Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tản văn »» Tưởng niệm ngày Phật Đản Sinh giữa cơn khủng hoảng hiện nay »»

Tản văn
»» Tưởng niệm ngày Phật Đản Sinh giữa cơn khủng hoảng hiện nay

Donate

(Lượt xem: 6.144)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Tưởng niệm ngày Phật Đản Sinh giữa cơn khủng hoảng hiện nay

Font chữ:

Trên mặt hiện tượng và lịch sử, đức Phật chỉ đản sinh vào một thời điểm, một nơi chốn nhất định trên thế giới này. Thời điểm và nơi chốn ấy là vào năm 624 trước Tây lịch tại vương quốc Kapilavastu mà ngày nay là Nepal, phía tây bắc Ấn Độ.

Trên bình diện bản thể, Phật là tánh giác của tất cả hữu tình chúng sinh. Vì vậy, bất cứ khi nào chúng sinh nghĩ về Phật thì Phật thị hiện ở đó. Nói như vậy không có nghĩa là Phật tính có sinh có diệt, mà do tâm chúng sinh có sinh diệt nên Phật có lúc hiện lúc ẩn. Do đó, người Phật tử thường nghĩ nhớ đến Phật thì Phật thường có mặt với họ.

Thường ngày, con người nghĩ tưởng đến Phật qua nhiều cơ duyên khác nhau, không ai giống ai. Có người thường ngày hành trì niệm Phật, nên nhớ đến Phật thường xuyên. Có người khi có dịp đến chùa hay gặp chư tăng ni thì nhớ đến Phật. Có người ban đêm, trong giấc mơ chẳng lành, sợ hãi, bỗng nhiên tiềm thức nhớ Phật, niệm Phật, tỉnh giấc mới biết mình bị ác mộng. Có người khi gặp hoàn cảnh đau khổ tột cùng không biết làm gì để thoát khổ nên nghĩ nhớ đến Phật, niệm Phật. Có người gặp lúc cực kỳ may mắn phước lộc tràn đầy không biết làm sao cảm tạ bèn nghĩ đến ân đức của Phật, niệm Phật. Nhiều, nhiều lắm, có vô số trường hợp nghĩ nhớ đến Phật khác nhau tùy theo cơ duyên mỗi người.

Nhưng, có một cơ duyên xảy ra hằng năm mà người Phật tử nào cũng nghĩ nhớ đến Phật, đó là ngày đản sinh của ngài.

Năm nay, ngày đản sinh của đức Phật đến trong bối cảnh bất an về kinh tế lan rộng khắp toàn cầu. Các thông tin cho thấy tình trạng thất nghiệp trên thế giới đang lên cao chưa từng có và sẽ còn tiếp tục gia tăng. Liên Hiệp Quốc báo động chỉ trong năm nay không thôi, số người thất nghiệp trên thế giới sẽ lên tới 40 triệu. Cộng chung với số người đang thất nghiệp, thế giới hiện có khoảng 200 triệu người không có việc làm. Trong số những người còn đang làm việc trên thế giới, có khoảng 20% chỉ kiếm được 1.25 đô-la một ngày, và khoảng 40% người lao động chỉ đem được về nhà 2 đô-la một ngày. Tình trạng này gây nên nạn thiếu dinh dưỡng và đói khát triền miên trên hành tinh. Phúc trình của Liên Hiệp Quốc cho biết, trên thế giới hiện có 963 triệu người bị đói kinh niên và mỗi ngày có khoảng 16.000 trẻ em chết vì đói và thiếu dinh dưỡng.

Tác động của cơn khủng hoảng kinh tế và tài chánh toàn cầu hiện nay đã lan rộng khắp nơi và không chừa một quốc gia, một khu vực nào trên thế giới, từ Mỹ Châu đến Âu Châu, từ Phi Châu đến Á Châu. Không phải chỉ có những ai đang bị thất nghiệp và làm ăn thua lỗ mới lo lắng, phiền muộn, những người đang còn làm việc, những thương gia đang còn hoạt động cũng không yên tâm, không biết ngày mai sẽ ra sao! Mọi người đều lo âu. Nỗi lo bên trong được cộng thêm với hoàn cảnh bất an bên ngoài xã hội làm cho cuộc sống con người trở nên đầy bất trắc và đau khổ.

