Từ ba năm nay, mỗi lần tết đến hắn không đợi thư nhà nữa, trái lại hắn còn tỏ vẻ sợ hãi, mỗi khi nghĩ đến hắn cảm thấy mình đang sống trở lại ba năm về xưa.
Những cảm giác đau xót, những giọt nước mắt không ngừng, tất cả đều sừng sững hiện ra như mới cách mười lăm phút trước.
Tết năm ấy hắn nằm dài đến giường, lười biếng nghĩ đến ngày tết sắp đến, chưa biết nên làm gì để cho quanh năm được vui vẻ.
Tuy sống ở Âu Châu từ bao nhiêu lâu mà hắn vẫn còn tin rất nhiều chuyện nhảm nhí, nếu các bạn hắn ở quê nhà biết được chắc sẽ chê cười hắn. Nhưng mặc chứ, hắn thây kệ tất cả những lời phê bình chung quanh.
Tính hắn vẫn lừng khừng tự thuở nào.
Độ một tiếng nữa thì người phát thư đến, chắc hắn sẽ có thư nhà.
Ngoài kia trời xám, một màu xám nặng nề như đang hăm dọa sẽ rớt từng tảng xuống đầu người, những cành cây gầy guộc, xơ xác đứng khép nép dưới trời mùa đông, cố sức thu mình cho đỡ lạnh. Tết nào rồi cũng giống tết nào, ai vui câu ấy chứ hắn thì chỉ thấy mỗi cái tết như một nét nhấn mạnh lên hai chữ cô đơn của cuộc đời. Lỗi không phải ở ai cả mà chỉ do hắn, tại cái bệnh lừng khừng của hắn, hắn thuộc vào hạng người phức tạp, vừa đi trốn cái cô đơn vừa đi tìm đến nó. Hắn vốn sợ cuộc sống bình yên, cuộc sống phì nhiêu đầy đủ mà bao nhiêu người đã hồng hộc chạy theo.
Có mấy lần hắn mở những cuộc tự kiểm thảo rất ghê gớm, rồi vác va-li về nước, đi xin việc làm, thuê nhà ở với ý định xây dựng rất vững chắc. Hắn tưởng rằng hắn cũng sẽ sống được như mọi người, nghĩa là bình yên, ngày ngày đi làm việc, cuối tháng trừ tiền ăn, tiền tiêu, còn thì dể dành bỏ vào ngân hàng, gọi là biết lo nghĩ đến tương lai như ai.
Lần nào rồi cũng chỉ được một tời gian, lúc số tiền cất hằng tháng đủ mua được cái vé máy bay hoặc vé tàu thủy để đi đâu xa một chút là y như rằng hắn cảm thấy bứt rứt xôn xao. Thế rồi có một đêm nào, suy nghĩ không kỹ lắm, hắn nằm trằn trọc đợi sáng để dậy lo việc đi xin giấy thông hành.
Thu xếp trả nhà, gửi đồ đạc, sửa soạn chuyện lên đường.
Để tự bào chữa, hắn bảo tại cái số chưa giữ được của nên mới xui ra thế, và hắn sung sướng tay xách va-li miệng nghêu ngao huýt sáo đi từ nhà ra bến xe, lòng không hề thắc mắc vấn vương. Nói rằng hắn không thắc mắc cũng hơi oan, hắn đã thắc mắc rất nhiều mỗi khi nghĩ đến người mẹ già đã thương hắn hơn tất cả, hắn về mẹ hắn chưa kịp mừng cho trọn thì hắn lại đi mất rồi.
Vắng thư, có lẽ mẹ đang lo làm hộ mứt bánh tết cho bà con. Thế nào hắn cũng sẽ có quà. Chỉ có mỗi lần nghĩ đến mẹ là hắn lại thấy bứt rứt hối hận. Hắn chậc lưỡi nói một mình :
- Tí nữa nhất định sẽ có thư.
