GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG Phật lịch: 2564 – Số: 04/VTT/KTUT/TKT Kính gửi:– Chư Tôn Trưởng Lão, – Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-già nhị bộKính bạch Chư Tôn đức, Ba tháng Hạ an cư đã qua, Tăng tự tứ cũng đã viên mãn, và tháng Hậu Ca-đề cũng bắt đầu. Đây là thời gian mà một số điều Phật chế định được nới lỏng để cho chúng đệ tử có thể bổ túc những nhu cầu thiếu sót trong đời sống hằng ngày. Cùng chung niềm vui của bốn chúng, nương theo uy đức Tăng-già, tôi kính gởi đến Chư Tôn đức lời chúc mừng đã hoàn mãn ba tháng tĩnh tu trong nguồn Pháp lạc tịnh diệu, phước trí tư lương sung mãn.
Nhân đây, thỉnh nguyện Chư Tôn Trưởng Lão cùng hòa hiệp thảo luận một số vấn đề, từ những nhu cầu sinh hoạt thường nhật, tất yếu không thể tách ngoài các mối quan hệ xã hội mà bản chất là hư danh và lợi dưỡng, nếu vượt quá giới hạn mà Đức Thích Tôn đã thi thiết, sẽ dẫn đến, và thực tế như đang thấy, đã dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, phân hóa trong cộng đồng chúng đệ tử xuất gia, khiến cho những ai không tin Phật pháp lại càng không tin, những ai đã tin thì tín tâm dao động và thoái thất.
Tăng-già, chúng đệ tử mà Đức Thích Tôn đã thiết lập bằng Pháp và Luật thiện thuyết, liên tục truyền thừa không gián đoạn, trải qua trên 2500 năm, hoằng hóa trên một phạm vi rộng lớn, cho đến nay đã hiện diện khắp năm châu. Do bối cảnh lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng dị biệt trong mỗi địa vực và dân tộc khác nhau mà Giáo pháp được truyền đến, mỗi nơi tiếp thu phù hợp với truyền thống cá biệt của dân tộc mình, đã không làm lu mờ truyền thống ấy mà còn hỗ trợ phát huy những giá trị cá biệt của dân tộc thành những giá trị phổ quát của nhân loại, đồng thời cũng không làm thay đổi Chân lý mà Đức Thích Tôn đã chứng ngộ và công bố vì mục đích an lạc của tất cả mọi loài chúng sinh.
Trong lịch sử hoằng hóa lâu dài, Tăng-già, chúng đệ tử Phật, tự thể vốn thanh tịnh và hòa hiệp, là cỗ xe vững chắc mà Đức Thích Tôn đã tác thành có đầy uy đức để đưa ánh sáng Chánh pháp đến nơi xa xôi, vượt qua những bão tố giữa Ấn độ dương và Thái bình dương, vượt qua dải sa mạc nối liền hai nền văn minh lâu đời của nhân loại, chỉ bằng đức từ vô lượng, không bằng bất cứ bạo lực, quyền lực thống trị nào vốn đã nhuộm đầy máu và nước mắt bởi tham dục, hận thù.
Sức mạnh ấy do đâu? Tất nhiên không từ gươm giáo, mà từ thể tính thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già. Tăng-già, tuy không phải thuần nhất là cộng đồng của các Thánh giả mà là Thánh phàm đồng trụ, được Đức Thích Tôn thiết lập và đặt vào hàng Tam Bảo, là nơi nương tựa an toàn cho những ai tầm cầu an lạc cho bản thân, định hướng cho ý nghĩa sinh tồn của mình trong đời này và trong nhiều đời sau.
Các cộng đồng thế gian, tụ tập nhiều thành phần khác nhau thành một khối vì cùng chung mục đích quyền lợi thế tục, cùng lập những giá trị đạo đức để củng cố cộng đồng tồn tại trong môi trường đấu tranh sinh tồn. Giá trị đạo đức và tinh thần hòa hiệp đoàn kết sẽ biến đổi theo thời gian, khi mà thiên nhiên và lịch sử biến thiên khiến cho mục đích chung ban đầu trở thành mâu thuẫn tranh chấp. Những biến cố thiên nhiên và lịch sử đã thay đổi tâm tính con người.
