Kết quả đã được loan báo trên mấy tờ báo sáng. Rakesh, hãy còn đi chân đất và mặc đồ ngủ, đọc vội qua ngay tại cổng ngoài rồi mới leo mấy bậc cấp lên hàng hiên, nơi Cha chàng đang uống trà. Chàng khom người chạm tay vào bàn chân cha mình.
“Đậu hạng cao trong vùng hả con?” Cha chàng hỏi, mặt sáng ngời, đưa tay đón lấy mấy tờ báo.
“Thưa Cha, đậu hạng nhất ạ.” Rakesh nói nho nhỏ như thể mắc cỡ “Đậu đầu toàn quốc ạ.”
Thế là mọi người nhốn nháo cả lên. Cả nhà reo hò, nhảy múa. Suốt hôm đó, khách khứa thay nhau kéo vào căn nhà nhỏ màu vàng nằm cuối đường để chúc mừng cha mẹ của đứa con tuyệt vời này, để vỗ lưng khen tặng Rakesh và để làm cho ngôi nhà cũng như căn vườn ngập tràn âm thanh và màu sắc của một ngày hội lớn. Nào là vòng hoa, kẹo bánh, áo quần đẹp đẽ, quà cáp (bút mực nhiều quá chắc dùng đến mấy năm cũng chưa hết, có cả một hai cái đồng hồ tay nữa). Mọi âu lo, cáu kỉnh, vui nhộn, tất cả đều bị xoay tít theo nỗi hãnh diện lóng lánh với những viễn tượng sáng ngời đang mới mẻ mở ra trước mắt : Rakesh là đứa con trai đầu tiên trong gia đình được cho đi học. Gia đình đã hy sinh rất nhiều để gởi chàng đến trường rồi lên đại học y khoa, và cuối cùng thì kết quả sự hy sinh của họ đã chín vàng huy hoàng.
Hễ người nào đến chúc mừng : “Thưa ông Mubarak, thưa ông Varmaji, cháu trai của ông bà đã đem đến hãnh diện cho nhà ta …” thì người cha lại trả lời “Thưa vâng. Mà ông có biết không, sáng nay lúc cháu nó xem được kết quả kỳ thi thì cháu nó làm gì trước hết không? Cháu đã đến ôm chân tôi đấy. Cháu quỳ xuống ôm chân tôi !!” Những lời này làm quý bà cảm động đến nỗi họ nâng chéo váy lên chậm nước mắt, trong khi quý ông thì vừa đưa tay ra với lấy mấy miếng trầu và kẹo mứt được dọn sẵn trên những chiếc khay được mang đi mời vòng vòng, vừa gật gù đồng tình và thán phục cái cử chỉ rất đáng ngợi khen như thế. “Thời buổi này thật hiếm mà thấy con cháu nào còn làm những điều ngoan ngoãn như vậy.” Ai cũng tán thành, không chừng có khi còn ganh tị nữa. Rời bữa tiệc, quý bà có người còn sụt sịt, “Đáng ra thì trong những dịp như thế này, người ta nên dọn đồ ngọt thật là tinh sạch ngon lành mới phải”, và quý ông thì có kẻ bàn ra, “Mấy anh có nghĩ là già Varma phách lối quá không? Chả đừng có nghĩ rằng ai cũng quên là ông già của chả cũng chỉ là nông dân như chúng ta thôi, cũng đi bán rau, và chả thì chưa hề thấy cái phòng học nó ra làm sao cả.” Trong giọng nói của họ thực ra thì nhiều phần là ganh tị hơn là có ác ý. Mà điều ấy thì cũng dễ hiểu thôi, đâu có mấy đứa con trai nào trong cái khu nghèo nàn nằm ngoài bìa thành phố này được trời cho sáng sủa thông minh như Rakesh, mấy đấng phụ huynh đều biết vậy.