Chưa hết, lòng tham lam, thù hận và si mê của con người khiến họ có những ý tưởng, ngôn ngữ và hành động làm tổn hại nghiêm trọng đến những người chung quanh, đến cả nhân loại. Trong số những tác động gây đau khổ cho nhân quần xã hội mà con người đã và đang chứng kiến có nạn cuồng tín và kỳ thị tôn giáo, nạn độc tài và tham nhũng của các cơ chế chính trị ở cấp quốc gia, nạn đầu cơ tích trữ trong giới thương nghiệp, nạn buôn bán người trong và ngoài lãnh thổ của nhiều nước, nạn bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội, nạn phe phái, chủ nghĩa và ý thức hệ kéo dài nhiều thập niên qua nhiều lãnh địa quốc gia, nạn chà đạp lên quyền sống và quyền làm người của kẻ khác, nạn tham vọng bá quyền xâm chiếm biên cương đất đai và lãnh hải của lân bang v.v...

Còn nữa, trong cuộc cạnh tranh sinh tồn, để đáp ứng với những nhu cầu phát triển về mặt dân số cũng như về mặt tiến bộ trong các lãnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và quân sự, con người bất chấp đến hậu quả đã không ngừng khai thác đất đai, dầu mỏ, đào phá rừng, săn bắn thú rừng và đánh bắt các loài cá, chế tạo vũ khí nguyên tử, hóa học và vi trùng. Kết quả là trái đất ngày càng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí thải nhà kính gây thay đổi trầm trọng khí hậu toàn cầu khiến thiên tai xảy ra thường xuyên, mực nước biển dâng cao xâm thực đất sinh sống, nạn sa mạc hóa ngày càng lan rộng, nhiều loại thú rừng và cá đã và đang trên đà diệt chủng, mối đe dọa thường trực đối với sinh mạng con người vì các loại vũ khí độc hại, v.v…

Tất cả những tác hại vừa nêu trên không phải là ảo ảnh mơ hồ, mà là các hiện tượng có thật đã và đang xảy ra hằng ngày trên thế giới này. Vì vậy, đó không phải là những sản phẩm tưởng tượng của người viết cố ý bôi đen hình ảnh của thế giới hay tô đậm nét bi quan, tiêu cực về cuộc đời. Đó là sự thật. Sự thật về khổ mà đức Phật đã từng dạy trong những bài Pháp lúc Ngài còn tại thế.

Sống trong bối cảnh xã hội và cuộc đời như vậy, người Phật tử, khi tưởng niệm ngày đản sinh của đức Phật, có thể chiêm nghiệm được điều gì để mang lại lợi lạc cho mình và cho người hầu giải thoát một phần nào những khổ đau trầm thống đang đè nặng lên thân phận con người?

Trước hết, mọi người Phật tử đều biết rằng đức Phật ra đời vì để giải khổ cho mình và cho chúng sinh. Chính vì vậy, trong suốt gần năm mươi năm, đức Phật đã không ngừng vân du đó đây để chỉ dạy con đường giác ngộ và giải thoát. Trong phương thức giáo hóa, đức Phật luôn luôn dựa trên thực trạng của xã hội, căn cơ hoàn cảnh của mỗi người mà đưa ra các phương thức diệt khổ và sống an lạc không những trong đời này mà còn trong những đời sau. Vì lẽ đó, đức Phật không đề cập đến những vấn đề siêu hình và thuần lý mà ngài dạy con người quán chiếu vào thực tại để nhận chân sự thật, dù sự thật mang bất cứ vóc dáng nào, rồi từ đó chấm dứt các nguyên nhân gây ra phiền não và khổ đau để đạt đến an lạc và giải thoát.

Nhìn nhận sự thật là bước đầu tiên và cũng là cuối cùng cần phải thực hiện nếu muốn diệt khổ. Trong sự thật này bao hàm bốn dạng thức nền tảng: sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân gây ra khổ, sự thật về trạng thái hết khổ sau khi thực nghiệm sự thật về con đường diệt khổ. Bốn sự thật này vốn nằm trong luật tắc nhân quả và duyên khởi mà bất cứ người nào cũng có thể nhận biết vì nó phù hợp với các hiện tượng xảy ra thường trực trong đời sống, trong vũ trụ, và vì nó là các nguyên lý nhận thức phổ quát mà con người vốn có.

Trong ý nghĩa đó, người Phật tử có thể ứng dụng các sự thật này vào trong đời sống hiện thực hằng ngày để giảm trừ khổ đau. Bây giờ xin đi sâu vào các chi tiết ứng dụng lời Phật dạy để học làm sao sống bình thản và an lạc giữa cuộc đời phiền tạp.

