Trong các kinh Phật, cây Bồ-đề thường được dùng làm tỷ dụ cho Bồ-đề Tâm. Vậy, Bồ-đề tâm là cái gì? Bồ-đề có nghĩa là chánh giác, bao gồm ba thứ giác: tự giác, giác tha và giác mãn. Bồ-đề tâm là cái tâm cầu chánh giác. Vì Bồ-đề tâm là nguồn cội của chư Phật, là huệ mạng của hết thảy chúng sanh; cho nên, phát Bồ-đề tâm là vua trong tất cả các điều lành đúng theo lời của A Di Đà Phật dạy: “Ví như cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu chánh giác.”
Ở trong thế gian này chúng ta thấy, bất kể là cây Bồ-đề cao cỡ nào, rộng lớn bao nhiêu, cũng đều phải được trồng từ mặt đất. Mặt đất biểu tượng tâm địa của mình; cho nên, Bồ-đề Tâm phải bắt đầu gieo trồng ngay từ tâm địa của mình, chẳng thể từ bất cứ cái gì hay bất cứ chỗ nào ngoài tâm mình mà có được Bồ-đề Chánh Giác Tịnh. Lúc ban đầu mới biết tu hành Phật pháp, tâm Bồ-đề của chúng ta vẫn chỉ là rất nhỏ nhoi, nhưng do sức tinh tấn cầu đạo không ngừng, nó sẽ dần dần cao lớn lên thêm, cho đến khi công-đức viên mãn thì sẽ thành Phật.
Tông chỉ trọng yếu của Tịnh độ tông là “Phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm.” Trong hai điều này, phát Bồ-đề tâm là điều trọng yếu hơn hết, vì sao? Vì nếu người tu hành mà không phát Bồ-đề tâm, tức là không có cái tâm cầu chánh giác, thì dù có tu vô lượng thiện pháp, có niệm Phật nhiều đến mức độ nào đi nữa, cũng chỉ là hành ma nghiệp. Chính vì lẽ đó, A Di Đà Phật phát lời nguyện thứ 19 - Nghe Danh Phát Tâm; nói cho đầy đủ là “Nghe danh hiệu Phật A Di Đà, phát Bồ-đề tâm.” Ngài nguyện rằng: “Lúc con làm Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu con, phát tâm Bồ-đề, tu các công đức, cung kính thực hành Sáu Ba-la-mật kiên cố bất thoái, lại lấy tất cả thiện căn hồi hướng nguyện sinh nước con, nhất tâm niệm con, ngày đêm không dứt.”
Hiện nay, có rất nhiều người niệm Phật đến mức tâm địa loạn xạ, niệm Phật đến mức phát cuồng phát điên, vì sao có vấn nạn này xảy ra? Bởi vì họ không hiểu ý nghĩa thật sự của Bồ-đề tâm và chẳng biết làm thế nào để phát Bồ-đề tâm chân chánh. Bồ-đề tâm ví như cái đầu, niệm Phật ví như thân mình, nếu thân mình không có cái đầu điều khiển thì nó sẽ không thể hoạt động một cách đúng đắn. Người niệm Phật mà không phát Bồ-đề tâm sẽ giống như con rắn không đầu, chỉ biết ngoằn ngoèo, cựa quậy ở một chỗ, chẳng thể bò đúng hướng, đến đúng nơi. Nói rõ ràng hơn, người niệm Phật mà không phát Bồ-đề tâm thì câu niệm Phật không thể khởi tác dụng của Tự tánh, nên đức năng trong Tự tánh chẳng thể hiển lộ. Thật ra, một khi chúng ta phát ra được Bồ-đề tâm chân chánh thì đã thành Phật đạo, vì sao? Vì Bồ-đề tâm vốn sẵn trọn đủ ba thứ chân thật: đức, năng và ngũ trí của Như Lai. Ngũ trí của Như Lai bao gồm: Trí Phật, Trí Không Nghĩ Bàn, Trí Không Xưng Lường, Trí Rộng Đại Thừa và Trí Vô Đẳng Vô Luân Thù Thắng Tối Thượng. Hơn nữa, phẩm Ba Bậc Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ đã nói rõ, hết thảy ba bậc Thượng, Trung và Hạ đều phải phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật, mới có thể vãng sanh; đủ thấy “phát Bồ-đề tâm” thật là điều quan trọng hàng đầu, được đặt ngay trước cả điều “một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật.”
