho bạn hiểu rõ phạm vi rộng lớn thực sự của vấn đề.

Đạo Phật cho bạn biết là có giải pháp cho vấn đề này. Một khi bạn hiểu là có vấn đề và nhận biết có một giáo pháp có thể hướng dẫn bạn tìm ra giải pháp, bạn sẽ có niềm tin (sự tin cậy, tín nhiệm) (saddha) với giáo pháp này. Đây là yếu tố thứ hai.

Điều đáng ghi nhận trong những lời Phật dạy là nó chỉ cho bạn thấy giải pháp ở chỗ hoàn toàn khác hẳn với những gì bạn tưởng. Bình thường, trong đời sống, chúng ta nghĩ rằng giải pháp cho khổ đau sẽ được tìm thấy trong những quan hệ tình cảm, bạn bè, của cải vật chất, địa vị, quyền thế, được kính trọng, được khen ngợi, v.v.- những điều mà trong đạo Phật được gọi là “pháp thế gian” ( lokadhamma, AN8:6). Người ta thường nghĩ câu trả lời cho khổ đau nằm ở đó. Nhưng rồi Đức Phật đến và nói cho bạn biết là bạn đã đi tìm không đúng chỗ, rằng giải pháp được tìm thấy ở một nơi khác.

Khám phá này của Đức Phật thật là siêu việt. Nó cho bạn có cảm tưởng, ừ nhỉ, đúng là giải pháp phải ở chỗ nào khác, bởi vì đã biết bao lần bạn đã cố gắng tìm hạnh phúc qua những pháp thế gian mà bạn vẫn cứ khổ đau như thường. Trong một nghĩa nào đó, đây chính là bi kịch của con người: chúng ta luôn muốn có hạnh phúc, nhưng thường thường chúng ta lại tìm không đúng chỗ, nên thay vào đó chúng ta chuốc lấy khổ đau. Khi bạn hiểu là có vấn đề và biết có một giáo lý hứa hẹn cho bạn những giải pháp thực tiễn, niềm tin sẽ khởi lên. Bạn nhận ra rằng có một điều gì đó thật đặc biệt trong những lời giảng dạy này.

Niềm tin là một điều tuyệt đẹp. Bạn cảm thấy an toàn vì bạn có được một giáo lý chỉ cho bạn giải pháp giúp bạn thoát khổ. Trong kinh nói rằng, một người không có niềm tin, không có nơi nương tựa, giống như một người băng qua sa mạc. Trừ khi người đó tìm được cách đi qua, nếu không họ sẽ không thể chống chọi lại được với sức mạnh của thiên nhiên - nắng nóng, thiếu nước, tất cả những vấn đề trong sa mạc. Nhưng người có niềm tin thì giống như một người đã băng qua khỏi sa mạc (MN39).

Bởi vậy niềm tin trong đạo Phật rất quan trọng. Đôi khi người ta nghĩ là niềm tin không thật sự quan trọng và chỉ cần tìm hiểu, nghiên cứu xem điều đó đúng hay sai là đủ rồi. Dĩ nhiên, nghiên cứu, tìm hiểu là điểm chính yếu trong đạo Phật . Tuy nhiên, khi niềm tin mạnh mẽ nó sẽ trở thành một sức mạnh; thúc đẩy bạn đi vào con đường đạo và giúp bạn đi đúng hướng. Đây là một phẩm chất cốt lõi mà ta phải mang theo trong suốt cuộc hành trình tâm linh. Hơn thế nữa, khi niềm tin được đặt đúng chỗ thì tất cả những yếu tố còn lại sẽ đi theo như một hệ qủa tự nhiên. Nó trở thành con đường tự hoàn mãn bởi vì mỗi yếu tố là duyên cho yếu tố sau đó phát sinh, từng giai đoạn một, cho đến khi bạn hoàn toàn giác ngộ.

