Trong kinh quán Vô Lượng Thọ, phu nhân Di Đề Hy do nhờ thần lực gia bị của Thích Ca Mâu Ni Phật mà thấy đặng vô lượng các cõi Phật độ; trong đó có cõi là uế độ, có cõi là hóa độ và có cõi là tịnh độ. Từ các cõi này, bà nhận thấy Tây Phương Cực Lạc là cõi nước trang nghiêm, thù diệu bậc nhất trong tất cả các cõi Phật độ. Do đó bà liền phát lòng vui thích, nguyện sanh về cõi này. Còn Trong kinh Vô Lượng Thọ, Tỳ-kheo Pháp dùng trí huệ thâm sâu để quán sát các sự thiện và ác trong các cõi trời và người, Ngài thấy hầu hết chúng sanh đều chẳng có trí huệ, nên chẳng hiểu cái gì là thiện, cái gì là ác, lành dữ họa phúc tự mình cũng chẳng thấu rõ nên tạo ra biết bao lỗi lầm. Trong các chùa Phật giáo thường thờ hình tượng của ông Thiện và ông Ác đứng hai bên phải trái của hình tượng đức Phật, nhằm mục đích nhắc nhở Phật tử chúng ta phải dùng trí huệ để quán sát mà hiểu rõ những sự thiện ác trong đời để tránh phạm lỗi lầm.
Ngay trong Phật giáo cũng có nhiều lý thuyết khác nhau dùng để phán định về tánh thiện và ác của trời, người. Ở đây, chúng ta chỉ nêu ra vài thuyết trọng yếu được trích ra từ trong kinh điển và những bản luận của chư Đại Đức để suy ngẫm, tư duy và nhận biết chân thật nghĩa của hai chữ thiện và ác:
· Thuyết thứ nhất, ngài Tịnh Ảnh phán định có ba thứ thiện, ác:Phán định thứ nhất: “Thuận ích là thiện, tổn nghịch là ác.” Duy Thức Luận xét rằng, người hành các pháp dù là hữu lậu hay vô lậu, nếu thuận ích cho đời này thì là thiện; người hành pháp thiện như vậy sẽ được hưởng quả vui trong cõi trời. Ngược lại, nếu những hành pháp tổn nghịch đời này và đời sau thì là ác; người hành các ác pháp như vậy sẽ phải lãnh chịu khổ quả trong đường ác. Lại nữa, dù việc làm có thuận ích cho đời này nhưng lại không thuận ích đời sau cũng chẳng được gọi là thiện. Ngược lại, có những việc làm tuy là tổn nghịch cho đời này, nhưng không tổn hại đời sau thì chẳng gọi là bất thiện.
Phán định thứ hai: “Thuận lý là thiện, nghịch lý là ác.” Lý được nói ở đây là Tánh không, Vô tướng. Ví dụ, khi thực hành bố thí, nếu có thể với người thí, kẻ nhận và vật được thí đều thấy thể của chúng là không; vô tướng mà hành bố thí như thế thì là thiện. Nếu còn ý tưởng, có kẻ thí, có người nhận, có vật đem bố thí thì là trái với lý; vì đó là hữu tướng hành nên là ác. Như vậy, thiện pháp đã tu của các vị kể từ Phật, Bồ-tát trở xuống cho đến A-la-hán mới là thiện. Còn những thiện pháp của chúng sanh tu đều là hữu tướng hành nên gọi là ác.
