Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Truyện ngắn »» Sáu con búp bê »»

Truyện ngắn
»» Sáu con búp bê

Donate

(Lượt xem: 7.148)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Sáu con búp bê

Font chữ:

Hạnh ngồi bó gối bên lò sưởi nhìn ngọn lửa nổ lách tách, cái dáng ngồi rất nguyên thủy, vì phải là ở vào thời nguyên thủy hoặc ở những chốn quê mùa mới có cái lối bếp kê sát đất để người ta có thể ngồi lên một phiến gỗ nhỏ, hai tay bó gối, tha hồ mơ mộng, tha hồ thả tâm hồn đi du lịch.

Hạnh cũng không biết mình bắt đầu ngồi như thế này từ bao giờ, nhìn ngọn lửa chập chờn, Hạnh chẳng thấy chán mắt tí nào. Có lúc Hạnh tưởng chừng như đấy là những bông hoa trước gió, từng cánh, từng cánh rung rinh. Có lúc Hạnh lại tưởng như là một bầy tiên đang múa, xiêm y rực rỡ, mà những làn khói là những làn mây đang uốn lượn chung quanh. Một lúc khác, Hạnh không còn thấy giống những nàng tiên mà là những chàng mọi đen, mọi đỏ. Một trận giặc giữa hai màu da đỏ với da đen, thỉnh thoảng một thanh củi nhỏ mất thăng bằng rơi ra ngoài giống hệt như một tên mọi bị bắn chết ngã chúi xuống trong tiếng hò reo của quân thù. Hạnh bỗng cảm thấy yêu lửa một cách lạ, lửa là một bức tranh thay đổi, linh động, giá lửa đừng nóng, cầm lên đừng bỏng tay thì Hạnh sẽ nắm lấy những bà tiên, những cánh hoa, những tên mọi ấy trong tay để được nhìn gần cho thỏa thích. Nhưng lửa nóng quá và Hạnh cứ phải ngồi lùi ra xa xa.

Nếu từ nãy đến giờ không nhìn lửa thì chắc Hạnh sẽ không biết phải làm gì, bên ngoài trời mưa phùn u ám và lạnh lẽo, người Hạnh lại đang mệt, chị của Hạnh không cho Hạnh đi chơi sợ Hạnh ốm chứ kể ra trời này mà mặc áo ấm đi giày to thọc tay vào túi quần lang thang trong mấy bãi tha ma cũng là một sự rất thú vị. Đành phải ngồi nhà vui với lửa vậy, nhưng nhìn lâu một vật gì cũng mỏi mắt, chưa tối mà sao mắt Hạnh đã muốn dim díp, buồn ngủ giờ này chăng? Một vài sợ khói bay tràn ra ngoài làm Hạnh cay cả mắt. Hạnh đưa tay lên dụi mắt, bắt buộc Hạnh phải rời những điệu múa uốn éo của mấy nàng tiên lửa để nhìn lên bầy búp bê của Hạnh vẫn sắp hàng đứng trên lò sưởi.

Mấy con búp bê sao hôm nay trơ trẽn một cách lạ, không biết nhảy múa, không biết cử động, đứng cứ lì lì ra. Hạnh đưa tay cầm lấy một con búp bê nhìn chăm chú rồi khẽ nói với nó, không dám nói to sợ người ngoài nghe thấy:

- Tại sao chúng mày cứ lì ra như thế? Chẳng biết làm cái gì cả, ít nhất chúng mày cũng nên tập nhảy múa ca hát, hoặc kể những câu chuyện nghe gì cho vui, chúng mày hãy nhìn lên bếp lửa mà bắt chước kìa.

Hạnh vừa nói xong bỗng giật mình vì những tiếng xôn xao chung quanh. Hạnh ngơ ngác không biết rằng mình đang mơ hay tỉnh. Tất cả mấy con búp bê đều lên tiếng cãi với Hạnh, giọng con búp bê Hòa Lan đanh đá nhất:

- Cô đừng tưởng chúng tôi không có chuyện kể, cố nhiên là câu chuyện đời của chúng tôi thì rất tầm thường, chúng tôi sinh ra không có cha có mẹ như người khác, chúng tôi chỉ là con của những cái máy chạy ầm ầm, sản xuất hằng trăm hàng nghìn, vì thế khỏi cần kể ra, đời đứa nào cũng không khác đứa nào, nhưng chúng tôi có thể kể cho cô nghe chuyện đời của người mua chúng tôi, vì chúng tôi có liên hệ mật thiết đến những người ấy. Mỗi lần cô nhìn chúng tôi cô sẽ nhớ đến những người ấy.

Hạnh dụi mắt lại một lần nữa, không, quả thật là Hạnh không mơ. Con búp bê Hòa Lan do một người bạn Hòa Lan mua tặng Hạnh cách đã mấy năm nay. Nó là một cô gái quê tóc vàng mắt xanh, đầu đội mũ đăng ten giống cái khăn mỏ quạ ở miền Bắc Việt Nam. Mình nó mặc áo đen thêu hoa, chân đi guốc mộc. Nó không xấu nhưng không có vẻ lịch sự đài các. Người bạn Hòa Lan ấy là một giáo sư già, gặp Hạnh trong một buổi dạ hội ở Thụy Sĩ, câu chuyện này Hạnh không biết rằng có phải người bạn đã kể cho Hạnh nghe một chiều đi quanh hồ Leman hay là mãi hôm nay Hạnh mới nghe con búp bê kể lên là lần thứ nhất.

- Năm tôi lên sáu là một năm đánh dấu mạnh nhất vào cuộc đời. Tôi không thể nào quên được những kỷ niệm sâu sắc ấy. Từ độ tôi biết nói, biết hôn là tôi có thói quen phải hôn mẹ trước khi vào giường đi ngủ, nếu không hôn thì tôi bứt rứt không ngủ được.

