Từ vô thủy đến nay, chúng ta vốn đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên nên kinh Hoa Nghiêm dạy: “Giả sử ác nghiệp có hình tướng thì mười phương hư không cũng chẳng thể chứa đựng được.” Chư Tổ sư Đại đức bảo: Người tu trì nếu chân thành cung kính, không dối trá thì có thể chuyển hóa được ác nghiệp của mình; chuyển quả báo nặng nề lẽ ra phải lãnh chịu trong đời sau trở thành quả báo nhẹ trong đời này.
Con mắt thịt của phàm phu chúng ta chỉ thấy được những sự thực của thiện ác hiện tại, nhưng chẳng thể biết nhân quả quá khứ và vị lai như thế nào? Chúng ta lại không có tha tâm đạo nhãn, nên cũng chẳng thể ức đoán là mình sẽ được vãng sanh hay không ở cuối đời. Thế nhưng, chúng ta có thể khẳng định rằng: “Làm lành ắt được quả báo lành, làm ác quyết mắc phải ác báo.” Nếu trong đời này, chúng ta làm toàn những chuyện lành mà lại mắc phải ác báo thì đó chính là cái quả báo của ác nghiệp đời trước, chứ không phải là quả báo của thiện nghiệp trong đời hiện tại.
Khi xưa, đại đệ của Phật, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên đã chứng quả vị A-la-hán, tức là Ngài đã đoạn sạch hết các hoặc chướng nơi tâm, thế mà Ngài còn phải chịu lãnh ác báo nơi thân, bị người ta đánh chết một cánh thảm thiết. Lại nữa, cả dòng họ Thích đều tuân theo lời Phật dạy tu hành chân chánh, thế mà cuối cùng cũng bị vua Lưu Ly giết chết sạch không còn một mạng. Có người nghe những câu chuyện như vậy, trong lòng chắc sẽ nghĩ rằng: “Làm lành vô phước, điều thiện chẳng đáng để làm,” nên sanh lòng ngờ vực Phật pháp chẳng nói đúng với sự thật. Người học Phật mà có tri kiến như vậy thì có khác gì người chưa bao giờ được nghe Phật pháp? Nếu tin hiểu lời Phật dạy một cách đúng đắn thì quyết định chẳng vì chuyện này mà có thái độ ngờ vực. Bởi lẽ chuyện nhân quả trùng điệp vô tận; nhân tu thiện ở đời hiện tại chưa kết thành quả thiện báo, thì ác quả của đời trước kia đã chín trước rồi. Do đó mới có những chuyện người đang làm lành, bỗng mắc phải ác báo, còn kẻ đang tạo cực ác thì lại giàu sang, quyền thế, hiển hách, ung dung tạo tội, chà đạp trên pháp luật, cưỡng chế, áp bức, dùng mọi gian kế để sang đoạt của người khác v.v… Những chuyện lành, dữ, họa, phúc trong cõi đời kể sao cho hết. Có biết bao nhiêu người suốt cả một đời làm lành, chẳng phạm điều ác, thế mà lúc lâm chung lại bị chết thảm thiết để tiêu trừ túc nghiệp, rồi đời sau mới được hưởng phú quý tôn vinh.
Khi xưa vào đời Tống, có một vị Tăng ở chùa Dục Vương muốn tu bổ điện thờ Phật xá-lợi, bèn thân hành đến chỗ của Nghi Thân Vương để quyên mộ. Nhà sư quyên góp chẳng được mấy, nên không thể tu bổ điện thờ; vì thế mà sanh lòng uất ức quá mức, bèn dùng búa chặt đứt cánh tay trước điện thờ Phật xá-lợi, chảy máu đến chết. Ngay khi đó, Vương gia (tức Nghi Thân Vương) sanh được một đứa con trai cứ khóc mãi không ngừng. Một hôm, vú em bồng đi chơi, đến chỗ có treo hình tháp xá-lợi thì đứa bé liền nín khóc, khi đi khỏi thì lại khóc nữa. Bà vú thấy vậy, bèn lấy bức hình ấy xuống và thường cầm giơ ra trước mặt đứa bé, thế là đứa bé vĩnh viễn không còn khóc nữa. Vương gia nghe vậy lấy làm lạ, bèn sai người qua chùa Dục Vương hỏi tin vị Tăng ấy mới biết ngày sanh của con mình nhằm đúng vào ngày ông sư ấy chặt tay chảy máu đến chết. Vương gia bèn tự mình đến tu bổ điện xá-lợi. Đến năm đứa con ấy tròn hai mươi tuổi, vua Ninh Tông băng hà, không có con trai nối ngôi, nên bèn cho con trai của Nghi Thân Vương nối ngôi làm hoàng đế đến 40 năm (1225-1265), tức là vua Tống Lý Tông. Nếu đứa bé ấy chẳng thường khóc không ngừng nhưng khi thấy bức vẽ xá-lợi bèn nín, thì ai biết được đứa bé ấy chính là hậu thân của vị Tăng đã chặt tay chết thảm? Cái chết của ông Tăng ấy tuy là một thảm tử, nhưng đó cũng chỉ là việc trả ác nghiệp của các đời trước kia. Sau khi chết, ông Tăng tái sanh vào nhà của Vương gia, rồi lại được thừa kế ngôi vua là phước báu của các đời trước. Câu chuyện này được ghi chép trong A Dục Vương Sơn Chí, năm Quang Tự 21 (1895).
