Kinh Vô Lượng Thọ chép: "Trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại”, “Thành tựu hết thảy quang minh, trí huệ, biện tài, thông đạt rốt ráo bí tạng chư Phật”, “Một mai khai thông triệt sáng, trong tướng tự nhiên bản nhiên thanh tịnh, ánh sáng vô lượng” v.v… Những câu nói như vậy đều dùng để diễn tả trí huệ sáng suốt. Thánh chúng nơi cõi Cực Lạc đã quét sạch tâm hư vọng, phân biệt, chấp trước, tâm địa của các Ngài vĩnh viễn là thường định thường huệ. Vậy, trí huệ sáng suốt là gì?” Trí huệ sáng suốt là cái mà Mật giáo bảo: “Biết Tự tâm đúng như thật,” là cái mà Bát Nhã Tâm Kinh ghi: “Soi thấy năm uẩn đều không có Tự tánh.” Mà Tự tâm và pháp giới vốn chỉ là một thể không hai; cho nên thấu rõ Tự tâm cũng chính là thông hiểu pháp giới. Vì vậy, kinh Duy Ma mới dạy: “Lấy trực tâm làm đạo tràng,” tức là hãy tu ngay nơi Tự tâm của chính mình, ngay tại Tự tâm của chính mình mà gìn giữ sao cho nó thường định thường huệ.
Thần thông tự tại là gì?” Trong phẩm Bồ-tát Tu Trì của kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật bảo: “Chứng Vô Sở Ðắc, dùng trí phương tiện, tăng trưởng rõ biết, vốn tự xưa nay, an trụ thần thông, đắc đạo Nhất Thừa, liễu ngộ do đấy, không do gì khác!” Chư Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc đều có trí huệ sáng suốt, có thể hiểu rõ bản thể của Tự tánh và khởi tác dụng của Tự tánh, thì đó chính là thần thông tự tại. Nói cách khác, trí huệ sáng suốt là Căn Bản trí, lại có khả năng khởi tác dụng của Tự tánh, biến hóa vô ngại, chuyển biến cảnh giới một cách tối thắng, thì đó là thần thông tự tại. Vậy, thần thông tự tại chính là Hậu Đắc trí. Đấy cho ta thấy, thấu hiểu cái gốc của thần thông vốn chỉ là bản năng của Tự tánh, là cái sẵn có trong Tự tánh. Tục ngữ có câu: “Ðã nắm được cái gốc, còn lo chi cái ngọn.” Đấy đã nêu rõ Căn Bản trí chính là cái gốc, còn các thứ thần thông chỉ là tánh chất phụ thuộc của thánh trí. Nếu chúng ta muốn có thần thông tự tại, trước tiên phải tu Căn Bản trí, cũng tức là tu tâm thường định thường huệ.
Phẩm Hiếm Có Siêu Vượt Thế Gian ghi: “Thần thông biến hóa, tất cả trời người không thể đem sánh, trăm ngàn vạn ức không thể tính kể.” Thần thông biến hóa của trời, người và quỷ thần là do tu phước đức hữu lậu mà có, nên có giới hạn và lầm lỗi. Còn thần thông của nhân dân trong cõi Cực Lạc là do vô lượng phước đức từ Căn Bản trí tự nhiên hiển hiện, nên có thể tự tại cảm được đầy đủ các thứ thọ dụng một cách phong phú, không cần dụng công biến hóa, tức là khi các Ngài vừa nghĩ đến muốn có cái gì, thì cái đó tức thời hiện ra đúng như lòng mong muốn, chẳng sai một li một tí nào cả. Nói cách khác, nhân dân trong cõi Cực Lạc do có trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại, nên họ có thể biến hiện ra cung điện, phục sức, hương hoa, phan cái, đồ dùng trang nghiêm v.v… Hết thảy các thứ cần dùng hiện ra đều đầy đủ đúng như ý muốn. Đây chính là tướng trạng của thần thông tự tại trong Tịnh độ Di Đà!