Đêm ấy mẹ tôi có khách ở phòng ngoài. Bà khách ngồi lâu quá, đợi mãi không thấy khách về, đúng giờ đi ngủ tôi có bổn phận phải lên giường, nhưng nằm mà chưa hôn mẹ thì làm sao tôi có thể ngủ được, đợi một lúc mẹ tôi không vào tuy mẹ tôi đã biết tính tôi chưa hôn thì không ngủ. Tôi cất tiếng gọi mẹ:

- Mẹ ơi vào cho con hôn.

- Ừ để rổi mẹ vào – giọng mẹ tôi trả lời rất ngọt ngào và tôi yên lòng nằm chờ, chờ mãi cũng chưa thấy mẹ tôi vào, tôi lại gọi:

- Mẹ ơi vào cho con hôn.

- Chờ một tí đi con, mẹ vào ngay bây giờ.

Tôi lại chờ, cái quãng thời gian chờ đợi bao giờ cũng dài dằng dặc, người lớn còn lạ lùng gì sự ấy. Lần này tôi tức gần phát khóc, tôi lên tiếng gọi to hơn cố cho cả bà khách cũng nghe, cái bà khách sao mà dễ ghét thế, cứ ngồi lì ra:

- Mẹ ơi con buồn ngủ lắm rồi, sao mẹ bắt con chờ lâu thế?

Mẹ tôi nghe tôi gọi lần thứ ba cũng đâm cáu, giọng mẹ tôi không ngọt ngào như hai lần trước:

- Cái con bé này làm gì mà nheo nhéo lên thế.

Nghe giọng mẹ tôi gắt tôi bỗng cảm thấy tủi thân, nước mắt ở đâu trào ra ướt cả mặt, cả gối. Mình gọi người ta vào để hôn mà người ta còn gắt gỏng! Tôi khóc một trận rồi ngủ quên đi lúc nào, sau đấy mẹ tôi có vào hôn tôi hay không tôi cũng chẳng biết, nhưng riêng tôi thì từ đêm ấy trở đi, tôi thề cho đến già không bao giờ hôn mẹ trước khi đi ngủ nữa.

Đây mới là kỷ niệm thứ nhất, kỷ niệm thứ hai còn làm tôi khổ sở hơn, và đến kỷ niệm thứ ba thôi thì khỏi nói, nhưng để tôi kể nốt cái kỷ niệm thứ hai cho cô nghe.

Một chiều tôi theo cha tôi đi đến nhà người bạn, một ông bạn vừa dọn nhà mới nên trông sạch sẽ đàng hoàng. Gian phòng khách sơn màu ngà, có chạy một đường nâu thẫm ở trên trần, không cao lắm, đứng nhón chân chắc tôi có thể với tay lên đường nâu ấy được.

Cha tôi ngắm nghía một lúc rồi tấm tắc khen "đẹp, đẹp quá!". Quả thật tôi chẳng biết nó đẹp ở chỗ nào. Hỏi cha tôi thì người chỉ giảng rằng nó thuộc về sự thẩm mỹ mà ngày sau lớn lên tự khắc tôi sẽ hiểu. Theo ý tôi thì cần gì phải lớn mới hiểu, tôi biết nó chỉ là một đường nâu thẫm chạy dài quanh bức tường màu ngà, cha tôi khen đẹp vì nó thuận mắt người. Về đến nhà cha tôi còn tả cho mẹ tôi nghe và hẹn sẽ đưa mẹ tôi đi đến xem.

Lễ Giáng Sinh năm ấy tôi được một hộp sơn màu rất lớn. Tôi sung sướng nhưng không muốn chỉ sung sướng một mình. Và tôi nhất định phải làm cái gì để vui lòng cha tôi. Nghĩ đến bức tường ở nhà ông bạn, tôi mừng quá vì tìm ra được một ý kiến hay. Đêm ấy tôi nằm ngủ mà chỉ mong cho chóng đến sáng, mà sáng rồi còn phải chờ cha mẹ tôi đi vắng mới dám thực hành ý kiến. Tường nhà tôi cũng màu ngà, may mắn quá, tôi sẽ bắc ghế đứng lên kẻ một đường viền nâu chạy dài quanh tường. Như thế cha mẹ tôi cũng sẽ có một gian phòng khách giống hệt nhà ông bạn, hẳn cha mẹ tôi sẽ vui lòng lắm.

Ngày mai đến, đợi cha mẹ tôi vừa ra khỏi nhà là tôi bắt tay vào việc làm ngay, chỉ lo cha mẹ tôi về khi tôi chưa hoàn thành bốn bức tường thì thật là đáng tiếc.

Nói ra thì dễ nhưng kẻ cho được một khúc ngay ngắn thôi cũng đã là một sự khó khăn. Hì hục hơn ba tiếng đồng hồ tôi mới chỉ kẻ xong có một phía tường thì có tiếng cha tôi về. Người vừa mở cửa thấy tôi đang vẽ, tôi quay lại nhìn cha tôi lòng hân hoan đợi người sẽ chạy đến ôm tôi vào lòng mà khen thưởng. Nhưng không, sự thật trái hẳn với lòng mong muốn. Cha tôi nghiêm nét mặt, kéo tôi xuống phát cho mấy cái vào mông đau lịm cả người. Quả thật tôi không thể nào hiểu nổi. Cha tôi mắng tôi là đồ phá nhà, con hư.

Tôi giận cha tôi đến không thèm giải thích, người lớn thật phiền phức khó hiểu, chẳng biết khi nào họ khen, khi nào họ đánh đòn.

