Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu tập Phật pháp »» Để có một tương lai tươi sáng hơn »»

Tu tập Phật pháp
»» Để có một tương lai tươi sáng hơn

Donate

(Lượt xem: 5.336)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Để có một tương lai tươi sáng hơn

Font chữ:

Từ dịch bệnh tang thương...

Tang thương ở đây không phải là “thương hải biến vi tang điền” như trong văn học, vì hẳn không ai trong chúng ta còn hứng khởi để “thương mây khóc gió” vào những ngày này. Tang thương là tang tóc và đau thương, dễ liên tưởng và vô cùng dễ hiểu ngay khi chúng ta vừa nghe đến hai từ này. Và tang thương đó đã bao trùm lấy chúng ta, cả nhân loại này, bất kể màu da trắng đen vàng đỏ, bất kể giàu nghèo sang hèn, và thậm chí cũng bất kể trẻ già trai gái. Từ khi dịch bệnh bắt đầu lây lan, các biên giới quốc gia dường như không còn tác dụng phân vạch, ngăn chặn. Những cái chết tăng dần ở nơi này rồi nơi kia trên khắp thế giới, cứ như thể chúng được gây ra bởi một quyền lực siêu nhiên nào đó mà con người hoàn toàn bất lực trong việc tránh né hay ngăn chặn.

Vào thời điểm này, trên màn hình máy tính của tôi hiện lên con số 3.254.809 người đã tử vong vì CoVid-19, sau hơn một năm hoành hành của dịch bệnh quái ác này. Nhớ lại những ngày đầu dịch bệnh lan tràn, cả thế giới nơm nớp lo sợ và từng ngày trông ngóng mong chờ kết quả nghiên cứu thuốc chủng ngừa. Mỗi buổi sáng, tin tức mà hầu như tất cả mọi người đều mong đợi chính là thông tin tiến triển về các loại thuốc chủng ngừa CoVid-19. Mọi người đều xem đó như một cái phao duy nhất để vượt qua biển kiếp nạn này.

Nhưng rồi thực tế không đơn giản như chúng ta mong đợi. Ngay cả khi thuốc chủng ngừa được đưa ra và hàng trăm triệu người nhanh chóng được tiêm chủng, thì cuộc sống bình an cũng không hề quay lại một cách nhanh chóng như mong muốn. Ngay tại đất nước với điều kiện tiêm chủng đầy đủ và nhanh chóng nhất là Hoa Kỳ thì trong những ngày qua vẫn có xấp xỉ 700 - 800 người tử vong mỗi ngày với hơn 40.000 trường hợp lây nhiễm mới. Tính trên toàn cầu, bất chấp nỗ lực tiêm chủng đang được đẩy nhanh, số người tử vong vẫn trên 10.000 mỗi ngày, vượt xa cả số người chết vì bom đạn trong những ngày chiến tranh khốc liệt nhất của loài người. Riêng trong ngày 4 tháng 5, tại Ấn Độ có 382.691 trường hợp lây nhiễm mới và 3.786 người tử vong vì CoVid-19.

Nhưng tang thương thực sự vẫn chưa dừng ở đó. Những biến chủng không thể đoán trước của virus còn đặt ra mối lo xa hơn nữa. Liệu trong cuộc đua biến chủng mới và chế tạo thuốc chủng mới, con người và virus, bên nào sẽ phải mất nhiều thời gian hơn? Câu trả lời không khó để đưa ra, vì trong khi chúng ta cần đến những quy trình nghiên cứu và thử nghiệm nhất định cho một loại vaccin mới, thì chúng ta lại không nắm hiểu được cụ thể những điều kiện nào sẽ tạo ra những chủng virus mới. Chúng ta không bi quan, nhưng phải thừa nhận một thực tế là trong cuộc chiến đấu tự vệ này, chúng ta có quá nhiều điều chưa biết, ngay cả khi sử dụng đến tất cả những tri thức khoa học hiện đại nhất vào thời điểm này. Nói một cách khác, vận mệnh nhân loại đang phụ thuộc vào một số yếu tố sắp đến mà chúng ta thực sự không hiểu rõ cũng như không nắm chắc.