Phán định thứ ba: “Thuận theo thể là thiện, trái với thể là ác.” Kinh Bồ-tát Anh Lạc nói, thuận theo Ðệ Nhất Nghĩa đế là thiện, trái nghịch với Ðệ Nhất Nghĩa đế là ác. Thoạt tiên tâm thức của chúng sanh khởi lên một ý tưởng trụ vào duyên. Nếu tâm này thuận theo Ðệ Nhất Nghĩa đế mà khởi duyên thì gọi là thiện, còn nếu như trái nghịch Ðệ Nhất Nghĩa đế mà khởi duyên thì gọi là ác. “Ðế” nghĩa là đạo lý chân thật. Ðệ Nhất Nghĩa đế là đạo lý chân thật bậc nhất trong các pháp bởi vì đó là Thật tế Lý thể, nên còn được gọi là Chân đế, Thánh đế, Chân như, Thật tướng, Trung đạo, Chân tánh v.v… Nếu chúng sanh khởi một niệm thuận với Thật tế Lý thể thì là thiện, trái với Thật tế Lý thể thì thành ác. Chân tánh của pháp giới vốn là Tự thể của chính mình; Thể tánh do duyên khởi mà trở thành hạnh đức, sở hạnh chỉ là Tự thể. Nếu tâm không duyên vào đâu, tùy theo ý thích mà chẳng phạm giới thì đấy mới là cái thiện của Đệ Nhất Nghĩa đế. Theo quan điểm này, chẳng luận phàm phu, Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác), kể cả Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát), dẫu làm được điều thiện, nhưng mà còn có chỗ để duyên vào thì đều là ác cả. Vì thế, kinh Kim Cang mới dạy: “Chẳng nên trụ vào đâu cả mà sanh tâm mình.”
· Thuyết thứ Hai, tông Thiên Thai lập ra sáu thứ thiện, ác theo cấp bậc như sau: Thế nào là cái thiện của trời người? Thập thiện, ngũ giới là sự thiện trong cõi trời người, nhưng khi quả báo cõi trời người đã hết, lại bị đọa trong tam ác đạo, nên cũng là ác.
Thế nào là cái thiện của Nhị thừa trong Tạng giáo? Nhị thừa tuy xa lìa cái khổ trong tam giới là sự thiện, nhưng chỉ tự độ, chẳng độ được người khác nên cũng là ác.
Thế nào là cái thiện của Bồ-tát? Tuy Bồ-tát từ bi cứu vớt hết cả chúng sanh là sự thiện, nhưng chưa đoạn được một mảy phiền não, nên cũng là ác. Ví dụ, chúng ta nơi tướng hành đạo Bồ-tát, cứu độ chúng sanh, nhưng nơi tâm mình vẫn còn phân biệt, chấp trước, chưa đoạn được các phiền não thì dù cho chúng ta có làm vô số điều thiện nhưng tâm mình vẫn còn nằm ở trong pháp ác. Chưa nói đến lắm lúc tâm của chúng ta càng làm nhiều điều thiện bao nhiêu thì lại càng sanh ra nhiều kiến tư, trần-sa và vô minh phiền não bấy nhiêu. Do đó, còn thấy có tướng hành thì tâm tâm vẫn chưa rời được pháp ác. Vì thế, kinh Kim Cang mới nói: “Bồ-tát còn thấy có một chúng sanh để độ thì chẳng thật phải là Bồ-tát.” Ví dụ, Lương Võ Đế xây cất hằng trăm ngôi chùa, cúng dường chư tăng vô số, nhưng do chấp vào việc thiện mình đã làm nên chẳng được gọi là việc thiện và cũng chẳng có công đức. Ngược lại, Hòa thượng Hư Vân xây hơn chín mươi ngôi chùa mà chẳng trụ trì một ngôi chùa nào cả, cũng chẳng nhớ đến cái chùa mình đã xây để ghé lại viếng thăm thì lại chính là việc thiện và công đức chân thật.
Thế nào là cái thiện của Tam thừa trong Thông giáo? Thông giáo là giáo pháp trong Đại thừa, nhưng thông cả ba thừa Tiểu, Trung và Đại. Tam thừa đoạn được kiến tư phiền não nên là thiện, nhưng bị rớt vào nhị biên, chẳng thấy được lý Trung đạo của Viên giáo, nên chưa đoạn được một phần vô minh; do vậy cũng là ác.
