Một đám đông Mỹ-Mễ-Mít làm việc chung với nhau, ngày nào cũng đùa giỡn rần rật, chơi khăm rồi cười sằng sặc, tán dóc đủ thứ chuyện trên đời, từ chính trị cho đến chuyện súng ống tràn lan, giá xăng tăng… Nhưng nhiều nhất và thường xuyên nhất vẫn là chuyện bóng cà na và chuyện đàn bà. Y cũng là một tên tích cực trong nhóm, thậm chí còn nổi trội về những trò gây cười. Y là tay nghịch ngầm và có nhiều ý tưởng mới, hễ y ra tay hay góp lời là cả đám cười hả hê. Những lúc câu chuyện trở nên thô tục quá thì y giật mình nhớ lại vấn đề chánh niệm nên ngưng nói. Giữ chánh niệm không phải là dễ, nhất là khi ở trong một môi trường mọi người đều thất niệm hay không biết chánh niệm là gì, quả thật những chuyện đùa , chuyện sắc dục nó hấp dẫn và dễ dãi hơn là chuyện chánh niệm.
Chánh niệm là giữ ý niệm đúng đắn ( theo tiêu chuẩn Bát Chánh Đạo) mọi thời, mọi nơi. Chánh niệm thường được giải thích là biết một cách rõ ràng những gì mình nghĩ, nói và làm, sống trọn vẹn trong từng phút giây hiện tại, không hối tiếc quá khứ, không hy cầu tương lai… Tuy nhiên làm người mà sống được chánh niệm trọn vẹn mọi lúc mọi nơi thì khó lắm, dễ mấy ai làm được? giả sử làm được thì thành thánh cả rồi!
Một ngày hai mươi bốn giờ, một tuần bảy ngày, một tháng trung bình ba mươi ngày, một năm ba trăm sáu lăm ngày, một đời trong vòng trăm năm. Nếu ai giữ được chánh niệm toàn thời gian thì vị ấy chẳng phải là người nữa mà là bậc thánh quả Arahanta rồi. Làm người mà giữ được chánh niệm thì khó lắm, nếu những vị xuất gia ở trong chùa thì còn tương đối dễ vì cảnh chùa thanh tịnh không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp quấy nhiễu. Các căn không phải va chạm tiếp xúc với sáu trần, bởi vậy mà dân gian mới bảo:
“Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”
Ở đây chỉ nói về mứcc độ khó và dễ của việc giữ chánh niệm, ở chùa tương đối u nhã thanh tịnh hơn cảnh đời nên dễ sống tỉnh thức và chánh niệm hơn ngoài đời. Còn chuyện tu cao thấp ở chợ ở chùa thế nào thì vốn quá rõ ràng không cần phải nói nữa! Chỉ có những bậc dõng mãnh, tinh tấn, quyết chí mới có thể bỏ chợ vào chùa.
Thời gian hai mươi bốn giờ trong ngày, chỉ cần giữ được chánh niệm chừng hai mươi phần trăm thời gian ấy đã là khá rồi. Công việc bận rộn nặng nhọc khó mà giữa được chánh niệm. Công việc cần phải tính toán suy nghĩ, phải tập trung tâm ý để làm viêc thì cũng khó mà giữ chánh niệm, lúc ấy chỉ còn lo hiệu quả công việc chứ tâm ý đâu nữa mà tỉnh thức với chánh niệm. Sống ở đời thân xúc chạm, tâm nghĩ tưởng tán lọan, lo lắng, yêu ghét, thích chán… lắm thứ. Bởi vậy phải có đạo tâm, tín tâm mới có thể cố gắng để sống tỉnh thức và chánh niệm.
Những lúc cả bọn tụ lại để giỡn, nói xàm y cũng biết là mình đang thất niệm nhưng vì mình là phàm phu nên chấp nhận và tặc lưỡi cho qua, để rồi nhiều khi quán xét lại những gì mình nói, làm thì sanh hối, tuy thất niệm nhưng vẫn còn nghĩ đến chánh niệm nên cũng hạn chế bớt phần nào chứ không để nói cho sướng miệng. Không dùng những từ quá thô tục và chỉ đùa những vấn đề vô thưởng vô phạt để giảm bớt khẩu nghiệp của mình.
