Sáng mùa Thu, Xíu và anh em mình bay về thành Ất Lăng, vùng đất mệnh danh là Đào bang. Sở dĩ có cái tên thi vị này là vì ở đây người ta chọn trái đào làm biểu tượng. Quả thật vậy, đào ở đây nhiều vô kể, đâu đâu cũng thấy hoa và trái đào, đào có từ trang trại đến sân vườn, đồng quê, phố thị...Mùa xuân hoa đào nở hồng cả đất trời. Mùa thu lá vàng rơi kín cả thảm cỏ.
Đào bang vừa chớm Thu, chẳng mấy chốc rồi đây muôn sắc sẽ bừng lên khi lá cây đồng loạt đổi màu. Mùa Thu đẹp lắm, bao nhiêu sắc màu: Vàng, đỏ, hồng, cam, tím, tía, nâu… và những màu pha lẫn nhau cùng rực rỡ dưới vòm trời xanh. Lá cây đang độ cháy hết mình để hiến dâng nét đẹp diễm lệ cho đời. Xíu và anh em mình còn ngẩn ngơ trước sắc màu Thu, chợt trong đất trời có lời thì thầm. Xíu khẽ hỏi:
- Anh em có nghe thanh âm thì thầm của Tâm kinh chăng?
Bọn Xinh, Điệu, Út, Sót, Thừa… gật đầu xác nhận. Cả bọn lắng lòng quán xét lời thì thầm thật kỹ để xem thử nguồn thanh âm ấy phát ra từ đâu. Thanh âm Tâm kinh lan tỏa như sóng ngập trong trời đất, nơi nào cũng phát ra và nơi nào cũng là nơi vọng lại, thật không sao xác định được từ đâu. Nơi phát sóng âm cũng là nơi nhận sóng âm, nơi nhận sóng âm lại là nơi phát sóng âm, cứ như thế đất trời ngập trong sóng âm.
Bọn Xíu bay qua Hoàng Hoa trang thì thấy cậu chủ đang ngồi tụng kinh A Di Đà. Giọt Xinh ngạc nhiên:
- Cái gã này mà cũng biết tụng kinh à?
Giọt Điệu chêm thêm:
- Ngỡ gã ta là tay chơi nào ngờ cũng ngoan ra phết!
Giọt Út thì bảo:
- Anh ta vẫn ham chơi, có máu chơi sao lại tụng kinh?
Giọt Thừa khịa:
- Trời ơi, nhiều lúc thấy anh ta ngồi niệm Phật mà đầu óc nghĩ miên man toàn chuyện thị phi, có khi giật mình thì quay lại câu Phật hiệu. Cũng có lúc anh ta ngồi tịnh tâm mà tui thấy tâm ảnh y như con ngựa hoang chạy lung tung và hình như ảnh có tỉnh ra nên sửa mình ngồi ngay ngắn lại. Tui nhớ có lần ảnh nói với mấy người quen biết là khi niệm Phật phải chú tâm thấy dòng chữ Phật hiệu chạy trước mắt như thể hát karaoke vậy, hổng biết anh ta có làm nổi không ta?
Xíu nghe vậy, cười:
- Ừ thì là vậy, có thể anh ta đang ở giữa con đường, nửa muốn làm dân chơi, nửa muốn làm xuất sĩ. Dù gì đi nữa anh ta chịu học Phật, tụng kinh là tốt rồi.
Giọt Cả nhẹ nhàng:
- Mấy em đừng có xét nét quá, đừng nhìn hình tướng bên ngoài mà đánh giá người ta, cũng đừng nghe người ta nói mà nhận định này nọ, hãy xem người ta làm cái gì kia kìa! Ờ, mà các em đã nghe qua kinh A Di Đà chưa?
Cả bọn đồng thanh bảo đã thuộc lòng từ khuya. Giọt Cả lại hỏi:
- Nhưng có hiểu rõ nội dung ý nghĩa không?
Cả bọn lại thú nhận tụng thuộc lòng như cháo chảy nhưng nghĩa lý thì không hiểu mấy. Cứ ngỡ Phật A Di Đà như một vị thần có năng lực vô biên tạo ra cõi Cực Lạc và rước người ngoan hiền về Cực Lạc. Giọt Cả nhận thấy lúc này là cơ hội để nói cho các em mình biết, bởi vậy giọt Cả ôn tồn nói với cả bọn mà như thể tình tự với chính bản thân:
- Kinh A Di Đà là bản kinh ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hành Phật tử Việt, Hoa, Hàn , Nhật đều yêu chuộng và thường đọc tụng mỗi ngày. Phải nói là kinh A Di Đà phổ biến rộng khắp, thâm nhập sâu vào mọi tầng lớp Phật tử Bắc truyền. Công đầu của việc dịnh và phổ biến kinh A Di Đà chính nhờ ngài Cưu Ma La Thập. Ngài từ nước Quy Tư (Kuchar – ngày nay thuộc khu vực Pakistan, Afghanistan) sang Trung Hoa truyền pháp. Ngài đã dịch kinh từ Phạn ngữ sang Hán ngữ. Kinh A Di Đà là một trong những số kinh sách được ngài dịch. Ngài đã hiến mình cho việc phiên dịch, chuyết văn hoàn chỉnh hệ thống kinh luật luận Trung Hoa, đặc biệt là Trung Quán Luận.
