Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu tập Phật pháp »» Phật pháp - Một năng lượng sống thánh thiện ngay bây giờ để chuyển hóa khổ đau »»

Tu tập Phật pháp
»» Phật pháp - Một năng lượng sống thánh thiện ngay bây giờ để chuyển hóa khổ đau

Donate

(Lượt xem: 6.982)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Phật pháp - Một năng lượng sống thánh thiện ngay bây giờ để chuyển hóa khổ đau

Font chữ:


Diễn đọc: Nam Minh

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Chúng ta thường nghe về “hiện tại lạc trú”, sống an lạc trong hiện tại. Nghe qua thì có vẻ như thật đơn giản, dễ dàng để có được niềm vui trong cuộc sống. Nhưng kỳ thật, con người phải gia tâm nỗ lực trên tiến trình tu tập thì họa may mới có được, bằng không tâm người cứ mãi lăng xăng, rong ruổi, tìm cầu hình danh, sắc tướng thì khó mà có được sự an lạc ngay nơi đây. Trong sự tu tập, phải có ít nhất hai yếu tố: kiểm soát tâm và luôn tỉnh giác.

1. Kiểm soát tâm:
Thường để ý và biết tâm mình đang nghĩ gì. Nếu là nghĩ thiện, làm lành thì đây chính là yếu tố an vui, hạnh phúc. Con người hãy gìn giữ, bảo hộ chính mình. Một khi có được sự quan sát một cách tinh tường đường đi lối về của tâm mình thì sự an lạc ở ngay trong sự quan sát tinh tường ấy.

2. Luôn tỉnh giác:
Phải định tĩnh để thấy biết đúng cái gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Con người có cái nhìn thực tại, sự thật của sự vật. Sự thật ở đây là sự vật được tác thành bởi duyên sinh. Hình tướng nó như vậy thì thấy là như vậy. Nói về hình tướng là vậy mà chưa nói về tự tánh sự vật không là như vậy thì cái nhìn đó không tỉnh giác, cái biết đó không đúng, như trong Duy Thức Học – Pháp Tướng Tông đã nói:

白日見繩,繩是麻。
夜間見繩,繩是蛇。
麻上生繩,猶是妄。
那堪繩上更生蛇。

“Bạch nhật kiến thằng, thằng thị ma.
Dạ gian kiến thằng, thằng thị xà.
Ma thượng sanh thằng, do thị vọng,
Ná kham thằng thượng cánh sanh xà.”

Dịch:

Ban ngày thấy dây là sợi gai.
Ban đêm thấy dây là con rắn.
Sợi gai thành dây, đã hư vọng,
Huống là thành rắn càng sai hơn.

Nếu bằng cái nhìn sai lệch như trên thì không tìm đâu ra sự an lạc. Con người mãi loanh quanh trong tầm nhìn lệch lạc, không ích gì cho giá trị sống bây giờ.

Muốn có được một giá trị thực hữu, trên tiến trình xây dựng đời sống chân hạnh phúc, hay chuyển hóa khổ đau, thì con người phải biết cặm cụi góp nhặt, góp nhặt từng hạt lành nhỏ, từng tư duy hiền thiện nhỏ. Được vậy thì khỏi phải sợ sệt, bâng khuâng lo nghĩ như trong bài kệ Kinh Pháp Cú sau đây:

“Tuổi trẻ không tu
Cũng không kiếm của
Nên khi về già
Thì như cò già
Ủ rũ bên ao
Không chút tôm cá.”

Kinh Pháp Cú, kệ số 155

“Tuổi trẻ không tu
Không lo kiếm của
Nên khi về già
Thì như cung gãy
Chỉ còn than thở
Những ngày đã qua.”

Kinh Pháp Cú, kệ số 156

Phật pháp là chất liệu, tiềm năng vực dậy con người từ vực sâu hố thẳm, từ cái gọi là tận cùng những lớp bùn đen, để con người có được đời sống thánh thiện, huy hoàng bằng hình ảnh hương thơm của người đức hạnh. Nhờ đâu có được đức hạnh? Nhờ vào Phật pháp kiểm soát tự tâm, giữ lòng tỉnh giác, còn kỳ thật từ thể chất con người thì không thiếu sự ô nhiễm. Nhưng xin hãy nỗ lực từ sự ô nhiễm để có được hương thơm, như lời Kinh dạy:

“Từ nơi chỗ bùn lầy dơ bẩn, mọc lên hoa sen thơm tho tinh khiết làm đẹp ý người. Cũng y như vậy, chính trong những người phàm tục mê muội mà có các vị đệ tử Như Lai, phát sinh tuệ giác chiếu sáng tất cả.” Kinh Pháp Cú, kệ số 58 - 59.