Thế nào là cái thiện của Bồ-tát trong Viên giáo? Viên giáo còn gọi là Biệt giáo, là giáo pháp được nói trong kinh Ðại thừa, chẳng thông với Tiểu thừa. Viên giáo là vô ngại pháp môn chỉ cho pháp giới tự tại viên mãn đầy đủ: Một là hết thảy, hết thảy là một, tự tại vô ngại v.v... Lý viên diệu này là điều thiện cùng tột bởi vì viên lý thuận với Thật tướng. Người thấu đạt viên lý là thiện, nhưng còn chấp trước vào viên lý thì lại thành ác. Chấp vào viên lý mà còn bị coi là ác, huống chi là chấp vào các pháp khác. Do vậy, người thấy được lý Trung đạo là thiện, nhưng vẫn còn chấp vào cái lý của Trung đạo thì dù có hiểu lý rất sâu, nhưng sở hành vẫn còn vướng mắc trong phương tiện pháp, nên chẳng xứng hợp viên lý nên cũng bị coi là ác.
Sau khi Tỳ-kheo Pháp Tạng quán sát sự thiện, ác của chúng sanh trong mười phương, Ngài lại quán sát tính chất thô hay diệu của các nước ấy mà thấu hiểu rằng: Trong các cõi Tịnh độ có các sự thô hay diệu sai khác, không giống nhau. Nói cách khác, quốc độ chính là hình bóng của chúng sanh. Hình dài thì bóng nó dài, hình ngắn thì cõi đất cũng ngắn ngủi. Bóng do hình quyết định, bóng phụ thuộc vào hình, người lành thời cõi nước diệu, còn người ác thì ắt hẳn là cõi nước hèn kém. Vì vậy, con người thiện hay ác chính là cái nhân sanh ra cõi nước nước thô hay diệu. Nói cách khác, cõi nước thô hay diệu chính là cái quả do con người tạo ra. Với mỗi một cái nhân thiện hay ác, với mỗi cái quả thô hay diệu của các cõi nước Phật, Tỳ-kheo Pháp Tạng đều suy nghĩ, phân biệt tỉ mỉ đến cùng cực, thấu đạt rốt ráo không ngằn mé; đó mới là thấu rõ Chân thật tế, biết rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh. Từ trong Chân thật tế ấy, Tỳ-kheo Pháp Tạng chuyên nhất Tự tâm, chọn lựa lấy ý nguyện độ sanh, khai hóa, hiển thị và nêu lên các thứ y báo, chánh báo trang nghiêm, pháp môn Tịnh độ chẳng thể nghĩ bàn, rồi kết thành đại nguyện để ban cho chúng sanh cái lợi chân thật.
Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Tư duy rốt ráo liền được Nhất tâm.” Kinh Pháp Hoa lại chép: “Tín mãn thì thành Phật.” Do “đắc Nhất tâm” và “thành Phật” là cùng một nghĩa, nên “Tư duy rốt ráo” và “Tín mãn” cũng có cùng một ý nghĩa. Nghĩa đó là do cái tâm ấy thấu rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh là không, thiện và ác cũng đều là không, nên chẳng còn một niệm nào khác duy trừ chỉ có một niệm Tín tâm; đấy gọi là Nhất tâm. Nhất tâm chính là Chân như và cũng là cái nhân chân thật của Báo độ thanh tịnh, vì sao? Vì có Nhất tâm thì mới có thể kết thành đại nguyện, nên kinh này nói một mạch: “Tư duy rốt ráo liền được Nhất Tâm, chọn các điều muốn, kết thành nguyện lớn.” Lại nữa, nếu hành nhân đạt được sự Nhất tâm thì mười phương thế giới sẽ tự nhiên quy về một chỗ, thì đó lại là Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân, là Thường Tịch Quang độ. Tỳ-kheo Pháp Tạng dùng hạnh thanh tịnh tu tập trọn đủ năm kiếp để giữ lấy cõi Phật Tịnh độ nên mới thành tựu được đại nguyện của mình. Nói cách khác, Tỳ-kheo Pháp Tạng phải siêng năng cầu tiến, cung kính thận trọng, hết lòng gìn giữ, tu tập đầy đủ hết thảy công đức trong năm kiếp thì quốc độ được Ngài nhiếp thủ mới siêu việt các cõi Phật khác. Vì vậy, “năm kiếp tu hành” của Tỳ-kheo Pháp Tạng là thời gian tu hành và phát nguyện.