Điều này nói ra nghe có vẻ như lạ kỳ và khó chấp nhận được vào một thời điểm mà chúng ta đã có thể dễ dàng đưa người lên cung trăng cũng như lăm le chinh phục sao Hỏa. Con người thực sự đang từng bước mở rộng hiểu biết trong nhiều lãnh vực, xóa nhòa và thu hẹp nhiều ranh giới trong tự nhiên. Giao tiếp giữa người với người trên toàn cầu không còn khoảng cách không gian, bởi âm thanh và hình ảnh được truyền đi gần như tức thời theo thời gian thực... Thế nhưng, với tất cả những thành tựu đó và ngay cả nhiều hơn thế nữa, nhân loại vẫn đang phải lúng túng không biết phải làm thế nào để thoát khỏi những ảnh hưởng không mong muốn từ loài virus nhỏ bé đến nỗi không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

... nghĩ đến trùng trùng duyên khởi

Liệu có phải đại dịch kinh hoàng này xảy ra như sự tình cờ, ngẫu nhiên hay chỉ là một sự rủi ro của nhân loại? Một số người có thể dễ dàng kết luận như vậy khi không đưa ra được những nguyên nhân rõ rệt và cụ thể, bởi ngay cả khi đã nhận dạng được virus thông qua các phương tiện khoa học hiện đại, thì người ta vẫn không thể trả lời được câu hỏi virus phát sinh từ đâu.

Thế nhưng cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật đã hoàn toàn không nghĩ như vậy. Ngài dạy, không có bất kỳ việc gì trên thế gian này xảy ra mà không có nguyên nhân. Hay nói một cách chính xác hơn, hết thảy mọi việc trên đời đều xuất hiện do nhân duyên và cũng mất đi do nhân duyên. Do đó, không có sự việc nào là tình cờ hay ngẫu nhiên cả. Khi các duyên hội tụ đầy đủ, một sự việc xảy ra, rồi khi các duyên tan rã, sự việc đó mất đi.

Dù vậy, không phải dễ dàng để có thể nhìn thấu suốt mọi nhân duyên trên cuộc đời này. Mọi nhân duyên đều có liên hệ, tương quan đến nhau một cách mật thiết như được trình bày trong nguyên lý duyên khởi là: “Do cái này sinh, cái kia sinh; do cái này diệt, cái kia diệt.” Mối tương quan đó được mở rộng ra khắp cả thế giới này, cho nên trong đó không một sự vật nào có thể tự nó khởi sinh hay tự nó mất đi.

Nguyên lý này có thể được hình dung qua một mô tả quen thuộc của phương Tây về hiệu ứng domino. Theo đó, ta có thể xếp các quân cờ domino đứng cạnh nhau trên một bàn dài sao cho khi xô ngã một quân cờ trong số đó, nó sẽ làm ngã quân cờ kế bên. Như vậy, hiệu ứng này sẽ tiếp tục lan tỏa cho đến khi tất cả các quân cờ đều ngã xuống.

Kinh Hoa Nghiêm mô tả bằng hình tượng khái quát và chính xác hơn, đó là một tấm lưới được kết bằng những viên ngọc quý của vua trời Đế-thích. Trong tấm lưới trời này, mỗi một viên ngọc sáng đều phản chiếu trong chính nó hình ảnh của những viên ngọc khác. Và như vậy, mỗi một thay đổi ở bất kỳ nơi đâu trong hệ thống này đều sẽ dẫn đến sự thay đổi trong toàn hệ thống.

Nói một cách cụ thể hơn, khi nhìn thực tại qua nguyên lý duyên khởi thì mỗi một sự việc xảy ra đều là kết quả của sự hội tụ những nhân duyên nhất định, nhưng đồng thời cũng là nhân duyên sẽ dẫn đến một sự việc khác. Chuỗi tương quan dây chuyền này được mở rộng không giới hạn đến tất cả các duyên hiện hữu trong thực tại, nên tính chất phức tạp của nó hầu như không thể nào nhận biết trọn vẹn qua suy luận thông thường. Mối tương quan cực kỳ phức tạp này được gọi theo ngôn ngữ Hoa Nghiêm là “trùng trùng duyên khởi”.

