1- Hầu hết những nhà nghiên cứu kinh điển Phật giáo đều công nhận rằng bản kinh Phạm Võng (Brahmajala Sutta) là một trong những văn bản Phật học quan trọng vào bậc nhất của toàn bộ hệ thống văn học Phật giáo, bất kể tông phái hay dòng truyền thừa. Quả thật, kinh Phạm Võng – được các dịch giả phương Tây chuyển ra tiếng Anh là The Perfect Net, Tấm Lưới Toàn Hảo – chính là bản tóm lược đầy đủ một cách có hệ thống được trình bày hết sức khoa học về mọi luận điểm căn bản của tư tưởng giới Ấn Độ thời Đức Phật. Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu chỉ trong phạm vi 13.000 từ đã thuật lại toàn bộ những ý kiến chủ đạo của các vị luận sư thời bấy giờ đối với những vấn đề luôn luôn làm con người băn khoăn về vũ trụ, về nhân sinh, về hiện tượng, về bản chất… Toàn thể những luận điểm ấy không ra ngoài những chủ trương như thường kiến hay đoạn kiến, hữu biên hay vô biên, hữu nhân hay vô nhân, ngẫu nhiên hay quyết định… Không chỉ tư tưởng giới cổ Ấn Độ, mà đến tận ngày nay, 26 thế kỷ đã trôi qua, hầu như những vấn đề tương tự vẫn khiến con người phải loay hoay với những câu hỏi và những lời giải đáp chưa ra khỏi nội dung kinh Phạm Võng; trong đó, những kiến giải thời cổ đã bị Đức Phật liệt vào hạng tà kiến. Có thể thấy giải thưởng Nobel Vật lý năm 2011 được trao cho những công trình nhằm xác định vũ trụ đang tiếp tục giãn nở cũng thể hiện sự loay hoay của tư tưởng con người về những vấn đề mà Đức Phật đã giải quyết từ thế kỷ thứ năm trước Tây lịch. Nói lên điều này không phải để ca ngợi kinh Phạm Võng, mà để thấy rằng kinh Phạm Võng là một trong những bản kinh không thể bị bỏ qua khi cần thảo luận về các vấn đề Phật học. Riêng đối với vấn đề bảo vệ Chánh pháp, điều quan trọng không nằm ở nội dung chính của kinh Phạm Võng, mà nằm ở bối cảnh khiến Đức Phật đã tuyên thuyết nội dung Phạm Võng, những điều được thuật lại ngay ở đầu bản kinh, liên quan đến thái độ của người con Phật trước những lời khen tiếng chê đối với Đức Phật, đối với giáo pháp của Ngài, và đối với Tăng đoàn do Ngài đã xây dựng.
2. Kinh Phạm Võng thuật rằng khi Đức Phật cùng khoảng 500 vị Tỳ-kheo đi trên đường từ Rajagaha đến Nalanda thì có hai thầy trò của một vị Bà-la-môn đi chung đường. Suốt dọc đường, vị Bà-la-môn ấy kiếm hết mọi lời lẽ để hủy báng Đức Phật, hủy báng giáo pháp của Đức Phật, và hủy báng Tăng đoàn do Đức Phật đã xây dựng. Trả lời thầy của mình, người đệ tử của vị Bà-la-môn ấy cũng kiếm hết mọi lời lẽ để tán dương Đức Phật, giáo pháp, và Tăng đoàn của Ngài. Vì họ cùng đi chung đường với các Tỳ-kheo, thái độ và câu chuyện của họ không qua khỏi cặp mắt và đôi tai của chư Tỳ-kheo. Đêm xuống, Đức Phật cùng các Tỳ-kheo đến nghỉ tại một hành cung của nhà vua; hai thầy trò Bà-la-môn kia cũng đến nghỉ ở đấy. Tại chỗ nghỉ, hai thầy trò họ tiếp tục cuộc nói chuyện, cũng với thái độ như lúc trên đường. Khi đêm vừa tàn, chư Tỳ-kheo thức sớm, đến tại hội trường, thảo luận với nhau về thái độ của hai thầy trò Bà-la-môn. Có lẽ đã có những vị cảm thấy vui mừng trước những lời tán dương và cũng có những vị bực tức trước những lời hủy báng. Giữa lúc chư Tỳ-kheo còn bàn luận thì Đức Phật cũng đến tại hội trường. Sau khi hỏi để biết rõ nội dung thảo luận của chư Tỳ-kheo, Đức Phật dạy,
“Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi”.…. “… khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: ‘Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi’”1 và “Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các ngươi hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các ngươi. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: ‘Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi’”1.