Vui với mình, đem vui cho người, người có được chất liệu sống như là bông hoa trên cành, hấp thụ ánh nắng, ánh nắng làm tươi bông hoa. Hạt mưa rơi từ trời cao, hạt mưa nguyện làm chất liệu nuôi dưỡng các loài thảo mộc, cây lá trên rừng, lúa mạ trên đồng, ngô khoai trên nương và cau, bưởi trong vườn của ngoại, như là sự yên vui, có tuệ giác trong lòng mỗi chúng ta:

“Vị A-la-hán tâm ý trầm tĩnh, nói năng trầm tĩnh, cử động trầm tĩnh, lại còn có đủ tuệ giác trọn vẹn, giải thoát trọn vẹn. Thanh tịnh quân bình là chính các vị.” Kinh Pháp Cú, kệ số 96.

Không ai hơn chính mình, tự mình dấy khởi ý nghĩ trong lòng mình. Một ý nghĩ thiện, một ý nghĩ có lợi ích cho mình, có lợi ích cho người, có lợi ích cho cả hai, cho tôi và anh, cho nó và em. Người và chúng sanh lan rộng ra cùng khắp, đâu đâu cũng có sự hiện hữu của mình và đích thực là mình mà chẳng ai khác. Không ai khác, đó là một năng lực sống hiện thân khắp cả mọi nơi. Nơi đây tôi có mặt. Nơi kia tôi có mặt. Chính tôi hóa hiện vô cùng. Hóa hiện trong tia nắng. Hóa hiện trong hạt mưa. Hóa hiện trong làn gió hay trong sợi mây bềnh bồng về tận chân trời mù khơi, xa tít… Tôi mang mọi hình hài, dàn trải khắp mọi thời, mọi chốn, sự dàn trải ấy chính là tôi. Một năng lượng sống thiện vô cùng:

“Vị A-la-hán không tin theo ai, đích thân làm chứng, thể hiện trạng thái ‘không còn phát sinh’. Trạng thái như vậy cắt đứt hệ lụy, chấm dứt cơ hội, tách rời ái dục. Tối thượng đích thực là chính các vị.” Kinh Pháp Cú, kệ số 97.

“Phật pháp”, chỉ hai chữ thôi mà từ ngàn xưa, từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế đã được diễn giảng, trao truyền không biết bao nhiêu mà kể. Có người nghe rồi liền chứng đắc quả Thánh. Có người nghe rồi tâm ý được thanh tịnh, an vui. Có người nghe rồi thì im lặng, gìn giữ hạt giống Pháp trong lòng mà vui với chính mình. Nghe Pháp rồi tất cả đều có lợi ích. Như sự lợi ích của biển, sự lợi ích của đất… Biển sâu. Biển rộng. Biển chứa nhóm tất cả mọi loài thủy tộc. Biển nuôi lớn vô lượng chúng sanh: rêu, rong, ngọc ngà, châu báu… cá lớn, cá nhỏ, cua, còng, tôm tép… Biển dung nạp mọi sự sống, chỉ trừ tử thi biển không dung chứa. Ấy là cái biển của thế gian còn làm lợi nhuận, còn đem lại lợi ích bao nhiêu điều, huống nữa là con người đang sống trong biển Phật pháp, đang tu trong biển Phật pháp thì có trí tuệ rộng sâu như biển, mà người con Phật thường tụng, đọc hằng ngày: “Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ Kinh tạng, trí tuệ như biển.”

Hạnh phúc ngay nơi đây, nếu ai học pháp, tu pháp và chứng pháp nơi lòng mình thì liền có pháp lạc, pháp vị… Pháp an vui giữa trần gian nhiều mộng tưởng. Phật pháp ấy đem lại cho người nhiều ý vị, hương thơm trong cuộc sống. Pháp xây dựng cho người nhiều tri thức, nhiều yêu thương, hay giàu lòng từ bi và trí tuệ như lời Phật dạy trong kinh:

“Mưa xuống tiền vàng, dục vọng cũng vẫn khó mà thỏa mãn! Vậy mà dục lạc đắng nhiều ngọt ít. Biết được như vậy chính là người trí.” Kinh Pháp Cú, kệ số 186.