Vì là trùng trùng duyên khởi nên khi quán chiếu một cách sâu xa và đúng thật, chúng ta sẽ thấy không có bất kỳ một hành vi, sự việc nào của chúng ta lại không tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến những người quanh ta, đến môi trường quanh ta và đến tương lai của chính ta. Khi nhìn sự việc một cách hời hợt, thoáng qua, ta hoàn toàn không thể thấy được như vậy. Chẳng hạn, khi đốn ngã một cây xanh, chúng ta không hề nghĩ rằng mình đang góp phần hủy hoại cả trái đất này. Nhưng điều đó là có thật và mọi ngành khoa học ngày nay đều thừa nhận. Chúng ta không thấy được điều đó chỉ vì ta đã không quán chiếu sâu sắc và đúng thật. Một người bạn tôi nói rằng: “Khi viết một câu văn không cần thiết vào trong sách, chúng ta đang góp phần hủy hoại thế giới.” Nghe có vẻ như quá cường điệu và khó tin, nhưng quả thật đúng vậy. Những câu chữ không cần thiết đó sẽ chiếm thêm không gian trong sách, làm tăng thêm lượng giấy in, và do đó sẽ cần nhiều bột gỗ hơn để làm ra giấy, dẫn đến số cây xanh bị đốn hạ nhiều hơn, môi trường xấu đi nhanh hơn, vân vân và vân vân...

Duyên khởi không phải là một lý thuyết xa vời mà là một thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trước mắt chúng ta. Chỉ cần suy ngẫm nhiều hơn một chút theo hướng này, ta sẽ thấy ra được rất nhiều điều trong thực tế mà trước đây ta không hề nghĩ đến. Nhận hiểu tất cả là điều không thể được đối với hầu hết chúng ta, nhưng phớt lờ tất cả sẽ là thái độ của một người không có trí tuệ.

Từ sinh ly tử biệt...

Và khi nhìn sâu hơn vào sự việc theo hướng này, chúng ta nhận ra tang thương trong đại dịch không chỉ là tang tóc và đau thương của mỗi cá nhân, mỗi gia đình hay mỗi cộng đồng, mà đó là tang tóc và đau thương của tất cả chúng ta, của toàn nhân loại không phân biệt màu da, ngôn ngữ... Có bao nhiêu người nằm xuống là có bấy nhiêu gia đình đau khổ, cùng với biết bao bạn bè, thân quyến... Sự sống là một cái gì thiêng liêng, mầu nhiệm mà khi mất đi là vĩnh viễn không tìm lại được. Chúng ta không thể nào tạo ra sự sống theo cách ta đang sản xuất các món hàng công nghiệp, và do đó sự quý giá của sinh mạng là không thể phủ nhận.

Nhưng dù vậy, chúng ta sẽ không thể nào hiểu hết được giá trị của một sinh mạng nếu chưa từng trải qua nỗi đau mất mát một người thân. Cảm giác hụt hẫng và trống vắng sẽ kéo dài nhiều ngày, nhiều năm tháng, khi ta có đôi lúc hình dung như người thân ấy vẫn đang ở bên mình, rồi bất chợt thẫn thờ nhận ra sự thật là người ấy không còn nữa. Và càng đau đớn hơn khi ta chợt biết rằng mình phải chấp nhận sự thật là vĩnh viễn không bao giờ còn nhìn thấy hay nghe được tiếng nói, tiếng cười của người thân ấy... Sinh ly tử biệt là nỗi đau mà mọi thế hệ loài người từ xưa đến nay đều phải chịu đựng, nhưng đó vẫn là nỗi đau mà không một ai trong chúng ta có thể cảm nhận được đầy đủ trước khi tự mình trải qua. Và nỗi đau đó đang cùng lúc đến với nhiều triệu người trên khắp thế giới này khi hàng triệu sinh mạng đã và đang mất đi vì đại dịch.

... nghĩ đến sinh mạng muôn loài

Nhưng có phải chỉ riêng sinh mạng con người mới là đáng quý? Rõ ràng có gì đó không hợp lý với nhận định này. Chúng ta có thể chỉ ra những khác biệt về hình thể, về trí khôn hay vô số những khác biệt khác, nhưng khi xét đến những cảm xúc đau đớn hay sợ hãi, đến sự khao khát muốn sống còn và trốn chạy cái chết thì ta không thể nào tìm ra được sự khác biệt. Và ngay cả với những sinh vật nhỏ nhoi thì sinh mạng của chúng vẫn là duy nhất, một khi đã mất đi thì vĩnh viễn không thể nào tìm lại được.