Trong năm kiếp tu hành ấy, Tỳ-kheo Pháp Tạng đối với các thứ công đức kỳ diệu, trang nghiêm thù thắng của hai trăm mười ức cõi Phật, đối với mỗi một thứ thiện, ác, thô, diệu sai biệt đều thông đạt rõ ràng như là một cõi Phật. Qua một thời gian dài lâu suy nghĩ, chọn lựa, tu tập, nhiếp thủ, Tỳ-kheo Pháp Tạng mới có thể kết thành Bốn Mươi Tám Đại Nguyện, ngõ hầu chỗ nhiếp nước Phật của Ngài siêu việt mười phương cõi Phật. Ở đây, kinh đã cực tả sự thù thắng độc diệu của cõi nước Cực Lạc và giải thích chỗ phương tiện độc lạ của Tha Lực pháp môn.
Sau khi nhiếp thọ cõi nước Tịnh độ xong rồi, Tỳ-kheo Pháp Tạng lại đến chỗ của đức Thế Gian Tự Tại Vương Phật, cúi đầu dưới chân Phật, kế đó nhiễu Phật ba vòng để biểu thị ý sự trân trọng hành lễ. Nhiễu xong, liền chắp tay đứng yên trước Phật, hướng về đức Phật bạch rằng: “Con đã thành tựu, trang nghiêm nước Phật, các hạnh thanh tịnh.” Phật Thế Gian Tự Tại Vương biểu lộ sự vui mừng rất sâu xa và khen rằng: Lành thay! Hạnh của Tỳ-kheo Pháp Tạng thật là vừa ý thánh tâm, thông suốt bổn hoài của chư Phật, ứng hợp trọn vẹn hết thảy các căn cơ. Đức Phật còn bảo Tỳ-kheo Pháp Tạng, nay thời cơ đã đến lúc chín muồi để quy hội ba thừa về thành một thừa, hành giả trong cả ba thừa đều cùng được hưởng xe trâu trắng lớn, cùng được nhập một Như Lai thừa. Vì muốn cho thập phương cửu giới chúng sanh đều cùng nhập Nhất thừa Đại thệ Nguyện Hải của Phật Di Ðà, hết thảy hàm linh đều được độ thoát, nên Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai khuyên Tỳ-kheo Pháp Tạng nên tuyên thuyết sự thành tựu của mình, để toàn bộ đại chúng cùng được hưởng lợi ích lớn lao. Hai chữ “đại chúng” ở đây bao gồm đại chúng đang hiện diện khi ấy lẫn hết thảy phàm phu, Nhị thừa và Bồ-tát trong đời tương lai. Phàm phu chúng ta ngày nay cũng nằm trong số đại chúng này.
Tỳ-kheo Pháp Tạng sau khi tự nói ra Đại Nguyện và sự thành tựu cõi Tịnh độ của mình xong, khiến cho khắp tất cả đại chúng trong mười phương suốt cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lại đều cùng được nghe, đều cùng sanh tâm hoan hỷ phát nguyện vãng sanh, mau vượt khỏi biển khổ sanh tử. Lại nữa, sau khi nghe xong pháp này, họ đều được hưởng lợi ích chân thật và cùng nhau phát cái nguyện của A Di Ðà Phật, học cái hạnh của Tỳ-kheo Pháp Tạng nhiếp thủ cõi Phật Tịnh độ, viên mãn đại nguyện.
