Cuối tháng bảy Tây, xứ Lá Phong, xứ Cờ Hoa vẫn đang mùa hè nóng bỏng, bấy giờ là lúc thời tiết oi bức nhất trong năm, tuy nhiên không đến nỗi đồng khô cỏ cháy. Người xứ này nhiều phước báo, nóng thì xài máy lạnh thả dàn, chỗ nào cũng mở máy lạnh hết công suất: Nhà ở, văn phòng, chợ búa, shopping center, mall, nơi vui chơi... Bên ngoài nóng đổ lửa nhưng bên trong những chỗ này mát lạnh luôn.
Xíu nói với giọt Cả, giọng đầy hào hứng và tỏ vẻ khâm phục:
- Con người vô minh thật nhưng về thế trí biện thông cũng thông minh lắm. Họ chế ra bao nhiêu thứ máy móc và phương tiện tân tiến. Họ có thể bay lên mặt trăng, lặn xuống long cung. Họ chế ra máy nóng, máy lạnh nhờ những thứ máy này mà họ tạo ra những cảnh giới nóng – lạnh theo sở thích. Người xứ này chẳng phải chịu đựng sự nóng – lạnh quá khắc nghiệt như tổ tiên của họ ngày xưa. Mùa hè có máy lạnh, mùa đông có máy sưởi, ngồi trên xe chạy ngoài trời bất kể nắng mưa hay nóng lạnh, kể cũng vi diệu đấy chứ!
Giọt Cả gật gù:
- Ừ thì vi diệu thật, thông minh có thừa, chế ra bao nhiêu thứ để phục vụ đời sống nhưng họ cũng chế ra bao nhiêu thứ để tàn sát và hủy diệt lẫn nhau, tàn hại cả động thực vật và môi trường tự nhiên. Sự thông minh của con người chỉ khác vô minh một lằn ranh tí xíu.
- Anh Hai nói phải đấy! Vô minh dễ sợ luôn, vì dụng cái thông minh không đúng nên đọa là đương nhiên. Kiếp này có thể thành tựu giàu có, danh tiếng nhưng cái hậu quả gây ra cho con người và muôn loài, môi trường thì kiếp nào trả nợ cho xong?
- Xíu giỏi lắm, Xíu nắm vững được giáo lý Phật đà. Anh mừng! Cũng vì vậy mà địa ngục trường cửu không cửa tự vào, chẳng có ngày ra. Súc sanh tăm tối trầm luân không có đường lên.
- Í, anh Hai, anh nói địa ngục làm em chợt nhớ ra gần tới lễ Vu Lan rồi, cuối tháng Bảy Tây các chùa đã rục rịch chuẩn bị cho mùa hiếu hội. Mà này anh Hai, chỉ các chùa Bắc tông chứ chùa Nam tông không có làm lễ này.
- Ừ thì hai dòng truyền thừa Bắc – Nam có những khác biệt. Giáo lý Phật đà truyền đến đâu kết hợp với yếu tố văn hóa địa phương ở đấy. Các tổ sư lại châm chế để dẫn dụ làm phương tiện độ sanh.
- Anh Hai, loài người, súc sanh và muôn loài đều cần có họ nhà giọt nước của chúng ta, còn địa ngục hình như không có họ hàng nhà giọt nước phải không?
- Anh không biết, cảnh giới ấy khác quá mà mình đâu có thần thông. Tuy nhiên đọc kinh Địa Tạng, kinh Vu Lan… thì thấy có nước. Ví như khi nước đến miệng tội nhân thì biến thành đồng lỏng, sắt chảy. Kinh còn mô tả nước biển nghiệp sôi sùng sục…
- Nước ấy là thực nghĩa hay ẩn dụ?
- Anh không biết vì anh chưa vào thăm địa ngục nhưng anh nghĩ cả hai, vì kinh Phật thì lý sự viên dung.
Bấy giờ giọt Út chả chớt:
- Trời, Xíu hỏi gì kỳ vậy? Giọt Cả tuy là anh lớn nhưng ảnh đâu phải A La Hán mà biết việc trong địa ngục. Ảnh cũng có vô địa ngục bao giờ đâu mà biết.
Anh em nhà giọt nước cười nắc nẻ, cười lung lay cả thân như thể sắp rơi xuống làm mưa. Giọt Sót ngập ngừng, giọng còn phảng phất chút niềm đau:
- Những ngày anh em ta bị nhiễm phóng xạ và bị nhốt trong bể kín tối tăm, Cái chốn ấy chính là địa ngục chứ còn đâu nữa. Địa ngục đâu chỉ trong lòng đất, địa ngục ngay ở nhân gian này. Những vùng nhiễm phóng xạ hạt nhân chính là địa ngục. Những vùng chiến sự là địa ngục. Những vùng môi trường sống bị ô nhiễm, bị tàn phá đến không thể sống ấy chính là địa ngục. Địa ngục ngay tâm của con người. Địa ngục chiêu cảm từ chính ba nghiệp sai trái tà vạy của con người.