Khi quan sát loài vật trong tự nhiên, ta không thể phủ nhận được những biểu hiện rõ ràng về tình cảm, cảm xúc. Và đối với những con vật gần gũi như chó, mèo... thì những biểu hiện này lại càng rõ rệt. Lẽ nào lại có khác biệt giữa sự mừng vui của một con chó khi đón chủ về với một con người khi gặp lại người thân? Cho dù ta có thể cố tình biện bác, phủ nhận, cho rằng đó chỉ là một con chó... nhưng tự sâu thẳm trong lòng ta chắc chắn có một cảm nhận bằng trực giác luôn cho ta thấy rằng, những cảm xúc như vậy là hoàn toàn không khác biệt. Tương tự, những con vật chắc chắn cũng phải trải qua nỗi sợ hãi, đau đớn kinh hoàng không khác gì chúng ta khi đứng trước cái chết.

Nếu như sự sống là “những cung bậc khác nhau của cảm xúc” như mô tả của một nhà thơ, thì rõ ràng sự sống của muôn loài cũng không khác gì với sự sống của chúng ta, vì chúng cũng được nối liền bởi những cảm xúc khác nhau cho đến nỗi đau đớn cuối cùng là cái chết.

Đạo Phật thừa nhận điều này và xem tất cả muôn loài có sự sống đều là chúng sinh, đều là hữu tình. Do vậy, nếu có một người Phật tử nào đó vẫn ghi nhớ lời nguyện “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ” nhưng trong thực tế lại không thừa nhận giá trị quý báu của sinh mạng muôn loài thì đó sẽ là điều hoàn toàn không hợp lý.

Con người đã lạm dụng một cách nghiêm trọng sự quý báu của sinh mạng khi tự cho mình quyền “sản xuất” ra các sinh mạng thông qua các trại chăn nuôi đủ loại. Ở đó, các sinh mạng được tạo ra theo ý muốn của con người và rồi cũng bị tước đoạt đi để phục vụ ý muốn của con người. Đây là một kiểu “luật của kẻ mạnh” và thực sự can thiệp thô bạo vào môi trường tự nhiên cũng như gieo rắc những nỗi đau đớn kinh hoàng cho muôn loài.

Do tính chất quý báu và duy nhất của sinh mạng, không ai có quyền sở hữu một sinh mạng. Trong xã hội loài người, cha mẹ sinh con cũng không hề “sở hữu” đứa con ấy theo ý nghĩa muốn làm gì cũng được. Tương tự, chúng ta không thể lập luận theo cách những sinh mạng do mình “tạo ra” thì chính mình cũng có quyền tước đoạt. Tuy nhiên, lập luận vô lý này vẫn đã và đang được tuân theo, dẫn đến hàng trăm triệu sinh mạng bị giết hại mỗi ngày trên toàn thế giới. Đó là chưa kể đến vô số những sinh mạng trong tự nhiên giữa sông hồ, biển khơi bị con người đánh bắt và giết hại. Nhìn theo lý duyên khởi, có lẽ nào những sự giết hại khủng khiếp này không tạo ra bất kỳ một ảnh hưởng nào?

Suy ngẫm về trách nhiệm cá nhân...

Nhưng liệu chúng ta làm được gì trong một thế giới mà sự giết hại hàng loạt như trên đã được thừa nhận như một điều hết sức bình thường? Có vẻ như việc thay đổi là bất khả thi. Dạo qua một vòng trong siêu thị, hãy thử hình dung sẽ thế nào nếu tất cả các thực phẩm như trứng, sữa, thịt, cá... đều đồng loạt biến mất? Chắc chắn sẽ phải có hàng trăm triệu công nhân mất việc, hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nông ngư trại đóng cửa và một sự sụp đổ tất yếu của nền kinh tế là có thể hình dung được. Không ai muốn những điều đó xảy ra, và như vậy phải chăng mỗi chúng ta đều không thể làm được gì, bất kể ta nhận thức ra sao về sự việc?

