Ngày tôi về với người chủ mới là một ngày cuối đông, cuối đông hay giữa đông gì cũng thế, trời lạnh, tuyết phủ đầy cả đường, vẽ những nét trắng nổi lên khắp các cành cây trụi lá.
Người chủ mới của tôi là một cô gái bé nhỏ, người hơi gầy, có mái tóc dài và tính nết rất hay đùa nghịch.
Từ giã người chủ cũ để về với cô gái nhỏ, lòng tôi không hề luyến tiếc. Đời tôi đã biết mấy lần đổi chủ, với người chủ nào thì tôi cũng chỉ là một cây đàn bằng gỗ tức là một vật vô tri vô giác mà thôi. Nếu họ có nâng niu gượng nhẹ tôi, chẳng qua vì họ sợ phải bỏ tiền ra mua một cây đàn khác, họ thương cho cái túi tiền của họ chứ đâu phải họ thương gì tôi. Có người mới cưới vợ vì yêu vợ, có người cưới vợ vì cần một chị đàn bà, cái khác nhau của con người nghệ sĩ và tên thợ đàn thợ vẽ là ở chỗ ấy…
Từ lâu lắm rồi, chủ tôi muốn bán tôi vì tôi già, tôi xấu, tôi vô dụng nhưng vì tìm chưa ra khách. Còn đâu cái thuở xa xưa, tôi cũng đã có một thời trẻ trung xinh đẹp nằm rất khêu gợi trong tủ kính ở một hiệu đàn danh tiếng tại Valencia ở Espagne (Tây Ban Nha). Bao nhiêu bàn tay sành sõi ngày ngày đến ôm tôi vào lòng, nắn lên những tiếng trầm tiếng bổng, bao nhiêu cái nhìn thèm khát lượn qua lượn lại trước gian hàng, bao nhiêu cái trán, cái mũi dán sát vào tủ kính để ngắm nghía nhan sắc tôi. Đẹp là gì nếu không là da thịt rắn chắc, nước sơn bóng nhoáng và thanh âm rền vang.
Nhưng thôi không nhắc lại làm gì thêm khổ, ai chẳng có một thời xuân trẻ. Đi từ Espagne sang đến Paris, thời gian đã làm cằn cỗi cả thể xác lẫn tâm hồn, mỗi một lần đổi chủ là một lần hạ giá, từ peseta mà cuốn còn có mười mấy nghìn quan (giá lừa đảo). Thật là nhục nhã, chưa kể đến những sự mặc cả, những sự va chạm trong lúc xê dịch, còn gì là tôi…
Cô chủ mới của tôi rất nghèo, lại còn nghèo hơn tất cả những người chủ trước. Nàng ở trong một căn gác trọ tăm tối, cả gian phòng không bằng một góc bếp của những người chủ trước, nếu ban ngày không mở đèn thì chẳng khác gì ban đêm. Nhưng nghèo mà có chút tâm hồn vẫn hơn cái phường túi cơm giá áo, đưa cảm tình đi bán chợ đen, xem cây đàn không bằng giá trị một thanh củi tạ. Với họ, thanh củi tạ còn nấu chín được nồi cơm.
Muốn mua được tôi, cô gái ấy phải bán một ít sách, nhịn ăn mất mấy ngày hoa quả thịt, rồi còn phải xin giả góp trong hai tháng.
Chủ cũ của tôi rất muốn tống tôi đi, mà cũng phải tống cho có lãi, gặp được một cô bé khờ khạo, còn gì sướng hơn, lấy cớ rằng tôi là một của quý mang từ Espagne sang, con giòng của giống chứ không phải phường tục tử như những cây đàn làm ở Pháp. Chỉ những khi đưa ra bán cho ai tôi mới được nghe những lời ngợi khen như thế, nhưng "có ai biết ta bằng ta ?..."
Thế là chiều hôm ấy tôi theo cô bé về nhà mới. Với chủ trước, tôi chỉ là một cây đàn cũ kỹ, bệnh hoạn, sự có mặt của tôi chỉ làm chật nhà, suốt ngày chẳng ai thèm ngó ngàng đến. Ở đây tôi là một bảo vật, là người yêu số một của nàng.
Tuy rằng trong nhà đã có một cây hạ uy cầm, nhưng chúng tôi gặp nhau không ghen tuông giận dỗi, lạnh lùng như phần đông những người yêu tầm thường khác. Hạ uy cầm ngoan ngoãn và rất biết thân phận mình, hắn không hề dám đòi hỏi gì cả. Lâu lắm chủ tôi mới ôm tới hắn một lần, tất cả bao nhiêu tình thương chủ tôi chỉ dồn cho riêng tôi. Đêm đêm tôi ngủ cạnh nàng, mỗi lần nàng ho lên một tiếng nhỏ là tất cả phím tơ tôi rung vang theo.
Tôi cùng nàng đi hát khắp hơi.