Hắn bói thầm, tính hắn đã bảo là hay tin nhảm, nhất là hay bói vặt như thế, nào là đi bói phim đầu năm, nào là từ nhà đến trường nếu gặp đủ mấy chục cái xe hơi hiệu gì thì hắn sẽ được chuyện gì. Lần này hắn bói, nếu tí nữa có thư nhà thì tất cả mọi sự sẽ đều may mắn yên lành trong năm tới.
Muốn cho đỡ sốt ruột, hắn đưa tay mở máy vô tuyến điện tìm âm nhạc trong khi đợi giờ phát thư. Chưa nóng máy hắn đã bói nếu có nhạc của Beethoven hay Bach thì hắn sẽ được những gì, nếu là nhạc mới thì trái lại (cái lợi của sự không mua chương trình vô tuyến điện là thế, mua thì đọc biết trước cả rồi, còn bói toán gì được nữa). Đã bảo hắn là con ông thầy bói mà.
Chín giờ hơn, hẳn là người phát thư đã đi qua, lạy trời cho hắn có thư nhà.
Bước từng bước dè dặt xuống cầu thang, hắn muốn kéo dài cái phút chờ đợi ra vì từ xa hắn đã liếc nhìn được qua kẽ hở của hộp thư, hắn đã sung sướng khi thấy có màu trắng của mấy chiếc phong bì nằm bên trong.
Lúng túng mở vội cái khóa nhỏ, hắn đưa tay quơ tất cả mấy bức thư bỏ vào túi. Có thư nhà, có thư nhà, thế là hắn bói được rồi, thế là năm nay sẽ bình yên. Hắn quay vội gót, nhảy ba bậc thang một cho chóng lên đến phòng mà đọc thư. Cố nhiên bức thư nhà được mở ra trước nhất.
Trong lúc đài vô tuyên điện đan phát thanh bản nhạc Cantate số 106 Actus Tragicus của Bach, hắn sung sướng hát theo "Heute wirst du mit mir in paradieshem" (hôm nay đến với tôi ở chốn thiên đường) "mit mir in paradies in paradies"…
Nét mặt hắn thay đổi dần theo với những giòng chữ trong bức thư :
“Em,"Báo cho em biết mẹ đã mất sau mấy ngày ốm, bác sĩ ở Huế chữa cứ bảo không việc gì, chỉ có mấy cái nhọt nên chẳng săn sóc kỹ, đưa vào nhà thương họ cũng bỏ mặc. Khi chị về chở mẹ vào Saigon thì muộn quá rồi, mẹ đã mất ngay hôm sau. Mẹ nuối em nên không nhắm mắt. Ngày mai này sẽ làm đám.”Tim hắn muốn ngừng đập khi đọc đến giòng cuối. Có thể như thế được không? Hắn vẫn tin tưởng có ngày gặp lại mẹ, sống bên mẹ, lúc trở về sẽ có mẹ ra đón ở sân bay. Mẹ hắn chưa già, mới sáu chục tuổi, còn bao nhiêu là năm tháng, người ta thọ đến tám chín chục tuổi đó thì sao.
Đọc lại bức thư một lần nữa, bức thư đóng dấu nhà bưu điện Sài gòn rõ ràng chứ đâu có nhầm với ai.
Hắn lần đến trước bàn viết, kéo ghế ngồi thừ ra một lúc, trước mắt hắn bao nhiêu là hình ảnh quay cuồng, những màu áo tang bằng vải thô trắng toát, những vòng hoa phúng, những người đi đưa, những nấm mộ mới đắp còn ẩm đất, rồi gì gì nữa bệnh viện, nhà xác, hòm sơn đỏ v.v…
Tuy thắc mắc nhưng hắn vẫn cứ đi vì hắn biết rằng xa hay gần, mẹ vẫn thương mình và trên đời chỉ có thứ tình cảm ấy là không bị thời gian xóa phai. Nằm nghĩ mãi mà vẫn chưa biết nên làm gì trong ba ngày tết, giá có gia đình ở gần thì cũng về một chuyến cho nó ấm cúng, nhưng gia đình ở quá xa, lại còn thêm tiền vé máy bay, làm việc để dành cả năm mới mua nổi chứ nào có phải dễ dàng đâu.