Trong thực tế, cách đây hơn 25 thế kỷ khi đức Phật lần đầu tiên tuyên bố “không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ” thì xã hội Ấn Độ nói riêng, nhân loại nói chung vẫn đang trong đêm dài phân biệt giai cấp. Ngài đã tự mình vượt ra khỏi quan niệm bất công ấy, và cũng đã xây dựng một Tăng đoàn quanh ngài xóa bỏ quan niệm bất công ấy. Từ đó đến nay, vô số Phật tử tin theo lời dạy của ngài cũng đã sống và đấu tranh cho một xã hội công bằng không giai cấp. Thế nhưng, mãi đến hôm nay thì các giai cấp xã hội vẫn tồn tại ngay chính trên quê hương Ấn Độ của ngài. Đó là sự thật. Điều đó nói lên rằng, để thay đổi một xã hội, một cộng đồng không phải là chuyện dễ dàng hay nằm trong khả năng của một cá nhân.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta vẫn phải nhắm mắt đi theo khuynh hướng chung của xã hội dù nhận biết đó là không đúng. Bản thân đức Phật cũng biết rằng ngài không thể làm thay đổi triệt để toàn xã hội Ấn Độ, nhưng ngài đã chọn sống theo quan điểm đúng đắn của mình và dạy cho nhiều người khác cùng sống theo quan điểm đó. Cũng vậy, tuy chúng ta không thể làm thay đổi những sự giết hại hàng loạt trong xã hội hôm nay, nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền chọn cho riêng mình một cách sống.

Xét theo ý nghĩa Chánh mạng và Chánh nghiệp như trong Bát chánh đạo mà đức Phật đã dạy, người Phật tử sẽ không tham gia vào bất cứ hành vi, nghề nghiệp nào liên quan đến việc giết hại sinh mạng muôn loài.

Điều này nghe qua có vẻ như khá đơn giản, nhưng xét kỹ thì không đơn giản thế. Cứ cho là chúng ta có thể cố gắng né tránh những nghề nghiệp liên quan đến sự giết hại như săn bắt, chài lưới, giết mổ, buôn bán thịt cá v.v... nhưng còn những hành vi có liên quan thì sao? Liệu việc tiêu thụ thịt cá bán sẵn nơi siêu thị có phải là hành vi liên quan đến sự giết hại hay không?

Rất nhiều người biện hộ rằng họ không hề trực tiếp giết hại, và những thịt cá mà họ mua đó là con vật đã chết rồi, dù không mua thì cũng không ai có thể làm cho con vật ấy sống lại. Nhưng nói như vậy là ngụy biện và cố tình quên đi một phần những lời Phật dạy. Trong văn sám hối phân biệt rất rõ ràng các trường hợp phạm vào tội lỗi: “Hoặc tự mình làm, hoặc bảo người khác làm, hoặc thấy người khác làm mà vui theo.” Ở đây, chỉ có thể tránh được trường hợp thứ nhất: không tự mình giết hại. Nhưng trong ý nghĩa “bảo người khác làm” hoặc “thấy người khác làm mà vui theo” thì đã quá rõ. Một khi chúng ta trả tiền để mua thịt con vật thì đó chính là “bảo người khác” hãy giết thêm những con vật khác. Quy chế cung cầu trong thị trường vốn rất rõ ràng, không có nhu cầu thì không có sự cung ứng, không có người mua thì sẽ không có người bán. Cho nên, khi vẫn tiếp tục làm người tiêu thụ xương thịt chúng sinh thì ta không thể tự mình “miễn trừ trách nhiệm” trước hành vi giết hại của người khác, vì rõ ràng trong đó có sự tán thành và góp sức của ta.

... để có một tương lai tươi sáng hơn

Như vậy, muốn “thoát tội” trong một thế giới mà mỗi ngày đều đặn có hơn hai trăm triệu sinh mạng bị cướp đoạt như hiện nay, trước hết chúng ta phải tự mình nói không với mọi hành vi liên quan đến sự giết hại. Điều này thật không dễ.

Không cần nhắc tới quan điểm “vật dưỡng nhân” hết sức phi lý vì vô cớ tự mình ban cho mình quyền giết hại, tước đoạt sinh mạng muôn loài, không ít người còn viện dẫn chính đức Phật để biện hộ cho việc ăn nuốt xương thịt chúng sinh bằng cách nhắc đến “tam tịnh nhục” hay ba món “thịt sạch”. Họ nói rằng chính đức Phật đã cho phép các vị tỳ-kheo dùng ba món “thịt sạch”, tức là thịt của những con vật mà mình không nhìn thấy bị giết, không nghe tiếng kêu khi con vật bị giết và không nghi ngờ là con vật ấy bị giết vì mình.