Phẩm Bồ-đề Đạo Tràng của kinh Vô Lượng Thọ chép: “Còn Ðạo tràng kia, cây Bồ-đề cao, bốn trăm vạn dặm. Chu vi gốc cây, năm ngàn do tuần, cành lá tỏa ra, hai mươi vạn dặm. Do tất cả báu, tự nhiên hợp thành, hoa quả xinh tươi, lộng lẫy chiếu khắp. Lại có màu sắc, hồng lục xanh trắng, các ma-ni quý, vua các món báu, đươm chuỗi Anh Lạc, mây tụ báu kết, trang sức trụ báu. Các linh các khánh, bằng vàng bằng ngọc, giăng khắp tứ phía, lưới báu trân diệu, che trùm bên trên, trăm ngàn vạn sắc, hực chiếu sáng nhau, vô lượng hào quang, vô biên chiếu diệu, tất cả trang nghiêm, tùy ứng mà hiện.” Trong câu kinh văn này, kinh diễn tả hình tướng của cây Bồ-đề Đạo Tràng ở cõi Tây Phương Cực Lạc như sau:
- Cây Bồ-đề được trang nghiêm bằng vô lượng các thứ vật báu giăng xen xung quang. Ở trên có lưới mành bằng bảy báu che rợp cả hư không, được trang hoàng bằng các linh, các khánh cũng làm bằng bảy báu giăng bủa khắp tứ phía, vang ra tiếng pháp mầu nhiệm vi diệu.
- Các cành nhánh của cây Bồ-đề được trang hoàng bằng những xâu chuỗi anh lạc. Các xâu chuỗi này được kết thành bằng những ngọc ma-ni với các màu sắc hồng, lục, xanh, trắng. Những ngọc ma-ni ấy có đầy đủ hết thảy những đặc tánh tốt đẹp tối thượng nên được gọi là “vua trong các món báu.”
- Các thứ vật báu được kết lại với nhau một cách ăn khớp bằng những cái khóa móc cũng làm bằng bảy báu, kinh gọi tên cho những cái khóa móc ấy là mây tụ.
- Cõi nước của Đức Phật A Di Đà có các trụ báu được trang hoàng bằng trăm ngàn các thứ trân bảo làm bằng bảy báu. Có những trụ chỉ do một báu hợp thành, hoặc có những trụ do từ hai thứ báu cho đến bảy thứ báu hợp thành. Các trụ báu như thế được trang hoàng với những xâu chuỗi anh lạc được kết thành bằng những ngọc ma-ni quý.
- Những pháp khí như là các linh, các khánh có hình dáng từa tựa như cái chuông nhỏ đều do diệu bảo hợp thành, nên chúng phát ra những âm thanh vô cùng vi diệu nhiệm mầu và thánh thót, có khả năng nhiếp thọ chúng sanh phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Các thứ pháp khí báu như thế, treo đầy khắp các cành nhánh xung quanh cây Bồ-đề. Lưới báu được kết móc một cách vô cùng trân diệu bằng những thứ trân bảo như là vàng ròng, chân châu, linh, khánh v.v...
- Lưới báu này được căng ra, che trùm bên trên cây Bồ-đề. Mỗi một viên bảo châu trên lưới báu phóng ra trăm ngàn quang minh, mỗi một quang minh có tám vạn bốn ngàn màu sắc. Mỗi một diệu sắc như thế phản chiếu ánh sáng lẫn nhau càng làm thêm chói lọi khắp cả mọi nơi, nên kinh ghi là “vô lượng hào quang, vô biên chiếu diệu.”