Sự lợi ích của đất

Đất là nền tảng vững chắc cho tất cả. Cho cả thế giới hữu tình và vô tình. Thế giới động vật và thực vật… Từ những loài bò bay máy cựa nhỏ nhiệm cho đến loài có thân to, cánh rộng, vảy lớn, có hai chân, nhiều chân… đều hiện có trên mặt đất.

Đất có một sự nhẫn chịu to lớn. Ai làm gì dù dơ hay sạch, dù nặng hay nhẹ, đất gánh chịu hết không một lời than van, phiền trách. Từ dưới lòng đất sâu, hay trên mặt đất gần xa, nóng lạnh, mưa nắng, đất ôm choàng vào mình tất cả. Đất sản sinh. Đất nuôi lớn. Đất cho đi mà không đòi lại. Đất là nơi nương tựa. Chính sự nương tựa vào Tam bảo cũng là niềm hạnh phúc an vui như vậy:

“Nương dựa vào Phật, nương dựa vào Pháp, nương dựa vào Tăng. Nương dựa như vậy thì có một sự thấy biết chính xác, thấy biết ‘chân lý gồm đủ bốn chi’ của Phật chỉ dạy.” Kinh Pháp Cú, kệ số 190.

Hạnh phúc của mặt trời là chiếu soi những tia nắng ấm đến cho tất cả. Tia nắng ấm làm lớn mạnh cỏ cây hoa lá, làm soi rọi đường đi lối về cho người và loài vật, làm tan rã những giá băng ngàn năm tuyết lạnh. Mặt trời lồng lộng trên không, để mà hiện có khắp mọi nơi trên trái đất. Nhờ ở trên cao nên tầm nhìn xuyên suốt, không bị ngăn ngại. Mặt trời tuệ của Phật Pháp cũng ở trên cao mà thấy hết thảy mọi căn cơ cao thấp của người mà Phật ban bố giáo pháp, hay còn cao xa hơn, nhuần nhuyễn hơn, một nguyện lực mầu nhiệm, bằng giá trị độ sinh tuyệt vời như lời của bài kệ:

“Hạnh phúc thay chư Phật đản sinh
Hạnh phúc thay Giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay Tăng già hòa hiệp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu.”

Một khi đã đồng tu thì có nghĩa là tôi cho người một cử chỉ đẹp, một lời nói hay, một ý niệm tốt để làm năng lượng chuyển hóa khổ đau. Khổ đau không phải tự sinh, cũng chẳng phải tự diệt, mà khổ đau được sinh khởi bởi sự tạo tác nơi chính mỗi người. Sự tạo tác ấy từ nơi tâm, nơi ý, nơi lòng, nơi sự cảm xúc mà sinh khởi, gọi là nghiệp. “Nếu nghiệp không thể chuyển được thì làm sao có sự kiện giải thoát ngay trong hiện tại?” Cũng vậy: “Nghiệp do chính con người tạo tác (hay do ý tạo tác) thì cũng do chính con người đoạn trừ (hay do ý đoạn trừ).

Hương vị giáo pháp đã dạy cho người là như vậy. Giáo pháp có ở trong ta, sinh khởi ngay trong ta mà con người hiện đang có, đang đối diện, đang nương tựa nơi giáo pháp để có sự an lạc như nhiên, tự nhiên như ánh trăng Lăng-già treo trên đỉnh núi mà chiếu soi tỏ rõ từ chiếc lá, nụ hoa, từng sườn non, vách đá, tự phô bày cái chân tâm, thực ngã của chính nó dưới ánh trăng. Ánh trăng trong và mát. Ánh trăng tỏ và êm như tự thuở nào. Vầng trăng Phật pháp mãi sáng soi. Sáng soi để nhắc nhở, để cảnh tỉnh người luôn tỉnh thức, luôn hằng ghi nhớ là người luôn hiện hữu bây giờ và ở đây. Hằng nghĩ như thế, hằng niệm như thế để không sai mất một tơ hào nào, thân, khẩu, ý cứ mãi là thanh lương, thánh thiện của chính con người.

Người hãy ngồi xuống, trầm tĩnh tâm tư, lắng sâu ý niệm để thấy lòng mình đang yên vui, yên vui như là hoa cau, hoa bưởi trong vườn, tỏa nhẹ mà xông, mà ướp đến những loài hoa khác. Thơm ngát vườn tràm. Người thấy lòng mình tịnh lạc. Phật pháp là năng lượng thánh thiện chính có nơi tự thân hôm nay, bây giờ.

“Kính lạy đấng Thế Tôn,
Đem lời vàng Phật pháp,
Trao truyền cho chúng sanh,
Hướng người trên đường thiện,
Tu lành diệt tham sân.”