Và đó mới chỉ là bắt đầu thôi, là bước đầu tiên trong chương trình dọn dẹp vĩ đại cho xứng với đỉnh cao danh vọng và tiền bạc. Luận án mà Rakesh viết để lấy bằng Y khoa đã đưa chàng lên cao hơn trong danh vọng, ít ra là trong cộng đồng y tế. Chàng được học bỗng. Chàng được qua Hiệp Chủng Quốc Mỹ Châu, U.S.A. (cha chàng được học phải gọi như thế, và bắt cả nhà phải dùng chữ ấy thay vì chỉ gọi là nước Mỹ như đám hàng xóm ngu dốt vẫn gọi, chữ U.S.A. thì mới là tên gọi sang trọng) để theo đuổi nghề nghiệp trong những bệnh viện ưu việt nhất của các bệnh viện Mỹ và được các đồng sự người Mỹ hết sức thán phục và ca tụng làm cho gia đình càng thêm ngưỡng phục và hãnh diện. Hơn thế nữa, khi trở về quê nhà, chàng lại thực sự về lại ngôi nhà màu vàng nhỏ bé, trong khu vực trước kia đã một thời mới toanh, nhưng càng ngày càng bệ rạc, nằm cuối con lộ, nơi đó mấy xe đổ rác thường thả xuống những đống hôi thối tanh tưởi cho đám heo vục mỏ vào hay mấy dân móc rác che những căn lều tả tơi, mùi hơi, mùi khói bốc lên ngay sát bên những hàng rào kẽm dựng ngay ngắn và những khu vườn chăm sóc thật kỹ lưỡng. Ngay khi trở về, điều trước tiên lúc bước vào nhà của chàng là lách ra khỏi vòng tay ôm của anh chị em để cúi xuống và chạm tay lên chân cha chàng.
Riêng bà mẹ của Rakesh thì bà rất hả hê và ngạc nhiên là chàng chẳng cưới ai ở Mỹ, chẳng mang về một cô vợ ngoại quốc như hàng xóm thường cảnh báo bà. Thế nhưng đó chẳng phải là điều mà mấy chàng trai Ấn dự tính khi ra ngoại quốc hay sao? Thay vì vậy, Rakesh lại đồng ý, gần như chẳng chút phản đối, lấy một cô gái mà bà đã chọn giùm ở trong làng quê bà, con gái của một người bạn thời thơ ấu, một cô gái mập mạp, mù chữ- đúng như vậy. Cổ hủ, đằm thắm, dễ tính, cô nàng lặng lẽ trượt vào gia đình chồng, và ổn định chỗ ngồi của mình. Tính tình quá thụ động và quá ngoan ngoãn đến nỗi cô chẳng bao giờ đòi hỏi Rakesh phải dọn ra để được sống độc lập như những nàng con gái khác. Hơn thế nữa, cô lại đẹp, thật là đẹp theo cái lối mum múp, mềm mại như mỡ đọng, như sáp ong ấm áp sau khi cô sinh đứa con trai đầu lòng, và sau đó nữa thì đẹp xấu có quan trọng gì nữa đâu.
Trong nhiều năm, Rakesh làm việc ngay tại bệnh viện tỉnh và nhanh chóng được thăng lên chức vụ cao nhất trong ban điều hành, rồi trở thành Giám Đốc trước khi mở bệnh viên riêng. Chàng chở cha mẹ chàng trong chiếc xe hơi mới tinh – chiếc Ambassador màu xanh da trời - kính sau dán đầy mấy cái nhãn hiệu và mấy đồ trang hoàng nhỏ treo lủng lẳng – để đi xem cái bệnh viện tư đang được xây cất và xem cái bảng hiệu thật bự gắn trên cửa chính, trên đó, tên của chàng được viết bằng sơn đỏ, kéo theo những hàng chữ lê thê ghi những bằng cấp chuyên môn, trông giống như mấy tên nô lệ da đen nhỏ con của một ông hoàng. Sau đó, dường như vinh quang của chàng trở nên mờ dần, hoặc có thể vì cuối cùng, dân trong tỉnh đã trở nên quá quen thuộc với tiếng tăm của chàng cũng nên. Nhưng đồng thời, đó cũng là lúc mà chàng lại được biết đến như là một bác sĩ giỏi nhất và giàu nhất tỉnh.