Còn nữa, đây mới là cái kỷ niệm đau khổ nhất cho đời một đứa bé sáu tuổi. Nhà chúng tôi ở từng gác dưới và nhà bé Lan ở gác trên, tôi với bé Lan trạc tuổi nhau, chúng tôi thân nhau hơn cả người lớn. Bé Lan có con búp bê tên là Mimi, chúng tôi gọi Mimi là con của chúng tôi. Sáng nào tôi cũng lên nhà bé Lan để cùng đánh thức Mimi dậy, thay quần áo cho Mimi và đưa Mimi đi chơi. Tối đến, trước khi ăn cơm cũng phải lên gác với bé Lan để hôn Mimi và dỗ Mimi đi ngủ. Có những lúc chúng tôi ngồi suốt buổi bên nhau để bàn chuyện tương lai của Mimi. Ý tôi muốn là sau này Mimi lớn sẽ đi học lái máy bay nhưng bé Lan sợ Mimi ngã đau nên chỉ muốn cho Mimi đi đóng phim, như thế sẽ được người ta treo ảnh khắp các bức tường. Tôi chỉ vui lúc nào ở bên bé Lan với Mimi, tuy trong cả ngôi nhà mấy tầng ấy còn có nhiều trẻ con khác, thằng Lạc, thằng Lì, con bé Xoa, thằng Nô. Tôi thích nhìn bé Lan cười làm rung rung chòm tóc trắng như lụa ở sau gáy, có cái nơ đỏ tươi như bông hoa mồng gà những ngày hè ở ngoài đồng lúa.

Một hôm trước khi nhập học mẹ tôi đưa tôi đi phố sắm giày và mũ. Tôi không muốn đi học tí nào nhưng nếu không đi học thì sau này đâu có biết làm việc gì để có tiền nuôi bé Lan và Mimi. Cha mẹ tôi nói mãi tôi mới bằng lòng chịu đi học và cũng vì thế phải đi sắm giày và mũ. Hôm ấy gặp vào chiều thứ bảy nên người ta đi mua sắm rất đông, đến chỗ nào cũng phải làm đuôi chờ đợi. Chúng tôi về nhà thì trời đã bắt đầu tối, vì biết rằng giờ này phải cùng bé Lan dỗ Mimi ngủ nên tôi vội vàng, không kịp thay quần áo chạy vội lên gác ba, chỉ sợ Mimi buồn ngủ vì chờ tôi quá lâu.

Vừa đến trước cầu thang tôi nghe tiếng bé Lan đang cười với ai, không cần phải trông thấy tôi cũng biết rằng có một chòm tóc lụa ngà đang rung rung sau gáy. Giọng bé Lan nói với Mimi "Con gái vào giường ngủ cho ngoan nhé". Tôi bước đến gần thấy cửa hé mở, tôi nhìn vào trong thấy thằng Lạc đang đứng cạnh bên Mimi, chỗ ấy là chỗ của tôi vẫn đứng thường lệ. Bé Lan hôn Mimi rồi chìa má Mimi cho thằng Lạc cùng hôn. Cử chỉ không khác gì cử chỉ bé Lan vẫn làm mỗi ngày với tôi.

Tôi đứng yên nhìn thằng Lạc bọc cái giường cho Mimi ngủ, khung cảnh thật đầm ấm và tôi lặng lẽ xuống nhà. Đêm ấy tôi lên một cơn sốt, cha tôi rầy mẹ tôi đã đưa tôi đi chơi quá lâu. Sự thật đâu phải thế.

Từ đấy không bao giờ tôi lên gác để cùng bé Lan dỗ Mimi đi ngủ nữa.

Con búp bê Hòa Lan vừa nói xong chuyện thì con búp bê Y Pha Nho tha thướt đến đứng trước mặt Hạnh khẽ nghiêng mình cúi chào rất lịch sự. Búp bê Y Pha Nho mặc áo trắng viền đỏ, váy rộng tung xòe ra xa phủ cả gót chân, đầu đội tấm voan đen thêu hoa đỏ, mái tóc đen huyền, đôi cánh tay trần mũm mĩm trông đài các như một nàng công chúa. Giọng nó nói nghe cũng quý phái hơn búp bê Hòa Lan.

Chuyện của nó kể là chuyện đời người bạn của Hạnh. Người bạn đã mua nó để tặng Hạnh vào dịp lễ Giáng sinh vừa qua.

"Tôi là một đứa con không cha, không có quê nội, mẹ tôi bảo rằng cha tôi chết trong cuộc thế chiến thứ nhất trước khi tôi ra đời. Mẹ tôi bảo thế chứ dì tôi và mọi người trong làng đều nói khác cả. Tôi cũng chẳng biết tin ai, người lớn hay đặt chuyện để làm khổ nhau. Chẳng bao giờ tôi dám hỏi, mẹ tôi không thích nhắc đến quá khứ.

Những đứa trẻ khác không cha thì ra sao, riêng tôi, tôi chẳng thấy gì gọi là thiếu thốn cả. Trái lại tôi thấy tôi bớt một người để thương tức là bớt đi một lần khổ, đời sẽ tránh được một lần khóc khi tiễn người ấy ra nghĩa trang. Càng may mắn hơn nữa là ông bà ngoại tôi yêu chiều tôi vô cùng.

Vì sinh trưởng ở nhà quê nên tính tình tôi rất cục mịch thô lỗ, chẳng bao giờ tôi biết nhường nhịn ai, càng được cưng tôi càng hư. Cả nhà chỉ mình ông ngoại tôi được hân hạnh cõng tôi đi chơi mà thôi, có lẽ vì ông tôi già yếu nhất nên tôi rất vui khi được hành hạ người.

Tôi thích ăn quà, uống nước chanh nhưng phải ra quán mới chịu ăn uống, mua về nhà thì tôi không thèm nhìn đến nữa. Mỗi lần như thế ông tôi phải cõng tôi ra tận đầu phố làng. Ngồi trên lưng người, tôi bảo đi đường nào thì ông tôi phải đi theo con đường ấy, và tôi cố ý chọn những con đường mòn có nhiều gai góc khó đi. Ông tôi có phàn nàn thì tôi nhào từ trên lưng người xuống đất bất kể cỏ rác gai góc xước vào da. Tôi lăn ra khóc cho đến bao giờ ông tôi xin lỗi mới nghe.