(Kệ lạy Phật an vui)

Người hãy thanh thản đi, đi trên bãi cát vàng khi trời về chiều, hoàng hôn dần tắt. Người nhìn thật rõ, thật tường tận từng sự vật. Từng hạt cát. Từng gợn sóng nhấp nhô vỗ vào bờ. Từng mảng rong rêu bềnh bồng, bềnh bồng khi lên, lúc xuống theo con nước, mà chiêm nghiệm nơi lòng, để thấy cảnh vật đang sống với chính nó. Sống một cách tự nhiên, không thù tạc đối đãi, không ranh giới mà hòa tan. Cát lùa tan vào nước. Nước hòa tan vào cát, rong rêu, để dệt thành một cảnh đẹp, nên thơ, thái bình. Người đang giẫm trên cát vàng, nước trong, muối mặn, thẩm thấu đến tận làn da, tế bào, nuôi dưỡng sự sống châu thân. Hạnh phúc từng bước chân đi. Hạnh phúc từng làn cát mịn. Người hạnh phúc! Bình an!

Nếu người sống thực với Phật pháp, sống không dối gian với chính mình. Sống như tự tánh thiện, thì có lo gì như lời kinh luôn nhắc nhở, người hãy lắng nghe:

“Hãy lo đề phòng, thân thể giận dữ!
Hãy gắng thuần hóa, việc làm của thân!
Hãy cố từ bỏ, việc ác của thân!
Hãy đem thân thể, mà làm điều lành!
Hãy lo đề phòng, miệng lưỡi giận dữ!
Hãy gắng thuần hóa, lời tiếng của miệng!
Hãy đem miệng lưỡi, mà nói điều lành!”

Kinh Pháp Cú, kệ số 231 - 232

Càng cao thượng hơn! Càng mầu nhiệm hơn! Khi người sống thật với nó, thì nó sẽ sống thật với người, không hề gian dối. Nó, tấm lòng của người, luôn “linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, phi trược phi thanh, vô bối vô hướng”!

Hương trầm nhẹ tỏa, Phật điện trang nghiêm, lòng người cũng lắng sâu. Một niềm tin kiên cố. Người ngồi xuống. Tay lần hạt. Miệng niệm Nam Mô. Một niềm tin yêu sâu sắc nơi Đức Phật A-di-đà. Phật pháp có từ nơi đây. Kiên định, nhất tâm niệm Phật, dựng lên vách tường rắn chắc muôn thuở cho niềm tin. Người hãy tu. Trong người có Phật. Người có niềm tin, Phật ở trong người. Hãy lắng nghe cẩn trọng: “Bản nguyện của Phật Di-đà là nghinh tiếp vào cõi Cực Lạc của Ngài những ai xưng niệm danh hiệu Ngài với xác tín tuyệt đối, do thế, sung sướng thay kẻ nào xưng niệm danh hiệu Ngài. Một người có thể có tín tâm, nhưng nếu y không xưng danh, tín tâm của y sẽ chẳng ích gì. Một người khác có thể một lòng xưng danh mà thôi, nhưng nếu tín tâm y không sâu lắng thì cũng chẳng có vãng sanh. Tuy nhiên, ai quyết tin ở vãng sanh coi như là hậu quả của Niệm Phật và xưng danh, chắc chắn y sẽ được vãng sanh về An Dưỡng Quốc.”Phật pháp dạy rõ ràng, khả thể tu chứng là năng lượng trù bị cũng như tiên phong trên mọi nẻo đường vượt thoát. Như tiếng chuông ngân. Như lời kinh tụng, người hãy an nhiên theo tiếng mõ nhịp đều mà đi tới. Người đạt tới quả vị Phật như hái được trái ngọt để ăn. Hương vị ngọt lịm thấm sâu vào vị giác, vào tế bào, vào tận tâm, can, tì, vị. Cảm giác chứng ngộ đâu nói thành lời mà cảm nhận tự thân, người luôn tưởng nhớ. Hãy mạnh dạn lên, Phật pháp ở đây, người đang sống, đang có, đang ủ ấp, nâng niu, như nâng niu một gia tài Pháp bảo. Không mộng, không mị. Chân thật tuyệt cùng. Người hãy bước tới, buông mình nhẹ như làn hơi thở, mong manh như mạng nhện khi đón gió xuân về.

