Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.” Dịch nghĩa là “Vì không có chỗ chứng đắc, nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo, mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn.”
Do vì tâm thức của chúng sanh thường hay chất chứa, tích lũy các thứ phiền não phân biệt chấp trước nên phải chịu quả báo khổ đau. Một khi thân tâm lãnh chịu những thứ phiền não khổ đau rồi thì có muốn tu cũng rất khó, bởi vì càng khổ đau thì càng tăng thêm sân giận làm mất đi Tự tánh viên minh của mình, tức là càng tăng thêm vô minh. Phiền não vô minh chỉ có thể khắc phục được bằng tâm thanh tịnh, tâm giác tỉnh và sự phấn đấu của bản thân; cho nên kinh dạy: “Phiền não chính là Bồ-đề.” Thật vậy, giác ngộ luôn có mặt trong tất cả các thứ phiền não, chúng ta chỉ cần chịu khó quán chiếu, suy nghĩ kỹ càng thì sẽ thấy sự thật này. Hơn nữa, người hiểu biết Phật pháp thì phiền não chính là động lực làm ý chí tu học cầu giải thoát của họ càng thêm mạnh mẽ; cho nên họ mau chóng giác ngộ. Như vậy, phiền não và Bồ-đề vốn sanh ra từ trong một Thể, chẳng phải hai; Thể đó gọi là Tự tánh Viên minh Thể hay Phật tánh.
Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện: “Lúc con làm Phật, tất cả chúng sanh sanh về nước con, xa lìa phân biệt, sáu căn tịch tịnh, nếu chẳng quyết định thành bậc Chánh Giác, chứng đại Niết-bàn, con thề quyết không ở ngôi Chánh Giác.” Bát-nhã Tâm kinh lại nói: “Không có vô minh và cũng không có cái hết vô minh,” vậy nghĩa là sao? Khi tâm mình phát khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì Tự tánh liền biến thành A-lai-da thức nên mới có cái thấy biết sai lầm, tức là thấy “có phiền não, có Bồ-đề.” Nhưng khi tỉnh giác rồi thì sẽ thấy “phiền não cũng không có, Bồ-đề cũng không có.” Do bởi vọng tâm sanh ra phiền não nên Phật mới giả nói là “có Bồ-đề” dùng để khắc phục phiền não. Đây chính là pháp giới của chúng sanh, có cái này sanh thì có cái kia sanh, có cái này diệt thì có cái kia diệt. Trên chân tướng của sự thật thì phiền não và Bồ-đề đều là huyễn giả, chẳng phải thật có. Bởi vì hết thảy các thứ bệnh khổ của chúng sanh đều là giả, nên Phật-đành phải dùng thuốc giả để trị bệnh giả nên mới nói “có phiền não, có Bồ-đề” hay “có vô minh, có hết vô minh;” chớ thật ra nơi Phật nào có các pháp sanh diệt này! Khi nào chúng ta thật sự thấy, phiền não không có, Bồ-đề cũng không có, không có vô minh cũng không có cái hết vô minh, thì lúc ấy mới đạt được cảnh giới “xa lìa phân biệt, sáu căn tịch tịnh, chứng đại Niết-bàn, thành bậc Chánh Giác.”
Chúng ta phải biết nơi nào có khổ đau thì nơi ấy có sự hiện hữu của chư Phật, Bồ-tát đến để cứu khổ, ban vui cho chúng sanh. Khổ là do vô minh vọng thức của chúng sanh gây ra, nên Phật nói có cái pháp gọi là “giác ngộ” để trị cái bệnh “vô minh;” chớ thật ra trong Chân tâm Tự tánh nào có vô minh hay giác ngộ. Hơn nữa, phước báu thế gian chính là mầm móng sanh ra các sự khổ cho đời này đời sau. Nơi nào có tham dục, giàu sang thương muốn thì nơi đó có ma vương đến dẫn dụ chúng sanh vào tam ác đạo. Vì thế trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy: “Mọi người phải nên, nghĩ suy chín chắn, xa lìa việc ác, chọn đường lương thiện, siêng năng thực hành, sang giàu thương muốn, không thể bền giữ, đều phải lánh xa, chẳng thể an vui. Phải nên tinh tấn, sinh nước An Lạc, trí huệ thông suốt, công đức thù thắng. Chớ nên phóng tâm, vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới, phải đứng sau người.”
