Vì sao đức Phật lại nói đến Trược Thế Ác Khổ trong thế gian này? Vì người đời chẳng tin Phật pháp, chẳng tin nhân quả, sanh tử, thiện ác, nên Phật phải nêu ra những điều xấu ác mà người đời thường phạm lỗi mà phải bị đọa vào ba đường ác thú (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh), đời đời kiếp kiếp khó mà thoát ra.
Phật bảo thế gian này gồm có đủ năm thứ ác, năm thứ đau đớn khổ đau và năm điều thiêu đốt; nên thế gian này được gọi là “Trược Thế Ác Khổ.” Phật khuyên dạy chúng sanh nên bỏ ác, làm lành hầu lìa khổ, được vui. Bỏ năm điều ác chính là gìn giữ năm giới cấm: không giết chóc, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, mà đấy cũng chính là làm năm điều thiện. Vậy, bỏ ác, làm lành chính là giữ gìn thân, ngữ, ý sao cho không phạm năm giới cấm.
Kinh nói, nếu ai tạo năm điều ác ấy thì hiện đời bị luật pháp trị tội, thân gặp ách nạn nên phải lãnh chịu “năm sự thống khổ.” Thêm nữa, cũng do năm điều ác đó mà trong đời vị lai sẽ chịu quả báo trong tam đồ nên gọi là “năm thiêu đốt.” Năm điều đau đớn trong hiện đời là hoa báo, năm điều thiêu đốt sau lúc lâm chung là quả báo. Vì sao Phật chỉ nói đến năm điều ác này? Vì thế nhân thích tạo năm điều ác này nên Phật mới đặc biệt nêu lên năm điều ác này.
Phật dạy chúng sanh, để tránh tạo năm điều ác này thì phải luôn khéo giữ gìn “tâm đoan, ý chánh,” tức là phải giữ ý niệm của mình thật thà, chân chánh, chẳng nghĩ tưởng đến việc tà ác, xa lìa ba độc (tham, sân, si). Chẳng nghĩ tưởng đến việc tà ác là ngay cả việc lầm lổi, tà ác của người khác, ta cũng không nghĩ tưởng, bàn soạn đến, huống là tự mình nghĩ sanh ra những điều tà ác. Hiểu đến mức sâu hơn nữa, “tâm đoan, ý chánh” chính là tâm luôn hướng đến Bồ Ðề, chẳng cầu bất cứ việc nào khác. Nếu có thể đoan chánh thân tâm như vậy thì tự nhiên chẳng làm các điều ác, thì đó mới thật sự là điều thiện đức to lớn cùng tột. Do đó, bỏ ác chính là làm thiện, làm thiện chính là bỏ ác!
Phật nói, việc khai ngộ và giáo hóa chúng sanh trong các cõi khác thật là dễ dàng, riêng cõi Sa Bà này lại rất là khó khăn. Vì sao? Vì trong các cõi phương khác có nhiều duyên thù thắng và thiện báo mạnh mẽ, riêng cõi Sa Bà này chẳng có hai thứ duyên thù thắng ấy, lại thêm trong cõi này có ngũ ác kịch khổ nên việc khai ngộ và giáo hóa chúng sanh rất là khó khăn. Hai thứ nhân duyên thù thắng mà Phật nói ở đây là “tâm đoan ý chánh” và “không làm việc ác.”
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện nơi đây để phá mê, khai ngộ, giáo hóa quần sanh khiến cho chúng sanh bỏ ác, tu thiện, diệt trừ thống khổ, xa lìa ác đạo. Phật hàng phục, giáo hóa tâm ý của chúng sanh nhằm làm cho tâm chúng sanh nhập đạo, vâng giữ năm điều lành, thuận theo lời Phật dạy tu hành. Năm điều thiện ấy chính là ngũ giới: không sát sanh, không dâm dục, không trộm cắp, không vọng ngữ và không uống rựu. Phật nói, nếu thế nhân giữ được năm điều thiện hạnh này thì sẽ đặng nhiều phước đức. “Phước đức” có cả hai quả gần và xa: “Quả gần” là do trì ngũ giới nên trong đời hiện tại thân được yên ổn không khổ, “quả xa” là cuối đời này hay đời sau gặp được Phật Di Đà, sanh về Cực Lạc nên quyết định chứng Niết Bàn.
Trong năm điều ác, trước hết, Phật dạy về tội ác sát sanh.
Tội Ác Sát Sanh Cái mà người ta sợ nhất là chết, cái mà người ta quý nhất là sinh mạng. Do vậy, sát hại sinh mạng kẻ khác là điều ác lớn nhất trong các điều ác. Trong thế gian này, kẻ mạnh thường hay bức hiếp kẻ yếu, chúng sanh thay nhau gây thù, kết oán, phá hoại, tàn hại, sát thương, ăn nuốt lẫn nhau. Con người hay thú vật cũng đều là như thế; như chim sẻ nuốt bọ ngựa, người lại giết chim; như rắn nuốt cóc, cóc lại ăn giun đất v.v... Con người cho đó là thuận với định luật sinh tồn tự nhiên, họ nói: “vật sanh ra là để cho con người dưỡng nhân!” Nhưng, chúng ta nên tự hỏi: Con người không phải là động vật đó sao, thì tại sao lại phân ra vật với người, rồi tùy ý sát hại sanh mạng? Phật bảo, do vì chúng sanh không tin đạo đức, chẳng biết làm thiện, lại còn làm đủ mọi điều ác, sát hại sanh mạng nên đời sau phải chịu ương phạt như nghèo cùng, ăn xin cô độc, đui điếc câm ngọng, si ác điên cuồng v.v...
Ở trong đời này, lại có những người hiền minh, giàu sang phú quý, trí dũng, tài đạt..., đều là do họ ở trong đời quá khứ đã từng từ ái, tận hiếu, tu thiện, tích đức nên mới đạt được những điều lành như thế! Mọi người trong chúng ta đều có thể thấy rành rành trước mắt những chuyện lành, dữ, họa phúc trong thế gian này. Làm ác thì phải chịu ác báo, nhân quả chẳng hề hư dối! Người làm ác, trước hết phải thọ quả báo nhẹ trong hiện đời như là bị tù tội, nghèo cùng, ăn xin cô độc, đui điếc câm ngọng, si ác điên cuồng v.v....; đó chỉ là những loại ương phạt dễ thấy trong đời. Nhưng mấy ai biết rằng sau khi tuổi thọ dứt, còn có các nỗi khổ sở khác nặng nề hơn nữa. Sau khi mạng chung, thoát ra khỏi thân người thì phải chịu khoác lên cái thân ngạ quỷ, súc sanh, biến dạng cải hình trong tứ sanh (noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh), sống đi chết lại vô lượng lần, cứ thế mà xoay vần mãi trong sáu đường, lãnh chịu sự khổ đau sầu thống cùng cực, chẳng biết làm sao mà thoát ra.