Trên đầu cành tre, nhện đang giăng mắc. Chân thật là đó. Thực tại là đó. Muốn nhìn thấy chân thật, người hãy mở mắt thật to. Muốn thể đạt thực tại, người hãy bước thêm bước nữa. Chân trời thực tại hiển bày. Phật pháp trên đôi chân. Đôi chân hiển bày sự giác ngộ. Phút giây hiện tại bùng vỡ: “Nếu các ngươi muốn đạt được đạo lý thanh tịnh của vô ngã, thì hãy cứ một lần buông tay rơi trên vực thẳm, rồi các ngươi sẽ bừng tỉnh, trổi dậy trở lại và thành tựu bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Thế nào là buông tay xuống vực thẳm?...”

Phật pháp là như thị, mà người đang thọ trì. Đang có nơi Phật pháp chính là một năng lượng cho người pháp tu thánh thiện, nếp sống an vui. Hãy đi bằng đôi chân của chính người. Đi khắp núi đồi, rừng sâu, thung lũng. Đến tận đỉnh non, đường mòn tăm tắp. Người cứ đi để tìm hạnh phúc cho mình, cho nỗi bình an một thời rũ bỏ, như lãng quên trong vô thức, giờ nghe được Phật pháp, hạt mầm trổi dậy, vươn lên, cành xanh, lá thắm, trái ngọt, hoa thơm, tuyệt vời! Phật pháp sáng soi!

“Này các Tỳ kheo, các ngươi hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy thắp lên nơi Chánh pháp chứ đừng thắp lên một pháp nào khác, và hãy tự mình nương tựa với chính mình, hãy nương tựa nơi Chánh pháp, chứ đừng nương tựa một pháp nào khác.”

Phật pháp dạy cho người vậy đó, phải là hải đảo của tự thân. Tự mình sách tấn mình. Tự mình quán chiếu mình. Tự mình hãy thầm nói với mình: “Trong ta có Phật, Phật ở trong ta. Trong ta có Pháp, Pháp ở trong ta. Trong ta có Tăng, Tăng ở trong ta. Trong ta có đủ những đức tính Tam bảo.” Người không phải rong ruổi bên ngoài để tìm cầu huyễn ảo. Người xoay lại bên trong để thấy rõ chân thật tướng của chính mình. Tướng ấy từ ngàn xưa đã xuôi theo vọng trần, lấm lem bụi bặm. Bản lai diện mục, vứt bỏ tự bao giờ, đến khi soi mặt vào đầm nước thấy mặt mình là quỷ. Ôi thôi! Thay đổi đến thế sao? Lãng quên tánh giác của mình, cứ để rong rêu bám chặt. Cỏ úa, lá vàng đầy ắp trong tâm. Dưới gốc cội tùng, người kiếm khách là ai? Người đó! Chính là người thôi!

Một buổi sớm mai, người tu thiền định, xả thiền an nhiên đứng dậy. Tâm hồn thư thái, một trời trong mát, có ai bảo rằng: “Tâm an mà chẳng phải thiền.” Cho nên, bửa củi, gánh nước, cuốc đất… hết thảy đều thiền. Vì bửa củi mà tâm không động. Gánh nước mà chẳng xôn xao. Cuốc đất mà lòng không vọng tưởng. Vậy nên, nói năng, đi đứng, người giữ lòng mình nhẹ như mây bay, và tươi mát như gió.

Để nhớ lại câu chuyện sau đây, những con vật bị dính mắc: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà mang họa cho thân. “Con thiêu thân chết cháy trong ngọn đèn vì nhãn thức của nó bị sắc tướng lôi cuốn. Con hươu bị thợ săn giết chết vì nhĩ thức của nó bị âm thanh lôi cuốn. Những con ong bị cây ăn thịt nuốt chửng vì bị mùi vị của cây ấy hấp dẫn. Những con cá cắn câu vì vị giác của chúng bị nhử bởi hương vị của mồi câu. Những con voi chết đuối trong đầm lầy vì chúng thích cảm giác thân thể đắm trong bùn. Cũng thế, bất kỳ khi nào bạn đang lắng nghe pháp, đang giảng dạy, đang thiền định, hay đang tu tập, thực hành pháp thì điều quan trọng là bạn không được chạy theo những khuynh hướng huân tập trong quá khứ, không ấp ủ những cảm xúc về tương lai và không để những tư tưởng hiện tại bị xao lãng bởi bất kỳ điều gì quanh bạn.”

Người về lại tịch cốc, sáng gióng chuông buổi khuya, để tiếng chuông rơi vào lòng người đâu đó. Chiều niệm Phật Di-đà, chuỗi hạt lần trên tay theo nhịp thời gian. Chuyển hóa khổ đau, người phải giữ lòng yên tịnh, như mặt nước hồ kia có lặng yên thì mới thấy suốt đến đáy sâu. Đó là Phật pháp đã dạy, giờ thì xin thực hành.

