Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tây Vực Ký »» Quyển 11 »»

Tây Vực Ký
»» Quyển 11

Donate

(Lượt xem: 2.599)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tây Vực Ký - Quyển 11

Font chữ:

QUYỂN 11 - (23 nước)

● Nước Tăng Già La ● Nước Đồ-kiến-na-bổ-la ● Nước Ma-ha-lạt-sá ● Nước Bạt-lộc-yết-chiếp-bà ● Nước Ma-lạp-bà ● Nước A-trá-ly ● Nước Khế-trá ● Nước Phạt-lạp-tỳ ● Nước A-nan-đà-bổ-la ● Nước Tô-lạt-sá ● Nước Cù-chiết-la ● Nước Ổ-xà-diễn-na ● Nước Trịch-chỉ-đà ● Nước Ma-ê-thấp-phạt-la-bổ-la ● Nước Tín-độ ● Nước Mậu-la-tam-bộ-lô ● Nước Bát-phạt-đa ● Nước A-điểm-bà-sí-la ● Nước Lang-yết-la ● Nước Ba-lạt-tư ● Nước Tý-đa-thế-la ● Nước A-bổn-đồ ● Nước Phạt-lạt-noa

1. Nước Tăng-già-la

Nước Tăng-già-la chu vi khoảng 2.300 km. Chu vi kinh thành khoảng 13 km. Đất đai màu mỡ, khí hậu ấm nóng, lúa má gieo trồng theo thời vụ, có nhiều cây ăn trái đủ loại. Dân cư đông đúc, cuộc sống sung túc giàu có. Người dân thân hình thấp, màu da đen, tánh tình mạnh bạo nóng nảy, hiếu học, kính trọng người đức hạnh, siêng làm việc phước thiện.

Nước này [thuở xưa vốn] là một hòn đảo nhỏ, có nhiều trân bảo quý giá, là nơi cư ngụ của quỷ thần. Về sau, ở miền Nam Ấn có một vị quốc vương gả con gái cho vua nước bên cạnh, chọn ngày lành tháng tốt đưa cô dâu về nhà chồng, giữa đường gặp sư tử, quân hộ vệ trốn chạy hết, bỏ công chúa lại. Công chúa ngồi trong kiệu, đành lòng chờ chết.

Bấy giờ, chúa sư tử cõng công chúa trên lưng mà đi, vào sâu trong vùng rừng núi, đưa vào trong một cái hang tối, rồi ngày ngày bắt hươu nai, hái trái cây rừng mang về làm thức ăn nuôi công chúa. Trải qua nhiều năm tháng, công chúa mang thai rồi sinh ra một đứa con trai, một đứa con gái, hình thể giống con người nhưng mang tánh nết của loài thú. Đứa con trai dần dần trưởng thành, sức mạnh chống được mãnh thú. Đến năm 20 tuổi mới phát triển trí hiểu biết của con người, liền hỏi mẹ rằng: “Như con là thuộc giống gì đây? Cha là dã thú, mẹ lại là người, đã không cùng chủng loại, tại sao [hai người] lại kết hôn với nhau?”

Người mẹ thuật lại chuyện xưa cho con nghe. Đứa con nói: “Người và thú hai loài khác biệt, chúng ta nên mau mau trốn đi thôi.” Người mẹ nói: “Trước đây mẹ cũng đã từng trốn chạy nhưng không thành công.”

Đứa con trai sau đó thường theo cha sư tử lên núi vượt đèo, cố ý quan sát kỹ những nơi [chúa sư tử] thường đi qua hoặc dừng nghỉ, nhằm tính chuyện trốn chạy. [Cuối cùng,] thừa lúc chúa sư tử đi xa liền cõng mẹ và em gái chạy nhanh ra khỏi núi rừng, tìm về nơi thôn xóm có người.

Người mẹ dặn: “Các con phải cẩn thận giữ kín, không được nói ra nguồn cội của mình. Bởi khi mọi người biết được, chúng ta sẽ bị khinh bỉ.”

Rồi [ba mẹ con cùng] trở về quê cũ của người mẹ, nhưng vương tộc thuở trước không người nối dõi, tông môn họ hàng nay đã mất hết chẳng còn ai, đành nương nhờ người trong thôn ấp. Mọi người hỏi rằng: “Các người là người nước nào?”

Người mẹ đáp: “Tôi vốn người nước này, lưu lạc sang xứ khác, nay mẹ con đùm bọc nhau quay về quê cũ.” Mọi người nghe vậy đều thương xót, cùng nhau góp sức giúp đỡ.

Khi ấy, chúa sư tử quay về không thấy hai đứa con, lòng thương nhớ nên nổi cơn giận dữ, liền ra khỏi khe núi, tìm đến thôn xóm, gầm thét chấn động, giết người hại vật, tàn sát các loài khác. Người trong thôn xóm vừa đi ra liền bị sư tử giết chết. Mọi người phải đánh trống, thổi tù và, trang bị cung nỏ, giáo mác, họp nhau đi thành từng đoàn, như vậy mới không bị hại.

Đức vua khi ấy sợ lòng dân không yên, liền phái các thợ săn đến, lệnh phải bắt cho được sư tử. Đích thân nhà vua cũng dẫn hàng vạn quân đến, có đủ bốn binh chủng, vây kín quanh rừng, ngăn giữ khe núi. Nhưng khi sư tử gầm rống lên thì quân binh đều kinh sợ. Vua thấy không thể nào bắt được sư tử, liền bố cáo khắp nơi chiêu mộ dũng sĩ, ban lệnh rằng nếu ai bắt được sư tử trừ hại cho cả nước thì sẽ trọng thưởng và biểu dương công trạng.

Khi ấy, đứa con trai [của sư tử] nghe được lệnh vua, liền nói với mẹ: “Nhà ta nghèo khổ quá rồi, nay con nên ra đáp lời chiêu mộ của vua, nếu như được thưởng có thể lấy đó mà sinh sống.”

Người mẹ nói: “Con không thể nói như vậy được. Tuy là súc sinh nhưng vẫn là cha của con, sao có thể vì nghèo khổ khó khăn mà nghĩ đến chuyện ngỗ nghịch giết cha?”

Đứa con nói: “Người và súc vật là hai loài khác nhau thì lễ nghĩa ở chỗ nào? Đã dứt tình trốn đi thì trong lòng còn mong đợi gì nữa?”

Nói rồi liền giấu con dao nhỏ trong tay áo, đi đến chỗ nhận lời chiêu mộ. Lúc ấy có muôn ngàn người ngựa rầm rộ quy tụ đến, sư tử trấn giữ trong rừng, không ai dám đến gần. Đứa con tiến lên phía trước, chúa sư tử liền phủ phục, tỏ vẻ thân ái, không còn giận dữ, nhân đó đến thật gần, thừa thế đâm sâu dao nhọn vào bụng sư tử. Sư tử vẫn giữ lòng thương yêu, không chút sân hận. Đến lúc bị rạch bụng vẫn cam lòng chịu đau rồi chết.

Vua [nhìn thấy như vậy] nói: “Người này là ai mà có thể làm được chuyện lạ lùng đến thế!” Liền đem lợi lộc ra dụ dỗ, lại dùng uy vũ dọa dẫm, cố gạn hỏi cho ra tung tích.

Cuối cùng chàng trai kể ra hết mọi việc. Vua [nghe xong] nói: “Đồ ngỗ nghịch! Đến cha mình ngươi còn giết hại được, huống chi là người ngoài. Tính khí súc sinh khó mà trừ bỏ, lòng hung bạo dễ ra tay. Trừ hại cho dân có công lớn, nhưng giết cha là đại nghịch. Nay cho trọng thưởng để đền công, nhưng tội đại nghịch phải đày đi xa để trừng phạt. Như vậy mới không phạm vào quốc pháp, mà lời hứa [trọng thưởng] của vua cũng không sai.”

Liền [ra lệnh] chuẩn bị hai chiếc thuyền lớn với thật nhiều lương khô. Người mẹ ở lại nước này, được chu cấp để thưởng công. Hai người con trai và con gái, mỗi người phải lên một chiếc thuyền, thả trôi lênh đênh trên biển, mặc cho sóng gió đưa đi.

Thuyền của người con trai sau đó trôi dạt vào hòn đảo nhiều trân bảo này, nhìn thấy có nhiều trân châu ngọc quý nên liền dừng lại cư ngụ ở đây. Về sau có người thương nhân đi tìm trân bảo cũng ghé vào đây, người con trai liền giết chết người thương nhân ấy nhưng để lại đứa con gái, [lấy làm vợ]. Từ đó sinh ra nhiều con cháu, dần dần về sau trở nên đông đúc, mới lập thành triều đình có vua quan, có tôn ti trật tự, xây dựng kinh thành, lập thành thôn ấp, chiếm cứ cương thổ, xác lập biên giới nước này. Vì tổ tiên họ từng bắt diệt sư tử nên lấy quốc hiệu là Chấp Sư Tử để ghi nhớ điều đó.

Về chiếc thuyền của người con gái thì trôi dạt đến miền tây nước Ba-lạt-tư, bị quỷ thần ám mị, sau sinh ra toàn con gái, nay chính là nước Tây Đại Nữ.

Cho nên người dân nước [Chấp] Sư Tử hình dáng lùn thấp, da đen, gò má vuông, trán rộng, tánh tình nóng nảy, đó là do dòng dõi của mãnh thú, có rất nhiều người dũng mãnh.

Đó là một thuyết [về khởi nguyên nước này], nhưng trong các bản văn Phật giáo thì ghi chép một câu chuyện khác.

Thuở xưa, hòn đảo nhiều trân bảo này có một tòa thành bằng sắt, là nơi cư ngụ của 500 nữ la-sát. Trên thành có lầu cao, trên đó cắm hai cây cờ, một tốt một xấu, để báo trước những việc tốt xấu. Khi có việc tốt thì cây cờ tốt dao dộng, ngược lại khi có việc xấu thì cây cờ xấu sẽ dao động. [Bọn nữ la-sát này] thường chờ lúc các thương nhân đến đảo này tìm trân bảo, liền biến hình thành mỹ nữ, mang hương hoa, tấu âm nhạc ra đón tiếp hỏi han, dẫn dụ họ đi vào bên trong thành bằng sắt, bày yến tiệc vui vầy, rồi bắt nhốt hết vào trong lồng sắt, để ăn thịt dần dần.

