Thuở ấy,
Nơi một thành phố nhỏ an hòa nằm ven biển, trải dài ôm bờ cát trắng, trắng như những tà áo buổi tan trường ngày nào, với những con đường rợp lá me xanh. Nơi có một ngọn đồi đầu cửa phố, nơi có một pho tượng Phật trắng tinh khôi an nhiên cuối nhìn dòng hải triều đến đi, vững chãi, chở che như ngọn hải đăng soi đường cho dòng nhân thế.
Nơi con sông chia hai đường ra biển cho nước mãi ôm lòng đau con nước – con nước nhớ nguồn.
……….
Mỗi buổi tối sau cơm chiều, tôi mang đôi guốc ra đặt sẵn dưới chân bộ ván gõ (đôi guốc lúc nào cũng như mới, được ngoại tôi cẩn thận đóng thêm dưới gót một lớp cao su lấy từ vỏ xe)
Thay xong bộ đồ sạch sẽ, tôi ra ngồi dưới bậc tam cấp trước nhà nhìn các bạn cùng lứa trong xóm đùa chơi, chờ ngoại đưa đi lễ Chùa.
Đường chiều đang ngã tối, phố xá bắt đầu lên đèn, gió từ biển nhè nhẹ thổi vào lung lay làm rơi những chiếc lá me nho nhỏ như cùng muốn chia sẻ với tôi những bước chân vui. Theo ngoại tung tăng đến Chùa lòng thật nhẹ nhàng. Lúc ấy tôi chưa biết thế nào là hạnh phúc, chỉ biết mình rất vui, và dễ chịu – Lòng vui tươi của một đứa trẻ tìm được sự cảm thông, niềm dễ chịu của một cõi lòng chưa hề biết ước mơ.
Vào sân chùa, sau khi lễ Phật và vấn an Thầy Trù Trì, thừa lúc chưa làm lễ, tôi chạy bay ra sân sau, bên gốc cây ngọc lan thơm ngát mỗi lần nở hoa, sau lưng tượng Ngài Địa Tạng tìm Thầy. Cứ mỗi chiều đến Chùa, tôi biết mình sẽ có một cái bánh hay một quả trái cây tươi mà Thầy để dành cho tôi. Sân sau Chùa vắng lặng, Thầy đang đọc sách dưới ánh đèn điện ngoài đường rọi vào. Tôi khe khẽ đến bên cạnh chắp tay lạy Thầy, mỉm cười Thầy nhìn tôi « con đó à !«. Ngồi bệt xuống đất vửa thưởng thức vị ngọt của trái chuối cau nho nhỏ, hay miếng bánh ít lá gai thơm ngần, vừa nghe Thầy đọc những lời Phật dạy, hay những mẩu chuyện nho nhỏ. Tôi thích nhất là nghe Thầy giảng những dòng Kinh Pháp Cú. Thỉnh thoảng tôi làm gián đọan lời Thầy vì những câu hỏi ngớ ngẫn của tôi, lúc ấy Thầy buông trang sách nhìn tôi mỉm cười rồi chậm rãi giải thích. Thầy chỉ cần nhìn ánh mắt tôi, biết ngay hôm ấy tôi không vui. Sau những lời huấn dạy đầy bao dung, tôi tìm lại được ngay nụ cười hồn nhiên. Tôi nhớ mãi ánh mắt của Thầy, ánh mắt thật sáng, và đầy sự cảm thông – đôi mắt với cái nhìn không phân biệt .
Sau mẩu chuyện, Thầy tiếp tục suy tư cùng trang sách của Thầy. Tôi nhặt những viên sỏi nhỏ dưới gốc cây lặng lẽ một mình chơi ô làng. Không gian và thời gian như không còn hiện hữu. Thầy trầm tư với những giòng chử khó hiểu của Thầy, tôi vẫn vơ với những viên sỏi vô tình của tôi. Nhưng sao tôi nghe thật bình yên và an lành - Niềm an lành của một cõi tâm linh chưa biết vọng cầu.
Đến giờ, Thầy đứng lên xếp trang sách đọc dở khẽ nói « ta vào làm lễ con à «. Tôi vội vàng bỏ ngang cuộc chơi theo Thầy ra giếng nước. Bên cạnh giếng, Thầy đã múc sẵn cho tôi một thao nước trong để rữa mặt trước khi vào lễ Phật. Những buổi tối trong thành phố oi bức, nhất là những tối mùa hè, trời thật nóng, được tưới lên mặt những vạt nước mát từ giếng vừa kéo lên thật dễ chịu vô cùng. Tôi múc thêm một gáo nước trong lu sành cạnh giếng uống một ngụm thật dài rồi chạy bay vào Chánh Điện. Ngoại đã dành sẵn cho tôi một chỗ thật tốt (bên cạnh cột trụ ở góc Chánh Điện , nếu ngủ gục thì cũng chẳng sao !)
Tôi theo nhịp mõ lần theo giọng đọc kinh thật trầm ấm và hiền từ của Thầy mà niệm những giòng Kinh đầu đời …
Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua, tôi bị cuốn theo giòng nước đục ngầu của vũ bảo, chiến tranh mà đi vào cuộc sống thế gian.
Khai trường năm sau tôi phải vào nội trú.
Năm đó tôi không còn được gặp Thầy, không nghe Thầy đọc những giòng Kinh Pháp Cú, hay lời dặn dò, dạy bảo.
Trường nội trú tôi ở cũng có hàng me bên rào, cũng có tiếng chuông ngân nga. Mỗi chủ nhật khi các bạn đã được gia đình cha mẹ đón về nhà, tôi một mình ở lại, ra gốc cây me nhặt vài viên sỏi nhỏ một mình chơi ô làng. Thỉnh thoảng tiếng gió lùa vào đám lá me râm nghe như tiếng Thầy đang đọc truyện . Tiếng chuông giáo đường đỗ vọng sang, lúc ấy tôi mặc nhiên tự nghĩ - « Ồ ! chuông Chùa đang vọng «
Rồi hè sang, được về nhà. Tối hôm ấy tôi chuẩn bị thật sớm, những tấm tranh vẽ thô sơ mà tôi tập
vẽ ở trường, được cẩn thận cuộn tròn với sợi dây nơ chờ ngoại đưa đi Chùa. Biết bao điều tôi muốn kể cho Thầy nghe. Hôm ấy không biết tại sao ngoại chậm chạp quá !
Đến sân Chùa, vào Chánh điện lạy nhanh 3 lạy, tôi vụt ra sân sau tìm Thầy. Sân sau chùa vốn dĩ đã vắng, hôm ấy sao mà tiêu điều quá. Tôi bỏ sân sau, ra sân trước, vào nhà khách vẫn không tìm thấy bóng Thầy đâu. Tìm đến ngoại tôi hỏi nhỏ Thầy đâu ? Ngoại nhìn tôi không nói, nắm tay tôi ra sau bàn thờ Tổ - nơi bàn thờ linh của Tăng Ni – hình Thầy trên bàn . Tôi không biết phải nói gì và cũng không muốn biết nghĩ gì. Đôi khi sự im lặng là tiếng gào thâm sâu cùng tận nhất. Tiếng ngoại nhắc nhở bên tai « thắp cho Thầy nén nhang « . Thắp nén nhang, lạy Thầy ba lạy, tôi lặng lẽ ra sân sau, bên cạnh chiếc ghế đá ngày nào Thầy ngồi đọc sách cho tôi nghe… và tôi khóc – khóc một mình. Không gian như không còn, thời gian như chẳng có.
Hôm ấy, không ai múc nước cho tôi rửa mặt, không ai nhắc tôi đến giờ vào lễ Phật nên tôi đã ngủ quên một mình trên chiếc ghế đá. Hôm ấy, lần đầu tiên đi chùa tôi không lễ Phật .
Tôi cũng không được đọc một hồi kinh nào để tiễn người Cha tâm linh của tôi ra đi. Ừ nhỉ, mà tôi đâu có muốn đưa Thầy ra đi đâu ! Thầy vẫn còn đây, vẫn trong tôi, những lời Thầy vẫn vang vọng. Ánh mắt Thầy vẫn dìu dắt tôi trên cuộc đời dâu bể nầy .
Và tôi an nhiên, tự tại trong góc trời hạnh phúc của riêng tôi từ đấy .. .
Qua bao nhiêu năm lưu lạc, xa quê, con sóng trầm luân đưa chiếc thuyền manh xa lần bờ bỉ ngạn…
Và cũng con sóng ấy đã đưa tôi về lại bến xưa. Nhìn vô thường là thường của dòng chảy nhân giang.
Tôi tìm về chùa sau bao năm bôn ba vì cuộc sống. Theo nhịp mõ, lần theo lời kinh mà đọc những giòng kinh cuối đời.
Giờ thì tôi không ra sân sau một mình để nghe Thầy đọc Pháp, mà tôi được ngồi giữa những người đồng đạo trong ngôi chùa ấm cúng để nghe Thầy giảng Pháp. Những giòng Pháp thoại thâm sâu đầy huấn dạy đã đưa tôi lần ra khỏi góc trời hạnh phúc riêng tư và nhỏ bé ngày cũ. Giờ đây tôi có chung một bầu trời, một không gian thật rộng lớn biết bao người thân quanh tôi.
Ngước nhìn lên, Niêm Hoa Vi Tiếu sáng ngời, trong ánh sáng trong suốt ấy tôi nhận ra ánh mắt của Thầy ngày xưa. Ánh mắt của cái nhìn không phân biệt
Mỗi lần về Chùa, tôi không còn một mình ra sân sau với những viên sỏi vô tình ngày nào. Tôi đang cùng mọi người trải trên sân chùa những viên sỏi tình thâm .
Hạnh phúc thật sự có phải là niềm vui được trải đều đến vạn nẻo, là nỗi đau của người mà ta cùng chia sẻ.
Ngoài sân sáng, giọt sương mai làm mượt mà thêm cành hoa nhỏ. Và nắng đang lên cao…
"Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát." (T.T.S)