Một lỗ… hai lỗ…ba lỗ… bốn… năm… sáu… bảy… ồ sao mà lắm thế, vẫn còn cơ. Hồ Điệp mỉm cười đưa đôi bít tất lên ngắm lần nữa.
Hình ảnh người mẹ già với đầu tóc cạo trọc lún phún mọc lên những sợi bạc trắng, đang cúi xuống len lén dúi vào va li cho Điệp đôi bít tất màu nâu cũ kỹ. Hình ảnh nhòa dần vì đôi mắt Điệp như bỗng mờ đi…
Nụ cười vẫn còn đọng trên môi nhưng không phải là nụ cười chế giễu hàng ngày mà là nụ cười gượng gạo xót xa.
Nhớ lại mấy hôm gần đi, mẹ Điệp đang làm va li cho con gái bỗng sực nghĩ đến cái gì, vội vàng bước đến các giỏ quần áo của mình, lấy ra một gói giấy nhỏ nhét vào một góc va li.
- Có đôi bít tất dài bằng len của chị Thơ cho mẹ hôm ở bên Tàu về, mẹ đưa vào để con đem qua bên ấy mà mang đỡ…
- Đâu mẹ cho con xem.
Điệp đến lấy cái gói mở tung ra rồi cười ngặt nghẽo trước đôi mắt ngạc nhiên của người mẹ già:
- Ôi trời !
Kêu trời xong Điệp bỗng cắn môi lại, ngừng bặt. Thường lệ mỗi khi Điệp mở miệng là để trêu người này phá người khác, nhưng hôm nay với mẹ Điệp bỗng thấy không nỡ, và có lẽ Điệp cũng không dám, cái nhìn của mẹ chân thành quá… Điệp vội vàng đổi giọng:
- Thôi mẹ giữ lấy mà mang, mẹ ở trên chùa lạnh lẽo, con sang bên ấy thiếu gì những thứ đồ dùng bằng len.
Mẹ Điệp không nghe, bảo tàu chạy những mấy chục ngày, thế nào chẳng có lúc cần dùng.
- Bây giờ người ta chỉ mang bít tất bằng ni lông mỏng và đẹp lắm, vả lại mẹ không biết con là xương đồng da sắt hay sao ?
Điệp vừa nói vừa gói trả lại đôi bít tất nhét vào giỏ quần áo cho mẹ. Người mẹ im lặng không nói gì nữa cả. Ba ngày sau khi Điệp sắp hành lý lại một lần cuối cùng, Điệp bắt chợt thấy mẹ lại đang lén dúi đôi bít tất hôm trước vào va li. Lần này thôi Điệp cũng không cản nữa.
Bận rộn mãi cho đến khi từ giã mẹ để bước xuống tàu, Điệp hầu như quên hẳn không hề nghĩ đến đôi bít tất len cũ kĩ ấy nữa.
Kể ra thì số mẹ Điệp thật đã vất vả, còn có mỗi mình Điệp trong bầy con là vẫn sống độc thân, có thể gần gũi sớm hôm lúc tuổi già thì trời lại bắt Điệp mang phải cái chứng bệnh nan y là cái chứng bệnh "khăn gói lên đường".
Lần nào ra đến nước ngoài rồi Điệp cũng viết thư về xin lỗi, hứa hẹn đủ điều, nào là con sẽ trở về hầu hạ mẹ, nào là phụ mẫu tại bất khả viễn du, nào là phải ra khỏi nước mới thấy cái tình quê hương bao la v.v… Điệp hứa thì hay hơn ai cả. Lần nào đọc thư Điệp người mẹ già cũng rơm rớm khóc, nhưng lần nào về quê hương lâu nhất là một năm, người ta lại thấy Điệp chạy ngược chạy xuôi đầu này đầu kia để xin cho được con dấu đóng vào cái giấy thông hành.
Thế là mẹ Điệp cũng lại cầm bán đồ đạc, những gì còn lại để cho Điệp chút ít tiền góp thêm vào mua cái vé tàu thủy hoặc vé máy bay.
Có những người bạn cứ thấy Điệp đi rồi lại về mãi mới hỏi Điệp sao không ở yên một nước nào cho xong, Điệp chỉ cười trả lời lếu láo rằng "phải về nước để ăn phở".
Mãi rồi mọi người cũng đâm quen dần với cái bệnh nan y thiếu chân trời của Điệp, và không ai thèm để ý đến nữa.
Nếu bảo rằng đó là tội bất hiếu thì quả Điệp là cái đứa bất hiếu hơn tất cả. Mỗi lần tiễn con ra đi là một lần người mẹ già thức trắng mấy đêm để khóc thầm vì thương, vì lo sợ cho sức khỏe của con. Tình mẫu tử đã bắt mẹ Điệp tưởng tượng đến những cảnh tàu chìm, máy bay gãy cánh. "Hành thuyền kỵ mã tam phân mạng", mẹ Điệp vẫn nói luôn câu ấy.
Sau những đêm trắng thức để cầu nguyện và để buồn thương mình, thương con bơ vơ, ngày mai đến tóc người mẹ lại trắng thêm chút nữa.