Kết qủa trực tiếp của niềm tin là hân hoan ( pamojja), yếu tố thứ ba của chuỗi LDKG. Niềm hân hoan đến từ sự khám phá ra được một điều gì đó thật là qúy báu. Bạn đã tìm ra được kim chỉ nam cho ý nghĩa thật sự của đời sống và bạn cảm nhận được đây là những lời giảng dạy ưu việt. Sự liên hệ giữa niềm tin và hân hoan được mô tả ở nhiều nơi trong kinh. Chẳng hạn, một trong những pháp quán tưởng quan trọng trong kinh là niệm về “Ân Đức Phật”, “Ân Đức Pháp” và “Ân Đức Tăng”. Hân hoan sẽ sinh khởi trong tâm vì những quán tưởng này được thiết lập trên sự nhận biết về giá trị sâu sắc của những giáo lý trong trong Đạo Phật. Điều này được gọi là atthaveda và dhammaveda, cảm hứng trong ý nghĩa và cảm hứng trong Pháp. Nguồn cảm hứng tuyệt vời phát sinh cũng giống như “pamojja” mà chúng ta đang nói đến ở đây. Như vậy hân hoan đến cùng với cảm hứng và đây là kết qủa của niềm tin (AN6:10)

Một khi pamojja sinh khởi, đạo lộ tự nó sẽ tiếp tục mở ra . Nó là như vậy bởi vì hân hoan khiến cho bạn có chánh niệm và năng lực. Có chánh niệm và năng lực thì khi ngồi xuống thiền bạn sẽ có khả năng giữ được đề mục và bạn sẽ tiến bộ đều đặn. Thiền tập có kết quả. Đôi khi có vẻ như khó nắm bắt được vì sao thiền định lúc được, lúc không, và đây là lý do tại sao. Thiền tốt đẹp khi bạn cảm thấy hân hoan và niềm hứng thú sẽ đến cùng với chánh niệm và năng lực. Như vậy, phần còn lại của đạo lộ chủ yếu là một tiến trình tự động. Đó là một tiến trình thiền định dẫn bạn đi từng giai đoạn một cho suốt đến giác ngộ. Đây chính là tâm điểm của tiến trình nhân qủa của LDKG.

Vậy tiến trình này xẩy ra như thế nào? Bạn ngồi xuống, theo dõi hơi thở, thật dễ dàng. Khi thiền phát triển, hỷ lạc (piti) bắt đầu khởi lên trong bạn. Đây là yếu tố thứ tư của chuỗi nhân qủa này. Khi thiền tiến bộ thêm, hỷ lạc lắng xuống và bạn có cảm giảc tĩnh lặng (passaddhi), yếu tố thứ năm. Sự tĩnh lặng này, khi được phát triển, sẽ trở thành một cảm giác mãn nguỵên sâu xa và hạnh phúc (sukha), yếu tố thứ sáu. Và rồi, điều này dẫn đến tâm định tĩnh (Samadhi), yếu yố thứ bẩy, đây là khi thiền định trở nên vững mạnh thật sự. Khi tâm ra khỏi trạng thái định sâu, bạn sẽ có sự hiểu biết và cái nhìn đúng như sự thật (yatha-bhuta-nana-dassana). Đây là yếu tố thứ tám. Bởi vì samadhi khắc phục những chướng ngại - cái tâm ô nhiễm ngăn cản không cho bạn thấy được sự thật đúng đắn- bây giờ, lần đầu tiên bạn thấy rõ mọi việc.

Khi nhìn thấy sự vật một cách đúng đắn, bạn sẽ thấy đau khổ kết nối chặt chẽ với sự hiện hữu như thế nào. Bạn sẽ muốn từ bỏ (nibbida) tất cả. Đây là yếu tố thứ chin. Bạn nhận ra rằng mình phải thoát ra khỏi bánh xe luân hồi. Từ bỏ dẫn đến nhàm chán (viraga), yếu tố thứ mười. Viraga là sự chấm dứt ham muốn, đối nghịch lại với khát ái, sự tham đắm thế gian. Và khi sự say đắm, ham muốn biến mất, bạn được giải thoát (vimutti), yếu tố thứ mười một. Khi được giải thoát, bạn cũng sẽ biết ( tri kiến ) rằng bạn đã được giải thoát (khayananam) Đây là yếu tố thứ mười hai và là yếu tố cuối cùng của chuỗi LDKG. Như vậy, đây là phương cách khổ đau dẫn đến giải thoát.