Xã hội Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc, với những giá trị truyền thống trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dưới áp lực chính trị và tôn giáo của chính quyền thực dân, cũng phải dần dần biến đổi. Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh lịch sử đó cũng không thể đứng ngoài những biến đổi như vậy, tự thân cần phải tùy thuận biến đổi trước những cơ cấu tổ chức mới mẻ của các tôn giáo đến từ phương Tây, để không bị nhận chìm trong dòng xoáy thời đại, và cùng kết hợp với các phong trào yêu nước duy trì bản sắc và tính thể của dân tộc, để tồn tại với những giá trị truyền thống được tác thành bằng máu và nước mắt qua nhiều thế hệ. Ý thức về các tổ chức hội đoàn theo mẫu phương Tây được xây dựng, nhưng cơ cấu tổ chức một Giáo hội rập khuôn theo mẫu phương Tây thì không thể. Trước hết, theo luật pháp của chính quyền thực dân, và chính sách bảo hộ thuộc địa, Phật giáo không được thừa nhận như một tôn giáo. Thứ nữa, Giáo hội theo một cơ cấu trung ương tập quyền là điều đã không được Thích Tôn hứa khả, như thỉnh vấn của Tôn giả A-nan trước thời Đức Thế Tôn nhập diệt, và sau đó là giải thích của Tôn giả A-nan cho vị Đại thần của vua A-xà-thế, Đại thần Vũ-xá. Do vậy, vận dụng phương tiện thiện xảo, Chư Tôn túc đã thiết lập các hội đoàn Phật giáo mà y xứ căn bản là Tăng-già, trong đó tụ hội các cư sĩ tại gia, từ tầng lớp lão thành cho đến thanh thiếu niên, vừa học đạo và hành đạo, thành tựu tín tâm kiên định trước các luồng tư tưởng triết học tôn giáo mới, và cũng trên cơ sở nhận thức đó, bằng nguồn lực gia trì bi-trí-dũng, mà hiến mình cho sự tồn vong của dân tộc, vì sự an lạc của muôn dân.
Sau Pháp nạn 1963, một Giáo Hội được thành lập, thống nhất các hệ Tăng-già, đồng thời hội tụ các hội đoàn cư sĩ: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, gồm đủ bốn chúng, với một bản Hiến chương hoàn chỉnh trong bối cảnh bấy giờ, công bố mục đích và trách nhiệm đối với sự tồn vong của dân tộc và sứ mệnh hoằng truyền Chánh pháp.
Trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn mang màu sắc ý thức hệ, giữa lúc các cường quốc đang đấu tranh vẽ lại bản đồ quyền lực thế giới, một Giáo Hội gồm đủ bốn chúng, tuy căn bản sở y vẫn là Tăng-già thống nhất hai hệ truyền thừa, Nguyên thủy, và Đại thừa, bấy giờ thật sự khó tránh khỏi những chao đảo, bởi các thế lực chính trị quốc gia và quốc tế đã thông qua một số bộ phận cư sĩ khuynh loát Giáo Hội để tập hợp quần chúng nhân dân mà đại bộ phận là Phật tử phục vụ cho tham vọng thống trị. Tuy vậy, trong khi cán cân đấu tranh quyền lực đang được quân bình trong một xã hội dân chủ, Giáo Hội đã thể hiện kiên định lý tưởng phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc. Nhưng một khi cán cân quyền lực lệch hướng, một quyền lực duy nhất làm chủ vận mệnh đất nước, cơ cấu Giáo Hội bị biến thể, một Giáo hội mới được thành lập với định hướng Đạo Pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa. Bộ phận chính yếu của Giáo hội mới vẫn là hai hệ Tăng-già, nhưng được đặt dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc, cơ cấu ngoại vi của một Đảng chính trị chuyên chính, trực tiếp điều hành bởi Ban Tôn Giáo Chính phủ, nắm quyền duyệt y các chức vụ của hàng giáo phẩm từ trung ương đến địa phương. Giáo hội ấy, được phép rao giảng Giáo lý nhưng phải phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Một định hướng mơ hồ trên cơ sở triết học biện chứng duy vật sử quan và cũng mơ hồ không kém khi áp đặt vào lịch sử Việt Nam, trong quá khứ cũng như hiện tại.