Không khí chùng xuống, cả bọn im lặng dường như mỗi giọt nước đều đang đeo đuổi theo tâm sự riêng của mình. Thiên hạ nhìn anh em nhà Xíu không tài nào phân biệt được đâu là giọt Cả, đâu là giọt Xinh, giọt Xíu, giọt Điệu...Vì những giọt nước đều lung linh như nhau, giọt nào cũng mọng như nhau và quan trọng là giọt nào cũng đem lại sự sống như nhau. Chỉ có Xíu và anh em nhà Xíu mới có thể nhìn nhận ra sực khác biệt của nhau. Giọt Cả thì tri túc, thông thái, bao dung. Giọt Xíu thông minh, lém lỉnh. Giọt Xinh duyên dáng. Giọt Út dễ thương và khờ khạo ngây thơ. Giọt Thừa ham chơi, đôi khi gây ra sự thái quá. Giọt Gầy chểnh mảng cũng gây ra sự thái quá ngược lại với giọt Thừa. Giọt Điệu õng ẹo:
- Mùa hè nóng thấy mồ, hở tí ra là mồ hôi nhễ nhại. Em hổng thích mùa hè!
Xíu khịa:
- Vậy mà hè nào cũng ra biển dầm mình trong nước, phơi mình trên cát, bay là là ngắm gái đẹp trai xinh.
Giọt Điệu bị bắt Giò nên bẽn lẽn:
- Ừ, thì ai cũng vậy chứ có phải mình Điệu đâu!
Giọt Xinh vẫn không tha:
- Vậy thì đừng nói không thích mùa hè hén!
Giọt Thừa nhảy vô bênh Điệu:
- Thôi đi Xíu, Giọt Điệu nói vậy thôi chứ hổng phải vậy đâu. Điệu thích Hè, thích Thu, Đông, Xuân, thích cả bốn mùa, cứ nhìn hành trạng là biết ngay. Hè nào cũng diện bikini ra biển, mùa Thu chơi đồ vintage thướt tha lãng mạn. Mùa Đông khoác áo choàng trông sang trọng quý phái. Mùa Xuân thì càng không phải nói nữa, muôn sắc gấm hoa luôn.
Điệu e thẹn, mắt long lanh, mặt sáng ngời. Anh em nhà Xíu vây quanh Điệu, bấy giờ ánh dương từ đâu chiếu xuyên qua Điệu và anh em nhà giọt nước. Lúc ấy trên mặt đất bao nhiêu người ngước nhìn lên không trung, họ chỉ trỏ đầy vẻ thích thú, nhiều tiếng reo:
- Ô kìa, cầu vồng bảy sắc vắt ngàng bầu trời! Ô, đẹp quá!
Xíu nghe có giọng trẻ con trong trẻo thánh thót:
- Cầu vồng kìa tụi bay ơi, cầu vồng xuất là để người tốt vô thiên đàng.
Xíu nhìn xuống thì nhận ra đó là thằng Tí con cô Hai bán tạp hóa trong thị trấn. Thằng nhỏ trắng trẻo dễ thương gì đâu á, mặt mày đẹp như hoa, mắt long lanh tròn xoe như viên bi. Thằng Tí học giỏi và ngoan nổi tiếng trong trấn. Người nào thấy thằng Tí cũng đều nói: “Có được đứa con như thằng Tí thì dù có khổ cũng mát lòng mát dạ”. Cả nhà thằng Tí là Phật tử thuần thành, cô Hai bận mua bán nên ít lên chùa, cổ chỉ đi vào ngày rằm hay mùng một, còn thằng Tí với ba nó thì tuần nào cũng ghé lên chùa. Thằng Tí còn ăn chay theo ba nó, biết niệm Phật và tụng kinh nữa đấy! Nghe thằng Tí nói vậy, thằng Tèo hỏi lại:
- Sao mầy biết?
- Tao nghe người lớn nói vậy
Thằng Tèo không chịu, nó lý sự:
- Đừng có mê tín dị đoan, cầu vồng chẳng qua là hiện tượng quang học, ánh nắng mặt trời chiếu qua làn hơi nước nên sanh ra vậy. Thầy Thanh dạy vật lý đã giảng thế!
- Ừ thì là vậy, nhưng mình tin cầu vồng để nâng bước người tốt cũng được chứ có sao đâu.
Xíu và anh em nhà Xíu nghe hai thằng nhóc lý sự mà bật cười khanh khách, cười bò lăn, trong phút chốc quên mình nên rơi thẳng xuống. Thằng Tí, thằng Tèo và những người đang ngắm cầu vồng vội vàng tìm chỗ ẩn nấp vừa la lên í oái:
- Trời mưa, trời mưa, vừa nắng vừa mưa, cầu vồng đẹp quá!