Kinh A Di Đà tưởng đơn sơ nhưng ý nghĩa uyên áo lắm, Thất trùng hàng thọ, thất trùng la võng… là giới đấy. Người học Phật, tu Phật phải lấy giới làm thầy. Có giới mới sanh định và có định mới có tuệ. Ao bảy báu, đáy có bốn báu là ngầm ngụ ý bốn đức: Thường – lạc – ngã – tịnh của Niết Bàn. Nước tám công đức là biểu thị công đức viên mãn của sự tu học. Tám công đức không thể nghĩ bàn, không thể dùng lý luận chữ nghĩa để hiểu. Cõi Cực Lạc là môi trường tu học lý tưởng, ở đây người tu học chỉ có một đường thẳng đến giác ngộ niết bàn chứ không còn trồi sụt như ở cõi Sa Bà.
Kinh A Di Đà tóm tắt lại là sáu phương, mở rộng ra thì mười phương. Phương Đông có A Súc bệ Phật, có nghĩa là pháp thân thường trú bất động, giao cảm với trí tánh sẵn có của chúng sanh. Phật Tu Di Tướng mang ý nghĩa biểu trưng trí tuệ sáng rỡ, thấu suốt, diệu cao như núi Tu Di. Phật Diệu Âm là ý nghĩa biểu trưng của âm thanh vi diệu để nói pháp. Phật Nhật Nguyệt Đăng mang ý nghĩa nhất thiết chủng trí, Phật Danh Văn Quang vì danh xưng Phật rộng khắp các pháp giới. Phật Đại Diệm Kiên hàm ý Phật gánh vác việc hoằng pháp độ sanh. Phật vốn phóng quang từ mỗi lỗ chân lông, mắt, tai, mũi, lưỡi… đều phóng quang; toàn thân phóng quang; hai vai (kiên) phóng quang vi diệu biểu hiện cho đại huệ… Cứ như thế lần lượt tên các vị Phật của sáu phương được liệt kê vài vị đại diện. Sáu phương cũng chính là mười phương, mười phương không ngoài sáu phương. Tên các vị Phật ở sáu phương cũng chính là Phật khắp mười phương. Tên các vị Phật vừa là tên cụ thể của từng vị mà cũng vừa mang ý nghĩa biểu trưng. Tên các vị Phật hàm chứa ẩn ý về trí huệ và đức tướng của chư Phật.
Cả bọn nghe giọt Cả nói vậy thì ồ lên lộ vẻ ngạc nhiên, quả thật cả bọn xưa nay chưa từng nghe hay nghĩ thế, giờ mới biết được ý nghĩa này. Điều này khiến bọn họ thông suốt nhiều điều. Những giọt nước vốn trong suốt, long lanh, giờ lại càng long lanh hơn. Cái sự long lanh càng thêm vi diệu. Giọt này soi giọt kia, giọt kia lại soi giọt này và những giọt khác, cứ như thế tất cả các giọt nước, vô lượng giọt nước soi chiếu lẫn nhau, trùng trùng vô tận cảnh tượng giống hệt lưới la tràng của đại Phạm Thiên Vương. Những giọt nước long lanh làm cho đất trời vi diệu không sao kể xiết. Những giọt nước long lanh dưới bầu trời xanh biêng biếc, không gian Thu vàng đang rực rỡ muôn sắc gấm hoa. Tiếng lá rơi phát tán và làm khuếch vọng lời Tâm kinh trong đất trời. Lời Tâm kinh thông suốt sáu phương và cũng là mười phương. Bất chợt giọt Thừa hỏi:
- Những người khác đức tin họ có nghe được lời Tâm kinh chăng?
Giọt Sót nhanh nhảu:
- Khéo lo bò trắng răng, hơi đâu lo việc người khác hả Thừa?
Xíu bảo:
- Giọt Thừa hỏi cũng có lý, có thể họ cũng nghe nhưng qua lăng kính đức tin của họ và vì vậy mà họ hiểu và diễn dịch theo quan điểm của họ. Họ nghe và nhìn nhận theo cái tầm mức của họ. Họ cũng nhận ra thọ, tưởng, hành, thức nhưng không theo như lời chú giải. Họ cũng có vô úy, có sự “vô hữu khủng bố” nhưng “vô trí diệc vô đắc” thì họ chịu chết, không sao hiểu và cảm nhận được! Bọn họ chấp thường (thường kiến) cho là người vĩnh viễn là người, vật vĩnh viễn là vật, không có luân hồi xuống lên trong lục đạo tam đồ. Linh hồn được rửa tội, cứu rỗi thì vĩnh viễn ở thiên đàng, còn giả như bị trừng phạt thì sẽ vĩng viễn ở trong hỏa ngục. Vì thế cho nên bọn họ có nghe được được sóng âm của Tâm kinh trong trời đất thì bọn họ cũng không chấp nhận và không sao ngộ được sự vi diệu của Tâm kinh. Bọn họ có nghe cũng như không, tốt hơn hết là đừng nói chuyện người khác làm gì, mình nói chuyện mình thôi. Xíu đây cũng chẳng hiểu Tâm kinh là mấy, hiểu biết trên mặt chữ nghĩa văn tự thôi, chưa đủ khả năng thẩm thấu chứng ngộ. Tuy nhiên nghe lời thì thầm của Tâm kinh trong trời đất vẫn thấy khoan khoái và bay bổng vô cùng. Trong khoảnh khắc này tâm lặng tình không ý trống, bao nhiêu bụi bặm trần lao, phiền não đều lắng. Giá mà cái khoảnh khắc này giữ được trọn vẹn dài lâu thì hay biết mấy.
Tâm kinh là tiếng lòng của chư Phật, chư Bồ Tát ba đời mười phương. Tâm kinh là sóng âm vang vọng vĩnh viễn trong đất trời bất tận. Mình dù có luân hồi bao nhiêu kiếp đi nữa thì lời thì thầm của Tâm kinh vẫn vô tận trong trời đất.
Tiểu Lục Thần Phong Ất Lăng thành, 1024