Tuy nhiên, trong thực tế có hai điều cần phải cân nhắc khi nói như vậy. Thứ nhất, vào thời đức Phật, việc giết súc vật để cúng tế là điều bình thường, cũng như khái niệm ăn chay còn rất xa lạ với đa số mọi người. Do vậy, nếu muốn khuyên người khác từ bỏ ngay tức khắc việc ăn thịt là điều không thể được. Tam tịnh nhục có thể xem là một bước dừng lại việc ăn tất cả các loại thịt, để từ đó mới chuẩn bị cho một sự thay đổi thói quen ăn uống. Thứ hai, các vị tỳ-kheo vào thời đức Phật sống hoàn toàn nhờ vào việc đi khất thực, trong khi dân chúng chưa hề biết ăn chay thì tất nhiên những thức ăn mà họ cúng dường đa phần cũng không thể chay tịnh. Như vậy, chấp nhận tam tịnh nhục là một giải pháp để các vị tỳ-kheo có thể tùy thuận, “gặp gì ăn nấy” trong hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ, nhưng đồng thời cũng ngăn cản được việc những Phật tử quá nhiệt tâm có thể chủ ý giết hại súc vật để cúng dường, vì nếu họ làm như thế sẽ không được các vị tỳ-kheo thọ nhận.

Trong hoàn cảnh ngày nay, viện dẫn tam tịnh nhục là điều vô lý. Bởi nếu chúng ta là người ăn thịt thì tất cả những con vật bị giết để lấy thịt chắc chắn đều là bị giết vì chúng ta, không cần phải nghi ngờ gì cả. Khách hàng là “thượng đế”, và một khi “thượng đế” chấp nhận trả tiền thì cũng không khác gì ra lệnh giết hại.

Nói như thế, liệu có phải là cố khuyên tất cả mọi người phải ăn chay? Không hẳn thế, và thật ra dù có khuyên như vậy cũng chẳng ích lợi gì. Ngày trước, có một người tìm đến với ngài Long Thụ và thành thật thưa rằng: “Bạch thầy, con rất muốn quy y theo thầy, nhưng từ lâu con đã là một tên trộm và con không thể nào cưỡng lại được thói quen cũng như lòng ham muốn đi ăn trộm. Liệu thầy có bắt buộc con phải từ bỏ việc ăn trộm hay chăng?”

Ngài Long Thụ nói: “Không, ta không có quyền bảo anh làm hay không làm một việc gì. Anh muốn làm gì đều là quyền quyết định của chính anh. Nếu anh thực sự muốn đi ăn trộm, hãy cứ tiếp tục. Nhưng nếu anh gọi ta là thầy, hẳn ta phải có gì đó để dạy anh. Vậy thì thế này nhé, anh cứ tiếp tục việc ăn trộm, nhưng hãy ghi nhớ lời dạy này của ta: Dù làm bất cứ việc gì cũng phải luôn tỉnh giác, phải biết rõ mình đang làm gì. Chỉ có vậy thôi.”

Người học trò vâng lời thầy và cảm thấy thật thoải mái khi có thể đi theo tu học với thầy mà không phải từ bỏ việc ăn trộm. Thế nhưng, chỉ mấy hôm sau anh ta quay lại gặp thầy và nói: “Bạch thầy, con không thể! Khi con duy trì sự tỉnh giác như thầy nói, con không thể nào ăn trộm được nữa. Khi leo tường vào, con biết mình đang làm một việc phạm pháp và điều đó khiến con không thoải mái. Khi tiếp tục vào được trong nhà, con biết rõ mình đang lén lút tránh né mọi người, và điều đó khiến cho thói quen cũng như sự ham muốn của con tan biến hoàn toàn. Thậm chí khi sắp lấy được một món đồ quý giá, con cũng biết rõ mình đang gây đau khổ cho người khác và hoàn toàn có nguy cơ bị phát hiện... Nói chung, khi con giữ được sự tỉnh giác như lời thầy dạy, con không thể thực hiện hành vi ăn trộm giống như trước đây con vẫn làm hết sức dễ dàng.”