Cho đến khi hai vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ được phóng thích, năm 1998, Đại hội VIII GHPGVNTN năm 1999, được triệu tập tại Hoa Kỳ theo quyết định từ ba vị lãnh đạo tối cao trong Giáo Hội: Hòa thượng Thích Đức Nhuận, nguyên Chánh Thư ký Viện Tăng Thống; Hòa thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo; Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo. Đại hội đã quyết định chính thức phục hưng cơ cấu tổ chức của Giáo Hội, tuy chỉ trong hình thái cơ cấu khung. Đại hội gồm các đại biểu của hai hệ Tăng-già chính thống, là những vị đã từng sinh hoạt trong Giáo hội vào thời chiến tranh, bấy giờ đang hành đạo trong ba châu lục: Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Úc, đã đồng tâm nhất trí suy cử bốn vị lãnh đạo: Hòa thượng Thích Huyền Quang, Quyền Xử lý Viện Tăng Thống; Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Cố vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo; Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo; Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo.
Đây là một Giáo Hội cơ cấu khung, các vị lãnh đạo đều ở trong nước, nhưng thực tế là một Giáo Hội lưu vong, vì mọi sinh hoạt Phật sự đều được ủy thác cho Văn phòng II tại Hoa Kỳ và Đại diện tại các châu lục, vẫn kiên định lập trường Đạo Pháp và Dân tộc, trong lý tưởng phụng sự dân tộc và nhân loại như đã được công bố trong bản Hiến chương nguyên thủy.
Một Giáo Hội dù trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt đã tích cực đóng góp không nhỏ về các phương diện giáo dục, văn hóa, xã hội, cho một nửa nước đang cùng các cộng đồng thế giới xu hướng đến một nền văn minh mới, trong kỷ nguyên mới tổng hợp những giá trị tâm linh phương Đông với những tiến bộ khoa học kỹ thuật phương Tây, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Giáo hội ấy đã bị quyền lực thế gian cố tình vùi lấp vào quá khứ, ý đồ để cho thế hệ lớn lên trong hòa bình không hề biết đến. Tuy vậy, Giáo Hội vẫn kiên định lý tưởng phụng sự Dân tộc – Đạo pháp trong hình thái cơ cấu khung, như ngọn đèn lu trước gió chẳng mấy chốc quá khứ lại được bừng sáng, một thế hệ mới được giáo dục trong chiến tranh, trưởng thành trong hòa bình dưới muôn vàn khó khăn, đến lúc đã nhận thức rõ sứ mệnh kế thừa. Từ những nhân tố đó, Đại hội Nguyên Thiều năm 2003 được vận tập ngay trong vòng vây của lực lượng công an hùng hậu, Giáo Hội đã kiện toàn cơ cấu của hai Viện với sự tán trợ của Chư Trưởng lão đã từng là hàng Giáo phẩm Trung ương lãnh đạo Giáo hội trong thời chiến tranh bấy giờ đang lưu vong Hải ngoại. Ngay sau đó, sự biến Lương Sơn đã báo hiệu quyết tâm trấn áp của Chính quyền và những khó khăn mà Ban Lãnh đạo Giáo Hội cần đủ nghị lực và Tăng-già hòa hiệp để ứng phó.
Thế nhưng, trong tình trạng hận thù dân tộc kéo dài từ cuộc chiến huynh đệ tương tàn chưa nguôi, đất nước tuy hòa bình nhưng nhân tâm phân ly, xã hội phân tán, những năm tháng tủi nhục của các Phật tử trong các lao tù chưa được xóa nhòa, và nỗi đau của hàng vạn đồng bào lênh đênh trước sóng dữ và một số bị chôn vùi trong biển cả chưa được xoa dịu, đã nhanh chóng tác động lên Giáo Hội vừa phục hồi, nghi kỵ và mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện, cơ cấu Giáo Hội bắt đầu có dấu hiệu phân hóa từ hàng lãnh đạo, nguy cơ sụp đổ là điều khó tránh. Thực tế, cơ cấu Giáo Hội lần lượt phân hóa thành những chi phần nhỏ, mâu thuẫn và tranh chấp ngày càng căng thẳng. Còn lại chỉ là danh xưng không thực tế, không còn là tiếng nói chung của bốn chúng đệ tử, dù im lặng hay công khai, trong một đất nước trên 90 triệu dân. Trong tình cảnh đó, Hòa Thượng Trưởng lão Thích Quảng Độ, trong cương vị Tăng Thống GHPGVNTN, tự nhận trách nhiệm của mình trước lịch sử, phương tiện tùy nghi vô thi bất khả, đã đình chỉ tất cả mọi sinh hoạt Phật sự của Viện Hóa Đạo, và chỉ còn mình Ngài đứng đầu Viện Tăng Thống, ngõ hầu chấm dứt những tranh chấp vì hư danh và địa vị không tưởng làm hoen ố bản thể thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già, gây nên những con rối trong cộng đồng bốn chúng đệ tử đồng tu.