Giống như luật pháp thế gian trừng trị tội phạm sát nhân, trước hết người này bị nhốt vào trong ngục tối, thân bị gông xiềng, chịu đựng các khổ lớn. Tối hậu lại bị các cực hình giết mất sanh mạng. Lại nữa, sau khi chết đi, bị đọa vào tam đồ bèn có địa ngục, ngạ quỷ, cầm thú các loài, bò bay máy cựa.... Trong đó, địa ngục là chổ khổ sở nhất, là đại cực hình. Lúc xả mạng, thức thứ tám, gọi là A-lai-da thức (hay còn gọi là tinh thức hoặc mạng tinh) sẽ làm vị chủ nhân quyết định chỗ mình sanh về, hễ chỗ nào nghiệp nặng hơn thì nó lôi ta vào trong đó, rồi tùy theo tội báo mà ta đã tạo tác mà sa đọa vào trong đường ác thú. Nếu tội quá nặng nề, thì liền bị hãm vào trong ngục Vô Gián, muôn kiếp khó ra. Nếu sanh trong tám đại địa ngục hay loài quỷ trường thọ thì mạng sống rất dài lâu. Nếu sanh làm các loài thiêu thân, phù du v.v… thì thọ mạng rất ngắn ngủi. Nếu sanh làm loài vi khuẩn thì chết sống trong từng mỗi sát na. Trong các đường ác thú, vô lượng thọ mạng sai khác đều do túc nghiệp cảm vời. Trong đường lành coi sống lâu là phước, nơi nẻo ác coi sống lâu là họa lớn.
Những kẻ sát sanh đời đời sanh ra cùng một lúc, cùng một nơi với nhau, oan oan tương báo, người này giết hại người kia để báo đền nỗi oán hận. Chẳng hạn như kẻ bị giết vì muốn đòi nợ mạng nên ắt theo đuổi kẻ oán đối, đôi bên phải đồng thời xuất hiện trong thế gian cùng một lúc, cùng một chổ thì mới mong báo oán nổi. Đời này người giết dê, tương lai người chết thành dê, dê chết thành người; lại như mèo chết thành chuột, chuột chết thành mèo v.v..., đời đời sanh cùng với nhau để đoạt mạng, đòi nợ lẫn nhau.
Lại nữa, do kẻ đòi nợ phải trải qua thật nhiều đời để báo thù, họ kết thành kẻ oán, người thân, nợ này chưa trả xong thì nợ khác lại sanh ra, nên chẳng biết lúc nào đền trả cho xong. Những ương ác đã tạo chưa đền trả hết thì ắt cứ mãi xoay vần trong đường ác chẳng có lúc nào ra khỏi, đau đớn không nói nổi. Ở trong trời đất, nghiệp vận tự nhiên là như thế đó, nhân quả tất ứng tơ hào chẳng sai trật. Làm ác thì dẫu chẳng muốn chịu quả khổ, quả khổ vẫn tự đến. Tu thiện dẫu chẳng mong cầu quả vui, quả vui vẫn tự đến, khác nào như bóng theo hình, như tiếng vọng theo âm thanh. Kẻ dữ làm ác ắt phải chịu quả báo, tuy quả báo chẳng ứng hiện ngay lập tức trong hiện tại, nhưng nhân quả chẳng dối, ắt trong đời sau sẽ phải chịu khổ báo.
Kế tiếp, Phật giảng về điều ác thứ hai là tội ác trộm cắp.
Tội Ác Trộm Cắp Ðối với vật có chủ, dù ít hay nhiều, nếu chẳng cho mà lấy thì đều là trộm cắp. Hạnh trộm cắp vốn bắt nguồn từ tam độc (tham, sân, si). Các ác này hỗ trợ lẫn nhau thành ra tội trộm cắp. Người tham dục, keo kiết thì dễ sanh tâm trộm cắp.
Kinh nói, những người có địa vị lợi dụng quyền thế lươn lẹo, dung túng thuộc hạ bắt muôn dân đút lót, đoạt ngang của người, vơ vét, tổn người lợi mình, hại nước, hại dân… tạo đủ các thứ ác nghiệp, chính là người trộm cắp. Kinh nói, đấy là do nhà nước cầm quyền không sáng suốt, các quan lại và công chức không chánh trực nên mới có những việc trộm cắp này xảy ra ngay trong chính quyền nội bộ. Ăn hối lộ đã thuộc về hạnh trộm cắp, huống hồ là còn hay ganh ghét đố kỵ người hiền, hãm hại người trung lương để bảo vệ, che lấp tội ác trộm cắp của mình. Kẻ đó ắt lời nói xảo ngụy chẳng trung, a dua để cầu tự lợi, phỉ báng người lương thiện, vu oan tội cho người lành, tâm khẩu bất nhất. Những kẻ lọc lừa, mưu mô, dối trá này thường hay khéo nói lời nịnh bợ cho đẹp lòng người, nhằm lung lạc ý người để làm chuyện gian trá.
Những kẻ ác như thế, nào cần biết đến tôn ty, thượng, hạ, nội, ngoại, thân, sơ; đối với ai họ cũng đều dối trá, lừa lọc cả. Hai độc sân và si khiến tâm tham của họ càng thêm tăng trưởng. Ba ác (tham, sân và si) hỗ trợ lẫn nhau khiến tà dục càng thêm lừng lẫy, ham hố tài vật của người khác, chỉ muốn tom góp về cho riêng mình, biển dục sâu rộng chẳng biết chán đủ. Dẫu là tôn quý hay thấp hèn, dù là nghèo hay giàu, không ai lại chẳng mong tom góp, chộn rộn, bôn ba cầu cho được nhiều. Do tranh nhau lợi hại, tổn người ích mình nên lúc nào cũng tính toán hơn thua lợi hại; vì thế mà kết những nổi sân giận thành hận thù. Căm hận đến mức làm cho nhà tan, mạng mất, chẳng nề hà gì hết, chẳng chịu cẩn thận suy nghĩ nhân trước, quả sau.
Trước chẳng nề hà là việc làm và lời nói của mình đúng hay sai; sau lại chẳng quan tâm lời dạy dỗ, chê trách của các bậc hiền trí, cũng chẳng ngại quỷ thần ngầm quán sát và ghi chép. Hoặc trước chẳng quan tâm đến tội lỗi nơi ba nghiệp (thân, ngữ, ý) của chính mình, sau lại chẳng tính đến quả báo trong tương lai. Người như thế chỉ mong tranh thắng lợi về mình, chỉ cốt để khoái ý, chẳng sợ cả hai bên cùng thua thiệt, tổn thương lẫn nhau, chẳng quản ngại hết thảy, cứ mặc sức tạo đủ các chuyện ác.