Giữ chánh niệm phụ thuộc rất nhiều vào hòan cảnh sống, những lúc lên chùa hay đang ở đạo tràng là lúc dễ giữ chánh niệm nhất vì chùa vốn thanh tịnh lại gần thầy, gần Phật (dù là tượng hay tranh). Ở trong một tập thể tốt, biết đạo… thì dễ giữ chánh niệm hơn là ở trong một tập thể xấu và không có ai có tín tậm. ( Tuy nhiên ở chùa cũng có nhiều người thất niệm, dù lên chùa mà vẫn toàn nói chuyện thị phi, chính trị, thậm chí tranh giành ảnh hưởng ở chùa…). Khi mình ở một mình cũng sanh dễ duôi và ý niệm tà vạy hơn là ở trong tập thể. Vì khi ở trong một tập thể thì có thể vì sĩ diện, vì ý thức mà tự hạn chế những lời nói hay việc làm tà niệm ấy! Giữ chánh niệm trong lúc lái xe rất quan trọng, lái xe thì biết mình đang lái xe, không thể vừa lái xe vừa gởi tin nhắn, xem phim hay làm thêm bất cứ việc gì khác, vì vừa vi phạm luật vùa thất niệm, chỉ cần một tích tắc thôi là có thể gây ra tai nạn. Lái xe trong thất niệm với cái tâm vô thường thay đổi quá giận hay qúa vui cũng đều dễ dẫn đến tai nạn như chơi.
Ngôn ngữ và lời nói là phương tiện giao tiếp giữa con người với nhau, tiếng nói là sự rung động của không khí tạo ra làn sóng âm thanh, nó vô hình vô tướng nhưng có sức mạnh kinh khủng, gây ra hiệu quả lớn làm cho ta có thể thấy tận mắt ngay trong hiện đời. Cũng một lời nói thiếu chánh niệm có thể gây ra thảm cảnh máu chảy đầu rơi, sát thân, diệt tộc...Tuy nhiên cũng một lời nói nhưng ngược lại, có thể làm cho người khác lên hương, mang lại bổng lộc. Có những lời nói thiếu chánh niệm có thể khiến người khác đau khổ, thậm chí tự tử, hoặc khiến người nghe phải thề độc:” Sống để bụng chết mang theo”. Người có địa vị càng cao thì hậu quả hay kết quả của lời nói càng lớn. Hàng ngày chúng ta thường thất niệm nên thường nói cho sướng miệng, một hiện tượng tràn lan và có ảnh hưởng sậu rộng hiện nay là những nhóm hài nhảm nhí, toàn chửi bới, nói xàm, diễn tục… rất nhiều người trong chúng ta bị ảnh hưởng một cách vô thức, giới trẻ nhận thức lệch lạc, rất nhiều người xem chửi như là một loại:” văn hóa chửi” và cho đó là đẳng cấp, là hơn người mà không biết rằng đó là sự thất niệm lớn, đang tạo khẩu nghiệp nặng nề. Khi mình thất niệm thì thường nói cho đã cái miệng, chuyện bé xé ra to, khi sự việc qua rồi thì sanh hối lỗi, tiếc nuối nhưng tiếc thay lời nói đã găm vào tâm người nghe, khó mà xóa bỏ hay rút lại, thậm chí không thể xóa được.
Hiện nay với sự phát triển cao độ của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ thông tin, công nghệ điện toán… đã đem lại sự tiện ích lớn lao cho con người. Mình có thể ngồi nhà làm việc hay liên lạc với bất kỳ ai ở thế gian này, có thể vui chơi, giải trí, học tập…. Và với một lượng kiến thức khổng lồ giúp chúng ta giải đáp được mọi thứ, tuy nhiên mặt trái của nó cũng ghê gớm lắm, vô số tin giả, tin độc hại, thuyết âm mưu, những cái xàm xí nhảm nhí… Người thất niệm rất dễ bập vào những thứ ấy, xem rồi bình loạn hoặc đăng những điều quấy quá. Bản thân bút giả cũng thất niệm nên sa đà vào những trang web đen, phim xấu. Khi tỉnh ra thì lại hối hận, sám hối nhưng rồi lại sa vào vết cũ, cứ như thế đã nhiều lần. Vì thế nên mới nói khi ở một mình dễ thất niệm hơn sống trong tập thể, nếu đó là tập thể tốt lành, tỉnh thức… Khi sống chung một môi trường có người có tín tâm, có người tỉnh thức thì mình cũng có nhiều cơ hội để giữ vững chánh niệm. Những khi ở một mình, tuy cũng nhớ về chánh niệm, nghĩ đến giới và sự thanh tịnh… nhưng cái ma lực hấp dẫn rù quến của những cái links bậy bạ rất dễ làm cho thất niệm và dễ tặc lưỡi cho qua.