Ngày xưa đọc tiểu thuyết hắn vẫn thú vị khi thấy tả đến cảnh những người học trò ở tỉnh hoặc ở quê được lên Hà Nội học, mỗi dịp tết hoặc nghỉ hè thì về nhà, được tất cả láng giềng bà con đến hỏi thăm chào đón. Hắn vẫn thèm muốn được sống trong hoàn cảnh ấy, nhưng cuộc sống mỗi người mỗi khác.
Gia đình hắn suốt đời ở tỉnh lớn, hắn lại là con út đâu có được đi xa, vả lại đi xa làm gì khi ở ngay cạnh nhà đã có trường học đàng hoàng, cha hắn quen thân từ ông đốc cho đến các thầy giáo, người làm nhà hắn là bạn đồng chí của người phu quét trường. Vì thế hắn chưa bao giờ hưởng cái thú được về quê ăn tết cả.
Mùa chiến tranh đến, hắn theo mọi người cũng đi đánh nhau, nhưng đi là một chuyện mà về lại là một chuyện khác. Hắn đành chịu ăn liền mấy cái tết xa gia đình, xa tất cả mọi thân yêu, vì thế hắn mắc phải cái bệnh lừng khừng, bệnh của những kẻ cô đơn.
Ngày hắn trở về với gia đình thì cái bệnh lừng khừng của hắn đã thâm nhiễm quá nặng, nan y mất rồi. Hắn cảm thấy hình như hắn và gia đình không còn nói chung một thứ tiếng, thế là hắn lại ra đi.
Cứ như thế, mỗi lần ra đi, mỗi khi đứng trên boong tàu nghe tiếng còi hú quen thuộc, tiếng chào bến khi chia tay, mỗi khi nghe giọng cô chiêu đãi viên đầm ấm báo giờ máy bay cất cánh (không có gì làm hắn mềm lòng bằng giọng của cô chiêu đãi viên ở sân bay Orly), là một cái tết cô độc lại phủ thêm một lớp giá băng lên tâm hồn hắn. Những lớp băng trong như pha lê, người ta có thể nhìn suốt qua thấy rõ bên trong nhưng không thể nào nắm lấy được. Dầu sao những công việc, bổn phận phải làm trong dịp tết đến hắn đã thanh toán xong, đấy là cái việc viết thiếp chúc mọi người. Một hình phạt đối với hắn vì phải nói những gì mà mình không hề nghĩ. Hắn nhớ những lời chúc mạnh khỏe, phát tài, sống lâu, hạnh phúc bằng năm bằng mười năm ngoái. Người ta chúc nhau nhưng sự thật nếu người được chúc không mạnh khỏe, không phát tài, sắp lăn ra chết, sắp ly dị vợ thì họ cũng cóc cần hay họ lại càng mừng. Chỉ trừ có viết thư cho mẹ là hắn không thấy cực hình và quả thật lúc cầm bút, lòng hắn sôi lên với ý định về thăm mẹ, ở với mẹ.
Tính nhẩm thì thư hắn viết đã hơn một tuần nay, máy bay có chậm cũng chỉ độ bốn ngày là thư về đến nhà.
Tính theo trong thư thì người ta đã chôn mẹ hắn từ hai hôm nay. Thế là hết, hắn sẽ không bao giờ được gặp lại. Anh chị hắn được mặc áo tang, đội khăn tang, được ôm xác mẹ phút cuối cùng, được tiễn mẹ ra nghĩa trang.