Dẫu là kẻ giàu có, nhưng vì lòng tham lam, keo kiệt đã thành tánh nên chẳng chịu đem tài vật ra để bố thí cho người khác mà chỉ thích giữ rịt cho riêng mình. Tâm tham sâu nặng như thế nên trọn đời phải chịu khổ sở, nhọc nhằn; cho đến khi chết đi rồi cũng chỉ là một mình mình đến, một mình mình đi, chẳng mang theo được gì! Mọi thứ đều chẳng cùng đi theo lúc lâm chung, chỉ có mỗi cái nghiệp tùy thân cứ mãi theo đuổi bên mình như hình với bóng. Những nghiệp thiện/ ác đã tạo lúc sống và cái quả phước/ họa do nghiệp cảm thành chẳng hề lìa bỏ mình, cùng đi theo mạng căn đến chỗ mình sẽ sanh về. Bởi thế nên đời sau có lúc sanh vào chỗ vui (tức ba đường lành: người, a tu la, trời), hoặc có lúc phải sanh vào nơi khổ độc (tức ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).
Người đời thường thấy người làm thiện, không hâm mộ, bắt chước mà lại còn sanh tâm ganh ghét, hủy báng, những người như vậy chẳng có thiện niệm lẫn thiện hạnh, trong bụng ôm ấp toàn là những ý nghĩ tranh đua, xâm đoạt của cải, đất đai của người khác, luôn tìm cách tổn người lợi mình, mong mỏi hưởng cái lợi của người khác để cung cấp cho bản thân mình. Đó cũng chính là phạm giới trộm cắp!
Của bất nghĩa dễ dàng đạt được nên cứ mặc tình tiêu xài hoang đàng, cho nên nhanh chóng tiêu hết, hoặc bị kẻ khác cướp đoạt mất hết, chẳng thể giữ được bền lâu. Những điều như vậy, thần minh đều rõ biết, rốt cuộc lúc chết bị sa vào đường ác, chịu khổ vô lượng.
Thần minh là như bản kinh Hoa Nghiêm nói: “Người ta sanh ra, có hai vị trời thường theo sát hai bên. Một vị tên là Ðồng Sanh, vị kia tên là Ðồng Danh. Hai vị trời ấy thường thấy người đó, nhưng người đó chẳng thấy được trời.” Ðồng Sanh Nữ ở bên vai phải chép điều ác đã tạo. Ðồng Danh Nam ở bên vai trái chép điều thiện đã làm. Vì có thần minh ghi chép những điều thiện ác của mỗi người, nên báo ứng chẳng hề sai trật.
Cả hai nơi, bên trong là “nội thức” và bên ngoài là “thần minh,” đều ghi chép những việc thiện ác của mình rõ rành như nhau thì làm sao mà chối cải với vua Diêm La đây? Nên đành phải theo ác nghiệp của mình mà xoay vần trong tam đồ ác khổ, nhiều kiếp khó thoát ra, nổi đau đớn này không làm sao mà kể xiết!
Điều ác thứ ba là sự dâm dục.
Dâm Ác Chúng sanh do nương theo các nghiệp nhân hợp lại mà sanh ra trong thế gian này. Mỗi người đều có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Do người này, kẻ kia có cùng chung nghiệp báo nên sanh ra cùng một thời kỳ trong cùng một thế giới. Nhưng lại do biệt nghiệp của mỗi người đều khác nhau, nên hoặc sanh ra làm quyến thuộc, hoặc trở thành cừu địch cùng sanh ở một chỗ để đền ân báo oán.
Trăm năm ngắn ngủi như chốc lát, vô thường vùn vụt. Mạng người trong hơi thở, nháy mắt liền hết, nhưng thế nhân điên đảo, chẳng biết khổ, không, vô thường, vô ngã, chỉ ham cầu cái vui huyễn vọng như con thiêu thân đâm đầu vào lửa tự đốt cháy thân mình. Phật nói, đó là “những kẻ bất lương, thân tâm bất chánh, ôm lòng tà ác, thường tưởng dâm dục.”
Dâm dục là phóng đãng, tham sắc, chẳng kể lễ nghĩa. Dâm dục là cái nhân dẫn khởi những cái ác tham, sân, si. Vì thế dâm chính là một trong mười điều ác, là gông cùm trói buộc chúng sanh. Dâm là cội nguồn tội lỗi sanh ra các nạn. Người đời do dục mà mất mạng, tan nhà. Thậm chí, hết thảy chúng sanh đều do dâm dục mà bị sanh tử trong sáu đường thống khổ. Trong căn bản của sanh tử thì dục là bậc nhất; vì thế, kinh dạy: “Sống dâm dục chẳng bằng chết trinh khiết.” Người xưa lại nói: “Trong vạn ác, dâm đứng đầu. Ðó là đường chết, không thể đi. Bạn cứ làm chuyện dâm dục thì cũng như đi vào đường chết.”
Trong năm giới của kẻ tại gia, Phật chỉ cấm tà dâm. Nhưng trong mười giới của người xuất gia, Phật bảo phải đoạn hẳn dâm dục. Người xuất gia không được phạm vào hết thảy chuyện trai gái trong đời, đó đều là phá giới. Do vậy, người bỏ tục làm tăng lẽ đâu lại còn phạm giới dâm dục. Dâm dục tuy chẳng bức não chúng sanh, nhưng vì nó trói buộc chúng sanh nên coi là đại tội. Dâm dục là cội nguồn lưu chuyển sanh tử, là nhân duyên khiến chúng ta xa lìa giải thoát, thì lẽ đâu ta vì tham đắm cái vui trong sát na mà phải chịu đại khổ trong bao kiếp?
Bậc đại hiền bảo: “Trong lao ngục sanh tử, dâm làm gông cùm trói chặt hữu tình, là nạn khó thoát.”
Luận Du Già ghi: “Trong các thứ ái, dục là nặng nhất. Nếu đối trị được nó, tự nhiên điều phục được các thứ khác; như chế ngự được kẻ mạnh mẽ thì những kẻ yếu hơn tự khuất phục. Mà dục pháp này có đến ba tội lỗi: Khổ mà tưởng như vui; chút ít ngọt ngào nhưng lắm tai hại; bất tịnh mà tưởng như là tịnh.”
Kinh Ha Dục dạy: “Nữ sắc là gông cùm trong thế gian. Phàm phu tham luyến chẳng thể dứt bỏ nổi. Nữ sắc là tai họa lớn trong thế gian, bởi phàm phu cho đến chết chẳng thoát nổi nữ sắc. Nữ sắc là suy họa của thế gian. Phàm phu gặp phải thì không tai nạn nào lại không xảy đến!”
Khi lửa dâm dục nung nấu bên trong khiến bụng dạ nóng nảy, tâm cuồng loạn dâng lên tới ngực, lại hiện rõ ra bên ngoài bằng những tánh cách dâm tà, phóng đãng, buông tuồng, lả lơi. Kinh nói: Trong cuộc sống, thế nhân có biết bao nhiêu chuyện tốt cần nên làm, lại chẳng chịu làm, chẳng cầu tự lập, chẳng chịu chăm chỉ làm những việc chánh đáng, chẳng cầu xuất ly tam giới, chẳng biết cầu phước, cầu huệ, cầu sanh Tịnh Ðộ mà lại đi cầu “dâm” làm cho phiền não dâng tràn đến đầy cả ngực. Cầu “dâm” thì sẽ dẫn đến những việc chẳng lành, như lời Phật bảo: Người dâm dục thường hay kết giao tụ tập với bọn tà ác, dấy binh đánh nhau, công kích sát phạt, bức hiếp cưỡng đoạt. Những việc công hãm, cướp đoạt, giết chóc, đâm chém này chính là tội lỗi do “dâm dục” gây ra!