Đoàn người quấn y vàng, hai tay ôm bình bát, mắt nhìn xuống, từng bước đi chậm rãi, an nhiên. Đoàn người ấy là Sa-môn Cù-đàm - Phật, Thế Tôn - và hàng Thánh chúng. Người nhìn thấy dáng dấp bên ngoài, tự dưng hiểu được bên trong. Tâm niệm thật lắng trong và sâu, một hố thẳm tư tưởng, chưa xứng, còn hơn thế nữa, một trời giác ngộ, giải thoát bao la, những tâm hồn ấy rộng lắm, lớn lắm. Vì rộng cho nên sống không có nhà, thênh thang trong những khu rừng, trên sườn núi cheo leo, trên cánh đồng làng bát ngát. Rộng, cho nên đi không cùng. Đi và đi mãi. Đi để tùy duyên hóa độ. Sự hóa độ vô cùng. Ai cũng phải được hóa độ. Có được hóa độ thì mới thấy được bộ mặt thật của mình là ai. Nó là vô minh. Nó là sầu muộn. Nó là tham, sân, si… hay nó là từ bi, là trí tuệ, là cái dễ thương yêu chứ không oán ghét. Lòng từ mênh mông như trời biển. Giá trị rộng là ở chỗ đó, đâu cũng là nhà. Đâu cũng là bà con quyến thuộc. Có lần người đã nghe: “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật” hay “Lấy pháp giới chúng sanh làm nhà và lấy chúng sanh làm cha mẹ.” Rộng ở cõi lòng. Một khi lòng rộng thì cảnh rộng. Vì lòng rộng nên cứ cho, cho mãi, cho không cùng mà chẳng thấy đủ. Lòng rộng như hư không thì cảnh cũng theo đó mà rộng đến vô cùng. Lòng và cảnh luôn đuổi bắt nhau đến vô tận.

Còn lớn lắm thì sao? Đoàn người Sa môn có tâm hồn cao thượng. Tâm hồn vị tha. Tâm hồn hỷ xả… Một tâm hồn vĩ đại không phải có ngày hôm nay mà có từ nhiều kiếp trước, nhiều thời gian trước. Thời gian trong quá khứ Phật đã độ sinh, các hàng Thánh chúng đã tu chứng. Lớn lắm! Quả thật lớn lắm! Cái lớn của những tâm hồn:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”

Cái lớn ấy chỉ có những tâm hồn Bồ Tát phát nguyện độ sinh mới dám nói, dám làm, còn như người thường thì chắc là khó lắm. Chỉ một việc ăn chay, niệm Phật không thôi mà đã cảm thấy khó rồi, huống nữa là độ hết vô biên chúng sanh, sao mà độ nổi. Cho nên cái lớn ở đây là chỉ cho những tâm hồn vượt thoát của các bậc sa-môn, Thánh chúng, đệ tử Phật. Nhưng nói như vậy cũng chưa đúng lắm. Người phải nỗ lực, tinh tấn mà tu. Đời này không tu không được, mà một khi có tu là có tất cả, kể cả việc “chuyển hóa khổ đau.” Không tu thì làm sao chuyển hóa khổ đau. Ai muốn chuyển hóa khổ đau, người ấy phải tu: tu thân, tu miệng, tu tâm. Ba cái tu ấy phải được viên mãn, phải được chứng thật. Ly tham! Ly sân! Ly si! Cái to lớn ấy. Cái siêu việt ấy. Cái giác ngộ ấy. Giải thoát liền hiện bày.

Đoàn sa-môn ấy, cứ đi, đi trong tỉnh thức. Đi trong ý niệm là trì bình khất thực, độ nhật, hóa duyên. Đi trên những lối mòn, trên những con đường làng, hai bên là hàng cây xanh làm nổi bật những chiếc y vàng, dáng điệu thanh tao của bậc sa-môn với đời sống phạm hạnh. Phật pháp đang được vận chuyển, đang hiện hữu một cách mầu nhiệm trong đoàn sa-môn y vàng kia. Vì thân của đoàn sa-môn đi ngay thẳng, chánh thân, đi không dũng dược, xôn xao, quanh co, lộn xộn.