Cả nhà sợ tôi như sợ ông thổ thần. Ở trường học tôi muốn ngồi chỗ nào thì thầy giáo phải để yên, tôi vốn thích các cô gái cùng tuổi, nhất là những cô bé nào có áo đẹp. Ngay đến cả lúc vào thi tôi cũng nhất định ngồi cạnh cô bé nào có váy thêu hoa, không cho tôi ngồi thì tôi không thi, thế là đến ban giám khảo cũng phải chịu nhịn. Tuy vậy ngoài cái lì cái bướng ra tôi nổi tiếng là học trò giỏi nhất lớp, mọi người đều phải công nhận như thế. Bây giờ tôi thành người lớn, có địa vị trong xã hội cũng là nhờ ở sự hy sinh cố gắng của mẹ tôi. Thời gian đã thay đổi hẳn, tôi trở nên một người hiền lành nhất. Mỗi lần nghĩ đến mẹ, lòng tôi lại thấy nao nao, không biết một kiếp người có thể đền đáp cái công ơn ấy không. Vì thế mà tôi không dám cưới vợ, chỉ sợ không có người đàn bà nào có thể làm vừa lòng mẹ tôi.

Búp bê Y Pha Nho kể đến đây thì ngừng giọng. Hạnh nhìn kỹ mặt nó, quả thật nó có những nét gì hơi thoáng giống người bạn của Hạnh, người bạn hiện đang làm giám đốc cho một nhà ngân hàng lớn. Búp bê Y Pha Nho định lùi bước thì Hạnh giữ nó lại hỏi thêm:

- Thế mày có biết nhảy không?

- Có chứ, xứ Y Pha Nho người nào lại chẳng biết nhảy, chỉ trừ người mua tôi, tức là ông bạn quý của cô, ông ta nhảy thì cũng y như người chạy bộ, nhờ được cái lịch sự nên các bạn cũng vui lòng tha thứ cho.

Nói đến đây búp bê Y Pha Nho đưa tay lên rồi vươn mình một cách kiêu hãnh, dậm chân xuống sàn định làm mấy bước Flamenco thì con búp bê Tiệp Khắc đã đến nắm váy nó kéo đi:

- Thôi xin cô, chúng tôi biết tài của cô cả rồi, nhảy với nhót suốt ngày điên cái đầu, chẳng nghĩ đến ai!

- À ra thế, Hạnh ngắt lới. Chúng mày nhảy nhót vào lúc nào? Tao chỉ thấy chúng mày cứ trơ trơ ra suốt ngày.

- Chúng tôi nhảy lúc nào cô ngủ ấy!

Hạnh nghĩ thầm một đêm nào mình sẽ thức để rình xem chúng nó làm những cái trò gì, thảo nào hôm nọ đang ngủ, Hạnh nghe có những tiếng động ở lò sưởi, giật mình thức giấc Hạnh bấm đèn lên thì chẳng thấy gì cả.

- Thảo nào hôm nọ tao nghe có tiếng động.

- Vâng thì là hôm lễ Giáng sinh ấy đấy, chúng tôi lo quá đi mất, tại cô gái Y Pha Nho này, có cái váy cứ xòe ra nên anh chàng nô lệ Ba lan bước vô ý vấp phải vào, thế là ngã cong queo ra giữa sàn, kể ra thì hôm ấy cũng nhân ngày lễ, cô lại để chai rượu ngay đấy nên chúng tôi vui, uống cũng hơi quá chén. Vả lại chờ cô ngủ yên cũng đến sốt cả ruột, bận sau cô ngủ sơm sớm tí nhé, để chúng tôi hoạt động cho gân cốt giãn ra chút xíu. Gớm, đứng yên suốt ngày cô tưởng dễ lắm đấy ư?

Hạnh gật gù nói:

- Chẳng trách gì hôm ấy tao thấy chai rượu bỗng nhiên vơi hẳn, tao cứ ngỡ rằng mình trông nhầm hoặc là chị Mai đêm ấy không ngủ được nên sang lấy rượu uống cho dễ ngủ.

Con búp bê Hòa Lan thấy mình đã nói hết cả chuyện đáng nói nên quay lưng kéo xềnh xệch đôi guốc đi trở vào chỗ cũ.

Búp bê Tiệp Khắc bắt đầu cất giọng. Đến đây Hạnh lại ngập ngừng đưa tay lên dụi mắt, một lần nữa Hạnh không biết là giọng con búp bê hay chính giọng một người bạn đang kể lể trong tiệm cà phê một chiều hội chợ:

- Tôi may mắn hơn tất cả, sinh ra đúng cảnh, đúng thời, nghĩa là sau lúc cha mẹ tôi cưới nhau độ vài năm. Những đứa bé ra đời quá sớm làm cha mẹ phải sợ, vợ chồng mới cưới vốn hay ích kỷ, họ chỉ muốn quả đất dành riêng cho mình họ, không bằng lòng cho một người thứ ba nào vào đấy nữa. Họ càng yêu nhau thì cái bệnh ích kỷ lại càng nặng. Đứa trẻ nào dại mà ra đời lúc ấy thì cố nhiên là cha mẹ phải lo làm việc thêm, lo ở nhà giữ con, bỏ mất những cuộc đi chơi, học có thể tiếc rồi cằn nhằn nhau, nào là tã ướt, sữa chưa đun, thằng bé nhè không cho ai ngủ v.v… mình ở giữa mất cả thú vị, chẳng biết nên bênh đằng nào bỏ đằng nào.

Tôi thì chẳng dại như thế, tôi chọn đúng lúc cha mẹ tôi muốn có con, cha tôi làm ăn đã vững, mẹ tôi cũng đã thành thạo công việc nội trợ đảm đang, thế là tôi gõ cửa bước vào đời.