Tuy vậy, những thành quả này đâu phải đạt được trong một chớp mắt. Dĩ nhiên là không. Đó là thành quả của cả một đời người, và với Rakesh, hết cả một đời chàng. Lúc mà chàng xây xong được bệnh viện tư cũng là lúc cha chàng trở nên già cả, đã hưu trí, không còn làm nhân viên cho một tiệm bán dầu hôi sau 40 năm cần cù, và mẹ chàng đã mất sau khi trút hơi thở cuối cùng, rõ ràng là hơi thở dài khoan khoái vì đã được chính con trai mình chăm sóc lúc bệnh tật cuối đời, và đến phút cuối cùng chàng còn ngồi bóp chân cho bà, một đứa con mà đâu phải người đàn bà nào cũng có thể có được.
Tuy nhiên, phải công nhận – ngay cả những hàng xóm thất bại nhất và khó tính nhất trong xóm dần dần cũng đồng ý – rằng Rakesh không những là đứa con hiếu thảo nhất mà còn kỳ diệu thay cũng là con người tử tế nhất, vừa ngoan ngoãn vâng lời bố mẹ, vừa làm vui lòng vợ mình, vừa quan tâm đồng đều đến con cái, bệnh nhân. Đồng thời trong cái bề ngoài đẹp đẽ sang trọng, lúc nào cũng đàng hoàng vui vẻ tự nhiên với mọi người kia còn có một bộ óc thông minh, điều hành tốt đẹp giữa chăm lo gia đình, giúp đỡ bạn bè, giúp cho họ lúc nào cũng hạnh phúc, vui vẻ, biết ơn, hài lòng, chàng còn tự luyện cho đôi tay mình thật khéo léo để trở thành một bác sĩ tuyệt vời, một nhà giải phẩu vô cùng tài giỏi. Làm thế nào mà một người – một đứa con mà bố mẹ hoàn toàn mù chữ, bố thì làm cho một tiệm buôn dầu hỏa, mẹ thì tối ngày chúi đầu vô bếp – lại có thể đạt được, hòa hợp được và sở hữu được những đức tính đáng phục như thế thì chẳng ai có thể hiểu sâu xa cho được, nhưng ai cũng công nhận cái tài, cái giỏi của chàng.
Cái lạ là, cái tài, cái giỏi ấy, nếu được bày ra lâu quá thì hết còn làm ai ngạc nhiên. Đến một lúc mà những cặp mắt thán phục nhất cũng mờ dần, không còn chớp lia trước ánh vinh quang của chàng nữa. Về hưu không còn làm việc, lại mất đi người vợ, người cha mau chóng trở nên tàn tạ, khó tính. Ông cứ than phiền đủ thứ và đổ bệnh liên miên, những thứ bệnh kỳ lạ đến ngay chính con ông cũng không đoán được là khi nào thì nó nặng thiệt và khi nào thì chỉ là vờ. Ông cứ ngồi một đống trên cái võng suốt ngày và dần dần bày ra cái trò đột nhiên bật ngửa nằm cứng đờ ra để cho cả nhà nhào tới vây quanh, chạy lui chạy tới, mếu máo khóc lóc một hồi, rồi ông bỗng nhiên ngồi bật dậy, mặt tỉnh khô, ốm nhách, nhổ ra một đống bã trầu như thể chọc trêu thái độ của mọi người.
Ông cứ làm trò đó hoài, có lần nhà có tiệc, bữa tiệc sinh nhật đứa con út đang vui phải tạm dừng lại, phải giấu giếm khách, phải đẩy hết khách đi khi đứa con dâu bắt gặp, hoặc cô nghĩ là cô thấy, ông bố chồng già nằm cứng đờ, duỗi tay chân trên võng, mạch ngừng đập. Buổi tiệc thế là tàn, ngay cả gần như trở thành đám tang thì ông già ngồi bật dậy và đứa con dâu ăn trọn một bãi trầu ngay trên gấu của cái váy sari bằng vải sa. Sau vụ ấy, chẳng còn ai thèm để ý coi ông có ngồi xếp bằng trên võng, chăm chăm theo dõi mọi người, nhổ bã trầu hay nằm đơ ra, xanh xám như xác chết hay không nữa. Dĩ nhiên là trừ một người, một hạt ngọc trong những hạt ngọc, là đứa con trai của ông, Rakesh.