Lúc bấy giờ ở châu Thiệm-bộ có một thương chủ tên là Tăng-già, có người con trai tên Tăng-già-la. Người cha đã già nên con trai thay cha quán xuyến việc nhà. Một hôm, [Tăng-già-la] cùng với 500 thương nhân ra biển tìm trân bảo, gặp sóng gió trôi dạt vào đảo có nhiều trân bảo này. Lúc ấy, các nữ la-sát nhìn xa thấy cây cờ tốt dao động, liền mang hương hoa, tấu âm nhạc, kéo nhau ra đón tiếp [các thương nhân], dẫn dụ họ vào trong thành sắt. Rồi thương chủ cùng với nữ vương la-sát vui chơi, còn những thương nhân khác mỗi người đều cùng vui với một nữ la-sát. Trải qua một năm, mỗi nữ la-sát đều sinh được một đứa con. Các nữ la-sát này [ưa thích người mới, chán người cũ, nên] dần dần phai nhạt tình cảm, đã muốn bắt giam hết các thương nhân vào lồng sắt, nhưng chỉ còn chờ có các thương nhân khác đến [để thay thế].

Lúc ấy, Tăng-già-la ngủ thấy ác mộng, biết là có việc chẳng lành, liền [đang đêm] lẻn ra đi tìm đường về, gặp phải những lồng sắt [nhốt người], liền nghe có tiếng than khóc, vội leo lên cây cao rồi hỏi: “Ai giam giữ các người mà khóc than như thế?”

Những người kia đáp rằng: “Ông còn chưa biết sao? Phụ nữ trong thành nầy đều là nữ la-sát. Trước đây họ dụ bọn tôi vào trong thành này hoan lạc vui chơi. Khi các ông vừa đến, họ liền nhốt hết chúng tôi vào lồng sắt, để ăn thịt dần dần, nay đã ăn hơn một nửa số người rồi. Không bao lâu rồi các ông cũng sẽ phải chịu tai họa giống như vậy thôi.”

Tăng-già-la nói: “Giờ phải tính kế gì để thoát khỏi hiểm nạn này?” Người kia đáp: “Tôi nghe nói ở bờ biển có một con ngựa thần. Nếu hết sức thành tâm cầu thỉnh sẽ được cứu giúp.”

Tăng-già-la nghe như vậy, [trở về] ngầm báo cho tất cả các thương nhân đều biết, rồi cùng nhau hướng về bờ biển, tập trung tinh thần hết lòng cầu cứu. Quả nhiên có ngựa thần hiện ra bảo mọi người rằng: “Các ông mỗi người bám vào một cái lông bờm của tôi, không được quay đầu nhìn lại, tôi sẽ đưa các ông vượt biển thoát nạn, đến châu Thiệm-bộ rồi bình an trở về quê cũ.”

Các thương nhân y theo lời dặn, một lòng bám chặt vào lông bờm ngựa, ngựa thần bay lên mây, vượt [thành] ra đến bờ biển. Các nữ la-sát khi ấy biết được chồng mình đã trốn đi, liền gọi nhau tìm xem họ đi đâu, mỗi nữ la-sát đều mang theo đứa con nhỏ của mình, cùng bay lên hư không, qua lại tìm kiếm, liền thấy biết được các thương nhân đang sắp ra khỏi bờ biển, lập tức báo cho nhau biết, cùng bay đến đó. Chỉ trong chốc lát đã đến nơi, [mỗi nữ la-sát] liền làm ra dáng vẻ thảm thiết, nước mắt ràn rụa, vừa khóc vừa nói [với chồng mình] rằng: “Chúng ta do gặp nhau mà có tình cảm, em may mắn được gặp người hiền lương, gia đình mình thật vui vẻ hạnh phúc, cùng nhau ân ái đã lâu, nay anh nỡ bỏ đi xa để vợ con côi cút, lo buồn thương nhớ, làm sao em chịu đựng nổi? Mong anh hãy ở lại, cùng em quay vào trong thành.”

Các thương nhân trong lòng còn phân vân, chưa chịu quay lại. Các nữ la-sát thấy thuyết phục không thành công, liền dùng đủ các mánh khóe quyến rủ, phô bày sắc đẹp gợi tình. Các thương nhân sinh lòng luyến ái, không kiềm chế được dục tình, trong lòng phân vân khởi ý muốn ở lại, liền bị rời khỏi thân ngựa thần rơi xuống. Các nữ la-sát cùng nhau mừng đón rồi dắt díu nhau quay trở lại trong thành. Riêng Tăng-già-la có trí tuệ sâu thẳm, lòng không vướng bận [sự quyến rủ của nữ la-sát], nên tiếp tục vượt qua được biển lớn, thoát khỏi hiểm nguy.

Lúc ấy, nữ vương la-sát [không quyến rủ được Tăng-già-la, đành] một mình trở về trong thành sắt. Các nữ la-sát đều nói: “Cô không có mưu lược trí tuệ nên mới bị chồng bỏ. Đã không đủ tài năng thì không nên ở lại đây nữa.”

Nữ vương la-sát liền ôm đứa con do mình sinh ra, bay đến trước mặt Tăng-già-la, dùng đủ mọi cách quyến rủ mê hoặc để mong ông quay trở lại. Tăng-già-la miệng tụng thần chú, tay vung kiếm sắc, rồi quát bảo: “Ngươi là la-sát, còn ta là người. Người và quỷ hai đường khác nhau, không thể xứng hợp. Nếu ngươi cố bức ép, ta sẽ phải giết ngươi.”

Nữ la-sát biết dụ dỗ mê hoặc không được, liền bay lên hư không mà đi, đến nhà Tăng-già-la, nói dối với cha của Tăng-già-la là ông Tăng-già rằng: “Con là công chúa con vua một nước [ở xa]. Anh Tăng-già-la đã cưới con làm vợ, sinh được một đứa con này. Chúng con cùng mang trân châu bảo vật [theo anh ấy] về lại cố hương, nhưng thuyền đi trên biển gặp cơn bão lớn trôi dạt đắm chìm, chỉ có mẹ con của con và Tăng-già-la may mắn được cứu thoát. [Trên đường về nhà thì] núi sông cách trở, đói khát rét lạnh, đắng cay khổ sở, con lỡ nói ra một lời trái ý, anh ấy liền ruồng bỏ [cả hai mẹ con], mắng nhiếc nặng lời, gọi con là đồ la-sát. Giờ con muốn về lại quê hương thì đường xa diệu vợi, còn ở lại đây thì mẹ góa con côi xứ lạ quê người, tới lui đều không nơi nương tựa, nên bạo gan đến đây thưa chuyện.”

Ông Tăng-già [nghe rồi] liền nói: “Nếu quả thật như vậy, thôi thì hãy vào nhà ta mà ở.”

Ở đó chưa được bao lâu thì Tăng-già-la về đến, người cha liền hỏi: “Sao con lại trọng tiền tài mà xem nhẹ vợ con như thế?”

Tăng-già-la đáp: “Đó là nữ la-sát.” Liền đem hết sự việc kể lại cho cha mẹ, bà con thân tộc nghe biết chuyện rồi liền cùng nhau xua đuổi [la-sát].

La-sát liền [đem chuyện bịa đặt ấy] thưa kiện lên đức vua, vua định xử tội Tăng-già-la. Tăng-già-la nói: “Nữ la-sát này là loài yêu quái dùng tình cảm sắc đẹp mê hoặc con người.”

Nhà vua không tin lời Tăng-già-la, lại ham thích sắc đẹp của nữ la-sát, liền nói: “[Nay ngươi] đã từ bỏ người con gái này, vậy ta sẽ tuyển vào hậu cung.”

Tăng-già-la thưa: “Chỉ sợ sẽ có tai họa, vì loài la-sát này chuyên ăn thịt uống máu con người.”

Vua không nghe lời Tăng-già-la, liền đưa nữ la-sát vào hậu cung. Nửa đêm hôm sau, [nữ vương la-sát] bay về đảo, triệu tập hết 500 nữ la-sát cùng kéo đến cung vua, dùng chú thuật độc hại giết hết người trong cung, ăn thịt uống máu tất cả, còn thừa bao nhiêu lại mang về đảo.

Sáng hôm sau, quần thần đã tụ tập mà cung vua đóng chặt không mở cửa. Chờ nghe rất lâu cũng không có tiếng người bên trong, liền cùng nhau phá cửa xông vào. Đến giữa cung đình không thấy bóng người, chỉ thấy toàn xương trắng. Các quan đều nhìn nhau thất sắc, rồi khóc lóc bi thảm, không biết đâu là nguyên nhân tai họa.

Bấy giờ, Tăng-già-la đem hết sự việc kể cho mọi người nghe, các quan và dân chúng đều tin là thật, mới hay tai họa do vua tự chuốc lấy. Sau đó, quan đại thần phụ quốc cùng tất cả các quan tướng trong triều đều họp lại, bàn nhau suy cử một người có đức độ và sáng suốt để tôn lên ngôi vua, tất cả đều ngưỡng mộ phúc đức và trí tuệ của Tăng-già-la, cùng bàn luận với nhau rằng: “Việc suy tôn ngôi vua phải hết sức thận trọng suy xét. Trước hết phải chọn người có phúc đức trí tuệ, sau nữa phải là bậc thông minh sáng suốt. Nếu không có phúc đức trí tuệ thì không thể ngồi trên ngôi báu, còn không thông minh sáng suốt thì làm sao giải quyết việc nước? Tăng-già-la chính là người có đủ các phẩm tính đó. Ông ấy nằm mộng biết được tai họa sắp bị giết, cảm ứng được ngựa thần đến cứu, một lòng trung can ngăn đức vua, đủ trí tuệ để tự lo cho mình được an toàn. Quả là vận trời đã đến trong việc này để xây dựng nên một triều đại mới.”

Thế là quan quân cùng dân chúng đều đồng lòng suy tôn Tăng-già-la lên ngôi vua. Tăng-già-la từ chối không được, liền đáp tạ hết thảy các quan văn võ rồi lên ngôi vua. Lập tức trừ bỏ những điều tệ hại trước đây, biểu dương khuyến khích hiền tài.