Tiếp theo, Đức Phật mới giải thích rõ những gì khiến kẻ phàm phu có thể vì thế mà tán thán Đức Phật; và để làm rõ những điều ưu việt trong giáo pháp của bậc Đạo sư mà Đức Phật đã tổng kết những tà kiến của toàn thể tư tưởng giới đương thời, điều được thể hiện trong nội dung chính của kinh Phạm Võng.
3 Vài năm trở lại đây, Phật giáo ngày càng nhận được sự trân trọng của xã hội và nhất là của hệ thống chính trị đương đại. Gần đây nhất, trong cuộc Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại Sóc Sơn ngày 7-11-2011, vị đại diện cho Chính phủ đã trang nghiêm đảnh lễ trước ảnh tượng Đức Phật và thành tâm niệm hồng danh Đức Bổn Sư trước sự cảm kích và trân trọng không chỉ của những người có mặt trong buổi lễ mà còn của tất cả những khán giả may mắn theo dõi đầy đủ trên màn ảnh truyền hình trực tiếp. Điều đó cho thấy tư tưởng Phật giáo đang ngày càng củng cố được chỗ đứng trong xã hội Việt Nam hiện đại sau một thời kỳ dài bị hiểu lầm. Đó có thể là kết quả của những nỗ lực thể hiện giáo pháp của Đức Phật mà người Phật tử Việt Nam đã kiên trì thực hiện suốt mấy chục năm qua. Đó cũng có thể là điều tất nhiên, vì tư tưởng Phật giáo vốn là một thành tố không thể tách rời trong tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc; cho nên khi xã hội Việt Nam hướng tới an lạc và hòa bình thì việc xiển dương và phổ biến tư tưởng Phật giáo là điều cần thiết bởi lẽ tư tưởng Phật giáo là tư tưởng hòa bình, thái độ Phật giáo là thái độ khoan dung, quan điểm Phật giáo là quan điểm nhân bản, quan điểm “nhất thiết duy tâm tạo” mà tâm ở đây rõ ràng là tâm chúng sinh và chúng sinh ở trạng thái thích hợp nhất với việc xây dựng một xã hội an lạc chính là con người. Tuy nhiên, hướng tâm đến lời dạy của Đức Phật trong kinh Phạm Võng, trước thái độ trân trọng đó, người Phật tử Việt Nam cũng không nên hoan hỷ, vui mừng, hay sinh tâm thích thú; mà càng thấy cần phải sống đúng với những lời dạy của Đức Bổn Sư, để tư tưởng Phật giáo thật sự tác động tích cực hơn đến xã hội, từ việc nhỏ đến việc lớn. Có lẽ thái độ thích hợp nhất của người Phật tử Việt Nam là, thấy Phật giáo được xã hội trân trọng, càng thêm trân trọng xã hội.
