Bài sau đây được trích từ bài “Tại sao tôi ngồi (thiền)” của Câu lạc bộ Xuất Bản Phật Giáo năm 1993 tại Tích Lan. Bác sĩ Fleischman là một thiền sư phụ tá của thiền sư S. N. Goenka và là một bác sĩ tâm thần. Việc đầu tiên tôi làm sáng nay là ngồi thiền một tiếng đồng hồ. Trong suốt 20 năm qua, tôi đã thường xuyên ngồi thiền như thế hằng đêm, hằng ngày, hằng tuần.
Tôi muốn biết về chính tôi. Thật ngạc nhiên là hằng ngày chúng ta dùng hầu hết thì giờ trong đời để học hành, suy ngẫm, quan sát và điều động thế giới xung quanh chúng ta. Trong khi đó cái tâm biết suy xét ít khi nào hướng vào nội tâm. Sự lẩn tránh này chắc chắn là thước đo của sự bồn chồn, do dự, và sợ hãi.
Hầu hết thì giờ của chúng ta được dùng cho những hoạt động hướng ngoại làm lạc hướng sự tự quan sát. Sự thôi thúc mãnh liệt, không ngừng nghỉ xảy ra không tùy thuộc vào những nhu cầu để sinh tồn như thực phẩm, chỗ ở và ngay cả thú vui. Từ giây phút này sang giây phút khác, chúng ta đắm chìm trong cảnh tượng, hương vị, đàm thoại, di chuyển hay trò chơi điện tử cho tới hơi thở cuối cùng. Thật ngạc nhiên khi những sinh hoạt bình thường từ hút thuốc, ngắm cảnh hoàng hôn đều chỉ hướng về, nhưng cuối cùng là lẩn tránh, sự chú ý liên tục đến thực tế về cuộc đời của chúng ta.
Điều này thúc đẩy tôi từ tìm hiểu rồi đến sự nghiên cứu trí thức nghiêm túc tại trường đại học, khoa tâm thần trong nghành y, và cuối cùng tới nghệ thuật “ngồi thiền” do thiền sư S. N. Goenka giảng dạy. Ngài là một thiền sư Vipassana mà vợ chồng tôi đã tham dự một khóa thiền ở New Delhi, Ấn Độ vào năm 1974. Trong 10 ngày không làm gì khác ngoài việc chú tâm từng giây phút vào thực tế của tâm và thân, với ý thức và sự bình tâm, cho tôi cơ hội, mỉa mai thay, được hoàn toàn đơn độc và cô lập mà tôi chưa từng trải qua, và đồng thời thỏa hiệp với truyền thống, một đường lối như đã lưu truyền, thể hiện, diễn giải và truyền đạt bởi một người đang sống. Tôi luôn luôn biết ơn thiền sư S. N. Goenka đã ban cho tôi phương pháp này.
Thiền Vipassana đã được bảo tồn tại châu Á trong suốt 2.500 năm từ khi được thái tử Gotama, đức Phật trong lịch sử, khám phá ra. Nghệ thuật sống của Ngài được các nhà bác học phương Tây gán cho nhãn hiệu “Phật giáo”. Nhưng Vipassana không phải là một “tôn giáo” hay một hệ thống triết lý. Vipassana là sự thực hành, một phương cách, một dụng cụ cho một người đang sống. Vipassana không làm cho ta chấm dứt sự tìm kiếm. Đối với tôi, Vipassana cung cấp một địa bàn, một viễn kính, một bản đồ cho những cuộc viễn du. Với sự thực tập hằng ngày phối hợp với những khóa thiền chuyên sâu hằng năm, tôi tìm thấy sự kết hợp giữa tự nhiên và di sản, sự liên tục giữa hội nhập và cô lập. Vipassana là ống viễn kính mà bây giờ tôi có thể tìm kiếm con chim bí ẩn.
