Hãy thư giãn, nhắm mắt lại và hình dung một cô bé Ấn Độ tên là Amrita, lúc nào cũng lo lắng. Ngày nọ, cô bé quá lo lắng đến nỗi không chỉ riêng mình kinh sợ mà còn làm cho cả làng hốt hoảng. Con có muốn biết điều gì đã xảy ra không? Hãy lắng nghe câu chuyện của cô bé.Một buổi chiều nắng đẹp, Amrita ngồi dưới gốc cây nơi bìa rừng. Chim hót líu lo trên cành và mây trắng bồng bềnh trôi qua ngang trời.
Amrita vẩn vơ suy nghĩ: “Mình không thích dáng vẻ của những đám mây đó. Bây giờ thì nắng đẹp, nhưng nếu trời bắt đầu mưa thì sao nhỉ? Chắc mình sẽ bị ướt sũng khi về được đến nhà.”
Amrita bắt đầu xoắn chặt hai bàn tay lại: “Và nếu như trời cứ mưa hoài mưa mãi rồi lũ lụt xảy ra thì sao nhỉ? Mọi thứ sẽ bị cuốn trôi đi - các nông trại, gia súc và cả ngôi làng nữa!”
Ngay lúc đó, mặt đất bắt đầu rung chuyển, có sự va chạm chấn động rất mạnh, rồi một đám bụi mù cuộn lên bay ngang qua cây rừng và cuốn về phía Amrita. Những con chim trên cây vụt bay lên trời, cất tiếng kêu hốt hoảng.
Amrita kêu thét lên: “Ối trời, chuyện gì vậy kìa? Nhất định là có động đất rồi. Không chuyện gì khác có thể gây ra tiếng động như vậy.” Cô bé luống cuống bò trên mặt đất trong nỗi sợ hãi kinh hoàng.
Amrita tự nhủ: “Mình phải chạy đi thôi. Mình phải chạy thoát thân khỏi nơi này.”
Amrita đã không chờ xem chuyện gì đang xảy ra trong khu rừng. Nếu như nán lại chờ xem, hẳn là cô bé đã thấy được một đàn voi tơ đang chơi trò rượt đuổi nhau trong rừng. Cho dù chỉ là những con voi tơ, chúng cũng rất to lớn và nặng nề, vì thế mặt đất đã rung lên dưới chân chúng.
Amrita bỏ chạy ra khỏi bìa rừng và hướng về làng. Cô bé chạy ngang qua hai người bạn là Tylanni và Gomin trong khi họ đang đạp xe trên đường. Họ gọi lớn tiếng: “Có chuyện gì không ổn vậy, Amrita?”
Amrita vẫn tiếp tục vừa chạy vừa la to đáp lại: “Đến ngày tận thế rồi!”
Tylanni đã thực sự hoảng sợ, hỏi lại: “Ý bạn là sao chứ, tận thế thật à?” Rồi cô bé và Gomin cùng chạy đuổi theo sau Amrita.
Amrita thét lên: “Có một trận động đất lớn. Tôi thấy cây rừng ngã đổ xuống. Ngôi làng của chúng ta sẽ bị hủy hoại.”
Bọn trẻ thét lên kinh hoàng. Rồi khi chúng hối hả chạy ngang qua làng, những người gặp chúng cũng đều hoảng sợ theo.
Mọi người hỏi: “Có chuyện gì bất ổn vậy? Chuyện gì đã xảy ra?”
Amrita hét to qua hơi thở hổn hển: “Đến ngày tận thế rồi!”
Tin tức lan truyền ra khắp làng là đã đến ngày tận thế. Không bao lâu, một đám đông hoảng sợ gồm cả trẻ em và người lớn cùng tuôn chạy trong sự hoảng loạn, cố tìm một nơi an toàn để trú ẩn. Những con vật như lừa, ngựa, bò, heo, mèo, chó cũng chạy theo. Mọi người đều chạy theo sau Amrita.
Người cha của Amrita là Ashoka đã nhìn thấy con gái mình đang chạy lên đồi, hướng về ngôi nhà của họ, theo sau là một đám đông rất lớn. Ông đưa hai tay lên và hét thật to: “Dừng lại!”
Amrita la lên: “Cha ơi, tận thế rồi!”
Một người thợ máy tên Eila hét lên: “Có động đất rồi.”
Người đưa thư tên Akash hét thật to: “Không phải, tôi nghe nói đó là một cơn bão xoáy.”
Deepa, người thợ làm bánh la lên: “Hai người nói không đúng, đó là mặt trăng bị rơi xuống đất.”