Chính tay Rakesh bưng trà cho ông mỗi sáng, không phải trong những cái tách sứ mà mọi người uống, nhưng là trong cái cốc bằng đồng mà ông ưa nhất, rồi ngồi bên cạnh giường, thoải mái tự nhiên, sợi dây buộc quần còn thòng ra dưới cái áo ngủ dài, nói chuyện với ông, hoặc đọc tin tức buổi sáng cho ông nghe. Chàng không cần biết cha chàng có trả lời hay không ngoài chuyện nhổ bã trầu. Cũng chính Rakesh, một chiều khi từ bệnh viện trở về nhà dụ cha chàng ra khỏi phòng ngủ, căn phòng trống rỗng và tiêu điều như một phòng tù, để ra vườn ngoài hít thở khí trời trong lành. Chàng đưa ông đến nằm trên cái divan có kê gối đàng hoàng, đặt nơi cuối góc hàng hiên trống. Vào những đêm hè, chàng cẩn thận biểu đám đầy tớ giúp việc khiêng cái giường cũ kỹ của ông ra ngoài sân cỏ, và chính chàng đỡ cha đi xuống mấy bậc cấp, đặt cha lên giường, xoa dịu ông và yên tâm lo cho ông được nằm ngủ một đêm dưới trời sao.
Tất cả những điều này đều làm ông già hài lòng lắm. Chỉ có một điểm ông không ưng ý là Rakesh còn kiểm soát luôn chuyện ăn uống của mình. Một ngày nọ khi cha chàng bệnh thật là bệnh đã kêu con dâu làm cho ông một đĩa bánh ngọt soojii halwa ăn với một thìa kem đầy thì Rakesh bước vào phòng, không bằng những bước chân đầy kính yêu mà với bước chân dõng dạc tự tin quyền hành của một bác sĩ nổi tiếng, và ra lệnh, “Kể từ đây trở đi, Cha không được ăn món halwa nữa. Với cái tuổi của cha, ta phải cẩn thận mới được. Nếu Cha muốn ăn ngọt, Veena sẽ nấu cho Cha một chút kheer –gạo nấu chín khuấy với sữa, một chút gạo thôi, thiệt là lỏng. Nhưng sẽ không có món gì chiên hay béo. Chuyện này cấm không được xảy ra lần nào nữa đấy.”
Ông già đang nằm duỗi trên giường, yếu ớt xuội lơ sau một ngày bệnh, giật cả mình vì cái giọng, cái dấm dẳng của cậu con. Ông mở mắt, nói cho đúng là cặp mắt của ông bị choàng mở vì sửng sốt, chằm chằm nhìn thằng con với một nỗi khó tin đang trổi dậy thật nhanh. Con cái mà dám cấm không cho cha nó ăn món ông thèm sao? Không, đó là điều chưa từng nghe bao giờ, thật là không tin được. Nhưng Rakesh đã quay lưng lại ông, đang dọn dẹp mấy cái chai lọ và mấy gói thuốc trên kệ thuốc, chẳng để ý đến Veena đang chuồi ra khỏi phòng với nụ cười giễu cợt mà chỉ có ông già trông thấy và ghét cay đắng.
Bánh halwa chỉ là cái món thứ nhất được gạch chéo khỏi thức ăn của ông già. Hết món ngon này tới món ngon khác lần lượt ra đi – hết món chiên, rồi đến món ngọt, và rồi thì hết thảy mọi thứ ông già ưa thích, tất tần tật.