Trước khi tôi được dạy cách ngồi thiền như thế nào, hành trình trong đời tôi phần lớn là qua sách vở. Tôi thấy những bài diễn văn và sách vở đầy hứng thú, khích lệ, nghệ thuật, nhưng mơ hồ. Người ta có thể khuyên bảo, có thể nói, có thể viết. Nhưng ngồi thiền là cách để cho tôi tượng trưng cho cái gì đó, ngồi thiền vì cái gì đó, không những chỉ bằng lời nói suông mà còn bằng cả tâm và thân của tôi. Đây là cách nhập cuộc, được bảo vệ bởi thiền sư, giáo huấn, phương pháp và sự thực hành, để đi vào ánh sáng và bóng tối trong tôi.
Tôi muốn biết, muốn chỉ quan sát con người đang sống này đúng như thật, chứ không phải trông có vẻ như vậy từ tình huống này sang tình huống khác. Dĩ nhiên điều này hữu ích cho tôi trong cương vị một bác sĩ tâm thần, nhưng động cơ của tôi trở nên cơ bản hơn, riêng tư hơn, lâu dài hơn.
Tôi quan tâm đến tâm và thân của mình. Trước khi tôi có thói quen ngồi thiền, tôi đã nghĩ về tôi và sử dụng cơ thể tôi làm dụng cụ trong đời sống như cầm bút, bổ củi. Nhưng tôi chưa bao giờ quan sát một cách hệ thống và kỹ lưỡng bản thân – tôi cảm thấy như thế nào, không phải chỉ là cái nhìn hời hợt, thoáng qua, nhưng liên tục từ giây phút này sang giây phút khác, đôi lúc kéo dài hằng giờ, hằng ngày; hoặc là tôi dồn hết tâm trí để quan sát ảnh hưởng tái diễn của tâm và thân trong trạng thái mệt mỏi hay nghỉ ngơi, đói khát, đau đớn, thư giãn, hứng tình, đờ đẫn hay tập trung. Sự tìm tòi để biết của tôi không hoàn toàn chỉ là khách quan và khoa học. Tâm và thân này là con thuyền cho đời tôi. Tôi muốn biết nó bằng thiên khiếu bẩm sinh khiến cho những con thiên nga bay hàng 10.000 dặm mỗi mùa đông và mùa xuân.
Bởi vì ngay lập tức sự hài hòa trong tôi rất là tuyệt vời, ngọt ngào, áp đảo khiến tôi thích thú nhưng không thể ép buộc nhìn vào nó, tôi muốn ngồi với quyết tâm mạnh mẽ để có thể gạt qua một bên chuỗi lo toan vẩn vơ như lơ đễnh hay phân tâm. Ngồi thiền là để biết chính mình, để thể hiện sự phổ quát của cuộc sống như một dự án thú vị, không bao giờ hoàn thành. Hy vọng tôi có thể sử dụng nó ngay cả lúc đối diện với cái chết. Đối với tôi, cái biết này là một sức mạnh vĩ đại và vô cùng sảng khoái.
Tôi ngồi (thiền) bởi vì, để cho, và với sự biết ơn đối với cuộc sống hằng ngày. Những thi sĩ vĩ đại ca tụng sự bình thường bàng bạc khắp nơi, đầy rẫy những sự hé lộ, nhưng tôi biết đời tôi sẽ buông xuôi một cách dễ dàng và liên tục vì những sự phân tâm, phiền muộn, quan điểm hẹp hòi. Tôi không muốn bỏ lỡ đời mình như đã từng lỡ những chuyến bay tại phi trường New York. Có thể là nghịch lý khi chỉ muốn thoát khỏi mơ mộng và lo lắng, tôi phải cần đến một phương pháp, một sự thực tập, một kỷ luật. Nhưng tôi cần đến chúng, và tôi phải chấp nhận sự nghịch lý đó bằng cách làm những gì tôi phải làm để xua đuổi những lo lắng vẩn vơ ra khỏi tâm, để thức dậy trong nhiều bình minh hơn, để thấy đứa con trai của mình hiện thân qua sự biến đổi thần tốc.