Phiền não, buồn phiền, phiền nhiễu, bất xứng ý, không vừa lòng, bất mãn, khổ đau, v.v… là những hiện tượng xảy ra thường xuyên trong đời sống con người, dù con người ở giai tầng, ở bối cảnh xã hội nào, hay dù con người sống ở thời đại nào, thậm chí dù con người ở lớp tuổi nào. Đây là sự thật. Nếu chúng ta không thừa nhận, hay nếu chúng ta tìm cách lẩn tránh nó thì vấn đề sẽ càng nhiêu khê và phiền phức hơn. Chính vì tìm cách tránh né khổ đau, con người lại càng cảm thấy mình bị áp lực, bị vây hãm, bị tấn công mạnh hơn bởi khổ đau. Tại sao? Bởi vì thái độ không nhìn nhận sự thật khổ đau là hành vi, là nguyên nhân tạo ra khổ đau khác. Khi con người tránh né khổ đau, họ sẽ không có cơ hội để trui luyện khả năng đối đầu với khổ đau, nhưng họ lại không có cách nào hữu hiệu để diệt sạch khổ đau, cho nên khổ đau vẫn tiếp tục sinh khởi, và họ lại càng cảm thấy bị quấy rầy vì khổ đau.

Giống như một người đang làm việc trong một công ty mà công ty này đang gặp phải khó khăn về tài chánh, không biết sẽ phải sa thải một số công nhân vào lúc nào. Người đó mỗi ngày đến sở làm đều nghĩ và lo lắng về chuyện có thể mình sẽ bị cho nghỉ việc. Chuyện cho nghỉ việc thì chưa đến, mà cũng có thể là sẽ không đến với cá nhân người đó, nhưng anh/chị này vẫn cứ lo, lo rồi sợ, sợ rồi muốn trốn tránh chuyện mình sẽ bị sa thải, cho nên mỗi ngày đều mong rằng mình sẽ không phải là người bị cho nghỉ việc. Tâm trạng này cứ đeo đuổi người đó mãi, không biết bao giờ mới chấm dứt, trừ phi công ty tuyên bố rằng sẽ không cho ai nghỉ việc cả. Nhưng thực tế công ty không thể chắc là có thể vượt qua được khó khăn hay không mà dám tuyên bố như vậy. Ở đây cái khổ của người đó là không nhìn nhận vào sự thật. Sự thật gì? Sự thật là hiện tại công ty vẫn chưa sa thải anh/chị này. Sự thật là đến khi công ty có quyết định sa thải thì anh/chị này cũng không có cách nào để trốn tránh. Sống trong lo sợ như vậy, người công nhân đó sẽ không thể tìm được an lạc trong đời sống hằng ngày.

Trong trường hợp trên, nỗi lo sợ làm cho người đó khổ đau. Nỗi lo sợ xảy ra là khi một điều gì đó chưa thật sự đến, có nghĩa là đó chỉ là một sự kiện không thật trong hiện tại, nó chỉ là một sản phẩm do con người thêu dệt ra. Điều này đã được đức Phật dạy trong Tâm Kinh Bát-nhã là “điên đảo mộng tưởng.” Một người biết nhìn nhận sự thật sẽ không mộng tưởng. Như người công nhân nói trên, nếu biết nhìn nhận sự thật thì sẽ không có chuyện phải lo lắng mỗi ngày về một sự kiện chưa xảy ra hay có thể chẳng bao giờ xảy ra đối với người đó. Cái khổ ở đây là do mộng tưởng, không phải do hiện thực.

Tất nhiên có người sẽ nói rằng, thực tế cuộc sống của con người không thể nào không lo: lo cho tương lai của mình, của gia đình, của con cái. Nếu không lo thì làm sao xây dựng được sự nghiệp, làm sao làm ăn phát triển, làm sao kiếm tiền để mua nhà, mua xe v.v...? Như trường hợp người công nhân ở trên, làm sao có thể không lo?

Đúng vậy, đã là con người sinh ra trên đời này làm sao sống mà không lo. Nhưng, người Phật tử cần nhận thức rõ sự khác biệt giữa sự kiện lo và sự kiện bị cái lo làm khổ não.

Cụ thể như trường hợp người công nhân ở trên. Trước tình trạng công ty có thể sa thải công nhân, không có bất cứ người thợ nào làm việc trong công ty đó mà không lo. Nhưng người công nhân trong công ty đó có thể lo được tới đâu và biết lo tới đâu thì dừng lại. Thứ nhất, người công nhân nên biết rằng cái lo của mình không giúp ích được gì cho việc mình không bị mất việc hay cho việc công ty không bị làm ăn lỗ lã. Thứ hai, trong vai trò là một thành viên trong công ty, người công nhân trước tình trạng khó khăn như vậy cần phải chia sẻ sự khó khăn của công ty mà mình đang làm việc, cần phải làm cho tốt vai trò và trách nhiệm của mình. Thứ ba, có thể suy nghĩ đến những giải pháp mà mình sẽ thực hiện nếu công ty cho mình nghỉ việc, như suy nghĩ đến việc làm thích hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình để có thể đi xin việc. Thứ tư, không tự mình mang vác cái lo lắng, phiền muộn đi theo mình. Tất cả những gì cần suy nghĩ thì chỉ suy nghĩ trong khoảng thời gian đủ và thích hợp cho sự kiện, rồi sau đó dừng lại, không để cho sự kiện ấy làm cho mình phải lo lắng, buồn phiền.