Trong lịch sử nhân gian có biết bao nhiêu chuyện xảy ra, như là người ỷ vào oai lực để đe dọa, cướp đoạt tình cảm của người khác bằng oai thế, hoặc kẻ đem cả gian sang đất nước đánh đổi lấy nữ sắc làm cho muôn dân thống khổ. Ðấy đều là do lòng “dâm ác” tràn ngập đầy ngực; đấy cũng chính là “trộm cắp.” Thế nhân làm đủ những việc trộm cắp, giết hại như thế chỉ cốt muốn chiếm đoạt hay làm vui lòng người mình yêu thương, nên dẫu cực thân làm bao nhiêu tội ác, vẫn lấy đó làm vui; đấy là hậu quả của “dâm dục.” Do những điều ác như thế, nên mắc vào cái vòng lao lý, phải lãnh chịu sự trừng phạt của người lẫn quỷ thần. Nếu làm điều ác công khai thì bị vướng vào sự trừng phạt của người đời và quan quyền; người người đều chán ghét, luật pháp trừng trị, tai ương khổ nạn dồn dập. Nếu làm điều ác kín đáo thì bị vướng vào sự soi xét của cõi âm, thần minh và chư thiên đều thấy biết rành rõ và âm thầm ghi chép, thì kẻ tạo ác mong chi thoát khỏi sự trừng phạt của quỷ thần. Bởi thế, nên bị rơi vào ba đường ác, vô biên khổ não, xoay vần trong đó, nhiều kiếp khó ra, đau không kể xiết!
Thứ tư là tội ác vọng ngữ.
Vọng Ngữ Vọng ngữ là lời lẽ nghịch tâm, sai vạy, chẳng đúng với sự thật, chẳng thấy dám nói thấy, thấy nói chẳng thấy. Vọng ngữ thốt ra là do từ cái tâm bất tịnh muốn dối gạt người, che giấu sự thật, nói ra chuyện khác tạo thành khẩu nghiệp.
Vọng ngữ lại được phân ra làm ba thứ loại khác nhau; đó là lưỡng thiệt, ác khẩu và thêu dệt. Lưỡng thiệt còn gọi là nói lưỡi đôi chiều, lời nói làm khích động ly gián, hý lộng thị phi khiến cho người này, kẻ kia đấu loạn với nhau, làm người bị tổn hoại, phá hòa hợp tăng. Ác khẩu còn gọi là thô ác ngữ; đó là những lời nói thô ác thốt ra từ miệng làm người khác buồn tức, đau khổ. Thêu dệt là tà ngôn bất chánh giống như các sắc pha trộn bóng bảy nhằm mê hoặc người nghe.
Hành Cơ Bồ tát nói: “Con cọp lỗ miệng hại người, gươm lưỡi đoạt mạng. Nếu cái miệng giữ được như cái mũi thì chết đi chẳng lo tai vạ gì!” Người giữ được cái miệng im lặng như lỗ mũi thì mới khỏi sanh ra các họa hại; thế mà thế nhân lại thường thích phạm tội vọng ngữ, chẳng đoái hoài quả báo mai sau, ấy là bởi vọng nghiệp chất chứa sâu nặng, hạt giống vọng nghiệp trong tạng thức rất nhiều nên cứ gặp trần cảnh là liền phát động, tạo nên lời dối trá.
Khi xưa, lúc đức Phật còn là một thái tử, tên Tất Đạt Đa, kết hôn cùng công chúa Da Du Đà La, sau khi Thái Tử xuất gia, công chúa hạ sanh một người con trai tên là La Hầu La. Lúc nhỏ, La Hầu La đã theo Phật xuất gia làm chú tiểu và thường ở bên cạnh Phật học tập. La Hầu La thường hay tinh nghịch và thích nói dối gạt người làm trò vui. Có lần có người hỏi: “Chú có biết đức Phật bây giờ ở đâu không?” Mặc dầu La Hầu La biết Phật ở phòng bên trái, nhưng lại cố tình chỉ tay bên phải và nói: “Đức Phật ở bên kia.” Khi người ta bị mắc lừa thì La Hầu La thích chí lắm, lấy đó làm trò vui. Sau đó, có người mách bảo Phật chuyện này; ngài liền cho gọi La Hầu La vào để răn dạy. La Hầu La thấy nét mặt nghiêm nghị của Phật, không dám nói một tiếng nào, vội vả bưng chậu nước cho Phật rửa chân và chờ Phật chỉ dạy. Sau khi rửa chân xong, Phật bảo La Hầu La, “Bây giờ, con uống nước trong chậu ấy đi.” La Hầu La giật mình, thưa Phật: “Phật vừa dùng nước này rửa chân. Nước này dơ rồi làm sao con uống được.” Đức Phật răn bảo: “Khi con nói láo, miệng của con cũng dơ như nước trong chậu này. Con không muốn uống nước dơ này cũng như người khác không muốn nghe lời nói láo của con.” La Hầu La nghe xong, đem chậu nước ra đổ. Sau đó, đức Phật lại bảo: “Bây giờ, con đã đổ hết nước dơ trong chậu rồi, con hảy dùng chậu này để đựng thức ăn của con đi.” La Hầu La nghe lời Phật bảo, rất lúng túng và nghĩ thầm; “Mặc dù nước dơ đã đổ ra hết rồi, nhưng chậu này còn rất dơ, đâu thể dùng để đựng thức ăn được chứ.” Phật biết ý nghĩ của La Hầu La nên bảo, “Khi con nói láo, miệng của con cũng dơ như chậu này. Con hảy suy nghĩ xem có ai lại lấy vật dơ để đựng đồ sạch bao giờ?”
Từ câu chuyện trên ta thấy, đức Phật không hài lòng đối với người vọng ngữ, nói láo gạt gẫm người khác. Đức Phật nói, vọng ngữ có mười thứ tội. Những gì là mười?
· Một là hơi miệng hôi thối;
· Hai là thiện thần tránh xa, phi nhân được dịp làm hại;
· Ba là tuy có nói thật người khác cũng chẳng tin nhận;
· Bốn là khi người trí bàn soạn chẳng tham dự được;
· Năm là thường bị phỉ báng, tiếng xấu xa đồn khắp thiên hạ;
· Sáu là người khác chẳng kính trọng, tuy có dạy dỗ, ra lệnh người khác, họ cũng chẳng tuân theo;
· Bảy là thường hay ưu sầu;
· Tám là tạo thành nhân duyên của nghiệp phỉ báng;
· Chín là khi thân hoại mạng chung sẽ đọa địa ngục;
· Mười là nếu được thoát ra khỏi địa ngục, sanh làm con người, nhưng thường bị người đời phỉ báng.