Bữa ăn được dọn đến cho ông trên chiếc khay bằng thép không gỉ bóng lộn ngày hai bữa trông thật là kiệm: bánh mì khô, đậu lăng luộc, và nếu có chút thịt gà hay cá thì cũng chỉ được luộc không mà thôi. Nếu ông già muốn gọi thêm món gì bằng cái giọng làm ra vẻ ai oán thì chính Rakesh lại hiện ra ngay ngạch cửa, nhìn ông chán nản, lắc đầu bảo “Cha à, ta phải cẩn thận. Cha biết là chúng ta không thể để cha mang thêm một bệnh nào khác nữa được." Và dù cho đứa con dâu có cố tìm cách tránh né thì ông già cũng vẫn thấy được cái cười giễu cợt của nó đang nhảy múa trong không khí. Ông cố hối lộ mấy đứa cháu mua giùm cho ông ít đồ ngọt (và giờ thì ông nhớ vợ ông biết bao, người đầu bếp vô cùng rộng lượng, cần cù và mù chữ). Ông thì thầm: “Này, đây là 50 đồng paise” , ông vừa nói vừa nhét mấy đồng tiền vào bàn tay nóng hổi đang nắm chặt, “cháu chạy xuống cái quán ngay ngã tư đó mua cho ông 30 đồng bánh jalebis, còn lại 20 đồng thì cháu muốn mua gì cho cháu thì mua. Được không? Hiểu không? “Ông làm được như thế một đôi lần, nhưng rồi bị đổ bể. Kẻ tòng phạm bị bố nó mắng cho một trận, bị mẹ tát tai, và Rakesh hùng hổ chạy vào phòng cha mình, tóc muốn giựt hết ra khỏi đầu, la lớn giữa đôi môi mím lại: “Thưa Cha, bộ cha muốn dạy thằng con của con thành một đứa láo khoét sao chớ? Cha đã làm hư dạ dày của cha rồi, cha còn muốn làm hư thằng nhỏ nữa à? Cha khuyến khích nó dối cha dối mẹ. Cha phải nghe nó nói dối với Mẹ nó khi mẹ nó bắt gặp nó đang mang mấy cái bánh jalebis gói trong mấy tờ giấy dơ dáy đó mới được. Cha biết là con không cho phép ai trong nhà này được mua bánh kẹo ở mấy cái quán ngoài đó mà. Chắc chắn là cha đã biết vậy rồi. Trong tỉnh bệnh thương hàn, sưng gan đầy ra. Ở bệnh viện, con chứng kiến những ca bệnh này hằng ngày. Con đâu có muốn trong nhà liều lĩnh để mang những bệnh ấy.” Ông già thở hắt và lại giả nằm như chết, nhưng không còn ai để ý gì đến nữa.
Giờ thì ông già chỉ còn mỗi một niềm vui thôi (cái chuyện thằng con thăm ông mỗi sáng và đọc tin tức cho ông nghe không còn được kể là niềm vui nữa), đó là những cuộc thăm viếng của mấy người hàng xóm già lão. Mà những cuộc thăm viếng ấy cũng không được thường xuyên vì những kẻ mang niềm vui ấy phần đông cũng già cỗi hom hem và yếu xìu như ông. Không có mấy ai còn sức để đi bộ một quãng đường dài đến thăm ông nữa. Chỉ có lão Bhatia hàng xóm ở sát bên, dù sao cũng còn nhanh nhẹn mạnh khỏe, từ chối tắm trong cái nhà tắm bằng gạch hoa trong nhà, và đòi đem cái ca bằng đồng cùng với khăn tắm, thường thì vào những giờ giấc ngược ngạo, không cần biết mùa nào, ra trước sân rồi tắm ào ào ngay dưới cái vòi nước tưới cây, vừa tắm vừa trông vói qua bên kia hàng rào xem thử Varma có ngồi ngoài hàng hiên hay không. Nếu có thì ông gọi qua và nói chuyện trong khi quàng cái khăn vải quanh người, lau khô mái tóc lưa thưa trên đầu và run lên vì khoái chí. Dĩ nhiên là những cuộc nói chuyện như thế này, vọng qua hàng rào của hai người vừa già vừa điếc lại vừa sợ trong nhà nghe được thì không được hài lòng lắm, nhưng Bhatia cũng đôi khi ra khỏi sân, bước xuống đường một chút ra trước cổng nhà của Varma và ngồi phệt xuống chân cột đá xây dưới tàng cây điện thờ temple. Nếu lúc đó có Rakesh ở nhà thì chàng sẽ dìu cha chàng xuống mấy bậc thềm ra sân, đặt cha chàng nằm lên chiếc giường kê dưới tàn cây và để mặc cho hai ông già vừa nhai trầu vừa kể bàn về bệnh tật, về cái thân đau yếu của nhau và cảm thông nhau rất mực.
