Thu đã sang mà lá chưa vàng. Những cành cao vẫn còn sum sê tán lá. Thời tiết có vẻ bất thường. Vài ngày trời nóng bức rồi lại vài ngày trời giá lạnh. Làn gió thu thổi hắt sương khuya vào cửa sổ làm rùng mình người dậy sớm. Chung trà độc ẩm, hoài niệm những mùa thu cũ. Nhớ những bạn bè, tri âm. Nhớ những ngày dài lao lung trong ngục thất chỉ vì lên tiếng chống lại điều ác. Điều ác, kẻ ác, giờ càng tăng nhiều hơn, tưởng chừng lấn áp hết lẽ thiện ở đời. Lặng nhìn bầu trời mờ mịt mây xám giăng. Có tiếng chim lạc lõng rơi vào thinh không làm chùng xuống nỗi buồn.
Thiên nhiên ngày càng có nhiều biến đổi dồn dập, bất thường. Băng tan. Bão tố. Đất sụt. Cháy rừng. Mực nước biển dâng cao. Hạn hán. Lũ lụt… Sự biến đổi khí hậu ngày nay được nhận thức như là hậu quả hiển nhiên của hiện tượng hâm nóng toàn cầu mà nhân loại, từ các nhà khoa học cho đến học sinh trung-tiểu học, của nước giàu hay nước nghèo, dân trí cao hay thấp, cũng dần ý thức và nhận phần trách nhiệm phải cải đổi cách sinh hoạt (trong sản xuất và tiêu thụ), giảm thiểu việc khai thác nguyên liệu hóa thạch, cắt giảm việc phát thải khí nhà kính, nhằm bảo vệ môi trường. Chung qui, trong sạch hay ô nhiễm trên hành tinh này, đều do con người.
Không tĩnh lặng ôn hòa như thiên nhiên theo vận hành thời tiết, cõi người vốn biến động, đổi thay nhanh chóng theo tâm ý. Chiến tranh từ cung tên giáo mác đến súng đạn, xe tăng, rồi bom nguyên tử… đều từ một tâm. Kinh tế từ trao đổi hàng hóa ở buôn làng bộ lạc bằng vật thực cho đến buôn bán qua tiền tệ, rồi vượt biên giới quốc gia, tiến đến xuất cảng nhập cảng hàng hóa vật dụng giữa châu lục, rồi buôn bán vũ khí, giao thương quốc tế, rồi chiến tranh thương mại… cũng đều do một tâm. Văn hóa giáo dục xuống cấp vì trao tay những kẻ bất lương thiếu giáo dục; y tế tồi tệ vì vuột khỏi bàn tay của những lương y, cũng đều do một tâm. Tự do, dân chủ bị tước đoạt và được qui định từ khuôn khổ của những kẻ độc tài, vô luân và những người (hay đảng phái) tham quyền cố vị. Chỉ một tâm ô nhiễm tự bản chất, con người đã thải độc khắp hành tinh, phủ trùm nhân sinh vạn vật trong “nhà kính” vẩn đục. Tâm ô nhiễm ấy của con người đã bao trùm tất cả đời sống, trước khi quả đất được cảnh báo về hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu. Chung qui, tâm tham, tâm sân, tâm si đã và đang vận hành thế giới, dẫn nhân loại tiến nhanh đến chỗ diệt vong.
Ngoài kia, lá chưa vàng. Nhưng đâu đó đã có lá xanh đâm chồi, thúc đẩy cho một mùa xuân mới. Không cứ là thu lá mới vàng; không cứ là xuân lá mới xanh.
Trong khi hàng triệu người già trẻ ở quê hương ồ ạt xuống đường gào thét, bấm còi inh ỏi (và xả rác, có khi dẫm đạp nhau đến chết) để biểu hiện niềm vui sướng với đội banh nhà chiến thắng; hoặc ùn ùn kéo nhau đi đón nam nữ minh tinh nước ngoài, khóc thét vì hãnh diện đã được nhìn tận mắt… thì những người trẻ tuổi ở các nước kia, hiên ngang đứng dậy, thách thức những họng súng, dùi cui, cất lên tiếng nói cho hòa bình, tự do.
Trong khi những nhà lãnh đạo các cường quốc, nhân danh lợi ích quốc gia, mặc cả với nhau về những lợi lộc và quyền bính cho cá nhân và bè phái, những người trẻ tuổi khác trên hành tinh đã bật dậy, đánh thức lương tri nhân loại bằng trí thông minh và sự dũng cảm của mình.
