Phẩm Cây Báu Khắp Nước của kinh Vô Lượng Thọ tường thuật về y báo trang nghiêm của cõi Cõi Lạc. Nơi cõi Cực Lạc có các cây làm bằng bảy báu, xếp thành từng hàng khắp cả cõi nước. Các cây báu đó hoặc chỉ là do một thứ báu tạo thành, hoặc do nhiều thứ báu hợp thành. Cây nào cũng chỉnh tề trang nghiêm, quang sắc đẹp đẽ lạ lùng, gió lung lay tấu nhạc với âm điệu hòa nhã. Ðấy chính là sự thành tựu của Nguyện thứ bốn mươi “Có vô lượng cây sắc báu” của Phật A Di Đà. Pháp giới ấy vốn do tâm trang nghiêm thanh tịnh của A Di Đà Phật biến hiện ra đúng với ý nghĩa của câu “pháp giới duy tâm” được nói trong kinh Hoa Nghiêm.
Kinh dùng những vật quý báu trong thế gian như là vàng, vạc, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, mỹ ngọc, mã não để làm ví dụ giúp chúng sanh liên tưởng đến bảy thứ báu nơi cõi Cực Lạc, chứ thật ra hết thảy vạn vật trong cõi Cực Lạc đều đẹp đẽ một cách kỳ diệu lạ lùng, vượt xa hết thảy các thứ trân bảo trong mười phương thế giới; ngay cả các chư thiên dù có đầy đủ thiên nhãn và trí lực, cũng không thể nào xứng lượng và nói ra được những thứ sự vi diệu đẹp đẽ ấy, thì làm sao có thể giống những vật báu phàm tục trong cõi đời ô trược này được! Nếu hiểu theo mức nông cạn, Đức Thế Tôn mượn tánh chất của các thứ trân bảo trong thế gian để diễn tả sự trang nghiêm khéo léo viên mãn của cây báu do diệu bảo tạo thành. Nếu hiểu một cách sâu sắc, Đức Thế Tôn mượn tánh chất của các thứ trân bảo để diễn tả tánh đức của Phật Di Ðà vốn sẵn có hết thảy diệu bảo; đấy gọi là chánh báo. Hễ chánh báo như thế nào thì y báo sẽ hiện ra như thế đó, đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến.”
Kinh nói: “Hoặc có cây thuần chỉ do một báu hợp thành, hoặc do hai báu hợp thành, hoặc do ba báu cho đến do bảy báu hợp thành,” nhằm nêu lên tánh đức trong Tự tánh vốn là trong mỗi thứ trang nghiêm thanh tịnh lại bao gồm đầy đủ diệu đức của hết thảy các thứ trang nghiêm thanh tịnh khác. Đấy đã nêu rõ mọi điều, mọi thứ, mọi hiện tượng nơi cõi Cực Lạc đều hiển thị cảnh giới của Lý Nhất tâm Bất loạn, cũng là những điều được nói trong kinh Hoa Nghiêm: “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại” của Nhất chân Pháp giới. Tâm của A Di Đà Phật và Bồ-tát nơi cõi ấy là Nhất, nên cảnh giới hiện ra cũng là Nhất. Chữ “Nhất” ở đây không có nghĩa đơn thuần là con số một, mà nó có nghĩa là dù mọi thứ trong pháp giới ấy thiên biến vạn hóa đến vô lượng vô biên, nhưng mỗi thứ ấy đều bao gồm đầy đủ diệu đức của tất cả các thứ khác. Nói, một cách sâu xa hơn, dù Căn Bản trí vốn là vắng lặng tịch diệt, nhưng nó lại có thể biến hiện ra vô lượng trí năng sai khác, gọi chung là Sai Biệt trí. Giống như một bông sen tuy chỉ có một đài sen nhưng lại sanh ra nhiều cánh sen, mà tất cả cánh sen và đài sen chỉ là một thể chẳng hai.
Trong thế giới Tây Phương, trên mặt đất bằng vàng ròng có bảy tầng hàng cây báu, trên bảy hàng cây báu ấy lại có bảy tầng lưới trân bảo giăng bủa hiển hiện sự trang nghiêm của mặt đất. Ở đây, chữ “đất” ví tâm địa, con số bảy tượng trưng cho ý nghĩa viên mãn, chớ chẳng phải là con số đếm được. Như vậy, kinh dùng cảnh tượng này nhằm hiển thị rằng: Chư thánh chúng nơi cõi Cực Lạc trang hoàng Pháp thân bằng những công đức viên mãn, tròn đủ hết thảy tánh đức trang nghiêm thanh tịnh đến cùng cực, chẳng thể nào xứng lượng nổi. Thế nào mới gọi là viên mãn? Viên mãn là cái thể của Chân tánh. Bởi vì Chân tánh hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn thanh tịnh, chẳng hề có một tạp niệm nào; cho nên, chỉ có Chân tánh mới bao gồm muôn điều thiện xứng ý vừa lòng đến mức hoàn hảo nhất. Nói đơn giản, trong tâm vui thích như thế nào, nó bèn xuất hiện đúng như thế ấy, thì đó gọi là viên mãn. Viên mãn chẳng có con số thật sự để đếm được, viên mãn có thể là con số rất to lớn không thể thể đếm được, nhưng cũng có thể là rất nhỏ như là không có gì hết. Trong thế giới Tây Phương chẳng có chuyện gì, không có sự vật nào mà không vừa lòng, xứng ý. Hoàn cảnh nơi ấy quả thật viên mãn đầy đủ các thứ trang nghiêm thanh tịnh đến cùng cực. Cây nơi cõi Cực Lạc do bảy báu hợp làm gốc thân ở đây là tỷ dụ nhằm biểu thị công đức trang nghiêm viên mãn nơi cõi Cực Lạc vốn là cái sẵn có trong bản thể của Tự tánh, chỉ có cái cái sẵn có trong bản thể của Tự tánh ấy mới có khả năng làm xứng tâm vừa ý chúng sanh một cách đầy đủ đến cùng cực, chẳng có gì là chẳng tròn đầy, chẳng có gì thiếu sót. Còn những cái bên ngoài Tự tánh chỉ khiến cho tâm mình càng thêm phiền não ô nhiễm. Do đó, nơi cõi Cực Lạc, nếu ai thấy được cây bảy báu hoặc nghe được âm thanh của nó, liền quay trở về Bản tánh tự nhiên vốn trọn đủ vô lượng thanh tịnh, vô biên trí huệ, vô tận công đức viên mãn, không thể nghĩ bàn.
Ở trong thế gian này, chúng ta chẳng dễ gì đạt được hoàn cảnh sống và tu hành lý tưởng theo ý thích và sự mong mỏi của mình. Lúc nào chúng ta cũng cảm thấy không vừa ý xứng lòng. Nhẫn đến ngay bây giờ, nếu chúng ta thật sự muốn rời khỏi chốn này cũng chẳng dễ gì bỏ được. Phật bảo tất cả mọi sự trong thế gian đều là “cầu bất đắc khổ,” tức là điều tốt khó cầu, điều xấu khó gạt bỏ, nên thế giới này mới có tên là Sa-bà, nghĩa là thế giới ô nhiễm, có nhiều sự khổ. Thế nhưng, nếu ai biết khéo vận dụng hoàn cảnh nơi cõi Sa-bà để làm đạo tràng cho chính mình tinh tấn tu hành; biết khéo ở trong thế giới ngũ dục lục trần phồn hoa mà buông xuống được tất cả, thì người ấy chắc chắn sẽ thành tựu đạo nghiệp. Còn nếu như không thể buông xuống ngũ dục lục trần nổi, đành phải bị đọa lạc trong sáu đường. Kinh dùng bảy báu vật “vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, mỹ ngọc, mã não” làm tỷ dụ để ví cho bảy thứ buông xả nơi bảy căn thức “nghe, thấy, ngữi, nếm, xúc chạm, ý nghĩ và chấp giữ”. Khi sáu căn thức tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, tâm không hề chấp trước, phân biệt và nắm giữ ấn tượng thì đấy chính là Bảy Báu Bố Thí được ví như bảy báu vật nơi cõi Cực Lạc. Ngược lại, nếu chúng ta chẳng biết khéo vận dụng hoàn cảnh để tu hành, sẽ bị đọa lạc trong sáu đường thống khổ. Trong sáu đường gồm có ba đường lành và ba đường ác. Thật ra, ba đường lành (trời, người, a-tu-la) chỉ là chỗ vừa mới ngoi đầu ra khỏi ba đường ác, chớ chẳng phải là ba cõi thuần thiện thật sự. Thời gian chúng ta ở trong ba đường lành hết sức ngắn ngủi, tạm bợ, còn thời gian trong ba đường ác thì lại cực kỳ dài lâu. Đây đều là bản chất thật sự của các cõi trong sáu đường.
Liên Trì Đại sư dạy chúng ta hai điều trong pháp yếu tu hành: “Điều thứ nhất, người tu hành thật sự chắc chắn sẽ không tham luyến tiếng tăm, lợi dưỡng, họ có thể xả bỏ ra sạch những thứ ấy, nếu có thể cam lòng sống đạm bạc như vậy, đạo nghiệp mới có thể thành công. Điều thứ hai, mọi thứ đều phải giảm bớt, nhất định chẳng nắm níu, trừ những trường hợp bất đắc dĩ, không có cách nào tránh né được.” Lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài chỉ có ba y, một bát. Ngoài ba y, một bát ra, Ngài không có một vật nào khác nữa mang trên thân mình; đấy chính là Ngài đã hạ mức sống xuống đến mức thấp nhất, mà đấy lại chính là hoàn cảnh tu học tốt đẹp nhất trong cõi Sa-bà. Khi xưa, Sơ tổ Huệ Viễn cùng một trăm hai mươi hai (122) vị đồng tu của Ngài đã làm một tấm gương trước mắt cho chúng ta xem. Hết thảy một trăm hai mươi ba (123) vị cùng nhau quy ẩn trong núi Lô Sơn để niệm Phật sốt sắng đến mức chẳng có lúc nào rảnh rổi để giao tiếp chuyện bên ngoài. Kết quả là hết thảy một trăm hai mươi ba (123) vị đều tận mắt thấy Tây Phương Tam Thánh và tất cả đều vãng sanh Cực Lạc. Chúng ta nhìn thấy những tấm gương này không thể không hết sức ngưỡng mộ, kính trọng. Trong lịch sử của PHật giáo có rất nhiều cao tăng thời cận đại như Lão Hòa thượng Hư Vân, Lão Pháp sư Ấn Quang, Lão Hòa thượng Hải Hiền v.v... cũng đã làm ra tấm gương này. Một bộ quần áo mặc ba, bốn chục năm, rách rồi lại vá! Chẳng phải là lão Hòa thượng không có đủ tiền để may một bộ quần áo mới, mà các Ngài chẳng thích mặc quần áo mới. Các tín đồ thường xuyên dâng tặng quần áo mới, các Ngài vui vẻ tiếp nhận xong, liền coi xem ai không có quần áo để mặc, tặng cho người ấy, còn các Ngài vẫn mặc những bộ quần áo rách nát, củ mèm, vá víu với bao nhiêu mảnh. Đấy chính là tấm gương chỉ rõ thế nào là Bảy Báu Bố Thí nơi thân và tâm. Dù các Ngài ở chốn thôn quê hẻo lánh, hoặc ở chốn đô thị đông người, khi sáu căn của các Ngài tiếp xúc với ngũ dục lục trần đều không chấp thủ. Các Ngài suốt đời không thay đổi, chẳng tham luyến hưởng thụ, chẳng ve vãn, thân cận kẻ quyền quý, cao sang. Bất luận chuyện gì có thể giảm được thì giảm; nhờ đó mà có thể trưởng dưỡng cái thể của các điều lành. Lại nữa, người xuất gia là bậc cao nhân vĩ đại trong đời, thì phải làm tấm gương tốt cho đại chúng học tập theo, muôn phần chẳng nên ham muốn, đa sự mà làm ảnh hưởng đến tín đồ Phật giáo.
Lão Hòa thượng Tịnh Không đã từng bảo: “Vô sự là hảo sự bậc nhất. Vô sự là nghiệp vô lậu, hảo sự vẫn là nghiệp hữu lậu.” Xưa kia, Bàng Cư sĩ là một vị tài chủ, sau khi đã học Phật thông suốt, bèn hạ quyết tâm buông xả tất cả để có thể chuyên tâm niệm Phật cầu liễu sanh tử, thoát tam giới. Ngài chất hết tài sản, vàng bạc trong nhà lên một chiếc thuyền to, lái thuyền ra giữa dòng sông Trường Giang, đục một lỗ, vùi chìm toàn bộ tài sản xuống sông, chẳng giữ lại một thứ gì hết. Sau đấy ông cùng gia đình về quê thực hiện một cuộc sống thanh bần, bằng nghề bện giày cỏ. Có người hỏi: “Ông có nhiều tiền như vậy, nếu không cần tới, sao không đem làm chuyện tốt có phải là hay hơn không?” Ông bảo người ấy: “Hảo sự chẳng bằng vô sự.” Lúc ông sắp mất, bảo vợ con rằng: “Ta sắp ra đi, hãy thay ta lo liệu hậu sự.” Con gái của ông còn cao minh hơn cha, cô ta nói: “Cha ơi! Cha hãy đợi một lát. Con ra ngoài một chút.” Khi cô ta ra ngoài, đứng vãng sanh giữa đồng. Thật thà mà nói, đây đều là những vị đại Bồ-tát thị hiện để biểu tướng sanh tử tự tại, đến đi theo ý mình, cả nhà tu, cả nhà đều chứng quả.
Bây giờ, chúng ta quay lại tự xem xét chính mình, chúng ta tu hành thật sự đã buông xả được bao nhiêu? Nếu đã buông xuống được vài phần, lại càng nên cố gắng buông xuống thêm nữa, thì đạo tâm mới có thể kiến lập. Thật sự mà nói, hiện tại chúng ta vẫn chưa thể buông xuống những thứ “giàu sang, thương muốn” là vì chúng ta chưa có đạo tâm. Hiện nay, chúng ta đọc đi đọc lại một bộ kinh điển, nghe đi nghe lại các bài giảng, lập đi lập lại những lời dạy bảo của chư Phật, Tổ, cũng chỉ là để kiến lập đạo tâm, để dần dần có cái nhìn thấu suốt mà có thể tự tại buông xuống. Khi nào chúng ta thật sự buông xuống hết tất cả rồi thì đạo tâm mới được kiến lập. Khi ấy chúng ta không cần phải đọc kinh, nghe giảng kinh luận nữa. Vì sao? Bởi vì những điều kinh luận giảng đều chỉ nhằm dạy chúng ta hãy buông xuống tất cả để thành tựu đạo tâm. Tu hành chính là buông xuống, buông xuống chính là tu hành. Công phu tu hành có đắc lực hay không đều dựa trên mức độ buông xuống của chúng ta. Hễ buông xuống được mọi thứ thì chẳng còn tranh chấp hơn thua với người nữa, chẳng còn mong cầu bất cứ thứ gì trong thế gian này nữa. Lúc ấy thân tâm mới được thanh tịnh, nhẹ nhàng, không còn bị vướng mắc mảy may; thì đó chính là đạo tâm! Nếu chúng ta dùng cái đạo tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng ấy để niệm Phật, thì không có ai chẳng thể vãng sanh, không có ai chẳng thể thành Phật, đúng như Vĩnh Minh Đại sư đã từng nói: ”Vạn người tu, vạn người về.”
Trong phẩm Khuyên Dụ Sách Tấn của kinh Vô Lượng Thọ, Đức Thế Tôn khuyên bảo chúng sanh: “Mọi người phải nên nghĩ suy chín chắn, xa lìa việc ác, chọn đường lương thiện, siêng năng thực hành, sang giàu thương muốn không thể bền giữ, đều phải lánh xa, chẳng thể an vui. Phải nên tinh tấn sinh nước An Lạc, trí huệ thông suốt, công đức thù thắng. Chớ nên phóng tâm vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới, phải đứng sau người.” Người đời cho “giàu sang, thương muốn” là phước báu, Đức Phật lại bảo những thứ ấy đều là ma chướng, quyết chẳng phải là phước báo. Vì sao? Vì càng nhiều tiền, nhiều tình, nhiều danh thơm tiếng tốt, thì càng khó buông xuống để có được bổn tâm thanh tịnh mà tu hành. Đạo nghiệp của chúng ta chẳng thể thành tựu đều là do bị ngũ dục, lục trần và tình cảm thế gian lôi kéo, ràng buộc, chi phối. Hiện tại, chúng ta tu hành gặp phải rất nhiều ma chướng, thậm chí khi chúng ta kết giao với một số đồng tu để tu hành, cũng chưa chắc hoàn toàn là chuyện tốt đẹp, toàn là gặp những thứ ma não. Bạn đồng tu càng đông, pháp sự càng nhiều, càng sanh ra nhiều ma não. Nếu tu hành mà cứ vẫn bị đọa lạc trong phiền não thì vẫn phải chịu cảnh luân hồi trong sanh tử, khó thể vãng sanh. Chúng ta hãy thành thật dùng trí huệ để quán sát thì thấy rõ, nơi đạo tràng nào càng có đông người, nơi ấy càng có nhiều mâu thuẩn, xung đột và phiền não. Vì sao chẳng thể thành lập được một đạo tràng thanh tịnh trong thế gian này? Vì pháp giới duy tâm, chánh báo như thế nào thì y báo sẽ hiện ra như thể đó, tâm của con người vốn không thanh tịnh thì làm sao có được đạo một đạo tràng thanh tịnh? Trong thế gian này thật sự là không có đạo tràng thanh tịnh, chỉ có đạo tràng của A Di Đà Phật nơi cõi Cực Lạc mới thật sự thanh tịnh. Từ những chuyện ký trong Phật giáo, chúng ta thấy ngay cả đạo tràng của Thích Ca Mâu Ni Phật trong thế gian này cũng không hoàn toàn thanh tịnh, Đức Thế Tôn vẫn có những đệ tử phá giới, tranh chấp, gây nhiều phiền phức. Vì lẽ đó, Hòa thượng Tịnh Không dạy, một đạo tràng cộng tu chẳng nên quá hai mươi người; một nhóm cộng tu khoảng chừng năm đến mười người là lý tưởng nhất.
Ngày nay, người tu hành rất thích tạo ra phước báo, để rồi bị các phước báo ấy dẫn dắt đi nơi khác, thật xa cách với Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta nên biết, phước báo phát khởi từ bổn tâm thanh tịnh chẳng nhiễm mảy trần mới là chân thật. Còn phước báo do con người tác ý làm ra đều là hữu lậu, hư dối, chẳng thật. Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã nói: ”Đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận.” Tuy phước báo nơi cõi Cực Lạc đều là do thiện căn, thanh tịnh vô nhiễm, biến hiện ra, nhưng những phước báo ấy cũng chỉ là “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng.” Vì để thuận lòng vừa ý chúng sanh nên Phật A Di Đà tùy theo tâm lượng của họ mà từ tâm thanh tịnh, vô nhiễm, vô tác ứng hiện những cảnh giới đúng với khả năng hiểu biết của họ. Thế nhưng, những cảnh giới ấy phát sanh ngay tại đây, rồi cũng bị diệt hết ngay tại đây, chớ nào phải đâu cảnh giới thường trụ, chẳng sanh, chẳng diệt. Kinh này nói: “Nước Như Lai kia, nhiều loại cây báu, hoặc cây thuần vàng, hoặc cây thuần bạc, cây bằng lưu ly, cây bằng thủy tinh, cây bằng hổ phách, cây bằng mỹ ngọc, cây bằng mã não, duy chỉ do một thứ báu hợp thành, không có xen tạp;” đó chỉ là cảnh tướng hiện ra để diễn nói đến Pháp giới duy tâm: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng;” tức là nếu ai thích thấy cây thuần bằng vàng thì chỉ thấy cây bằng vàng; nếu ai thích thấy cây bằng bạc thì chỉ thấy cây bằng bạc v.v... nhẫn đến nếu ai thích thấy cây bằng bảy báu hay vô lượng báu thì Phật A Di Đà cũng sẽ tùy theo tâm lượng của chúng sanh mà biến hiện ra cho xứng tâm vừa ý của họ. Phật hiện ra cảnh giới “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” như vậy cũng chỉ nhằm để chỉ rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh đều là “pháp giới duy tâm.” Nhưng thật ra, pháp giới vốn không có mê hay ngộ; mê hay ngộ là do lòng người. Hễ ngộ thì ở đâu cũng là Nhất chân Pháp giới, hễ mê thì có đến mười pháp giới hiện ra.