Điệp là đứa con gái cuối lòng, mẹ Điệp mang Điệp với tất cả lòng tha thiết cầu mong cho Điệp sẽ thành là một đứa con trai vì nhà đã quá nhiều con gái. Mẹ Điệp định rằng nếu con trai sẽ gọi là Trang Sinh và con gái sẽ là Hồ Điệp – vốn là con nhà nho học nên bà vẫn thường hay ngâm nga cổ thi. Sau này lớn lên có những đêm không ngủ được, Điệp vẫn như còn nghe văng vẳng bên tai giọng ngâm nga của mẹ:
Trang sinh hiểu mộng mê Hồ ĐiệpVọng đế xuân tâm thác đỗ quyênThôi thì con nào cũng là con, trai hay gái mà trời đã cho thì cũng phải nhận. Trang Sinh hay Hồ Điệp cũng là do mình đẻ ra. Tự an ủi như thế nên người mẹ đành cúi đầu cam chịu và Điệp cũng lớn lên trong những bài cổ thi ngâm nga của mẹ những lúc dỗ con ngủ, không khác gì các anh chị của Điệp đã nghe từ trước.
Điệp vẫn còn nhìn đôi bít tất thủng nhiều lỗ từ nãy đến giờ còn cầm trong tay, Điệp thì thầm gọi mẹ…
Tàu đến Singapour, Colombo, Djibouti, Portsaid, trời bắt đầu xuống lạnh. Mấy hôm đầu Điệp chưa cảm thấy lạnh lắm nhưng khi dời Portsaid, càng đến gần Marseille trời càng lạnh. Người Điệp lại gây gây sốt, có lẽ con ma sốt rét của núi rừng Bắc Việt đã nhớ đến Điệp chăng?
Không gượng được nữa, nhất là đêm về hai chân cứ buốt lạnh, Điệp không làm sao ngủ được, sực nghĩ đến đôi bít tất mẹ đã lén bỏ vào va li, Điệp vùng dậy mở tìm định mang vào chân ngay…
Mười lỗ… mười một… mười hai… thế mà có bao nhiêu lỗ đã được mạng vá chằng chịt lại rồi kia đấy. Điệp khẽ mỉm cười lặng lẽ kéo đôi bít tất lên đến tận đùi.
- Ấm ghê.
Điệp nói một mình, nghĩ đến hôm đầu tiên khi cười lên ngặt nghẽo chế giễu mẹ, Điệp bỗng cảm thấy xấu hổ và hối hận.
Muốn chuộc lỗi, Điệp định ngày mai sẽ lấy kim khâu bớt lại những lỗ nào "lộ thiên" quá, còn thì thôi kệ, và Điệp tự hứa sẽ giữ đôi bít tất này mãi.
Tàu vừa cập bến Marseille, người ta phát thư cho hành khách. Điệp nhận được thư của Hà Lộc, một người bạn ở Sài Gòn cho biết vừa rồi ở quê nhà lạnh xuống mười một độ. Tin ấy làm Điệp băn khoăn mãi, Sài Gòn mà xuống mười một độ thì trên cánh đồi vắng ở cái miền quê xa xôi ấy, mẹ Điệp còn lạnh đến thế nào nữa.
Điệp nghĩ đến đôi bàn chân gầy guộc, với những vết chai cứng, với những đường gân xanh nổi hẳn lên, chân mẹ mấy ngày nay đang run rẩy vì thiếu đôi bít tất len thủng. Ngực Điệp bỗng thấy nhói đau. Điệp gục đầu vào thành tàu thổn thức, vì biết rằng mẹ sẽ không bao giờ chịu bỏ tiền ra mua một đôi bít tất khác.
Mẹ Điệp hà tiện từng đồng từng xu để rồi khi có chục nào trăm nào thì lại chỉ lo dấm dúi cho các con. Chưa bao giờ Điệp thấy mẹ mua sắm cho mình một vật gì. Con đông mà rồi chẳng đứa nào giúp đỡ gì được mẹ, chỉ có người mẹ già lo cho thuê nhà thuê cửa, cầm họ cầm hàng, mà rồi những số tiền ấy nếu không con hai thì thằng ba, hay là con bé Điệp hưởng hết.
Còn mẹ, có gì đâu ngoài hai tấm áo nâu, một chuỗi tràng hạt.
- Mẹ, mẹ không có bít tất, mẹ lạnh chân, ngộ nhỡ mẹ ốm… ngộ nhỡ mẹ ốm nặng, rồi ngộ nhỡ mẹ…
Điệp nhắm mắt không dám nghĩ thêm đến nữa.
- Lần này mà về nhà thì nhất định xé tan cái giấy thông hành.
Tiếng gió đập phần phật lên mấy cái màn che quanh tàu, tiếng gió mang lời hứa của Điệp về đâu? Điệp hối hận lại gục đầu xuống thành tàu. Hình ảnh đôi chân gầy guộc bé nhỏ hằn lên những nét gân, mỗi khi người mẹ già bước những bước đi xiêu vẹo như đang hiện rõ ràng trước mắt Điệp.
Điệp thì thầm nhắc lại… Xé tan cái giấy thông hành…