Để có một cái nhìn sâu sắc hơn về LDKG, tôi muốn xem xét khởi điểm của chuỗi từ một góc nhìn khác. Tôi muốn tập trung vào vài bước đầu của trình tự, bởi vì làm cho đúng những bước này rất quan trọng. Nếu bạn thực hiện đúng đắn những bước đầu, những bước còn lại sẽ tiếp theo như một quy trình tự nhiên.

Phối cảnh sâu xa này có thể có được bằng cách xem xét những diễn giải phổ biến khác về LDKG thường gặp trong một số bài kinh (thí dụ AN11:3). Cái biến thể này, thay vì bắt đầu bằng khổ đau và niềm tin, thì bắt đầu bằng giới hạnh. Giới hạnh khiến ta không hối hận (avipatisara), và không hối hận phát sinh hân hoan, pamojja. Và những phần còn lại thì chủ yếu giống như đã trình bầy ở trên.



Vậy thì pháp này vận hành như thế nào? Sự hoan hỷ phát sanh từ giới hạnh thuộc về bản chất tâm linh và không liên quan gì đến những niềm vui của giác quan. Đó là niềm hân hoan vì có một tấm lòng tốt đẹp. Những hân hoan đó luôn gắn liền với chánh niệm và năng lượng. Khi vui, tâm bạn có một nguồn năng lượng tự nhiên, nguồn năng lượng đến từ những cảm giác tốt và tích cực. Và bạn có chánh niệm vì niềm vui tâm linh khiến cho giây phút hiện tại thú vị.



Trong kinh ta thấy lập đi lập lại nhiều lần rằng thiền định bắt đầu với chánh niệm. Khi bạn đọc những gì Đức Phật giảng về theo dõi hơi thở trong bài kinh Qúan niệm hơi thở (MN118), khi bạn đọc Đức Phật dạy gì trong bài kinh Satipatthana về 4 trọng tâm của chánh niệm (MN10), bạn sẽ nhận ra chánh niệm là điều kiện tiên khởi cho thiền định. Nếu không có chánh niệm, bạn sẽ không thể thiền đúng đắn được. Hiểu điều này rất là quan trọng. Thiếu chánh niệm là lý do chính tại sao đại đa số người ta không thể vào những trạng thái thiền định sâu được.

Bởi vì tầm mức quan trọng của chánh niệm, bạn cần phải học để biết cách thẩm định cường độ và biết mình đã có đủ tỉnh thức để hành thiền chưa. Hãy tự hỏi “Tôi có thật sự hay biết? Tôi có ở đây trong hiện tại? Tâm tôi có đi lung tung khắp nơi? Tôi có bấn loạn không? Tôi có thấy rõ ràng những gì đang xẩy ra không?” Nếu tâm bạn tương đối yên ổn và bạn có ý thức rõ ràng – dù vẫn còn một chút suy nghĩ nhưng không nhiều - đó là khoảng thời gian mà thiền có khả năng thật sự đem lại kết qủa.

Bởi vì không thể có thiền đúng đắn nếu không có chánh niệm, bởi vì đó là nền tảng nên bạn cần phải xây dựng nó cho thật vững chắc, bạn cần phải biết rõ ràng là làm sao để có chánh niệm. Chánh niệm là một đề tài “thời trang” trong tâm lý học Tây Phương trong nhiều năm qua. Thông thường những thảo luận chính xoay quanh về việc chánh niệm sẽ giúp bạn vượt qua các vấn đề như thế nào, những phẩm chất của chánh niệm là gì, làm sao có thể đo lường bằng khoa học,..v..v. Nhưng một điều thường thấy thiếu vắng là một cuộc thảo luận có ý nghĩa về nguyên nhân đưa đến chánh niệm. Để hiểu được nguyên nhân đưa đến chánh niệm là hiểu được làm thế nào để có được chánh niệm.

Người ta thường nghĩ rằng nếu dùng sức mạnh của ý chí, nếu mình cố gắng hết sức, bạn sẽ có chánh niệm. Nhưng nếu tâm bạn bị tác động bởi phiền não thì dù bạn cố gắng đến đâu cũng không thể có chánh niệm được. Chánh niệm không phải chỉ là giữ yên lặng hay cố gắng hết sức – như thế chưa đủ. Bạn phải chuẩn bị tâm như thế nào để có thể có chánh niệm.



