Gấm mường tưọng ra được, cảm nhận được, và chừng như cũng nắm bắt được cái vòng vây ác nghiệt quanh mình. Nàng rất khát khao được nhảy thoát khỏi vòng vây rùng rợn ấy, vòng vây được hình thành và hiện hữu bởi những nỗi khổ vật chất lẫn tinh thần liên kết lại với nhau qua nhiều năm tháng dài.
Không nhớ đã bao nhiêu lần, cha nàng cứ dỗ dành, trấn an mọi người:
“Nhà mình phải đang trả cái nợ đã vay không biết từ bao kiếp, nhà Phật gọi đó là nghiệp quả, gieo nhân phải gặt quả thôi. Cả gia đình đều chịu chung số phận như vậy, thì gọi là cộng nghiệp. Hãy nhẫn nhục, hãy cam chịu vượt qua khúc ngặt này, cùng nhau trả cho hết nợ cũ, một khi đã sạch sẽ thì trời sẽ sáng lên, đường đi sẽ phong quang êm ái… Quan trọng là mình đừng vì hoàn cảnh cùng cực mà đi làm những việc tệ hại, ác dữ, làm khổ lụy đến người khác, mà làm hại người khác tức là mình lại vừa tạo thêm nợ mới vay, tạo những cái nghiệp mới, chồng chất lên những cái cũ chưa giải quyết xong…”
Nghe thì hiểu đó, thấy hay vậy đó, nhưng Gấm chưa hề tin vào những triết lý từ miệng cha mình truyền đạt lại. Ngữ ngôn được xuất phát từ miệng của một người đàn ông sa cơ thất chí, mượn rượu giải sầu say mèm cho quên lúc lỡ vận, thì sao mà tin cho được? Khó tin và khó chấp nhận quá. Vì mồi ngày trôi qua, bóng tối lại dầy đăc đem ngòm, đường nẻo chung quanh thì cứ hẹp dần, đầy gai góc hố hầm rồi dẫn đến bế tắc,,, Gấm biết, muốn thoát chỉ có mỗi một con đường: hi sinh đời con gái, đem thứ quý giá nhất đời mình thảy vào một cuộc chơi may rủi để rồi sau đó được tất cả, hoặc mất tất cả.
Mẹ của Gấm đã quá suy kiệt sau nhiều năm còng lưng gánh vác nhọc nhằn nuôi bầy con nheo nhóc năm đứa, và nuôi cả một người chồng nát rượu. Một căn bệnh tai ác đã quật ngã hình hài mãnh mai của người phụ nữ, và sự bần hàn vất vả đã tàn phá không thương tiếc dung nhan một thời được xếp hạng sắc nước hương trời của mẹ nàng, trong khi chỉ mới ở độ tuổi tứ tuần. Gấm đã không còn ngồi ghế nhà trường cùng bè bạn trang lứa, nàng phải cùng ba đứa em nhỏ hằng ngày lang thang lê bước khắp các hẻm ngách, quán xá trong thành phố để chào bán vé số, báo chí và những phong kẹo chewinggum kiếm tiền gạo mắm độ nhật. Mẹ nàng vừa chăm sóc trông coi hai đứa nhỏ nhất ở nhà, vừa tranh thủ ngồi bán hàng rong trong xóm, mong có thêm chút ít thu nhập đỡ một phần nào trước một gánh nặng nề toàn lo toan buồn khổ.
Cha của Gấm lúc nào cũng lè nhè, mặt đỏ như gấc vì men rượu, thuê một chiếc xích lô đạp một cách tài tử, có kiếm ra đồng nào cũng quăng hết vào các quán nhậu bình dân với mấy tửu hữu đồng bệnh tương lân. Chừng như ông đã quên đi mình từng là một cư sĩ nghiêm trang đạo mạo, thường đi chùa tụng niệm. tham gia những việc từ thiện với sự nhiệt thành. Người cha đó đã biến mất tăm hình tướng, và cả cái Tâm rồi. Còn chăng, chỉ là những câu kinh bài pháp lý thuyết suông mà ông thu thập được qua những năm tháng cầu đạo cầu pháp để áp dụng vào đời sống thực tế cho tổ ấm mới hình thành của mình. Còn, gẫm thấy cũng thật là may phước lắm, chứ mà trôi đi tuồn tuột hết, không còn gì đọng ghi lại trong tâm thức thì ông đã trở về với thế giới đặc sệch vô minh rồi.