“Chánh thân đoan tọa, đương nguyện chúng sanh. Tọa bồ đề tòa, tâm vô sở trước.” Đây là bài học định tĩnh thứ nhất. Miệng của đoàn sa-môn im lặng, không nói, không cười đùa, không ồn ào, “tịnh khẩu nghiệp chơn ngôn: án lam tóa ha” hay “nói năng như chánh pháp, im lặng như chánh pháp”, mà giờ này đoàn sa-môn đang “im lặng như chánh pháp”. Đây là bài học định tĩnh thứ hai. Trong lòng thư thả, an nhiên, có nghĩa là tâm không phiền, không nhiệt, lững lờ như dòng nước êm đềm trôi, tươi mát, chẳng vội vàng, hấp tấp vì đã làm chủ được lòng. “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” hay là: “Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ai nói hay làm bằng tâm hiền thiện thì hạnh phúc theo sau như bóng theo hình.”

Chuyển hóa khổ đau bằng thiện tâm này, người có thể gạn lọc tâm như bộ lọc gạn lọc cáu bẩn. Tâm khổ đau được gạn lọc mỗi ngày một ít, chuyển hóa khổ đau có giá trị từ đó. Đây là bài học gạn lọc tâm thứ ba. Không ai chuyển hóa khổ đau cho mình được, mà chính phải là tâm mình, ý mình, lòng mình.

Người chuyển hóa khổ đau phải nương vào Phật pháp làm điều kiện, năng lực chuyển hóa. Nếu không y cứ vào Phật pháp để chuyển hóa thì khó mà có được chân hạnh phúc trong cuộc sống. Vì chất liệu sống ở đời hầu như luôn đồng lõa với tham, sân, si mà chưa được vô tham, vô sân, vô si…

Đức Phật dạy: “Có bốn pháp sâu xa: Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ và Thánh giải thoát. Đó là bốn pháp vi diệu, khó thấy, khó hiểu, do vậy phải nỗ lực, tinh cần tu tập thoát ly đau khổ.

Giới, định, tuệ giải thoát,
Chỉ Phật mới biết rõ.
Lìa khổ độ chúng sanh,
Khiến dứt nguồn sanh tử.

Thả bộ trên con đường làng quanh co, qua những rặng tre ngà, cây xanh, hàng dừa tươi mát, một sức sống an nhiên, thiên nhiên của khí trời nắng ấm, gió nhẹ đong đưa cành liễu rũ bên hồ. Cảnh vật như mơ, như thật, nhưng luôn là chính nó, không bị chấm phá, vẽ vời theo ngọn bút của thi nhân mặc khách. Một sự thật khách quan của tâm và cảnh, không phê phán, không nhận định, không ấy là “như thị.” Trong Kinh Pháp Hoa nói về thập như thị: “Như thị tướng. Như thị tánh. Như thị thể. Như thị lực. Như thị tác. Như thị nhân. Như thị duyên. Như thị quả. Như thị báo. Như thị cứu cánh bổn mạt.”

Có thể là tinh thần tu thiền của Vua Trần Nhân Tông, “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, quét sạch bóng dáng khổ đau nơi tâm và cảnh, nơi người và vật, nơi chủ thể và đối tượng, nơi bản ngã và pháp trần… Nó như là không màu sắc, điểm tô nhân ngã bỉ thử:

諸法從本來,
常自寂 滅相 。
春到百花開 ,
黃鶯啼柳上 。

“Chư pháp tùng bổn lai,
Thường tự tịch diệt tướng.
Xuân đáo bách hoa khai,
Hoàng oanh đề liễu thượng.”

Dịch:

Các pháp từ xưa đến nay,
Tướng của nó thường luôn vắng lặng.
Xuân về thì trăm hoa nở,
Chim hoàng oanh hót trên cành liễu.

Khổ đau rơi rụng, từng hạt sầu cuốn theo chiều gió, thõng tay vào chợ an nhiên. Người có biết ấy là tâm người nhậm vận theo sự biến thiên, lưu chuyển của sự đời, giữ lòng mình không thiện không ác, chỉ thấy trời thanh mây tạnh, người chăn trâu và trâu cùng không. Chuyển hóa khổ đau để làm sạch lòng mình, như ánh trăng ngàn treo trên đỉnh núi.

Tiếp tục từng bước chân đi, không buồn, không vui, không được, không mất, đi trong chánh niệm bây giờ và nơi đây. Có người bà-la-môn khi thấy Đức Thế Tôn ngồi thiền dưới gốc cây trong rừng liền hỏi: “Sa-môn Cù-đàm ngồi như vậy có buồn không?” Đức Phật nói: “Như Lai mất gì mà buồn?” “Vậy có vui không?” “Như Lai được gì mà vui?” “Vậy Cù-đàm ngồi đây để được gì?” “Như Lai được cái không buồn, không vui, cái định tĩnh, tự tại, cái bất động giữa thế gian này.”

