Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ.
(There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi ! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :
Năm xưa tôi còn nhỏ Mẹ tôi đã qua đời ! Lần đầu tiên tôi hiểu Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc Im lặng tôi sầu thôi Để dòng nước mắt chảy Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ Chuông chùa nhẹ rơi rơi Tôi thấy tôi mất mẹ Mất cả một bầu trời.
(Xuân Tâm)
Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :
Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp mật, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.
Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .
Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.
Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.
Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) ngày chúa nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"
Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.
Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!
Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.
Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.
Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.
Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.244.222 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.