Sau đó ban lệnh rằng: “Những người trước đây là thương nhân của ta, nay vẫn đang còn ở nước La-sát, chưa biết sống chết thế nào, lành dữ ra sao, nay phải đến đó giải cứu cho họ. Vậy phải chỉnh trang binh giáp đến đó. Cứu nguy trừ họa là phúc cho đất nước, thu được nhiều trân châu ngọc quý là lợi ích cho quốc gia.”

Liền lập tức chỉnh đốn quân binh, dùng thuyền vượt biển ra đảo. Lúc đó, trên thành sắt cây cờ xấu dao động, các nữ la-sát thấy vậy kinh hoàng sợ sệt, liền kéo nhau ra dở trò mê hoặc dụ dỗ. Đức vua [Tăng-già-la] đã biết rõ sự dối trá ấy nên lệnh cho binh sĩ miệng niệm thần chú, tay vung khí giới dũng mãnh xông tới. Các nữ la-sát bị đánh tơi bời té ngả, quay lưng bỏ chạy, một số trốn ra đảo nhỏ, số khác bị chìm trên biển. Vua cho phá hủy thành sắt, phá hết lồng sắt cứu những thương nhân ra, lại thu về được rất nhiều trân châu ngọc quý.

Sau đó, vua chiêu mộ dân đưa ra sống ở đảo này, xây dựng đô thành, lập thôn ấp, hình thành nên một nước riêng biệt, lấy tên của vua [mở nước] làm quốc hiệu, nên gọi là nước Tăng-già-la.

Ông Tăng-già-la đó chính là tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, được ghi lại trong các truyện Bản sinh.

Nước Tăng-già-la thuở trước chỉ toàn thờ phụng các tà thần. Sau khi đức Phật nhập diệt, trong khoảng 100 năm đầu tiên, có người em của vua Vô Ưu là Ma-hê-nhân-đà-la, từ bỏ ái dục, [xuất gia] chí cầu Thánh quả, chứng được sáu phép thần thông, đầy đủ tám môn giải thoát. Ngài dùng phép thần túc đi trên hư không mà đến nước này, rộng truyền Chánh pháp, lưu thông lời dạy của đức Thế Tôn. Từ đó về sau phong tục thuần hậu, tin nhận Phật pháp.

Nước này có mấy trăm ngôi chùa, tăng sĩ hơn 20.000 vị, tu tập theo cả giáo pháp Đại thừa và Thượng tọa bộ [thuộc Tiểu thừa]. Sau khi Phật giáo truyền vào nước này được hơn 200 năm, mỗi người đều tin theo chỗ tu tập sở trường của mình, từ đó [Phật giáo] phân chia ra làm thành hai bộ phái. Thứ nhất là phái Ma-ha-tỳ-ha-la, bài xích Đại thừa, chọn tu tập theo Tiểu thừa. Thứ hai là phái A-bạt-da-kỳ-ly, tu học cả hai thừa và giảng rộng Tam tạng Thánh điển. Trong hàng tăng sĩ, những vị nghiêm trì giới hạnh thanh tịnh, định huệ sáng trong, khuôn phép nghi quỹ xứng bậc mô phạm quả thật rất nhiều.

Kế bên Vương cung có một tinh xá thờ xá-lợi răng Phật, cao khoảng 60-70 mét, trang sức bằng nhiều trân châu báu vật. Bên trên tịnh xá xây lên một trụ cao, bên trên đặt bình bát báu rất lớn bằng ngọc quý màu hồng, phát ra ánh sáng rất vi diệu, bất luận ngày đêm, xa gần đều nhìn thấy như một ngôi sao sáng. Nhà vua mỗi ngày đối trước xá-lợi răng Phật làm lễ quán tẩy ba lần, dùng nước thơm để rửa, dùng hương bột để đốt lên xông, luôn chọn những loại quý báu nhất để cung kính cúng dường theo đúng nghi thức.

Bên cạnh tinh xá thờ xá-lợi răng Phật có một tinh xá nhỏ, cũng được trang sức bằng nhiều loại trân bảo, trong có một tượng Phật bằng vàng, do một vị vua đời trước của nước này đích thân đúc thành, lại dùng trân bảo ngọc quý trang sức trên nhục kế của Phật.

Về sau có kẻ trộm rình rập muốn lấy, nhưng có nhiều lớp cửa bao bọc, người canh phòng cẩn mật [nên không sao lấy được]. Tên trộm ấy liền đào một đường hầm, vào được bên trong tinh xá, lúc đưa tay ra lấy trân bảo thì tượng bỗng cao lên, càng với tay tượng càng cao thêm, không thể lấy được. Kẻ trộm ấy đành thối lui, than rằng: “Như Lai thuở xưa tu hạnh Bồ Tát, khởi tâm rộng lớn, phát nguyện sâu rộng, trên từ thân mạng, dưới cho đến đất nước thành quách, từ bi thương xót tất cả chúng sinh, chu cấp cho hết thảy. Nay vì sao tượng [của ngài] lại tiếc giữ trân bảo? Như vậy có thể nói là đã quên hết công hạnh trong quá khứ rồi.”

[Nói xong bỗng thấy] tượng cúi đầu xuống, liền gỡ lấy trân bảo. Lấy được rồi liền mang đi bán. Những người nhìn thấy đều nói rằng: “Những trân bảo này là của tiên vương trước đây gắn trên đảnh nhục kế của tượng Phật bằng vàng. Từ đâu mà ông có được để mang đi bán?” Liền bắt giữ người ấy lại rồi trình lên đức vua. Vua gạn hỏi từ đâu có được, kẻ trộm đáp rằng: “Là Phật cho tôi, không phải tôi lấy trộm.”

Vua cho là nói dối nên sai người đến chỗ tượng Phật xem xét, quả nhiên thấy đầu tượng Phật vẫn còn cúi xuống. Vua thấy sự linh hiển như vậy thì tín tâm càng thêm kiên cố, không bắt tội tên trộm ấy mà trả tiền chuộc lại những trân bảo ấy rồi gắn trở lại trên nhục kế của tượng. Tượng vẫn giữ tư thế cúi đầu xuống cho đến ngày nay.

Bên cạnh cung vua có xây dựng một nhà ăn lớn, mỗi ngày có 18.000 vị tăng thọ trai ở đó. Chư tăng [đúng giờ] mang bình bát đến thọ thực xong trở về chỗ ở của mình. Từ khi Phật giáo được truyền vào nước đến nay đều duy trì sự cúng dường như thế, con cháu [các vua] luôn nối tiếp truyền thống ấy không để dứt mất. Chỉ trong khoảng mười mấy năm gần đây, chính sự trong nước rối loạn, chưa định vương vị, cho nên việc cúng dường như vậy mới không còn nữa.

Vùng ven biển nước này sản sinh nhiều trân châu vật quý. Đức vua đích thân cúng tế nên thần giúp cho tìm được nhiều của quý vật lạ. Người dân thường hoặc quan viên đi tìm châu báu thì tùy theo phước báo mà kết quả không giống nhau. Tùy theo giá trị trân bảo tìm được mà phải đóng một phần thuế cho quốc gia.

Nơi góc biển phía đông nam của nước này có núi Lăng-ca, núi cao khe sâu u ẩn tịch mịch, là nơi cư ngụ của quỷ thần. Nơi đây ngày xưa đức Phật đã thuyết kinh Lăng-ca.

Về hướng nam, vượt biển mấy ngàn dặm thì đến châu Na-la-kê-la. Người châu này thân hình nhỏ bé, chiều cao chỉ khoảng hơn 1 mét, thân người nhưng miệng như mỏ chim, do nơi đây không có lúa gạo nên chỉ ăn toàn trái dừa.

Phía tây của châu Na-la-kê-la, vượt biển mấy ngàn dặm thì gặp một hòn đảo nằm lẻ loi. Trên núi ở phía đông hòn đảo này có tượng Phật ngồi bằng đá cao hơn 33 mét, quay mặt về hướng đông, dùng hạt châu nguyệt ái làm nhục kế trên đỉnh đầu, khi có ánh trăng chiếu vào thì nước từ đó chảy tuôn ào xuống đỉnh núi, rồi tiếp tục chảy xuống thành suối khe.

Lúc trước có một đoàn thương nhân đi biển gặp bão lớn, thuyền bị xô dạt rồi trôi vào đảo này. Vì nước biển không thể uống, đoàn người đều phải chịu khát nước đã lâu. Lúc ấy nhằm ngày rằm trong tháng, tượng Phật trên đỉnh núi tuôn chảy nước xuống, cả đoàn thương nhân [có nước uống] đều được cứu sống. Ai nấy đều cho rằng nhờ chí thành cầu nguyện nên được thần linh cứu giúp, liền dừng lại nơi đây thêm nhiều ngày. [Họ chợt nhận ra rằng] mỗi khi trăng bị đỉnh núi cao che khuất thì dòng nước này không chảy nữa. Lúc ấy, người thương chủ nghĩ rằng: “Như vậy chưa hẳn là vì cứu chúng ta mà có nước chảy xuống. Ta từng nghe có loại châu nguyệt ái, khi ánh trăng chiếu vào thì chảy nước ra. Hay là tượng Phật trên đỉnh núi này có loại châu quý đó?”

Liền leo lên núi để xem thì quả nhiên có hạt châu nguyệt ái được dùng làm nhục kế trên đỉnh đầu tượng Phật. [Khi quay về,] người ấy liền kể lại ngọn nguồn sự việc cho mọi người biết.

Về phía tây nước này, vượt biển mấy ngàn dặm thì đến châu Đại Bảo. Nơi đây không có người ở, chỉ là nơi lưu trú của các vị thần. Những đêm thanh vắng từ xa nhìn đến thấy có ánh sáng soi chiếu núi non, khe nước. Có rất nhiều thương nhân đã đến đây nhưng đều không tìm kiếm được gì.

Từ nước Đạt-la-tỳ-đồ đi về hướng bắc, vào rừng hoang, qua những tòa thành nằm riêng lẻ, các xóm ấp nhỏ, trên đường có những kẻ hung bạo kết thành bè đảng làm hại người đi đường. Tiếp tục đi như vậy hơn 652 km thì đến nước Đồ-kiến-na-bổ-la, thuộc miền Nam Ấn.

