Vì sao Phổ Hiền Bồ-tát đề xướng pháp Xưng Tán Như Lai? Đệ tử Phật tán thán Phật, Bồ-tát nhằm mục đích gì? Phổ Hiền Bồ-tát dạy ra pháp Xưng Tán Như Lai nhằm mục đích tiếp dẫn chúng sanh, dụng tâm này hết sức tốt đẹp, trong đó có trí huệ cao độ. Đệ tử Phật tán thán Phật, Bồ-tát nhằm mục đích nhằm dẫn dụ chúng sanh chưa nhận biết Phật pháp, khiến cho họ sanh tâm cung kính, muốn thân cận Phật, Bồ-tát. Đây là biện pháp chân chánh, trọn chẳng phải là Phật, Bồ-tát chấp ngã, ham chuộng lời tán thán, khen ngợi của chúng sanh.
Cảnh giới của mỗi nguyện trong mười nguyện của Phổ Hiền đều giống nhau, tất cả đều là tận pháp giới hư không giới, mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Cảnh giới giống nhau, tất nhiên tâm thái cũng giống nhau, đều là dùng ba nghiệp thanh tịnh để chứng nhập vào trong cảnh giới ấy. Nguyện thứ nhất là Thường Tu Lễ Kính Chư Phật, nguyện thứ hai là Thường Tu Xưng Tán Như Lai, tâm thái của hai nguyện này giống nhau. Thế nhưng, trong pháp tu Xưng Tán, chữ Phật đổi thành Như Lai. Như Lai và chư Phật có gì sai biệt? Vì sao có lúc kinh nói Phật, lại có khi nói Như Lai? Kinh nói Phật là nói theo sự tướng, kinh nói Như Lai là nói theo tánh đức, đây là chỗ khác biệt của chữ Phật và Như Lai. Trong pháp Lễ Kính, hành nhân dùng tâm nhất loạt bình đẳng thanh tịnh tột bậc của chính mình để tu lễ kính quá khứ Phật, hiện tại Phật và vị lai Phật (tức chúng sanh) đồng giống như nhau, quyết định chẳng có chấp trước, phân biệt cao, thấp, thân, sơ, xa, gần, thiện, ác, tà, chánh v.v.... Pháp Xưng Tán chẳng giống như vậy, trong ấy có phân biệt, phân biệt cái gì? Hễ tương ứng với tánh đức thì xưng tán, trái phạm tánh đức bèn chẳng xưng tán. Đối với người trái phạm tánh đức, tuy chúng ta vẫn một mực kính trọng họ, nhưng chẳng khen ngợi họ, cũng chẳng thân cận họ. Vì sao? Vì Bồ-tát dù gần mực vẫn tỏa sáng, còn chúng ta gần mực bèn hoá thành đen như mực.
Trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử tham học với năm mươi ba thiện tri thức, trong đó có ba vị tượng trưng cho sự trái nghịch tánh đức. Vị thứ nhất là Bà-la-môn Thắng Nhiệt, đại diện cho ngu si trong Tam Độc phiền não, Thiện Tài đến tham phỏng, lễ kính vị này, nhưng chẳng tán thán. Vị thứ hai là Cam Lộ Hỏa Vương, tượng trưng cho sân khuể, vua cảm thấy chẳng vừa ý ai, ngay lập tức dùng hình phạt hết sức tàn khốc để đối trị, Thiện Tài Đồng Tử tham phỏng nhà vua, có lễ kính, nhưng chẳng tán thán. Vị thứ ba là cô gái Phạt Tô Mật Đa, tượng trưng cho tham ái, Thiện Tài Đồng Tử đến tham phỏng cô ta cũng rất là lễ kính, nhưng chẳng tán thán. Tóm lại, đối với những người tương ứng với tham, sân, si, mạn, chúng ta vẫn phải lễ kính, chẳng buông lời hủy báng họ, nhưng chẳng tán thán, cũng chẳng thân cận. Khi nào chúng ta có phẩm hạnh giống như Bồ-tát gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, thì lúc ấy mới có thể thân cận những người tham, sân, si, mạn mà chính mình không bị nhiễm bẩn.