Người thấu hiểu lý lẽ, gặp bất cứ hoàn cảnh như thế nào, quyết chẳng sanh lòng nghi ngờ luật nhân quả có sai lầm, hoặc ngờ vực lời Phật có hư dối. Người không rõ lý lẽ, chấp chết cứng vào quy củ của thế gian, chẳng biết nhân quả rất phức tạp, đến nỗi phải lầm lạc nẩy sanh lòng nghi ngờ Phật pháp, rồi lại bàn bạc chuyện Phật pháp không hoàn toàn đúng, hoặc có lúc đúng lúc sai, có lúc phải lúc trái. Nói chung, cũng chỉ là vì những người này không học kinh, không nghe pháp, nên không có chánh kiến. Chúng ta nên biết, người tụng kinh, niệm Phật luôn có Tam Bảo gia bị, long thiên hộ pháp, tám bộ quỷ thần che chở, đó là lý nhất định, hoàn toàn chẳng phải là điều hư vọng. Chỉ vì người không có chánh kiến, nên chẳng hiểu rõ lý lẽ rằng: Người tu hành có thể chuyển quả báo nặng trong đời sau thành quả báo nhẹ trong đời này mà sanh lòng nghi ngờ luật nhân quả, rồi bàn bạc luật nhân quả là không phù hợp với lý lẽ trong đời.
Xưa kia, Giới Hiền luận sư ở Tây Vực, đức cao trọng vọng, đạo lớn lẫy lừng khắp trên cõi đời. Nhưng do túc nghiệp hiện hành nên thân mắc ác bệnh, khổ sở cùng cực, chẳng thể chịu đựng nổi. Một bữa nọ, ông muốn tự tử chết cho xong. Bổng chợt thấy ba vị Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền và Quán Thế Âm giáng xuống, dạy bảo rằng: “Ông trong kiếp xa xưa kia, nhiều lần làm quốc vương não hại chúng sanh, đáng lẽ phải bị đọa ác đạo từ lâu. Nhưng do nhờ vào công đức hoằng dương Phật pháp, nên ông chỉ phải chịu nỗi đau khổ nhỏ này trong cõi người để tiêu diệt nỗi khổ địa ngục cả kiếp dài lâu. Ông nên gắng sức chịu đựng.” Giới Hiền luận sư nghe lời Bồ-tát dạy bảo, bỏ ý định tự sát, ráng chịu đau, tu sám hối tội lỗi, lâu ngày sau tự nhiên lành bệnh. Nếu người đời chẳng hiểu rõ nhân duyên quả báo trong đời trước thì ắt sẽ nói Giới Hiền luận sư chẳng phải là vị cao Tăng đắc đạo, hoặc sẽ nói bậc đại tu hành như vậy mà vẫn bị bệnh thảm thiết thì Phật pháp linh cảm lợi ích ở chỗ nào?
Chúng ta là phàm phu vô minh, những gì trong tâm của chúng ta biết được thật sự là rất nhỏ nhoi, nên khi thấy chút tướng lạ liền sanh nghi ngờ. Người tu hành không có thiện căn nghe những chuyện này liền thoái thất đạo tâm. Lại thấy người tạo ác hiện tại được phước báo thì liền khởi tâm tà kiến đối với Phật pháp. Họ chẳng biết tất cả mọi sự việc trong đời đều là tiền nhân hậu quả, có thể chuyển quả báo nặng nề trong đời sau thành quả báo nhẹ nhàng trong hiện đời. Những chuyện về nhân quả báo ứng có đủ mọi thứ lý lẽ phức tạp khác nhau, nếu chúng ta không có chánh kiến rất dễ bị hiểu lầm mà sanh lòng nghi ngờ đối với Phật pháp.