Thế là từ đó, anh trở thành một vị tỳ-kheo tinh tấn tu tập.

Ở đây, tôi muốn nhắc lại lời ngài Long Thụ theo một cách khác hơn. Không ai có quyền bảo chúng ta làm hay không làm một việc gì. Muốn làm việc gì và làm như thế nào đều do nơi quyết định của chính chúng ta. Tuy nhiên, là người con Phật, xin hãy luôn làm với sự tỉnh giác, rõ biết. Đức Phật dạy các vị tỳ-kheo trước mỗi bữa ăn đều phải thực hiện 5 điều quán tưởng. Thứ nhất, quán xét công lao của người làm ra thực phẩm, từ đâu mang đến cho mình. Thứ hai, quán xét đức độ, công hạnh của chính mình, có xứng đáng để thọ nhận sự cúng dường đó hay không. Thứ ba, giữ tâm tỉnh giác, xa lìa lỗi lầm, nhất là sự tham muốn đối với thức ăn. Thứ tư, quán xét thức ăn như liều thuốc trị bệnh cho thân thể, vì muốn trừ sự đói khát, giữ thân khỏe mạnh nên dùng thức ăn này cũng như uống thuốc. Thứ năm, luôn tâm niệm vì thành tựu sự nghiệp tu tập nên mới thọ nhận thức ăn này.

Người cư sĩ tất nhiên không đủ sức quán chiếu theo những nội dung như thế, nhưng giữ tâm tỉnh giác là điều nên làm và có thể làm. Khi tỉnh giác, chúng ta sẽ không ngồi vào bàn ăn với tâm trí để ở tận đâu đâu, mà sẽ nhận biết rõ ràng về những món ăn trước mắt mình. Như vậy, trước khi ăn ta có thể dành một vài phút để quán xét xem món ăn được làm ra như thế nào. Bằng cách đó, thịt không chỉ là thịt, mà qua đó ta có thể thấy được, hình dung được những con vật đã bị giết chết như thế nào để có miếng thịt ta ăn. Thậm chí có những trường hợp mà không cần quán chiếu sâu xa ta vẫn có thể nhìn thấy rất dễ dàng, chỉ cần ta có sự tỉnh giác. Chẳng hạn, có lần tôi dự tiệc cưới và ngồi chung bàn với nhiều người khác. Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn người ta bỏ những con tôm còn sống vào chảo nóng, và để chúng không nhảy tung được ra bên ngoài, họ dùng nắp thủy tinh đậy lại và dằn chặt bên trên. Những con tôm tiếp tục vùng vẫy vô vọng trong nồi cho đến khi chết hẳn... Mặc dù vậy, những người ngồi cùng bàn với tôi không hề biểu lộ chút quan tâm nào. Họ tiếp tục cười nói thản nhiên và đợi cho món ăn chín hẳn, nắp nồi được mở ra... Thiếu sự tỉnh giác, họ vẫn ngồi đó nhưng hoàn toàn không nhận biết gì về sự việc đang xảy ra.

Quý vị có thể tiếp tục việc ăn thịt nếu muốn, nhưng xin hãy ăn với sự tỉnh giác. Chỉ cần như vậy, chính quý vị sẽ quyết định việc mình còn tiếp tục ăn thịt được trong bao lâu và có thể duy trì sự ham muốn đó đến mức độ nào. Không ai khác có thể ép buộc hay làm thay cho quý vị những điều đó.

Thế giới này vẫn vận hành theo những nhân duyên đang hội tụ. Dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt, cho dù thuốc chủng ngừa đã được dùng ở nhiều nơi. Trong tuần qua, mỗi ngày vẫn có hơn mười ngàn người chết vì dịch bệnh. Không ai biết chắc được tương lai sắp đến rồi sẽ như thế nào, nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta nên quay nhìn lại chính mình. Từ những khổ đau tang tóc mà nhân loại đang gánh chịu vì dịch bệnh cướp đi mỗi ngày hàng chục ngàn sinh mạng, lẽ nào chúng ta không cảm nhận được những khổ đau tương đồng khi mỗi ngày chúng ta vẫn ra tay cướp đoạt khỏi thế giới này hàng trăm triệu sinh mạng khác, cũng quý giá như sinh mạng của chính ta?

