Sau khi nói ra các nguyện của mình xong, Tỳ-kheo Pháp Tạng thỉnh cầu Phật chứng minh bằng cách hiện ra các điềm lành, Ngài nói: “Nếu bổn nguyện của tôi chắc chắn được thành tựu thì hết thảy thánh chúng trong đại thiên thế giới nên rúng động sáu cách, hiện ra các điềm lành. Từ trên hư không, Phạm thiên, Ðế Thích và các thiên thần trên trời làm mưa rơi xuống các thứ hoa trời quý báu, nhiệm mầu, lạ lùng, đẹp đẽ để chứng minh lòng thành khẩn của tôi.” Tỳ-kheo Pháp Tạng vừa phát lời thỉnh cầu này xong, thì lập tức có các điềm lành ứng hiện nhằm chứng minh đại nguyện của Ngài chắc chắn sẽ thành tựu. Ðại địa trong mười phương thế giới chấn động sáu cách là tướng lành ứng hiện nơi khí thế gian. Trời đổ mưa hoa, tấu nhạc, khen ngợi là điềm lành ứng hiện nơi hữu tình thế gian.
“Rúng động sáu cách” là sáu cách của sự chấn động; đó là: Động, Khởi, Dũng, Chấn, Hống và Giác. Ðộng là lắc lư. Khởi là nhô lên cao. Dũng là hũng xuống, trồi lên. Chấn là vang ra tiếng. Hống là tiếng vang rền. Giác là khiến người nghe giác ngộ Tự tâm. Phật làm khắp cõi đất chấn động sáu cách là để ứng với lời thề “đại thiên liền cảm động” của Pháp Tạng Đại sĩ, đồng thời biểu thị rằng: Nay Đại sĩ phát nguyện, tương lai sẽ chuyển vô thượng đại pháp luân. Ngoài việc mặt đất thảy đều chấn động sáu cách, còn có trời mưa hoa đẹp rải đầy trên đất, tự nhiên hư không trổi lên tiếng nhạc trời. Những hiện tượng này hàm chứa ý nghĩa như sau:
· Đất tượng trưng cho nguyện lực nơi Tự tâm, chấn động tượng trưng cho hạnh lực nơi các pháp thực hành. Vậy, “mặt đất chấn động” là để biểu thị rằng: Hạnh và nguyện là cái nhân để đắc quả Bồ-đề.
· Hãy có hoa thì ắt sẽ có quả. Vậy, hình ảnh “trời mưa hoa đẹp rải đầy trên đất” là dùng để biểu thị: Nguyện hạnh của Tỳ-kheo Pháp Tạng viên mãn tròn đầy như thế thì tất nhiên sẽ đắc quả, nguyện nào mà chẳng thành!
· “Tự nhiên hư không trổi lên tiếng nhạc” biểu thị rằng: Tỳ-kheo Pháp Tạng ắt sẽ thành tựu cõi Cực Lạc vui sướng mầu nhiệm và Ngài sẽ tuyên dương diệu pháp một cách rộng rãi, giáo hóa chúng sanh vô tận.
Chư thiên khen ngợi Tỳ-kheo Pháp Tạng bằng lời khẳng định chắc chắn nhất trong những lời đoan chắc rằng: Tỳ-kheo Pháp Tạng “Quyết định tất thành Vô Thượng Chánh Giác” không gì hơn nổi. Chúng ta phải biết: Hết thảy cõi Phật chẳng thể được thành lập, riêng ngoài một niệm trong cái tâm thanh tịnh của chúng sanh. Cho nên, Pháp Tạng Đại sĩ phát ra Bốn Mươi Tám Đại Thệ Nguyện rộng sâu chỉ nhằm để phá trừ vọng chấp của chúng sanh, khai hiển tâm lượng vốn sẵn có của đương cơ, khiến họ biết được rằng Tịnh độ chính là Pháp tánh vốn sẵn là như vậy, chớ chẳng phải từ cái nào khác mà được. Vì vậy, người tu Bồ-tát hạnh thì phải biết tùy thuận tâm không tịch, tâm diệu viên, tâm vô ngại, tâm vô trụ, tâm vô tác, tâm không ở bên ngoài, tâm không ở bên trong, tâm quang minh và tâm bình đẳng sẵn có trong Tự tánh mà hết thảy chúng sanh đều vốn sẵn có để trang nghiêm Pháp thân của mình và cõi Phật Tịnh độ. Vì sao? Bởi vì Tự tánh vốn không tịch nên lặng lẽ lìa khỏi các đường ác; bởi vì Tự tánh vốn viên diệu nên tự nhiên hiện ra đầy đủ các tướng hảo trang nghiêm, đẹp đẽ và vi diệu; bởi vì Tự tánh vốn vô ngại nên tự nhiên hiện ra sáu thứ thần thông; bởi vì Tự tánh vốn vô trụ nên chẳng thể bị đoạn diệt; bởi vì Tự tánh vốn vô tác nên chẳng có hạn lượng; bởi vì Tự tánh vốn chẳng phải là ở bên ngoài nên chẳng cần phải đi, đến mà tự nhiên hiện diện ở khắp mọi nơi; bởi vì Tự tánh vốn chẳng phải là ở bên trong nên soi thấy khắp tất cả; bởi vì Tự tánh vốn quang minh nên chiếu sáng khắp mọi nơi; bởi vì Tự tánh vốn bình đẳng nên như tự tại trong khắp mọi chốn, chẳng có chướng ngại.
Do vì Bốn Mươi Tám Nguyện của Đức Phật A Di Đà phát khởi từ Chân như Tự tánh, nên nguyện nào cũng chính là cái Chân tâm vốn sẵn có của mỗi chúng sanh. Dùng Tự tâm của mình để trang nghiêm Tự tâm thì có khác gì như nước xuôi về biển, như âm vang ứng theo tiếng của chính nó. Cho nên mới nói: “Niệm Phật là Tâm này là Phật, Tâm này làm Phật, Tâm-Phật-Chúng sanh vốn chỉ là một.” Vì chánh báo như thế nào thì y báo sẽ là như thế đó, nên tâm và cõi chẳng phải là hai thứ khác nhau. Cho nên, sau khi Tỳ-kheo Pháp Tạng phát Bốn Mươi Tám Nguyện lớn, mỗi nguyện đều hoàn toàn xứng hợp với Chân như Tự tánh, liền cảm động đến chư thiên, nên chư thiên trên không trung liền phát tiếng khen ngợi: “Quyết định tất thành Vô Thượng Chánh Giác.”
Do vì phần đông phàm phu chúng sanh tu hành chỉ ham muốn đạt được cái quả tốt lành mà chẳng quan tâm đến cái nhân ở hiện tại; cho nên Phật mới nói: “Muôn người tu khó tìm được một người chứng đắc.” Ngược lại, Bồ-tát chỉ lo siêng năng tu các nhân lành mà chẳng cần quan tâm đến cái quả, nên nhanh chóng đạt được quả Bồ-đề. Đó đều là do vì Bồ-tát có trí huệ và tâm lượng từ bi, nên các Ngài vừa phát khởi cái “nhân chẳng thể nghĩ bàn” thì liền đạt được cái “quả chẳng thể nghĩ bàn.” Vì cái “nhân chẳng thể nghĩ bàn” ấy cũng lại chính là cái “quả chẳng thể nghĩ bàn,” nên chư cổ đức mới nói: “Nhân quả đồng thời, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn.” Do vậy, những ai chuyên chí tu nơi pháp môn Tịnh độ đều phải nên tin nhận lời nói này và nghiền ngẩm lời dạy này của chư cổ đức.