Lời nguyện “Sám Hối Được Vãng Sanh” của đức Phật A Di Đà chú trọng kẻ tạo ác nghiệp trong quá khứ. Tội nghiệp sâu nặng như thế lẽ ra là phải chịu quả báo trong tam đồ. Nhưng do thiện nghiệp đời trước ứng hiện kịp thời trong đời này, nên họ may mắn được nghe danh hiệu A Di Đà Phật, liền phát tâm Bồ-đề, chí tâm hồi hướng, vun bồi đức hạnh, cầu vãng sanh. Lúc lâm chung cũng được Phật nguyện từ bi gia bị, không bị đọa vào ba ác đạo mà lại còn được vãng sanh Cực Lạc. Đấy đã nói rõ việc sám hối niệm Phật có thể chuyển đổi được túc nghiệp của hành nhân, thì đó chính là tiền nhân hậu quả! Tuy cái nhân gieo trồng chỉ là nhỏ nhoi, nhưng lại được cái quả to lớn vô cùng; đó đều là do họ tiếp nhận được lực gia trì của A Di Đà Phật trong Nguyện “Sám Hối Được Vãng Sanh.”
A Di Đà Phật từ bi vô lượng, tùy thuận chúng sanh cứu khổ, ban vui, nên mới phát ra bi nguyện “Sám Hối Được Vãng Sanh” rộng sâu. Kinh này chép: “Dù cho lửa lớn khắp tam thiên, nương oai đức Phật đều độ thoát.” Vậy, nếu chúng ta gặp phải những hoạn nạn do oán nghiệp chiêu cảm, tiểu nhân hãm hại như đao binh, nước, lửa, đói kém, ôn dịch, hạn hán, lụt lội, giặc cướp, oan gia, ác thú, rắn độc, ác quỷ, yêu mị, bệnh tật v.v..., mà ngay trong hoàn cảnh đó có thể phát tâm sửa lỗi hướng thiện, tự lợi lợi người, chí thành khẩn thiết niệm hồng danh A Di Đà Phật, niệm niệm không gián đoạn, chắc chắn sẽ được Ngài từ bi che chở, chẳng bị nguy hiểm nữa. Còn nếu như chúng ta vẫn cứ chấp giữ tấm lòng chẳng lành thì dẫu có niệm Phật, chẳng qua chỉ là tạm gieo căn lành cho đời vị lai mà thôi, chẳng thể có được cảm ứng trong đời hiện tại.
Chư Phật, Bồ-tát chỉ thành tựu thiện niệm cho chúng ta, trọn chẳng thành tựu ác niệm cho chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta phát tâm sửa lỗi hướng thiện thì ắt sẽ có được cảm ứng với các Ngài. Ngược lại, nếu chúng ta cứ chấp giữ những ý nghĩ lầm lạc, chẳng chịu sửa lỗi, mà lại muốn niệm danh hiệu Phật, Bồ-tát để mong thành tựu ác sự, thì quyết định sẽ không bao giờ được cảm ứng với Phật, Bồ tát. Người chân thật tu hành thì chớ nên dấy lên cái tâm điên đảo, mê lầm mà niệm Phật; đó chỉ là việc làm uổng công phí sức. Nếu miệng niệm Phật mà tâm khởi tà ý thì chỉ cảm lấy cái quả báo trong tam đồ ác nạn mà thôi! Vì thế Ấn Quang Đại sư mới dạy: “Niệm Phật khẩn yếu nhất là giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt lành, làm chuyện tốt đẹp. Có sức làm được thì tích cực làm, chẳng thể làm được thì cũng phải phát thiện tâm ấy, hoặc khuyên người có sức làm, hoặc thấy người khác làm bèn phát tâm hoan hỷ, thốt lời khen ngợi thì cũng là thuộc về công đức nơi tâm và miệng. Nếu chẳng thể tự làm được, thấy người khác làm bèn sanh ganh ghét, liền thành ra tâm hạnh tiểu nhân gian ác, chắc chắn bị tổn phước, giảm thọ, chẳng được kết quả tốt lành, hãy nên thống thiết răn dè. Chẳng được làm chuyện giả dối để được tiếng, buôn danh chuốc dự, tâm hạnh ấy quả thật bị thiên địa quỷ thần đều cùng ghét. Nếu có lỗi thì phải sửa đổi, nếu không có lỗi thì càng thêm cố gắng làm thêm việc thiện.”