Cha mẹ tôi yêu tôi như một người bạn nhỏ, có hơi thái quá ở chỗ tôi không bao giờ được phép vào chơi trong những vườn chơi công cộng, sợ trẻ con nhà khác đến lây bệnh cho tôi. Mãi đến năm đi học vào trường tôi mới chơi chung với các bạn cùng tuổi.

Thuở bé, suốt ngày tôi quanh quẩn trong nhà, hết tô màu lên mấy quyển sách lại đến chơi lính chì. Cha tôi cho tôi bao nhiêu là lính chì, một mình tôi điều khiển trong tay tất cả thủy, lục, không quân. Đấy là cái mộng của cha tôi muốn để dành cho tương lai tôi chăng? Tôi thích dàn những mặt trận cho đánh nhau xong rồi bắt chúng nó ngã lăn chiêng ra chết rất nhiều ở bãi chiến trường. Sau những trận đánh nhau tôi hay gọi mẹ tôi đến xem:

- Mẹ có thấy chúng nó chết lăn chiêng ra cả không?

- Sao con ác thế, con bắt chúng nó chết cả rồi ai đi làm nuôi vợ con chúng nó ở nhà?

Mẹ tôi vừa nói vừa cười nhìn tôi rất âu yếm.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi mới nhận thấy mẹ tôi có lý, biết đâu chúng nó cũng có những vợ con ở nhà như tôi với mẹ tôi. Nghĩ đến cảnh gia đình nếu thiếu cha tôi thì sẽ buồn biết mấy. Thế là tôi dựng cho chúng nó sống dậy cả. Mẹ tôi xoa đầu tôi thầm khen bên tai:

- Con mẹ ngoan và tốt lắm, nhưng với những kẻ ác độc, chỉ chuyên đi làm hại người khác thì con cũng phải biết trừng trị chứ!

Tôi thấy mẹ tôi cũng lại có lý nhưng đứng trước những tên lính bằng chì không cao hơn ngón tay trỏ của tôi, quả thật tôi không thể biết được đứa nào ác và đứa nào hiền. Hỏi mẹ, mẹ tôi chỉ cười hôn lên trán tôi và bảo:

- Sau này lớn lên con sẽ biết.

Đời tôi lại còn một chuyện thú vị nữa là mỗi sáng dậy sớm ngồi nhìn ra ngoài đường lúc xe đổ rác đi qua, tôi kính phục nhất trong đời là những người đi đổ rác. Họ đổ rác vào lúc xe ngừng, lúc họ vừa đi trả lại thùng rác thì xe bắt đầu chạy, họ chỉ cần chạy theo có mấy bước rồi nhảy một cái là lên xe ngay. Tôi chưa bao giờ thấy một người nào bị ngã tuy rằng xe rất cao. Tôi vẫn nói với cha mẹ tôi rằng ngày sau lớn lên tôi sẽ làm nghề ấy.

Mỗi lần nghe tôi nói thế cha tôi nhăn mặt tỏ vẻ không vui, còn mẹ tôi chỉ mỉm cười bảo rằng tôi còn dại lắm. Có lẽ người lớn không bao giờ hiểu được trẻ con, thì cứ xem họ có bao giờ biết lắng nghe những mẩu chuyện của hai vì sao trên trời, hoặc hai con bươm bướm ngoài vườn. Họ chỉ muốn lắng tai nghe tiếng vợ chồng ông láng giềng cãi nhau, thật là vô ích.

Kể ra thì đời tôi chẳng có gì để phàn nàn, chỉ mỗi một sự bực mình vì là con cưng, ít được đi chơi tự do nên người tôi hơi có vẻ lả lướt. Màu da trắng xanh của tôi là một mối lo lớn cho mẹ tôi. Tuy chẳng bệnh hoạn gì mà thỉnh thoảng mẹ tôi lại bắt tôi đi cho bác sĩ khám một lần, mà các ông ấy thì lắm lúc chẳng biết gì hơn ai. Không ông nào đoán được trúng bệnh cả, tôi chưa thấy một ông bác sĩ nào biết viết vào toa thuốc những chữ: trèo cây, bắt chim, câu cá, đá bóng, đánh nhau hoặc chạy nhảy v.v… đơn thuốc của họ chỉ toàn là những vi-ta-min này vi-ta-min khác, hết tiêm đến uống, và khổ nhất là cái sự bắt ăn thịt bò tái. Quả thật là một cực hình mỗi khi nhìn những miếng thịt còn đỏ máu, tôi tưởng như người ta vừa mới giết một con bò vì tôi, những tiếng kêu rên thảm thiết của con vật như vang bên tai, thế mà bảo tôi phải nhai, phải nuốt, phải cho là ngon và phải hồng hào béo tốt thì tôi làm thế nào được cơ chứ!

Người lớn thật dại dột, nhưng thôi, chuyện của họ nói mãi cũng không bao giờ xong, tôi phải nhường lời cho thằng Ba Lan. Từ nãy đến giờ nó cứ nhìn tôi hết thở ra lại thở vào có lẽ vì nóng ruột, tại nó có giáo dục chứ nếu không thì nó đã kéo cho tôi ngã xuống một cái. Cô biết không, chúng tôi rất thèm được kể lể, nói chuyện với nhau mãi chán lắm, đứa nào cũng đã thuộc lòng vanh vách lịch sử của mấy đứa khác. Chưa kịp mở miệng thì chúng nó đã biết trước là mình sắp nói những gì. Hôm nay có cô nghe nên chúng tôi đều cảm thấy hứng thú một cách lạ.

Nói đến đây, con búp bê Tiệp khắc quay lại ngoắc tay thằng nô lệ Ba Lan bảo:

- Đây, tao nhường phần cho mày.