Nỗi khổ vật chất bủa vây, Gấm còn có thể nghiến răng chịu đựng được, rồi cũng qua, cũng nguôi, và cũng quen dần. Nhưng nàng đã không đủ bản lĩnh để chứng kiến cảnh cha mẹ kình cãi, hục hặc nhau, rồi đổ lỗi cho nhau, rồi chén bể, dĩa bay, nước mắt lả chả đầm đìa … Nàng khóc thầm những đêm dài trăn trở, cứ mơ ước được hoá thành một tiên nữ với cây đũa thần trong tay để xua đuổi hết ám chướng trong nhà, quét sạch mọi nghèo hèn đang đeo bám trong gia đình nàng dai dẳng. Ở tuổi mười chín mơn mởn, đang tràn trề sinh lực, đang lai láng ước mơ hoài bão, nhưng nàng phải chịu thiệt thòi, phải nhịn thèm nhịn khát, cố quên và phớt lờ trước những nhu cầu thiết yếu của bản thân, để dành hết thời gian cho những đứa em ngu ngơ ngốc nghếch, nhếch nhác xanh xao, và người mẹ đau khổ tột cùng.
Gấm cũng nghĩ đến cha mình, không oán giận cha như mẹ đã oán giận, mà còn thương, còn thông cảm cho một người rối trí bất lực trước gia cảnh quá túng bấn, chừng như không còn lối thoát. Nàng nhớ lại thuở mình chỉ mới có hai đứa em, cha nàng cưng chiều nàng lắm, thứ gì cũng sắm mua cho, đi đâu cũng chở đứa con gái đầu lòng đi theo. Nhưng rồi, thời gian qua đi, từng đứa em ra đời, dù cha nàng có muốn cưng chiều con gái đầu như trước kia đi nữa, ông cũng mất khả năng thực hiện những ý muốn của mình, dù là những ý nhỏ nhoi khiêm tốn. Khi nàng đã trở thành một thiếu nữ, cuộc sống túng ngặt đã không cho phép nàng tiếp tục học hành, và trách nhiệm cơm áo gạo tiền đã đặt trên vai người con gái đầu thật nặng nề. Nàng biết cha nàng vẫn thường rơm rớm nước mắt sau mỗi khi tỉnh cơn say rượu, ông thường ngồi thẫn thờ nhìn đứa con gái lớn mà ông cưng thương hết mực. Cha nàng tỉnh thoảng xoa đầu nàng, chép miệng thở dài, chỉ có nàng mới thấu hiểu hết ý nghĩa của những tiếng chép miệng, những tiếng thở dài ấy.
Cha còn thương Gấm lắm, và ông chắc đang ân hận ray rứt, bởi sai lầm lớn trong cuộc đời một người chồng, người cha: cố tìm một đứa con trai nối dõi tông đường. Một sai lầm quá lớn khi đã hiểu rất rõ về duyên nghiệp luân hồi mà vẫn ráng cố tìm kiếm, cầu xin những gì không thuộc về mình của kiếp này. Con trai quý tử đâu không thấy, chỉ thấy một dãy sáu đứa con gái, vậy là tông đường cũng chẳng còn gì để mà nối mà lưu truyền gìn giữ, ngoài cái nghèo khổ đeo bám vây xiết từng nhân khẩu. Nàng quyết định phải cứu lấy gia đình.
Gấm quen ông Thạc ở một quán cà phê, sau nhiều buổi sáng mời ông ta mua vé số. Ông Thạc đã mua giùm cho nàng rất nhiều vé số, lại còn mời uống nước, đãi ăn sáng … Qua một thời gian ngắn đủ để hai người, một già một trẻ, quen biết nhau, thân mật hơn, ông Thạc đã không ngần ngại bộc bạch tình cảm của một người đàn ông “cô đơn hơn bao giờ hết” với cô gái mới lớn ngờ nghệch. Ban đầu nàng hoảng sợ, tìm cách giữ gìn, nhưng rồi người đàn ông cô đơn kia đối xử với mình quá tốt, quá bặt thiệp, và cũng quá đặc biệt qua những món quà, món tiền quý giá, những cái nhìn âu yếm say mê rất chân tình, thì nàng đã xiêu lòng. Trái tim đã không cho phép nàng được lẩn trốn, xa tránh người đàn ông đáng tuổi cha chú của mình đang cô đơn và yêu đến cuồng nhiệt, đến tội nghiệp.