4 Nhưng cũng vài năm gần đây, thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện một số hiện tượng bị coi là mang tính bài bác hay biếm nhẽ Phật giáo; cũng có cả những hiện tượng vận động quần chúng Phật tử bỏ đạo để tìm đến một chỗ dựa tâm linh nơi các truyền thống tôn giáo hay tín ngưỡng khác. Cũng đã có những ý kiến bình luận các hiện tượng ấy, xuất phát từ người Phật tử hoặc từ các vị chức sắc Phật giáo. Có những ý kiến ôn hòa nhưng cũng không thiếu những lời lẽ thể hiện sự bực tức. Đâu đó đã có những chỉ trích việc giáo phái nào đó tìm cách khuyến dụ người Phật tử Việt Nam cải đạo. Khi một vài nhóm người sử dụng các hình tượng liên quan đến Phật giáo trong việc quảng cáo hay tiếp thị, cũng đã có những ý kiến phê bác khá nặng nề; chẳng hạn, việc một cơ sở kinh doanh bia rượu nào đó sử dụng hình ảnh Đức Phật Di Lặc trên nhãn bia, một quán bar nào đó lấy tên The Funky Buddha Bar…
5 Việt Nam hiện nay đang xây dựng một xã hội dân chủ. Đất nước Việt Nam là một cộng đồng đa dân tộc. Người Việt Nam theo nhiều tôn giáo khác nhau.
Phật giáo được xã hội trân trọng thì cũng chỉ là một thành tố của cả cộng đồng dân tộc. Trong mọi xã hội, luôn có những con người thật sự văn minh, biết trân trọng những giá trị khác biệt với những giá trị mà mình theo đuổi, biết đối xử với những người có ý kiến khác biệt với mình bằng lòng khoan dung; nhưng cũng không thiếu những con người hẹp hòi, thiếu một nền tảng văn hóa, chưa hòa nhập được với tinh thần đa tạp của một cộng đồng đa dân tộc. Những người ấy có thể hằn học trước sự kiện Phật giáo đang được xã hội quan tâm, có thể do thiếu hiểu biết, có thể do có khả năng hài hước quá cao, có thể bị xuy động bởi một nhãn quan thiển cận, có thể không ý thức được việc rằng mình làm là thể hiện một trình độ bán khai về văn minh, có thể chỉ biết đến mình và đoàn thể của mình mà không biết đến người khác và đoàn thể của người khác… đã có những hành vi hay thái độ thiếu tế nhị, kể cả là thật sự ác ý. Tuy nhiên, không vì vậy mà người Phật tử cần phải bày tỏ sự bực tức của mình, đúng như lời Phật dạy trong kinh Phạm Võng, “… nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn”. Thay vào đó, thái độ đúng của người Phật tử có lẽ là phải củng cố hơn nữa bản lĩnh nhẫn nhục và tâm thái khoan dung của mình, đồng thời xem lại mình đã thật sự xứng đáng với sự trân trọng của xã hội hay chưa, nếu chưa, phải cố gắng làm thế nào cho xứng với sự trân trọng ấy; được như thế, sau đó, hẳn là những ai chưa trân trọng đúng mực đối với Phật giáo phải nghĩ lại, nhưng đó cũng không phải là điều mà người Phật tử phải quan tâm.
6 Ở một góc độ nào đó, đúng là người Phật tử Việt Nam hết sức cần tự nhìn lại mình. Đã có những khẳng định cho rằng khi Phật giáo được quảng bá trong một xã hội nào đó, tư tưởng hiền thiện của đạo Phật sẽ tác động đến xã hội ấy, khiến con người trong xã hội ấy sống với nhau hòa hợp hơn, thuần phong mỹ tục nơi đó được phát triển hơn. Nhiều Phật tử Việt Nam vẫn tự hào rằng Phật giáo đã đến với dân tộc này từ hai ngàn năm qua và suốt thời gian ấy luôn đồng hành cùng dân tộc. Trong vài chục năm trở lại đây, các phong trào xây chùa dựng tượng đúc chuông được thực hiện đều khắp; số lượng kinh sách, băng đĩa có nội dung Phật học được phát hành nhiều hơn bao giờ hết; những cuộc hành hương chiêm bái Phật tích trong và ngoài nước được tổ chức quy mô; những cuộc lễ lạt, rước xách tốn kém được tiến hành với sự tham dự của hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn người. Thế nhưng có phải xã hội Việt Nam đã từ hòa hơn, đã phát triển được thuần phong mỹ tục, đã bảo vệ và phát triển được về mặt văn hóa? Người ta vẫn thấy không ít chùa chiền Tăng sĩ khuyến khích các hoạt động mang tính cách mê tín dị đoan như đốt vàng mã, xem xăm quẻ, bói toán, lên đồng, cầu hồn. Chưa kể nội dung Phật học trong các sách báo băng đĩa phát hành tràn lan không qua hiệu đính của cơ quan thực sự có thẩm quyền về Phật học, đã làm rộ lên những nghi vấn về tính trí tuệ của đạo Phật. Trong xã hội, những chuyện đau lòng về hiếu đạo, về sự vô cảm, về thái độ nhẫn tâm, về tính độc ác của con người, hiện tượng sa đọa chẳng những của giới trẻ mà cả của người trưởng thành và quan chức… hình như không thiếu.