Thằng nô lệ Ba Lan chậm rãi bước ra, nó bé chỉ bằng ngón tay cái của Hạnh, đầu đội mũ đen, toàn người bằng gỗ sơn màu chứ không phải bằng nhựa như hai con búp bê Hòa Lan và Y Pha Nho. Búp bê nô lệ mặc áo đỏ tay dài, ngoài khoác áo cánh đen ngắn, không cài cúc để hở màu áo đỏ bên trong nom rất lẳng lơ, nó bé nhất đám nhưng lại có vẻ biết suy nghĩ nhất. Ra trước mắt Hạnh nó cúi chào lễ phép và nói:

- Thưa cô (nó biết dùng chữ thưa, từ nãy đến giờ chẳng có con búp bê nào biết dùng chữ ấy).

"Tôi xin tự giới thiệu tôi là người Ba Lan quê ở Varsovie. Cha tôi là một võ quan cao cấp, mẹ tôi người Tích Lan. Nhà tôi hồi ấy rất sung túc, trên dưới thuận hòa, cha tôi luôn luôn cho gương sáng, từ mọi cử chỉ, mọi hành động. Giòng họ tôi thuộc về quý tộc nên có chức tước, có rừng săn bắn, có lâu đài riêng. Việc giáo dục của chúng tôi ngoài cha mẹ tôi ra còn có một bà giáo người Pháp phụ trách. Mỗi năm chúng tôi rời Ba Lan để đi du lịch các nước Âu Châu, cha mẹ tôi bảo để cho rộng thêm phần hiểu biết.

Mẹ tôi thường giảng dạy cho tôi về những triết lý Á đông, năm 12 tuổi mẹ tôi đã cho tôi đọc sách của Lão Tử. Cuộc đời nếu cứ đều như thế mãi thì êm đẹp biết mấy, nhưng cuộc thế chiến thứ hai xảy ra, cuộc chiến tranh tàn ác đã làm nát tan bao nhiêu gia đình. Ba Lan thuộc về chính phủ cộng sản, và gia đình tôi cũng không còn nguyên vẹn, từ cha mẹ đến bà con nhà cửa bạc tiền đều ra tro bụi. Muốn lãng quên những kỷ niệm buồn tôi đi lính và lập gia đình. Đây lại là một sự thất bại thứ hai của tôi nữa.

Vợ tôi với tôi sau khi gần nhau mới biết là không hợp tính, nàng thích xa hoa, thích được nghe những lời ngợi khen bên ngoài, còn tôi lại chỉ muốn tránh những cái gì giả dối ấy. Gia đình tôi ở Luân Đôn, vợ tôi cứ muốn tôi học lấy những đặc điểm của người Anh cổ cứng mũ cao, dầu cho bên trong quần có thủng đáy. Thấy tôi tỏ vẻ không thuận nàng đổi sang dọa dẫm, nàng cứ dọa tự tử rồi viết những bức thư tuyệt mệnh rất lâm li.

Phải nhận là nàng có tài làm văn. Kể cũng buồn cười khi mình đọc bức thư tuyệt mệnh như thế mà tác giả vẫn còn sống sờ sờ ra đấy, rồi thì nhờ chôn ở đâu, bỏ những thứ gì vào miệng, nàng hẹn sẽ phù hộ cho tôi và dặn dò hãy nên thương đến người vợ thứ hai đã tốt phúc hơn nàng. Mà có gì đâu, chỉ vì tính nàng thích được trọng vọng, làm bà này ông nọ mà chưa được.

Nghe những lời tuyệt mệnh não nề đó tôi thấy hơi buồn cười nhưng chỉ sợ nàng vì xấu hổ, muốn dọa già chơi một chút mà ngộ nhỡ cái số nàng có hết, xui ra kêu cứu không ai nghe rồi chết đi thì toi mạng. Tình yêu đã hết, tình thương cũng không còn, thế là tôi lại khăn gói lên đường."

Nói đến đây thằng nô lệ ngưng giọng, đôi mắt hắn nhìn thẳng ra xa như đang mơ đến một chân trời nào khác. Hạnh ngạc nhiên không ngờ thằng nô lệ bé nhất, đơn giản nhất mà lại có một cuộc đời phức tạp như thế. Chưa biết tìm câu gì để an ủi hắn thì hắn đã nghiêng mình cúi chào, nói:

- Xin phép cô, bây giờ là lúc tôi phải vào cầu nguyện.

- Mày bơ vơ đến thế mà còn cầu nguyện làm gì, cầu nguyện cho ai?

- Cho thiên hạ, cho cô, cho tôi.

Hạnh cảm động nhìn theo bước chân bé nhỏ trong đôi giày cao cổ thoăn thoắt bước vào.

Thằng nô lệ chưa vào đến trong thì con búp bê Nhật Bản đã nhún đôi chân nhảy đến chào tôi theo lối các vũ nữ trên sâu khấu. Toàn người nó chỉ may bằng lụa ngà, tóc kết bằng chỉ nâu với chỉ xám, đầu đội mũ lụa xám, mình mặc áo voan hồng hở tay, váy ngắn bồng lên, những khi nhảy trông như con thiên nga đang xòe đuôi múa. Chân nó mang đôi giày nhảy bằng lụa tím.

Cả người nó là hiện thân của âm nhạc, của sự nhảy múa trẻ trung. Nó quỳ xuống nghiêng mình một lần nữa trước mặt Hạnh rồi mới đứng lên và bắt đầu nói, miệng nó nói sao mà giống hệt miệng của cô bạn đã tặng nó cho Hạnh. Giọng nó nũng nịu kể:

- Quê tôi ở đất Việt Nam, cái xứ bé xíu mà đánh nhau không ngừng, sinh trưởng trong một gia đình quý tộc nhưng lại đông con. Nào có phải chỉ có con mà thôi đâu, còn cháu nữa, cháu bên nội, cháu bên ngoại lung tung. Một mình cha mẹ tôi phải cưu mang tất cả. Trong nhà vì thế mà loi nhoi lúc nhúc nào con, nào cháu, nào người ăn, người ở, nào lính tráng. Nhà rộng như cái nhà thờ họ mà ở cũng vẫn còn thấy ngạt thở.