Có những đêm đi về khuya, nàng run sợ cố lấy dáng mạnh bạo để tránh cái nhìn tò mò của những người say, người điên và những người quên đạo đức. Có những đêm đường phố vắng tanh, chỉ mình hai chúng tôi còn thức, tôi là bạn thân, là thần hộ vệ, mà cũng là yếu tố sinh sống của nàng.
Có những đêm được hoan hô nhiệt liệt, nàng nhìn tôi mỉm cười, nụ cười bao hàm tất cả mọi tình cảm. Trái lại có những đêm nàng gặp cái thứ khán giả gỗ đá, nhất định không hiểu, người ta đến không phải để nghe trình bày ca nhạc mà để tán tỉnh nhau. Nàng buồn rầu lên ngồi một mình trên "lô" dành riêng cho nghệ sĩ, nàng đã khóc trong lòng tôi, nước mắt của nàng rỏ xuống da thịt tôi vẽ thành từng chấm hoen ố. Nước mắt của những kẻ giàu sang hạnh phúc có mặn và ấm như thế chăng ?
Có những phút nhớ quê hương, nhớ mẹ, nàng đã cùng tôi ca vang lên, những lời ca thốt tự trong tâm tư. Ôm chặt tôi vào lòng, bàn tay bé nhỏ vỗ lên phím tơ đánh nhịp, ngón tay lấp lánh chiếc nhẫn kim cương kỷ niệm của người mẹ già chết không được gặp. Nàng ca không thành bài, có phải đấy chỉ là những lời nói thốt tự trong tâm tư, một vài hòa âm nhịp nhàng theo.
Ai thấy chúng tôi thương yêu quấn quýt lấy nhau mà không tin rằng sẽ cứ như thế mãi… Nhưng còn thời gian, mỗi một phút qua có bao nhiêu người yêu nhau, bao nhiêu người xa nhau thì cũng có bao nhiêu người đang bâng khuâng nhìn bóng mình trước gương nhổ một sợi tóc bạc, vuốt một nếp nhăn bên mép… Tôi cũng thế, từ hơn một năm nay có nhiều hôm tôi cảm thấy rêm mình, thân thể như muốn rã rời từng mảnh, đường viền chung quanh thân tôi đã gần long và hồ dán như muốn nhả ra.
Trên sân khấu, tôi đã từng phen toan phản bội nàng vì phím tôi chùng dần, không giữ được đúng thanh âm. Có ai làm chủ được thời gian !
Thời gian thật đáng ghê sợ…
Thế rồi một hôm, tôi còn nhớ rõ như mới hôm nay. Như lệ thường mỗi sáng, nàng đang cùng tôi tập dượt thì có tiếng điện thoại reo. Người ta mời nàng đi hát ở một buổi đại nhạc hội. Trời mùa hè năm ấy sao mà nóng bức, từ Paris đến vùng ngoại ô của hội lại xa, phải đi bằng xe hỏa.
Cả hai chúng tôi đều không muốn đi nhưng vì cuộc sống nàng không thể từ chối, đành phải nhận lời. Đến nhà ga còn phải đi thêm một đoạn đường bằng xe hơi. Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi. Xe chật, ca nhạc sĩ lại đông, ban tổ chức không thạo việc nên có rất nhiều khuyết điểm.
Người ta xếp tôi lên mui xe cùng với các nhạc khí khác. Thường lệ nàng không bao giờ chịu rời tôi, hôm nay có lẽ vì định mệnh đã xếp đặt nên mới xui ra thế. Xe chạy nhanh, đến một khúc quanh tôi bị rớt xuống đường.
Tại sao lại là tôi, tại sao không là một cái trống, một cái xập xoẻng khác… Giờ đây tôi còn cảm thấy đau đớn từ thể xác đến tâm hồn, thế là hết… Thế là hết, tôi trở nên một cây đàn vỡ, một kẻ tàn tật, một phế nhân vô dụng. Nàng ôm tôi vào lòng rơm rớm khóc, cố thử gảy lên vài tiếng, nhưng có còn gì nữa đâu ngoài cái tiếng bần bật như tiếng giây phơi quần áo ở ngoài giậu.
Mọi người đều xôn xao đến hỏi thăm, họ chỉ cho nàng cách sửa chữa, họ mách cho nàng địa chỉ của một nhà chuyên bán đàn lục huyền lậu thuế. Có người còn đòi cho mượn đàn để nàng lên sân khấu nhưng nàng từ chối.
Lần cuối cùng tôi cùng nàng hòa chung, đấy là nhã ý của nàng muốn cho tôi lên chào khán giả một lần cuối. Biết rằng âm thanh của tôi không còn, nàng phải đến nói khẽ với người nhạc sĩ hãy theo giọng nàng bằng nhịp dương cầm thay tôi, cảm ơn sự tế nhị ấy nhưng càng nghĩ lại càng tủi thân.
