I. Tổng quan vấn đề Vào tháng 9 năm 2017, PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đã chính thức có tham luận với tiêu đề
“Chữ Quốc ngữ và hội nhập quốc tế” tại Hội thảo Ngữ học toàn quốc năm 2017, tổ chức tại Trường Đại Học Quy Nhơn. Tham luận này được in lại trong sách
“Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển” (tập 1), do NXB Dân trí phát hành. Ngày 24 tháng 11 năm 2017, Thanh Niên Online có bài đề cập đến tham luận này với nhan đề
“Khi 'Tiếng Việt' được viết thành 'Tiếq Việt'“, kèm theo hình ảnh một trang minh họa lối viết mới do ông Bùi Hiền đề xuất. Ngay sau đó, hình ảnh minh họa này được đăng lại trên khắp các trang mạng xã hội và thu hút sự chú ý của đông đảo người xem. Hàng loạt phản ứng đối với
“đề xuất cải tiến” này đã tạo thành một cơn bão mạng, với tuyệt đại đa số ý kiến là phản đối. Một số các nhà chuyên môn cũng đã lên tiếng, đa số theo hướng phản đối nhưng kêu gọi sự tôn trọng cần thiết từ công chúng đối với một công trình khoa học.
Bài viết này không nhằm khơi dậy những phản đối đã tạm thời lắng xuống hay lặp lại những phê phán mà nhiều nhà chuyên môn đã nêu ra, nhưng chỉ muốn nêu lên một vài suy nghĩ, nhận thức mà người viết cảm thấy là cần thiết qua
“hiện tượng Bùi Hiền”, cả về mặt tích cực cũng như tiêu cực. Những nhận xét trong bài sẽ được trình bày theo hướng không quá nặng về chuyên môn vì điều này đã có các học giả, các chuyên gia ngôn ngữ, người viết không dám múa rìu qua mắt thợ. Thay vì vậy, những gì trình bày ở đây chủ yếu nhằm góp thêm một phần nhận thức đơn giản, dễ hiểu về chữ viết tiếng Việt, giúp các bạn trẻ - trong đó có cả các học trò và con trai, con gái tôi - có thêm những hiểu biết cần thiết để càng thêm trân quý tiếng Việt, như một tài sản vô giá đáng tự hào của toàn dân tộc, và qua đó sẽ có sự nỗ lực chú tâm trong việc làm giàu đẹp tiếng Việt của chúng ta hơn nữa bằng sự cẩn trọng trong khi sử dụng tiếng Việt, không chạy theo những khuynh hướng dễ dãi, cẩu thả và thiếu ý thức, làm méo mó và nghèo đi khả năng diễn đạt của tiếng Việt, như thỉnh thoảng vẫn thường xảy ra trên không gian mạng. Để dễ dàng hơn trong việc theo dõi bài viết, quý độc giả có thể xem trước toàn văn tham luận của ông Bùi Hiền
tại đây.
Về mặt tích cực,
“hiện tượng Bùi Hiền” cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với Tiếng Việt là cực kỳ mạnh mẽ. Tuy có phần cực đoan và thiếu khách quan, nhưng một số ý kiến phản đối đã bộc lộ rất mạnh mẽ khi phản đối, cho rằng
“thay đổi tiếng Việt là thay đổi cả quốc hồn, quốc túy của dân tộc”. Tất nhiên, nói như vậy là cường điệu quá đáng về đề xuất của ông Bùi Hiền, nhưng những phát biểu cực đoan và thiên lệch ấy cũng cho ta thấy được tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng đối với vấn đề tiếng Việt. Và một sự quan tâm như vậy là rất đáng mừng và đáng trân trọng. Cho nên, qua hiện tượng này, chắc chắn mọi người sẽ càng trân quý hơn chữ viết tiếng Việt hiện có, càng lưu tâm hơn đến việc viết đúng, viết hay, và do đó sẽ chú tâm nhiều hơn đến việc giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm gìn giữ và phát triển chữ viết, tiếng nói của dân tộc sao cho ngày càng hoàn thiện, tốt đẹp hơn.
Trong thực tế, qua sự phản cảm với cách viết theo đề xuất mới, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu xem lại và tự thấy khó chịu với lối viết
“chữ lóng” mà lâu nay các bạn vẫn vô tư sử dụng trên mạng xã hội, bởi thấy nó quá giống với
“lối viết mới” bị mọi người phản đối. Có nhiều hy vọng là kiểu
“chữ lóng” này của các bạn tuổi teen sẽ có khuynh hướng hạn chế đi nhiều hơn sau
“hiện tượng Bùi Hiền”.
Một điểm tích cực khác đáng trân trọng là trong khi hàng loạt công trình nghiên cứu quốc gia ngốn của ngân sách hàng tỷ này tỷ kia để rồi cuối cùng chẳng dùng được vào đâu, thì ông Bùi Hiền tự cho biết đã dành ra đến 40 năm để nghiên cứu tiếng Việt trong công trình này, cho dù chuyên ngành của ông là tiếng Nga, mà không nhận bất cứ khoản tài trợ nào từ ngân sách nhà nước. Một công trình
“tự làm tự chịu” như thế, nếu thành công thì xã hội được hưởng lợi, mà có sai lầm chệch hướng cũng chẳng tốn kém gì của toàn dân, nên chúng ta cần hết sức trân trọng tinh thần
“tự lực tự cường” này mà không nên quá thiên kiến khi không tán thành kết quả nghiên cứu của ông.
Thế nhưng, những điểm tích cực nêu trên chỉ là xét về mặt hiện tượng mà thôi, còn về bản chất giá trị của một công trình nghiên cứu khoa học thì lại là chuyện khác. Để xác định đúng, hoặc ít nhất cũng là nêu ra được những nhận xét cá nhân hợp lý, về giá trị của một công trình nghiên cứu khoa học, chúng ta cần dựa vào những tiêu chí khách quan và khoa học chứ không phải là cảm tính của riêng mình, thích hay không thích. Trong phần sau đây, tôi sẽ cố gắng đặt vấn đề theo hướng đó, bao gồm việc xem xét phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và động lực nghiên cứu trong công trình của ông Bùi Hiền. Các chi tiết trích dẫn khi phân tích được dựa vào hai nguồn chính:
1. Nội dung bài tham luận của ông Bùi Hiền dài 6 trang với bản in trên giấy mà tôi sử dụng ảnh chụp, đã có so sánh và thấy hoàn toàn khớp với các bài đăng trên mạng Internet ở nhiều nơi. Mặc dù theo ông Bùi Hiền thì đây chưa phải toàn bộ công trình nghiên cứu của ông, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể đánh giá về công trình này qua một phần được chính ông chọn lọc và trình bày tại một hội thảo khoa học, chứ không phải trích dẫn lại từ một nguồn nào khác.