Vậy thì nguyên nhân đưa đến chánh niệm là gì? Trong cái biến thể của LDKG, yếu tố trước pamojja- như tôi đã nói, đến cùng với chánh niệm là sự không hối hận. Không hối hận đến từ giới hạnh - đạo đức, sự tử tế và có một cái tâm tốt đẹp. Ở đây, hối hận không phải chỉ có nghĩa là cảm thấy tồi tệ vì đã làm một việc thiếu đạo đức. Nó bao gồm tất cả những gì có ảnh hưởng xấu đến tâm do chính những hành vi của mình. Khi tâm mệt mỏi, ngu si, bất an, tiêu cực, hay sao đi nữa, thường thường là kết qủa của những hành vi chưa đủ trong sạch. Vậy hối hận ở đây bao gồm tất cả những chướng ngại làm cản trở không cho bạn cảm thấy được sự hân hoan, niềm vui tự nhiên có ở trong tâm. Điều này có nghĩa là nguyên nhân đưa đến chánh niệm là giới hạnh và nếu không có giới hạnh thì chánh niệm sẽ qúa yếu cho thiền định. Vậy nếu chuyện thiền của bạn không đi đến đâu hay không tiến bộ, bạn cần phải xét lại xem mình có thể làm gì để cải thiện giới hạnh của bạn.

Trong Đạo Phật quan niệm về giới hạnh rất rộng lớn. Dĩ nhiên nó bao gồm chánh nghiệp - tử tế, tránh những hành động xấu. Nó cũng bao gồm giới hạnh của lời nói tốt đẹp – nói những điều tử tế, không nói những điều xấu. Cho đại đa số, chỉ nội trong lãnh vực này cũng đã có rất nhiều điều cần phải làm. Một trong những điều quan trọng cần ghi nhớ, giới hạnh không những là tránh làm xấu mà còn phải làm việc thiện nữa.Vậy thì trong cuộc sống, bạn hãy đi làm việc thiện, hãy nói những lời tử tế, hãy làm những hành động tốt nho nhỏ. Khi làm như vậy là bạn đang xây dựng một cái tâm đẹp đẽ. Và điều này sẽ là một sức mạnh hỗ trợ cho việc thiền định của bạn.

Nhưng để cho chánh niệm được thiết lập vững chắc, giới hạnh về thân và khẩu thôi chưa đủ. Bạn còn cần giới hạnh của tâm. Lúc đầu khi thực tập giới hạnh về thân và khẩu qua sự thu thúc, tâm bạn vẫn còn ô nhiễm. Để đối phó với cái ô nhiễm này bạn cần phải làm việc với cái tâm bằng cách nào để bạn có thể thay đổi cách suy nghĩ. Đôi khi chúng ta cho điều này là khó làm, nhưng với quyết tâm đầy đủ và sự bền chí thì ai cũng có thể làm được. Và đây là điều cần thiết để cho việc thiền của bạn có thể phát triển.

Phiền não quan trọng nhất cần phải vượt qua là sân hận dưới mọi hình tướng của nó, kể cả sự khó chịu và các trạng thái tiêu cực (AN3:68). Sân hận là một trạng thái tâm tạo nên rất nhiều đau khổ cho chúng ta và cho những người chung quanh ta. Nếu chúng ta thật sự nghiêm túc về con đường tâm linh, thì đây là lãnh vực mà ta thật sự cần phải chú tâm đến. Để khắc phục được sân chúng ta phải tự hỏi làm sao mình có thể đổi cách nhìn về thế giới chung quanh. Có thể nào có một cách nhìn nào khác khiến cho những trạng thái tiêu cực không khởi lên không? Bạn sẽ thấy rằng nếu mình chịu khó nỗ lực quán chiếu như thế thì theo thời gian bạn sẽ từ từ thay đổi - bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy mọi chuyện theo một cách mới; bạn sẽ bắt đầu nhìn thế gian một cách từ bi và nhân ái hơn. Khi sân hận, khó chịu và tiêu cực bắt đầu giảm bớt, bạn sẽ cảm nhận được là mình đã trở nên một người tốt hơn, trong sạch hơn. Thật tuyệt diệu khi quan sát thấy điều này đang xẩy ra trong chính bạn. Từ từ bạn thay đổi; bạn tự chuyển hóa mình thành một con người khác.