Chúng ta thấy ác nghiệp vọng ngữ sanh ra lắm thứ ương họa như thế, lúc chết lại bị đọa vào địa ngục. Cho nên, Phật thường luôn nhắc nhở, khuyên răn chúng ta phải dè chừng, chớ nên khinh thường lỗi vọng ngữ. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy, thế nhân phạm tội vọng ngữ là do thường hay sanh lòng “ganh ghét kẻ hiền, phá hoại hiền minh, bất hiếu cha mẹ, coi nhẹ sư trưởng, đối bạn chẳng tin, khó đặng thành thật, tự cao tự đại, tự cho hiểu đạo.”
“Ganh ghét kẻ hiền” là ác khẩu, gây ra tội lưỡng thiệt. “Phá hoại hiền minh” là vọng ngữ. “Bất hiếu mẹ cha, coi nhẹ sư trưởng” cũng là ác khẩu, tạo tội ác nghịch. “Đối bạn chẳng tin, khó đặng thành thật” là bất trung, tạo thành tội vọng ngữ bậc thượng. “Tự cao tự đại” tạo ra ác khẩu. “Tự cho hiểu đạo” là nói đôi chiều, nói lời thêu dệt. Hơn nữa, nếu chưa đắc thánh đạo mà tự bảo ta đã đắc thánh đạo, thì đấy là đã phạm tội đại vọng ngữ giới, sẽ phải chịu lấy tội báo nặng hơn hết thảy các khẩu nghiệp khác.
Lại nữa, Vì muốn người kính sợ, coi mình là chủ tể, là người cầm đầu, nghe theo lệnh của mình, chỉ biết phục tùng mình, nên miệng chuyên nói lời ly gián, chia rẽ, phá hoại sự hòa hợp của người khác. Vì muốn người khác kính sợ mình, nên bên ngoài thường hay làm bộ, làm tịch, tỏ vẻ đạo đức, nhưng bên trong lại ôm lòng tà ác, mưu mô. Cái tội mạn này đều thuộc về tư hoặc, nếu đem kết hợp với ba độc thì đều có tham mạn, sân mạn và si mạn. Loại người này thường hay cậy vào địa vị, oai thế của mình sanh lòng kiêu căng, ngã mạn, chẳng biết hổ thẹn, chẳng tự răn dè, kiêng nể. Đối với hạng người ngã mạn này, Phật cũng khó bề giáo hóa, hàng phục tâm ý điên đảo của họ.
Những kẻ ác có thể hoành hành các điều ác ấy, nhất thời là do phước đức đời trước giúp cho họ, nay họ có địa vị, phẩm chức, trí tuệ nên mặc sức tạo ác. Thế nhưng, khi nghiệp lành đời trước hết sạch, thân không nơi nương dựa thì liền gặp nhiều ách nạn, phải chịu nhiều điều đau khổ bao vây. Thêm nữa, thần minh đem tội lỗi của kẻ ác ấy ghi vào trong sổ ghi án, sau đó trình báo với vua Diêm La. Lúc xả bỏ thân người, liền bị quỷ thần chộp nắm, cùng đường bí lối, chẳng có chổ trốn chạy, nên tự thần thức của mình lôi mình vào trong lửa cháy, vạc nước sôi nơi địa ngục, chịu khổ bị nung đốt, thân tâm tan nát, thần hình khổ cực. Ngay lúc đó, dẫu có hối hận cũng chẳng làm gì được!
Ðiều ác thứ năm là các lỗi gây ra bởi do nghiện ngập.
Nghiện Ngập Mê Say Điều ác thứ năm trong trong ngũ khổ, ngũ thống, ngũ thiêu là “nghiện ngập.” Điều ác này gồm đủ cả ba nghiệp ác nơi thân là sát sanh, trộm cắp, tà dâm và bốn nghiệp ác nơi miệng là lưỡng thiệt, ác khẩu, thêu dệt, vọng ngữ. Vì sao chỉ là nghiệp ngập mà lại sanh ra nhiều tội ác đến thế? Bởi do nghiện ngập là nguyên nhân sanh ra các thứ thối hư, tật xấu khác khiến cho con người mất đi hạt giống trí huệ Phật, trở thành loạn tánh.
Nghiện ngập bao gồm các lỗi tiêu biểu như là uống rựu, bài bạc, xì ke ma túy, hành dâm, si mê v.v... Trên lẽ thật, tham đắm ngủ dục “tài, sắc, danh, thực, thụy” cũng chính là một thứ nghiện ngập khó dứt bỏ. Trong ngũ giới, Phật đặc biệt chỉ nêu lên lỗi “uống rượu” để làm đại biểu chung cho hết thảy các lỗi ham mê, nghiện ngập khác gây ra cả ba nghiệp ác “tham, sân, si” nơi ý. Vì sao nghiện ngập lại là tội ác “tham, sân, si” nơi ý? Vì ham mê chè chén, chính là tham độc. Say rồi dễ nóng tánh, đó là sân độc. Rượu khiến cho thần trí hôn ám, uống quá độ thậm chí bất tỉnh nhân sự, chính là si độc. Người đời có câu “rượu vào loạn tánh,” nghĩa là rượu có khả năng làm cho tâm ý và bổn tánh lương thiện của con người bị mê loạn, khiến con người tạo ác. Bởi thế, chỉ riêng một tội uống rựu thôi mà đã bao gồm đủ cả ba điều ác nơi ý nghiệp, thì đừng nói chi là phạm đến bốn lỗi “tứ đổ tường” (uống rựu, bài bạc, xì ke ma túy và hành dâm).
Chỉ nói về lỗi uống rượu thôi mà đã thấy có mười cái hại: (1) vẻ mặt xấu ác, (2) yếu sức, (3) mắt nhìn chẳng rõ, (4) hiện ra vẻ nóng giận, (5) tổn hoại nghề nghiệp mưu sinh, (6) tăng tật bịnh, (7) tăng thêm tranh chấp, cãi cọ, (8) không còn tiếng tăm, (9) trí huệ kém, (10) khi mạng chung sẽ đọa trong ba ác đạo. Ngoài ra, người nghiện rựu chỉ cốt muốn được an nhàn tấm thân, nên trong tâm thường hay do dự, phóng dật, ỷ lại, biếng nhác. Ngay cả những công việc cần phải làm để mưu sinh hằng ngày còn không muốn làm, huống là chịu làm thiện, tu thân sửa nghiệp.
Người say ác chẳng chịu siêng tu chánh nghiệp, sửa chửa thân tâm của mình, nên đối với lời răn dạy của cha mẹ thường hay chống trái phản nghịch, hỗn hào, hung bạo, láo xược. Cha mẹ có con như vậy, coi như là oan gia trái chủ, chẳng bằng không con. Ðứa con ác ôn, bội bạc từ ân của cha mẹ, trái nghịch lễ nghĩa như thế, đối với ân đức của cha mẹ hoàn toàn chẳng báo đáp mà lại còn phóng túng du đãng, tự tung tự tác. Đấy cũng là do hậu quả của việc đam mê tửu sắc, tham lam rựu chè chẳng biết chán đủ.