Thế rồi giữa hư không xuất hiện luồng khí lạnh thổi tới. Xíu và anh em lập tức ngưng lại, hiện nguyên tướng và chính luồng hơi lạnh và gió đã đưa Xíu với anh em tới vùng đất xa tít tắp ngoài kia. Xíu, Xinh, Điệu, Út, Cả, Thừa… rơi ràn rạt xuống chứ không còn lác đác mưa bóng mây như lúc ở trên không phận khu vực thị trấn nhà thằng Tí. Mưa nặng hạt dần, bọn người táo tác chạy tìm chỗ tránh mưa, tiếng huyên náo ồn ào chìm lẫn trong tiếng mưa rơi. Chợt Xíu giật mình, hình như Xíu rớt trên vạt áo hoại sắc của một vị tỳ kheo. Anh em nhà Xíu vừa chạm vạt áo ấy cũng kịp nhận ra điều ấy. Giọt Cả cảnh báo:
- Chúng ta vừa gặp một vị tỳ kheo hành hạnh đầu đà
Xíu ngập ngừng chứ không dám khẳng định:
- Hình như đây là vị tỳ kheo mà mấy tháng nay khiến dân tình xao động?
Giọt Tròn khẳng định:
- Đúng đấy Xíu! Sự xuất hiện của vị tỳ kheo này đã thổi một luồng gió mới vào cái hiện trạng cũ kỹ, sáo mòn đầy sự giải đãi, thụ hưởng của giới tu sĩ xứ này.
Giọt Cả khuyên:
- Em đừng nói vậy, chỉ một số tu sĩ nặng danh văn lợi dưỡng chứ không phải tất cả. Những năm gần đây có nhiều ông thầy thiếu chánh kiến, thiếu tư duy, không phẩm hạnh, thiếu tu học đăng đàn nói xàm làm bậy. Một số tu sĩ thân chính, tham chính, phò chính nói lời tà pháp… đã khiến dân tình bất bình. Bọn Face Bookers, You Tubers thừa nước đục thả câu, cắt ghép, lồng, ép, tạo clip giả… ra sức bêu xấu Phật giáo khiến cho những kẻ nhẹ dạ cả tin hùa theo. Bọn họ đang tạo nghiệp bất thiện một cách hết sức vô minh. Mạng xã hội và những người lướt mạng là cả một đám cuồng loạn, lộng ngôn, nói xàm, chửi bậy, hung hãn, hồ đồ… Hàng Phật tử sơ cơ thiếu hiểu biết giáo lý, thiếu chánh kiến bị lung lay niềm tin, bất mãn với Phật giáo. Cái thời buổi nối mạng toàn cầu cho nên chỉ một cái tin hay một hình ảnh cũng khiến cả thế giới biết. Nhà thiền cũng nói đến hiệu ứng cánh bướm, một cái vỗ của cánh bướm bên này có thể khiến địa cầu bên kia dậy sóng là vậy. Tuy nhiên trách người thì cũng phải tự xét mình. Chính những tà sư, hồng tăng tham chính, thân chính, phò chính kết bè cánh, lũng đoạn Phật giáo, lợi dụng Phật giáo để phục vụ mục đích chính trị của thế tục. Chính điều ấy đã khiến dân chúng bất bình, bất mãn và sanh chán ghét. Rồi khi vị tỳ kheo hành hạnh đầu đà ấy xuất hiện đã khiến dân chúng mến mộ, kính yêu. Điều này làm cho các vị tà sư, hồng tăng sanh đố kỵ mà buông lời mạ lị: “Ông ấy không phải tu sỹ”, “thằng ba trợn”...Chính sự đố kỵ ấy càng làm cho dân chúng thêm chán ghét tà sư, hồng tăng và ngưỡng mộ vị tỳ kheo kia hơn nữa. Cũng có một số người vì quá yêu mến mà thổi phồng lên quá trớn, phong thánh bừa cho vị tỳ kheo kia. Phải công nhận vị tỳ kheo ấy là đã thật sự buông cả thân tâm xuống. Ông ấy luôn mỉm cười, khiêm cung, hạ mục. Ông ấy chúc phúc lành cho cả những người mắng nhiếc, phỉ báng hay đánh đập ông ấy. Rõ ràng cái tâm này là tâm Bồ Tát chứ không phải tân phàm phu, phàm phu không thể làm nổi việc này.
Giọt Cả dứt lời thì cơn mưa cũng tạnh. Xíu, Xinh, Điệu, Út, Thừa, Sót… sấp mình xuống đảnh lễ vị tỳ kheo hành hạnh đầu đà lần nữa rồi mới chia hai, một số chảy theo dòng nước và một nửa bay lên hư không.
Tiểu Lục Thần Phong Ất Lăng thành, 0824