Người ta thường nghĩ rằng sức mạnh của ý chí là cách để giải quyết những trạng thái tâm tiêu cực. Họ nghĩ là họ có thể bắt buộc họ phải dễ thương, họ có thể đè bẹp sân hận, nghiền nát sự tiêu cực. Và thỉnh thoảng khi bạn đọc kinh thấy có vẻ là như vậy. Bạn đọc thấy là bạn cần phải “tiêu diệt” trạng thái tâm tiêu cực, “ loại bỏ” chúng , “hủy diệt” chúng. Từ ngữ dùng có thể rất mạnh và rất dễ dàng để nghĩ rằng kinh văn muốn ám chỉ đến “sức mạnh hay quyền lực”. Nhưng thật ra Đức Phật muốn nói cách tốt nhất để vượt qua những trạng thái tiêu cực là dùng trí tuệ (MN19).

Dùng trí tuệ là tự hỏi xem sân sẽ dẫn bạn đến đâu. Nếu bạn suy nghiệm trên điều này, bạn sẽ thấy nó luôn luôn dẫn đến đau khổ, cho chính bạn và người khác (MN19). Nó dẫn đến đau khổ cho chính bạn vì khi so sánh ta sẽ thấy sân phiền muộn hơn là tâm bình an. Nó dẫn đến đau khổ cho người khác vì khi sân chúng ta có khuynh hướng làm nhiễu hại đến người khác. Hơn thế nữa, bạn tạo bất thiện nghiệp khi bạn sân, nhất là khi bạn hành động vì sân hận. Bạn tự gây ra bất hạnh cho mình ngay ở đời này lẫn cả đời sau. Như vậy, tính cách tiêu cực tạo ra cả một chuỗi phản ứng với kết qủa khó chịu và phiền muộn. Hãy tự nhắc bạn như vậy. Suy nghĩ thường xuyên về điều này. Sân hận, tiêu cực, làm hại – đó là lãnh vực nguy hiểm; nó thật sự sẽ dẫn đến đau khổ cho bạn và cho những người chung quanh. Nhận thức càng mạnh mẽ bao nhiêu, rằng đây là một vấn đề thật sự, thì bạn càng có nhiều khả năng để quay lưng lại với nó.

Khi nhận thức về nguy hiểm của sân hận trở nên vững chắc và rõ ràng, nó trở thành một phương tiện hữu hiệu trong việc phát triển tâm. Khi một tư tưởng sân bắt đầu nẩy sinh, bạn chỉ cần khởi lên nhận thức về sự nguy hiểm là tư tưởng sân này sẽ biến mất. Trí tuệ làm việc này cho bạn. Nhưng hãy nhớ rằng để xây dựng trí tuệ cần rất nhiều thời gian, như hầu hết tất cả những việc làm trên con đường tâm linh. Thật ra không phải là khó nhưng cần phải có quyết tâm và kiên trì. Dần dần bạn sẽ thấy sự nguy hiểm ngày càng rõ ràng hơn. Bạn càng hiểu rõ bao nhiêu thì bạn càng có khả năng để khắc phục sân hận mỗi khi nó khởi lên. Cũng chính vì vậy mà Đức Phật dùng những chữ như “tiêu diệt”, “loại bỏ”, “ huỷ diệt” để diễn tả sự khắc phục những tư tưởng này. Những từ này không có ý nói đến sức mạnh của ý chí mà nói đến một phương tiện có hiệu qủa hơn nhiều, đó là phương tiện trí tuệ. Trí tuệ, khi được phát triển tốt đẹp, sẽ cắt đứt những điều này – cũng giống như nó “tiêu diệt” những trạng thái tâm tiêu cực. Chúng sẽ đơn giản biến mất ngay. Hãy tiếp tục quán chiếu về sự nguy hiểm của sân hận ở dưới tất cả mọi hình thức. Cuối cùng rồi bạn sẽ có một phương tiện hữu ích cho việc tu tập tâm linh.