Đoạn tất cả các việc ác, làm tất cả các việc thiện, luôn giữ tâm mình trong sạch thanh tịnh chính là thuốc A-dà-đà hữu hiệu nhất, có thể trị khỏi tất cả các thứ bệnh khổ của chúng sanh. Trong tất cả các việc thiện, giữ tâm thanh tịnh, nhất tâm niệm Phật là điều thiện bậc nhất, vì sao? Vì nó phát sanh ra một vị Phật trong tương lai. Trong các điều ác thì sát sanh, hại vật, hại người là điều ác nhất, vì sao? Vì nó sanh ra tam ác đạo. Ấn Quang tổ sư dạy, dùng miệng lưỡi của mình gây tổn hại cho người khác cũng chính là tội sát sanh.
Bổn hoài của đức Phật A Di Đà chỉ là cốt sao khiến cho hết thảy chúng sanh đều thành Phật. Ðể thực hiện lời nguyện này, Ngài lập đại nguyện thù thắng “Mười Niệm ắt vãng sanh.” Như vậy, vãng sanh là quyết định thành Phật, điều này thể hiện thật rõ ràng tâm nguyện của Phật A Di Ðà, đó là: Chỉ dùng một Phật thừa để đưa hết trọn vô biên chúng sanh vào Niết-bàn rốt ráo. Chúng sanh chỉ cần tin và nương theo đấy mà tu, nhất định sẽ được vãng sanh, vãng sanh xong thì quyết định sẽ thành Phật. Đây thật là một pháp tu giản dị bậc nhất, là con đường tắt cực viên cực đốn. Những người tin được ý chỉ này của A Di Đà Phật, một chút cũng chẳng sanh nghi chính là đã thành tựu vô thượng trí huệ của Như Lai, là đệ tử bậc nhất của Phật.
Người tu Tịnh nghiệp thì phải xa lìa phân biệt, sáu căn tịch tịnh, nếu người tu hành đạo pháp của Phật mà lấy tâm phân biệt hư vọng làm thể tánh mà suy nghĩ để nhận biết sự và lý của các pháp thì đối với pháp vô phân biệt này lại càng thêm sanh lòng phân biệt; vậy đó là ngã pháp hay chánh pháp? Bởi vậy, các kinh đều nói, hễ ai đoạn được phân biệt hoặc thì đắc Vô Phân Biệt trí. Vậy, người tin nổi pháp môn này với tâm vô phân biệt, sáu căn tịch tịnh chính là người thành tựu Vô Phân Biệt trí. Tất cả chúng sanh, khi vãng sanh Cực Lạc liền xa lìa phân biệt, tức là đoạn trừ được phân biệt vọng hoặc, đắc Vô Phân Biệt trí, nhận biết rõ được Chân như chính là vạn pháp, vạn pháp chính là Chân như. Vì sao? Bởi vì vạn pháp xuất sanh ra từ Chân như, rồi cũng sẽ trở về Chân như, nên chẳng có sự phân biệt thật. Khi hành nhân đắc được Vô Phân Biệt trí rồi thì tất nhiên lìa được phiền não, nên gọi là “tịch.”
