Tôi thích đọc những đoạn văn ngắn của Krishnamurti, ông có một lối viết nhẹ nhàng và thường chen vào đó những cảm xúc của ông về thiên nhiên. Ông có một cái nhìn rất sâu sắc, thấy được sự kỳ diệu của sự sống trong những sự việc tầm thường hằng ngày: một con đường đất bụi, một buổi sáng mưa, một chiếc lá mùa thu hay một buổi chiều nhiều mây.
Krishnamurti nói, cái nhìn sâu sắc là một cái nhìn bằng tâm hồn ngây thơ chưa bị sai lạc vì thành kiến. Ông viết, “Đằng kia là một ngọn núi với bóng mặt trời hoàng hôn; hãy nhìn nó bằng một con mắt đầu tiên, nhìn nó như là ta chưa từng thấy nó bao giờ, nhìn với sự ngây thơ, với một ánh mắt được tắm trong sự trong sáng, chưa hề bị kiến thức làm hư đốn – được như vậy thì thấy là một kinh nghiệm phi thường.”
Thấy là một kinh nghiệm phi thườngTôi nhớ câu chuyện của thiền sư Huyền Sa. Một hôm thiền sư Huyền Sa đang ngồi trong thất, có một vị thị giả đứng hầu cạnh bên. Huyền Sa nhìn xuống nền thất thấy có một điểm trắng, ngài hỏi vị thị giả: “Ông có thấy điểm trắng ấy không?” Vị thị giả thưa: “Dạ con có thấy!” Ngài bảo: “Ta thấy, ông cũng thấy, vậy tại sao có người ngộ, có người không ngộ?”
Có lẽ mục đích của thiền tập là vậy, không phải để ta thấy được một cái gì, hoặc những ảnh tượng huyền bí, xa vời, mà là để ta có được cái thấy như ngài Huyền Sa, như của Krishnamurti. Một ngọn núi, một hoàng hôn, một giọt nắng… có thể đưa ta về với sự sống đang có mặt trong giờ phút hiện tại.
Nó giúp ta đi, đứng, nằm, ngồi, lắng nghe, cười nói, làm những công việc hằng ngày với trọn con người của mình. Giúp ta sống một cuộc đời bình thường bằng những “kinh nghiệm phi thường” nhưng cũng rất tự nhiên.
Như Krishnamurti nói, cái “kinh nghiệm phi thường” ấy phải được nhận thấy “với sự ngây thơ, với một ánh mắt được tắm trong sự trong sáng”, chứ không phải là do một sự rèn luyện theo một khuôn mẫu nào đó, vì những khuôn mẫu ấy có thể làm cho cái thấy của mình bị “hư đốn” đi.
Cái ta là những giới hạnTôi nhớ nhà phân tâm học Carl Jung có nói rằng, đôi mắt của ta bị giới hạn bởi những cái ta đang là! Có nghĩa là nếu ta đang đứng quay về phương tây thì ta sẽ không thấy được phương đông. Nếu ta nghĩ hạnh phúc của mình là ở phía bên kia thì ta sẽ không thể nào tìm được nó ở bên này. Hạnh phúc của ta sẽ mãi mãi là ở phía bên kia.
Cuộc đời tự nó có rất nhiều điều hay đẹp, nhưng nhiều khi ta cũng cần được nhắc nhở lại điều ấy. Nhìn hoàng hôn xuống trên một bãi biển, lên cao xem mùa thu của núi rừng, uống một tách cà phê, đọc một quyển sách, đi dạo, nghe một bài nhạc… tất cả đều tiềm chứa một thực tại chân thật. Mỗi hành động, mỗi việc làm của ta trong giờ phút hiện tại, đều có thể mang lại cho ta một sự an vui tự nhiên.
Một buổi chiều đi trong rừng, tôi bắt gặp một mặt trời hoàng hôn thật đẹp. Ánh nắng chiều nhuộm vàng khu rừng đầy lá thu tĩnh lặng, tôi cảm được mặt trời hoàng hôn đang ươm chín những chiếc lá, ngửi được mùi cỏ cây, nghe thấy tiếng lá rơi trong không trung. Tôi chưa bao giờ được đứng trong ánh nắng vàng ấm ngập tràn nhiều như vậy. Lúc ấy, trước một vẻ đẹp vô cùng của thiên nhiên, tôi chợt cảm thấy được tính chất cô tịch của nó, dầu có ai ở đó thưởng thức hay không, thiên nhiên vẫn cứ đẹp nhiệm mầu.
Đôi khi khổ đau là nguyên liệuBạn biết không, đôi khi chúng ta cần phải va chạm với khổ đau mới ý thức được những hạnh phúc bình thường nhưng thật nhiệm mầu ấy. Khi còn nhỏ, đứa con gái bị bệnh, tôi phải vào nhà thương ở với nó trong mấy tuần.
Mỗi buổi chiều đứng trong phòng bệnh, tôi thường bồng nó nhìn ra ngoài kia cửa sổ, có ánh nắng hoàng hôn nhuộm vàng mặt hồ, xa xa thành phố bắt đầu lên đèn. Không gian ngoài kia sau khung cửa kính tuy gần gũi, nhưng đối với tôi thấy xa xôi. Lúc ấy, tôi muốn được đi ra ngoài, bước những bước chân thật bình thường, tự do như tất cả mọi người khác.
Tôi nhìn xuống đường, thấy những người đi bộ hối hả qua lại. Tôi không hiểu họ có ý thức được rằng họ đang có tự do chăng! Hay lại sống trong quên lãng, bỏ đi những hạnh phúc trước mắt, rồi vội vã đeo đuổi một ước mơ nào đó mà có lẽ họ sẽ không bao giờ có.
Trải nghiệm được điều ấy, giúp tôi khám phá ra rằng, tự do không phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, mà do ở nhận thức và cái thấy của mình. Chúng ta có thể đi được khắp nơi, làm được mọi chuyện, nhưng vẫn không bao giờ cảm thấy mình tự do.
Bình yên trong bốn mùaĐứng ngoài hiên nhà tôi ngửi thấy mùi củi cháy thoảng trong không khí, quyện trong những làn khói bốc lên từ lò sưởi nhà hàng xóm. Phía dưới sân, vài con sóc chạy lòng vòng theo các gốc cây, chăm chỉ tha những hạt trái khô, chôn giấu cho một mùa đông sắp đến.
Nhớ có lần đọc được câu này, “Hãy ôm trọn những khổ đau, tăm tối của cõi ta bà này, cùng với những hạnh phúc và bình an của cuộc đời. Đừng sợ hãi, đừng phân biệt! Người dũng sĩ làm được chuyện ấy mới có khả năng thưởng thức được trọn vẹn hương vị của tách trà.”
Mỗi khi nâng lên một tách cà phê nóng trong hai tay, tôi thấy bốn mùa về thật bình yên.