“Ít nhất thì bác cũng có một ông bác sĩ ở trong nhà săn sóc cho bác,” Ông già Bhatia thở dài, sống động diễn tả sự hy sinh to lớn của người con.
“Săn sóc tui?” Varma khổ sở la lên bằng một giọng đứt quảng như tiếng vại cổ nứt nẻ: “Thằng con tui ấy à, hắn còn không cho tui ăn cho no nữa là.”
“Hả? Sao?” Bhatia hỏi, đám lông bạc trong hai lỗ tai quăn lại. “Không cho bác ăn no? Con của bác ấy à?”
“Đúng vậy. Thằng con của tui. Nếu tui xin hắn thêm một miếng bánh mì thì hắn nói “Không được, Cha, con đã cân đúng cử rồi và con không thể nào cho cha ăn nhiều hơn 200 gram ngũ cốc một ngày được. Bác coi, hắn cân đong thức ăn của tui. Hắn có cái cân để cân đồ ăn của tui. Vậy đó bác.”
“Không thể nào”, Bhatia nói thầm thì, lòng khó tin. “Có thể nào trong cái thời quái quỷ này lại có một người con từ chối không cho cha mình ăn không chớ?”
“Tui nói bác nghe”, Varma cũng nhỏ giọng, “hôm nay cả nhà ăn cá chiên. Tui ngửi được mà. Tui kêu con dâu tui đem cho tui một miếng. Hắn tới cửa phòng tui, nói 'không được' …”
“Hắn nói không?” Giờ thì chính giọng của Bhatia nức lên. Một con chim sẻ từ trong tàng cây vụt bay ra. “Nói không à?”
“'Không được', hắn nói 'không được'. Thằng Rakesh đã dặn hắn không được cho tui ăn đồ chiên. Hắn dặn không được ăn bơ, không được ăn dầu.”
“Không bơ? Không dầu? Rồi làm sao mà cha hắn sống chớ?”
Ông già Varma gật đầu, bụng hớn hở một cách buồn rầu. “Đó, hắn chăm sóc tui như vậy đó sau khi tui đã nuôi hắn lớn, cho hắn ăn học, cho hắn thành ra một ông bác sĩ giỏi. Bác sĩ giỏi! Bác sĩ giỏi mà đối xử với cha như vậy đó bác Bhatia à.” Thế là những tính tình, đức hạnh của thằng con bây giờ được xem xét dưới cả một biển đổi thay thật đáng ngờ. Bề ngoài thì dường như nhìn ra giống nhau, nhưng cách diễn dịch thì khác hẳn: cách thức chữa trị hiệu quả trở thành là cách của một người có trái tim lạnh lùng, và lối hành xử của người có trách nhiệm trở thành lối hành xử của một kẻ độc tài giả trang.
Than thở với hàng xóm như thế chỉ mang đến niềm an ủi băng giá, và với cách thức ăn uống kham khổ như thế, Varma cảm thấy tinh thần mình tuột dần xuống, càng ngày càng yếu ớt thêm và chẳng mấy chốc mà trở thành một bệnh nhân thật sự. Varma than rằng thuốc bột, thuốc viên và thuốc trộn không chỉ được đem đến chữa mỗi khi ông than ví dụ như đau bụng chẳng hạn, mà dần dần trở thành một phần trong chế độ ăn uống của ông thay thế cho những thức ăn bình thường mà ông thèm khát. Nào là thuốc để điều hòa tiêu hóa, thuốc hạ cao máu, thuốc chữa bệnh thấp khớp, và sau đó thuốc để điều hòa nhịp tim. Giữa những kỳ phải chở cấp tốc vào bệnh viện, ông cũng kinh nghiệm được những lần súc ruột, thụt hậu môn làm ông càng thêm hãi sợ và vô vọng. Ông khóc dễ dàng, co quắp trên giường, nhưng nếu ông than đau một chút, hay chỉ than sợ chút chút giữa đêm thì Rakesh lại điềm nhiên mở một chai thuốc nào đó và bắt ông uống. “Con phải có bổn phận đối với cha, cha à.” Chàng nói vậy mỗi khi cha chàng van xin để ông yên.