Mẹ tôi lại tính cổ hủ quanh năm chỉ lo dạy chúng tôi cái lối "yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu" . Riêng tôi, tôi chẳng cần quân tử nào cả, hảo cầu hay không hảo cầu cũng chả sao, tôi chỉ muốn sống, sống tràn trề cho hết cuộc sống. Lòng tôi đầy dẫy những tham vọng mà gia đình tôi không đủ sức trả lời.

Nhân thời kỳ chiến tranh, bao nhiêu thanh niên từ giã gia đình đi theo quân đội hoặc cán bộ kháng chiến, tôi cũng về từ giã gia đình mặc dầu mẹ tôi ra khóc sau chuồng bò và cha tôi uống rượu mắt đỏ lừ vì thương nhớ tôi.

Ra khỏi nhà xong tôi còn muốn tìm cách ra khỏi nước, bao nhiêu mưu chước khôn ngoan mớ tránh khỏi những sự nghi ngờ bắt bớ của thời loạn lạc. Sang du học ở Nhật Bản, chỉ có sự học mới trả lời cho tôi được một phần nào cái thèm khát hiểu biết của tôi.

Trong những năm tháng phiên bạt ấy, tôi không bao giờ nhớ rằng tôi là một "yểu điệu thục nữ" mà cứ ngỡ mình là một thằng con trai… Bao nhiêu thăng trầm đã dạy cho tôi hiểu cái mặt trái và mặt phải của đời. Mang trong người cái chứng sốt rét rừng mà mãi đến bây giờ cũng không làm sao chữa hết. Sau mỗi cơn sốt lên thì cái cơn buồn cũng lẽo đẽo lên theo. Nằm bơ vơ một góc trong gác trọ, không người thăm viếng, bơ vơ đến nỗi một hôm tôi đang mê man bỗng có con chó nhà bên sang thăm. Tưởng tôi ngủ nó đưa lưỡi liếm qua trán tôi. Giật mình tỉnh dậy tôi chưa muốn mở mắt vội, ngờ rằng đó là bàn tay ấm áp của một bà láng giềng nào, tôi cũng chưa biết ai mà tốt thế, cảm động tôi nằm yên, nước mắt chỉ muốn trào ra. Nghẹn ngào chưa biết nói câu gì để cảm ơn lòng tốt của bà láng giềng, tôi mở mắt khi bước chân của ai nhè nhẹ quay đi, trước mắt tôi chỉ có con chó nhà láng giềng đang vừa đi vừa rung rung cái đuôi. Thì ra con chó hai ngày không thấy mặt tôi đã tìm đến thăm, những người láng giềng thì dầu có đến mười ngày không thấy họ cũng không thèm biết đến, trừ phi tôi có chết, xác sình lên bay mùi hôi vào mũi họ.

Suốt từ đầu đến cuối câu chuyện Hạnh nhận thấy con búp bê này sao có vẻ mỉa mai ngạo nghễ hơn tất cả.

- Sao mày còn trẻ mà đã nhìn đời bằng đôi mắt không tươi?

Hạnh chưa nói hết câu thì búp bê thi sĩ đến vác bổng người nó lên vai đặt sang chỗ khác, nó vùng vẫy một lúc nhưng rồi cũng phải chịu để cho thằng thi sĩ ra kể lể với Hạnh.

Thằng thi sĩ người gầy gầy cao cao, mái tóc dài phủ che cả gáy, nó mặc bộ quần áo xám đen, mang giày đen, sơ mi trắng, thắt cà vạt đen, đầu đội mũ cũng màu đen, tay cầm quả tim đó, luôn luôn để tim lên ngực trông rất si tình. Nó đến cầm tay Hạnh, lãng mạn cúi hôn rồi dọn giọng định ngâm thơ nhưng mấy con búp bê khác nhao nhao lên phản đối. Nào là văn chương sọt rác, đừng đọc mà trời tưởng cóc kêu rồi trời lại mưa xuống một trận bất thường thì tội nghiệp cho những kẻ lúc ra đi quên cắp cái ô dưới nách.

Thằng thi sĩ cụt hứng, nhìn Hạnh bằng cái nhìn buồn rầu, đôi mắt nó ướt át lúc nào cũng như đang nhìn vào một thế giới xa lạ khác.

Thằng thi sĩ bắt đầu nói:

- Cô có biết khi trời làm ra mỗi người, trời phải lấy đất nắn từng thứ một, người gặp đất tốt thì trắng trẻo xinh đẹp, người gặp đất xấu có lẫn đá cuội thì da dẻ sần sùi. Nhưng ở đây tôi không nói với cô về những vấn đề khoa học kỹ thuật khó khăn, tôi chỉ nói riêng về đôi mắt.

Đôi mắt là cái vườn của tâm hồn, có người bảo thế, cô có nhận thấy đôi mắt người lúc nào long lanh, vì mỗi khi nắn xong một đôi mắt, trời phải mang nó ngâm vào chậu nước. Có những đôi mắt vừa mới ngâm thì trời bận việc khác, hoặc có một vì sao đến gọi cửa, hoặc có thư của mặt trăng cần trả lời gấp, những đôi mắt ấy bị ngâm hơi quá giờ nên nó thành ra luôn luôn ướt.

- Đấy là đôi mắt của những đứa thi sĩ và những đứa hay khóc nhè phải không?

Hạnh hỏi, nó chỉ cười không trả lời và nói tiếp:

- Cô có biết ngày anh chàng thi sĩ đi mua tôi để mang biếu cô là ngày anh chàng chỉ còn có một nghìn quan trong túi. May mà cô chỉ thích búp bê nên đỡ khổ cho anh chàng, nếu cô thích một chiếc nhẫn kim cương thì chắc anh chàng đành phải trốn cô đi, để rồi mỗi đêm đến đứng dưới đường vác mặt lên nhìn phòng cô đỏ đèn mà ngâm thơ cho đỡ hận.

