Tôi không nghĩ là có người Việt nào lại có thể không thiết tha yêu tiếng Việt! Tình yêu ấy thấm đẫm tận sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi chúng ta tự thuở còn được ôm ấp trong vòng tay mẹ và theo ta đến bất cứ nơi nào trong cuộc sống. Nó hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước, thấm sâu vào trong máu thịt của mỗi người dân Việt, tạo thành một sức mạnh vô hình mà thật có, bất khuất kiên cường trước mọi thế lực ngoại xâm và bền bỉ chuyên cần trong dựng xây đất nước. Điều đó đã nói lên một chân lý gắn bó muôn đời bất diệt: Dân ta còn, tiếng nước ta còn!
Nhưng sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống thường ngày và am hiểu tiếng Việt là hai việc khác nhau. Những năm còn theo học Văn khoa, sinh viên chúng tôi thường bảo nhau rằng: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt.” Tưởng rằng đó chỉ là cách nói trong những ngày “xôi kinh nấu sử”, ngờ đâu cho đến khi đã trải qua nhiều năm theo nghiệp văn chương mà vẫn thấy câu nói ấy quả thật không cường điệu. Bước vào thế kỷ 21 rồi mà mỗi khi đọc sách báo ngày nay chúng ta vẫn thường bắt gặp không ít những câu văn tiếng Việt chưa hoàn chỉnh, những cách dùng từ không chuẩn xác...
Vì thế, chúng ta không thể không quan tâm đến việc nghiên cứu, tìm hiểu về tiếng Việt cũng như những gì liên quan đến sự hình thành và phát triển của nó. Tuy nhiên, nghiên cứu tiếng Việt là một phạm vi khá rộng lớn, không thể bao quát trong một chuyên ngành duy nhất. Hơn thế nữa, cho đến thời điểm hiện nay thì mỗi một phân ngành trong việc nghiên cứu tiếng Việt vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ đang rất cần đến nhiều người cày xới. Từ việc nghiên cứu ngữ âm, ngữ pháp cho đến từ vựng tiếng Việt; từ việc nghiên cứu tiếng Việt cổ xưa cho đến tiếng Việt hiện đại, mặc dù đều đã đạt được khá nhiều thành tựu nhưng cũng vẫn còn không ít vấn đề đang cần phải tiếp tục nghiên cứu. Trong tình hình đó, một công trình nghiên cứu toàn diện về lịch sử tiếng Việt là điều hết sức cần thiết, và cũng có thể nói là ước mơ chung của tất cả những ai đang làm công tác nghiên cứu tiếng Việt. Bởi vì việc nắm vững lịch sử hình thành và phát triển của tiếng Việt tất yếu sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho mọi phân ngành nghiên cứu khác.
Ông Hoàng Xuân Việt đã dày công nghiên cứu và ghi lại trong chuyên khảo này nhiều điều bổ ích, có thể là rất cần đến cho một công trình nghiên cứu toàn diện về lịch sử tiếng Việt. Tác giả đã đặt cho mình một mục tiêu khá lớn lao khi gọi tên chuyên khảo này là “Lịch sử chữ Quốc ngữ”. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm, những gì ghi nhận được trong chuyên khảo này mặc dù khá phong phú về mặt ngữ liệu, nhưng quả thật chưa đủ để bao quát hết phạm trù “lịch sử chữ Quốc ngữ”, cả về không gian cũng như thời gian. Vì thế, chúng tôi đã mạn phép đặt lại tiêu đề cho phù hợp hơn là “Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ”.
Khi nhận được bản thảo tập chuyên khảo này với lời đề nghị làm công việc hiệu đính, cảm tưởng đầu tiên của tôi là hết sức vui mừng và trân trọng. Vui mừng vì có dịp để góp phần vào một công việc mà bất cứ người Việt nào cũng có phần trách nhiệm, đó là học tập, nghiên cứu để làm cho tiếng Việt ngày càng được hoàn thiện hơn nữa. Và trân trọng vì những công sức mà tác giả đã bỏ ra trong nhiều năm để thực hiện chuyên khảo này. Với tâm trạng đó, tôi đã không ngần ngại nhận lời thực hiện công việc hiệu đính, cho dù tự biết là có những giới hạn nhất định về trình độ cũng như năng lực của bản thân. Hơn thế nữa, tôi đã thực hiện công việc này với tất cả sự nhiệt tình và nghiêm túc, đôi khi còn “bạo gan” đóng góp phần ý kiến chủ quan của mình vào nội dung chuyên khảo nếu xét thấy cần thiết. Quả thật không phải là một công việc dễ dàng, nhưng rất may là cuối cùng rồi cũng đã hoàn tất.