Một hậu qủa tiêu cực khác của sân hận là nó hủy hoại trí tuệ (MN19). Trí tuệ là một phẩm chất tâm linh quan trọng nhất. Chính trí tuệ đã khiến cho bạn hiểu sự khác biệt giữa hạnh phúc và khổ đau, quan trọng hơn nữa, hiểu được sự khác biệt giữa nguyên nhân của hạnh phúc và nguyên nhân của đau khổ. Trí tuệ giúp chúng ta giải quyết vấn đề của cuộc sống.

Đức Phật nói trí tuệ diệt là hệ quả của những trạng thái tâm bất thiện (pannanirodhika, MN19). Xét tầm mức quan trọng của trí tuệ, phải chăng đó không phải là lý do chính đáng đủ cho ta từ bỏ và tiêu diệt những trạng thái tâm bất thiện hay sao? Hãy so sánh tâm khi bạn giận và khi bạn không giận. Hãy nhìn sự khác biệt. Bạn sẽ nhận thấy rằng khi bạn giận bạn không thể thấy thế gian một cách rõ ràng. Bạn không hiểu đâu là phải đâu là trái - tất cả mọi việc trở nên đảo ngược, méo mó đi bởi giận dữ. Xem thử nó phá hủy trí tuệ như thế nào. Tư duy về những điều này rất có hiệu qủa.

Một cách tư duy khác được Đức Phật khuyên là hãy xem thử giận dữ tổn hại đến tâm như thế nào (MN19). Hãy suy ngẫm xem bạn cảm thấy tâm mình như thế nào khi giận dữ so với tâm khi bình an. Sự khác biệt thật là lớn lao! Khi giận dữ bạn bị thiêu đốt bên trong. Tại sao bạn lại muốn giận dữ khi mà có một lựa chọn khác là không giận dữ ?

Những quán tưởng như thế là một trong những khía cạnh đầy oai lực của giáo pháp và cũng hữu hiệu nhất để bạn vượt qua những trạng thái tâm bất thiện. Nếu bạn muốn thay đổi cách suy nghĩ của bạn, trí tuệ là con đường chứ không phải sức mạnh của ý chí.

Với thời gian, khi được khai mở với một nhân sinh quan mới, bạn sẽ thấy những ô nhiễm của bạn giảm bớt, những vấn đề khó khăn trong đời sống của bạn bớt đi, và pamojja –niềm hân hoan - từ từ tăng lên trong tâm bạn. Hân hoan đến từ sự thanh tịnh, từ thực tế là bạn đã trở nên một người tốt hơn. Và khi pamojja trở nên mạnh hơn, chánh niệm cũng mạnh hơn. Chính những ô nhiễm của tâm đã ngăn không cho chánh niệm thực sự trở thành một sức mạnh tinh thần. Ô nhiễm càng giảm đi, chánh niệm càng mạnh lên. Nếu bạn có thể làm giảm bớt những chướng ngại trong sự thực tập hàng ngày, bạn sẽ thấy mỗi lần bạn đi thiền dài ngày bạn có thể theo dõi những điều mà trước đây bạn không thể theo dõi.

Khi bạn theo dõi hơi thở mà không đủ chánh niệm, tâm bạn có khuynh hướng đi lung tung khắp nơi. Bạn hoàn toàn không làm chủ được tâm mình – thay vào đó ô nhiễm lôi bạn đi vòng vòng. Nhưng một khi chánh niệm có mặt, bạn sẽ cảm thấy bạn làm chủ được chính mình. Và bởi vì bạn có cảm giác tự chủ, bạn có thể hướng sự chú ý của mình vào hơi thở hay vào bất cứ điều gì bạn muốn chú tâm vào. Trong Kinh có nói rằng chánh niệm được xây dựng đúng đắn là một sức mạnh (SN50:1). Chính vì vậy mà chánh niệm rất quan trọng.

Vì chánh niệm phát sinh từ giới hạnh, nhất là giới hạnh của tâm, cho nên nỗ lực vượt qua những khuynh hướng tiêu cực của tâm là điều rất quan trọng. Đôi khi rất khó khăn, vì những khuynh hướng và thói quen của ta thường đã thâm căn cố đế. Cần phải có quyết tâm và kiên trì để thay đổi cách bạn nhìn sự việc, cách bạn hành động. Nhưng dần theo năm tháng, bạn sẽ thấy sự thay đổi trong bạn. Một khi bạn thay đổi, việc hành thiền của bạn trở nên an tịnh và sâu lắng hơn.Thật là tuyệt vời biết mấy khi thiền bắt đầu tiến triển, khi bạn có thể giữ được đối tượng thiền và thấy tiến bộ thật sự. Khi chánh niệm đã trở thành niệm lực, với niềm hoan hỷ trong tâm, bạn chỉ cần ngồi xuống, theo dõi hơi thở và thiền định sẽ diễn tiến tự nó.