Cho đến những ngày tháng cuối cùng, bằng các tâm thư, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã thiết tha kêu gọi Tăng-già hòa hiệp. Một Giáo hội mà không y chỉ trên y xứ Tăng-già hòa hiệp chỉ là một ngôi nhà trên bãi cát, lực tự tồn còn chưa đủ, nói gì đến hoằng pháp lợi sanh.
Ngưỡng bạch Chư Tôn Trưởng Lão,
Thế giới đang lâm phải trận đại dịch, cùng với thiên tai trong nhiều khu vực trên thế giới, chưa từng có trong lịch sử. Đại nạn này vẫn chưa thể thức tỉnh nhân tâm trước nguy cơ hủy diệt. Sự suy thoái kinh tế, nạn đói trên mức toàn cầu có nguy cơ xảy ra, một phần thức tỉnh tình người, nhưng phần khác lại là nguyên nhân cho tranh chấp quyền lực của các cường quốc đang rắp tâm vẽ lại bản đồ thế giới lại càng gay cấn. Thế giới vẫn điên đảo trong vòng quay không định hướng bởi những cuồng vọng của con người.
Sau Thế chiến II, tham vọng chiếm ưu thế trong cán cân quyền lực dưới nhiệt độ của chiến tranh lạnh đã đẩy dân tộc Việt Nam vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, các thế hệ trẻ nối tiếp nhau ra chiến trường đổ máu cho những ý thức hệ mà ngay những kẻ lãnh đạo chiến tranh cũng không rõ đích thực nó mang chân lý và thông điệp gì cho nhân loại. Hậu quả là sau nửa thế kỷ hòa bình mà dân tộc vẫn lạc loài trong một thế giới mênh mông, đất nước vẫn chưa tiến lên để bước vào cộng đồng văn minh nhân loại với những giá trị phổ quát đã làm nên phẩm giá con người. Trước hiểm họa khó lường có thể làm sụp đổ khối song hành Dân tộc – Đạo Pháp, Thầy Tổ của chúng ta, các vị Sư trưởng, tuy không quên lời cảnh sách “bất năng trị quốc an bang”, đã không ngần ngại bước ra khỏi sơn môn, từ chốn già-lam tịch tĩnh tu trì, với kinh nghiệm chưa hề có trong đấu trường chính trị, đã có thể kiên trì giữ vững ý thức dân tộc.
Ngày nay, trước viễn tượng một dòng vận động phân chia lại quyền lực thống trị thế giới đang diễn biến, ngọn đèn Chánh pháp cần được thắp sáng như đã từng thắp sáng góp phần soi tỏ lối đi, như các Quân vương và trí thức Phật tử trong quá khứ đã cùng đại khối dân tộc vượt qua hiểm họa diệt vong, trí thức Phật tử Việt Nam hiện tại trong và ngoài nước từ sở học đến sở hành theo Giáo pháp, cùng với kiến thức thế pháp, cần có điều kiện để tập hợp chung một ý hướng, tạo nguồn nhận thức cho các thế hệ tương lai có đủ chất liệu sở tri, tự định hướng cho đời mình để phụng sự dân tộc. Thế nhưng, trí thức Phật tử trong nước theo con số thống kê do Nhà nước công bố chưa đầy 5% so với gần 100 triệu dân số cả nước; với con số thống kê chính thức ấy, trí thức Phật tử Việt Nam chưa bằng phân nửa tổng số dân của Sài Gòn hiện nay, thế thì tiếng nói của trí thức Phật tử trong các sự nghiệp văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, cũng chỉ là những tiếng nói lạc lõng, và Phật giáo Việt Nam với những tiến bộ vật chất chưa từng có, nếu có cũng chỉ là hiện tượng của một cơ thể béo phì, ám ảnh bởi những âm hồn ma quái dạo khắp phố phường, không đủ khả năng dự phân phát triển văn hóa, giáo dục.