Phàm phu chúng ta chẳng có trí huệ thấu rõ Thật tướng của pháp giới, nên chẳng có thần thông tự tại giống như A Di Đà Phật và chư Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc, mà muốn thành tựu Tịnh độ trong cõi này, thì đó chính là hư vọng, phân biệt, chớ chẳng phải là trí huệ Bát-nhã. Thật tướng của pháp giới là gì? Vốn chỉ là không, tức là chẳng có ranh giới chi cả, chỉ là Nhất chân Pháp giới. Hiện nay, chúng ta đều là phàm phu còn nhiều lậu hoặc, hết thảy các món lậu hoặc tham, sân, si, mạn, nghi chẳng hề thiếu sót một thứ nào. Lậu là tên gọi khác của phiền não, chấp trước. Vô lậu là không có phiền não, không có chấp trước, là Bát-nhã Vô tri. Còn lậu hoặc thì cảnh giới uế độ bày ra trước mặt, dứt sạch hết lậu hoặc thì Tịnh độ Di Đà tự nhiên hiện ra, đó gọi là “đắc đạo Nhất thừa,” chớ nào phải đâu Tịnh độ có thể thành lập bằng các pháp hữu vi. Do đó, nếu chúng ta có ý nghĩ muốn kiến lập cõi Tịnh độ trong cõi nhân gian bằng cơ sở vật chất, thì đó là hư vọng, phân biệt. Phật tỷ dụ lậu như cái chén trà bị rò rỉ mất đi tác dụng đựng nước của nó, nên nước trong chén trà bị chảy mất. Pháp tánh cũng giống như vậy, nếu trong Pháp tánh có lậu, thì trí huệ công đức Bát-nhã sẽ bị rò rỉ mất đi. Pháp tánh bị hư hỏng ở chỗ nào? Thật ra, Pháp tánh trọn chẳng bao giờ hư hỏng, mà chỉ là do trong Pháp tánh, chúng ta dấy lên phiền não, chấp trước, khiến đức năng trong Pháp tánh chẳng thể thấu lộ được.
Tiểu thừa A-la-hán đã đoạn sạch kiến tư phiền não, phá được ngã chấp, nhưng do chưa đoạn trần-sa phiền não, nên còn pháp chấp. Đại thừa A-la-hán đã đoạn cả hai thứ kiến tư và trần-sa phiền não, phá được cả hai thứ ngã chấp lẫn pháp chấp, không còn những phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, đố kỵ nữa, nên Đại thừa A-la-hán còn được gọi là Thập-địa Bồ-tát hay Pháp Vân Địa Bồ-tát. Hễ dứt sạch các lậu, Tự tánh chẳng còn mê nữa, bản năng trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại tự nhiên lưu lộ. Nói thông thường, mê có hai loại: Một là Căn Bản vô minh, Hai là Chi Mạt vô minh. Vô minh được nói trong Thập Nhị Nhân Duyên là Chi Mạt vô minh. Cái mà A-la-hán và Bích-chi Phật đoạn được là Chi Mạt vô minh, chớ chẳng phải là Căn Bản vô minh, chỉ có Đẳng giác Bồ-tát mới có thể phá Căn Bản vô minh. Đẳng giác Bồ-tát phá hết sạch Căn Bản vô minh sẽ thành Phật.