Người say rượu thường trở thành thô lỗ, khoác lác, huênh hoang, mặc sức làm những điều càn quấy, đần độn si mê, chẳng hiểu việc gì, nhưng không việc gì lại không dám làm. Bởi do say sưa điên cuồng, chẳng còn hiểu biết thế thái nhân tình gì nữa, nên họ thường biểu hiện dáng vẻ bất nhân, bất nghĩa, bất thuận mà chẳng biết xấu hổ. Lại nữa, người say sưa chè chén thì thường hay gây gỗ xung đột, không biết tình người, vô nghĩa vô lễ. Chẳng biết quyết đoán đúng sai, phải trái; thấy cái gì mình thích thì phóng tâm làm theo, chẳng phân biện tôn ty trật tự, trái nghịch với chuẩn mực, pháp tắc. Những điều xấu ác này chính là “vô lễ.” Không biết đúng sai, việc làm không đúng đắn chính là “vô nghĩa.”
Chúng ta phải biết say mê tiền tài, danh vọng và quyền lực cũng là một thứ nghiện ngập rất khó bỏ, chẳng khác gì uống rựu, bài bạc, xì ke ma túy, hành dâm. Có những kẻ vì say mê tiền tài, danh vọng và quyền lực cho riêng mình mà chẳng ngằn ngại bán nước, cầu vinh, cõng rắn về cắn gà nhà. Những người như vậy, thật là khó thể can ngăn, khó thể dùng đạo lý để giảng giải, khuyên can để họ chỉnh sửa, hành xử đúng đắn. Kẻ ác như vậy, đối với những vật cần thiết để duy trì cuộc sống của lục thân (cha, mẹ, anh, em, vợ, con) và quyến thuộc họ hàng, họ hoàn toàn chẳng thèm quan tâm đến. Ðối với công ơn cha mẹ, tình nghĩa thầy bạn, họ thản nhiên như không, chẳng thèm nghĩ tới. Đối với vận mạng hưng vong của quốc gia dân tộc và các nổi khổ của người dân, họ cũng hoàn toàn thờ ơ, chẳng chút bận lòng.
Người nghiện ngập, tâm thường nghĩ điều ác, miệng thường nói điều ác, thân thường làm ác, chưa từng có một điều lành nào! Họ lại chẳng tin Phật pháp, chẳng tôn thánh kính thiện, bác bỏ nhân quả. Thậm chí họ còn hủy diệt Phật giáo, hoặc lợi dụng Phật giáo làm công cụ để đạt được những thứ mà họ say mê. Đấy chính là bọn “nhất xiển đề.” Phật nói, những người ác như vậy, thường muốn hại người chân. Người chân là ai? Sách Huyền Ứng Âm Nghĩa giảng: “Người chân là A La Hán.” “Muốn hại người chân” nghĩa là muốn giết A La Hán; đó chính là ngũ nghịch trọng tội. Ðối với Tăng chúng hòa hợp tu hành đúng theo Phật pháp, họ dùng thủ đoạn để ly gián, khiến xảy ra tranh chấp, làm pháp sự bị phế bỏ, thì đó gọi là “phá hòa hợp Tăng.” Tội “phá hòa hợp Tăng” của người, hủy diệt các bậc hiền trí, để duy trì một chánh thể ngu dân, cũng đồng với tội giết A La Hán, hại A Xà Lê (thầy dạy Phật pháp), làm cho thân Phật chảy máu. Kinh A Xà Thế Vương Vấn Ngũ Nghịch dạy: “Có năm tội nghịch nếu tộc tánh tử, tộc tánh nữ phạm những tội này thì không thể cứu được, ắt nhập địa ngục, chẳng còn nghi gì nữa. Những gì là năm? Tức là giết cha, giết mẹ, hại A La Hán, đấu loạn Tăng chúng, khởi ác ý đối với đức Như Lai.” Năm thứ ác ấy chính là ngũ vô gián nghiệp, chiêu cảm khổ quả trong địa ngục Vô Gián.
Phật nói, các lỗi ác của sân và si mà người nghiện ngập thường phạm là do độc tố của các thứ nghiện ngập khiến cho họ trở thành si mê, vô tri. Đã si mê, vô tri lại còn tự cao tự đại, tự cho mình là có trí huệ, là “đỉnh cao của trí tuệ”, tự cho mình là có ngàn tay ngàn mắt ngang hàng với Ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn (Quán Thế Âm Bồ tát) thì đúng thật là đã si mê đến mức cùng cực! Lại do vì si mê, vô tri nên chẳng tin có nhân quả ba đời, chẳng biết đời này sanh từ đâu đến, cũng chẳng biết chết sẽ sanh về đâu? Chẳng hiểu rõ nhân quả, chẳng tin luân hồi, chẳng biết lợi tha chính là tự lợi, chẳng biết đảm trách cứu giúp người khác chính là cứu giúp chính mình, nên chỉ biết lo toan tự tư tự lợi, đối xử với người khác toàn là bất nhân, bất nghĩa, bất thuận.
Kinh nói, người nghiện ngập đến mức như vậy thường chỉ biết tự lợi, tự muốn sướng thân nên vọng cầu sống lâu. Họ thường làm ra toàn những chuyện trái nghịch trời đất, trên chẳng thuận ý trời, dưới chẳng thuận lòng dân mà lại muốn tồn tại lâu dài, thì đấy chính là vọng tưởng điên đảo đến mức tột cùng. Tâm trí si mê như vậy, hạnh đức kém cỏi như vậy, mà muốn tồn tại lâu dài để khiến cho người khác bị tổn hại vì mình, thì đó chính là ác nhân bậc thượng. Dù ác nhân này có gặp được bậc hiền trí từ tâm khuyên bảo, họ cũng chẳng chịu tin, nên chúng ta có đắng miệng nhọc lời với họ cũng chẳng có ích lợi gì cả. Bởi vì kẻ si mê như thế, tấm lòng đã bị đóng chặt, dẫu họ chịu lắng nghe cũng chẳng thể lãnh hội nổi, nên Phật bảo những người này “trong tâm bế tắc, ý không khai giải.” Rõ ràng là do si độc chiêu cảm, nên mới đưa đến nỗi đau khổ đến mức như vậy!
Do si mê che lấp cái tâm, nên trở thành vô tri, mê muội; đấy thật là nỗi đau khổ lớn lao nhất của một kiếp làm người. Người đời chẳng biết nhân quả, nên lúc còn sống không lo tu sẵn việc thiện lành từ trước, đến lúc sanh tử đến kề, lửa địa ngục hiện ra thiêu đốt thân tâm, trong sự kiện ấy mới sanh lòng hoảng sợ, hối hận thì đã muộn màng rồi, chẳng thể làm gì được!