Tôi ngồi để khai mở từng lỗ chân lông và cả thể xác lẫn tinh thần để chấp nhận cuộc sống quanh tôi, cả bên trong lẫn bên ngoài ít ra là nhiều hơn bình thường, nếu không phải là liên tục, khi nó đến ngưỡng cửa nhà tôi. Tôi ngồi để tập biết ơn, để chấp nhận trạng thái bình an của con người với đầy sự bình thường và bất khả kháng, ví dụ như, sự xuống cấp của cái giường trong phòng ngủ tồi tàn của tôi, hay đứa con trai hai tuổi nhổ từng cái dằm đâm vào tay khi giúp tôi xếp củi trong tuyết mới vào tháng giêng.
Tôi cảm thấy cần một tay lái, một con tàu, một phương pháp, một kỹ thuật, một đường lối để đi đúng hướng. Tôi cần gia tăng những giây phút tự chế, (chứ không phải là gò bó, hạn chế). Trong lúc ngồi thiền, ta không đứng dậy, hay nhúc nhích, hay kiếm tiền, hay để thi đậu, hay nhận được sự trấn an từ một cú điện thoại nào đó. Nhưng sự huấn luyện quân sự, hay học chơi đàn vĩ cầm, hay học trường y, cũng là những đường lối để tự chế theo ý nghĩa mạch lạc và giới hạn này. Ngồi thiền là sự tự chế xoay quanh những giá trị đặc biệt.
Quan sát là để thay thế mọi phản ứng. Thật là vô nghĩa khi dành trọn đời cho phương pháp này mà chỉ dùng hết thì giờ để mơ mộng hay nôn nóng mong đợi được thăng chức và tiếng tăm? Dĩ nhiên những điều này dù sao cũng sẽ xảy ra. Chúng là một phần trong cuộc sống của con người. Văn hóa sẽ không triển khai được căn bản đạo đức ở khắp nơi như mười điều răn, năm giới luật, nếu chúng ta còn bị chế ngự bởi hàng chục triệu thôi thúc.
Công việc hằng ngày của tôi là lắng nghe, nhưng tôi nghe được rất ít từ những người khác ngoài những điều mà tôi đã thấy trong bản thân khi tôi ngồi thiền. Nhưng tôi cũng nhận thấy sự cần thiết của sự làm việc, rèn luyện và tự chế. Lệ thuộc, cô đơn, ham muốn, mệt mỏi, đói khát, nóng nảy, sai lầm, keo kiệt, huyênh hoang là những bạn cũ của tôi. Tôi có thể chào đón chúng một cách cởi mở và nồng nhiệt, bởi vì tôi biết chúng tự bên trong nên không thể lên án chúng mà không lên án chính mình. Tôi cũng học được cách kiểm soát và sử dụng tiềm năng của chúng.
Ngồi thiền đẩy tôi tới tột cùng của sự nỗ lực tự quản, nó chủ động theo định hướng đúng với sở thích, tuy nhiên nó cũng phá tan sự tự vệ, thủ đoạn tự chế về sự đánh giá về chính tôi. Nó vừa tạo dựng vừa đạp đổ “cái tôi”. Mọi ký ức, mọi hy vọng, mọi khao khát, mọi sợ hãi ùa về. Tôi không còn giả vờ cho mình là tổng số những ký ức được tuyển chọn hay tiêu biểu.
Nếu quan sát mà không phản ứng thì tất cả những gì xảy ra trong tâm đều có thể chấp nhận được. Chúng là phần hiển nhiên của chính tôi (bởi vì chúng ở đó, ngay trong chính tâm tôi, ngay trước mặt tôi); tuy nhiên chúng cũng là những hiện tượng khách quan, vô tình, liên quan đến nhân quả, chuyển động không ngừng một cách vô tình, đi qua đời tôi mà không cần đến nỗ lực của tôi, không có sự kiểm soát của tôi và bất cần đến tôi. Tôi có thể thấy nhiều hơn, dung thứ nhiều hơn trong cuộc sống nội tâm, đồng thời tôi ít bị những động lực này thôi thúc hơn. Như giông bão và chim bồ câu, chúng là một phần của thiên nhiên, bay qua bầu trời nội tâm. Tâm lý phức tạp cuốn lên từ hỏa mù của sự đánh giá hời hợt về bản thân. Cùng một lúc, sự quyết tâm và sự dẻo dai mà tôi tạo ra chỉ để quan sát tăng trưởng như những cơ bắp khi tập thể dục. Dĩ nhiên sự kết hợp liên tục của khoan dung và kiên trì vượt ra ngoài nguồn gốc trong lúc ngồi thiền.