Kinh Pháp Hoa có câu: ”Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng.” Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh.” Hai câu kinh văn nói rõ, nguồn tâm vốn vắng lặng, toàn bộ các tướng (lậu) đều không, nên tâm thể của nguồn tâm là thường luôn sáng suốt, các thứ mê đều không có. Trí huệ sáng suốt là cái thể của Tự tánh vô mê, Tự tánh vốn không có vô minh nên cũng không có cái hết vô minh. Tự tánh vô mê là cội nguồn của Chân tâm, là khởi nguyên của chúng ta, nên gọi là Tâm Nguyên. Hễ vọng tận thì tự nhiên sẽ trở về Tâm Nguyên, hễ dấy lên một ý niệm, liền lìa Tâm Nguyên. Lại nữa, do bởi Chân tâm là nguyên căn của muôn pháp, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là vật từ Chân tâm được biến hiện ra, nên Chân tâm được gọi là Tâm Nguyên. Tâm Nguyên vốn thanh tịnh tịch diệt, nên thật tướng của các pháp cũng thanh tịnh tịch diệt, hoàn toàn chỉ là không. Nói như vậy, trong hiện tại nơi thế gian này, chúng ta có thể tìm thấy được một pháp nào thanh tịnh tịch diệt hay không? Một chân tướng hết sức chân thật là hết thảy muôn pháp trong tất cả mười phương thế giới đều thường luôn thanh tịnh tịch diệt. Sở dĩ chúng ta chẳng thấy được thật tướng của cảnh giới ấy là vì chúng ta luôn khởi tâm động niệm, chấp trước tướng cảnh giới của các pháp, chớ thật ra các pháp lúc nào cũng thanh tịnh tịch diệt. Do đó, kiến lập cõi Tịnh độ trong Tam giới chẳng phải là xây dựng cơ sở vật chất, mà chính là niệm Phật đắc Lý Nhất tâm Bất loạn! Một khi chúng ta niệm Phật đắc Lý Nhất tâm Bất loạn, an trụ trong thể tánh thanh tịnh bình đẳng, liền tìm thấy lại Tâm Nguyên, cảnh giới này được gọi là Tịch Diệt Nhẫn. Vậy, Tịch Diệt Nhẫn chính là cảnh giới chứng đắc tướng tịch diệt của hết thảy các pháp.
Kinh Vô Lượng Thọ nói, các Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc có trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại là vì các Ngài đã chứng đắc Tịch Diệt Nhẫn, có kiến giải chẳng khác gì Phật cho mấy. Bồ-tát tu hành phải trải qua năm giai đoạn, giai đoạn cao nhất là Tịch Diệt Nhẫn. Một khi Bồ-tát đắc Tịch Diệt Nhẫn sẽ thấy hết thảy các pháp quả thật là như Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.” Tịch Diệt Nhẫn có ba phẩm hạ, trung và thượng. Hạ phẩm Tịch Diệt Nhẫn là cảnh giới tịch diệt vừa mới chứng đắc của Bồ-tát, cảnh giới này là như Chương Quán Âm Viên Thông trong kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Sanh diệt đã diệt rồi, tịch diện bèn hiện tiền.” Hành nhân đạt đến cảnh giới này là Đại thừa A-la-hán hay còn gọi là Pháp Vân Địa Bồ-tát hay Thập-địa Bồ-tát. Trung phẩm Tịch Diệt Nhẫn là Đẳng giác Bồ-tát. Thượng phẩm Tịch Diệt Nhẫn là Như Lai, đây là cảnh giới tối cao trong tu hành Phật đạo.
Thấp hơn cảnh giới Tịch Diệt Nhẫn một tầng là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Trong bài kệ hồi hướng có câu: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh.” Hoa khai có nghĩa là khai huệ, là minh tâm kiến tánh. Chỉ khi nào minh tâm kiến tánh, có trí huệ sáng suốt rồi, mới có thể ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn mà thấy hết thảy các pháp vốn chỉ là bất sanh bất diệt. Nếu chưa minh tâm kiến tánh, thì vẫn còn thấy các pháp sanh sanh diệt diệt. Thế nhưng, tuy đã chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, thấy các pháp vốn là bất sanh bất diệt, vẫn chưa thể thật sự đạt đến cảnh giới Tịch Diệt Nhẫn, chỉ khi nào đạt đến tịch diệt rồi, mới chứng Hạ phẩm Tịch Diệt Nhẫn. Phàm phu chúng ta có vọng tưởng, chấp trước, chưa diệt được dù chỉ một niệm sanh diệt, thì dù tướng tịch diệt của các pháp ở ngay trước mắt, nhưng do ý niệm vọng tưởng chấp trước hiện tiền che lấp, nên không thể thấy Tịch Diệt Nhẫn. Trong kinh Kim Cang, Đức Phật bảo phải rời khỏi hết thảy bốn tướng nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả của các vật ở ngay trước mắt, mới có thể chứng đắc cảnh giới đặc thù này.