Đại Nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng viên mãn hết thảy chí nguyện của tất cả chúng sanh, nên kinh chép là “đầy đủ viên mãn, vô lượng nguyện lớn.” Vì sao? Bởi vì khi chúng sanh viên mãn một nguyện vãng sanh Tịnh độ thì cũng chính là viên mãn hết thảy các chí nguyện; đấy chính là tâm tủy của hết thảy chư Phật. Đại nguyện do Tỳ-kheo Pháp Tạng trong cả năm kiếp siêng năng gắng gỏi tìm cầu, chọn lọc, thật ra chỉ là một nguyện, nguyện ấy nhằm khiến cho hết thảy chúng sanh chân thật phát khởi ý nguyện cầu vãng sanh Tịnh độ, sau khi vãng sanh Tịnh độ rồi thì quyết định thành Phật. Nói cách khác, nguyện tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh Cực Lạc một đời thành Phật là thật, còn tất cả các nguyện khác đều là giả nếu đem so sánh với nguyện này. Vì vậy, phàm phu chúng ta trong đời Mạt pháp, chỉ cần viên mãn nguyện vãng sanh thì liền xứng hợp với Di Ðà Đại Nguyện, liền được nhập vào trong Nhất thừa Nguyện Hải, liền cùng một thể với Di Ðà Đại Nguyện, nên kinh dùng câu “đầy đủ viên mãn, vô lượng nguyện lớn” để kết thúc Phẩm kinh này, cũng là kết thúc chí nguyện độ tận hết thảy chúng sanh đồng thành Phật quả của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Những gì là phương tiện, những gì là đường thẳng chóng? Chính là từ quả khởi tu, thẳng đến cứu cánh. Pháp môn Tịnh độ thật là một Tha Lực môn chẳng thể nghĩ bàn vậy!
Tỳ-kheo Pháp Tạng tuân lời chỉ dạy của Thế Gian Tự Vương Như Lai, đối trước đại chúng tuyên thuyết những nguyện lớn mà Ngài đã phát; đó là Bốn Mươi Tám Đại Nguyện công đức thành tựu mà chỉ quy về một Chánh Giác, đó là sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Ðà Phật.” “Nam Mô” nghĩa là quay về nương tựa. “A Di Đà Phật” nghĩa là Chánh Giác. “Nam Mô A Di Ðà Phật” có nghĩa là quay về nương tựa quả Chánh Giác của A Di Đà Như Lai để tự mình cũng thành Chánh Giác; đấy gọi là từ quả hướng nhân! Mà Chánh Giác có nghĩa là giác mà không mê, nên người niệm Phật phải có trí tuệ, chẳng nên vọng tưởng, si mê, thì câu niệm Phật mới có thể sanh ra diệu lực.
Bốn Mươi Tám Ðại Thệ Nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng, diệu đức khó thể lường nổi, nên được gọi là Nhất thừa Hoằng Thệ Bổn Nguyện Hải hay Bi Nguyện Nhất thừa. Nếu xét về mặt Pháp thân, thì Bốn Mươi Tám Đại Nguyện là sở chứng của Phật A Di Đà hiển bày trọn vẹn Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân Phật. Nếu xét về mặt độ sanh thì Bốn Mươi Tám Nguyện đều là để nhiếp thọ chúng sanh vãng sanh Cực Lạc cứu cánh Phật quả; vì thế cho nên mỗi nguyện trong Bốn Mươi Tám Đại Nguyện đều dung chứa lẫn nhau chẳng thể nghĩ bàn.
Mục đích chúng ta học tập, ghi nhớ và quán chiếu từng mỗi nguyện trong Bốn Mươi Tám Nguyện là để hiểu rõ tường tận nguyện tâm của đức Phật A Di Đà, để tự thân có thể lưu nhập vào trong Nhất thừa Hoằng Thệ Bổn Nguyện Hải của Phật, tức là lấy Đại Nguyện của Phật làm nguyện tâm của mình để thành tựu sở chứng, hiển bày trọn vẹn Pháp thân giống như Phật A Di Đà. Đây là việc thiện tối thượng, là việc thiện bậc nhất, chẳng có việc thiện nào hơn được việc thiện này, nên phẩm Nhân Địa Pháp Tạng của kinh này ghi: “Ví như cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu Chánh Giác.”