01.TRONG SÁNG -MỘT CÁI THẤY SÁNG TỎ Có vị thiền sư dạy chúng ta trong khi tiếp xúc với những gì đang xảy ra, đừng nên theo bài bản hay phương pháp quá, mà hãy để tất cả có mặt trong điều kiện tự nhiên. Hãy tiếp xúc bằng một cái thấy trong sáng, còn đối tượng là gì, hay trạng thái nào, cũng không quan trọng.
Vấn đề không phải là ta nên giải quyết như thế nào, mà quan trọng là ta có thấy rõ lại chính mình trong thực tại này không. Thấy đúng rồi thì ta mới có thể làm đúng được.
Chúng ta bao giờ cũng muốn sửa đổi hoàn cảnh, nhưng chính mình có thật sự thấy được những gì đang cần sự sửa đổi không?
Muốn có hành động đúng, lời nói đúng, suy nghĩ đúng, hành xử đúng, đức Phật dạy, trước hết chúng ta cần phải có một cái thấy cho sáng tỏ.
---o0o--¬
02.MÀ QUÊN SƯƠNG TUYẾT Tôi thích thơ Haiku. Mỗi chữ như hạt sương nhỏ chứa trọn một vầng trăng, mỗi câu thơ đơn sơ nhưng chuyên chở được cả một thực tại. Nơi tôi ở bây giờ là mùa đông. Mấy hôm trước trời có một cơn mưa tuyết. Buổi tối bước ra vườn, con đường nhỏ phủ tuyết màu trắng sáng xanh dưới ánh trăng. Chợt nhớ đến câu thơ của Basho:
Quét tuyết sương Mà quên sương tuyết Cây chổi trong vườn
Hình ảnh tuy đơn sơ nhưng người đọc vẫn cảm nhận được sâu sắc một sự tĩnh lặng và một thái độ vô cầu. Giữa cuộc đời, ta hãy làm những gì cần làm mà vẫn thong dong giữa những đến đi, mất còn trong cuộc sống.
---o0o--¬
03.CHỈ CẦN MỘT Ý THỨC SÁNG TỎ Trong đạo Phật có nói về một yếu tố giúp ta có được một cuộc sống thong dong hơn, bớt dính mắc hơn khi tiếp xúc với thực tại, đó là một cái thấy tự nhiên và trong sáng.
Có một câu chuyện về Tổ Long Thọ (Nagarjuna). Một anh ăn trộm tìm đến gặp ngài Long Thọ nói, "Thưa Thầy, con là một tên ăn trộm, nhưng con rất muốn được làm đệ tử của Thầy, con thật lòng và nhất định dầu cho Thầy có đuổi con cũng không đi. Xin Thầy hãy nhận con làm đệ tử, nhưng cũng xin Thầy đừng bắt con phải bỏ nghề ăn trộm này, vì con đã cố gắng từ bỏ nhiều lần nhưng không thể nào được!"
Ngài Long Thọ nhìn anh ta rồi nói, "Ta không có vấn đề hay lo ngại gì hết. Anh có tâm cầu đạo như vậy rất tốt, ta sẽ nhận anh làm đệ tử của ta. Từ nay anh hãy sống và làm những gì anh làm, nhưng ta chỉ có một điều kiện thôi: là anh phải có ý thức rõ ràng về những hành động của mình mà chỉ cần thấy đơn giản và tự nhiên thôi, chứ cũng không cần phải dụng công gì hết". Anh ăn trộm vui mừng nhận lời ngay, vì ngài không hề bắt anh phải từ bỏ nghề sống của mình.
Một tháng sau anh ăn trộm trở lại gặp ngài Long Thọ và nói, "Lời dạy của Thầy thật là khó thực hiện, vì mỗi khi con có ý thức rõ ràng thì tự nhiên con không thể nào làm chuyện bất thiện được, vì con thấy được nguyên nhân của khổ đau. Và những khi con bất cần, và cứ làm việc bất thiện, thì cái thấy trong sáng của con cũng không thể nào có mặt nữa!"
---o0o--¬
04.MỘT MẢNH TRĂNG LẤP ĐẦY Cuộc sống có những ràng buộc và bất an, nhưng ta vẫn có thể bước đi thong dong được, bạn có nghĩ vậy không? Quét tuyết sương, mà quên sương tuyết... Chúng ta không bao giờ chối bỏ được sự có mặt của khổ đau, nhưng chúng ta cũng có thể tiếp xúc được với hạnh phúc bằng một cái nhìn sáng tỏ.
Đối với tôi trong giờ phút này, hạnh phúc là được ngồi yên bên ly cà phê với một người bạn, nghe một lời kinh xưa, đi thiền hành dưới trời nắng ấm, hay được đọc một bài haiku hay... Còn bạn nghĩ sao? Mỗi phút giây này cũng là một giây phút duy nhất trong cuộc đời mình. Chúng ta có thể chán nản, phiền muộn về nó, hoặc chúng ta cũng có thể thấy những gì bình yên đang có mặt tự nhiên.
Trên đầu ngọn cây Khoảng trống nơi cành khô gãy Một mảnh trăng lấp đầy
Phan Thị Kiều Trang
Trong đêm khuya, nơi khoảng trống giữa những nhánh cây gầy guộc khô gãy ấy, bạn có thấy chăng một vầng trăng sáng.
---o0o--¬
05.LÀ THỰC TẠI TỰ NHIÊN Thiền sư Lâm Tế có nói về địa hành thần thông, có nghĩa là ta đang thể hiện thần thông trong mỗi bước chân của mình. Sự tu tập không phải để giúp ta đạt được những khả năng phi thường như là đi được trên lửa, bay trên mây hoặc bước trên mặt nước, mà phép lạ là đi trên mặt đất. Và khi ta ý thức được rằng những gì ta muốn chưa chắc gì sẽ có mặt ở nơi ta đến, nhưng lúc nào cũng có thể có mặt trong bước ta đi, ta thanh thản và thật sự có mặt với mỗi bước chân của mình. Phép lạ không phải là làm sao để mình vượt qua hoặc tránh né, mà là để thật sự có mặt trong thực tại.
Có lẽ, lý thuyết thì bao giờ cũng dễ hơn thực hành! Nhưng tôi nghĩ, tất cả đều bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức và cái nhìn của mình mà thôi. Muốn có cái thấy sáng tỏ ấy ta phải dùng đến thần nhãn của mình. Ta thường cho rằng, người có thần nhãn là người có thể nhìn xuyết suốt được qua khắp ba nghìn thế giới, thấy được quá khứ và tương lai, hoặc nhìn thấy được hào quang của Phật... Nhưng có lẽ ngài Lâm Tế sẽ nghĩ khác, thần nhãn là thấy được những gì đang có mặt trong giây phút này, như chúng thật sự là. Có tuyết sương thì ta quét sương tuyết, nhưng rồi ta nắm giữ lại làm gì, thì hạnh phúc cũng sẽ là một thực tại tự nhiên thôi, phải không bạn?