Khi thiền tự động diễn ra, bạn không cần đến sức mạnh. Tất cả những gì bạn cần làm là ngồi đó, hay biết, và theo dõi hơi thở. Bởi vì bạn có chánh niệm nên bạn có thể theo dõi tự nhiên và dễ dàng, mà không cần đên sức mạnh của ý chí. Mỗi giây phút trôi qua, thiền càng lúc càng trở nên mạnh mẽ, và càng lúc càng trở nên thâm sâu. Tất cả những gì bạn cần phải làm chỉ là an trú ở đó thôi.

Đến một thời điểm nào đó trong tiến trình này, piti, hỷ lạc, bắt đầu phát sinh. Piti là một cảm giác của niềm vui. thường biểu hiện mạnh mẽ qua thành phần thể chất của thân. Nó có thể được trải nghiệm như những làn sóng phỉ lạc chạy qua khắp châu thân. Thật ra nó chỉ là sự hân hoan trước đó đã được tăng thêm cường độ mà thôi. Cái mà ta cảm nhận ở đây là khởi đầu của niềm vui thuần túy của tâm, niềm hạnh phúc tinh thần. Sau buổi thiền ta nên suy ngẫm về những tính chất của những cảm giác này, xem thử nó khác với những niềm vui vật chất như thế nào. Bạn sẽ nhận ra rằng piti là kết qủa của tâm thanh tịnh, đặc biệt là sự vắng mặt của sân hận và tham ái mạnh mẽ. Sự thanh tịnh này là kết qủa của sự thực hành giới hạnh trước đó. Bằng trực giác bạn biết đó là một cảm giác thiện lành. Và đồng thời cũng cảm thấy rất dễ chịu. Bạn biết mình đã đi đúng hướng và bạn cần phải phát triển điều này thêm nữa.

Bạn tiếp tục theo dõi hơi thở. Từ từ các khía cạnh “thú vị” của piti bắt đầu lắng xuống và bạn kinh nghiệm được một cảm giác tĩnh lặng sâu hơn, passaddhi. Khi sự tĩnh lặng vào sâu hơn nữa, bạn sẽ kinh nghiệm một cảm giác bình an thâm sâu của hạnh phúc, sukha. Với mỗi bước, thiền định càng trở nên tuyệt đẹp và mạnh mẽ hơn. Ở thời điểm này bạn cảm thấy hoàn toàn mãn nguyện nên tâm không muốn đi nơi nào khác. Đây là bắt đầu của Samadhi. Một lần nữa, tất cả chuyện này xẩy ra hoàn toàn tự nó. Bạn chỉ cần ngồi đó theo dõi cả tiến trình mở ra.

Samadhi là nhất tâm, khả năng tập trung một cách dễ dàng vào một đối tượng, dù là hơi thở, ánh sáng trong tâm hay bất cứ điều gì. Ở thời điểm này, tâm rất vững vàng; nó gắn liền với đối tượng mà không dao động. Bạn để cho Samadhi phát triển cho đến khi năm triền cái hoàn toàn bị loại trừ và tâm chói sáng và hoàn toàn tập trung. Tiến trình này lên đến đỉnh điểm là khi đạt được jhanas (các tầng thiền).

Sau khi bạn ra khỏi samadhi, tâm bạn trong sáng và mạnh mẽ. Nhờ sự trong sáng này mà bạn biết và thấy sự vật đúng như nó là, yatha-bhuta-nana-dassana. Thấy sự vật như nó là chỉ có thể làm được sau Samadhi, bởi vì chỉ với Samadhi mà các chướng ngại- các ô nhiễm bóp méo tiến trình tâm- đã được loại trừ. Hơn thế nữa, chỉ với jhanas sự loại trừ các chướng ngại mới được bền vững (MN68). Đây là một trong những lý do chính tại sao jhanas thuận lợi cho việc thấy sự việc như nó là.