Điều có thể khiến cho hầu hết chúng ta phải khâm phục đối với công trình này là sự kiên nhẫn và tỉ mỉ của tác giả khi thu thập được rất nhiều ngữ liệu từ những giai đoạn rất sớm của chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, cũng chính sự đa dạng và phong phú của những gì được thu thập trong chuyên khảo đã làm cho tác giả có phần nào đó hơi rối rắm trong việc sắp xếp, trình bày. Trong quá trình hiệu đính, ngoài việc phát hiện và chỉnh sửa những thông tin chưa được chuẩn xác, tôi còn cố gắng sắp xếp lại khá nhiều ý tưởng, phân đoạn, cũng như bổ sung một số đoạn nhằm làm cho vấn đề đang trình bày có thể được trở nên rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu hơn. Mặc dù vậy, trong khi thực hiện công việc, chắc chắn không thể tránh khỏi ít nhiều sai sót. Nếu có phần nào đó còn chưa được hoàn toàn hợp lý, tôi xin nhận phần trách nhiệm về mình và rất mong sẽ nhận được sự cảm thông, tha thứ của tác giả cũng như quý độc giả gần xa.
Chuyên khảo này có thể xem là một tư liệu tham khảo hết sức cần thiết và bổ ích trong việc tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, tôi cũng không ngần ngại đề cập đến một số những giới hạn của công trình này. Trước hết, về mặt ngữ liệu tác giả đã nghiêng nhiều về những văn bản mà ông gọi là “chữ Nôm đạo”, vốn là những văn bản được lưu hành chủ yếu trong các giáo dân của đạo Ki-tô chứ không phải là toàn thể cộng đồng người Việt. Vào thời điểm xuất hiện các văn bản này, tỷ lệ giáo dân vẫn còn là quá nhỏ khi so với dân số cả nước. Mặt khác, được quy định bởi tư tưởng của những người trước tác và nội dung chuyển tải nên cho dù tồn tại một số lượng khá lớn, các văn bản này vẫn không thể phản ánh được tiếng Việt của cộng đồng một cách toàn diện.
Kế đến, phạm vi khảo sát của tác giả chỉ giới hạn ở Nam bộ, mà chủ yếu là các vùng Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa... Chúng ta có thể đồng ý là chữ Quốc ngữ đã phát triển phần nào sớm hơn ở miền Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là nó được lan truyền từ Nam ra Trung, ra Bắc. Những yếu tố phôi thai hầu như đã xuất hiện ở cả ba miền đất nước, và khi có đủ những điều kiện thuận lợi thì sự phát triển ở mỗi nơi cũng là điều tất yếu.
Ngoài ra, việc nghiên cứu tiếng Việt nói chung, lịch sử chữ Quốc ngữ nói riêng, ngày nay không chỉ được tiến hành ở phạm vi trong nước. Rất nhiều người Việt ở nước ngoài không hề đánh mất đi tình yêu sâu xa đối với tiếng mẹ đẻ, vẫn miệt mài nghiên cứu và thu thập được nhiều tư liệu quý giá. Như chúng ta đều biết, sự hình thành chữ Quốc ngữ liên quan đến sự tham gia ban đầu của nhiều người ngoại quốc, cụ thể là các nhà truyền giáo Ki-tô mang nhiều quốc tịch khác nhau. Việc thu thập và nghiên cứu những thông tin về họ cũng như công việc mà họ đã làm trước đây có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu sự hình thành chữ Quốc ngữ. Dựa trên hướng nghiên cứu này, vai trò của Alexandre de Rhodes và nhiều giáo sĩ khác đã được đánh giá lại một cách hợp lý hơn, và do đó cách nhìn về sự hình thành của chữ Quốc ngữ cũng đã có phần khác đi. Nói chung, những gợi ý và thử nghiệm ban đầu của các nhà truyền giáo là không thể phủ nhận, nhưng tựu trung thì người Việt vẫn đóng một vai trò tích cực và chủ động trong sự hình thành và phát triển thứ chữ viết mới của chính dân tộc mình.
Chúng ta đang rất cần có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc và toàn diện hơn nữa về lịch sử chữ Quốc ngữ. Hy vọng là trong một tương lai không xa lắm sẽ tiếp tục có thêm nhiều công trình nghiên cứu mới ra đời góp phần xây dựng ngôi nhà tiếng Việt của chúng ta ngày càng thêm giàu đẹp và phong phú hơn nữa.
NGUYỄN MINH TIẾN