Bộ phận trí thức Phật tử lưu vong Hải ngoại, có đủ điều kiện để thâu thái những tinh hoa trong các nền văn minh hiện đại, nhưng phần lớn đó lại là những người đã từng chịu khổ nhục trong các lao tù, hận thù và nghi kị vẫn còn là chướng ngại khó vượt qua. Các thế hệ tiếp theo trưởng thành và được giáo dục trong các nền giáo dục tiến bộ nhưng số lớn biết ít về lịch sử dân tộc, cho nên ý thức về sự tồn vong suy thịnh của dân tộc đôi khi cũng khá mơ hồ.
Trong bối cảnh đó, uy đức của Tăng-già cần được thể hiện bằng bản thể thanh tịnh và hòa hiệp làm cơ sở tụ hội của bốn chúng trong một Giáo Hội đầy đủ phẩm chất được dựng lên từ Chánh pháp. Tăng-già hòa hiệp sẽ là ngọn hải đăng bất động trước mọi sóng gió; hàng Phật tử tại gia nương theo ánh sáng bi-trí-dũng tỏa sáng từ Chánh pháp, để nhìn vào viễn tượng phân chia quyền lực thống trị thế giới đang hình thành mà xác định vị trí dân tộc đang ở đâu, từ đó định hướng phụng sự dân tộc và nhân loại từ sở học và sở hành của mình, và đồng thời gieo cảm hứng kế thừa cho các thế hệ con cháu như kế thừa huyết thống. Phật giáo Việt Nam không thể là một bộ phận đứng ngoài xu thế phát triển của dân tộc và thế giới. Các tự viện không phải là những cửa hàng kinh doanh tôn giáo; các Phật tử đi chùa không phải là những khách hàng tới lui theo định luật cung cầu của kinh tế học.
Ngưỡng bạch Chư Tôn Trưởng Lão chúng tri,
Tôi được ủy thác nhiệm vụ kế thừa, không phải kế thừa một chức vụ cao cả trong hàng giáo phẩm, mà chính xác là kế thừa tâm nguyện chưa được viên thành của Hòa Thượng Trưởng lão Thích Quảng Độ, muốn thấy uy đức Tăng-già được thể hiện trong bản thể thanh tịnh hóa hiệp, để từ đó phục hồi và kiện toàn cơ chế Giáo Hội. Bản thân tôi trước sau vẫn chỉ là nhà giáo dục, sự nghiệp suốt đời chỉ giới hạn trong những việc trước tác, phiên dịch kinh điển. Những khi cần đến kiến thức hàn lâm, Chư tôn Trưởng lão triệu tôi đến để thông diễn tôn ý cho bốn chúng đệ tử. Khi không cần thiết, tôi được phép trở về bản vị trong các giảng đường và thư viện. Trong hiện tại, với di chúc ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, trông lên Tổ đức uy nghiêm, vô khả nại hà, tôi cúi đầu lãnh thọ. Tuy nhiệm vụ kế thừa này được xem là cao cả nhưng trong thực tế chỉ có vai trò liên lạc, chuyển tải tôn ý giữa Chư Tôn đức, trong nước và Hải ngoại đang hoằng hóa tại các châu lục khác nhau, trong các quốc gia có những dị biệt về pháp luật, về hình thái xã hội do truyền thống dị biệt. Sự chuyển tải chư tôn ý này cũng cần đến kiến thức hàn lâm từ Kinh-Luật-Luận để không truyền đạt một cách sai lầm nội dung của chư tôn ý.
Nay, thời Hạ an cư đã viên mãn, bốn chúng đệ tử đang hoan hỷ với những công đức phước trí được tích tập làm hành trang thăng tiến trong Thánh đạo, ngưỡng mong Chư Tôn Trưởng lão tùy cơ duyên thuận tiện ân tứ tôi được tham kiến thỉnh vấn tôn ý về hướng đi của đạo pháp và dân tộc trong thế giới đầy biến động hiện tại, với kỳ nguyện của bốn chúng đệ tử được thấy một Giáo Hội được thiết lập từ uy đức của Tăng-già trong lý tưởng phụng sự hòa bình và an lạc của dân tộc và nhân loại.
Kính nguyện Chư Tôn đức thân tâm an lạc.
Phật lịch 2564, Tháng Hậu Ca-đề, năm Canh Tý Khâm thừa Ủy thác,
Khể thủBỉnh pháp Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ
(Đã ký)*
-