Hạnh nghe nói tỏ ý hối tiếc vì đã đòi con búp bê, nếu Hạnh không bảo thích búp bê thì người bạn thi sĩ của Hạnh không phải mua, đỡ phải tốn tiền.

Hạnh bỏi búp bê thi sĩ:

- Thế rồi người bạn của tao lấy gì mà ăn hôm ấy?

- Cô đừng lo, thằng thi sĩ trả lời. Cái giống nghệ sĩ ít cần ăn, khi nào đói thì có lũ bạn sẵn sàng cưu mang, nếu không có bạn thì nằm nhà đóng cửa ngâm thơ cũng qua bữa.

- Nhưng ngày mai đến thì sao, chả nhẽ lại nằm nhà mãi?

- Thì cũng có làm việc chứ, nhưng làm ít thôi, không thì mang đồ vật gì đi cầm, cái con người thi sĩ không cần làm giàu, tuy cũng có những đứa thi sĩ nhờ mả tổ chôn nhằm hàm rồng nên cũng được giàu. Chỉ tiếc là khi giàu rồi lại trở thành những ông lái thơ, lái nhạc, lúc ấy nó không còn cái vẻ ngơ ngác dễ thương của những đứa nghệ sĩ nữa.

- Thế còn mày, mày có muốn giàu không?

- Nếu trời bắt giàu thì cũng chịu vậy, nhưng tôi muốn giàu chỉ để nuôi mấy thằng bạn nghệ sĩ nghèo, ăn rồi đi lang thang làm thơ.

Hạnh nhìn nó ngờ vực:

- Mày nói thế chứ bao giờ mày giàu, biết đâu mày chẳng "lái" hơn tất cả những người khác? Mày sẽ đóng chặt cửa ngõ lại, bạn bè mày đến hỏi thăm mày sẽ cho người ở ra bảo rằng mày đi vắng vì sợ người ta đến nhờ vả, ra đường gặp người quen mày sẽ lờ đi như là không trông thấy. Người mày sẽ toát ra mùi hôi nồng nặc, hôi mùi giấy bạc mốc, hôi mùi giàu sang phú quý, hôi tiền, hôi cái mùi gọi là mùi dễ ghét…

Thằng thi sẽ mở to đôi mắt ướt át ra nhìn Hạnh ngơ ngác hỏi:

- Nghe cô nói tỏ ra rằng cô cũng đã hiểu được tí xíu việc đời ấy nhỉ, nếu thế thì thôi vậy, tôi lạy trời cho tôi chẳng bao giờ giàu cả, tôi không muốn hôi mùi bạc mốc, tôi không muốn phải giả vờ đi vắng khi các bạn bè đến hỏi thăm.

Nói xong nó quay lại gọi thằng nô lệ Ba Lan bảo:

- Nô lệ Ba Lan, mỗi ngày từ nay mày cầu nguyện thì nhớ cầu xin trời cho tao đừng bị giàu vì tao không muốn…

Búp bê Hòa Lan che miệng cười khúc khích nói với búp bê Y Pha Nho:

- Đồ cái thằng điên, ai lại đi cầu nguyện ngược đời như thế chưa?

Búp bê Hòa Lan vừa dứt câu thì có tiếng chân ai chạy lên gác sầm sập ở bên ngoài. Tất cả mấy con búp bê vội vã đứng về chỗ cũ.

Hạnh giật mình ngơ ngác nhìn chung quanh, thì ra từ nãy đến giờ Hạnh ngồi ngủ gục bên bếp lửa mà không biết. Nhưng vô lý quá, rõ ràng lúc nãy Hạnh nhớ rằng mình không ngủ, Hạnh đang ngồi nhìn lửa hơi mỏi mắt nên đã nhìn lên đến bầy búp bê trên lò sưởi kia mà.

Hạnh bàng hoàng không biết lúc nào mơ lúc nào tỉnh, nhìn lại mấy con búp bê con nào cũng đứng im thin thít nhưng trên môi như đang còn phảng phất nụ cười. Hẳn chúng nó đang chế diễu Hạnh mơ ngủ chăng. Hạnh cầm từng con búp bê lên hỏi:

- Có thật từ năm lên sáu mày không hôn mẹ trước khi đi ngủ nữa không? Còn mày ác, mà bắt ông ngoại già cõng đi trên những con đường mòn gai góc ; mày thích làm nghề đổ rác, con kia làm mẹ khóc sau chuồng bò ; thằng nô lệ gặp phải cô vợ thích viết thư tuyệt mệnh dọa tự tử mà không dám chết?

Hạnh thấy mình nhớ kỹ không sót một mảy may, rồi Hạnh cũng không biết rõ là mình đang mơ, hay đã mơ rồi. Thật khó hiểu.

Dầu sao Hạnh cũng cảm thấy sung sướng khi nghĩ rằng mấy con búp bê của mình không phải là những thứ đồ chơi vô tri vô giác như người ta lầm tưởng. Hạnh đã khám phá được một bí mật, Hạnh sẽ viết lên sách lên báo mách với tất cả mọi người, nhất là với những cô gái bé có nhiều búp bê như Hạnh.

Hạnh sẽ mách rằng: "Búp bê chúng nó cũng biết nhảy múa ca hát như chúng ta ; ban đêm lúc nào không ngủ được, nếu có nghe những tiếng động chạm nho nhỏ, đấy là tiếng của những con búp bê đang đi lại, sống cuộc sống của chúng nó. Đừng ngạc nhiên…"

Nhìn xuống bếp lửa đã tàn từ lúc nào, một vài sợi tơ khói rất mong manh đang vương vương như nuối tiếc…

MĐHT




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.74.47 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...