Varma nài nỉ “Để cha yên đi con”, vừa nói ông vừa ngoảnh đầu tránh mấy viên thuốc trên bàn tay đưa tới miệng. “Để cho cha chết cho rồi. Vậy tốt hơn đó con. Cha đâu có muốn sống để ăn thuốc của con.”
“Cha, đừng có nói bậy.”
“Cái đó tùy con”, người cha bỗng nhiên la lớn. “Để cha yên, để cha chết bây giờ đây, cha không thể sống như vậy được nữa.”
“Nằm trên gối kê suốt ngày, mỗi vài ba tiếng có con dâu tự tay lo cho ăn uống, ngày nào cũng có người tới thăm viếng, vậy mà ổng nói ổng không muốn ‘sống như vầy” nữa!” Tiếng Rakesh vừa nói vừa cười với ai đó ngay ngoài cửa phòng.
“Không cho ăn uống, muốn ăn gì cũng không được, con dâu thì nhiếc, cháu chắt thì nhạo, sống vậy đó hả?” Ông già nằm trên giường la lối. Nhưng ông quá già, quá yếu nên những lời ông nói người ta nghe trở thành những tiếng kêu chẳng rõ ràng, như thể là tiếng rên, tiếng khóc vì đau đớn. Chỉ có một lần khi ông già Bhatia đến thăm ông, họ cùng ngồi dưới tàn cây điện thờ và người ta nghe ông khóc: “Trời đang gọi tui về mà tụi hắn không chịu cho tui đi.”
Cái lượng vitamin cũng như thuốc bổ mà ông bị bắt phải uống kể ra cũng không phải là vô dụng cả. Chúng giữ cho ông sống và ngay cả giúp cho ông có sức bám víu vào cuộc đời thật lâu ngay cả sau khi ông chẳng còn muốn sống nữa. Ông giống như đang bị treo lơ lững bằng một sợi dây mà ông đang cố bứt ra nhưng sợi dây dai quá không chịu đứt. Cố gắng, ông chỉ làm cho mình đau đớn thêm thôi.
Mùa hè ấy, cứ vào buổi chiều tối thì đám đầy tớ trong nhà lại kéo vào phòng ông, đứa khiêng đầu giường, đứa khiêng chân giường đem ra ngoài hàng hiên, đặt giường xuống cái rầm khiến cho hàm răng của ông đánh cập vào nhau đau thốn lên đầu. Ông than thì chúng bảo bác sĩ chủ nhân đã dặn chúng phải đưa ông ra hít thở khí trời chiều, và để ông có thể hít khí trời chiều, chúng phải nện cái giường như vậy đó. Thế rồi Veena, với cái cười ngọt như bánh bột trong chiếc váy sari dài hiện ra, sửa gối lại cho ông, chèn cho đến lúc ông gần như ngồi thẳng đơ khiến cho đầu ông thấy lơ mơ mà lưng thì đau nhức.
Ông nài “Đặt cha nằm đi con. Cha không ngồi nổi nữa”.
“Cha gắng đi cha, Rakesh bảo là nếu cha gắng thì cha có thể ngồi được.” Cô dâu trả lời vậy rồi dời về ngồi phía góc kia của cái hàng hiên, ở đó cái máy thu thanh của cô vang lên một điệu nhạc tình ai oán từ cuốn phim mà cô nghe mê mãi suốt ngày.