2. Nước Đồ-kiến-na-bổ-la

Nước Đồ-kiến-na-bổ-la chu vi khoảng 1.630 km, chu vi kinh thành khoảng 10 km. Đất đai màu mỡ, lúa thóc thu hoạch dồi dào. Khí hậu ấm nóng, phong tục nóng nảy, cứng cỏi, người dân có nước da đen, tánh khí hung bạo, ưa thích học các tài nghề, kính trọng người có đức hạnh, nhiều tài nghề.

Trong nước có hơn 100 ngôi chùa với hơn 10.000 tăng sĩ, tu tập theo cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Có mấy trăm đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo chung sống hỗn tạp.

Bên thành vương cung có một ngôi chùa lớn, hơn 300 vị tăng sĩ, đều là những người tài đức lỗi lạc. Trong khuôn viên chùa có một tinh xá lớn, cao hơn 33 mét, bên trong có mũ báu của thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành, chiều cao khoảng 60 cm, trang sức bằng trân bảo, đựng trong một hộp báu. Vào những ngày trai, mũ được lấy ra khỏi hộp, mang đặt trên tòa cao rồi dâng hương hoa cúng dường, thỉnh thoảng có thấy tỏa chiếu hào quang.

Bên cạnh kinh thành có một ngôi chùa lớn, bên trong khuôn viên có tinh xá cao khoảng 17 mét, có tượng đức Bồ Tát Từ Thị do A-la-hán Văn Nhị Bá Ức tạo thành, được khắc bằng gỗ đàn hương, cao khoảng 3.5 mét, vào những ngày trai thường tỏa chiếu hào quang.

Về phía bắc kinh thành không xa có một rừng cây đa-la, chu vi khoảng 10 km. Lá cây dài và rộng, màu sắc sáng tươi. Các nước [trong vùng] đều dùng lá cây này để ghi chép. Trong rừng có một ngọn tháp, là di tích nơi bốn vị Phật quá khứ đã kinh hành, ngồi thiền. Bên cạnh đó còn có tháp thờ xá-lợi di thân của A-la-hán Văn Nhị Bá Ức.

Về phía đông kinh thành không xa có một ngọn tháp, nền móng đã nghiêng lún vùi lấp nhưng phần còn lại vẫn cao khoảng 10 mét. Đọc trong các ghi chép trước đây thấy ghi lại rằng, trong tháp này có thờ xá-lợi của đức Như Lai, thỉnh thoảng vào những ngày trai thường có hào quang chiếu sáng. Đây là nơi ngày xưa đức Như Lai đã từng thuyết pháp, thị hiện thần thông, hóa độ chúng sinh.

Không xa về phía tây nam kinh thành có một ngọn tháp cao hơn 33 mét, do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi A-la-hán Văn Nhị Bá Ức từng thị hiện thần thông để hóa độ chúng sinh. Bên cạnh đó có một ngôi chùa [đã hư hoại] chỉ còn lại nền móng. Chùa này trước đây do A-la-hán Văn Nhị Bá Ức xây dựng.

Từ nơi đây đi về hướng tây bắc là vào sâu trong rừng rậm, có rất nhiều thú dữ nguy hại, đảng cướp hung tàn, đi khoảng 760-810 km thì đến nước Ma-ha-lạt-sá, thuộc miền Nam Ấn.

3. Nước Ma-ha-lạt-sá

Nước Ma-ha-lạt-sá, chu vi hơn 1.940 km. Kinh thành chu vi khoảng 10 km, phía tây giáp với sông lớn. Đất đai màu mỡ, lúa má tốt tươi.

Khí hậu nơi đây ấm nóng, phong tục thuần phác chân chất. Người dân thân hình cao lớn, tánh khí kiêu ngạo, lười nhác, [trong ứng xử thì] ơn đền oán trả được xem là tất yếu. Người bị làm nhục dám lấy cái chết để đáp trả. Khi có người cùng quẫn đến cầu cứu, dám quên thân mình để cứu giúp. Khi muốn báo thù ai thì công khai báo tin trước, rồi hai bên cùng mặc áo giáp, trang bị khí giới, quyết đấu với nhau. Trong chiến trận, khi truy đuổi thì không giết kẻ đã chịu đầu hàng. Quân tướng thua trận không phải chịu hình phạt, chỉ cấp cho y phục phụ nữ, khiến nhục nhã phải tự sát. Triều đình trọng đãi mấy trăm dũng sĩ, mỗi khi sắp ra trận quyết chiến thì trước hết uống rượu cho say, xong mới xông ra trận tiền, một người phá được cả vạn quân địch. Những dũng sĩ này có khi tùy tiện giết hại người khác cũng không bị triều đình bắt tội. Mỗi khi họ đi đâu đều có đánh trống mở đường.

Triều đình cũng nuôi mấy trăm con voi dữ. Khi sắp ra trận liền cho uống rượu say, lúc thả ra chúng giẫm đạp xông về phía trước không quân địch nào cản nổi. Vua nước này cậy có dũng sĩ và voi dữ như vậy nên khinh thường, ức hiếp các nước bên cạnh.

Đức vua tên Bổ-la-kê-xá, là người thuộc chủng tộc sát-đế-lợi, có mưu cao kế sâu, lòng nhân từ trải rộng nên bề tôi đều tận trung, hết lòng phụng sự.

Hiện nay vua Giới Nhật đánh đông dẹp tây, xa gần đều kính sợ quy thuận, duy chỉ có người nước này là không thần phục. Vua đã nhiều lần huy động quân binh cả năm vùng Ấn Độ cũng như chiêu mộ tướng tài của các nước, rồi thân chinh đến đây thảo phạt nhưng vẫn chưa từng thắng được. [Nói về] quân đội của nước này là như vậy, còn phong tục thì như đã nói trên.

Người dân hiếu học, về tín ngưỡng thì có người tin Phật, cũng có người tin theo tà đạo. Có hơn 100 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 5.000 vị, tu tập có cả Đại thừa và Tiểu thừa. Có 100 đền thờ Phạm thiên, tín đồ ngoại đạo thật đông.

Bên trong và bên ngoài kinh thành có 5 ngọn tháp, đều do vua Vô Ưu xây dựng ở những nơi có di tích bốn vị Phật quá khứ kinh hành và ngồi thiền. Ngoài ra, có rất nhiều tháp khác xây bằng đá hoặc bằng gạch, không thể kể hết.

Không xa về phía nam kinh thành có một ngôi chùa cổ, bên trong có tượng Bồ Tát Quán Tự Tại bằng đá, ẩn chứa sự linh thiêng, [những người] cầu nguyện đa phần đều được ứng nghiệm.

Miền đông nước này có một cụm núi lớn, nhiều ngọn trùng điệp, sườn núi quanh co, đỉnh núi vút cao. Nơi đây có một ngôi chùa xây dựng trong khe núi u tịch, tầng cao mái rộng, nằm trên sườn núi cao, dựa lưng vách núi, nhìn xuống khe sâu. Chùa này do A-la-hán A-chiết-la xây dựng.

A-la-hán A-chiết-la là người miền Tây Ấn. Sau khi mẹ ngài mạng chung, ngài liền [nhập định] quán sát xem mẹ sinh về nơi đâu, thì thấy đã sinh làm thân nữ ở nước này. Ngài liền đến đây, muốn tùy cơ hóa độ cho mẹ. Đến nơi rồi liền vào làng khất thực, đi thẳng đến ngôi nhà mà mẹ ngài tái sinh vào. Có người con gái trong nhà ấy mang thức ăn ra cúng dường ngài, hai bầu vú tự nhiên chảy sữa. Những người thân thuộc trong nhà nhìn thấy đều cho là điềm chẳng lành. A-la-hán A-chiết-la liền thuyết pháp nói rõ nhân duyên, người con gái nghe xong liền chứng thánh quả.

A-la-hán A-chiết-la nhớ ơn sinh thành duỡng dục [đời trước] do nghiệp duyên đưa đẩy, muốn báo đáp ơn sâu nên xây dựng ngôi chùa này.

Trong chùa này có một tinh xá lớn, cao hơn 33 mét, bên trong có một tượng Phật bằng đá cao hơn 23 mét. Bên trên tượng đá có bảy tầng lọng che bằng đá, được treo lơ lửng không thấy dấu nối liền nhau, các tầng lọng che đều cách nhau khoảng 1 mét. Đọc trong các ghi chép trước đây thấy viết rằng đây là do nguyện lực của A-la-hán A-chiết-la tạo thành, hoặc cũng có thuyết nói là nhờ sức thần thông, hoặc có thuyết nói là do công hiệu của một loại thuốc. Khảo cứu trong sách vở vẫn không thấy chỗ nào nói về nguyên nhân của việc này.

Bốn phía chung quanh tinh xá là các vách đá được điêu khắc chạm trổ hình ảnh miêu tả những sự tích nhân duyên của đức Như Lai khi còn tu hạnh Bồ Tát, những biểu hiện tốt lành khi ngài thành đạo, những việc linh ứng khi ngài nhập diệt, hết thảy mọi việc lớn nhỏ đều được miêu tả đầy đủ không bỏ sót.

Phía ngoài cổng chùa, ở các hướng nam, bắc và hai bên, mỗi nơi đều có một con voi đá. Nghe người địa phương kể rằng, những con voi đá này thỉnh thoảng lại rống lên tiếng lớn khiến mặt đất chấn động. Thuở xưa, Bồ Tát Trần-na nhiều lần dừng chân ở chùa này.

Từ nơi đây đi về hướng tây khoảng 325 km, qua sông Nại-mạt-đà thì đến nước Bạt-lộc-yết-chiếp-bà, thuộc miền Nam Ấn.

4. Nước Bạt-lộc-yết-chiếp-bà

Nước Bạt-lộc-yết-chiếp-bà chu vi khoảng 790-810 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Đất đai bị nhiễm mặn, cây cỏ thưa thớt. Dân ở đây làm muối từ nước biển và khai thác các nguồn lợi từ biển, lấy đó làm nghề nghiệp. Khí hậu nóng bức, thường có lốc xoáy đột ngột. Phong tục hẹp hòi, tánh người gian trá quỷ quyệt, không biết đến việc học tập các tài nghề.

