- Khổ quá, trời ơi thật là khổ !
- Cái gì thế hở anh?
Nghe tiếng vợ hỏi, Lộc nằm yên giả vờ ngủ say.
- Anh Lộc, anh mê ngủ đấy à?
Không nghe tiếng chồng giả lời, Hoa yên chí nhắm mắt quay lưng ngủ lại. Thật ra Lộc đã thức giấc từ lâu...
Lệ thường Lộc vẫn hay kể cho vợ nghe những giấc mộng chàng vừa trải qua trong đêm và người vợ rất ngạc nhiên, lắm đêm Lộc chỉ ngủ có mấy tiếng đồng hồ mà chàng vẫn có thì giờ để mộng đủ các thứ chuyện. Sáng nào Hoa cũng bị nghe: Anh vừa mộng thấy…
Lộc mộng đủ thứ, mộng thấy đi sang Mỹ, sang Anh, mộng thấy đi xem hát, đi nhảy, mộng thấy những cảnh chiến tranh bắn giết, lắm khi chàng còn mộng thấy đọc một quyển tiểu thuyết dài với đủ tất cả mọi chi tiết đầu đuôi, tuy sáng ngày ra chàng không nhớ rõ nhưng cũng đủ làm cho chàng vui thích, và cho rằng như thế đỡ phải đọc sách ban ngày. Theo đạo Do Thái thì mộng là một phương tiện liên lạc giữa trời và người, những kẻ đêm ngủ không mộng là những tâm hồn gỗ đá không được hưởng cái đặc ân của trời ban.
Lộc chỉ là một công chức nhỏ trong một ngân hàng lớn. Với số lương mấy nghìn bạc không đủ thiếu vào đâu, thế mà chàng dám lấy vợ, thế cũng đã can đảm. Ban đầu Lộc tưởng Hoa và chàng chỉ yêu nhau đại khái thế thôi, không ngờ về sau Hoa nhất định đòi xây dựng với chàng.
Mặc dầu Lộc đã hết sức giảng giải nhưng Hoa vẫn không nghe, bắt chàng phải cưới cho kỳ được, nàng đưa ra những lý luận mà lúc ấy Lộc nhận thấy sao cũng khá vững vàng. Nào là đời người con gái chỉ có một lần yêu, nào là nếu không lấy được anh thì em sẽ đi tu, nào là người anh đầy chất nghệ sĩ cần phải có kẻ nâng khăn sửa túi để có thì giờ mà sáng tác. Nàng bằng lòng nhịn tất cả mọi sự, từ đi xem chiếu bóng cho đến may quần áo, ăn tiệm v.v… Thế là Lộc chịu thua, có người đàn ông nào dám không chịu thua không nhỉ.
Kể ra thì Hoa đã giữ đúng lời hứa, tội nghiệp từ độ lấy nhau, Lộc chưa bao giờ mua tặng vợ một chiếc áo mới nào cả. Chỉ toàn áo cũ may từ độ cưới Hoa đã mang ra chữa lại, hoặc là thêu chim, thêu lá, hoặc là nhuộm sang màu khác, hoặc là cắt phăng cái cổ, nhíu chỗ tay làm thành một chiếc áo mới cho hợp thời trang. Hai vợ chồng tằn tiện hết sức mà không tháng nào để dành lấy được trăm bạc.
May mà Hoa ngoan ngoãn, hết sức chiều chuộng chồng, nếu không thì đã tan vỡ từ bao giờ, nhất là ở cái thành phố Sài Gòn mà mọi sự đều do "tiền" định.
Ngoài công việc ở sở ra, Lộc còn có một cái thú riêng là viết văn, tuy rằng hầu hết văn của Lộc gửi đi đều không có hồi âm. Có lẽ vì Lộc ít đề tài hay nói đúng ra, có lẽ vì Lộc ít tài chăng?
Lần nào cũng thấy những lời cảm ơn chung của toàn soạn "đã nhận được" đăng lên báo vào mục thư tín, mà rồi chờ mãi chẳng bao giờ Lộc được thấy cái tên mình xếp thành chữ in trên mặt báo.
Hoa vẫn bảo là chàng mắc bệnh viết như người mắc bệnh tà, mà bệnh tà thì cúng sẽ khỏi, còn bệnh viết, tuy đã bao nhiêu lần bị xua đuổi mà Lộc vẫn không chừa. Đêm nào cũng đợi vợ lên giường là Lộc vội vàng tắt đèn lớn, bật cái đèn nhỏ xíu ở bàn viết và bắt đầu hí hoáy, viết rồi xóa, xóa rồi lại viết.