Trong đời lại có những người mê hoặc điên đảo, chẳng hiểu đạo lý nhân quả, làm lành được phước, tạo ác thì gặp dữ, nên chẳng biết hiếu dưỡng cha mẹ, lừa dối, khinh miệt, ngược đãi người khác v.v... Lại cũng có thiện trí thức biết rõ đạo thánh hiền trong thế gian chính là pháp vun bồi cái gốc để thành Phật, nên trong gia đình, ngoài xả hội họ đều giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, làm lành, tránh ác, vun bồi đầy đủ công đức. Hơn nữa, do họ biết tu tập Tịnh nghiệp, biết niệm Phật cầu sanh Cực Lạc nên chắc chắn danh dự của họ ngày càng cao lớn, phước lộc tăng trưởng, tuổi thọ lâu dài, hạnh phúc mỹ mãn. Lúc lâm chung, họ lại được Phật tiếp dẫn lên thẳng chín phẩm hoa sen. Thế mới biết, có nhân chắc chắn sẽ có quả, nhân nào quả nấy tơ hào chẳng sai. Nếu mình đã gieo cái nhân hiếu kính từ ái thì sẽ tự hưởng cái quả hiếu kính từ ái, đi đến đâu cũng được người đời thương mến, tôn trọng, ủng hộ, giúp đỡ. Vì người chính là vì mình, hại người còn tệ hơn tự hại mình. Vì thế, phải tận hết chức phận của chính mình để mong Phật, trời cùng soi xét mà từ bi gia hộ cho mình, chóng thoát ra khỏi tam giới, vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật.
Cổ nhân có bảo: ”Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban sơ mới về.” Bởi lẽ nếu con người được huân tập đạo đức từ lúc ban đầu, lâu ngày sau sẽ trở thành bản tánh tự nhiên thì trong gia đình, ngoài xả hội và khắp cả thiên hạ sẽ được an ổn thanh bình. Chiến tranh bạo loạn đều là do cái nhân bắt nguồn từ lúc ban đầu. Vì thế, từ lúc con trẻ bắt đầu có sự hiểu biết, cha mẹ phải có bổn phận thường dạy dỗ chúng đạo hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ và những sự nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo để khiến cho chúng biết rõ tâm địa của chính chúng nó mà cảm thông với tâm của Phật, Bồ-tát, trời, đất, quỷ thần. Cha mẹ phải dạy con cái biết rõ, hễ khi nào chúng khởi lên một niệm bất chánh, xấu ác, hoặc làm ra một chuyện chẳng lành thì đã sớm bị Phật, Bồ-tát, trời, đất, quỷ thần thấy biết tường tận, giống như người đối trước gương sáng đều hiện ra hình bóng xấu xí rõ ràng của chính mình, không thể trốn tránh được, ngõ hầu răn đe chúng nó phải biết kiêng sợ, gắng sức làm người lương thiện, chẳng nên nghĩ ác, nói ác, làm ác mà phải rơi vào hoàn cảnh bị trời tru, đất diệt.