Họ rất trẻ, thật trẻ, như những chồi lá non xanh, đã gây sửng sốt và ngưỡng mộ đến những người lớn, và đã gây kinh ngạc với những người già nua đang cầm nắm vận mệnh của các quốc gia. Nào là Malala Yousafzai của Pakistan (1), Greta Thunberg của Thụy Điển (2); Joshua Wong của Hong Kong (3). Hàng triệu người đã lắng nghe tiếng nói của họ. Tiếng nói của tuổi học trò vô tư, tâm không ô nhiễm; tiếng nói không bị thúc đẩy bởi tham, sân, si… Tiếng nói cất lên cho bình đẳng xã hội, cho môi trường xanh/sạch của trái đất, cho ước vọng dân chủ, tự do. Tiếng nói cất lên vì tương lai. Họ, những người tuổi trẻ trí tuệ ngày nay—đang ở độ tuổi mà những người già nua cho là “mầm non” của đất nước—đã bước ra khỏi tuổi tác và chỗ đứng của mình trong hiện tại, tự gánh lấy trách nhiệm với các thế hệ tương lai. Họ không chờ đợi sự ban phát hay hiệu lệnh từ những nhà lãnh đạo chính trị. Họ còn trẻ, tuổi học trò, chưa hề lập gia đình, mà đã tự nguyện cất gánh nặng cho “con cháu mai sau.” Họ sẵn sàng đánh đổi tuổi xuân với ngục tù hay cái chết, vì với họ, hoặc là hành động ngày hôm nay, hoặc sẽ không bao giờ có ngày mai (Now or Never).
Mùa thu đang đến. Lá thu theo thời tiết, sẽ úa vàng trong những ngày tháng sắp tới. Nhưng nụ non của một vài loại thảo mộc nào đó, sẽ không chờ đợi thời tiết: nảy chồi, đâm lộc bất cứ khi nào cần thiết.
Ngày vào thu năm 2019
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info
_______________
(1) Malala Yousafzai, người Pakistan, sinh năm 1997, đấu tranh vì quyền được đến trường của nữ sinh; năm 2012, bị chiến binh Taliban bắn vào đầu nhưng được cấp cứu tại một bệnh viện quân đội ở Pakistan, sau đó được đưa sang Anh quốc để tiếp tục chữa trị; cô và gia đình sống ở Anh kể từ đó cho đến năm 2018 mới được trở về quê hương. Năm 2014, Malala đoạt giải Nobel Hòa Bình khi mới 17 tuổi, và là khôi nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử Nobel Peace Prize.
(2) Greta Thunberg Yukio người Thụy Điển, sinh năm 2003. Là nhà đấu tranh cho môi trường, nổi tiếng khắp thế giới vào năm 15 tuổi (2018), bắt đầu bằng việc nghỉ học để yêu cầu chính phủ Thụy Điển cắt giảm khí thải theo Thỏa Thuận Paris 2005; tiếp đến là lời kêu gọi học sinh sinh viên nghỉ học và biểu tình vào mỗi thứ Sáu, đã tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới, truyền hứng cảm cho các cuộc biểu tình hàng trăm ngàn, cho đến hàng triệu người cho môi trường xanh của trái đất kể từ tháng Ba năm 2019. Greta Thunberg được 3 thành viên của Quốc hội Na-uy đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2019.
(3) Joshua Wong (Hoàng Chí Phong), người Hong Kong, sinh năm 1996. Nổi tiếng từ năm 2012 với hội sinh viên “Học Dân Tư Triều,” đã huy động được cuộc biểu tình chính trị với 100,000 người tại Hong Kong về cải cách giáo dục. Hai năm sau, 2014, tên tuổi Joshua Wong được quốc tế lưu ý qua “Phong trào Ô Dù” (Umbrella Movement – còn gọi là “Phong trào Dù vàng”) với hàng trăm ngàn người biểu tình suốt vài tháng để đòi hỏi cải cách bầu cử. Joshua Wong được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2017.
Những sinh viên trẻ Hong Kong nổi bật trong các cuộc biểu tình đòi cải cách giáo dục, dân chủ, chống luật dẫn độ… từ năm 2012 đến nay, còn có Agnes Chow Ting (Châu Thính, sinh tại Hong Kong năm 1996, quốc tịch Anh), Nathan Law (La Quán Thông, sinh năm 1993), Alex Chow (Chu Vĩnh Khang, sinh năm 1990). Joshua Wong, Nathan Law và Alex Chow được hàng chục nhà lập pháp lưỡng đảng Hoa Kỳ đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2018 cho nỗ lực đấu tranh để đem lại cải cách chính trị và quyền tự quyết cho Hong Kong.