Về tín ngưỡng thì có người tin Phật, cũng có người tin theo tà đạo. Có hơn 10 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 300 vị, tu tập theo Đại thừa và Thượng tọa bộ [thuộc Tiểu thừa]. Có hơn 10 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo các phái sống chung hỗn tạp.

Từ đây đi về hướng tây bắc khoảng 652 km thì đến nước Ma-lạp-bà (cũng gọi là nước Nam La), thuộc miền Nam Ấn.

5. Nước Ma-lạp-bà

Nước Ma-lạp-bà chu vi gần 1.940 km. Chu vi kinh thành khoảng 10 km, phía đông nam giáp với sông Mạc-ê. Đất đai màu mỡ, lúa má tốt tươi, cây cỏ đều xanh tốt, hoa trái dồi dào phong phú, đặc biệt thích hợp trồng lúa mạch nên thực phẩm chính là các loại bánh làm bằng bột lúa mạch.

Người dân tánh tình hiền lành nhu thuận, nhìn chung đều thông minh mẫn tiệp, ngôn từ nhã nhặn, học tập các tài nghề đều sâu vững. Trong năm vùng Ấn Độ có hai nước xem trọng việc học, là nước Ma-lạp-bà này ở phía tây nam và nước Ma-yết-đà ở phía đông bắc. Hai nước này quý trọng cung kính những người đức hạnh, nhân từ, thông minh, học rộng.

[Về tín ngưỡng], ở nước này có người tin Phật, cũng có người tin theo tà đạo. Có mấy trăm ngôi chùa, tăng sĩ hơn 20.000 vị, tu tập theo giáo pháp của phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Có mấy trăm đền thờ Phạm thiên, người theo ngoại đạo rất đông, đa phần là phái ngoại đạo Đồ hôi.

Các ghi chép trong nước cho biết, cách đây 60 năm có đức vua Thi-la-a-điệt-đa là người thông minh cơ trí, tài cao học rộng, thương yêu muôn loài, kính trọng tôn sùng Tam bảo. Đức vua từ lúc sinh ra cho đến khi mạng chung chưa từng lộ vẻ sân hận trên nét mặt, bàn tay chưa từng làm hại sinh linh. Mỗi khi cho voi ngựa uống nước đều phải lọc trước, vì sợ tổn hại đến các sinh vật sống trong nước. Lòng nhân từ đến mức như thế, cho nên trong suốt hơn 50 năm ngài ở ngôi vua, [trong nước] các loài thú hoang gần gũi chẳng sợ người, vì dân chúng khắp nước đều giữ giới không giết hại. Kế bên cung điện của vua có xây dựng một tinh xá, kiến trúc cực kỳ tinh xảo, công phu, đầy đủ mọi sự trang nghiêm, bên trong có tạo tôn tượng bảy vị Phật Thế Tôn. Mỗi năm đều tổ chức Đại hội Vô già, mời thỉnh chư tăng khắp bốn phương về để cúng dường đủ bốn nhu cầu thiết yếu, hoặc [cúng dường] ba tấm y và các vật dụng của chư tăng, hoặc [cúng dường] bảy món báu, các loại trân châu kỳ bảo. Việc làm tốt đẹp này của vua được truyền nối qua nhiều đời, không hề dứt mất.

Từ kinh thành đi về hướng tây bắc khoảng 6.5 km thì đến một ngôi làng của người bà-la-môn. Bên cạnh đó có một nơi đất lún sâu thành hố. Trong suốt mùa thu, mùa hạ, có lúc mưa dầm liên tiếp đến 10 ngày, có nhiều dòng nước chảy vào nhưng hố này chưa bao giờ đọng nước. Bên cạnh đó có một ngọn tháp nhỏ, theo các ghi chép trước đây thì là nơi ngày xưa có ông bà-la-môn cực kỳ kiêu ngạo bị đọa vào địa ngục ngay khi còn đang sống.

Thuở xưa, trong làng này có một ông bà-la-môn từ khi sinh ra đã hiểu biết rộng khắp, là bậc kiệt xuất trong các học giả đương thời. Đối với kinh điển đạo Phật và các tôn giáo khác, ông đều có sự nghiên cứu sâu xa. Các môn lịch số, thiên văn ông đều nắm vững, hiểu rõ tất cả như nhìn vào lòng bàn tay. Ông có phong cách cao tột, danh vang khắp chốn. Nhà vua rất quý trọng ông, người trong nước ai cũng cung kính. Học trò có đến cả ngàn người, theo học nghĩa lý và hết sức kính ngưỡng phong thái của ông.

Ông thường nói rằng: “Ta vốn vì đời mà sinh ra, thuật lời bậc thánh, dẫn dắt người phàm. Các bậc hiền nhân thánh triết từ trước đây cho đến sau này, không ai có thể sánh bằng ta. Xem như các ông Đại Tự Tại Thiên, Bà-tẩu thiên, Na-la-diên thiên, Phật Thế Tôn, người đời đều xưng tán ngợi khen, học theo đạo lý của họ, ông nào cũng được vẽ hình tạc tượng, người người tranh nhau thờ kính. Còn như ta đây, đức độ vượt hơn các ông ấy, danh vang trong đời, nếu không có gì khác hơn để phân biệt với họ thì làm sao [thiên hạ được] thấy rõ?”

[Ông nói như vậy rồi] liền dùng gỗ chiên đàn đỏ làm một cái tòa ngồi, dưới bốn chân tòa cho khắc thành hình bốn tượng Đại Tự Tại Thiên, Bà-tẩu thiên, Na-la-diên thiên và Phật Thế Tôn. Mỗi khi đi đến đâu, ông đều mang theo tòa ngồi ấy. Sự kiêu ngạo của ông đến mức như thế.

Lúc bấy giờ, miền Tây Ấn có tỳ-kheo Bạt-đà-la-lũ-chi, thông hiểu thấu đáo luận Nhân Minh và nghiên cứu sâu xa các luận thuyết ngoại đạo. Ngài có đạo phong thuần khiết, hương thơm giới hạnh ngào ngạt khắp gần xa, sống đời ít ham muốn, biết đủ, chẳng mong cầu đòi hỏi gì nơi người khác. Nghe [chuyện của ông bà-la-môn] như thế, ngài than rằng: “Đáng tiếc thay! Trên đời này không có ai [đủ sức sửa trị ông ta] chăng, nên mới để cho kẻ ngu si ấy làm việc xấu ác tổn hại đạo đức.

Nói rồi liền chống tích trượng vượt đường xa tìm đến nước này, đem những suy nghĩ trước đó của mình trình lên đức vua. Vua nhìn thấy y phục đơn sơ nên chưa có ý kính trọng, nhưng khi nghe trình bày [sự việc] thì đánh giá cao chí hướng của ngài, liền miễn cưỡng thi lễ. Sau đó thiết lập một nơi tranh luận và báo cho ông bà-la-môn [kiêu ngạo kia] biết.

Bà-la-môn nghe qua bật cười lớn rồi nói: “Người này là ai mà dám làm chuyện này?” Liền ra lệnh cho môn đồ cùng đến luận trường, có đến mấy trăm ngàn người đều vây quanh hầu nghe.

Ngài Hiền Ái đắp y xấu cũ, trải cỏ làm tòa ngồi. Bà-la-môn chễm chệ trên tòa ngồi tự mang đến, bài xích Chánh pháp, mở rộng đạo tà. Tỳ-kheo Hiền Ái biện luận thao thao, lưu loát như suối tuôn nước chảy, liên tục tuần tự hỏi qua đáp lại nhiều vòng, một hồi lâu thì bà-la-môn đuối lý chịu thua.

Đức vua nói: “Hóa ra từ lâu ông chỉ lạm dụng hư danh, khi dối bề trên, mê hoặc mọi người. Pháp luật điển chế từ xưa đã ghi rõ, kẻ tranh luận thua phải bị giết.”

[Vua liền ra lệnh] làm một lò sắt nóng đỏ, muốn bắt bà-la-môn ngồi lên trên đó. Bà-la-môn cùng đường quẫn bách, quay sang cúi lễ ngài Hiền Ái, cầu xin cứu mạng. Ngài Hiền Ái thương xót, nói với vua rằng: “Đại vương nhân từ trọng lễ, đức độ phủ khắp gần xa, những lời xưng tụng, nơi nơi đều biết. Nay chỉ nên ban phát lòng từ, dưỡng nuôi muôn vật, không nên áp dụng hình phạt tàn khốc. Xin khoan hồng tội lỗi, chỉ thả ra đuổi đi.”

Vua [liền tha tội chết, nhưng] bắt phải cưỡi lừa, đưa đi loan báo [việc tranh luận bị thua] khắp trong thành ấp. Bà-la-môn xấu hổ vì bị làm nhục [như vậy] nên uất hận đến thổ huyết.

Tỳ-kheo Hiền Ái nghe vậy liền đến an ủi rằng: “Ông đã học hết nội ngoại điển, danh tiếng vang khắp xa gần, hẳn phải hiểu rõ về sự vinh nhục, lên xuống ở đời. Danh cũng chỉ là hư danh, có gì chắc thật đâu?”

Bà-la-môn nổi cơn phẫn nộ, mắng chửi vị tỳ-kheo, nói ra những lời phỉ báng Đại thừa, khinh miệt các bậc tiên thánh. Lời còn chưa dứt đã thấy đất nứt ra, thân còn đang sống bị rơi xuống hầm sâu. Di tích ấy nay vẫn còn.

Từ nơi đây về hướng tây nam là vùng giáp biển, đi theo hướng tây bắc khoảng 790-810 km thì đến nước A-trá-ly, thuộc miền Nam Ấn.

6. Nước A-trá-ly

Nước A-trá-ly chu vi khoảng 1.950 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Cư dân đông đúc phồn thịnh, trân châu kỳ bảo tích tụ khắp nơi. Lúa thóc tuy có đủ nhưng người dân lấy việc buôn bán làm nghề nghiệp chính. Đất nhiều cát và nhiễm mặn, hoa quả rất ít. Nơi đây trồng giống cây hồ tiêu, lá cây giống loại tiêu ở đất Thục (Tứ Xuyên). Ngoài ra còn có cây huân lục hương, lá cây giống như cây đường lê [ở Trung quốc].