Mặc dù vậy, nếu quý vị là một người ăn chay và phê phán những người ăn thịt, chắc chắn là quý vị đang mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. Thật ra, hầu hết - nếu không muốn nói là tất cả - những người ăn thịt đều nhận thức rất rõ về các vấn đề đạo đức cũng như cảm xúc liên quan đến việc ăn thịt. Thậm chí nhiều người trong số họ còn rất giàu cảm xúc và hiểu biết rất sâu xa. Nhưng tại sao họ vẫn tiếp tục ăn thịt khi biết rằng điều đó gây ra những đau đớn, khổ sở kinh hoàng cho những con vật bị cướp đi mạng sống?

Vấn đề ở đây chính là sự tỉnh giác. Như người học trò của ngài Long Thụ trong câu chuyện trên, anh ta hoàn toàn biết rõ việc làm của mình là sai trái, tội lỗi, nhưng vẫn không cưỡng lại được thói quen và sự ham muốn ăn trộm. Ngài Long Thụ đã không hề ngăn cản hoặc khuyên răn anh phải từ bỏ việc ăn trộm, chỉ dạy cho anh sự tỉnh giác trong cuộc sống. Và một khi có sự tỉnh giác, chính anh đã quyết định từ bỏ việc ăn trộm.

Giết hại muôn loài để ăn thịt không phải là việc tốt, dù nhìn từ bất kỳ khía cạnh nào, đạo đức hay lẽ phải. Nhưng rất nhiều người vẫn tiếp tục ăn thịt, đó chính là do thói quen và sự ham muốn. Vì không có sự tỉnh giác trong đời sống nên họ mới tham gia vào sự giết hại mà không hề tự rõ biết việc mình đang làm. Một khi có sự tỉnh giác, chắc chắn tự họ sẽ có quyết định đúng đắn.

Cho dù quý vị có hiểu biết và nhận thức rất nhiều, nếu thiếu sự tỉnh giác, quý vị sẽ không ngồi vào bàn ăn với những hiểu biết và nhận thức đó. Quý vị sẽ ăn với thói quen và sự ham muốn, và do đó việc ăn thịt được thực hiện rất dễ dàng. Nhưng nếu có sự tỉnh giác, khi nhai một miếng thịt, quý vị sẽ rõ biết thịt ấy từ đâu đến, và phải trải qua những sự việc gì để có một miếng thịt quý vị đang nhai nuốt. Trong thực tế, thói quen và sự ham muốn sẽ tiêu tan khi có mặt sự tỉnh giác này.

Đạo Phật là đạo của Từ Bi và Trí Tuệ Như Thật. Khi nhìn một đĩa thịt và thấy ra những đau đớn, oán hận của con vật bị giết, đó không phải là sự cường điệu, triết lý suông hoặc nói theo Kinh điển. Đó là cách nhìn sự việc hoàn toàn đúng thật như đã và đang xảy ra. Khi ta không nhìn thấy như vậy, chỉ là vì ta thiếu sự tỉnh giác.

Nghiệp (karma) được tạo ra từ hành vi của mỗi chúng ta, thông qua việc làm, lời nói và ý nghĩ. Chúng ta ăn những món gì đều là hành vi có chủ ý của ta, không thể nói là không tạo nghiệp. Và nghiệp tốt hay xấu phụ thuộc vào tính chất của hành vi được thực hiện. Sự tỉnh giác sẽ luôn luôn giúp ta có một cái nhìn đúng thật để không tạo ra nghiệp bất thiện. Tương lai phụ thuộc vào chính những gì ta đang tạo tác hôm nay. Một tương lai bình an tươi sáng nhất định không thể nào có được từ nghiệp giết hại, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Hãy sống tỉnh giác để có một tương lai tươi sáng hơn.

__________________________

Bài viết này viết lúc Ba tôi đang hấp hối và hoàn tất lúc Ông Cụ qua đời tại Việt Nam trong lúc tôi đang ở tại California, Hoa Kỳ.
Nếu có chút lợi lạc nào cho chúng sinh hữu tình từ nay về sau, nguyện hồi hướng tất cả công đức cho Ba tôi được siêu sinh Tịnh Độ.
Nam-mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1501 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.252.9 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (1 lượt xem) - ... ...