Trong kinh Đức Phật nói: ”Trong một cái khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt.” Nay, chúng ta sử dụng cái tâm sanh diệt ấy để nhìn tướng cảnh giới bên ngoài, tất nhiên sẽ thấy hết thảy muôn tướng đều là tướng sanh diệt. Nhưng thật ra chẳng phải là cảnh giới có sanh diệt, mà do tâm chúng ta sanh sanh diệt diệt, nên mới thấy cảnh giới bên ngoài sanh sanh diệt diệt như vậy. Hết thảy sai sót ấy đều là do tâm của chính mình biến hiện ra, khi nào tâm mình không còn động nữa, sẽ thấy tướng cảnh giới bên ngoài cũng chẳng động. Phật pháp gọi đó là thấy chân thật tướng của Như Lai, hoặc thấy tánh không của hết thảy các pháp. Từ chỗ hiểu biết này, chúng ta thấy chư Phật, Bồ-tát và chúng sanh khác nhau chỉ là cách dụng tâm. Phật, Bồ-tát dùng tâm thanh tịnh bình đẳng, nên thấy hết thảy các pháp đều là thanh tịnh bình đẳng. Ngược lại, phàm tình chúng sanh dùng tâm chấp trước, tâm phân biệt, tâm vọng tưởng, tâm phân chia cao thấp, tâm lớn, tâm nhỏ, tâm sạch, tâm dơ v.v… để thấy các pháp, nên mới sanh ra muôn thứ phiền phức, hổn loạn trong các pháp đến mức như vậy. Nhưng thật ra, trong hết thảy các pháp không có những phiền toái ấy, những thứ lậu hoặc đó đều chỉ là những thứ nẩy sanh trong tâm tưởng của chúng sanh. Chúng ta học Phật phải biết, tạo nghiệp, chịu quả báo, tạo tác sanh tử luân hồi, căn nguyên đều là ở chỗ khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, vọng tưởng mà thôi!
Kinh Pháp Hoa nói ra một chân tướng sự thật: “Tâm Nguyên bổn tịch” (Nguồn tâm vốn vắng lặng). Do nguồn tâm vốn chỉ vắng lặng, nên hết thảy các pháp chẳng có một pháp nào chẳng phải là tướng thanh tịch diệt. Do bổn tánh của muôn pháp là thường tịnh nên gọi là Bổn tịch. Do bổn tánh của muôn pháp vốn là thường huệ nên gọi là Bổn minh. Mà Bổn tịch chính là Đại Niết-bàn, Bổn minh chính là Đại Bát-nhã. Chúng ta học Phật nhằm khôi phục Bổn tịch và Bổn minh sẵn có của chính mình. Trong Bổn tánh hoàn toàn chẳng có phiền não vì phiền não vốn là không! Nếu chúng ta gặp chuyện bực mình, tức giận, thì hãy lắng lòng tìm kiếm xem tâm phiền não đó đang ở đâu? Vì sao chúng ta tìm mãi vẫn không thấy tâm phiền não ấy? Tâm phiền não vốn không có ở bên trong, không có ở bên ngoài, cũng không có ở chính giữa trong và ngoài, thì làm sao có thể tìm thấy!