Khí hậu nóng, có nhiều gió cát. Người dân tánh tình hẹp hòi, xem trọng tiền tài, xem nhẹ đức hạnh. Ngôn ngữ, văn tự, nghi lễ, hình pháp... đều tương tự như nước Ma-lạp-bà. Đa số không tin chuyện làm phước, nếu như có người tin thì đều là thờ cúng thiên thần. Đền miếu thờ phụng có mười mấy nơi, các phái ngoại đạo chung sống hỗn tạp.

Từ nước Ma-lạp-bà đi về hướng tây bắc khoảng 97 km thì đến nước Khế-trá, thuộc miền Nam Ấn.

7. Nước Khế-trá

Nước Khế-trá, chu vi khoảng 97 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Dân cư đông đúc phồn thịnh, cuộc sống sung túc giàu có. Nước này không có vua, chịu phụ thuộc vào nước Ma-lạp-bà. Đất đai, sản vật, phong tục tập quán cũng giống như nước Ma-lạp-bà.

Trong nước có hơn 10 ngôi chùa với hơn 1.000 tăng sĩ, tu tập theo cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Có mấy chục đền thờ Phạm thiên, người theo ngoại đạo rất đông.

Từ nơi đây đi về hướng bắc khoảng 325 km thì đến nước Phạt-lạp-tỳ, cũng gọi là nước Tỷ-la-la, thuộc miền Nam Ấn.

8. Nước Phạt-lạp-tỳ

Nước Phạt-lạp-tỳ chu vi gần 2.000 km. Chu vi kinh thành khoảng 10 km. Đất đai, thổ sản, khí hậu, phong tục, tính người... đều giống như nước Ma-lạp-bà. Dân cư đông đúc phồn thịnh, đời sống sung túc giàu có. Có những nhà giàu tích lũy tiền tài hàng chục triệu, kể ra cũng có hơn trăm nhà. Những hàng quý vật lạ từ phương xa, phần nhiều đều quy tụ về nước này.

Trong nước có hơn 100 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 6.000 vị, đa phần tu tập theo giáo pháp phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Có mấy trăm đền thờ Phạm thiên, người theo ngoại đạo rất đông. Khi đức Như Lai còn tại thế từng đến nước này rất nhiều lần, cho nên vua Vô Ưu đã cho xây dựng tháp ở những nơi Phật dừng chân để ghi lại dấu tích. Chung quanh những nơi đó cũng đều có di tích những nơi ba vị Phật quá khứ ngồi thiền, kinh hành và thuyết pháp.

Đức vua hiện nay hiệu là Đỗ-lỗ-bà-bạt-trá, thuộc dòng sát-đế-lợi, là cháu của vua Thi-la-a-điệt-đa (Giới Nhật) nước Ma-lạp-bà ngày trước, lại cũng là con rể của vua Thi-la-a-điệt-đa nước Yết-nhã-cúc-xà trong hiện tại. Vua tánh tình hấp tấp nóng nảy, mưu trí thiển cận, nhưng rất mực tôn sùng, tin sâu Tam bảo, mỗi năm đều thiết lễ đại hội trong bảy ngày, cúng dường lên chư tăng đủ các món ngon vật lạ cùng với ba tấm y và thuốc men cũng như bảy món báu và trân châu bảo vật các loại. Sau khi bố thí hết các loại trân bảo rồi mới dùng tiền chuộc lại với giá cao hơn.

Vua quý trọng người hiền đức, noi theo đạo lý, xem trọng việc học, đối với các bậc cao tăng từ phương xa đến lại càng đặc biệt kính lễ hơn.

Cách kinh thành không xa có một ngôi chùa lớn, do A-la-hán A-chiết-la xây dựng. Các vị Bồ Tát Đức Tuệ, Kiên Tuệ đã từng dừng chân trú ngụ nơi đây, soạn các bộ luận, đều lưu truyền rộng rãi khắp nơi.

Từ nơi đây đi về hướng tây bắc khoảng 230 km thì đến nước A-nan-đà-bổ-la, thuộc miền Tây Ấn.

9. Nước A-nan-đà-bổ-la

Nước A-nan-đà-bổ-la chu vi khoảng 652 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Dân cư đông đúc phồn thịnh, đời sống sung túc giàu có. Nước này không có vua, chịu phụ thuộc nước Ma-lạp-bà. Đất đai, sản vật, khí hậu, văn tự, pháp luật... cũng đều giống như nước Ma-lạp-bà.

Trong nước có mười mấy ngôi chùa, gần 1.000 tăng sĩ, tu tập theo giáo pháp phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Có mấy chục đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo chung sống hỗn tạp.

Từ nước Phạt-lạp-tỳ đi về hướng tây khoảng 163 km thì đến nước Tô-lạt-sá, thuộc miền Tây Ấn.

10. Nước Tô-lạt-sá

Nước Tô-lạt-sá chu vi khoảng 1.300 km. Chu vi kinh thành khoảng 10 km, phía tây giáp sông Mạc-ê. Dân cư đông đúc phồn thịnh, đời sống sung túc giàu có. [Về hành chánh] phụ thuộc nước Phạt-lạp-tỳ. Đất đai khô cằn nhiễm mặn, hoa quả rất ít. Khí hậu nóng lạnh quân bình nhưng có gió mạnh, nhiều lốc xoáy. Phong tục hẹp hòi, tánh người nông nổi, hấp tấp, không ưa thích học các tài nghề.

Về tín ngưỡng thì có người tin Phật, cũng có người tin theo tà đạo. Có hơn 50 ngôi chùa với hơn 3.000 tăng sĩ, đa số tu tập theo giáo pháp Đại thừa và Thượng tọa bộ [thuộc Tiểu thừa]. Có hơn 100 đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo chung sống hỗn tạp.

Về phía tây có đường biển nên người dân đều tận dụng lợi ích từ biển, lấy việc buôn bán, trao đổi hàng hóa làm nghề nghiệp.

Cách kinh thành không xa có núi Úc-thiện-đa. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa, kiến trúc phòng ốc, hành lang phần lớn đều đục vào vách núi. Nơi đây cây rừng sầm uất, suối nước bao quanh, là nơi các bậc hiền thánh dừng chân khi dạo chơi, các vị thần tiên thường tụ họp.

Từ nước Phạt-lạp-tỳ đi về hướng bắc khoảng 600 km thì đến nước Cù-chiết-la, thuộc miền Tây Ấn.

11. Nước Cù-chiết-la

Nước Cù-chiết-la chu vi khoảng 1.630 km. Kinh thành Tỳ-la-ma-la chu vi khoảng 10 km. Đất đai, sản vật, phong tục đều giống như nước Tô-lạt-sá. Dân cư đông đúc phồn thịnh, đời sống sung túc giàu sang, đa số tin theo ngoại đạo, ít người tin Phật pháp. Chỉ có một ngôi chùa với hơn 100 tăng sĩ, tu tập theo giáo pháp phái Thuyết nhất thiết hữu thuộc Tiểu thừa. Có mấy chục đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo sống chung hỗn tạp.

Đức vua thuộc dòng sát-đế-lợi, tuổi vừa đôi mươi, trí dũng cao vời, thâm tín Phật pháp, tánh tình cao thượng, có nhiều tài năng lạ.

Từ nơi đây đi về hướng đông nam khoảng 920 km thì đến nước Ổ-xà-diễn-na, thuộc miền Nam Ấn.

12. Nước Ổ-xà-diễn-na

Nước Ổ-xà-diễn-na chu vi khoảng 1.950 km. Chu vi kinh thành khoảng 10 km. Đất đai, sản vật, phong tục đều giống như nước Tô-lạt-sá. Dân cư đông đúc phồn thịnh, đời sống sung túc giàu có. Có khoảng mấy chục ngôi chùa, đa phần đều đổ nát hư hoại, chỉ còn lại năm ba ngôi. Có hơn 300 tăng sĩ, tu tập theo cả Đại thừa và Tiểu thừa. Có mấy chục đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo chung sống hỗn tạp. Đức vua thuộc giai cấp bà-la-môn, học rộng các sách tà đạo, không tin Phật pháp.

Cách thành không xa có một ngọn tháp, là nơi vua Vô Ưu [thuở xưa] xây dựng địa ngục.

Từ nơi đây đi về hướng đông bắc khoảng 325 km thì đến nước Trịch-chỉ-đà, thuộc miền Nam Ấn.

13. Nước Trịch-chỉ-đà

Nước Trịch-chỉ-đà chu vi khoảng 1.300 km. Chu vi kinh thành khoảng 4.7-5 km. Đất đai màu mỡ, trồng trọt phát triển tốt, thích hợp với các giống đậu, lúa mạch và có nhiều loại cây ăn trái. Khí hậu điều hòa dễ chịu, tính người hiền lương nhu thuận.

Người dân đa phần tin theo ngoại đạo, ít người tin kính Phật pháp. Có mấy chục ngôi chùa nhưng rất ít tăng sĩ. Có khoảng hơn 10 đền thờ Phạm thiên, tín đồ ngoại đạo hơn ngàn người.

Đức vua thuộc giai cấp bà-la-môn, dốc lòng tin Tam bảo, tôn trọng người có đức hạnh, những người học rộng hiểu nhiều ở các nơi khác đa phần đều tụ tập về đây.

Từ nơi đây đi về hướng bắc khoảng 290 km thì đến nước Ma-ê-thấp-phạt-la-bổ-la, thuộc miền Trung Ấn.

14. Nước Ma-ê-thấp-phạt-la-bổ-la

Nước Ma-ê-thấp-phạt-la-bổ-la chu vi khoảng 980 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Đất đai, sản vật, phong tục đều giống như nước Ổ-xà-diễn-na. Người dân tôn kính ngoại đạo, không tin Phật pháp. Có mấy chục đền thờ Phạm thiên, đa phần là của phái ngoại đạo Đồ hôi. Đức vua thuộc chủng tộc bà-la-môn, đối với Phật pháp không tin kính nhiều.