Tôi ngồi thiền vì biết rằng mình sẽ chết để làm giàu hay chỉ trích đời mình. Do đó tôi phải cố hết sức tìm kiếm kỷ luật và sự quyết tâm cần thiết cho mình để thực sự đối diện với nó. Ngồi thiền gắn liền tôi với sự kiện tâm lý rằng cái chết là ngưỡng cửa của cuộc sống. Không có sức mạnh nào có thể cứu được tôi. Bởi vì tôi có ý thức và lo sợ về cái chết, tôi biết sống đúng cách; không phản ứng nhưng với quyết định và cố ý lựa chọn những gì xảy ra trong từng khoảnh khắc thoáng qua trong đời tôi. Để thực sự sống, tôi phải thỏa hiệp với cái chết. Để làm được điều này, tôi cần thực hành. Mỗi lần ngồi thiền là một cái chết của những hoạt động bên ngoài, là xóa bỏ sự phân tâm, là dứt bỏ thủ đoạn ngăn ngừa. Đây là cuộc sống ngay giờ phút này, đúng như thật. Một ngày nào đó sự chú tâm giản dị này sẽ rất hữu dụng. Nó đã hữu dụng.
Tôi ngồi để trung thực với tôi, thoát khỏi những sự phê phán của mình và của người khác. Tôi đã sống nhiều năm trong đời bị xếp hạng, phần lớn là ở trường học, nhưng rồi nới rộng ra giữa những bạn bè và trong xã hội. Như thường xảy ra, vì quan tâm tới tôi, cha mẹ tôi đã nhồi nhét, tẩy não tôi bằng cách so sánh: tôi tốt về cái này, hoặc không tốt, hoặc đủ tốt, hay tốt hơn, hay xấu hơn, hay tốt nhất, hay hoàn toàn không tốt.
Bây giờ tôi thấy rằng ngồi thiền khai mở cái vô lý của sự so sánh về những thành quả. Cuộc đời bao gồm những gì tôi thực sự sống chứ không phải sự đánh giá về việc đó. Ngồi thiền cho phép tôi thoát khỏi sự phê phán và đi sâu vào thực tế trước mắt.
Tôi an tâm sống thực trong tôi và với chính tôi. Tôi ít chỉ trích hơn. Tôi dễ dàng thoát khỏi sự tranh luận, bớt hy vọng, ít trông đợi hơn, bởi vì lời nói, hy vọng và hành động đã đủ là sự chiến thắng. Không có sự hỗ trợ, phương tiện, hay thoải mái, không có sự kiểm soát môi trường, tôi đã ngồi và quan sát tôi là ai khi không có ai và chẳng có gì chỉ cho tôi cách làm như thế nào. Sự thực là tôi đã ngồi thiền, không đòi hỏi, không cần một thứ gì, và tôi cảm thấy đầy đủ. Bây giờ xương sống và tay tôi mạnh hơn. Khi tôi bị mất thăng bằng, tôi có thể bị ngã giống như con mèo thay vì như một khúc gỗ. Khi tôi ngồi thiền, không một ai dù là thân yêu hay thù nghịch cho tôi những gì tôi còn thiếu hay lấy đi những gì tôi đang có.
Bởi vậy trong cuộc sống hằng ngày, tôi hướng mình để trở thành người mà tôi có thể sống chung với khi tôi ngồi lần kế tiếp. Không có sự khen chê nào của người khác có thể giúp tôi đối phó với dữ kiện quan sát để thấy tôi là ai.