---oOo---
Tổng Kết Lại Năm Sự Ác, Năm Sự Đau Đớn, Năm Sự Thiêu Đốt Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy: “Ở trong trời đất, năm nẻo rành rành, thiện ác báo ứng, họa phước nối nhau, tự làm tự chịu, không ai gánh thay.” Trời đất chỉ chung cả ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Năm nẻo chỉ chung tất cả các đường lành lẫn nẻo ác trong tam giới (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, a tu la, trời).
Trong vòng trời đất, sanh tử trong năm đường, khổ vui ai cũng thường tự thấy, nhân quả phân minh. Hễ có nhân ắt có quả! Nghiệp nhân là như thế thì quả báo cũng là như thế, chẳng sai trật một tơ hào. Có làm ắt có báo, có cảm ắt có ứng! Như vậy, họa phước gặp phải trong hiện tại đều là do sự báo ứng của túc nhân. Thiện ác thuộc về nhân, phước họa thuộc về quả. Nhân có thiện ác, quả có cảm vui khổ. Bóng ắt theo hình, tiếng vọng vang ra từ âm thanh không sai mảy may. Nghiệp nhân, quả báo cũng giống như thế! Nghiệp nhân đời trước có thiện và ác lẫn lộn, nên đời sau thọ quả báo thì hoặc là trước vui sau khổ, hoặc là trước khổ sau vui. Khổ vui tiếp nối nhau, họa phước thay phiên nhau. Làm lành được phước, tạo ác mắc họa, đều là tự mình làm tự mình chịu, chẳng ai có thể thay thế cho.
Người hiền gieo cái nhân lành; đời sau sanh trong nhà tôn quý, thân hình đoan chánh, duyên cảnh hòa mỹ, thân tâm sướng vui; đó là “vui.” Người ấy lại còn sáng suốt, thông đạt, ưa điều thiện, thích bố thí; đó là “sáng.” Nếu người ấy lại làm nhiều thiện nghiệp, siêng tu phước huệ thì được sanh lên trời. Hay hơn thế nữa, nếu người ấy biết phát Bồ Đề tâm, một lòng niệm Phật, rồi lại lấy tất cả công đức của các thiện nghiệp đã làm hồi hướng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thì đó chính là “từ vui vào vui, từ sáng vào sáng.” Kẻ dữ tạo ác nghiệp, gieo nhân ác thì phải lãnh chịu quả ác. Vì thế sanh ra trong nhà ty tiện, hình dung khô kháo, cả đói lẫn rách bức não thân tâm; đó là “khổ.” Lại còn ngu muội, vô tri chẳng tin chánh pháp của Phật nên chẳng làm việc lành; đó là “tối.” Thảng hoặc lại còn tạo thêm nhiều ác nghiệp nữa, nên lúc chết bị đọa vào ác đạo; đấy chính là “từ khổ vào khổ, từ tối vào tối.” Phật đã dạy rõ lý nhân quả sanh tử trong sáu đường rành rành là như thế, rất thâm sâu, u huyền mà hết thảy chín mươi lăm (95) phái ngoại đạo chẳng thể biết được nổi, chỉ mình đức Thế Tôn mới biết được căn nguyên, nên trong kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Có ai hay biết! Chỉ Phật rõ biết.”
“Tin sâu nhân quả” chính là một trong ba phước (Tịnh Nghiệp Tam Phước) được nói trong Quán kinh. Phật rủ lòng từ bi giáo hóa, mở bày sự chân thật, nhưng chúng sanh si mê, chẳng tin theo, chẳng hành theo. Thậm chí có những kẻ si mê đến cùng cực, chẳng những không coi trọng nhân quả mà còn vọng ngôn bài bác, cho là không có nhân quả, chống báng lời Phật răn dạy, nên trong thế gian mới có chuyện “sinh tử chẳng dừng, đường ác không dứt.” Vì thế, Phật mới than thở rằng: “Lời dạy mở bày, ít kẻ tin làm.” Thế nhân chẳng tin lời Phật dạy răn, cứ mãi tiếp tục làm ác không thôi; thế nên tự nhiên có ba đường ác, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó, đời đời kiếp kiếp không có ngày ra, khó đặng giải thoát, đau không kể xiết!
---oOo---
Lời Phật Đã Mở Bày, Nhưng Ít Kẻ Chịu Tin Làm Do năm sự ác đã nói trên khiến chúng sanh xoay vần trong ba ác đạo đời đời kiếp kiếp không có ngày ra, khó đặng giải thoát, để lãnh chịu năm sự đau đớn và năm sự thiêu đốt không sao kể xiết, nên đức Phật từ bi khuyên dạy người đời nên chuyển đổi năm điều ác ấy thành năm điều thiện, Phật bảo: “Năm ác, năm khổ, năm thiêu như thế, ví như lửa lớn thiêu đốt thân người. Nếu từ trong đó, tận chế tâm ý, đoan thân chánh niệm, nói làm đi đôi, chỗ làm chí thành, chỉ làm việc thiện, không làm việc ác, thân tự độ thoát, đặng phước đức kia, mạng sống dài lâu, đặng đạo Niết Bàn, là năm thiện lớn.”
Đức Phật dùng lửa lớn để ví cho năm điều ác “sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ và nghiện ngập.” Ngài nói: “Năm ác năm khổ, năm thiêu như thế, ví như lửa lớn thiêu đốt thân người.” Nếu ai có thể trong năm thứ đau đớn, năm thứ thiêu đốt ấy mà chuyên nhất chế ngự, ngăn dứt tam độc “tham, sân, si” trong ý nghiệp, đoan thân chánh tâm, lời nói đi đôi với việc làm, tức là dùng thiện hạnh để thực hiện lời nói, thành thật chẳng dối trá, chẳng làm các điều ác thì sẽ được các phước đức, thoát ra khỏi sanh tử.
Hết thảy thế gian trong tam giới nào có sự trường sanh bất tử, chỉ có chứng được đạo vô thượng Bồ Đề thì mới bất sanh bất diệt. Vì vậy, lìa được sự sanh tử của thế gian mới đúng là trường sanh thật sự. Dẫu cho ở ngay trong địa ngục mà chứng đắc được ba đức thân, ngữ, ý thanh tịnh thì địa ngục cũng biến thành Niết Bàn. Vậy, Niết Bàn chính là cái quả của sự chứng ngộ trọn vẹn ba đức “không tham, không sân, không si.” Nói riêng trong Tịnh tông thì Niết Bàn chính là Cứu Cánh Thường Tịch Quang. Sự lành như thế mới thật sự là thiện lớn!
Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói: Những người muốn được sanh về cõi Phật A Di Ðà, nếu chẳng thể đại tinh tấn thiền định, trì kinh, giữ giới thì phải dũng mãnh làm lành, tu thập thiện nghiệp. Tuy “Thập Thiện” vốn chỉ là nghiệp để sanh cõi trời, nhưng do nhân duyên niệm Phật, lấy đó hồi hướng Tây Phương Cực Lạc, nên nghiệp sanh cõi trời bèn chuyển thành nghiệp sanh Tịnh độ; đấy chính là Chánh Nhân Vãng Sanh của bậc Trung Bối.