Điều làm cho Gấm không thể tách rời ông Thạc đựơc là những lời hứa ngọt ngào tha thiết của ông ta, với những ngày mai tươi sáng ấm cúng, với viễn cảnh sung túc giàu sang, với những nhung lụa vàng vòng, với nhà xe, việc làm … đủ đem lại cho nàng, cùng những người thân ruột rà một cuộc sống dễ thở, thoát khỏi vòng vây của đói nghèo, bệnh tật. Nàng cũng không phải quá dễ dãi với chính mình, nàng đã dò xét kỹ lưỡng, trăn trở đắn đo nhiều đêm đến sáng, và sau cùng quyết định “ cũng liều nhắm mắt đưa chân”, sẵn sàng chấp nhận bước qua những trở ngại để bước thẳng tới điểm mình muốn tới, dù nơi ấy đang là một cái bẫy nguy hiểm có thể làm tan nát một đời con gái trinh trắng. Nàng xem đây như là một canh bạc may rủi, nếu có lỡ thua cũng không nên trách hờn ai. Sòng phẳng. Và sau rốt, nàng cũng tin vào duyên nghiệp của mỗi người.
Đêm. Phố đã thưa thớt người. Ông Tư uể oải đạp chiếc xích lô lăn bánh qua con đường nhỏ vắng hoe dẫn ra phố trung tâm, mắt lem nhem, hơi thở phì phò nồng nặc men rượu, bụng lại ọp ẹo sôi lên từng cơn vì trống rỗng, nên ông chỉ còn ao ước một điều duy nhất lúc bấy giờ là được về đến nhà mình, nằm khò ra mà đánh dài một giấc thấu sáng. Ông đạp, đạp, đạp … Bất chợt, ông hướng mắt giật mình khi thấy dưới gốc một trụ đèn đường đang có một cô gái ngồi gục đầu khóc nức nở. Định đạp xe qua luôn, nhưng rồi tiếng khóc tức tưởi của cô gái kia đã níu đôi chân đang rã rời của người phu xích lô lại. Ông Tư rời khỏi yên xe một cách nặng nề, chuệnh choạng bước lại bên cô gái, tằng hắng:
“Nè … cháu … nè cô kia …”
Cô gái ngước mặt lên. Một gương mặt đầm đìa nước mắt, tóc tai rũ rượi, đôi mắt lạc thần đang hiện rõ trước mắt ông Tư. Người phu xích lô kinh hoàng, kêu lên thảng thốt:
“Gấm! Phải mày… đó không Gấm?”
Cô gái trố mắt, há hốc mồm. Ông Tư bước đến mấy bước, trợn mắt nhìn cho kỹ, rồi la lên lạc cả giọng:
“Trời ơi … con gái tôi. Gấm, Gấm… mày sao ngồi ở đây? Sao giờ này chưa về nhà, hả?”
Gấm, chính nàng, lảo đảo đứng dậy, bật oà lên khóc. Người cha bàng hoàng, buôn xuôi hai tay, không nói được nữa lời vì ông cảm nhận được một tai hoạ vừa giáng xuống đời con gái mình. Gấm nghẹn ngào:
“Ba ơi … con bị gạt rồi … mất hết rồi, ba ơi …”
“Thằng nào gạt mày? Thằng nào?”
Lắc đầu chán ngán, Gấm buông từng tiếng thều thào:
“Ổng trốn mất rồi, hồi chiều … trong phòng khách sạn, con thức dậy… không thấy ổng còn đó nữa… con chờ đến sẩm tối cũng không thấy ổng trở lại… con phải trả tiền phòng… rồi lang thang khắp phố…”
“Ổng… ổng… là thằng… đốn mạt nào?” Ông Tư trợn trừng mắt lên.