Thế rồi tiếng vỗ tay hoan hô hôm ấy, có ai nghe chăng, hòa lẫn với tiếng nức nở của tôi.
Hết rồi… hết tất cả…
Trên đường về âm u, âm u như màu tương lai của một cây đàn vỡ.
Mấy tuần lễ trôi qua, mỗi lần nàng đến ôm tôi chỉ để mà thở dài, không bao giờ nàng ca trọn một bản nhạc cùng tôi. Nàng luôn luôn ngồi trước bàn viết tính toán, những con số, những dấu cộng trừ chi chít… để làm gì ?
Một sáng nàng đi đâu về với một cây đàn khác, mới nguyên, láng bóng trinh bạch. Đàn màu trắng sữa, tiếng kêu ấm ngọt. Tôi nhìn nàng đau đớn, chiếc nhẫn kim cương kỷ niệm đã biến đâu mất, không còn lấp lánh trên ngón tay bé nhỏ, nàng đã cầm hay bán nó rồi chăng.
Giá nàng hiểu được lòng tôi, Trời ! Tôi biết rằng tôi vô lý, nàng phải sống, cây đàn là một yếu tố sống của nàng, tại sao tôi lại ghen. Dầu sao nàng cũng chỉ là một con người, sống trong đám nhân loại, nàng phải cúi đầu tuân theo những định luật chung của nhân loại.
Biết như thế nhưng không buồn sao được, chỗ tôi nằm ngày thường bây giờ là chỗ của cây đàn mới, nàng đã say mê hắn như đã có lần say mê tôi.
Phải công nhận rằng hắn đẹp, hắn trẻ và tiếng hắn ấm lạ lùng, hắn còn đẹp hơn cả tôi ngày xưa. Tuy không phủ nhận sự thật, tôi cũng không thể chịu an phận như cây đàn Hạ Uy. Tôi đã từng được yêu rất say mê nên cái cảnh bị bỏ rơi lại càng đau đớn. Nàng gác tôi lên tủ cho đỡ chật nhà, đây là chỗ nằm cuối cùng của tôi đó chăng ? Mỗi ngày một lớp bụi trần thêm lên thân mình. Thỉnh thoảng nàng cũng đưa mắt lên nhìn tôi, nói vài lời an ủi, nhưng để làm gì ? Tôi muốn được hơn thế nữa, tôi muốn ngân vang, tôi muốn run rẩy trong cánh tay, tôi muốn hòa nhịp với giọng ca của nàng.
Những sự ước muốn ấy ngày nay chỉ là những ý nghĩ điên rồ không bao giờ còn có thể thực hiện. Cây đàn thứ ba đã đến chiếm trọn tình yêu trong lòng nàng, còn tôi chỉ là một cây đàn vỡ, một đống gỗ mục.
Chiều nay lạnh, cũng lạnh giống hệt độ nào chúng tôi mới quen nhau. Tôi nằm trên gác tủ lắng nghe nàng nói chuyện với một người bạn bên cạnh bếp lửa.
- Chắc tôi sẽ đốt cây đàn này, đợi một đêm nào rét buốt nhất, tôi sẽ mời vài người bạn, hay chỉ một người bạn thôi cũng đủ, đến chứng kiến cái cảnh thiêu đàn của tôi.
- Tại sao lại phải đốt đi ?
Người bạn hỏi lại.
- Tôi sợ hắn khổ mỗi khi nhìn tôi ôm cây đàn mới vào lòng như ngày nào tôi đã ôm hắn.
- Cô này có lắm ý nghĩ kỳ lạ nhỉ, cứ để đấy treo lên thì đã sao. Ngày sau cô lấy chồng, rồi lúc cô già, cô ốm, chồng nó cũng đòi đốt cô đi cô có chịu không ?
- Anh không hiểu nhưng chắc hắn sẽ hiểu tôi, thà một phút huy hoàng rồi chợt tối…
Tôi thở dài, từ nãy đến giờ tâm tư căng thẳng, nghĩ đến lúc từng thớ gỗ được bùng cháy, tôi sẽ cố gắng để ngân lên một tiếng than cuối cùng vĩnh biệt.
Đốt tôi đi, vâng xin hãy đốt tôi đi, thà chịu đau đớn đến cực độ trong một phút rồi được chết còn hơn là mỗi ngày phải nhìn người tình địch đang âm vang trong tay ai. Chúng tôi nào phải là một cái bàn, cái ghế cho loài người nằm ngồi lên, để rồi đến khi long gãy là vứt đi một xó không thèm hay biết đến. Chúng tôi là những cây đàn có linh hồn, có âm thanh, cung bực… Nhất là tôi, đã từng yêu và đã từng được yêu…
Đốt tôi đi cho tôi hết một kiếp… Biết đâu kiếp sau chúng ta sẽ lại gặp nhau…
MĐHT
(Trích trong tập truyện "Hắn")