Tất cả những sự vật trang nghiêm kể trên hiện ra và biến hóa một cách nhiệm mầu, tự tại vô ngại để thích ứng với khắp mọi căn cơ, nhằm hiển bày trọn vẹn Sự sự Vô ngại Pháp giới của cõi Cực Lạc. Những sự trang nghiêm mầu nhiệm ấy đều do thiện báo từ trí huệ chân thật và lòng từ bi vô hạn của Đức Phật A Di Đà hóa hiện ra, nên chúng biết tùy thuận theo căn cơ của từng mỗi chúng sanh mà hiện ra các thứ lớn, nhỏ, dài, ngắn, từ một thứ báu, hai thứ báu cho đến vô lượng các thứ báu, không thứ nào lại chẳng làm đẹp lòng, vừa ý của người nhìn thấy theo đúng với ý thích của họ. Kinh Hoa Nghiêm nói, Tỳ Lô Giá Na Phật từ nội tâm thanh tịnh chứng Tự Thọ Dụng, thành tưu năm trí, rồi từ năm trí này xuất sanh Ngũ Phương Như Lai. Tại trung ương, Tỳ Lô Giá Na Phật đảm nhiệm Pháp Giới Thanh Tịnh Trí, rồi từ Đại Viên Minh Kính trí lưu xuất Đông Phương A Súc Phật, từ Bình Đẳng Tánh trí lưu xuất Nam Phương Bảo Sanh Phật, từ Diệu Quán Sát trí lưu xuất Tây Phương Vô Lượng Thọ Phật, từ Thành Sở Tác trí lưu xuất Bắc Phương Bất Không Thành Tựu Phật. Trong tác phẩm Tông Kính Lục, Trí Giác Đại sư bảo: “Trong giáo pháp Tổng Trì có nói ba mươi bảy vị Phật đều do Tỳ Lô Giá Na Phật hiện ra.” Trí Giác Đại sư nói có tới ba mươi bảy vị Phật xuất hiện từ Tỳ Lô Giá Na Phật là vì mỗi vị Phật trong Năm Phương Như Lai có tứ đại Bồ-tát, tức là hai mươi (5x4 = 20) đại Bồ-tát, cộng thêm Tứ Nhiếp và Bát Cúng Dường thành ba mươi hai vị. Hai mươi vị Bồ-tát, Tứ Nhiếp và Bát Cúng Dường đều gọi là Phật bởi vì tất cả các vị ấy đều là hóa thân do Tỳ Lô Giá Na Pháp Thân Phật biến hiện ra. Thí dụ, nếu Tỳ Lô Giá Na Phật biến hiện ra một cọng cỏ hoặc một cành cây, thì một cọng cỏ hoặc một cành cây ấy cũng chính là Phật. Nay, Pháp thân Phật biến hiện ra hai mươi vị Bồ-tát, bốn Nhiếp và tám Cúng Dường, thì ba mươi hai vị này cũng chính là ba mươi hai vị Phật. Ba mươi hai vị Phật này cộng với Năm Phương Phật thành ba mươi bảy vị Phật.
A Di Đà Phật là một trong ba mươi bảy vị Phật biến hiện ra từ Tỳ Lô Giá Na Pháp thân. A Di Đà Phật lại biến hiện ra Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong đó có ao suối, rừng cây, nhà cửa, điện đường, lầu gác, lan can, chim chóc, ánh sáng, hương thơm, âm thanh, mùi vị v.v…, chẳng có thứ nào chẳng phải là hóa thân của Tỳ Lô Giá Na Phật, chẳng có thứ nào chẳng thể gọi là Phật. Tứ Nhiếp biến hiện ra từ Tỳ Lô Giá Na Pháp thân chẳng phải là Tứ Nhiếp Pháp thông thường như là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, mà nó là bốn món pháp khí dùng trong Mật Tông bao gồm: câu (móc), tỏa (dây xích), linh (chuông lắc) và sách (dây thừng), được dùng để nhiếp thọ chúng sanh, nên bốn thứ pháp khí ấy cũng được gọi là Phật. Ngoài ra, Mật giáo còn dùng Bát Cúng Dường bao gồm: thiêu hương (hương đốt), tán hoa (rải hoa), đăng (đèn), đồ hương (hương bôi), hoa, man (tràng hoa), ca và vũ để cúng dường Phật và nhiếp thọ chúng sanh, nên tám thứ này cũng được gọi là Phật. Bốn món pháp khí và tám món cúng dường của Mật Tông mà còn được coi là đại biểu cho hóa thân Phật thì các thứ báu như cây Bồ-đề, hoa quả, ngọc ma-ni, chuỗi Anh Lạc, mây tụ, các linh, các khánh, lưới báu v.v… nơi cõi Cực cũng chính là các vị Phật trong Tứ Nhiếp và Bát Cúng Dướng biến hiện ra từ Tỳ Lô Giá Na Phật Pháp thân hay A Di Đà Phât Báo thân để nhiếp thọ chúng sanh.