Từ nơi đây quay trở lại nước Cù-chiết-la, rồi theo hướng bắc sẽ vào vùng hoang vu hiểm trở, bãi cát mênh mông, đi hơn 600 km, qua sông lớn Tín-độ thì đến nước Tín-độ, thuộc miền Tây Ấn.

15. Nước Tín-độ

Nước Tín-độ chu vi khoảng 2.300 km. Kinh thành Tỳ-thiêm-bà-bổ-la có chu vi khoảng 10 km. Đất đai thích hợp với việc trồng các giống lúa, lúa mạch rất tốt. Nơi đây xuất khẩu các loại vàng, bạc, hợp kim đồng. Về chăn nuôi thì thích hợp nuôi trâu bò, dê, lạc đà, lừa và những loài vật tương tự. Giống lạc đà ở đây thấp bé, chỉ có một bướu trên lưng. Nước này sản xuất nhiều muối đỏ, có màu sắc như đá đỏ, cùng với các loại muối trắng, muối đen, muối đá trắng, các nước khác phương xa đến [mua về] dùng làm thuốc.

Người dân tính tình cứng rắn nhưng bộc trực, thẳng thắn, hay đấu tranh, ưa phỉ báng, học hành không được rộng khắp nhưng tin sâu Phật pháp. Có mấy trăm ngôi chùa với hơn 10.000 tăng sĩ, tất cả đều tu học theo giáo pháp của phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa, nhìn chung đều lười nhác buông thả, giới hạnh không nghiêm trì. Nhưng cũng có những người tinh tấn, chuyên cần, hiền thiện, sống ẩn cư một mình nơi u tịch, giữa rừng sâu núi thẳm, ngày đêm không biếng trễ, đa phần đều được chứng thánh quả. Có hơn 30 đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo chung sống lẫn lộn.

Đức vua thuộc chủng tộc thủ-đà-la, tánh tình thuần hậu chân chất, tôn kính Phật pháp. Ngày xưa đức Như Lai từng nhiều lần đi đến nước này, nên vua Vô Ưu đã xây dựng mấy chục ngọn tháp ở những nơi có thánh tích. Ngài Đại A-la-hán Ổ-ba-cúc-đa cũng từng đến đây nhiều lần, giảng pháp mở đạo. Những nơi ngài đã từng đến đều được ghi lại dấu tích, hoặc xây dựng chùa, hoặc xây dựng tháp, có rất nhiều nơi san sát gần nhau, chỉ có thể nói lược qua như vậy.

Trong khoảng hơn ngàn dặm dọc theo bờ sông Tín-độ, nằm xen trong những vùng ao hồ đầm lầy có hàng trăm ngàn hộ dân sinh sống. Những cư dân này tánh tình cứng rắn mạnh mẽ, thường xuyên giết hại [động vật], lấy việc chăn nuôi trâu bò làm nghề nghiệp sinh sống. Những người này không phân biệt nam nữ, sang hèn, tất cả đều cạo tóc, mặc áo cà-sa giống như người xuất gia nhưng lại sống như người thế tục. Họ bám chấp nhận thức hẹp hòi, phỉ báng, bài bác Đại thừa.

Đọc trong các ghi chép xưa thấy nói rằng, thuở xưa ở đất này cư dân tính tình độc ác tàn nhẫn, quen làm những sự hung bạo. Có một vị A-la-hán thương xót sự điên đảo sa đọa của họ, vì muốn hóa độ nên bay trên không trung mà đến, hiện các phép đại thần thông, khiến họ nhìn thấy xưa nay ít có để họ tin nhận, rồi mới dần dần dùng lời dạy dỗ, dẫn dắt. Những người dân này đều vui mừng cung kính, nguyện vâng theo lời chỉ bảo răn dạy. Vị A-la-hán biết tâm họ đã quy thuận, liền cho thọ tam quy y, dứt lòng hung bạo, không còn giết hại sinh mạng nữa. Tất cả đều cạo tóc, mặc áo cà-sa hoại sắc, cung kính tu hành theo giáo pháp.

Từ đó đến nay trải qua nhiều đời, thời thế có nhiều thay đổi, những người hiền thiện ngày càng hiếm hoi, trong khi thói xấu [trước đây] chưa dứt hết, nên [người dân nơi đây] tuy vẫn còn mặc áo cà-sa nhưng không còn giữ giới và làm việc thiện nữa. Cứ như vậy mà truyền lại đến con cháu, lâu ngày quen dần thành thói tục [hung bạo].

Từ nơi đây đi về hướng đông khoảng 290 km, qua sông Tín-độ đến bờ phía đông là nước Mậu-la-tam-bộ-lô, thuộc miền Tây Ấn.

16. Nước Mậu-la-tam-bộ-lô

Nước Mậu-la-tam-bộ-lô chu vi khoảng 1.300 km. Chu vi kinh thành khoảng 10 km. Dân cư đông đúc phồn thịnh, đời sống sung túc giàu có. [Về hành chánh] phụ thuộc nước Trách-ca. Ruộng đất màu mỡ, khí hậu điều hòa, phong tục chân chất ngay thẳng. Người dân hiếu học, kính trọng người đức hạnh, đa số thờ phụng thiên thần, ít người tin vào Phật pháp.

Nơi đây có hơn 10 ngôi chùa, đa phần đều đã hư hoại đổ nát. Có rất ít tăng sĩ, sự tu học không chuyên nhất [theo bộ phái nào]. Có 8 đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo chung sống hỗn tạp. Có một đền thờ thần mặt trời, trang hoàng cực kỳ tráng lệ, tượng thần được đúc bằng vàng ròng, nghiêm sức bằng kỳ trân dị bảo, phảng phất vẻ linh thiêng, tiềm ẩn nhiều thần bí. Các nhạc công nữ thay phiên nhau tấu nhạc không dứt, đèn đuốc thắp sáng suốt cả đêm ngày, hương hoa cúng dường không dứt. Các vị vua và những nhà giàu có ở khắp năm vùng Ấn Độ, người nào cũng đến đây hiến cúng trân bảo, xây dựng các nhà làm phúc, chu cấp thuốc men, đồ ăn uống cho những người nghèo khổ, bệnh tật. Người từ các nước khác đến đây cầu nguyện thường lên đến cả ngàn người. Chung quanh bốn phía đền thờ đều có ao hồ hoa trái, cảnh sắc thật đáng thưởng ngoạn.

Từ nơi đây đi về hướng đông bắc khoảng 230 km thì đến nước Bát-phạt-đa, thuộc miền Bắc Ấn.

17. Nước Bát-phạt-đa

Nước Bát-phạt-đa chu vi khoảng 1.630 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km, dân cư đông đúc phồn thịnh. [Về hành chánh] phụ thuộc nước Trách-ca. Nơi đây trồng nhiều giống lúa mùa sớm và rất thích hợp với lúa mạch. Khí hậu điều hòa dễ chịu, phong tục chân chất, thẳng thắn. Người dân tánh tình nóng nảy, hấp tấp, nói năng thô bỉ, học hỏi sâu rộng các tài nghề.

Về tín ngưỡng thì có người tin Phật, cũng có người tin theo tà đạo. Có hơn 10 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 1.000 vị, tu tập theo cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Có bốn ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Có 20 đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo chung sống hỗn tạp.

Kế bên kinh thành có một ngôi chùa lớn, có hơn 100 tăng sĩ, tất cả đều tu học theo giáo pháp Đại thừa. Đây là nơi ngày xưa luận sư Thận-na-phất-đát-la soạn bộ luận thích Du-già-sư-địa. Chùa này cũng là nơi xuất gia của hai vị luận sư Hiền Ái và Đức Quang. Chùa đã bị lửa trời đốt cháy nên giờ đây hoang tàn đổ nát.

Từ nước Tín-độ đi về hướng tây nam khoảng 490-520 km thì đến nước A-điểm-bà-sí-la, thuộc miền Tây Ấn.

18. Nước A-điểm-bà-sí-la

Nước A-điểm-bà-sí-la chu vi khoảng 1.630 km. Kinh thành Khiết-tế-thấp-phạt-la chu vi khoảng 10 km, vị trí lệch về miền tây, giáp sông Tín-độ và gần biển. Nhà cửa xây dựng trang hoàng đẹp đẽ và có nhiều trân bảo quý giá. Gần đây không có vua nên phụ thuộc nước Tín-độ. Đất đai thấp và nhiễm mặn, bỏ hoang cỏ mọc đầy, khai khẩn làm ruộng rất ít, tuy cũng có đủ lúa thóc, đặc biệt lúa mạch rất tốt. Khí hậu hơi lạnh, có gió mạnh. Nơi đây thích hợp chăn nuôi các loài trâu bò, dê, lạc đà, lừa... Tánh người nóng nảy, hấp tấp, không thích học tập. Ngôn ngữ chỉ hơi khác đôi chút với miền Trung Ấn. Phong tục thuần hậu, chân chất, kính trọng tôn sùng Tam Bảo.

Có hơn 80 ngôi chùa với hơn 5.000 tăng sĩ, đa phần tu học theo giáo pháp phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Có 10 đền thờ Phạm thiên, phần lớn là nơi trú ngụ của phái ngoại đạo Đồ hôi. Trong thành có một đền thờ Đại Tự Tại Thiên, đình mái điêu khắc trang trí công phu, tượng thiên thần linh ứng. Những người ngoại đạo phái Đồ hôi vào ở bên trong.

Ngày xưa đức Như Lai từng nhiều lần đến nước này thuyết pháp độ người, dẫn dắt làm lợi ích cho muôn người, cho nên vua Vô Ưu đã xây dựng 6 ngọn tháp ở những nơi có thánh tích.

Từ nơi đây đi về hướng tây khoảng 600 km thì đến nước Lang-yết-la, thuộc miền Tây Ấn.

19. Nước Lang-yết-la

Nước Lang-yết-la, bốn phía đông, tây, nam, bắc đều [có đường biên giới] dài mấy ngàn dặm. Kinh thành Tốt-đồ-lê-thấp-phạt-la chu vi khoảng 10 km. Đất đai màu mỡ, các giống lúa tốt tươi. Khí hậu, phong tục đều giống như nước A-điểm-bà-sí-la. Dân cư đông đúc phồn thịnh, có nhiều trân bảo quý giá. Nước này nằm bên bờ biển, là ngõ vào nước Tây Nữ. Hiện tại không có vua nên [những người có thế lực đều] dựa vào địa hình mà chiếm cứ lãnh thổ riêng. Họ không nghe lệnh nhau nhưng chịu phụ thuộc nước Ba-lạt-tư. Chữ viết về đại thể cũng giống như Ấn Độ nhưng ngôn ngữ thì có khác biệt đôi chút. [Về tín ngưỡng] thì có người tin Phật, cũng có người tin theo tà đạo.