Lừa kêu, chó sủa, mèo ngoao và những con lợn cũng kêu ré lên eng éc. Đám đông dừng lại không chạy nữa và tranh cãi nhau về việc tận thế như thế nào.
Ashoka đưa tay bế con gái lên. Cô bé cảm thấy an toàn trong vòng tay người cha và bắt đầu bình tĩnh lại. Ashoka hỏi đám đông: “Tại sao mọi người sợ hãi đến thế?”
Một nông dân tên Rahul trả lời: “Vì có động đất.”
Ashoka hỏi tiếp: “Ai nhận biết có động đất?”
Rahul đáp: “Bạn tôi là Chiko đã nói với tôi.”
Chiko lên tiếng: “Đó là Gomin và Tylanni đã cho tôi biết.”
Ashoka lại hỏi: “Gomin và Tylanni, hai cháu đã thấy gì nào?”
Hai đứa trẻ phân trần: “Ồ, chúng con không thấy gì cả, đó là Amrita nói với chúng con chuyện này.”
Amrita nói: “Thật đấy thưa cha, con đã cảm nhận được động đất.”
Ashoka nói: “Vậy kể cho cha nghe chuyện gì đã xảy ra.”
Amrita kể lại: “Dạ, lúc con đang ngồi dưới gốc cây ở bìa rừng thì mặt đất bắt đầu rung chuyển. Con nghe tiếng cây rừng ngã xuống phía sau lưng và một đám bụi đất rất lớn cuốn qua chỗ con. Chim chóc và thú rừng kêu vang hoảng hốt. Thật khủng khiếp và thực sự rất đáng sợ.” Nói đến đây, Amrita bắt đầu run rẩy và lại cảm thấy sợ hãi như trước.
Ashoka nói: “Được rồi, cha nghĩ chúng ta nên đi đến khu rừng xem sao.”
Amrita la lên:“Ồ, không được cha ơi, con sợ lắm. Chúng ta sẽ chết mất. Chúng ta nên tránh đi càng xa càng tốt.”
Ashoka trìu mến nói với con gái: “Con sẽ không sao đâu. Cha sẽ bảo vệ con an toàn. Con biết mà, cha sẽ không để bất cứ chuyện gì xảy ra với con.”
Rồi Ashoka bế Amrita trở lại khu rừng. Đám đông thận trọng theo sau cách một khoảng xa. Khi họ đến gần khu rừng, Amrita la lên: “Cha nhìn kìa, cây rừng đã ngã xuống. Hãy nghe tiếng kêu của thú rừng!” Và cô bé đưa tay bịt mắt lại.
Người cha nói: “Amrita, mọi việc vẫn ổn mà. Không có tận thế đâu.”
Khi Amrita mở mắt ra, cô bé nhìn thấy những con voi tơ đang rượt đuổi nhau trong rừng và kêu rít lên những tiếng phấn khích. Khi chúng va vào những thân cây, mặt đất rung chuyển và những đám bụi lớn cuộn lên từ dưới bàn chân khổng lồ của chúng.
Ashoka quay sang con gái và nói: “Con đã tự đe dọa chính mình. Những con voi chỉ đang đùa nghịch thôi. Không có gì phải sợ, miễn là con không đến gần chúng quá. Lần sau khi con cảm thấy sợ hãi điều gì, hãy dành thời gian kiểm tra xem điều gì thực sự đang xảy ra. Đừng vội vã hành động trước khi con có đủ thông tin.”
Amrita chầm chậm gật đầu.
“Con gái của cha, con có biết là con đã đe dọa chính mình và dân làng một cách không cần thiết như thế nào không? Và toàn bộ việc này đã xảy ra bằng vào sức mạnh tâm ý của con.”
Amrita cúi đầu nói: “Con xin lỗi cha. Sau này con sẽ không hấp tấp kết luận như vậy nữa.”
Ashoka ôm con gái vào lòng: “Như vậy thì được rồi, giờ chúng ta về nhà thôi.”
Họ quay lại và bước đi về làng.
“Vậy là không có tận thế sao?” Một người đến muộn lên tiếng hỏi khi đám đông tản ra và mọi người trở lại với công việc của họ.
Amrita cười lớn đáp lại: “Không, không phải hôm nay. Con đã nhầm. Tất cả chỉ là do sự tưởng tượng của con.”
Tâm ý rất mạnh mẽ và việc hấp tấp kết luận có thể khiến bạn rơi vào đủ mọi tâm trạng lo lắng. Hãy dành thời gian kiểm tra lại chắc chắn những gì bạn thực sự thấy, nghe hoặc cảm nhận trước khi quyết định phải làm gì tiếp theo.