Chư cổ đức bảo: Tất cả những sự thành tựu trong Phật đạo, không ngoài hai chữ “biết rõ.” Biết rõ cái gì? Biết rõ chân tướng sự thật của vụ trụ nhân sanh đều do mê hoặc điên đảo nên chạy theo nắm bắt những việc bên ngoài, nắm giữ cảnh tướng, nào ngờ Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, nào ngờ Tự tánh vốn sẵn đầy đủ. Trong kinh Vô Lượng, Đức Phật dùng cây Bồ-đề làm tỷ dụ cho Bồ-đề Tâm, tức là cái tâm giác mà chẳng mê, cái tâm vốn sẵn thanh tịnh và đầy đủ. Bất kể là cây Bồ-đề cao cỡ nào, rộng lớn bao nhiêu, cũng đều phải được trồng từ mặt đất. Mặt đất là biểu tượng cho tâm địa của chính mình, Bồ-đề Tâm phải phát xuất từ nơi tâm địa của chính mình, chẳng thể từ cái gì bên ngoài mà có được. Tu hành trong Phật giáo không ngoài một việc là chuyển đổi cái thấy biết của phàm phu thành cái thấy biết như Phật. Khi nào chúng ta có trí huệ chân thật để thấy biết chân thật, mới đoạn được vô minh phiền não. Như vậy, vô minh phiền não chỉ có thể đoạn bằng sức định huệ. Thế nhưng, do vì người đời không có trí huệ chân thật, lại thường hay phóng tâm ra bên ngoài mong cầu tham vọng; cho nên, càng tu càng tăng thêm phiền não, muốn niệm Phật được thanh tịnh cũng niệm không nổi, làm bất cứ chuyện gì cũng chẳng được tự tại, cũng gặp chướng ngại. Thậm chí có người niệm Phật, ngồi Thiền đến mức loạn tâm, thường hay thấy ma đến dựa dẫm quấy phá, trở thành nữa tỉnh nữa điên; thế mà lại còn tưởng lầm là mình tu hành có công phu đắc lực, có được con mắt thứ ba thấy được cõi âm nữa chứ! Đấy đều là do người đời chẳng thể xả bỏ hết thảy các tướng chấp, chẳng trụ trong chân thật huệ để có sự giác ngộ chân thật; cho nên, những điều thấy biết đều là mê hoặc điên đảo, chẳng phải là cái thấy biết như thật của Phật. Tu hành mà không có trí huệ chân thật để thấy rõ thể, tướng và dụng của các pháp thì có khác gì con rắn không đầu, chỉ có thể cựa quậy ở một chỗ, chẳng thể tiến xa hơn nữa.
Trong kinh Phật, vàng thường được dùng làm tỷ dụ để mô tả bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh của Pháp thân Phật, bởi vì vàng là kim loại có bốn đặc điểm tốt đẹp như sau: vàng có màu sắc không biến đổi (thường), vàng làm cho người ta giàu sang (lạc), vàng có hình dáng dễ dàng được thay đổi một cách không trở ngại (ngã) và vàng có thể chất không ô nhiễm (tịnh). Nói một cách sâu xa hơn, bảy báu được nói trong kinh là tỷ dụ dùng để ám chỉ bảy Bảo Bố Thí nơi thân có khả năng chuyển đổi xác thân phàm phu thành Pháp thân Phật với đầy đủ bốn món thường, lạc, ngã, tịnh. Bảy Bảo Bố Thí đó chính là khi sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), tâm chẳng sanh lòng đắm trước, chẳng nhiễm dục lạc thế gian. Bảo Bố Thí thứ bảy cũng tức là Bảo Bố Thí cuối cùng, đó là xả bỏ cái thân phàm phu để được Pháp thân Phật. Nếu chúng ta biết rõ trong thân mình vốn có sẵn bảy Bảo Bố Thí như vậy và thực hành được hạnh bố thí như thế, nhất định sẽ được nhiều phước đức gấp trăm ngàn vạn ức lần hơn, không thể tính đếm nổi, nếu đem so sánh với việc bố thí bằng bảy thứ tài vật như là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xà cừ, mã não trong khắp thế gian. Như vậy, nhiếp thủ sáu căn, tịnh niệm tiếp nối câu Phật hiệu A Di Đà không ngừng cho đến khi tâm phàm phu biến thành tâm Phật, chính là hạnh bố thí bảy báu bậc nhất, chẳng có hạnh bố thí nào sánh bằng, vì sao? Bởi do bố thí vô lậu như thế sẽ mau chóng liễu ngộ tự tâm, vượt qua bờ sanh tử, cứu cánh Phật quả.