Vì sao niệm Phật có thể chuyển nghiệp sanh cõi trời thành nghiệp sanh Tịnh độ? Nếu hành nhân dùng câu niệm Phật mà có thể chuyển được nghiệp ác thành nghiệp thiện, thì lẽ nào chẳng thể chuyển được nghiệp sanh cõi trời thành nghiệp sanh Cực Lạc! Vì thế, người tu Tịnh nghiệp phải tận hết sức mình hành thêm các điều thiện để làm cho duyên vãng sanh của mình được tăng thượng. Như ta thường nghe nói “đới nghiệp vãng sanh,” tức là tuy những ác nghiệp trong quá khứ chưa tiêu hết hoàn toàn, nhưng do bổn nguyện của Phật và diệu đức của việc trì danh hiệu Phật, nên được đới nghiệp vãng sanh, chẳng lọt vào đường ác nữa. Đấy chính là do nguyện lực thứ hai của Phật A Di Ðà: “Sanh vào cõi ta, được ta giáo hóa… chẳng đọa vào trong đường ác nữa.” Như vậy, cái nghiệp được nói trong “đới nghiệp” chính là túc nghiệp (nghiệp tạo ra trong quá khứ), chứ quyết chẳng phải là cái nghiệp hiện tại. Trong kinh Niết Bàn có nói, người đồ tể tên Quảng Ngạch buông con dao mổ xuống thì ngay lập tức thành Phật. Vậy, nếu chúng ta muốn vãng sanh thành Phật thì phải buông bỏ con dao mổ xuống. Nếu kẻ tu Tịnh Ðộ một mặt niệm Phật, mặt khác lại làm ra năm điều ác “sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ và nghiện ngập,” trong tâm hiện tại vẫn còn chất chứa ba độc “tham, sân, si,” thì quyết định chẳng thể vãng sanh nổi!
Lại có người cho rằng làm lành là thuộc về Nhân Thiên thừa, nên coi thường Ngủ Giới, Thập Thiện; đấy là một sai lầm rất to lớn! Vào đời Ðường, ngài Ô Sào thiền sư dùng cách thổi sợi lông trên vải để dạy đệ tử là Hội Thông, đệ tử liền ngộ nhập lý đạo. Rồi Ngài lại dùng bài kệ “Đừng làm các điều ác, vâng giữ những điều lành” để dạy ông Bạch Cư Dị. Ông Bạch có ý chê pháp này tầm thường, nên bảo: “Hai câu ấy thì đứa nhỏ ba tuổi cũng nói được.” Ngài Ô Sào đáp: “Ông lão tám mươi làm điều đó còn chẳng xong.” Cho nên, chúng ta chớ nên coi thường Nhân Thiên thừa, cho đó là việc làm tầm thường của bọn phàm phu. Ông Bạch Cư Dị nghĩ hai câu ấy là cạn cợt, coi việc thổi lông trên tấm vải mới là sâu xa. Ngài Ô Sào thiền sư lại coi hai việc ấy đều bình đẳng như nhau. Một kẻ mê, một người ngộ, xa cách nhau một trời một vực. Người có căn cơ viên đốn như Ngài Ô Sào thì thấy pháp nào cũng viên đốn, cũng bình đẳng như nhau: Nhân thừa, Thiên thừa cũng chính là Nhất Phật thừa! Ngược lại, người căn cơ còn khiếm khuyết như ông Bạch Cư Dị thì chẳng thấy tất cả các pháp đều bình đẳng như nhau.
Ðiểm mầu nhiệm của Tịnh tông là ở chỗ biết dùng “ngũ nhãn để chiếu chân đạt tục.” “Chiếu chân” là dùng Chân Đế Trí (còn gọi Phật trí, Căn Bản trí, trí Bát Nhã) để thấu rõ hết thảy các pháp đều là Không, Vô Tướng, Vô Nguyện. “Đạt tục” là khéo léo dùng Tục Đế Trí (còn gọi là Phương Tiện Trí, Sai Biệt Trí) để chỉ phương, lập hướng, rộng hành các điều lành của pháp thế gian nhằm mở đường cho pháp xuất thế gian mà chẳng vướng mắc vào đó. Nói cách khác, chúng ta từ nơi sự tướng trong thế gian mà hành các điều lành thế gian, nhưng lại biết rõ các điều lành ấy đều là không thật, đều chỉ là giống như huyễn mộng, nên từ đó mà có thể thâm nhập Chân Đế Trí. Vậy, nếu chúng ta biết dùng “ngũ nhãn để chiếu chân đạt tục,” thì chẳng những có thể tạo phước cho xã hội trong đời hiện tại mà còn làm trợ hạnh cho Tịnh nghiệp vãng sanh Cực Lạc. Vừa tu điều lành của thế gián, lại thêm có tín nguyện sâu chắc, trì danh hiệu Phật cấu sanh Cực Lạc thì cách tu này bao gồm cả tự lợi lẫn lợi tha. Người tu Tịnh nghiệp đúng theo lời Phật dạy như thế thì Sa Bà và Tịnh Độ Tây Phương không còn ngăn cách nữa, ngay trong đời ác ngũ trược này cũng được thường vui sướng vô cực. Tức là dù thân đang ở cõi Sa Bà, nhưng tâm thì lại thường an trụ nơi Tây Phương Cực Lạc; đấy mới đúng như lời kinh Phật dạy: “Duy Tâm Tịnh Độ”, “Hoa sen cõi Cực Lạc đầy khắp thế giới.”
Chúng ta thấy, tuy trong Phẩm 35 – Trược Thế Ác Khổ của Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, đức Phật giảng bày về mặt sự tướng, tức là ngũ giới, nhưng thật sự đã hiển bày trọn vẹn lý “Nhất Tâm.” Tâm nhơ uế ắt cõi mình ở cũng nhơ uế, tâm ác độc ắt sanh trong các đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.) Không thứ nào mà chẳng do tự tâm của mình biến hiện ra. Phật nêu rõ hai cõi Tịnh và Uế để cho chúng ta thấy rõ mà chọn lựa : Nên ưa thích cái gì hay chán nhàm cái gì ! Sách Di Ðà Yếu Giải viết: “Sa Bà chính là do cái nhơ bẩn trong tâm mình cảm thành, lý ưng phải chán lìa những cái nhơ uế trong tâm mình; Cực Lạc chính là những cái thanh tịnh trong tâm mình cảm thành, lý ưng phải vui cầu những cái thanh tịnh trong tâm mình. Ðã chán uế thì phải bỏ đến rốt ráo, không còn gì để bỏ nữa; ưa tịnh thì phải lấy cho đến rốt ráo, không còn gì để lấy được nữa.” Thuyết này của sách Di Đà Yếu Giải hiển thị sự lý viên dung, thật là khế hợp khéo léo với Trung Ðạo Thật Tướng Đệ Nhất Nghĩa Đế! Hành nhân thấu suốt lý lẽ này, tức là thâm nhập Bát Nhã Tâm Kinh, biết xử dụng ngũ nhãn để chiếu chân đạt tục!