Mấy lần Hoa đã phàn nàn giá Lộc để cái thì giờ viết mà học Anh ngữ hoặc học theo một lớp hàm thụ nào may ra còn kiếm thêm tiền. Mỗi lần nghe vợ nói Lộc ngồi thừ ra suy nghĩ một lúc, chàng cũng nhận rằng Hoa nói rất có lý nhưng chỉ độ mười lăm phút sau thì đâu lại vào đấy. Lộc chỉ buồn ở chỗ ngay đến Hoa, người bạn đồng hành suốt đời của mình mà cũng không hiểu mình.
Lộc thấy rằng trên con đường văn chương ấy chỉ có một mình Lộc lang thang mà thôi. Báo chí không thèm, nhà xuất bản không thèm, độc giả không biết đến, và ngay cả đến người vợ thân yêu cũng hờ hững nốt.
Có lẽ chỉ có mẹ chàng hiểu chàng mà thôi, người mẹ quê mùa chất phác đã chết vì trận bom cuối cùng ở miền Bắc. Ngày xưa, mỗi lần mẹ chàng dọn dẹp cái bàn viết của chàng, bao giờ bà cụ cũng tỏ vẻ kính trọng những trang giấy nhằng nhịt chữ của thằng con trai. Rất nhiều buổi chiều người mẹ già ngồi lần tràng hạt hàng giờ bên cạnh Lộc đang viết, thỉnh thoảng lại nhìn lên con trai với đôi mắt tin tưởng. Một hôm đợi Lộc ngừng bút, người mẹ ngập ngừng hỏi:
- Lộc viết gì mãi sao không đọc lên cho mẹ nghe với nào.
Lộc nhìn mẹ hơi ngạc nhiên nhưng rồi mỉm cười chiều ý mẹ. Lộc không biết chàng đã đọc những gì, chuyện hai vì sao chăng?
"Hai vì sao nhìn nhau rưng rưng nước mắt biết rằng trời sắp sáng, giờ chia tay sắp đến, hình như cái thứ ánh sáng xanh này là ánh ngời của màu nước mắt.
Có tiếng đập cánh nhè nhẹ từ đằng xa, một vị thiên thần đi về muộn, vì sao xanh từ từ khép mắt.
Trời sáng dần."
Có phải chuyện hai vì sao này hay chuyện người con đi về muộn khi được tin cha chết.
"…Quay lại nhìn cái xác chết cứng đờ, nhớ đến nụ cười hiền lành linh động qua tách nước trà bốc khói mỗi sáng. Người con đưa tay cố sức mở đôi môi để tìm lại nụ cười cũ, nhưng còn đâu nữa ; hai hàm răng chỉ nhe ra rồi khép chặt lại ngay.
Người con gục mặt vào tay.
Thế là đến nụ cười cũng chết."
Chuyện gì mà đã làm cho đôi mắt mẹ rơm rớm ướt… Lộc còn nhớ mãi.
Nhưng người độc giả độc nhất ấy không còn nữa, chỉ còn mình Lộc đang quằn quại cố tìm lối thoát. Đành vậy, và mỗi lần gửi bài đến các báo Lộc giấu kỹ không cho vợ biết, sự thật chính Hoa cũng không bao giờ tìm hỏi xem những thứ chồng viết đã vứt vào xó nào.
Chỉ có mình Lộc lặng lẽ hy vọng để rồi cũng lặng lẽ thất vọng. Như thế lại hơn, ở đời vui mới chia chứ buồn thì chia cho ai, ai mà thèm nhận.
Từ hơn tháng nay, Lộc đang nuôi một mối hy vọng lớn, tuy rằng cũng đã nắm chắc cái phần thất vọng trong tay. Tâm hồn chàng đã chai cứng, hầu như đã thành đá, cái thứ đá khô cằn trên sa mạc, thứ đá mà có khi hàng năm chưa được tắm qua một làn nước mưa nào. Một lần thất vọng hay có mười lần thất vọng nữa cũng chẳng sao.