Nếu chúng ta thường xuyên theo giỏi tin tức về thiên tai, động loạn trên khắp thế giới, sẽ thấy mọi chuyện, mọi người, mọi vật đều không ngừng biến đổi một cách trái nghịch với lẽ tự nhiên. Mùa này đáng lẽ không mưa, song lại mưa xối xả đến nỗi gây ra biết bao nhiêu lụt lội khắp nơi. Có vùng đáng lẽ là phải mưa, nhưng lại không mưa làm mùa màng bị tổn thất. Có những khu rừng bốc cháy đến hằng trăm ngàn mẫu, nhà cửa làng mạc đều bị huỷ diệt tiêu tan. Có những vùng xưa nay chưa từng có tuyết nhưng nay lại có tuyết. Núi lửa bộc phát khắp nơi, hoa nở vào mùa đông trong các xứ Bắc Âu Mỹ, tuyết rơi giữa mù hè trong các vùng nhiệt đế v.v… Đấy đều là những hiện tượng hết sức bất bình thường, tất cả những hiện tượng kỳ quái ấy chắc chắn không phải là dấu hiệu tốt lành! Phẩm Khuyến Dụ Sách Tấn của kinh Vô Lượng Thọ nói, các nạn nước lửa giặc trộm, oan gia trái chủ, đốt phá cướp giựt, hủy diệt tiêu tan v.v… đều là do tâm tham ý chấp, không thể buông bỏ của chúng sanh gây ra. Con người thất thường thì gọi là bịnh thần kinh, một khi mắc phải chứng bệnh thần kinh thì sẽ gây ra những chuyện khác thường. Khí hậu, thời tiết thất thường chắc chắn là điềm báo trước sẽ có những chuyện rất bất bình thường sắp xảy ra. Trong tình hình thế giới vô cùng bất ổn hiện nay, con người phải đương đầu với đủ thứ tai ương, tật bịnh phát sanh khắp nơi; đó đều là quả báo gây ra từ tâm địa bất thiện. Nay, do nhờ học Phật, chúng ta biết rõ chính mình cần phải nỗ lực, dụng công tu hành, niệm Phật để chuyển những điều u tối thành kiết tường, phải làm cho tai họa trở thành bình an. Nếu chúng ta tu hành tốt, nhất định có thể chuyển được cảnh giới xung quanh, cha mẹ, vợ con, họ hàng, quyến thuộc cũng được hưởng lây. Người học Phật muốn chuyển hóa cảnh giới, trước hết phải đặc biệt dụng công tu hành từ nơi tâm địa của chính mình, làm nhiều chuyện lành, tránh xa chuyện ác, giữ tâm thanh tịnh, hoặc là ngồi thiền, hoặc là niệm Phật, hoặc là trì chú, hoặc là tụng kinh cho thật nhiều. Tu hành như thế mới có thể chuyển được cảnh giới từ tối thành sáng, từ khổ thành vui, từ hoạn nạn thành kiết tường.
Ở vào thời đại bất bình thường này, chúng ta phải biết tùy duyên bất biến, chẳng nên phan duyên, tức là phải biết thuận theo nhân duyên sao cho tâm mình chẳng hề thay đổi, vững chắc bất động. Thuận theo nhân duyên, chẳng phan duyên là “tự,” tâm chẳng hề thay đổi, như như bất động là “tại.” Nếu đối với tất cả sự biến đổi của duyên trần, tất cả sự thay đổi của hoàn cảnh nhân sự mà tâm mình đều có thể tùy thuận, chẳng hề lay động thì ắt sẽ được đại tự tại; đó mới là chân thật huệ. Tiến xa hơn nữa, nếu con người muốn liễu sanh tử thì phải chịu nỗ lực tu hành, đoạn tham, sân, si. Tham là nguyên nhân sanh ra sân, làm cho môi trường sống của mình biến đổi một cách bất bình thường. Do đó, điều quan trọng nhất là đừng bao giờ sanh lòng tham, sân, si. Nỗ lực tu hành có nghĩa là bất cứ làm việc gì cũng đều phải hết sức chân thật, chí công vô tư, vì người quên mình. Khi gặp điều tai hoạ hoặc chuyện nghịch ý, rắc rối thì đừng động tâm, đừng sanh lòng bực tức, nóng giận, cứ một mực niệm câu Phật hiệu không gián đoạn, không xen tạp với bất cứ ý niệm nào khác. Ðó chính là pháp tu định, nhằm nuôi dưỡng tâm địa bình lặng, hễ tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Kinh này day, dù cho lửa lớn khắp tam thiên đại thiên thế giới, nếu ai biết nương vào oai của A Di Đà Phật, cũng sẽ an nhiên tự tại chẳng bị đọa trong khổ nạn, thậm chí ngay trong lúc ấy có thể vãng sanh Cực Lạc. Nếu chúng ta có thể tu hành chân thật được như vậy, thì có khác gì là đã vá được trời, lấp được biển.