Có hơn 100 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 6.000 vị, tu tập theo cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa. Có mấy trăm đền thờ Phạm thiên, tín đồ phái ngoại đạo Đồ hôi rất đông. Trong thành có đền thờ Đại Tự Tại Thiên rất trang nghiêm tráng lệ, là nơi thờ phụng của phái ngoại đạo Đồ hôi.

Về hướng tây bắc của nước này là nước Ba-lạt-tư, tuy không thuộc Ấn Độ nhưng nằm cạnh đường đi nên cũng ghi vào. Trước đây gọi nước Ba Tư là gọi tắt.

20. Nước Ba-lạt-tư

Nước Ba-lạt-tư chu vi mấy chục ngàn dặm. Kinh thành Tô-lạt-tát-thảng-na chu vi khoảng 13 km. Đất đai rộng lớn chia thành nhiều vùng, nên khí hậu [mỗi vùng] cũng khác biệt nhau, nhưng nói chung đều ấm áp. Người dân dẫn nước vào làm ruộng, cuộc sống sung túc giàu có. Nơi đây sản xuất vàng, hợp kim đồng, pha lê, thủy tinh, các loại trân bảo quý hiếm. [Ngoài ra còn có các nghề thủ công như] dệt các loại gấm, vải mịn, thảm... Nơi đây có nhiều ngựa hay và lạc đà. Trong việc mua bán sử dụng loại tiền lớn đúc bằng bạc.

Tánh người thô bạo nóng nảy, phong tục không lễ nghĩa. Văn tự, ngôn ngữ không giống với các nước khác. Người dân không giỏi các môn tài nghệ nhưng có nhiều nghề thủ công, sản phẩm làm ra đều được các nước chung quanh đánh giá cao. Chế độ hôn nhân hỗn tạp [trong cùng huyết thống]. Người chết phần lớn là vất xác, [không chôn]. Người ở đây thân hình cao lớn, cắt tóc để lộ đỉnh đầu, dùng áo da thú, y phục nói chung may bằng gấm, vải bông. Các gia đình đều phải nộp thuế, mỗi cá nhân nộp bốn đồng tiền [đúc bằng] bạc.

Có rất nhiều đền thờ Phạm thiên, là nơi thờ phụng của các tín đồ phái ngoại đạo Đề-na-bạt. Chỉ có vài ba ngôi chùa, tăng sĩ mấy trăm vị, thảy đều tu tập theo giáo lý phái Thuyết nhất thiết hữu, thuộc Tiểu thừa. Hiện nay, bình bát của đức Phật Thích-ca [để lại] đang được lưu giữ trong vương cung của nước này.

Miền đông nước Ba-lạt-tư có thành Hạc-mạt. Bên trong Phần nội thành không rộng nhưng thành ngoài có chu vi hơn 20 km. Dân cư đông đúc, đời sống sung túc giàu có.

Phía tây bắc giáp với nước Phất-lẫm, đất đai phong tục đều giống với nước Ba-lạt-tư. Hình thể con người và ngôn ngữ thì có phần khác biệt. Nơi đây có nhiều trân bảo, đời sống cũng sung túc giàu có.

Phía tây nam nước Phất-lẫm là nước Tây Nữ nằm trên đảo giữa biển, chỉ toàn phụ nữ, không có nam giới. Nước này có rất nhiều trân bảo quý giá, [về hành chánh] phụ thuộc nước Phất-lẫm. Mỗi năm vua nước Phất-lẫm đều cho một số đàn ông đến nước này để giao phối. Tục lệ của nước này nếu sinh ra con trai thì không được giữ lại.

Từ nước A-điểm-bà-sí-la đi về hướng bắc khoảng 230 km thì đến nước Tý-đa-thế-la, thuộc miền Tây Ấn.

21. Nước Tý-đa-thế-la

Nước Tý-đa-thế-la chu vi khoảng 980 km. Chu vi kinh thành khoảng 10 km, dân cư đông đúc phồn thịnh. Nước không có vua, chịu phụ thuộc nước Tín-độ. Đất đai nhiều cát và nhiễm mặn, gió rét lạnh và thổi mạnh. Trồng được nhiều lúa mạch, ít hoa quả. Phong tục hung ác tàn bạo. Ngôn ngữ khác với miền Trung Ấn. Người dân không ưa chuộng việc học các tài nghề nhưng có niềm tin thuần thành.

Trong nước có hơn 50 ngôi chùa với hơn 3.000 tăng sĩ, tu tập theo giáo pháp phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Có hơn 20 đền thờ Phạm thiên, hết thảy đều là tín đồ ngoại đạo Đồ hôi.

Về phía bắc kinh thành khoảng 4.7-5 km, trong khu rừng lớn có một ngọn tháp, cao khoảng 60-70 mét do vua A-dục xây dựng, bên trong có xá-lợi Phật, đôi khi tỏa chiếu hào quang. Thuở xưa [tiền thân] đức Như Lai làm một vị tiên, bị một ông vua làm hại tại đây.

Từ nơi đây đi về hướng đông không xa có một ngôi chùa cổ, thuở xưa do ngài Đại A-la-hán Đại Ca-đa-diên-na xây dựng. Bên cạnh có ngọn tháp ghi dấu di tích nơi bốn vị Phật quá khứ từng ngồi thiền và kinh hành.

Từ nơi đây đi về hướng đông bắc khoảng 98 km thì đến nước A-bổn-đồ, thuộc miền Tây Ấn.

22. Nước A-bổn-đồ

Nước A-bổn-đồ chu vi khoảng 780-810 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Nước không có vua nên chịu phụ thuộc nước Tín-độ. Đất đai thích hợp việc trồng lúa, đặc biệt lúa mạch phát triển rất tốt. Hoa quả ít, cây cỏ thưa thớt. Khí hậu lạnh, nhiều gió. Tánh người hung bạo, cứng cỏi, nói năng chân chất, đơn giản, không xem trọng việc học nghề, đối với Tam bảo có lòng tin thuần thành.

Trong nước có hơn 20 ngôi chùa với hơn 2.000 tăng sĩ, đa phần tu tập theo giáo pháp của phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Có 5 đền thờ Phạm thiên, đều là của phái ngoại đạo Đồ hôi.

Cách kinh thành không xa về phía đông bắc, trong khu rừng trúc lớn có dấu tích còn lại của một ngôi chùa. Đây là nơi ngày xưa đức Như Lai phương tiện cho phép các vị tỳ-kheo được mang giày làm bằng da thú.

Bên cạnh đó có ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, nền móng đã nghiêng lún nhưng vẫn còn cao hơn 33 mét. Gần đó có một tinh xá, trong có tượng Phật đứng bằng đá xanh, vào những ngày trai đôi khi tỏa chiếu hào quang.

Cách đó về hướng nam hơn 1.300 mét, có một ngọn tháp nằm trong rừng, do vua Vô Ưu xây dựng. Thuở xưa, đức Như Lai dừng nghỉ tại nơi này, đêm ấy quá lạnh, ngài phải đắp cùng lúc cả ba tấm y. Sáng hôm sau liền phương tiện khai mở, cho phép các vị tỳ-kheo được mặc y may bằng nhiều lớp vải.

Cũng trong khu rừng này, có di tích nơi Phật kinh hành, lại có rất nhiều ngọn tháp nằm san sát gần nhau, đều là những di tích nơi tọa thiền của bốn vị Phật quá khứ. Trong đó có tháp lưu giữ tóc và móng tay của đức Như Lai, vào những ngày trai thường phát ra ánh sáng.

Từ nơi đây đi về phía đông bắc khoảng 290 km thì đến nước Phạt-lạt-noa, thuộc miền Tây Ấn.

23. Nước Phạt-lạt-noa

Nước Phạt-lạt-noa chu vi khoảng 1.300 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km, dân cư đông đúc phồn thịnh, [về hành chánh] phụ thuộc nước Ca-tất-thí. Đất đai nhiều núi rừng, các giống lúa gieo trồng theo thời vụ. Khí hậu hơi lạnh, phong tục hung bạo cứng rắn, người dân tánh khí nóng nảy, hấp tấp, chí hướng thấp hèn. Ngôn ngữ hơi giống với miền Trung Ấn. Về tín ngưỡng thì có người tin Phật, cũng có người tin theo tà đạo. Người dân không ưa thích việc học các tài nghề.

Trong nước có mấy chục ngôi chùa, đa phần đều đã hoang tàn đổ nát. Có hơn 300 vị tăng sĩ, hết thảy đều tu tập theo giáo pháp Đại thừa. Có 5 đền thờ Phạm thiên, đa số đều là phái ngoại đạo Đồ hôi.

Cách kinh thành không xa về phía nam có một ngôi chùa cổ, thuở xưa đức Như Lai từng thuyết pháp ở đây, chỉ bày khai ngộ, mang lại lợi lạc và niềm vui cho muôn người. Bên cạnh có di tích nơi bốn vị Phật quá khứ kinh hành và ngồi thiền.

Theo lời dân địa phương thì phía tây nước này tiếp giáp với nước Kê-khương-na, nằm ở vùng bình nguyên giữa các núi lớn. Nước Kê-khương-na sống biệt lập tự chủ, không có vua. Người dân chăn nuôi nhiều dê, ngựa, có giống ngựa hay, thân hình cao lớn và xinh đẹp, các nước khác rất ít có, nên những nước chung quanh đều xem là ngựa quý.

Về hướng tây bắc, vượt các ngọn núi lớn rồi băng qua bình nguyên mênh mông, qua những thành, ấp nhỏ, đi khoảng 652 km thì ra khỏi phạm vi Ấn Độ, đến nước Tào-củ-trá, cũng gọi là nước Tào-lợi.





Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua 23 nước trong Quyển 11 - Tây Vực Ký



    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.140.195.140 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...