Khi xưa, Nhị Tổ Huệ Khả của Thiền tông, lúc tu hành thường hay bất an, chẳng yên. Một hôm, Ngài đến thỉnh giáo Đạt Ma Tổ sư, nhưng Tổ Đạt Ma chẳng ngó ngàng tới. Ngài bèn hạ quyết tâm tự chặt đứt cánh tay cúng dường Tổ để tỏ lòng chân thành cầu pháp của mình. Khi đó vào mùa Đông, bên ngoài đổ tuyết rất nhiều, Ngài quỳ gối trên mặt đất đầy tuyết và máu, cầm cánh tay cúng dường Đạt Ma Tổ sư, trông thật là thê thảm. Đạt Ma Tổ sư thấy tình cảnh ấy bèn hỏi: “Ngươi cớ gì phải khổ sở như thế? Rốt cuộc là vì chuyện gì?” Ngài thưa: “Tâm con bất an, xin Đại sư an tâm cho con.” Đạt Ma Tổ sư nói: “Ngươi lấy cái tâm ra đây, ta sẽ an cho ngươi.” Nhị Tổ Huệ Khả bèn quay lại tìm kiếm, nhưng tìm mãi chẳng thấy cái tâm của mình. Đến lúc cuối cùng, Ngài thưa Đạt Ma Tổ sư: “Con tìm tâm trọn chẳng thể được.” Đạt Ma Tổ sư liền bảo: “Ta đã an cái tâm cho ông rồi,” rồi Tổ nói tiếp: “Nay, ông đã hiểu tâm trọn chẳng thể được thì còn gì là an với chẳng an?” Nhị Tổ Huệ Khả nghe xong, chỗ chướng ngại của ông liền được giải quyết, thoát nhiên khai ngộ. Sau này trở thành Nhị Tổ của Thiền tông Trung Hoa.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng kể, sau khi A Nan mắc nạn Ma Đăng Già, nói cho rõ ràng hơn là Ngài mắc phải bùa mê, vướng vào lưới tình với nàng Ma Đăng Già. Sau khi A Nan được Bồ-tát Văn Thù đến giải cứu, lập tức tới chỗ Phật sám hối và thỉnh cầu Phật ban cho Ngài pháp để an định tâm. Đức Phật hỏi A Nan: “Tâm của ông ở đâu?” Ngài A Nan đã lần lượt trả lời bảy lần, nào là tâm ở trong thân, tâm ở ngoài thân, tâm ở chặn giữa, tâm ở trên đầu, tâm ở sau con mắt v.v…, nhưng đều bị Phật bác bỏ. Vì sao Phật lại bác bỏ những câu trả lời của Anan? Vì tâm trọn chẳng thể được! Nguồn tâm chỉ là không, chỉ là vắng lặng tịch diệt thì làm gì có chỗ nào để trụ. Nay, chúng ta do nhờ học Phật, hiểu được tánh của phiền não chỉ là không nên chẳng còn sợ phiền não, tánh của nghiệp chướng cũng là không nên cũng chẳng sợ nghiệp chướng. Chúng ta nhờ học Phật mà biết, hễ khi nào chúng ta có chấp trước bèn có phiền não và nghiệp chướng; khi nào không còn chấp trước nữa thì phiền não và nghiệp chướng cũng không còn. Trước kia Nhị Tổ Huệ Khả và A Nan có chấp trước nên bị phiền não làm chủ, nhưng sau khi giác ngộ chẳng còn chấp trước nữa, phiền não lập tức là không. Phiền não không còn bèn khôi phục Bổn tịnh và Bổn minh, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.
Hễ có ngã chấp, có pháp chấp thì có phiền não, có tội nghiệp và có quả báo luân hồi. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, nếu ngã chấp chẳng có thì làm gì có cái ta. Nếu chẳng có cái ta thì dẫu có nghiệp chướng đi nữa, nhưng chẳng có ai lãnh chịu. Lúc Phật thành Phật, Phật có thật sự tiêu trừ hết thảy nghiệp chướng trong đời quá khứ không? Ngài vẫn không thể tiêu trừ hết nghiệp chướng trong các đời quá khứ, nhưng vì Phật phá trừ được cái ta, không còn ngã chấp và pháp chấp nữa, nên nghiệp chướng của Ngài trong đời quá khứ chẳng có ai lãnh hết. Không ai lãnh chịu nghiệp báo thì coi như là không có nghiệp báo, chỉ có những kẻ chấp ngã mới phải hứng chịu nghiệp báo. Phật đã chứng vô ngã, chẳng còn cái ta, nên Phật không bao giờ nhận lãnh nghiệp báo. Vì thế, hễ có ngã chấp thì có nghiệp báo, phá ngã chấp sẽ không có nghiệp báo. Tạm thời, Phật pháp gọi đó là tiêu trừ nghiệp chướng, chớ thật ra tội nghiệp quá nhiều quá nhiều, chẳng có cách chi tiêu trừ hết được. A-la-hán do phá được ngã chấp nên liễu sanh tử, thoát ra khỏi Tam giới. Bất luận tu pháp môn nào, cương lãnh chung vẫn chỉ là phá ngã chấp, phá pháp chấp. Chúng ta tu hành Phật pháp nhất định phải nắm vững nguyên tắc này. Nếu không nắm vững nguyên tắc này, thì dù có tu hành tinh tấn khổ nhọc đến đâu, dù có cúng dường và làm nhiều chuyện thiện bao nhiêu, cũng chỉ tăng trưởng thêm ngã chấp và pháp chấp mà thôi. Người phá trừ được hai thứ chấp trước này mới có thể liễu sanh tử, được trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại.