Có người cho rằng, nói thì dễ, làm mới khó!

Quả thật là vậy. Nói thì ai cũng có thể nói được, nhưng làm thì không dễ mấy người thành công. Tuy nhiên, thành công cũng có nhiều mức độ sai biệt, không phải chỉ có một lằn mức cuối cùng. Đi được một bước so với lúc chưa đi đã là thành công. Sống bớt khổ hơn trong quá khứ một đôi phần đã là thành công. Muốn dừng lại những lo lắng không để cho nó làm khổ mình, người Phật tử có thể áp dụng 3 điều mà đức Phật thường dạy trong các kinh, đó là an nhẫn, trí tuệ và từ bi.

An nhẫn là hạnh tối thắng của chư Phật. An nhẫn là thọ nhận mọi chướng duyên và khổ nạn với tâm bình lặng, giống như mặt đất thọ nhận tất cả mọi vật, mọi cấu uế của trần gian. An nhẫn còn là sự lãnh thọ trạng huống giải thoát siêu việt của Niết-bàn tịch tịnh với tâm rỗng lặng bình yên. Không tu tập hạnh an nhẫn, người Phật tử thật khó có thể tìm được cuộc sống an lạc ngay trong đời này. Nếu cái gì xảy ra chung quanh mình cũng thấy không xứng ý thì làm sao có được một giây phút bình lặng để an lạc?

Nhưng, thực hành hạnh an nhẫn cần có trí tuệ làm thắng duyên. Trí tuệ quán chiếu các pháp là vô thường, khổ, không và vô ngã. Các pháp từ tâm thức đến vật chất, từ vi trần đến sơn hà đại địa đều biến dịch không ngừng nghỉ, dù là trong một sát-na vi tế. Vận hành biến dịch nhanh đến mức con mắt phàm phu chỉ thấy những gì đã biến hoại bề ngoài mà không cảm nhận được những đổi thay nhỏ nhiệm đang xảy ra bên trong. Vô thường biến hoại cho nên khổ. Khổ là trạng thái tâm thức không nắm bắt được điều gì như thật vĩnh viễn mà chỉ giả tạo trong sát-na. Khổ còn là tâm trạng sợ hãi bị mất mát những gì mình cố chấp. Từ đó cho thấy các pháp vốn không có tự tánh, là Không. Không cho nên không có chủ thể, không có tự ngã, là vô ngã. Nhờ thường trực quán chiếu như vậy, người Phật tử sẽ từ từ xả bỏ bớt sự cố chấp đối với các pháp, đối với tự ngã. Đó là cách để buông xả những lo lắng, phiền muộn, vì với tâm không chấp trước vào pháp thì lo lắng phiền muộn không có chỗ để bám víu.

Tuy nhiên, nhờ trí tuệ để buông xả phiền muộn là con đường huệ giải thoát, ngoài con đường này ra còn có con đường tâm giải thoát nữa, đó là con đường vận dụng từ bi. Sống bằng tâm từ bi là sống biết suy nghĩ, biết nhìn xuống, biết quan tâm đến cuộc sống của người khác. Hãy suy nghĩ rằng trên thế gian này không phải chỉ có một mình mình là khổ, mà còn có hàng triệu, hàng tỉ người, và hàng vô lượng vô số chúng sinh đang sống trong khổ nạn gấp trăm ngàn lần hơn mình. Chúng ta không có cơm ăn, không có áo mặc, không có nước sạch để uống, không có thuốc men để trị bệnh ư? Nhưng trên thực tế có hàng triệu người đang không có cơm ăn, không có áo mặc, không có nước sạch để uống, không có thuốc men để trị bệnh. Khi suy nghĩ đến khổ nạn của người khác chúng ta sẽ thấy cái khổ của mình không đáng vào đâu. Nếu người công nhân trong trường hợp đã nói ở trên có thể suy nghĩ được như vậy thì sẽ thấy rằng cho dù mình bị thất nghiệp cũng chưa phải là khổ nạn bi thảm nhất trên đời này. Nghĩ được vậy, người công nhân đó chắc chắn sẽ bớt lo lắng, bớt phiền muộn, bớt khổ não.