Như tôi đã nói lúc đầu, gốc rễ của đau khổ là vì sự hiểu biết sai lầm của ta về sự vận hành thật sự của thế gian. Ta thấy hạnh phúc trong khổ đau. Ta thấy một cái ngã dù rằng chẳng hề có điều này. Ta nghĩ mọi vật sẽ trường tồn mặc dù nó có thể biến mất bất cứ lúc nào. Bằng cách nhìn thấy sự vật như nó là, chúng ta sẽ chấn chỉnh lại cái nhận định bị bóp méo, vô minh hay si mê, căn nguyên của vấn đề.

Bởi vậy khi ta loại trừ chướng ngại bằng samadhi, vô minh bị yếu dần và bào mòn. Vì vô minh là yếu tố đầu tiên của Lý duyên khởi, mỗi yếu tố sau đó, kể cả đau khổ đều bị ảnh hưởng bởi cường độ của vô minh. Như thế có nghĩa là vô minh càng yếu thì khổ đau càng vơi, cho cả bây giờ và mai sau.

Nhìn thế gian như nó thật sự là và hiểu toàn bộ khổ đau trên đời, nó đi sâu đến như thế nào, qủa thật là một bừng tỉnh đáng kinh ngạc. Đức Phật nói giống như bạn bị bọc kín trong một cái vỏ và bất chợt cái vỏ bị nứt bể ra và bạn nhìn thấy thế giới lần đầu tiên (MN53). Giống như bạn bị bao trùm bởi bóng tối và bất chợt có người bật đèn lên (MN36).

Thấy được Pháp trọn vẹn sẽ khiến cho bạn có một quan điểm hoàn toàn mới về đời sống. Bởi vì bạn thấy toàn bộ vấn đề, bạn nhận ra rằng không có lối thoát khỏi khổ đau trong sự hiện hữu thế tục và bạn nhàm chán tất cả. Đó là nibbida, sự chối bỏ tất cả mọi thứ, bởi vì bạn thấy đau khổ đi sâu đến như thế nào.

Khi bạn nhàm chán tất cả, không còn gì để bám víu vào nữa thì ham muốn trở thành không thể có. Đó là ly tham, viraga. Bởi vì tất cả là khổ đau, bạn xả bỏ và bạn không bao giờ còn có thể ham muốn gì nữa. Khi bạn nhận ra rằng đi tìm hạnh phúc là phù phiếm, tham ái sẽ chấm dứt. Đó là giải thoát, vimutti. Cuối cùng bạn được giải thoát, giải thoát khỏi mọi vấn đề của hiện hữu. Và bạn có tri kiến là mình đã được giải thoát. Bạn đạt đến cái hạnh phúc tối đa có thể có. Đó là những gì mà đạo lộ của Đức Phật hứa hẹn cho bạn.

Nó rất là thâm thúy. Mặc dù những lời dạy này có vẻ khó tiếp cận, nhưng tôi tin, biết trọn vẹn cả bản đồ rất quan trọng, để biết tất cả mọi thứ dẫn đi đến đâu, để thoáng thấy một khía cạnh thâm sâu của giáo Pháp của Đức Phật. Theo kinh nghiệm của tôi, cái thoáng thấy này rất bổ ích, nó thúc đẩy chúng ta tiếp tục con đường tu tập.

Nhưng trên thực tế, điều quan trọng nhất của LDKG là nó chỉ cho ta thấy sự thành công trên con đường tu Phật, thành công trong thiền định, tùy thuộc vào sự trong sạch của hành vi, nhất là sự trong sạch của tâm chúng ta. Chỉ khi nào bạn có thể giảm thiểu ô nhiễm của tâm, nhất là giận dữ và tiêu cực và khía cạnh thô tháo của tham ái, thì thiền định mới có thể từ từ bắt đầu. Đây là một tiến trình từ từ và mỗi bước trên con đường đạo đem đến một phần thưởng. Nếu bạn muốn hạnh phúc và mãn nguyện thật sự thì đây là con đường duy nhất.



    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sen búp dâng đời


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Các tông phái đạo Phật


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.42.128 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (269 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...