Kinh nghiệm của bản thân bút giả khi niệm danh hiệu Phật rất có hiệu quả trong việc giữ chánh niệm, thông thường y vẫn niệm thầm danh hiệu Phật ở nơi làm việc (trừ những lúc tập trung làm hay tán gẫu, đùa giỡn). Niệm danh hiệu Phật, giữ danh hiệu Phật trong tâm trí, trụ vào danh hiệu Phật để tâm mình tạm thời không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi trụ vào danh hiệu Phật tức là có chánh niệm, sống trong chánh niệm vì lúc ấy cũng tạm thời không còn vướng vào những tà niệm, vọng niệm của tài, sắc, danh, thực, thùy.
Một chút mở rộng: Phật giáo nam truyền(Theravada) cho niệm Phật là niệm đức hiệu chứ không phải niệm danh hiệu, đó là niệm: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Phật giáo nam truyền , Phật giáo Theravada không niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà là niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thiên, niệm thí… cho đến niệm tử. Khá nhiều vị cực đoan bài bác Phật A Di Đà và pháp môn Tịnh Độ. Họ cho là phương pháp ấy không phải chánh pháp, không phải do Phật Thích Ca dạy. Bút giả cũng từng nghi ngờ và niềm tin lung lay nhưng rồi trong quá trình sống đã nhận được nhiều lợi ích từ việc niệm Phật, trụ tâm vào câu Phật hiệu cho nên đã vượt qua được sự nghi ngờ ấy và quyết chí giữ vững việc niệm Phật. Khi mình niệm Phật, nghĩ Phật, nhớ Phật, tưởng Phật thì ấy là cái niệm chánh, cái niệm tịnh. Niệm Phật cũng chính là sống trong chánh niệm vậy.
Ngoài những bạn Phật tử người Việt ra, tôi còn có một số bạn Phật tử người nước ngoài, cả ngoài đời và trên mạng xã hội. Trong số ấy có một số khá thân như: Phật tử người Pháp Jean Phillip Estrada, anh ta tu học theo truyền thống Phật giáo Nichiren của Nhật Bản; Saman Barua một Phật tử người Sri lanka, là một huấn luyện viên bóng chày; Chondra chen Phật tử người Tạng; Sư Quang Trí một tu sĩ Phật giáo người Mỹ hiện đang tu học ở một ngôi chùa Việt; ni sư Tịnh Quang một nữ tu sĩ người Canada đã từng sống và tu học nhiều năm ở Việt Nam… Chúng tôi vẫn thường trò chuyện hàng ngày, nói về các vấn đề xã hội và Phật pháp. Đặc biệt có một người sau khi tu học theo Phật giáo Bắc truyền nhiều năm thì chuyển qua tu theo truyền thống Phật giáo Theravada. Vị này cho biết nhiều lý do vì sao chuyển sang tu theo Phật giáo Nam truyền, đại khái là: Phật giáo Bắc truyền không còn đúng theo như lúc ban đầu, Phật giáo Bắc truyền có nhiều sự thêm bớt của người Tàu và Phật giáo Bắc truyền không chắc sẽ đi đến được giải thoát…
Kế đến có một vị Phật tử Việt vốn cùng sinh hoạt tu học với nhau đã nhiều năm, nay vị này cũng chuyển sang tu học theo Phật giáo Nam truyền, bỏ áo lam sắm áo trắng đúng theo kiểu Phật tử các nước Nam tông. Tôi và anh ta rất thân quen cho nên cũng thoải mái trong việc trao đổi ý kiến. Anh ta bảo:
“Phật giáo Bắc tông như Việt Nam, Trung Quốc khác xa với Phật giáo Nam tông, có quá nhiều sự ngụy tạo, thêm bớt, kinh điển cũng không phải lời Phật mà người sau biên soạn. Những biểu tượng và Bồ tát không hề tìm thấy ở Phật giáo nguyên thủy cũng như trong kinh tạng Pali...”