Vì cớ sao chúng ta mãi tu hành từ vô thủy kiếp tới nay vẫn chưa thể phá được ngã chấp và pháp chấp? Vì chúng ta vẫn tiếp tục nắm giữ cách thức tu hành giống hệt như củ, vẫn lập đi lập lại những lỗi lầm củ. Chúng ta chẳng chịu buông xả chấp trước, vẫn còn thấy mình có tu, lại còn thấy mình tu giỏi hơn người khác, có trí tuệ cao hơn người khác, pháp mình tu cao minh hơn pháp người khác, chỗ nào cũng đều có ta trong đó. Hễ chỗ nào có ta là chỗ đó có nghiệp chướng, chỉ khi nào không còn có ta nữa, nghiệp chướng mới dứt. Vì vậy, việc tu hành của chúng ta từ xưa tới nay đều là hỏng bét hết ráo! Xét kỷ lại, dường như người chẳng tu hành ngã chấp lại ít hơn người tu hành. Vì sao? Vì người không có trí huệ sáng suốt, càng tu nhiều chẳng những chẳng thể buông bỏ nổi ngã chấp, mà còn tăng thêm ngã chấp và pháp chấp. Như vậy, chúng ta đang tu cái gì? Chúng ta thật sự là đang tu ngã chấp và pháp chấp, chớ chẳng phải là phá ngã chấp và pháp Chấp. Nhà Phật thường nói: “Thấy thấu suốt thì buông xuống được.” Thấy thấu suốt điều gì? Thấy thấu suốt ngã chấp bèn buông ngã chấp xuống, thấy thấu suốt pháp chấp bèn buông pháp chấp xuống, thấy thấu suốt lỗi lầm nào bèn buông lỗi lầm đó xuống. Nếu không thấy thấu suốt thì chẳng thể buông xuống. Chúng ta chỉ phải tu hành như vậy, mới hy vọng thành tựu đạo nghiệp.
Phật là giác mà chẳng mê, Pháp là chánh mà chẳng tà, Tăng là tịnh mà chẳng nhiễm. Nếu hằng ngày chúng ta ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, làm pháp hội, tu sám hối v.v… mà chẳng thật sự trụ trong chân thật huệ để có giác-chánh-tịnh, thì những việc làm đó chẳng có liên can gì đến tu hành cả. Người khác nhìn vào dáng bộ bên ngoài, tưởng lầm là chúng ta tu giỏi lắm, nhưng khi chính mình quán xét kỷ lại cái tâm mê-tà-nhiễm của chính mình, mới biết rõ chính mình vẫn chưa bao giờ thật sự tu hành và nhập đạo. Cổ đức gọi công phu ấy là “giống như giải đãi,” tức là bên ngoài trông giống như rất tinh tấn tu hành, nhưng thật ra trong tâm vẫn là mê-tà-nhiễm y như cũ, như vậy có khác gì với giải đãi chứ! Nếu chúng ta thật sự tu hành, thật sự nhập đạo, thì ngã chấp và pháp chấp phải nhạt bớt dần, chẳng thể nào giống y như cũ, thậm chí còn tăng lớn hơn thêm. Dẫu cho chúng ta đã từng tu hành nhiều đời nhiều kiếp, nhưng thật ra vẫn chưa bao giờ nhập đạo, vẫn chưa phá được một tí phần ngã chấp, pháp chấp nào hết. Nguyên nhân của sự thất bại chính là ở chỗ này! Thế mới biết phá ngã chấp và pháp chấp vô cùng quan trọng!