Vì nghĩ thế nên Lộc mới dám liều gửi đến cho nhà sản xuất phim ấy một tác phẩm của chàng, nhân lúc phong trào làm phim trong nước đang thịnh hành. Lộc nhận thấy cái đề tài của mình cũng khá hợp thời so với những cuộn phim đã ra…
Tuy rất khách quan và đã cố làm quen với sự thất vọng, thế mà lắm khi Lộc cũng bắt chợt gặp thấy mình đang ngồi mơ. Giá chàng nhận được một bức thư có dấu hiệu của hãng phim ở ngoài phong bì, chắc chàng sẽ run rẩy hằng mấy phút trước khi xé thư. Bức thư sẽ viết rằng:
"Kính ông,
"Chúng tôi rất tiếc…
Thế là hết, chỉ đọc đến đây Lộc cũng đủ hiểu nhưng chàng sẽ đọc qua một lần cho biết cách họ từ chối khác với lời thư của những nhà xuất bản như thế nào. Hay là tất cả những lời từ chối đều phũ phàng, đều kênh kiệu giống nhau.
Lộc sẽ xé nát bức thư rồi hoặc là ném nó vào sọt rác, hoặc là nhét nó trong túi quần để mà vừa đi vừa vê nó thành từng viên nhỏ rồi vứt rải rác theo dọc đường. Cố nhiên chàng sẽ không để cho vợ nhìn thấy, đã bảo rằng buồn thì chia ai mà thèm nhận.
Nhưng nếu bức thư sẽ nhận được lại là:
"Kính ông,
"Chúng tôi rất hân hạnh báo cho ông biết rằng tác phẩm của ông đã được chọn…"
Trời, chắc Lộc sẽ khóc, nhất định Lộc sẽ khóc vì sung sướng, đàn ông ai lại khóc, mọi người sẽ bảo thế. Nhưng theo ý Lộc thì trong đời mỗi người đàn ông có quyền khóc ba lần, không kể cái tuổi khóc nhè. Một lần vì mối tình đầu, một lần khi mẹ chết và một lần để dành cho sự nghiệp (cố nhiên Lộc không chịu gọi cái việc sáng vác ô đi tối vác về là một sự nghiệp).
Những cái đấm, cái đá, cái tát, cái thụi trên con đường văn chương Lộc đều đã nhận được rất đầy đủ, còn những sự vuốt ve âu yếm thì quả thật Lộc chưa biết mùi vị nó ra làm sao. Chắc Lộc sẽ tìm chỗ nào yên tĩnh để đọc bức thư, rồi Lộc sẽ la hét, múa nhảy, Lộc sẽ ôm ngay người nào đang ở cạnh và kể cho họ nghe nỗi sung sướng của mình. Lộc sẽ vừa chạy vừa gọi vợ ầm lên cho vợ chia cái hạnh phúc với mình, cho vợ thấy rằng cái quãng thì giờ chàng ngồi hí hoáy ở bàn viết mỗi đêm không phải là vô ích. Chiều hôm ấy hai vợ chồng sẽ đi ăn cơm tiệm, Lộc sẽ vào Chợ Lớn chọn cho Hoa một chiếc áo nào đẹp nhất, và tối đến chàng còn sẽ đưa vợ đi xem chiếu bóng.
Từ hơn một tháng nay mỗi lúc hết việc ở sở, hoặc về nhà khi vợ chàng bận lo làm cơm dưới bếp là Lộc chống cằm ngồi mơ lang bang như thế.
Đêm nay có lẽ vì gần đến kỳ hẹn của hãng phim nên Lộc mới mộng thấy hai giấc mộng đã cho chàng hai cảm giác trái hẳn với nhau.
Ban đầu Lộc mộng thấy mình đến hãng phim hỏi kết quả, và ông chủ bảo người thư ký soạn bản thảo chàng ra để trả lại. Lộc buồn rầu nhìn tác phẩm của mình, khi từ giã còn được nghe bà chủ nói một câu an ủi "Đấy cũng là số mệnh". Lộc thấy mình lí nhí chào mọi người và mang tập bản thảo ra về. Trời lấm tấm mưa, Lộc ghì chặt lấy bản thảo vào ngực như người mẹ ghì chặt đứa con vào lòng. Đứa con xấu xí tàn tật không ai thèm hỏi đến.
Sau giấc mộng ấy Lộc tỉnh dậy, tuy không bật đèn nhưng cái đồng hồ có ánh sáng để trên bàn cũng đủ chỉ cho Lộc biết rằng đã năm giờ sáng. Lộc nằm nhớ lại giấc mộng, may quá chỉ là một giấc mộng, vì thế nên Lộc mới buột miệng thốt lên tiếng những lời than ban nãy làm tỉnh giấc ngủ của vợ. Cố nhiên là cái loại mộng này Lộc không bao giờ dám kể lại cho vợ nghe.