Cha mẹ phải dạy con dùng tâm từ ái để cư xử mọi người. Bất luận là ai, dẫu là người làm, tôi tớ, trẻ nhỏ, người tàn tật, yếu đuối hơn mình v.v... cũng chẳng được phép đánh chửi, nhục mạ, bức hiếp người khác. Thêm nữa, cha mẹ phải có trách nhiệm dạy trẻ con biết kính trên, nhường dưới, thương tiếc che chở sanh mạng của hết thảy các loài chúng sanh, nhẫn đến các loài chúng sanh rất nhỏ bé như: rùi, muỗi, trùng, kiến, sâu, bọ v.v... cũng không được tự ý giết hại. Như thế thì chắc chắn khi chúng lớn lên sẽ trở thành người hiền thiện, đạo đức. Còn nếu như cha mẹ chẳng chịu giáo huấn con cái lúc còn nhỏ, để cho chúng mặc tình theo thói quen tật xấu, vô nghĩa vô lễ, ngược ngạo, bạo tàn, chẳng có tình người, thì khi lớn lên nếu chúng không trở thành hạng người tầm thường, vô trí, vô đức cũng sẽ trở thành phường trộm cướp, du đãng, phóng túng, tiểu nhân, đê tiện. Lúc ấy dù cha mẹ có hối hận, đau khổ, than trời trách đất cũng chỉ là vô ích. Căn bệnh chung của phàm phu chúng ta ở trong thế gian là thường ỷ lại phước báu của mình to hơn người khác trong đời để mưu cầu tự lợi, khiến cho dân chúng nghèo cùng khốn khổ, đất nước nguy ngập, chiến tranh động loạn liên miên, tội ấy chắc chắn phải bị đọa trong địa ngục A-tỳ, không biết khi nào mới thoát ra. Đến lúc thoát ra khỏi địa ngục, còn phải mang thân súc sanh, ngạ quỷ trong muôn kiếp, khổ không kể xiết.
Chúng ta đã quy y Tam Bảo, được làm đệ tử của Phật, cố nhiên là phải lấy lòng bình đẳng đại từ, đại bi của đức Phật làm chí hướng, chẳng nên giữ mãi thói kiêu mạn tự đại, mặc tình xử sự, chẳng tuân theo lề lối cũ. Chúng ta phải biết, bởi do con cháu nương nhờ khí phận của ông bà cha mẹ, nên ngày nay mới được trời che đất chở, được cha mẹ giáo dục, được sống trong một quốc gia độc lập tự do, giàu có, văn minh và thái bình v.v... Còn những người thiếu phước thì phải sống trong đất nước đầy dẫy những sự áp bức, bất công, nghèo cùng, lạc hậu và dốt nát. Nếu chúng ta chẳng bắt chước tấm lòng từ bi của Phật, rộng lượng và dị tha che chở của trời đất và cha mẹ, thì sẽ trở thành kẻ nghịch trời trái lý, gây nhục sâu xa cho gia tộc của mình, phụ lòng tổ tiên và các đấng sanh thành.
Lại nữa, người tu hành chân thật thì phải chí thành chí kính phát tâm tu đạo giải thoát. Ai nấy đều phải tích cực dụng công, tụng kinh, nghe pháp, niệm Phật, khuyến khích, cổ vũ lẫn nhau, thường luôn bàn bạc những chuyện Phật pháp hòng được sự lợi ích vô lậu chân thật. Chúng ta chẳng nên khởi tâm phan duyên, phóng tâm rong chơi, chuyện gẫu chuyện thế gian, cũng như chẳng nên sanh tâm trái nghịch quy củ của Phật, tự suy nghĩ và làm theo ý riêng của mình. Chúng ta cũng đừng nên do ỷ lại công sức của mình cúng dường, xây dựng đạo tràng mà nghĩ là đạo tràng này là của mình, chỉ phải nên xem đạo tràng này là đạo tràng là của thập phương chúng sanh, ai ai cũng có thể cùng đến đây để chung tu, chẳng nên sanh tâm phân biệt tốt xấu, cao thấp, ta người khác nhau... Mọi người đến đây đều chỉ vì muốn dụng sức chung tu với đại chúng, đồng cam cộng khổ chia sẻ nhọc nhằn, xây dựng một đạo tràng thanh tịnh và cùng hưởng sự nhàn nhã trong những buổi cộng tu. Nếu ai không gìn giữ quy củ và lục hòa kính, thì người ấy sẽ trở thành kẻ quấy loạn, phá hoại Thường Trụ Tam Bảo, khinh dối bạn đồng tu, tội này rất nặng, bị liệt vào một trong năm tội ác lớn. Lại nữa, đã là một phần tử trong một đạo tràng của Phật thì phải tự mình nên vô cùng giữ gìn cho bản của thân mình tu hành đúng pháp, đừng nên khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà trở thành một con sâu làm sầu nồi canh; đấy cũng chính là cách để duy trì tiền đồ mà Phật tử đã cùng nhau khổ công tạo dựng.
Khi xưa có người đến với đức Phật thỉnh pháp, Ngài dạy cho họ pháp Tiểu thừa, tức Tứ Diệu Đế (khổ, tập, diệt, đạo). Lại có người khác cũng đến thỉnh Phật ban cho pháp Tiểu Thưa, đức Phật lại bảo: “Thà bị đọa địa ngục, chớ chẳng thèm nghe pháp Tiểu thừa.” Nghĩa ấy là sao? Bởi người có căn tánh Tiểu thừa thì Phật dạy cho nghe pháp Tiểu thừa, còn người có căn tánh Đại thừa mà muốn học pháp Tiểu thừa thì có phải là tự mình làm uổng phí thời giờ của mình không? Ví như người có trình độ đại học, lại muốn học cách khiêm nhường, đến thỉnh thầy mình dạy chương trình lớp một. Thầy chẳng những không dạy mà còn mắn cho một trận: “Thà bị đọa địa ngục, chớ chẳng thèm vào học lớp một.” Chúng ta mỗi người đều có một căn tánh, trí tuệ khác nhau, chẳng nên bàn bạc chuyện tu cao thấp làm chi. Phật pháp đều bình đẳng, hễ ai nơi pháp ấy mà đạt được bổn tâm thanh tịnh, giác ngộ giải thoát thì pháp ấy là pháp tối thượng cho riêng mình vậy!
Thời thế hiện nay rất bất ổn, chúng ta chỉ nên một lòng tu đạo, chớ nên vọng động tính chuyện xây dựng đạo tràng cho lớn, lôi kéo người vào đạo tràng cho đông. Ấn Quang Tổ sư khuyên bảo đệ tử chỉ nên xây dựng một đạo tràng niệm Phật nho nhỏ từ năm đến mười người là vừa đủ, tối đa không quá hai mươi người, vì sao? Vì một đạo tràng càng lớn, càng thêm bận rộn với những việc linh tinh, rất dễ bị rơi vào những phiền não về tài lực không đủ, cuối cùng phải tự chuốc lấy thảm họa!
Trong Quán kinh có dạy: “Phải nên chuyên tâm, hệ niệm một chỗ, tưởng nơi Tây Phương.” Phẩm Chánh Nhân Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ cũng nói: “Suốt cả ngày đêm nghĩ nhớ Thế giới Cực Lạc, Phật A Di Ðà, các thứ công đức, các thứ trang nghiêm, hết lòng quy y, đảnh lễ cúng dường, người này mạng chung, không kinh không sợ, tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc.” Phẩm Thọ Ký Bồ-đề của kinh này cũng bảo: “Nếu có chúng sanh nơi kinh điển này biên chép cúng dường, thọ trì đọc tụng. Trong một khoảnh khắc vì người diễn nói, khuyến khích lắng nghe, không sinh ưu não, cho đến ngày đêm nghĩ tưởng cõi đó và công đức Phật nơi đạo vô thượng, rốt không thối chuyển. Người ấy lâm chung, giả sử ba ngàn đại thiên thế giới chìm trong lửa lớn, cũng đặng siêu hóa, sinh về Cực Lạc.” Do từ những lời dạy này của Phật, trong những khóa tụng niệm hằng ngày nơi Phật đường, chúng ta chỉ phải nên y theo quy củ đã định hiện thời, theo cách thức hướng dẫn của đạo tràng mà tu trì thiết thực, chớ nên một mực chuyên chú dụng công nơi sự tướng, mà hãy nên tâm tâm niệm niệm để đối trị những căn bệnh tập khí của chính mình. Làm được như thế thì mới thật sự là người niệm Phật đúng như lời Phật dạy là “hằng nhớ nước con.” Câu “hằng nhớ nước con” hàm chứa ý nghĩa là tâm niệm không nên lăng xăng nghĩ nhớ đến điều gì khác hoặc chỗ nào khác, mà chỉ thường luôn an trụ, chuyên chú một vào một cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà.
Nếu người tu hành mà không tin nhận, trì tụng, nói làm đúng theo lời kinh Phật dạy, thì việc niệm Phật của mình sẽ giống như bọt nước vỗ vào tảng đá, hoàn toàn chẳng có tâm đắc chi cả! Vì thế, chúng ta chỉ nên căn cứ theo quy củ Tịnh độ thông thường, chớ có bày vẽ kiểu cách hoa hòe, phô trương hay cạnh tranh với các đạo tràng có nhiều tiền lắm của làm gì. Đạo tràng của chúng ta chỉ biết một dạ niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Chúng ta phải nên hết sức siêng năng, cẩn thận, khiêm cung, chẳng nên tự cao tự đại, mong cầu lập dị, cũng chẳng nên đem chuyện của đạo tràng mình so sánh với đạo tràng người khác, bày ra những chuyện phân biệt tranh đua quá sức phiền não mà Tịnh nghiệp chẳng thể thành.
Ấn Quang Đại sư còn khuyên dạy: Phàm đối với các sự tiếp vật và người khác, chúng ta đều phải nên khiêm hòa công bình, chẳng được cố chấp ý kiến riêng của chính mình, mạt sát chánh lý trong kinh luận, sửa đổi cắt xén lời Phật, Tổ dạy trong kinh luận để làm cho người khác tuân theo cái ý riêng của mình. Cần nhất là chúng ta chỉ nên khích lệ, khuyên lơn lẫn nhau tu ròng rặc Tịnh nghiệp, thường quán sát, soi xét lỗi lầm và cách thức tu trì của chính mình, chớ nên bàn bạc lỗi lầm và cách thức tu trì của người khác. Chúng ta phải cực lực đối trị căn bệnh tập khí của chính mình, chẳng được kiêu ngạo, luông tuồng phê bình, chỉ dạy người khác, hãy chú ý gìn giữ cho đúng chừng mực. Nói chung, phải biết thương yêu, chân thành, chịu khó, an bần thủ phận. Nếu tập khí được trừ khử một phần thì đạo nghiệp mới tăng được một phần. Ấn Quang Đại sư còn dạy, chúng ta phải xem đạo tràng niệm Phật là của thập phương chúng sanh, nên giữ tinh thần chí công vô tư, đả phá tình cảm riêng tư, đặt mình vào địa vị của mười phương Tăng chúng, chẳng được tự tiện cậy vào ý riêng để được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, mặc sức phóng túng, hủy hoại quy củ đã thành lập. Nếu không, tự mình sẽ trở thành tội nhân trong Phật pháp, là oan gia trái chủ của đồng tu trong đạo tràng, mắc phải cái tội ngũ nghịch, phá hòa hợp Tăng mà bị đoạ trong địa ngục vô gián trong một đại kiếp.
Phàm phu chúng ta ở trong đời quá khứ vốn đã tạo tác vô số vô lượng các điều ác. Nay nghe được danh hiệu Phật A Di Đà mà biết phát lồ sám hối, sanh lòng tin trong sạch đối với pháp môn Tịnh độ, rồi lại phát tâm quy y chiêm lễ, y giáo phụng hành thì đấy chính là chuyện hy hữu xuất thế gian. Tại sao vậy? Vì kinh Vô Lượng Thọ nói: Có nhiều Bồ-tát vẫn chưa gặp được pháp môn này và cũng có những Bồ-tát vì do không tin pháp môn này nên tâm bị thoái chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy, nếu trong đời này, một phàm phu đã từng tạo ác nghiệp mà lại gặp được kinh này, rồi lại tin được pháp môn này thì chẳng phải là việc quá sức hy hữu, khó hiểu nổi lắm sao!
Phật A Di Đà phát ra lời nguyện “Sám Hối Được Vãng Sanh” thể hiện từ đức thù thắng của Phật nguyện, nên cổ đức bảo: “Bốn Mươi Tám Nguyện, nguyện nào cũng vì cứu độ chúng sanh.” Ân đức đại từ đại bi của A Di Đà Phật thật là vô cùng cực, thâm sâu vô lượng. Nếu chúng không tận sức hiếu học kinh Vô Lượng Thọ thì làm sao biết được cách dụng tâm của A Di Đà Phật. Nếu chúng ta chẳng rõ tâm Phật thì cũng khó hòng biết đến ân đức vô cùng của Phật mà luôn nghĩ cách làm thế nào để đền báo ân Phật? Đại lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ bảo: “Nếu chẳng thuyết pháp độ sanh thì chẳng thể báo đền nổi Phật ân!” Hòa thượng Tịnh Không lại bảo: “Đối với pháp môn này, kẻ ấy hoài nghi, đó là chướng ngại. Kẻ ấy ngạo mạn, xem thường bộ kinh nhỏ này, không thèm quan tâm tới. Thiếu phước báo mà! Đưa cho hắn kinh bậc nhất của chư Phật Như Lai, hắn chưa thể tiếp nhận. Đúng là tám chữ trong lời nhận định của cụ Hoàng đã nói rất hay: “cấu nặng, chướng sâu, tâm thô, trí kém,” đúng là giống như gặp được thức ăn của quốc vương mà chẳng dám xơi!”
Người tu tịnh nghiệp thì phải lấy hết sức mình ngày đêm không ngừng, kiên cố không thoái chuyển, xưng niệm đức hiệu A Di Đà Phật để vun trồng các cội đức. Vì sao? Bởi vì đức hiệu A Di Đà Phật vốn là cội đức chứa đựng tròn đầy tất cả các đức, là cái gốc của mười phương tam thế đức hiệu. Do đó, xưng niệm đức hiệu này một tiếng thì chí đức của mình được thành tựu trọn vẹn, chuyển biến được các tai họa trở thành thiện căn, phước báo tối thắng. Từ vô thủy kiếp đến nay, chúng ta đã trót gây ra rất nhiều tội ác, nếu đời này biết hồi tỉnh quay đầu, biết ăn năng sám hối, sửa đổi những lỗi lầm trong quá khứ, tu tập hạnh lành cho tương lai thì chẳng những không bị đọa vào ba đường ác, mà còn được vãng sanh, trở thành bậc A-Duy-Bạt-Trí Bồ-tát. Người có tâm sám hối như vậy, thử hỏi trong trăm ngàn ức người, dễ gì mà tìm ra được một, hai người biết lỗi, nhận lỗi, sửa lỗi. Sám hối là hướng về Tam Bảo mà nói ra tội lỗi của mình, thề không lập lại tội củ nữa và tội mới cũng sẽ không phạm. Do nhờ sám hối nên chúng ta mới có thể diệt được hết thảy các tội nghiệp, từ đó mà phát sanh thiện căn, phước đức, nhân duyên để được vãng sanh Cực Lạc. Vì vậy, sám hối chính là cái chìa khóa để vãng sanh.
Nếu trong đời trước trót đã làm ác, có nghiệp quyết định thì sau khi mạng chung, ắt phải tùy nghiệp mà tái sanh vào lại cõi này, hoặc trong thế giới phương khác, hoặc bị đọa trong ba ác đạo. Nhưng do trong đời này, hành nhân biết nương nhờ vào công đức của lời “Sám Hối Được Vãng Sanh,” biết hối lỗi, tu đạo hành thiện, tụng kinh, trì giới để ngăn chặn túc nghiệp, rồi lại còn phát Bồ-đề tâm, chuyên niệm cõi nước Cực Lạc và đức hiệu A Di Đà Phật, chí tâm hồi hướng cầu sanh Tịnh độ, nên tương ứng với lời nguyện “Sám Hối Được Vãng Sanh” của Phật A Di Đà mà chẳng bị đọa vào tam đồ nữa, lại được mang theo ác nghiệp đi vãng sanh, thỏa mãn trọn vẹn ý nguyện cầu sanh Cực Lạc. Nơi đây đã nói lên bi nguyện của Phật Di Ðà quả thật là sâu thẳm, sức nhiếp độ của Phật A Di Đà thật là mênh mông vượt trỗi mười phương.
Hiện nay, nhiều giới trong Phật giáo, ở mọi nơi, đang tranh cãi về thuyết “đới nghiệp vãng sanh.” Họ cho rằng bọn phàm phu thiếu phước và thiếu trí huệ mà lại mong cầu vãng sanh Cực Lạc là chuyện vọng tưởng, tham cầu, không thực tế. Nhưng nay chúng ta tu theo lời Phật dạy trong kinh Vô Lượng Thọ thì chỉ biết dựa trên kinh điển này để hiểu rõ và tin chắc thuyết “đới nghiệp vãng sanh” của Tịnh tông là căn cứ trên bi nguyện “Sám Hối Được Vãng Sanh” của đức từ phụ A Di Ðà Phật. Chúng ta chẳng nên vì những dị kiến và lý luận của người đời mà sanh lòng nghi ngờ nơi bi nguyện, trí huệ vô thượng và tha lực độ sanh vô lượng vô biên của A Di Đà Phật, mà tâm tâm chẳng được tương ứng với bi nguyện của Phật. Vì sao? Vì tâm nghi ngờ bi nguyện “Sám Hối Được Vãng Sanh” chẳng phải là tín tâm. Người có tín tâm hoàn toàn nơi Phật A Di Đà thì tự nhiên liền được Nhất Tâm. Do đó, Nhất tâm cũng chính là Tín tâm!