Tôi ngồi trong đơn độc và tách biệt. Những gì ít tốt đẹp nhất trong tôi trồi lên trên bề mặt của tâm, và điều này thúc đẩy tôi vượt trội con người thực của tôi. Khi tôi bị dồn vào ngõ cụt đen tối trong bản thân, tôi tìm thấy nguồn gốc thực sự của con người của mình.
Hai khó khăn lớn nhất mà tôi đối diện trong lúc ngồi thiền hằng giờ hay hằng ngày là sự đau đớn về thể xác và sự mất mát địa vị trong xã hội cũng như trong cộng đồng mà trước đây tôi hướng tới. Cái đau khởi đầu ở đầu gối hay ở lưng lan rộng khắp cơ thể và cứ thế tiếp diễn. Cái tư cách hội viên và phần thưởng đi kèm cũng biến mất trong những giây phút đau đớn triền miên đó. Tôi tưởng tượng tới những chọn lựa khác: một căn nhà đẹp hơn, một chuyến nghỉ mát ở vùng nhiệt đới, sự nể vì của đồng nghiệp khi nghe tôi nói về bước thang danh vọng của tôi. Tôi tưởng tượng đến những khủng hoảng tài chánh mà tôi không có khả năng đối phó. Tôi tưởng tượng sự từ chối nhục nhã chà đạp những người tỵ nạn trong nghèo đói, hay kỳ thị hay tuyệt vọng nào đó, tất cả những cái đó nằm sẵn trong tôi và cả trong tương lai của tôi và trong bất cứ ai nếu ta nhìn đủ xa hơn. Tại sao tôi ngồi thiền ở đây? Một con chim đậu trên nhánh thấp của một tàn cây bên ven rừng cất tiếng hót đắc thắng. Biết rằng mình sẽ tiếp tục và sẽ là người kế thừa để truyền đạt những lợi lạc của những người thân yêu đã để lại dấu ấn; và tư thế ngồi yên tịnh và vững chãi này là lời ca của nòi giống của tôi.
Ngồi thiền giúp tôi vượt qua sự sợ hãi sâu xa nhất. Tôi trở nên tự do hơn để sống bằng con tim và chấp nhận những hậu quả, nhưng đồng thời cũng gặt hái được phần thưởng của sự xác thực này. Hầu hết những cái mà tôi gọi là đau đớn thực ra là sự cô đơn và sợ hãi. Chúng mất đi, tan biến nhờ sự quan sát đó. Sự rung động trong người tôi chỉ có thể nghe được khi bình minh và hoàng hôn đột nhiên hòa nhập cùng một và kéo dài. Tôi cảm thấy sự nỗ lực mạnh mẽ đó là một cái giá nhỏ cần phải trả để nghe được khúc nhạc nội tâm này - khúc nhạc nhiệm mầu trong tâm của cuộc sống.
Tôi ngồi để chôn chặt và dàn xếp đời mình xung quanh tâm trí, và để truyền đạt cho người khác những gì tìm thấy. Mặc dù tôi run rẩy trong gió mạnh, tôi trở lại với lối sống căn bản này. Sự thư giãn dễ dàng, êm ái, dễ chịu và sâu sắc cộng với theo ý thức đơn thuần trong an tĩnh, lột xác đời tôi như bóc vỏ một củ hành cho tới tầng lớp sâu hơn của sự thực, để rồi tẩy chùi, thoa dịu cho tới khi lớp kế tiếp phơi bày. Tôi ngồi để làm cho đời tôi vào khuôn phép bằng những cái rõ ràng, giản dị, tự mãn và phổ quát trong tâm tôi. Công việc này sẽ không chấm dứt. Tôi đã thất bại sống thực sự nhiều ngày trong đời, nhưng nay tôi sẽ tiếp tục dấn thân noi theo sự hướng dẫn rõ ràng về sự tự chế và thụ nhận đầy từ tâm. Tôi ngồi thiền để tìm ra rồi quảng bá lòng thương yêu giản dị và sự khiêm tốn của con người.
(Ấn bản Dhamma Giri – tháng 7 năm 1995)