7 Giáo pháp của Đức Phật vô cùng rộng lớn và có tới tám vạn bốn ngàn cửa để vào. Tuy nhiên, ở tầm vóc của người Phật tử tại gia, việc giữ được đủ năm giới và thực hành mười điều thiện hàng ngày cũng không phải là dễ dàng; và chẳng phải ai cũng dám khẳng định mình không hổ thẹn khi đứng trước tượng Đức Bổn Sư. Thế nhưng người Phật tử có tín tâm sẽ không vì thế mà thoái thất bồ-đề tâm của mình; vì người ấy biết rằng mình hoàn toàn có khả năng mỗi ngày mỗi sửa chữa chút ít, với kiên tâm trì chí thì cũng sẽ có lúc đặt được chân vào dòng Thánh. Việc tự điều chỉnh hàng ngày mọi hành vi thân khẩu ý của mình chính là việc bảo vệ Chánh pháp một cách tích cực nhất của người Phật tử tại gia; chứ không cần bảo vệ Chánh pháp bằng việc phê bác những người thiếu thiện chí, biếm nhẽ đạo Phật; hoặc tìm cách đối phó với những khuyến dụ cải đạo đến từ các tôn giáo khác. Trong tập tiểu luận What Makes You Not a Buddhist? của ngài Dzongsar Jamyang Khyentse2 có một câu rất đáng chú ý rằng, “… là một Phật tử bạn không có nhiệm vụ hay bổn phận phải cải đạo phần còn lại của thế giới sang đạo Phật”. Quả thật, giáo pháp của Đức Phật không cần ai bảo vệ, vì tất cả những lý thuyết căn bản của Phật giáo không phải là vật sáng tạo của Đức Phật mà là những luật tắc thường hằng trong cõi đời được Đức Phật phát hiện với sự truy vấn nghiêm ngặt và miên mật của Ngài. Đó là những sự thật luôn luôn có sẵn trong trời đất chẳng ai có thể cướp đoạt hay xóa bỏ được mà cần phải bảo vệ. Điều cần bảo vệ chính là cái tâm của người con Phật, biết kiên trì thực hành những lời Phật dạy để đem lại an lạc cho chính mình và những người chung quanh mình trên tinh thần tôn trọng những giá trị của người khác.
Trong mùa Phật thành đạo, người Phật tử có tín tâm càng phải ghi nhớ những lời dặn dò của Phật trước khi Đức Bổn Sư vào Niết-bàn rằng, “Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để cho phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người? Chính là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Thần túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần. Này các Tỷ- kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng của đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”3. Đó mới thật là bảo vệ Chánh pháp.
Chú Thích
1. Kinh Phạm Võng, bản kinh số 1 trong tuyển tập Kinh Trường Bộ tập I, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
2. Tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề“Thế nào là phật tử”, dịch giả Trần Tuấn Mẫn và Nguyễn Thị Tú Oanh, do Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành, quý IV năm 2011.
3. Kinh Đại Bát Niết-Bàn, bản kinh cuối cùng của tuyển tập Kinh Trường Bộ tập I, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.