Tôi nói với anh ta bằng những gì tôi biết:
“Bạn nói đúng, có những khác biệt giữa hai trường phái Phật giáo, ấy là vì Phật giáo truyền đến đâu thì kết hợp với đặc tính văn hóa, tập quán của địa phương để mà uyển chuyển trong việc hoằng hóa, đó là tính khế cơ khế lý của đạo Phật. Tuy hai nhánh có nhiều khác biệt nhưng cùng thống nhất ở giáo pháp căn bản, cốt lõi tinh túy của đạo, đó là: Tứ diệu đế, bát chánh đạo, thập nhị nhân duyên, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… Dù tu học theo trường phái nào đi nữa nhưng vẫn nương theo căn bản cốt lõi này thì cũng có kết quả tốt thôi.”
Anh ta lại nói:
“ Phật giáo Nam truyền không có đốt vàng mã, không coi ngày giờ, trục vong, giải hạn, cầu siêu, không có cả lễ Vu Lan, không có cúng thất bốn mươi chín ngày... Những thứ này không phải chánh pháp, trong kinh tạng Nam truyền không có, thời Phật tại thế Phật đâu có dạy hay làm những chuyện này”
Tôi thành thật bảo:
“Ừ, đúng là thời Phật tại thế không có việc này, Phật giáo Nam truyền không có những việc đó nhưng Phật giáo Bắc truyền cũng không có tục buộc chỉ cổ tay chúc phúc lành, không có lễ hội té nước cầu phúc, không có té nước vào sư sãi hay tượng Phật… Những việc ấy là do sự giao thoa, ảnh hưởng của Phật giáo và văn hóa, tập tục địa phương. Việc cúng thất bốn mươi chín ngày và vấn đề thân trung ấm thì chúng ta nên nhìn lại. Phật cũng đã nói rất rõ về vấn đề này. Với những người cực thiện hay cực ác thì sau khi chết sẽ tái sanh ngay lập tức vào những cảnh giới tương ưng, còn những người mà phước tội chưa rõ ràng hay chưa phân định, chưa có mặt nào trội hơn thì phải trải qua một thời gian mới có thể tìm được cảnh giới tương ưng để tái sanh. Kinh tạng Pali cũng có một đọan kinh như sau, tiếc là tôi không nhớ cụ thể tên bài kinh: “Như Lai thấy rõ ràng có những người vừa ra khỏi nhà này thì lập tức vào nhà kia. Có những người ra khỏi nhà lại cứ đi tới đi lui mà chưa vào nhà nào, lại cũng có nhiều người đi đứng hoặc ngồi ở ngã ba đường, bên vệ đường...” Đọan kinh này cho thấy những người chết lập tức tái sanh là đúng như truyền thống Nam truyền, tuy nhiên còn những người cứ đi qua đi lại hay ngồi ở ngã ba đường ấy chính là thân trung ấm sau khi chết mà chưa tìm được cảnh giới tương ưng để tái sanh” . Việc cúng thất bốn mươi chín ngày là để hồi hướng phước đức cho những thân trung ấm, tạo phước duyên lành gợi nhắc cho thân trung ấm tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp hơn, tuy nhiên hiệu quả thế nào tùy thuộc vào năng lực và phước đức của cả thân trung ấm lẫn người thực hiện việc cúng thất. Bốn mươi chín ngày là con số tượng trương mang tính biểu tượng của sự nhân bảy cho bảy tuần, thật sự thì không nhất thiết phải bốn mươi chín ngày mới tái sanh mà có thể sớm hơn hoặc muộn hơn, thậm chí phải trải qua một thời gian dài kinh khủng vẫn chưa được tái sanh”
Anh bạn Phật tử lại thắc mắc:
“ Phật giáo Bắc truyền mà cụ thể là pháp môn tịnh độ tu kiểu gì mà cứ réo gọi tên Phật để được Phật độ, làm gì có chuyện đó! Đạo Phật là đạo nói nhân quả, phải tự tu tự chứng. Ông Phật không cứu vớt được ai.”