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói, vạn pháp trong thế gian mà chúng ta đang sống đều là do từ A-lai-da của ta biến hóa ra. Vì vậy, tất cả mọi sự, mọi vật như là: núi sông, đại địa, cây cỏ, hoa lá, thiên hà, tinh tú, mặt trời, mặt trăng, hiện tượng, hư không v.v... đối với ta đều là cùng chung một Thể; Thể đó được gọi là Tự tánh Viên Minh Thể. Ngay cả những hiện tượng như là giấc mộng mà chúng ta thường xem là huyễn cảnh chẳng thật lại chính là hiện tượng biến hóa của A-lai-da. Hết thảy mọi sự, mọi vật và hiện tượng đều là những cảnh giới biến hiện ra từ những chủng tử trong A-lai-da thức của chính mình, nhưng A-lai-da do đâu mà có? A-lai-da là do Tự tánh của ta biến hiện ra sau khi mất đi Chân tánh; Phật giáo gọi đó là y báo và chánh báo trong mười phương pháp giới. Chúng ta nhận thấy, tuy rằng cảnh mộng đều là huyễn, nhưng do vì chúng đều sanh ra từ chủng tử nghiệp lưu lại trong A-lai-da thức của ta từ nhiều đời nhiều kiếp; cho nên, từ những cảnh tượng này, chúng ta có thể đoán biết tiền kiếp và nghiệp thức của mình, cũng như những chuyện xảy ra trong tương lai từ nơi cái nhân mình tạo trong quá khứ. Nói cách khác, người có linh tánh diệu minh có thể từ các nhân trong chủng tử nghiệp mà thấy được cảnh giới trong quá khứ và tương lai. Thí dụ, trong mộng hay trong thiền định, khi ta không tác ý mà trong trạng thái rỗng lặng thanh tịnh ấy bổng dưng nhận thấy những cảnh vật hiện ra trong tâm tưởng của mình, thì đó chính là những cảnh vật có liên quan đến tiền kiếp của mình hiện ra từ A-lai-da thức, chớ chẳng phải là nó tự nhiên sanh ra. Thế nhưng, khi chúng ta hiểu rõ vạn pháp vốn là không, nơi huyễn lìa huyễn thì sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) của ta đều đồng quy về tịch tịnh, tức là chẳng sanh tâm phân biệt. Lúc ấy năng sở đều biến mất, thì tự nhiên chúng ta xa lìa si ám, tức đoạn được vô minh. Khi tâm thông thì vạn pháp tự nhiên thông; đấy là cảnh giới của người triệt khai triệt ngộ, minh tâm kiến tánh thành Phật. Vì vậy, kinh Vô Lượng Thọ nói: “Xa lìa phân biệt, sáu căn tịch tịnh, quyết định thành bậc Chánh Giác, chứng đại Niết-bàn.” Bát Nhã Tâm Kinh cũng ghi: “Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.”
Sáu căn được tịch thì tức thời dứt trừ được tất cả khổ sở. Vậy, tịch tịnh chính là Lý Niết-bàn. Bởi lẽ, Lý Niết-bàn là: “Hết thảy các pháp vốn tịch tịnh, chẳng có, chẳng không.” Do xa lìa phân biệt vọng hoặc, các căn được tịch tịnh nên khế nhập Lý Niết-bàn bằng một trong ba môn: Không, Vô tướng hay Vô tác. Mâu Ni nghĩa là tịch tịnh. Vì thân, khẩu và ý của đức Thế Tôn đều tịch tịnh, nên Ngài có hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Bởi vậy, kinh dạy: Nếu chúng sanh có thể xa lìa phân biệt, sáu căn tịch tịnh thì quyết định thành bậc Chánh Giác, chứng đại Niết-bàn. Chánh giác ở đây là nói tắt của chữ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
“Ðại Niết-bàn” là Niết-bàn của Ðại thừa, còn có tên khác là Phật quả. Niết-bàn của Ðại thừa có đủ ba đức: Pháp thân, Bát-nhã và giải thoát và đủ bốn nghĩa: thường, lạc, ngã, tịnh. Cho nên, “chứng đại Niết-bàn” có nghĩa là lìa khỏi hai thứ sanh tử, đầy đủ vô biên thân trí. Theo các pháp môn tu tự độ, hành nhân phải đoạn hai thứ kiến tư phiền não và vô minh phiền não thì mới có thể lìa được hai thứ phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử để chứng Đại Niết-bàn. Bởi vì kiến tư phiền não cảm lấy phần đoạn sanh tử và vô minh phiền não cảm lấy biến dịch sanh tử. Trong ba đức, Niết-bàn của Nhị thừa chỉ có giải thoát, chưa chứng được Pháp thân và Bát-nhã. Trong bốn nghĩa, Nhị thừa chỉ có thường, lạc, tịnh, chưa đoạn được ngã. Cho nên, Nhị thừa tuy đã lìa được phần đoạn sanh tử trong tam giới, nhưng vì chưa đoạn sạch được vô minh nên vẫn còn biến dịch sanh tử, chưa thể chứng Đại Niết-bàn. Do đó, cõi mà Nhị thừa trụ chỉ là cõi phương tiện, kinh Pháp Hoa gọi cõi đó Hóa Thành Dụ, chớ chẳng phải là cõi Niết-bàn Thường Trụ. Ví dụ, trong nước Cực Lạc cũng có quốc độ dành riêng cho hàng Thanh văn, Duyên giác, được gọi là Phương Tiện Hữu Dư độ, đây chỉ là cõi phương tiện của hàng Nhị thừa.