Còn hắn, thế là hết, không bao giờ được làm cái công việc ấy, những công việc mà mỗi người chỉ làm có một lần trong cuộc đời. Bộ áo tang thì sau hai năm phải bị đốt đi vì kiêng không dám để lại. Thế là hắn không những không được mặc áo tang mà rồi cũng sẽ không được nhìn thấy bộ áo trắng ấy nữa. Hắn mở ngăn kéo tìm tấm ảnh cuối cùng của mẹ, mẹ hắn mặc áo tu mang tràng hạt, đầu tóc bạc trắng, miệng hơi mỉm cười, nụ cười đi đôi với ánh mắt, lấy tay che miệng, chỉ nhìn đôi mắt mà thôi người ta cũng thấy mẹ hắn đang cười. Ngày xưa cha hắn thường nhắc "Tao cưới mẹ mày vì đôi mắt biết cười", mà thật, ngày xưa mẹ hắn nổi tiếng là đẹp, cái đẹp thuần túy Á Đông đã làm đề tài cho bao nhiêu bài thơ của cha hắn.
Nhưng còn đâu nữa, ngày này, giờ này, phút này mẹ hắn đã chết, đã nằm trong hòm, đã bị chôn xuống đất. Thế là hết, từ nay trong đời hắn đã mất một nguồn an ủi, một nguồn tin tưởng, không còn bao giờ có một tình yêu thứ hai nào đến ủ ấp tâm hồn hắn nữa.
Hắn ngơ ngác nhìn ra bên ngoài, tuyết từ nãy đến giờ u uất ở trên trời, hình như mới nhận được lệnh nên đã xô đẩy chen lấn nhau mà rơi xuống.
Tuyết rơi cũng nhẹ nhàng như những giọt nước mắt, màu tuyết trắng phủ lên mái nhà, phủ lên ngọn cây, phủ lên mặt đất, làm như mái nhà, ngọn cây, mặt đất cũng vì hắn mà mặc áo tang.
Tất cả mái nhà, ngọn cây, mặt đất đều mặc áo tang trong mấy ngày liền, hẳn thế. Chỉ mình hắn là vô phúc, chỉ mình hắn là không được mặc áo tang, chỉ mình hắn là không được nhìn mẹ một lần cuối, không được ôm xác mẹ trong tay, những giọt nước mắt không được thấm lên màu đất mới đắp trên ngôi mộ. Chỉ mình hắn là không được đội khăn tang. Đã thế hắn cũng mở cửa đi xuống đường một lúc cho tuyết phủ lên người hắn, lên tóc hắn để hắn cũng được cái cảm giác mặc áo tang như các anh chị hắn giờ này ở bên nhà.
Giá có ai nghĩ đến hắn, gửi cho hắn một tấm áo, một chiếc khăn thì chắc là hắn sẽ cảm ơn lắm. Và bộ áo ấy ai kiêng thì kiêng chứ hắn sẽ nhất định không kiêng, không đốt. Hắn sẽ giữ bộ áo mãi đến bao giờ vải áo mục nát để nhớ đến người mẹ đã chết.
Ba đêm liền, đêm nào hắn cũng đi đến gần sáng mới về. Hắn đi đâu không ai biết, tất cả mọi người chung quanh đều cho hắn là điên, là bất hiếu, hắn nghe nhưng không cần cải chính. Ngoài mẹ hắn ra, có ai hiểu hắn đâu mà cải.
Nếu người ta biết rằng hôm nào hắn cũng sốt lên đến gần bốn mươi độ, nhưng sốt mấy thì sốt hắn vẫn không dám nằm nhà.
****
Rồi cứ mỗi năm, vào độ tết sắp đến là hắn lại đi lang thang vì hắn đợi gì thì đợi chứ nhất định không bao giờ dám đợi thư nhà nữa. Tuy rằng mẹ hắn đã chết rồi thì cũng chẳng mấy khi hắn nhận được thư ai.