Giữa cuộc sống động mà người không động. Giữa thế gian vọng mà người chơn. Ấy là một năng lượng thánh thiện có từ Phật pháp. Người nghe trong lòng êm như ru, tiếp tục từng bước chân thảnh thơi.

Người cứ mãi rong ruổi tìm cầu, chạy tìm cái hay cái tốt, cái mới, cái lạ cho thỏa lòng mình, nhưng cái tò mò ấy chưa thỏa dạ thì tuổi đời đã xế bóng hoàng hôn. Thực thể của cái rong ruổi, tìm cầu không có chi khác, khi nắm bắt được trong tay thì như thể đâu khác là, mà chính như là. Như là chính nó, mà nếu có khác chăng là khác ở lòng mình. Người hãy nghe thi hào Tô Đông Pha nói:

鑪山煙鎖浙江潮,
未到平生恨不消。
到得本來無別事,
鑪山煙鎖浙江潮。

Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều,
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.
Đáo đắc bản lai vô biệt sự,
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều.

Trúc Thiên dịch:

Khói ngút non Lô sóng Chiết giang,
Khi chưa đến đó hận mơ màng.
Đến rồi hóa vẫn không gì lạ,
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang.

Người hãy bình tĩnh ngồi xuống, hớp một tí trà thơm nóng, tư duy lời Phật dạy, lấy đó làm tư lương cho đời mình, chuyển hóa khổ đau, đúng như Pháp:

諸惡莫作
眾善奉行。
自淨其意
是諸佛教。

Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.

Dịch:

Chớ làm các việc ác,
Nguyện làm các việc lành.
Giữ tâm ý trong sạch,
Là lời chư Phật dạy.

Bài kệ mà 12 năm đầu, hàng đệ tử Phật học thuộc và luôn thực hành để chứng đắc Thánh quả. Người cũng hãy thuộc, thực hành theo để thắm đượm hương thơm Phật pháp, hòa quyện vào đời một sức sống như nhiên.

San Diego, ngày 11 tháng 11 năm 2020

Thích Nguyên Siêu

(Trích từ Đặc San Văn Hóa 2021 - Chuyển Hóa Khổ Đau - NXB Liên Phật Hội ấn hành)

___________________________


Giới thiệu sơ lược về tác giả

Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu

- Sinh năm 1951 tại Nha Trang.

- Sơ phát tâm xuất gia với Hòa Thượng Bổn Sư Thích Chí Tín, Trụ trì Chùa Long Sơn, Tỉnh Hội Nha Trang, năm 1961.

- 1973 thọ Tỳ Kheo tại Đại Giới Đàn Phước Huệ, Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang.

- 1974 tốt nghiệp Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học tại Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang.

- 1975 học Cao Đẳng Chuyên Khoa Phật Học, Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, Nha Trang.

- 1980 học Cao Cấp Phật Học, Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn.

- 1988 vượt biên đến trại Palawan, Phi Luật Tân. 1990 định cư tại Hoa Kỳ.

- 1996 khai sơn Chùa Phật Đà, San Diego, California, Hoa Kỳ.

- 1999 khai sơn Tu Viện Pháp Vương, San Diego, Hoa Kỳ.

- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa GHPGVNTNHNHK.

- 2004 Chủ nhiệm tập san Phật Việt.

- 2008-2016: Tổng Thư Ký GHPGVNTN Hoa Kỳ nhiệm kỳ I (2008-2012) và nhiệm kỳ II (2012-2016).

- Ngoài khoảng 20 tác phẩm sáng tác và phiên dịch đã xuất bản, Hòa Thượng cũng đã viết nhiều bài đăng trên các báo chí Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại như Chân Nguyên, Phật Giáo Hải Ngoại, Phật Việt, Phương Trời Cao Rộng, Người Việt, Sai-gon Times, Thế Kỷ 21, Việt Báo, Việt Tide, Chánh Pháp, v.v... Có bài đăng trên các trang nhà điện toán toàn cầu như Thư Viện Hoa Sen, Quảng Đức, Buddhahome, Thân Hữu Già Lam, Pháp Vân, Hải Triều Âm, Hoa Vô Ưu, v.v…




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Bi Hoa


Truyện tích Vu Lan Phật Giáo


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Đừng đánh mất tình yêu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.19.205 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...