Mấy điều thực nghiệm vừa nêu trên chủ yếu là nhắm đến mục đích tự giải khổ cho mình. Mặc dù, khi một người bớt khổ cũng có thể mang đến hoàn cảnh bớt khổ cho người khác chung quanh, nhưng đó vẫn là ý nghĩa tự lợi. Người Phật tử tưởng niệm ngày đản sinh của đức Phật còn tưởng niệm đến công hạnh lợi tha vô biên của ngài. Do vậy chúng ta cũng phải noi gương hạnh lợi tha đó bằng cách suy nghĩ đến phương thức đóng góp nhiều hơn theo khả năng và hoàn cảnh của mình cho sự giải khổ của cộng đồng xã hội.

Bằng cách nào? Cách thì có nhiều như đức Phật đã dạy trong các Kinh điển, nhưng ở đây xin nêu ra 4 phương thức tượng trưng: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, bố thí là hành động thiết thực nhất để góp phần giải khổ cho mình, cho người và cho cộng đồng xã hội. Bố thí tức là cúng dường, ban cho, hiến tặng, cung cấp, tài trợ miễn phí. Bố thí như vậy có 3 cách: tiền bạc, của cải; giáo pháp của Phật; và tinh thần an nhẫn không sợ hãi. Nhưng bố thí còn có thể thực hiện qua phương thức khác nữa, đó là không đầu cơ tích trữ, không tham ô nhũng lạm. Trong lúc mọi người đều lo lắng về tình trạng tài chánh và kinh tế ngày càng khó khăn, cho nên ai cũng dè dặt trong việc mở rộng lòng thực hành bố thí, thì sự phát tâm hiến tặng mới cần thiết hơn bao giờ hết.

Ái ngữ không có nghĩa là nói cho được lòng người khác để thủ lợi về mình mà là nói điều như thật, điều xây dựng bằng ngôn ngữ qua cách nói làm cho người nghe chịu lắng nghe, suy nghĩ và làm theo trong chiều hướng cải ác tùng thiện. Trong lúc nhiều người lo lắng, buồn phiền về các vấn đề nhà cửa bị tịch thu, công ăn việc làm không còn hay bị đe dọa mất việc, tài chánh gia đình thêm khó khăn, tương lai mù mịt, một lời khuyên bằng ái ngữ, một cuộc tâm tình dung chứa nội dung Chánh pháp giải khổ của Phật là điều cần thiết mà người Phật tử có thể làm được cho những người chung quanh mình.

Trong thời buổi khủng hoảng nhiều mặt của thế giới ngày nay, người Phật tử noi gương đức Phật không làm bất cứ hành động nào gây tổn hại cho người khác. Người Phật tử, như đức Phật đã dạy, cần suy nghĩ, nói và hành động không thể chỉ vì lợi ích cho riêng cá nhân mình mà còn vì lợi lạc cho nhiều người chung quanh, cho cộng đồng xã hội. Một hành động dù mang danh là thiện nhưng chỉ nhắm đến lợi ích cho riêng mình bất chấp đến người khác thì cũng không thể là việc thiện đúng nghĩa. Lợi hành là cách sống được thể hiện từ nhận thức mối tương quan, tương duyên không thể tách rời giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội.

Phương cách tích cực nhất để góp phần xây dựng xã hội chính là dấn thân vào trong các môi trường sinh hoạt của xã hội mà đạo Phật gọi là đồng sự, nghĩa là cùng làm việc, cùng sinh hoạt với nhau để từ đó giúp ích cho nhau. Khi cùng tham gia trong một môi trường hoạt động chúng ta mới có thể dễ dàng cảm thông và đề ra các giải pháp xây dựng hữu hiệu để giúp người bạn đồng hành. Chẳng hạn, cùng làm chung một công ty, cùng có nguy cơ cho nghỉ việc, người ta sẽ có nhiều tác động hữu hiệu hơn bất cứ ai đối với đồng nghiệp để giúp an nhẫn, bớt lo lắng và ít khổ.

Cách tốt nhất để tưởng niệm ngày đản sinh của đức Phật và báo đáp thâm ân giáo hóa của ngài là mỗi người Phật tử áp dụng chánh pháp cho mình và người trong cuộc sống để cùng nhau giải trừ khổ đau và kiến tạo hòa bình an lạc. Đó cũng chính là phương thức hữu dụng để góp phần duy trì Phật Pháp tại nhân gian.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1505 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Thắp ngọn đuốc hồng


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Kinh Phổ Môn


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.231.160 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (129 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...