Chúng ta phải bắt đầu thực hiện từ đâu để phá ngã chấp và pháp chấp? Trước hết phải buông ngã sở xuống. Ngã sở là vật ngoài thân mà ta có, là những thứ ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghĩ) mà ta hưởng thụ. Kinh Hoa Nghiêm nêu ra khuôn mẫu rất cặn kẽ về hạnh buông xả phải bắt đầu từ việc buông xuống vật ngoài thân cho đến buông xuống hết thảy các thứ như đầu, mắt, não, tủy, tay chân, thân thể v.v... Từ ngoại tài cho đến nội tài không có gì chẳng thấy thấu suốt, không có gì chẳng thể buông xuống. Ta ăn no, mặc ấm, lại có một căn nhà có thể che nắng, đụt mưa, tránh gió là đủ rồi, còn những thứ dư thừa ra, hãy buông xuống hết, hãy bố thí nó ra. Tiến xa hơn một bước là buông ngã xuống, xa hơn một bước nữa là buông pháp xuống, thì nguồn tâm mới vắng lặng, tâm trí mới sáng suốt. Bất luận chúng ta tu như thế nào, dù mỗi ngày niệm mấy chục vạn câu Phật hiệu, mỗi ngày đảnh lễ mười vạn lần v.v..., nhưng nếu chỗ nào cũng đều có ta, thì đó chỉ là tu phước báu trời người mà thôi, vĩnh viễn chẳng thể phá mê khai ngộ, vĩnh viễn chẳng thể thoát khỏi tam giới, vãng sanh Cực Lạc!
Chư cổ Đại đức nói: “Niệm rách toạc cuống họng cũng uổng công.” Chúng ta hãy thật sự nghiên cứu Tịnh độ Tam kinh một cách cẩn thận sẽ hiểu ra lý do vì sao niệm Phật rách toạc cuống họng cũng uổng công? Nguyên nhân là do tâm hạnh hoàn toàn trái nghịch những điều giảng dạy trong kinh. Đối với ba điều kiện Tín-Nguyện-Hạnh, chúng ta thảy đều phạm lầm lỗi. Thật sự mà nói, ngay chỉ ở một chữ Tín thôi, chúng ta toàn bộ đều phạm lầm lỗi, thì làm sao có thể có Nguyện Hạnh thật sự được? Tín có đến sáu thứ: tin tự, tin tha, tin nhân, tin quả, tin sự, tin lý. Người niệm Phật có đầy đủ trọn vẹn sáu thứ tín này đối với pháp môn Niệm Phật vãng sanh mới đáng gọi là có trí huệ sáng suốt, có cái nhìn thấu đáo. Điều rõ ràng nhất là có nhiều người niệm Phật nhưng không tin nơi lý. Thậm chí ngay cả cái lý cốt lỗi của Tịnh độ pháp môn mà Bồ-tát Đại Thế Chí dạy là “Hiện tại một dạ niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, tương lai sẽ thấy Phật đến tiếp dẫn vãng sanh,” mà cũng chẳng thật sự tin tưởng, hoặc bán tín bán nghi, thì làm sao có thể tin được những điều khác Phật dạy trong kinh. Tín tâm nơi lời dạy này là của Bồ-tát Đại Thế Chí là cốt lỗi của Tịnh độ pháp môn bởi vì nó bao gồm trọn vẹn hết thảy sáu thứ tín kia. Tin ta có khả năng niệm Phật được vãng sanh là tin nơi tự. Tin có Phật A Di Đà thường luôn gia hộ người niệm Phật và tiếp dẫn người niệm Phật vãng sanh là tin nơi tha. Tin niệm Phật là nhân thành Phật là quả là tin nhân quả. Tin có Phật A Di Đà và cõi nước Cực Lạc là tin nơi sự. Tin hết trọn năm thứ tín này là tin nơi lý.
Làm thế nào để kiến lập sáu thứ tín ấy? