Trong phẩm Duyên Khởi Đại Giáo, đức Thế tôn phóng đại quang minh, ánh sáng, tướng lành đều thù diệu, toàn là những điều xưa nay chưa từng được thấy. A Nan khải vấn nhân duyên vì sao đức Phật phóng quang, Phật khen ngợi A Nan rằng, trong tương lai, dân các cõi trời, tất cả hàm linh, nhân lời hỏi này của Ngài Anan mà đặng độ thoát. Vì sao chỉ là một câu hỏi đơn giản như thế mà có thể độ thoát dân các cõi trời và tất cả hàm linh? Vì do nhờ vào lời khải vấn của Ngài A Nan mà đức Thế Tôn dạy ra Kinh Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác thù thắng, hy hữu này! Đấy đã đủ chứng tỏ Kinh này chính là do đức Thế Tôn vì lòng đại bi vô tận, thương xót ba cõi, vì muốn cứu vớt quần sanh, ban cho chúng sanh cái lợi chân thật mà nói ra pháp bảo rộng lớn, viên mãn, giản dị, phương tiện thẳng tắp, đệ nhất hy hữu, khó được gặp gỡ này.
Phẩm Chỉ Lưu Lại Một Kinh Này cũng chỉ rõ trong tương lai, sau khi các Kinh đều bị diệt hết, Phật vì lòng từ bi thương xót chúng sanh nên đặc biệt lưu lại chỉ một Kinh Vô Lượng Thọ trụ thế thêm một trăm năm nữa. Nếu có chúng sanh nào gặp được Kinh này tùy lòng mong mỏi đều được độ thoát. Đây cũng đã nói lên lòng từ bi và ân đức vô tận của Phật! Ðiều này càng chứng tỏ diệu pháp thù thắng “Phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm” của Kinh này thật sự là thuốc A Già Ðà để cứu vớt khắp các loài chúng sanh.
Khi chánh pháp của Phật diệt tận, nghiệp chướng của chúng sanh càng thêm sâu nặng, chỉ còn phải biết cậy nhờ vào pháp môn này để thoát sanh tử, điều này càng làm tỏ rõ pháp môn này là phương tiện rốt ráo chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế trong Phẩm Phẩm Chỉ Lưu Lại Một Kinh Này của Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Ta nay do vì, các chúng sinh thảy, nói Kinh pháp này, khiến cho thấy đặng, Phật Vô Lượng Thọ. Và cõi nước kia, tất cả các thứ, những gì sẽ làm, đều có thể cầu. Không khéo sau khi, ta đã diệt độ, lại sinh nghi hoặc.”
Câu “khiến cho thấy đặng Phật Vô Lượng Thọ và cõi nước kia” hàm ý nhắc đến những điều mà Kinh đã nói trong phẩm Lễ Phật Hiện Quang: Do oai lực của Phật, hết thảy tất cả y báo, chánh báo của cõi Cực Lạc đều hiện rõ ràng như đối trước mắt đại chúng, ai nấy trong pháp hội đều thấy rõ ràng. Do thắng duyên ấy, nên hội chúng đều sanh khởi lòng tin chân thật; lại do oai đức của Phật Di Ðà gia trì, nên sau khi được nghe Kinh này thiện căn của hội chúng thảy đều tăng thượng. Vì thế nên Kinh bảo là: “Tất cả các thứ, những gì sẽ làm, đều có thể cầu.” Chúng ta cũng vậy, chẳng hề sai khác với đại chúng trong pháp hội, chúng ta cũng do nhờ nghe được Kinh này mà thiện căn, phước đức, nhân duyên thảy đều tăng thượng. Đó đều là do nơi sức oai thần, nơi sức bổn nguyện, nơi sức minh liễu nguyện và cứu cánh nguyện của đức Phật A Di Đà kết hợp cùng sức gia bị của Thích Ca Mâu Ni Phật và chư Phật trong mười phương mà người nghe Kinh này được cái quả báo thù thắng như vậy.
Kinh nói: “Những gì sẽ làm đều có thể cầu” có nghĩa là nếu những ai thuận theo Kinh này của Phật mà tu trì, thì đều có thể đạt được những việc hy hữu như thấy Phật Vô Lượng Thọ, được Phật từ bi gia hộ khiến cho tâm họ được an lạc, luôn nhớ niệm cõi nước Cực Lạc và quốc độ của Ngài, đến khi mạng chung liền được sanh về cõi báu, mau được nghe Phật thuyết pháp, liền đắc bất thoái chuyễn và dạo khắp mười phương hành Bồ tát đạo, độ khắp chúng sanh đồng vãng sanh Cực Lạc. Đó chính là những điều mà chúng ta đều có thể làm và có thể cầu sau khi vãng sanh Cực Lạc.
Cuối đoạn trên, Phật lại rủ lòng từ bi nhắc nhở, răn dạy đại chúng trong pháp hội rằng: Hiện tại quý vị đã đích thân thấy nghe những điều về cõi nước Cực Lạc và Phật A Di Đà, vì thế sau khi Phật đã diệt độ, chớ nên sinh lòng nghi hoặc về y báo, chánh báo của cõi Cực Lạc và pháp môn Tịnh Ðộ. Để cũng cố thêm lòng tin của đại chúng đối với Kinh này, Phật lại nói tiếp: “Ở trong đời sau, Kinh đạo tận diệt, ta vì tấm lòng từ bi thương xót, đặc biệt lưu lại chỉ một Kinh này trụ thế trăm năm. Có chúng sinh nào được gặp Kinh này, tùy theo ý nguyện đều đặng độ thoát.”
Ngài Thiện Ðạo Đại sư nói về việc tương lai Kinh pháp sẽ bị diệt hết như sau: “Vạn năm Tam Bảo diệt, Kinh này trụ trăm năm.” Chánh pháp của đức Thích Ca tồn tại năm trăm năm, Tượng pháp một ngàn năm, Mạt pháp một vạn năm; sau khi hết thảy các thời gian ấy đã qua hết thì gọi là “ở trong đời sau, Kinh đạo tận diệt.” Bởi vì Kinh này dạy chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tây Phương, nên Phật đặc biệt chỉ riêng lưu lại Kinh này trụ thế thêm một trăm năm nữa để cứu độ chúng sanh. Vì sao chỉ riêng mình Kinh này mới có khả năng cứu độ chúng sanh trong thời Mạt pháp và sau khi Chánh pháp bị diệt? Bởi do Kinh Vô Lượng Thọ đây dạy người nhàm chán Sa Bà, yêu thích, hâm mộ Cực Lạc. Vì Kinh Vô Lượng Thọ là pháp yếu để cứu độ phàm phu trong và sau thời Mạt pháp nên sẽ bị diệt sau cùng. Còn Kinh Niết Bàn và Kinh Thủ Lăng Nghiêm hiển thị chân lý ai ai cũng sẵn có Phật tánh, là pháp rất sâu xa trong Thánh giáo; nhưng chúng sanh đời Mạt pháp căn tánh kém cỏi, không ai có thể lãnh hội nổi, nên sẽ bị diệt mất trước hết. Sau khi chánh pháp đã diệt, ai nghe được Kinh này còn được lợi ích vãng sanh Tây Phương, huống hồ là người hiện tại nghe được Kinh này mà tin nhận, thì lẽ đâu lại chẳng được vãng sanh Tây Phương! Vì vậy, hiện nay chúng ta gặp được Kinh này, quyết định vãng sanh, chớ nên nghi ngờ, lo ngại mà mất lợi lớn.
Do vì ai gặp gỡ Kinh này đều được thỏa mãn tâm nguyện vãng sanh, hiển thị lợi ích lớn lao của việc Phật riêng lưu lại chỉ một Kinh này trụ thế thêm một trăm năm nữa sau khi chánh pháp tận diệt, nên Kinh ghi: “Có chúng sinh nào được gặp Kinh này, tùy theo ý nguyện, đều đặng độ thoát.” “Độ thoát” là vượt qua được biển sanh tử để chứng Niết Bàn. Phàm phu chúng sanh trong thời chánh pháp tận diệt, do nhờ vào Kinh nầy mà có thể vượt ra khỏi biển nghiệp, luân hồi sanh tử chứng Niết Bàn đã nói lên sự thù thắng, hy hữu chưa hề có trong các pháp môn khác của Phật. Vì thế, nếu có người cho rằng phàm phu hạ căn trong thời Mạt pháp không nên thọ trì Kinh điển này, thì thật là một lỗi lầm to lớn. Đấy là do người ấy không hiểu rõ bổn hoài của chư Phật, chẳng tin vào Nhất Thiết Chủng Trí của Như Lai. Chúng ta hãy dứt bỏ hết thảy các ý nghĩ riêng của mình, giữ tâm thanh tịnh mà 1ắng lòng nghe từng tiếng Kinh Phật dạy thì tự nhiên sẽ hiểu rõ Như Lai chân thật nghĩa. Thật thà mà nói, nếu Kinh giáo này không khế lý khế cơ đối với hết thảy phàm phu trong thời Mạt pháp, thì Phật ắt hẵn sẽ không đặc biệt lưu lại Kinh này trụ thế thêm một trăm năm nữa sau khi chánh phát diệt tận!
Thế nhưng do vì chúng sanh trong thời Mạt phần đông là phước mỏng, nghiệp sâu, chẳng thể phát nổi lòng tin nơi Kinh điển này, nên đức Phật than thở: “Như Lai tại thế, khó gặp khó thấy. Kinh đạo chư Phật, khó được khó nghe. Gặp thiện tri thức, nghe pháp hay hành, việc này cũng khó. Nếu nghe Kinh này, tin ưa thọ trì, là khó trong khó, chẳng gì khó hơn.” Trong đoạn này, Phật than thở: Nghe Kinh này tin nhận, thọ trì nổi chính là điều khó nhất trong các điều khó, là để khiến cho con người biết rằng Kinh này rất khó được nghe mà sanh lòng kính trọng, hy hữu.
Thân Phật đầy khắp cả pháp giới, chẳng có qua lại, ba đời giống hệt như nhau, vốn chẳng sanh diệt. Chỉ vì ứng cơ hóa độ chúng sanh, nên thị hiện sanh trong vương cung, xuất gia tu đạo, hàng ma thành Phật. Lúc Phật còn trong đời thì gọi là “gặp,” tận mắt trông thấy Phật thì gọi là “thấy.” Cả hai điều này đều là khó, nên Kinh bảo là “Như Lai tại thế khó gặp, khó thấy.” Tay cầm được quyển Kinh, lãnh thọ, đọc tụng thì gọi là “được.” Tai nghe nhận lời Kinh Phật dạy thì gọi là “nghe.” Những điều ấy đều là khó,” nên Kinh bảo: “Kinh đạo chư Phật, khó được khó nghe.”
Người tương tri, tương thức của mình, dẫn dắt mình đi trên con đường lành, có lợi cho đạo Bồ Ðề của mình, thì gọi là bạn lành hay thiện tri thức. “Thiện tri thức” là người có trí huệ phân biệt rành rẽ cái gì là chân, cái gì là vọng, thông đạt chân thật tế, biết căn tánh của chúng sanh, theo bịnh cho đúng thuốc. Viên Giác Kinh Ðại Sớ, quyển Mười Lăm có câu: “Khéo hiểu chân, biết vọng, biết bịnh rành thuốc, thì gọi là thiện tri thức.” Trong tác phẩm An Lạc Tập, Ngài Ðạo Xước lại dựa theo Kinh Pháp Cú mà viết: “Phật dạy, thiện tri thức có thể thuyết pháp sâu, nghĩa là: không, vô tướng, vô nguyện, các pháp bình đẳng, vô nghiệp, vô báo, vô nhân, vô quả, cứu cánh như như, trụ trong thật tế; nhưng trong Tất Cánh Không, lại rộn ràng lập ra hết thảy pháp, thì gọi là thiện tri thức.” Sách còn ghi: “Thiện tri thức là cha mẹ vì dưỡng dục thân Bồ Ðề của các ông. Thiện tri thức là tròng mắt của các ông vì thấy hết thảy đường thiện ác. Thiện tri thức là thuyền lớn của các ông, vì chuyên chở các ông vượt khỏi biển sanh tử. Thiện tri thức là dây giàm của các ông vì lôi kéo các ông ra khỏi sanh tử.” Vì vậy, sách khuyên bảo: “Hết thảy chúng sanh muốn đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thì nên thân cận thiện tri thức, thưa hỏi pháp yếu.” Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương trong Kinh Pháp Hoa cũng có câu: “Thiện tri thức là đại nhân duyên vì giáo hóa, dẫn dắt khiến được thấy Phật, phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.”
Do những lời dạy trên, chúng ta nhận thấy rằng, muốn chứng Bồ Ðề thì phải cầu bạn lành. Vậy, chúng ta nên dùng cách gì để cầu được bạn lành? Kinh Viên Giác dạy: “Chúng sanh đời mạt toan phát đại tâm cầu thiện tri thức hòng tu hành, thì nên cầu người có chánh tri kiến đối với hết thảy (các pháp thế gian và xuất thế gian), tâm chẳng trụ tướng, chẳng đắm theo cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác. Tuy hiện trong trần lao, nhưng tâm hằng thanh tịnh; thị hiện có các lỗi, nhưng khen ngợi phạm hạnh, chẳng khiến chúng sanh làm điều chẳng đúng với luật nghi. Cầu người như thế thì liền được vô thượng chánh đẳng chánh giác.” Kinh Viên Giác bảo, muốn cầu thiện tri thức thì trước hết phải tìm người có chánh tri kiến đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Thế nào mới được gọi là chánh tri kiến? Viên Giác Ðại Sớ giải thích: “Khéo thông đạt giác tánh, chẳng do tu mà sanh, quyết trạch không nghi, thì gọi là chánh tri kiến.” “Giác tánh” là tánh giác diệu minh. Giác tánh ấy chẳng do tu mà sanh; bởi vì nó vốn sẵn có, chẳng phải từ bên ngoài đến, cũng chẳng phải do tu mà có. “Quyết trạch” là khéo phân biệt các pháp tướng. “Không nghi” là bất động nơi Trung Đạo Ðệ Nhất Nghĩa Đế. Vậy, “quyết trạch không nghi” có nghĩa là tâm chẳng trụ nơi tướng. Tâm chẳng trụ tướng là lìa khỏi cảnh giới phiền não của phàm phu. Nếu còn bận tâm đến chút pháp thì đều gọi là trụ tướng. Thậm chí ngay cả Phật pháp còn chẳng bận tâm, ngay cả với Bồ Ðề, Niết Bàn còn chẳng chấp trước, huống hồ là cảnh giới huyễn mộng của thế gian. Vì thế, người chân thật niệm Phật chẳng nên trụ vào đâu cả mà sanh tâm, chẳng nên trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để sanh tâm, chỉ nên trụ tâm mình trong một câu Phật hiệu A Di Đà. Ðã được vô tâm sở trụ rồi, thì liền khế hợp với viên giác; đấy chính là pháp yếu mà Ngài Đại Thế Bồ tát đã giảng dạy trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Nhiếp thủ sau căn, tịnh niệm tiếp nối không gián đoạn, chẳng cần nhọc công xen tạp với các pháp môn khác, thì sẽ tự được tâm khai.”
Nếu chúng ta có thể lìa hết thảy các sắc tướng, ngôn từ, danh tự, tâm duyên, trong tâm không khởi lên một ý nghĩ nào hết thì khi đọc Kinh, nghe Kinh, niệm Phật liền có thể giải Như Lai Chân Thật Nghĩa. Thế nào là Như Lai Chân Thật Nghĩa? Như Lai Chân Thật Nghĩa đích thực là không có nghĩa gì hết, chỉ là cái tâm thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ của chính mình, cũng chính là Giác Tánh Diệu Minh thông suốt không ngằn mé của chính mình. Người có cái tâm đối với tất cả pháp như thế, chính là người có chánh tri kiến, là chân thiện tri thức. “Chẳng đắm theo cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác” là như Kinh Xưng Tán Ðại Thừa đã dạy: “Thà ở trong địa ngục cả trăm ngàn kiếp, trọn chẳng phát tâm Nhị Thừa.” “Tuy hiện trong trần lao, nhưng tâm hằng thanh tịnh; thị hiện có các lỗi, nhưng khen ngợi phạm hạnh, chẳng khiến chúng sanh làm điều chẳng đúng với luật nghi” ý là như Viên Giác Đại Sớ đã nói: “Người hoại kiến tuy chẳng hoại hạnh, nhưng chẳng thể làm con mắt đạo cho chúng sanh. Dẫu hoại hạnh, nhưng kiến giải chẳng sai lầm, thì vẫn là ruộng phước chân thật thù thắng cho trời người.” Ðại Luận còn viết: “Ðối với các bậc sư tôn, nên tưởng như Thế Tôn. Nếu có ai có thể khai hiển, giải thích nghĩa sâu, cởi mở nghi kết, thì tận tâm cung kính, chẳng nghĩ đến các điều ác khác. Ví như cái túi dù bệ rạc, thì chẳng nên vì cái túi ấy bệ rạc, mà bảo là nó chẳng thể đựng nổi của báu. Lại như ban đêm đi trên đường hiểm, có kẻ tệ hại cầm đuốc thì chẳng nên vì kẻ ấy tệ ác mà chẳng thèm nhờ kẻ ấy soi sáng. Bồ tát cũng lại như vậy: nhờ thầy mà được trí huệ quang minh, thì chẳng bận tâm đến lỗi ác của thầy.”
Những người có đủ các đức tánh như đã nói trên chính là “chân thiện tri thức.” Nếu chúng ta có thể biết được, cầu được vị thiện tri thức như vậy, thì ắt sẽ mau chứng Bồ Ðề, nên Kinh Viên Giác bảo: “Cầu người như thế, liền được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.” Sách Đại Sớ ghi: “Khéo thờ kính minh sư, nên lúc gặp việc cần học hỏi thì liền được minh sư chỉ dạy. Cũng giống như Thiện Tài Đồng Tử sau khi phát Bồ Ðề tâm nơi đức Văn Thù xong, Ngài thỉnh hỏi về Bồ tát hạnh. Ngài Văn Thù chẳng dạy đủ, mà lại dạy nên thân cận thiện hữu tri thức; Ngài Văn Thù bảo Thiện Tài nên gặp Ðức Vân tỳ kheo và các thiện trí thức khác lần lượt mà trụ.” Bởi thế, Kinh Pháp Cú dùng hai mươi mốt thí dụ để ví thiện tri thức như là: cha mẹ, tròng mắt, chân cẳng, thang, ghế cao, thức ăn, áo báu, cầu, rường, của báu, mặt trời, mặt trăng, thân mạng v.v… Cuối cùng Kinh kết luận: “Thiện tri thức có vô lượng công đức như thế, nên ta dạy các ông thân cận. Ðại chúng nghe xong lớn tiếng than thở, tự nghĩ trong bao kiếp nhờ thiện tri thức thủ hộ, nên ngày nay mới được gặp đức Như Lai, nhưng chưa từng báo ân, chưa hề có tâm thân cận. Thốt lên những lời ấy xong lại vật mình khóc lóc.” Vì thế, trong phẩm Phổ Giác của Kinh Viên Giác có lời phổ khuyến rằng: “Chúng sanh đời mạt, muốn tu hành thì phải nên trọn đời cúng dường, phụng sự thiện hữu, thờ kính thiện tri thức.”
Phật nói: “Gặp thiện tri thức, nghe pháp hay hành, việc này cũng khó.” Vì sao lại khó? Bởi vì thiện tri thức rất khó được gặp gở, lại cũng khó nhận biết được ai là thiện tri thức, ai là ác tri thức. Nếu chúng ta may mắn cầu được thiện tri thức, nhưng đối với những lời dạy chân thật của thiện tri thức, chúng ta chẳng thể tin nhận, phụng hành thì lương y cũng đành bó tay; như vậy dẫu có gặp cũng như không. Bởi thế nghe xong lời dạy của thiện tri thức mà có thể tin tưởng nổi, tin rồi làm nổi thì lại càng thật khó hơn.
Trên đây, Kinh đã nói những việc như gặp Phật, nghe Kinh, gặp thiện tri thức nghe pháp mà thực hành nổi, là những việc rất hy hữu khó được, nhưng cả ba điều khó ấy vẫn chẳng khó hơn nổi việc “nghe Kinh này, tin ưa thọ trì”; Kinh chép: “Nếu nghe Kinh này, tin ưa thọ trì là khó trong khó, chẳng gì khó hơn.” Vì sao “nghe Kinh này, tin ưa thọ trì” lại là điều khó nhất trong tất cả các điều khó, chẳng gì khó hơn, thậm chí còn khó hơn cả việc gặp Phật, nghe Kinh và gặp thiện tri thức? Chúng ta phải biết, câu “nghe Kinh này” hàm ý là cái nghe bằng Tự tánh với sự hiểu biết do huân tập trong cuộc sống hằng ngày, chớ chẳng phải là cái nghe suông, qua tai rồi luống mất, hoặc cái nghe biết bằng tâm ý thức của phàm phu sinh tử. Làm nổi việc “nghe Kinh này, tin ưa thọ trì” như thế đấy mới là điều khó làm nhất trong những điều khó. Quán Thế Âm Bồ tát lúc còn tu nhân địa, Ngài được đức Quán Thế Âm Như Lai truyền dạy cho pháp môn “Như huyễn, Văn huân, Văn tu Kim Cang tam muội.” Như huyễn là không thật, Văn huân là huân tập cái nghe, Văn tu là tu tập dựa theo tánh nghe, Kim Cang tam muội là môn chánh định rắn chắc như kim cương. Vậy, “nghe Kinh này” chính là pháp “Như huyễn, Văn huân, Văn tu Kim Cang tam muội” của Quán Thế Âm Bồ tát, tức là pháp môn huân tập cái nghe là huyễn hóa và ngay cả sự tu tập dựa theo cái nghe ấy cũng là như huyễn, không có gì là thật cả. Thật ra, nói tu hành là đứng trên văn tự lời nói, chớ chẳng có cái gì là thật tu hành hết, đừng xem việc tu hành là thật, thì mới đạt được chánh định rất vững chắc, cứng như kim cương. Vì sao? Vì nếu người tu hành mà còn thấy mình tu hành để cầu mong chứng đắc thì tâm vẫn còn tham, còn dính mắc nơi tướng. Trong thật tướng, chẳng có cái gì gọi là chứng đắc cả, tu hành cốt chỉ là để hồi đầu thị ngạn, trở về với bản lai diện mục đã có sẵn của chính mình, như Tâm Kinh dạy: “vô trí diệt vô đắc” là vậy.
Nói theo Tịnh tông, có ba lý do chánh vì sao “nghe Kinh này, tin ưa thọ trì” là khó trong khó, chẳng gì khó hơn? Lý do thứ nhất: Bởi vì các nghĩa khác, các Kinh khác tuyên thuyết khắp nơi. Nhưng khai hiển Tịnh Ðộ, dạy người phải tu như thế nào mới được vãng sanh, chứng vô thượng đạo, thì chỉ có mình Kinh Vô Lượng Thọ là viên đốn nhất, siêu dị nhất, vượt trỗi hơn các giáo pháp khác. Lý do thứ hai: Bởi vì người “nghe Kinh này, tin ưa thọ trì” là người phát được lòng tin ưa bổn nguyện của Phật A Di Đà, thọ trì danh hiệu của Phật A Di Đà; vì đó chính là chánh nhân vãng sanh nên được lợi ích vượt trỗi hơn tất cả các điều lành khác. Lý do thứ ba: Bởi vì mọi căn cơ “nghe Kinh này, tin ưa thọ trì” đều cùng được vào trong báo độ, chỉ một đời là thành tựu, ắt hẵn phải là do túc thiện tích lủy từ nhiều đời nhiều kiếp của họ đến nay đã thành tựu, đó cũng chính là bởi do những đời trước, họ đã từng hành Phật đạo, chẳng phải là người phàm, nên Kinh bảo là khó nhất trong những điều khó, chẳng gì khó hơn.
Kinh nói, nếu ai có thể đối với diệu pháp đệ nhất hy hữu, khó nghe, khó tin, một đời thành tựu này mà nghe được, tin được, lãnh nhận được, vâng giữ được, thì nên biết người ấy trong nhiều đời, nhiều kiếp đã huân tu theo Kinh này và đã gieo nhiều căn lành. Đây mới chính thực là căn lành hy hữu vượt trỗi hết thảy các điều lành khác. Vì cớ sao? Bởi vì bất chấp họ thuộc vào căn cơ nào, họ cũng đều cùng được sanh vào trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Đại Bồ tát. Vì sự hy hữu khó tin như thế, nên Kinh mới bảo là “khó trong khó, chẳng gì khó hơn.” Nói như vậy không có nghĩa là pháp môn này khó tu, mà chỉ ngụ ý là: Thật là khó có những người có những thiện căn, phước đức, nhân duyên hy hữu như thế! Nếu ai là người đối với diệu pháp đệ nhất hy hữu, khó nghe, khó tin, chỉ một đời thành tựu này mà nghe được, tin được, lãnh nhận được, vâng giữ được thì người ấy chính là người không hạ liệt, cũng không cống cao, họ là người chỉ trong một đời này có thể thành tựu hết thảy các căn lành mà trong giáo pháp của Phật được gọi là “đệ tử bậc nhất,” là “đóa hoa sen tươi thắm, ngào ngạt hương thơm” của hai đấng đạo sư Thích Ca Mâu Ni và A Di Đà Phật; vì thế, Kinh mới bảo là “khó trong khó, chẳng gì khó hơn,” cũng có nghĩa là: Thật là khó có những người có những thiện căn, phước đức, nhân duyên hy hữu như thế!
Kinh cũng nói: “Như có chúng sinh, đặng nghe tiếng Phật, từ tâm thanh tịnh, hớn hở vui mừng, lông tóc dựng đứng, hoặc chảy nước mắt, đều do đời trước, từng hành Phật đạo, chẳng phải người phàm.” “Đặng nghe tiếng Phật” ở đây chính là nghe danh hiệu “A Di Ðà Phật.” Chữ “nghe” bao hàm nghe danh hiệu Phật, thọ trì. Bởi danh hiệu Phật có đủ vạn đức, nên người nghe phải bắt nguồn “từ tâm thanh tịnh.” “Từ tâm” ở đây có nghĩa là từ nơi chí thành tâm và thâm tín tâm mà phát khởi đại tâm. “Thanh tịnh” là thuần tịnh vô cấu. “Vui mừng” là nội tâm hỷ lạc. “Hớn hở” là sự hân hoan phấn chấn, thể hiện ra nơi dáng vẻ, lời nói. “Lông tóc dựng đứng” ý nói là các lỗ chân lông khắp thân mình đều nở to ra, lông và tóc đều dựng đứng cả lên. “Chảy nước mắt” là nước mắt tuôn ra. Những người được nghe danh hiệu Phật A Di Đà mà tự nhiên biểu hiện các tướng trạng như thế đấy, đều là những người từ Phật đạo mà đến. Những người ấy đều có thiện căn, phước đức, nhân duyên hy hữu như đoạn Kinh đã nói là “khó trong khó, chẳng gì khó hơn.” Phẩm Phương Tiện Kinh Pháp Hoa có câu: “Các vị Thế Tôn ấy đều nói pháp Nhất Thừa, giáo hóa vô lượng chúng sanh khiến họ nhập Phật đạo.” Vậy, chữ “Phật đạo” ở đây có nghĩa là Vô thượng Bồ Ðề mà Phật đã chứng đắc. “Phật đạo” cũng chính là vạn hạnh tu để đạt đến địa vị Phật. Vậy, câu “ từng hành Phật đạo, chẳng phải người phàm” chính là lời đức Phật khen ngợi những người tin hiểu, thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ này. Kinh Kim Cang cũng khen ngợi rằng: “Trong đời tương lai năm trăm năm sau, nếu có chúng sanh được nghe Kinh này tin hiểu, thọ trì, thì người ấy chính là đệ nhất hy hữu. Vì sao vậy? Người ấy không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng.” Trong tác phẩm Phá Không Luận, Ngài Linh Phong Đại sư đã giảng như sau: “Ðây chính là tín tu đại quả. Nếu như còn có chút mảy tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thì quyết chẳng tin nổi Kinh này. Nếu như tin hiểu, thọ trì Kinh này, thì quyết phải thông đạt ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng đương thể chính là vô tướng.” Vì thế người tin hiểu, thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ cũng chính là người khế hợp với ý chỉ của Kinh Kim Cang: “Thấy tất cả tướng là phi tướng, tức thấy Như Lai” và “Lìa hết thảy các tướng, tức là Phật.”
Chuẩn theo lời giảng ấy mà luận, thì Kinh Vô Lượng Thọ chính là pháp hết thảy thế gian khó tin, khó hiểu nổi, nên nếu ai sanh nổi lòng tin hiểu đối với pháp này, thì nên biết rằng người ấy chẳng phải là phàm nhân, mà chính là người hy hữu nhất trong hết thảy thế gian. Nếu có thể sanh lòng tin chân thật vào Viên giáo, hiểu trọn vẹn, tu trọn vẹn, thì mới đáng xưng tụng là người căn cơ viên đốn. Người có căn cơ viên đốn tu hành một ngày bằng thường nhân tu hành cả một kiếp. Trái lại, nếu kẻ hồ nghi, chẳng tin Kinh này, thì Kinh nói: “Nếu nghe hiệu Phật, trong lòng hồ nghi, lời Kinh Phật dạy, thảy chẳng lòng tin, đều do ở trong đường dữ mà tới, tai ương đời trước, chưa được dứt tận, chưa được độ thoát, nên tâm hồ nghi, chẳng hướng tin vậy.” Người này mới từ ba ác đạo thoát ra, ương họa nghiệp chướng túc thế của họ chưa thể đoạn hết; nên trong đời này họ còn chưa đến thời kỳ được đắc độ, nên họ chẳng thể tin nhận nổi Kinh này. Ðây cũng chính là điều mà Kinh Kim Cang đã nói: “Trong đời mai sau, có kẻ thọ trì, đọc tụng Kinh này, nếu ta nói đủ công đức người ấy đạt được, ắt sẽ có kẻ nghe rồi tâm liền cuồng loạn, hồ nghi chẳng tin.” Vì vậy, chúng ta thấy rõ ràng rằng, pháp môn càng thù thắng bao nhiêu thì thế nhân càng khó tin bấy nhiêu. Bởi thế, đối với pháp viên đốn này, người đời hồ nghi chẳng tin chỉ là việc thường tình; ngược lại, người tin hiểu được Kinh này, đều là do trong các đời trước, họ đã từng hành Phật đạo, chẳng phải người phàm.