Ở đây, kinh văn đổi chữ Phật thành Như Lai, đấy là cách nói của bậc đại từ đại bi, rát miệng buốt lòng khuyên bảo chúng sanh với tâm thành kính nhất! Trong thế gian, Bồ-tát nêu tấm gương tốt lành cho từng mỗi chúng sanh, niệm niệm đều chỉ là muốn thành tựu cho hết thảy chúng sanh, đó là từ bi! Thật thà mà nói, thành tựu chúng sanh chính là thành tựu chính mình. Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm vì muốn thành tựu đạo giải thoát cho hết thảy chúng sanh mà buông bỏ hết thảy thân, tâm, thế giới đi tìm chân lý, rốt cuộc ai là người thành tựu trước hết? Chính Ngài là người thành tựu viên mãn quả vị Vô thượng Bồ-đề. Ngài buông bỏ ngôi vua, nhưng rốt cuộc lại trở thành một vị vua của tất cả các vị vua, là vua của muôn loài chúng sanh trong suốt cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Thích Ca Mâu Ni Phật từ lúc chưa phát tâm cho đến lúc phát tâm, từng mỗi suy nghĩ đều vì người khác. Ngài vì hết thảy chúng sanh khổ mà quên mất bản thân và gia quyến của chính mình, đó chính là vô ngã! Phật pháp chân chánh là phá ngã. Khi xưa, sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật đã thành đạo, người nô bộc Sa-nặc (Channa) của Phật rất muốn xuất gia theo Ngài, nhưng vì nghĩ đến công chúa Gia-Du-Đà-La và La-Hầu-La chẳng có người thân cận, chăm sóc, đành phải gạt bỏ ý muốn ấy; đó chính hành vi vô ngã. Phật biết rõ điều này, nên đứng trước hết thảy các vị Tỳ-kheo, chỉ thẳng vào Sa-nặc mà xưng tán rằng: Các thầy hãy nhìn xem, người ấy mới thật sự là một vị Tỳ-kheo chân chánh! Do đó, chúng ta xưng tán thì phải biết xưng tán người nào? Nhất định chỉ xưng tán người chẳng khởi tác dụng phiền não, chấp ngã. Người chấp ngã luôn suy tưởng vì chính mình là mê hoặc, điên đảo, nhất định sẽ khởi hoặc, tạo nghiệp, chúng ta chẳng thể xưng tán người như vậy.
Phật thường dạy: “Đừng nên hủy báng người khác”, điều này dễ hiểu, dễ làm, thế mà chúng ta còn chẳng thể làm được. Điều “đừng ca ngợi kẻ khác” hơi khó hiểu. Ca ngợi là chuyện tốt, cớ sao chẳng nên làm? Chúng ta hãy suy nghĩ sâu xa một tí sẽ thấy, nếu khen ngợi không đúng chỗ, bèn là gây hại cho người ta dữ dội hơn hủy báng họ. Vì sao? Bờ vì vừa được khen một tiếng, người ấy cảm thấy chính mình ghê gớm lắm, vừa mới có được một tí thành tựu bèn chẳng còn tinh tấn nữa. Họ nghĩ: “Ta thành tựu đến đây là đủ rồi, chẳng cầu tinh tấn hơn nữa”. Như vậy, ca ngợi không đúng chỗ, không đúng cách, bèn chặt đứt con đường tiến lên của người ta. Đúng là hại người mà chẳng biết! Nhất là khen ngợi quá lố, càng hại người ta hơn hết, khiến cho người ấy đắc ý, vênh váo, dấy hoặc, tạo nghiệp, lui sụt Bồ-tát đạo. Do đó, xưng tán không đúng chỗ, không đúng cách còn tai hại hơn hủy báng. Có nhiều đồng tu nghe câu “Nhị giả xưng tán Như Lai” hoặc câu “Tăng khen tăng” sẽ có công đức to lớn, bèn gặp ai cũng khen ngợi một cách giả dối, quá lố, khiến cho người hiểu chuyện nghe cảm thấy rất xấu hổ, còn người không hiểu chuyện tưởng lầm là chính mình rất giỏi, chân tướng của sự thật bèn bị che lấp bởi tiếng khen ấy. Vậy, khi nào mới có thể tán thán? Chúng ta chỉ nên tán thán người đã thật sự đạt thanh tịnh tâm đến mức tám gió thổi chẳng động. Chúng ta hủy báng người ấy, người ấy chẳng tức giận. Chúng ta khen ngợi người ấy, người ấy trọn chẳng hoan hỷ. Người có cái tâm thanh tịnh bình đẳng đến mức như như bất động như vậy, mới thật sự là đáng được xưng tán. Nói cách khác, hễ thấy ai được khen mà còn có tâm hoan hỷ, thì chớ nên khen ngợi họ nữa. Chúng ta có thể thỉnh thoảng khen ngợi người khác một cách đúng mức, coi đó như là một hình thức cổ vũ, khích lệ thì được, còn nếu như khen ngợi có tính cách làm cho người ta khoái chí theo bên phe mình, thì đó chẳng phải là điều chánh đáng, đó là a dua, nịnh bợ, cong queo.