Lộc nhớ đến ngày xưa, cha Lộc cũng rất hay mộng trong khi ngủ và ông cụ kinh nghiệm rằng có mấy thứ mộng, một thứ mộng sẽ xảy ra đúng như hệt với sự thật và một thứ mộng ngược lại. Thí dụ như nằm mộng thấy ăn uống không phải là điềm được ăn uống là là điềm cãi nhau, nằm mộng thấy chết là điềm phát tài, thấy được thư thì sẽ được thư, Lộc không biết nên đặt giấc mộng vừa qua của mình vào loại nào.
Cha Lộc lại còn bảo rằng những giấc mộng vào lúc trời sáng bao giờ cũng hay thành sự thật… và Lộc lo sợ…
Quay sang nhìn vợ ngủ một cách ngon lành, qua ánh sáng mờ mờ bên ngoài Lộc nhận thấy vợ chàng khá đẹp, rồi chàng bỗng cảm thấy thương hại cho Hoa gặp phải một người chồng bất tài, không có gì để kiêu hãnh với bạn bè. Nhan sắc của Hoa có thể gặp được một người chồng bác sĩ hoặc kỹ sư rất dễ dàng. Mỗi lần cùng vợ đi dạo phố, Lộc nhận thấy có những đôi mắt nhìn Lộc như thèm thuồng cái vai trò của chàng, và Lộc có cảm giác mình đang mặc chiếc áo mượn, và chiếc áo hơi quá đẹp đối với cái thân hình xấu xí của mình.
Hoa rất có khiếu về thẩm mỹ, từ cách trang điểm đến lối ăn mặc nàng đã khéo léo giấu hộ cái bất tài không làm ra tiền của chồng. Không tốn thêm một đồng nào mà nàng cũng đi cùng nhịp với thời trang, từ lối dọn nhà cửa đến hai bữa cơm hằng ngày, Lộc không bao giờ chê được vợ.
Nhưng giá không có chàng thì giờ này Hoa đang sống quay cuồng trong tiền bạc với danh vọng, sáng mười giờ thức giấc có chị hai chầu chực món điểm tâm, xong rồi vào bàn sửa soạn nhan sắc, dũa từng cái móng tay móng chân tô hồng tô đỏ. Điểm trang xong đợi đón chồng về ăn cơm trưa. Xong bữa cơm trưa hoặc là nằm nghỉ cho tiêu cơm hoặc đọc vài tờ báo chờ mát trời để đến thăm nhà bạn hoặc là dạo phố mua một vài thứ phấn son, hoặc đi thử áo. Tối đợi chồng về ăn cơm rồi đi xem chiếu bóng, nếu không đi ăn cơm ở những tiệm sang trọng. Cuộc đời nhàn nhã biết mấy, trái hẳn với đời vợ một anh công chức gàn và nghèo.
Lộc hối hận đã làm một cái chướng ngại vật trong cuộc đời của Hoa, và có lẽ cũng vì thế một phần mà chàng đã kiên nhẫn đeo đuổi theo cái nghiệp văn chương chăng?
Vơ vẩn với giấc một một lúc khá lâu rồi Lộc chợp mắt khi nào không biết. Giật mình tỉnh dậy, bên ngoài trời đã rực sáng. Lần này giấc mộng của Lộc trái hẳn với lần trước.
Lộc mộng thấy đến hãng phim, gặp bà chủ, bà ấy bảo rằng mình sẽ thủ vai chính trong tác phẩm của chàng. Lộc sung sướng hỏi vặn lại mấy lần, khi biết chắc chắn rồi Lộc mới chịu ra về. Trên đường về chàng gặp mẹ, Lộc kể cho mẹ nghe rồi còn ôm lấy mẹ mà khóc vì sung sướng. Lộc bảo mẹ hãy cắn vào cánh tay mình xem có phải đúng là sự thật hay chỉ là một giấc mơ thì Lộc giật mình tỉnh dậy.
Thế nghĩa là thế nào, Lộc nằm ôm lấy hai giấc mộng với những lời đoán của cha và chàng mỉm cười một mình.
Bên cạnh chàng Hoa cũng vừa thức giấc nằm ngước mắt lên nhìn chồng ngạc nhiên, sao sáng nay không nghe chồng kể chuyện như lệ thường. Hoa cất tiếng âu yếm hỏi:
- Đêm nay anh Lộc không mộng thấy gì à?
- Không em ạ.
Thật ra thì Lộc không muốn bắt Hoa phải chịu đựng những nỗi vui buồn thầm kín của mình. Chàng tự nói, may mà mỗi người còn có một chỗ để giấu những giấc mộng.