“Thôi… ba hỏi làm gì? Có biết cũng… muộn rồi!”
Gấm lại oà khóc. Ông Tư thẫn thờ, nước mắt cũng ứa ra, “Ừ nhỉ, có biết cũng quá muộn rồi. Thủ phạm là ai? Là một thằng tồi tệ hay một thằng cha vô trách nhiệm, thằng chồng vô tích sự? Trách ai được? Trách ai cho đúng?”, ông gục đầu, khuỵu hai chân xuống đất. Ông đập trán xuống mặt đường để tự trừng phạt mình vì phạm nhiều sai trái trong ngũ giới dành cho người Phật tử khi quy y tam bảo. Ông nấc lên từng tiếng uất nghẹn, nhớ lại những ngày tháng êm ả khi mình cùng người vợ trẻ chỉ mới có hai đứa con. Những tháng ngày ấy đã thuộc về quá khứ xa xăm. Còn trước mặt là bóng đêm …
“Thôi, con lên xe ngồi đi, ba chở con về…” Ông nói không ra hơi.
Gấm đang mang tâm trạng quá chán chường, chỉ đang mong muốn một điều là sự bao dung tha thứ của cha, mà cha thì đang gạt bỏ hết mọi chuyện qua hai bên rồi đó, nên nàng đã không chần chừ, trèo lên ngồi phịch vào lòng xe xích lô, nhắm nghiền mắt lại với nước mắt ràn rụa…
Cọc cạch… cọc cạch… chiếc xích lô lăn bánh nặng nề trong đêm, trên con đường vắng gồ ghề dẫn về xóm lao động nghèo.
Xe dừng ngay khoảnh sân nhỏ thiếu sáng trước cửa nhà. Từ trong nhà, mấy đứa em gái nhỏ khờ khạo của nàng chạy túa ra, reo lên:
“Ba về… Chị Hai về… Ba về… Chị Hai về…”
Một người cũng từ trong nhà đang đèn sáng trưng bước ra theo, đứng sau mấy đứa em. Không phải là mẹ của Gấm, mà là ông Thạc.
Ông Thạc bước lại bên xe, nắm lấy tay Gấm, gào lên:
“Anh định dành bất ngờ cho em… nên không nói gì dặn gì, lúc em ngủ say, anh lẻn đi mua sắm đồ, sắm lễ quà cho cả nhà… về đến phòng thì em đã trả phòng, rời đi mất tiêu, anh chạy tìm khắp phố, cuối cùng phải về đến đây nè!”
Gấm rời khỏi xe xích lô, ngẩn ngẩn ngơ ngơ, không biết là đang thực hay mơ, cổ họng nghẹn cứng không thốt được nên lời. Ông Thạc lại tiếp:
“Em tưởng là anh bỏ trốn đi luôn sao?”
Nàng gật đầu. Ông Tư vẫn còn ngồi trên yên xe xích lô, quát lên:
“Mày… thằng kia, mày nói gì lung tung vậy hả? Mày là thằng nào?”
Ông Thạc giật bắn mình, vội bước lại lễ phép chào người phu xích lô:
“Dạ, cháu… cháu là bạn của Gấm… Hôm nay cháu đến trình diện…”
“Cháu cái gì… mà cháu trời ạ? Cái thằng ngộ ghê…”
Ông Thạc vội đỡ lấy hông và lưng ông Tư, nhỏ nhẹ và thân tình hỏi:
“Chú xuống được… và đi được không?”
“Xuống thì được… xuống nè!”
“Để cháu dìu chú đi, ờ ngoài này tối tăm lắm…”
Ông Tư sáng quắc dôi mắt lên, gật gù, nói rõ từng tiếng một:
“Ừ, dìu tao đi… dìu tao dắt tao trở về chỗ sáng đi… tối tăm u ám quá xá rồi!”
Ông Thạc cười cười, dìu ông Tư vào nhà, thấy Gấm đang còn đứng sững sờ như người mất hồn ngoài sân trước cửa, liền nheo mắt một cái đầy ý nghĩa.
Gấm buột miệng nói với theo trong niềm vui sướng tràn trề:
“Hết tối rồi ba… sáng rồi đó ba ơi!”