2. Các bài phỏng vấn PGS Bùi Hiền được thực hiện bởi nhiều phóng viên, có hoặc không có âm thanh và hình ảnh, cũng được lưu hành trên Internet. Tôi hy vọng là vấn đề không nghiêm trọng đến mức có ai đó đã làm giả hoặc chỉnh sửa các video hoặc những thông tin này.
II. Phạm vi và mục đích nghiên cứu Theo chính ông Bùi Hiền thì
“Tên công trình khoa học của tôi là Cải tiến chữ quốc ngữ.” Như vậy, mục đích công trình của ông là nhằm cải tiến chữ viết tiếng Việt. Trong tiếng Việt, chữ viết gắn liền với cách phát âm nên phạm vi nghiên cứu của công trình tất yếu phải mở rộng đến khía cạnh ngữ âm liên quan, nhưng dù vậy vẫn phải xác định phạm vi chính là nghiên cứu chữ viết, và kết quả nghiên cứu là nhằm đưa ra một cách viết mới hoàn thiện hơn.
Thế nhưng, chính ông Bùi Hiền đã mâu thuẫn với mục đích nghiên cứu, được xác định từ tên gọi công trình, khi đề xuất thay cách viết “tr” và “ch” thành “c”. Với cách viết mới do ông đề xuất, trích từ chính ví dụ minh họa của ông thì ba chữ
“trong chương trình” được viết thành
“coq cươq cìn' “. Vì mục tiêu nêu ra của ông là
“mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt” (Nguyên tắc chung số 2) nên trong trường hợp này chúng ta buộc phải đọc là
“chong chương chình” chứ không thể phân biệt hai âm “ch”, “tr” như trước, vì không có sự thể hiện khác biệt trên chữ viết.
Như vậy, rõ ràng đề xuất này đã bước sang phạm vi thay đổi ngữ âm, thay đổi cách phát âm, chứ không chỉ là thay đổi chữ viết. Và cũng tương tự như vậy với các đề xuất thay “s” và “x” bằng “s”, thay “d”, “gi” và “r” bằng “z”...”... Theo ước tính của tôi sẽ trình bày trong một phần sau, thì những thay đổi này sẽ có ảnh hưởng đến hơn 50% vốn từ tiếng Việt.
“Có hai cách để không mắc lỗi chính tả tiếng Việt, hoặc là bạn nỗ lực học tập và rèn luyện, hoặc là xóa bỏ hết những quy tắc phân biệt hiện có.”
Tôi e là ông Bùi Hiền đã chọn cách thứ hai. Mong rằng quý độc giả và nhất là thế hệ các bạn trẻ hôm nay sẽ dám chấp nhận cách thứ nhất, cho dù có thể khó khăn nhưng kết quả sẽ rất đáng tự hào khi chúng ta có thể giữ gìn và phát huy được một vốn liếng tiếng Việt giàu đẹp, phong phú và súc tích.
Thay đổi cách phát âm của một ngôn ngữ theo ý muốn chủ quan của một người hay một số người là điều bất khả thi trên toàn cầu chứ không chỉ riêng trong tiếng Việt. Sự thay đổi cách phát âm chỉ có thể diễn ra một cách tự nhiên trong cộng đồng qua một thời gian dài (hàng thế kỷ), do các yếu tố tác động từ thực tế giao tiếp và sự chọn lọc chung của toàn thể cộng đồng. Lịch sử ngữ học thế giới chưa từng ghi nhận được bất kỳ một sự thay đổi cách phát âm nào trong cộng đồng ngôn ngữ xuất phát từ một công trình nghiên cứu hay đề xuất của một cá nhân, tổ chức. Người Anh và người Mỹ có nhiều cách phát âm khác nhau nhưng không ai cho rằng người Anh đúng hay người Mỹ đúng. Sự khác biệt đó được bảo lưu một cách tuyệt đối mà không một nhà khoa học nào có thể tạo ra được sự thay đổi theo ý muốn chủ quan của mình. Tại Việt Nam, nhiều vùng miền khác nhau có cách phát âm khác nhau. Thực tế đó được cộng đồng chấp nhận và không ai nghĩ đến chuyện vùng này phải thay đổi cách phát âm theo vùng khác.
Thật ra, nguyên tắc bảo lưu cách phát âm là một nguyên tắc hợp lý và khoa học chứ không phải do “sức ỳ” hay “bảo thủ” như nhiều người nhận xét. Tiếng nói của một dân tộc, một vùng miền là công cụ giao tiếp chung của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc, vùng miền đó. Bất kỳ một sự thay đổi nào đều sẽ dẫn đến đòi hỏi sự thích nghi mới từ tất cả các thành viên, bao gồm cả giới bình dân lẫn trí thức, người già lẫn trẻ con, và điều này là bất khả thi. Do đó, điều chắc chắn là sự thay đổi sẽ gây ra khó khăn cho một số thành viên chưa thích nghi, từ đó làm suy giảm hiệu quả giao tiếp thực tế của công cụ ngôn ngữ.
Và như vậy, bằng đề xuất thay đổi của mình, PGS Bùi Hiền không chỉ muốn cải tiến chữ viết mà thực tế là đang đề xuất cả việc thay đổi cách phát âm, vượt ra ngoài phạm vi và mục đích nghiên cứu được nêu ra. III. Phương pháp nghiên cứu 1. Các tiêu chí khoa học trong nghiên cứu Bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào trước hết cũng đều phải dựa trên những tiêu chí đã được cộng đồng thừa nhận để từ đó xây dựng hay đề xuất những tiêu chí mới. Tùy theo phạm vi nghiên cứu, các tiêu chí khoa học được áp dụng sẽ khác nhau. Nghiên cứu những vấn đề của một địa phương phải áp dụng những tiêu chí của địa phương đó; nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc phải áp dụng những tiêu chí của toàn quốc, và nghiên cứu trên phạm vi thế giới thì phải áp dụng những tiêu chí của toàn cầu.
Công trình của ông Bùi Hiền nghiên cứu một vấn đề trên phạm vi toàn quốc, còn có xem xét đến yếu tố
“hội nhập sâu rộng với thế giới về mọi mặt”, nên điều tất yếu là trước hết phải áp dụng những tiêu chí của toàn quốc, đồng thời cần tham khảo cả những tiêu chí có tầm quốc tế để hướng đến sự hội nhập.
Thế nhưng, ông Bùi Hiền đã vi phạm nguyên tắc này. Trong một đoạn băng video trả lời phỏng vấn, giải thích về sự “vô lý” của chữ viết hiện nay ông nói:
“Cha mẹ cũng là cha, cha (tra) tấn cũng là cha (tra), vậy tại sao phải dùng đến hai con chữ để biểu thị? Thật vô lý!” Hóa ra cái “vô lý” mà ông chỉ ra đó là dựa vào cách phát âm của chính ông (và một số người giống ông). Tuy ông nêu trong Nguyên tắc chung thứ nhất là
“dựa trên cơ sở tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội”, nhưng cho dù theo
“tiếng nói văn hóa của thủ đô” thì “cha” và “tra” được phát âm giống nhau, rõ ràng đây cũng
không phải một chuẩn mực, một tiêu chí áp dụng cho toàn quốc. Một người bình dân ít học có thể ngây thơ tin rằng “cha” và “tra” là như nhau vì chúng phát âm giống nhau, nhưng bất kỳ ai đã từng có nhu cầu tra cứu từ điển tiếng Việt đều phải biết rằng “cha” và “tra” được liệt kê ở những mục từ khác nhau, với ý nghĩa khác nhau.
Sai lầm căn bản này nếu áp dụng sẽ ảnh hưởng đến hơn 8% vốn từ tiếng Việt. Trong một từ điển tôi hiện có liệt kê 38.141 mục từ thì có 1.918 từ vần “ch” và 1.327 từ vần “tr”. Cộng cả 2 vần này ta có 3.245 từ, chiếm khoảng 8.5% tổng số mục từ, là những từ sẽ bị thay đổi nếu chấp nhận đề xuất
“hai trong một” của ông Bùi Hiền.
Và con số này tiếp tục tăng cao khi xét đến các sai lầm tương tự khi nhập chung “s” và “x”, “d”, “gi” và “r”... Chúng đều là những mục từ riêng biệt trong từ điển. Như vậy, trước khi thực hiện các đề xuất cải tiến có ảnh hưởng thay đổi lớn lao này, ông Bùi Hiền cần phải chứng minh với giới khoa học ngôn ngữ rằng tất cả từ điển tiếng Việt đang lưu hành hiện nay đều... sai.
2. Nghiên cứu cái cũ trước khi đề xuất cái mới Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của bất kỳ nghiên cứu khoa học nào khi nhắm đến việc đề xuất một cải tiến, thay mới. Nếu không thuyết phục, chỉ ra được những bất hợp lý của cái cũ, thì điều tất nhiên là cộng đồng sẽ không chấp nhận cái mới. Phản ứng của dư luận vừa qua cho thấy những gì ông Bùi Hiền nêu ra không thuyết phục được mọi người rằng
“cách viết tiếng Việt hiện nay đang có bất ổn”, mặc dù ông đã dùng những ngôn từ phê phán rất mạnh mẽ:
“Những thay đổi trong cách viết tiếng Việt hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, thậm chí khá hỗn loạn, khiến cho công năng và hiệu lực của chữ quốc ngữ, công cụ văn hóa - trí tuệ sắc bén nhất và mạnh nhất của người Việt bị giảm sút tới mức cần báo động.
Thiết nghĩ không cần nêu dẫn chứng các hiện tượng lộn xộn về chữ in, chữ viết trong các văn bản của Nhà nước, các cơ quan báo chí, thư tín của công dân cho mất thì giờ…, vì tất cả đều đã thấy quá rõ.” Thú thật, bản thân tôi sau khi đọc xong đoạn văn này, rồi đọc lại toàn bộ bản tham luận của ông mà vẫn... không thấy rõ được điều ông nói! Mặc dù đã cố gắng, tôi vẫn không tìm đâu ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho những sự
“thay đổi... diễn ra hết sức phức tạp, thậm chí khá hỗn loạn”, hoặc
“các hiện tượng lộn xộn về chữ in, chữ viết” cũng như
"công năng và hiệu lực của chữ quốc ngữ... ...bị giảm sút tới mức cần báo động.” Vấn đề ở đây là ông Bùi Hiền đã quá chủ quan khi cho rằng mọi người trong cộng đồng
“đều đã thấy quá rõ”... giống như ông, nên ông thậm chí không đưa ra bất kỳ một trường hợp ví dụ minh họa nào, mà đó lại là điều rất cần thiết đối với những người “chưa thấy được rõ” như tôi.
Không thuyết phục được cộng đồng về những nhược điểm của “cái cũ”, nên điều tất nhiên là khi ông đưa ra “cái mới” thì không ai chấp nhận. Và trong khi còn chưa thuyết phục được người đọc, người nghe về những điểm trên, ông lại tiếp tục đẩy vấn đề đi đến một tầm mức “khẩn cấp” hơn:
“Tình hình chứng tỏ bộ chữ cái hiện hành không còn đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu biểu đạt một cách chính xác, thống nhất, đơn giản các nội dung cần thiết trên văn bản của người viết và người đọc.
Thực tiễn đó đòi hỏi Nhà nước phải kiên quyết có giải pháp kịp thời nhằm lập lại trật tự đối với hệ thống chữ viết quốc gia để nó trở thành công cụ sắc bén và thực sự hữu hiệu trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của toàn nước, toàn dân tại thời điểm nước nhà đang hội nhập sâu rộng với thế giới về mọi mặt.” Cứ theo phát biểu này của ông thì có vẻ như cần phải “khẩn trương” đưa bộ chữ mới của ông vào sử dụng ngay nếu không thì... không còn kịp nữa! Thế nhưng thực tế thì dường như không mấy ai đồng cảm với ông về “tình hình khẩn cấp” này, nên mọi người, ngay cả các nhà khoa học về ngôn ngữ vẫn cứ... bình chân như vại.
Sở dĩ có thực tế như trên là vì ông Bùi Hiền dường như đã không nghiên cứu kỹ về hệ thống chữ viết hiện nay trước khi đề xuất một phương cách cải tiến. Chính những lập luận do ông đưa ra đã chứng minh cho nhận xét này, vì những lập luận ấy cho thấy ông hiểu biết chưa chính xác về hệ thống chữ viết tiếng Việt hiện tại. Trong một phần sau tôi sẽ chứng minh điều này. Phải chăng do quá nôn nóng nên ông đã dành trọn 40 năm qua để nghiên cứu bảng chữ cái mới mà chưa quan tâm nghiên cứu đúng mức về hệ thống chữ viết hiện tại trong tiếng Việt?
a. Một đề xuất tiết kiệm? Theo lập luận của ông Bùi Hiền thì chữ viết hiện nay bất hợp lý vì dùng quá nhiều đơn vị chữ cái so với số âm vị cần biểu đạt. Ông liệt kê trong tham luận như sau:
31 âm vị cơ bản được biểu đạt bằng những 38 chữ cái đơn và tổ hợp 2-3 chữ cái: A Ă Â B C CH D Đ E Ê G GH GI H I K KH L
M N NG NGH NH O Ô Ơ P Q R S T TH TR U Ư V X Y
Thật ra, tiếng Việt không dùng chữ P đứng một mình, nên trong liệt kê trên lẽ ra phải là phụ âm ghép PH.
Ông Bùi Hiền cho rằng số đơn vị chữ cái hiện nay là một sự dư thừa bất hợp lý. Căn cứ vào lập luận này, ông đề xuất rút lại còn 31 đơn vị, bằng cách:
1. Tận dụng toàn bộ bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành: A Ă Â B C D
Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y.
2. Bổ sung một số chữ cái tiếng La tinh: F, J, W, Z.
3. Bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt.
4. ... ... ...
5. Tạo thêm một chữ cái mới cho âm vị còn lại là [N’, n’].
Như vậy, nhìn vào những thêm bớt như trên, bảng chữ mới của ông Bùi Hiền sẽ có
33 chữ cái. Tuy nhiên, trong tham luận ông lại nói là
chỉ có 31, và quan sát bảng kê của ông thì không thấy hai chữ cái Ă và Â – đó là lý do ông đếm còn 31 (thay vì 33). Nhưng trong ví dụ minh họa cũng như theo trình bày của chính ông thì không có chỗ nào nói bỏ đi hai chữ cái này.
Bảng kê trong tham luận của ông Bùi Hiền với nhiều bất ổn khó hiểu: (1) không có 2 chữ cái Ă và Â, vì lý do này nên ông đếm còn 31 chữ cái, trong khi thực tế phải là 33; (2) chữ cái J được thêm mới nhưng không sử dụng trong bất kỳ từ tiếng Việt nào; (3) thay thế cho NH là một chữ cái hiện “chưa có” nên chỉ tạm ghi là N’. Nếu những quan sát như trên là chính xác thì quả thật vô cùng khó hiểu khi một công trình nghiên cứu kéo dài 40 năm mà lúc đưa ra trình bày trước một Hội thảo khoa học, trong một tham luận chỉ dài 6 trang, lại có một sự sai lệch về... đếm số.
Và vì sai lệch này là thật có, nên theo tiêu chí “tiết kiệm” do chính ông đưa ra thì đề xuất cải tiến này chỉ rút bớt có 5 chữ cái, từ 38 còn lại 33, chứ không phải “còn đúng 31” như ông nói:
“Tổng cộng có 31 chữ cái (thay vì 38 đơn vị như hiện nay) biểu thị đúng 31 âm vị của tiếng Việt được dùng làm chất liệu để tạo nên các đơn vị chữ viết từ cấp độ âm vị, âm tiết trở lên đến cấp độ văn bản truyền thống của tiếng Việt.” Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm việc “chưa có” một ký tự mới để biểu đạt thay cho NH là một khiếm khuyết cực kỳ quan trọng. Theo đề nghị của ông là cần chế tác ra một chữ mới (ghép NH và xóa bớt đi một nét) không có sẵn trong bảng chữ La-tinh, và như vậy sẽ dẫn đến bàn phím gõ tiếng Việt trở thành thứ “hàng độc” không giống ai trong cộng đồng thế giới. Điều này chỉ do một ký tự duy nhất mà không ai có!
Ngược lại với hiện tượng “thiếu chữ” là chữ J được ông đưa vào trong số chữ cái bổ sung, nhưng lại “thừa ra” vì không được dùng trong bất kỳ từ ngữ tiếng Việt nào, mà chỉ xuất hiện trong các chữ nước ngoài. Nếu chỉ dùng trong các chữ nước ngoài thì đó chính là hiện tượng hiện nay đang diễn ra, đâu cần phải đề xuất bổ sung vào?
Như vậy, thay vì “tiết kiệm” hơn so với bảng chữ cái trước đây, bảng chữ mới do ông Bùi Hiền đề xuất có vẻ như đang buộc người sử dụng phải “tốn kém” thêm rất nhiều công sức trước khi có thể hoàn chỉnh nó. b. Các phụ âm ghép hiện nay có bất hợp lý hay không? Bảng phụ âm tiếng Việt hiện nay có 10 phụ âm ghép mà ông Bùi Hiền cho là bất hợp lý nên đã đề xuất xóa sạch. Đó là các phụ âm: NG, NGH, NH, GH, GI, CH, KH, PH, TH, TR.
Vậy thật ra những phụ âm ghép này có bất hợp lý hay không?
Dựa vào quy luật ngữ âm hiện đang tồn tại trong cách phát âm tiếng Việt cũng như liên hệ đến nguồn gốc chữ La-tinh của cấu tạo chữ ghép, chúng ta sẽ thấy hầu hết, nếu không nói là tất cả, những chữ ghép này đều có lý do hình thành của nó. Chúng ta sẽ không đi sâu vào các nghiên cứu ngữ âm vì nội dung bài viết này được hướng đến tất cả các độc giả không chuyên môn, và vì thế những giải thích sau đây sẽ được trình bày theo cách đơn giản nhất để bất cứ ai cũng có thể tự chiêm nghiệm được.
Trước hết là phụ âm ghép TR, gồm T và R. Phân tích kỹ ta sẽ thấy chữ R được đưa vào đây để chỉ sự rung lưỡi, ví dụ trong hai chữ
tung (hứng) và
trung (tâm), ta thấy chúng phát âm về cơ bản là giống nhau, chỉ khác ở sự rung lưỡi. Trong tiếng Anh cũng có cách dùng tương tự như khi ta so sánh
tail (cái đuôi) và
trail (dấu vết). Chữ R thể hiện sự rung lưỡi cũng gặp ở nhiều từ tiếng Anh khác như
train (xe lửa),
tree (cái cây),
triangle (tam giác)... Phân tích các cặp từ tiếng Việt tương ứng ta đều thấy được yêu cầu phát âm rung lưỡi khi có sự hiện diện của R:
tong (teo) và
trong (nhà);
tanh (hôi) và
tranh (vẽ);
tang (thương) và
trang (trọng)...
Nhận xét này cũng phù hợp khi ta sử dụng phụ âm R trước các nguyên âm:
ra (vào),
rong rêu, rổn rảng, rảnh rỗi, râu ria... Khi phát âm tất cả những chữ này ta đều cảm nhận được độ rung của lưỡi. So sánh với tiếng Anh, chữ R cũng có giá trị phát âm như vậy trong nhiều từ ngữ như:
rain (mưa),
reap (thu hoạch),
ring (chiếc nhẫn),
rainbow (cầu vồng)...
Tiếp theo là các phụ âm ghép với chữ H theo sau, như CH, KH, PH, TH. Phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy một quy luật chung cho các phụ âm ghép này là chữ H có giá trị chỉ sự bật hơi ra khi phát âm.
Hãy so sánh T và TH trong hai từ
tanh (hôi) và
thanh (thoát). Chữ
thanh được phát âm về cơ bản giống như chữ
tanh nhưng có sự bật hơi ra. Tương tự trong các từ
thong thả, thánh thót, thủng thẳng, thầm thì...
Chúng ta cũng tìm thấy các ví dụ tương tự với chữ TH trong tiếng Anh như
thank (cảm ơn),
thick (dày),
thin (mỏng)... Điều cần chú ý là trong tiếng Anh không phải bao giờ TH cũng được phát âm như vậy, trong khi ở tiếng Việt thì quy luật này là nhất quán. Phải chăng đây cũng là một ưu điểm dễ học của tiếng Việt?
Với phụ âm ghép PH cũng vậy, chúng ta dễ dàng cảm nhận giá trị bật hơi ra trong các từ
phong (ba),
phát (hành),
phổ (biến),
phanh phui... Trong tiếng Anh có các trường hợp tương ứng như:
pharmacy (hiệu thuốc),
phonetic (ngữ âm),
philosophy (triết học)...
Tiếp tục với phụ âm ghép KH, khi phát âm những chữ như
khóc (lóc),
khánh (kiệt),
khô (cạn),
khổ (cực),
khẳng khiu... chúng ta đều nhận thấy có dấu hiệu của sự bật hơi ra.
Và quy luật này cũng đúng với phụ âm ghép CH, như khi so sánh giữa
canh (ba) với
chanh (chua), ta thấy
canh và
chanh phát âm về cơ bản giống nhau, chỉ khác ở sự bật hơi khi phát âm chữ
chanh. Có thể nhận biết sự bật hơi dễ dàng khi phát âm các từ:
cho chát, chảnh chọe, chững chạc, chỉnh chu...
Tiếp đến là các phụ âm NG và NGH mà nhiều người cho là vô lý khi được dùng với các phụ âm khác nhau như:
nga, nghe, ngủ, nghỉ, ngu, nghiêm...
Thật ra, nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy ở đây có một quy luật. NG được dùng với những chữ nguyên âm
có vị trí lưỡi đưa về phía sau vòm miệng như
nga, ngo, ngu, ngư, ngô... Ngược lại, NGH được dùng với những nguyên âm mà khi phát âm
có vị trí lưỡi đưa về phía trước vòm miệng như
nghi, nghe, nghê...
Quy luật này cũng được áp dụng khi tạo ra sự phân biệt giữa G và GH như
ga, go, gô... (lưỡi đưa về sau) và
ghe, ghi, ghê... (lưỡi đưa về trước), và cũng áp dụng cả với sự phân biệt khi ghép các phụ âm C, K, như ca, co, cô.. (lưỡi đưa về sau) và
ke, ki, kê... (lưỡi đưa về trước)
Như vậy, khi chưa hiểu được quy luật, ta thấy như vô lý và muốn gộp chung những cách viết khác nhau, nhưng thật ra thì những người chế tác đã hết sức tinh tế khi nhận ra khác biệt về cách phát âm và cố gắng thể hiện nó trong cách ghép chữ.
Điều thú vị là, nếu học sinh hiểu được quy tắc này chắc chắn sẽ dễ viết đúng chính tả hơn, bởi cùng một quy tắc có thể áp dụng đúng cho cả 3 trường hợp phân biệt: NG và NGH; G và GH; C và K.
Trong đề xuất của ông Bùi Hiền, phụ âm ghép GI được đồng nhất với D khi ghép cùng nguyên âm, như
da, gia; dòng, giòng; dành, giành... Tuy nhiên, đây là những chữ có cách phát âm khác biệt, không thực sự giống nhau nếu xét trên bình diện quốc gia, không giới hạn ở riêng một vùng miền. Hơn nữa, chúng được phân biệt rạch ròi trong từ điển với những hàm nghĩa hoàn toàn khác nhau, như
da (trắng),
gia (đình). Không một từ điển hiện đại nào nhầm lẫn hay gộp chung những từ như vậy. Cho nên việc gộp chung thành một cách viết là hoàn toàn vô lý.
Chỉ điểm qua một số nét như trên cũng đủ thấy rằng việc chế tác các phụ âm ghép tiếng Việt nhất định đã dựa trên những căn cứ khoa học cũng như quan sát thực tiễn về ngữ âm. Về mặt lý thuyết, tất nhiên cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ những quy luật này, nhưng trong thực tế sự tồn tại của chúng qua nhiều thế kỷ để được định hình như hiện nay trong chữ viết tiếng Việt cũng có thể được xem là một minh chứng hùng hồn cho tính hợp lý của chúng.
Việc cho rằng tất cả phụ âm ghép tiếng Việt đều “bất hợp lý” và đề xuất “xóa sổ” chúng đi mà không đưa ra được căn cứ khoa học nào là điều hoàn toàn không thuyết phục. 3. Các đề xuất thay thế có hợp lý không? Ông Bùi Hiền đề xuất những thay đổi trong bảng chữ cái tiếng Việt cụ thể như sau:
1. C mang giá trị mới thay cho CH, TR
2. Z mang giá trị mới thay cho D, GI, R
3. S mang giá trị mới thay cho S, X
4. K mang giá trị mới thay cho C, K, Q
5. G mang giá trị mới thay cho G, GH
6. Q mang giá trị mới thay cho NG, NGH
7. D mang giá trị mới thay cho Đ
8. F mang giá trị mới thay cho PH
9. X mang giá trị mới thay cho KH
10. W mang giá trị mới thay cho TH
Xin lưu ý, chúng tôi đã sắp xếp lại trật tự của các đề xuất trên theo tính chất giá trị thay đổi của chúng nhằm giúp quý độc giả tiện theo dõi các phân tích sau đây.
Trước hết, như đã phân tích trước đây, 4 đề xuất đầu tiên không chỉ là sự thay đổi cách viết, mà thực chất còn là sự thay đổi cách phát âm của 5 đơn vị chữ cái (TR, GI, R, X, Q). Ngoài ra, sự gộp chung các phụ âm theo như 6 đề xuất đầu tiên sẽ dẫn đến phải thay đổi, biên soạn lại 14 vần trong tất cả các từ điển tiếng Việt, chẳng hạn như
da, gia và
ra đều phải được xếp vào mục từ Z và biên soạn lại các định nghĩa trong từ điển cho phù hợp với cách viết mới. Vì tất cả đều viết là
“za” theo cách mới, nên mục từ
“za” sẽ gồm
tất cả các nét nghĩa trước đây của cả 3 từ da, gia và ra. Người tra cứu từ điển lúc đó sẽ vấp phải khó khăn mới là nhiều mục từ giờ đây có quá nhiều nét nghĩa do sự gộp chung. Các học giả cần phải học nhiều hơn, và người bình dân rất có thể sẽ không dám dùng đến từ điển nữa vì... khó quá!
Về phát âm, như đã nói, chắc chắn các vùng miền khác nhau trên cả nước sẽ không chấp nhận - và cũng không có khả năng - thay đổi phát âm đồng nhất theo như sự thể hiện của chữ viết mới, và do đó dẫn đến kết quả là nhìn vào chữ viết không phân biệt được cách phát âm, như ví dụ
“coq cươq cìn' ” (trong chương trình) mà tôi đã nêu ra. Một khi chữ viết một đàng phát âm một nẻo thì sự bất hợp lý lúc đó mới thực sự là “đáng báo động”!
Ngoài ra, khi so sánh với chữ viết của các nước sử dụng bảng chữ cái La-tinh, chẳng hạn như tiếng Anh, thì hầu hết các giá trị trong bảng chữ mới này đều thuộc loại “hàng độc”, nghĩa là không giống ai – chỉ trừ mục số 7 (D đọc thành Đ). Như tôi đã phân tích trong một phần trên, cách viết hiện tại có rất nhiều tương đồng giữa chữ viết và phát âm khi so sánh với tiếng Anh. Đây là một lợi thế giúp người Việt học tiếng Anh dễ dàng hơn. Với bảng chữ mới, toàn bộ những tương đồng này đều mất hết, và người Việt (các thế hệ sau) khi đó sẽ học tiếng Anh một cách khó khăn hơn nhiều. Ví dụ, không có từ tiếng Anh nào với phụ âm W mà đọc như TH, hoặc với phụ âm X mà đọc như KH... Như vậy, rõ ràng là hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu “hội nhập sâu rộng với thế giới về mọi mặt” mà chính ông Bùi Hiền đã nêu ra trong tham luận.
Thiết tưởng, những điểm nêu trên đã quá đủ để đưa ra kết luận về tính hợp lý của những đề xuất thay đổi này. IV. Động lực nghiên cứu Theo ông Bùi Hiền, nếu đề án của ông được thực hiện sẽ mang lại những lợi ích như sau:
1. Thống nhất được chữ viết cho cả nước khi trở thành CHỮ QUỐC NGỮ chính thức.
2. Loại bỏ được hầu hết thiếu sót, bất cập, không nhất quán trước đây thường gây khó khăn cho người dùng và rất dễ dẫn tới những lỗi chính tả không đáng có cho mọi người viết, nhất là giúp cho học sinh
chút bỏ được nỗi ám ảnh vì lo sợ phạm lỗi.
3. Giản tiện được bộ chữ cái khiến cho mọi người tiết kiệm được thì giờ, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập văn bản trên giấy, trên máy tính.
4. Rút ngắn hẳn thời gian cho mọi người bắt đầu học (nhất là học sinh, người dân tộc và người nước ngoài) có thể nắm chắc bảng chữ cái cải tiến, chóng thành thạo cách viết và đọc văn bản tiếng Việt mới.
5. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lớn dễ dàng chuyển đổi từ cách viết và đọc chữ quốc ngữ cũ sang chữ quốc ngữ mới (chỉ cần một buổi đến một ngày là có thể thuộc hết các chữ cái mới).
Về mục thứ nhất, vốn dĩ đã là thực trạng hiện nay. Người bình dân cũng như các nhà nghiên cứu, không ai nghĩ rằng chữ quốc ngữ hiện nay là
không chính thức và không thống nhất. Ngay từ những năm đất nước còn phân chia hai miền Nam Bắc thì chữ quốc ngữ vẫn được sử dụng thống nhất trên toàn cõi Việt Nam, chưa hề có sự khác biệt. Sự khác biệt nếu có chỉ là giữa những cách sử dụng tiếng Việt uyên bác và bình dân, cẩn trọng và cẩu thả... mà những khác biệt này thì ở đâu và lúc nào cũng có, chúng không thể là căn cứ để nói rằng chữ viết tiếng Việt không thống nhất.
Về lợi ích thứ hai, tôi không cho là lợi ích. Những
“thiếu sót, bất cập, không nhất quán” được ông gọi chung là
“bất hợp lý” thì tôi đã chứng minh trong những phần trên là những lập luận của ông không thuyết phục. Riêng về cái lợi ích xóa bỏ
“lỗi chính tả” bằng những thay đổi này thì
tôi cho đó là một tai họa khủng khiếp cho tiếng Việt. Rất nhiều sự tinh tế, súc tích và thậm chí đáng yêu (theo riêng tôi) của tiếng Việt được biểu đạt qua những cách dùng dấu hỏi, ngã, sự khác biệt phụ âm cuối “c” hoặc “t”, hay phụ âm đầu “s” hoặc “x”... Tất cả những điều này sẽ mất đi và nội hàm của nhiều câu tiếng Việt, nhiều từ ngữ tiếng Việt sẽ trở nên đơn giản đến độ thô kệch. Hãy so sánh cách hiểu
“xẻ chia” và
“chia sẻ” trong tiếng Việt hiện nay, và sẽ thế nào nếu cả hai đều được viết giống nhau? Làm sao còn thể hiện được nét nghĩa phân biệt?
Tôi chợt nhớ đến một ngụ ngôn: “Có hai cách để tạo ra sự bình đẳng, hoặc là bạn nâng tầm địa ngục lên đến thiên đàng, hoặc là kéo thiên đàng xuống thành địa ngục.”
Tôi rất muốn viết lại câu này thành: “Có hai cách để không mắc lỗi chính tả tiếng Việt, hoặc là bạn nỗ lực học tập và rèn luyện, hoặc là xóa bỏ hết những quy tắc phân biệt hiện có.”
Tôi e là ông Bùi Hiền đã chọn cách thứ hai. Mong rằng quý độc giả và nhất là thế hệ các bạn trẻ hôm nay sẽ dám chấp nhận cách thứ nhất, cho dù có thể khó khăn nhưng kết quả sẽ rất đáng tự hào khi chúng ta có thể giữ gìn và phát huy được một vốn liếng tiếng Việt giàu đẹp, phong phú và súc tích.
Mặc dù vậy, tôi hoàn toàn cảm thông với những khó khăn đối với bất cứ ai muốn sử dụng thật tốt tiếng Việt, cả về ngữ pháp cũng như từ vựng. Mở đầu tham luận ông Bùi Hiền đã viết một câu sai ngữ pháp, và trong đoạn văn vừa dẫn trên thì ông viết
“chút bỏ” (theo phát âm của ông) thay vì
“trút bỏ”. Để có thể vượt qua những khó khăn này, chúng ta phải biết yêu quý và trân trọng tiếng Việt, luôn sử dụng nó với một sự cẩn trọng và nỗ lực không ngừng học hỏi, rèn luyện. Có như vậy chúng ta mới có thể cảm nhận và vận dụng được hết những giá trị tuyệt vời, sâu sắc mà ông cha ta đã tích lũy và truyền lại cho chúng ta trong tiếng Việt hiện đại.
Về lợi ích thứ ba mà ông cho là sẽ
“tiết kiệm được thì giờ, công sức, vật tư” thì tôi đã phân tích trong một phần trên. Những gì bớt đi thì không đáng kể mà những cái thêm vào lại quá nhiều, do đó không thể nào đạt được mục tiêu
“tiết kiệm”. Khi trả lời phỏng vấn, ông Bùi Hiền nhấn mạnh hơn vào chuyện
“tiết kiệm giấy in, mực in” khi cho rằng văn bản viết theo lối chữ mới sẽ giảm được khoảng hơn 8% giấy mực và như vậy là rất lớn. Có lẽ ông không biết rằng trong giá thành của một quyển sách thì chi phí cho giấy và mực in chỉ chiếm một phần rất nhỏ, có lẽ chưa đến 25%. Các chi phí còn lại bao gồm tiền tác quyền, phí xuất bản, đọc sửa và hoàn thiện bản thảo, tạo bìa, đóng xén, phí lưu hành, nhân công... và rất nhiều chi phí khác. Tất cả các khoản phí này đều
không giảm khi ta bớt đi 8% số trang sách. Vì thế, con số tiết kiệm thực sự nếu có cũng chỉ là 8% của 25%, tức là chỉ khoảng 2% trên giá thành một xuất bản phẩm, một con số không lấy gì làm khích lệ so với những biến động quá lớn phải tính đến khi thực hiện đề xuất của ông.
Nhưng chỉ tính sơ như thế để thấy rằng ông có thể là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ nhưng không phải là một nhà kinh tế giỏi. Còn trong thực tế thì việc sử dụng yếu tố kinh tế như một động lực nghiên cứu khoa học e rằng không phải một động lực chính đáng. Lẽ ra ông nên quan tâm nhiều hơn đến việc tiếng Việt có hoàn thiện hơn với kết quả nghiên cứu này hay không, thay vì là quá chú trọng đến 8% số giấy được tiết kiệm. Nói một cách dễ hiểu, kết quả nghiên cứu của ông nếu có thực hiện đúng như ông tính toán cũng không mang lại
“cái lợi rất lớn” như ông tưởng.
Khi đề cập đến nhân công tạo lập văn bản, ông càng cho thấy đã không có sự tính toán thực tiễn. Việc gõ văn bản trên máy vi tính hiện nay được sự hỗ trợ của rất nhiều phần mềm, người chuyên nghiệp không ai ngồi gõ từng con chữ mà chỉ cần gõ vào một vài ký tự để nhập được cả cụm từ, thậm chí cả những câu thường dùng. Vì thế, việc bớt đi mấy chữ cái của ông hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tốc độ hay nhân công tạo văn bản.
Về hai mục thứ tư và thứ năm như ông nêu ra thì hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Chúng ta không thể “phỏng đoán” để đưa ra những điều này. Trên tinh thần nghiên cứu khoa học, ít nhất sau khi hoàn chỉnh về mặt lý thuyết, cần phải có những thử nghiệm thực tế có đối chứng trên một số nhóm đối tượng tình nguyện, và dựa trên kết quả thực nghiệm với số lượng người tham gia đủ để tạo độ tin cậy, chúng ta mới có thể đưa ra kết luận sơ bộ là việc học chữ mới có nhanh hơn hay không, có dễ dàng hơn hay không.
Tuy nhiên, ngay trên bình diện lý thuyết thì những ý kiến này của ông đã không đứng vững. Ông chỉ nói đến việc “nắm chắc”, “học thuộc” bảng chữ cái mới mà không hề đề cập đến một khía cạnh quan trọng hơn nhiều là khả năng đọc hiểu thông thạo một loại chữ viết. Nếu hiểu được hoặc có nghiên cứu về khía cạnh này, chắc chắn ông sẽ không dám chủ quan khi nói đến việc thay đổi cách viết tiếng Việt một cách quá đơn giản như thế.
Theo cơ chế hoạt động của não bộ, người mới học tiếng Việt sẽ phải đọc qua 100% chữ viết trên trang giấy mới có thể nắm hiểu được nội dung, chẳng hạn như các học sinh mới vào lớp một hay người nước ngoài mới học tiếng Việt. Tuy nhiên, với thời gian và sự rèn luyện, tỷ lệ này giảm dần đi và với một người trải qua nhiều năm làm việc chuyên nghiệp thì số lượng con chữ thực sự phải đọc có thể rút xuống đến khoảng 50% ở các bản văn đơn giản và khoảng 70% với những văn bản hơi khó hiểu. Với một độc giả trung bình không chuyên nghiệp nhưng có học thức và thường xuyên đọc sách, tỷ lệ con chữ phải đọc thường là từ 70 - 80%.
Làm sao não bộ của chúng ta thực hiện được cơ chế “tiết kiệm” này? Trong thực tế, khi chúng ta đã thông thạo tiếng Việt và sẵn có kiến thức tương đồng với vấn đề đang trình bày trong văn bản, ta sẽ không phải đọc hết tất cả các con chữ. Khi mắt thu thập hình ảnh các chữ viết chuyển về, não bộ sẽ làm việc liên tục để so sánh với các dữ liệu sẵn có trong “bộ nhớ” để nhận ra các mối tương đồng, và ngay khi những dữ liệu tương đồng vừa được xác định là đủ căn cứ để “đoán” ra phần còn lại của chữ viết, mắt ta sẽ “được lệnh” bỏ qua phần còn lại mà não bộ đã “đoán biết” được. Cơ chế “đọc và đoán” liên tục này vận hành hoàn toàn tự động và tự nhiên như một phản xạ không cần kích hoạt nên rất ít người lưu ý đến nó. Tuy nhiên, chỉ cần quý vị có lưu tâm khi đọc sách thì sẽ nhận ra ngay là bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều đang được hưởng lợi ít nhiều từ cơ chế này. Đây chính là lý do giải thích vì sao khi ta lỡ bỏ sót đi một lỗi chính tả trên văn bản ở lần đọc đầu tiên, thì có rất nhiều khả năng là dù đọc lại hàng chục lần ta vẫn không nhận ra được nó. Bởi vì mắt ta không thực sự “nhìn thấy” tất cả các con chữ, nó “nhận lệnh” bỏ qua hình ảnh những con chữ mà não bộ cho rằng “đã biết”.
Những người làm công việc hiệu đính, sửa chữa, biên tập văn bản (như tôi) rất cần phải hiểu rõ về cơ chế này và phải học cách “tắt” nó đi khi cần đọc sửa văn bản. Nếu không, sẽ có nhiều lỗi trong văn bản không được nhận ra.
Nói như vậy để thấy rằng kỹ năng đọc hiểu văn bản là một kỹ năng mà mỗi chúng ta luôn phải rèn luyện và phát triển hầu như trong suốt cuộc đời mình. Tất cả những công phu rèn luyện này sẽ mất sạch khi ta chuyển sang đọc một kiểu viết mới. Đó là điều mà ông Bùi Hiền hoàn toàn không tính đến. Và mức độ lớn lao của sự mất mát, tổn hại này thì có lẽ bất kỳ ai trong quý vị cũng đều có thể hình dung ra được. Ngay cả khi tôi có thể học thuộc và sử dụng được bảng chữ cái mới trong vòng một buổi, thì để có được kỹ năng đọc hiểu nhanh, chính xác và dễ dàng như hiện nay, tôi sẽ phải mất ít nhất là hơn ba mươi năm rèn luyện nữa! Điều này cũng xảy ra cho bất kỳ ai đang sử dụng tiếng Việt. Thật khủng khiếp!
Như vậy, điểm lại cả 5 “lợi ích” mà ông Bùi Hiền nêu ra, quả thật ta thấy không có gì “hấp dẫn” cả vì chúng không thực sự có thể gọi là lợi ích. Chính từ những nhận thức sai lầm về lợi ích của kết quả nghiên cứu, ông Bùi Hiền đã tiến hành nghiên cứu với một động cơ không thích hợp. Có thể ông có tấm lòng đáng trân trọng khi hướng đến lợi ích cho cộng đồng, muốn đóng góp cho sự phát triển và hoàn thiện tiếng Việt, nhưng cách làm của ông thực sự đã không đáp ứng được những mong muốn này.
V. Kết luận Tôi biết đến tham luận của PGS TS Bùi Hiền một cách tình cờ khi lướt qua Facebook để kiểm tra bài đăng hàng tuần. Có quá nhiều phê phán và nhận xét, kể cả những nhận xét rất khiếm nhã, khiến tôi không thể không lưu ý. Nhưng quan trọng hơn nữa là nhiều người bày tỏ mối quan tâm và lo ngại sâu sắc về việc có khả năng phải... đi học lại tiếng Việt. Biết làm sao được, họ lo ngại cũng có phần hữu lý. Ở ta việc gì cũng có thể xảy ra được cả, những vấn đề như cải cách, đổi mới, cải tiến, thử nghiệm, thay đổi, sửa sai v.v... được bàn đến mỗi ngày như cơm bữa, nhất là trong lãnh vực giáo dục những năm qua. Lại nữa, lịch sử tiền tệ thế giới chưa một quốc gia nào đã từng in ra đồng bạc mệnh giá 30.000, trừ Việt Nam. Những chuyện vô lý đến thế còn xảy ra được, huống chi việc cải tiến chữ viết này có gì mà không... dám làm. Các con tôi kể rằng ở trường cấp 2, cấp 3 của chúng, học sinh cũng túm tụm bàn tán về “tiếng Việt mới”, và còn có “tin vịt” rằng bộ sách giáo khoa Lớp 1 bằng tiếng Việt cải tiến đã in xong! Chấn động hơn nữa là nguồn tin Phó Giám đốc Sở Giáo Dục TP HCM đã tán thành và đề nghị đưa vào thử nghiệm dạy cho sinh viên đại học. Cuối cùng, hóa ra toàn là tin thất thiệt.
Nhưng mối quan tâm và tình cảm thiết tha của cộng đồng người Việt khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, đối với tiếng Việt là hoàn toàn có thật, và là điều rất đáng trân trọng. Vì thế, tôi đã phải dành thời gian tìm hiểu thêm về tham luận của ông Bùi Hiền. Có một bài viết về cuộc sống thanh bần của ông trong căn hộ nhỏ ở chung cư. Điều đó làm tôi kính trọng. Trí thức ở ta bây giờ chấp nhận cuộc sống thanh bần để cống hiến hoàn toàn cho khoa học, cho đất nước, có lẽ cũng không nhiều lắm. Dự án nghiên cứu hàng tỷ đồng tiền ngân sách thì các nhà nghiên cứu khoa học đi xe con, ngồi phòng máy lạnh hoặc ngủ khách sạn năm sao là chuyện bình thường. Trong bối cảnh đó, ông sống với đồng lương còm của người hưu trí mà vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu của mình là điều đáng kính. Nhưng kính trọng ông là một chuyện, mà đánh giá công trình của ông lại là chuyện khác.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc các nhà chuyên môn, học giả có tên tuổi, có trách nhiệm trong giới học thuật, trong ngành giáo dục nhưng khi bày tỏ ý kiến về công trình này của ông lại cứ nói hàng đôi, rằng “cần nghiên cứu thêm”, rằng “phải tôn trọng các nghiên cứu khoa học”... Trong phân tích khoa học chỉ có đúng hoặc sai, hợp lý hoặc bất hợp lý, không thể pha lẫn thêm với yếu tố tình cảm hoặc sự nể trọng. Nếu công trình nghiên cứu này của ông quả thật có thể mở ra một hướng mới nào đó cho tương lai, thì việc khuyến khích ông là điều nên làm. Ngược lại, như tôi đã chỉ ra, nó có quá nhiều điều bất hợp lý và bất khả thi, thì việc thẳng thắn nêu ra mới chính là sự đóng góp hữu ích mà ông rất cần. Biết đâu, nhờ những góp ý thẳng thắn của các nhà khoa học mà ông sẽ chuyển hướng sang làm một điều gì khác hiệu quả hơn, hoặc chí ít cũng được sống vui sống khỏe hưởng trọn tuổi trời thay vì tiếp tục
“không lùi bước, không bỏ cuộc” với một công trình mà phải nói thật ra là hoàn toàn không triển vọng. Đã thế, bà tiến sĩ Đoàn Hương còn vẽ vời thêm một viễn cảnh không bao giờ có khi so sánh trường hợp của ông Bùi Hiền với Galileo Galilei, khác nào khuyến khích ông ấy rằng cho dù thất bại trong nghiên cứu cũng có thể được xếp chung tên tuổi với một danh nhân tầm thế giới! Những cách nói “xuôi chiều” như vậy thật ra là đang làm hại ông ấy hơn là giúp ích.
Qua một thời gian sôi động, có lẽ đã đến lúc “hiện tượng Bùi Hiền” cũng nên lắng xuống và khép lại. Mong sao điều còn lại sau chuyện này sẽ là một nhận thức mới, đầy đủ và sâu sắc hơn về tiếng Việt đối với đông đảo mọi người trong cộng đồng, nhất là những ai từ trước đến nay chưa thực sự quan tâm cũng như chưa chú tâm nỗ lực rèn luyện tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.