Tôi cười với bạn:
“ Bạn nói đúng, Phật không phải thượng đế hay thánh thần nên không có cứu vớt như thể chìa tay ra, cũng không có trừng phạt. Phật là bậc giác ngộ và chỉ đường cho chúng ta đi, chúng ta phải tự thân mà đi, không đi thì không tới, không ăn thì không no, không uống thuốc thì không hết bệnh. Phật không thể đi giùm hay uống thuốc giúp ta. Niệm Phật là một pháp môn có lâu đời, tuy cách niệm Phật của Bắc tông khác với Nam tông nhưng cùng có lợi ích lớn. Phật giáo Nam tông niệm mười đức hiệu: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... Phật giáo Bắc tông niệm Phật, dùng câu Phật hiệu như cái mỏ neo để neo giữ con thuyền giữa muôn trùng sóng gió. Trụ vào câu Phật hiệu để không phải trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hay tài, sắc, danh, thực, thùy. Niệm Phật là nghĩ và nhớ Phật trong từng sát na hiện tại và mọi lúc, mọi nơi. Niệm Phật là nghĩ nhớ tướng hảo quang minh cũng như công đức của Phật chứ không phải kêu gào tên của Phật để Phật cứu độ. Niệm Phật là một phương pháp thanh lọc tâm, thanh tịnh tam nghiệp. Niệm Phật là một cách để: “Tự tịnh kỳ ý” như bài kệ trong kinh Pháp Cú.”
Người bạn cho biết: “ Dù vậy tôi vẫn thấy tin tưởng ở Phật giáo Nam truyền hơn. Tôi chuyển qua tu học theo Phật giáo Nam truyền, tu tứ niệm xứ, đây là pháp tu căn bản mà chính đức Phật đã tu, đã chứng và dạy cho chúng ta. Tứ niệm xứ là pháp tu nguyên thủy nhất của Phật giáo.”
Tôi đồng ý với anh bạn:
“ Đúng là như thế, Tứ niệm xứ là pháp tu căn bản, Phật tử tu học theo truyến thống Bắc tông vẫn tu tứ niệm xứ kia mà. Người niệm Phật mà tu tứ niệm xứ thì công phu càng nâng cao, càng hiệu quả trong việc tu học. Tu tứ niệm xứ để biết thế nào là thân bất tịnh, ba mươi hai thể trược, từ đó sẽ không còn chấp thân, từ đó sẽ chán ngũ trược ác thế để sau này tái sanh sẽ chọn một cảnh giới an lành thanh tịnh hơn. Tu tứ niệm xứ để nhận biết cảm thọ của mình sẽ dẫn mình đến khổ, dù là thọ lạc hay thọ khổ cũng đều khổ cả. Tâm mình vô thường thay đổi tùy tâm trạng và hòan cảnh, cái vọng tâm vốn thiên sai vạn biệt nó tương ứng với các pháp vốn sanh diệt liên lỉ, các pháp vốn không có tự ngã, các pháp sanh diệt đều do duyên. Ở cõi ngũ trược ác thế này thì tất cả không ngoài nhân – duyên- quả. Tất cả do duyên hợp mà thành thì cũng sẽ do duyên tán mà tan. Phật pháp cũng không ngoài nhân duyên. Bạn chuyển việc tu học từ Bắc Tông sang Nam tông cũng có nhân duyên sâu xa chứ chẳg phải tự nhiên. Bạn tu pháp môn nào cũng tốt cả, tu học theo truyền thống nào cũng thiện lành. Cái chính là pháp môn hay truyền thống ấy có hợp với căn cơ của mình, trình độ của mình và cả hòan cảnh sinh hoạt của mình”
Thế rồi cả tôi và anh bạn Phật tử ấy vẫn đi theo con đường tu học của Thế Tôn khai sáng, tuy nhiên anh ta theo hướng khác và tôi theo hướng mà mình cảm thấy thích hợp nhất. Anh ta có chánh kiến và tôi cũng giữ lập trường của mình. Chúng tôi vẫn gặp nhau và vui vẻ trong tình bạn ngoài đời, tình pháp lữ trong đạo. May mắn thay ở nơi chúng tôi sống, ngôi chùa có mở cả khóa tu niệm Phật lẫn khóa tu tứ niệm xứ để cho mọi Phật tử dù khác xu hướng cùng có thể tu học.
Thanh NguyễnẤt lăng thành, 06/22