Và thế là ông già ngồi, như một cái xác khô cứng, hãi hùng, đăm đăm nhìn đám cháu đang chơi cricket, có cơ may sẽ ăn một trái banh do chúng đánh bật vào ngay mắt, hoặc nhìn ra cái cổng ngoài, nơi mở ra con đường nhỏ bụi bặm rác rưởi nhưng vẫn còn hãnh diện khoe tấm biển vừa mới được sơn lại mang tên người con của ông và những danh chức chuyên môn. Tên của con ông đã bị long ra khỏi cái cổng từ lâu lắm rồi.
Cuối cùng thì chiếc xe Ambassador màu xanh cũng về tới. Trò chơi cricket tan nhanh. Chiếc xe cẩn thận tiến vào sân, và vị bác sĩ, vị bác sĩ vĩ đại nhà ta, mặc toàn đồ trắng, bước ra. Có ai đó chạy tới đỡ lấy cái túi xách, người khác đỡ chàng lên mấy bậc thềm. “Anh dùng trà nhá?” Cô vợ vừa hỏi vừa vặn nhỏ máy thu thanh.” Hay uống coca cola? Để em chiên cho anh ít cái bánh samosa nha?” Nhưng Rakesh chẳng trả lời vợ mà cũng chẳng thèm liếc về phía cô. Là một người con bao giờ cũng chí hiếu, chàng đi thẳng về góc nơi cha chàng đang ngồi nhìn đăm đăm vào một điểm nào đó vô hình trong cái không khí vàng vọt bao quanh ông. Ông chẳng quay đầu nhìn đứa con trai, nhưng đôi môi run run của ông ngừng lập bập và với hết sức của một người vừa già vừa yếu, nghiến chặt hai hàm răng lại.
“Thưa cha,” người con dịu dàng thưa, ghé ngồi lên mé chiếc giường, đưa tay ra bóp bàn chân của cha mình.
Ông già Varma co chân lại che dưới thân mình, và vẫn bướng bỉnh nhìn mông lung vào đám không khí vàng vọt của buổi chiều hè.
“Thưa cha, con về rồi nè.”
Bàn tay của Varma bỗng nhiên giật lên trong một cử động như muốn chế giễu, nhưng ông vẫn lặng câm.
“Hôm nay cha thấy sao?”
Varma quay qua, nhìn con. Mặt ông mất hẳn bình tĩnh, biết bao những ý nghĩ cùng đến một lúc hiện ra thoáng qua trên nét mặt ông khiến cho đứa con danh tiếng của ông không sao hiểu được hay đoán ra cha mình đang nghĩ gì về mình, về tài năng cũng như sự khéo léo của mình.
Ông già thều thào “Cha đang chết đây. Hãy để cho cha chết, cha xin con.”
Đứa con trai mỉm cười, thương mến, “Cha à, cha nói giỡn không hà. Con mang về cho cha thuốc bổ mới đây nè, nó sẽ làm cho cha dễ chịu hơn. Cha phải uống nó nhá, cha sẽ khỏe mạnh hơn. Đây nè. Cha hứa với con là cha sẽ uống đều đều nhá.”
Cái miệng của Varma động đậy như thể ông vẫn còn nhai trầu (khẩu phần trầu đã bị cắt mấy năm rồi). Cuối cùng rồi ông cũng nhổ ra được vài chữ, sắc nhọn và cay đắng như thuốc độc, vào mặt người con. “Con giữ lấy thuốc bổ đó đi. Cha không muốn. Cha không muốn. Cha không uống viên thuốc nào con đưa nữa. Không. Không bao giờ nữa.” Ông lấy tay gạt phăng chai thuốc ra khỏi tay người con, thật mạnh, chính xác.
Người con giật mình, chai thuốc vỡ tan tành, chất thuốc nâu đặc búng lên vấy vào cái quần trắng tinh. Cô vợ la hoảng, chạy ào tới. Chung quanh ông già lại thêm lần nữa một màn ồn ào, cuống quít, lộn xộn.
Ông già đẩy mấy cái gối dưới lưng ra khỏi chỗ dựa để ông có thể nằm thẳng người dán xuống giường. Ông nhắm mắt lại, ngửa đầu hất hàm lên trần, như một nhà tiên tri tài giỏi, rền rỉ : “Trời đang gọi cha. Hãy để cha đi.”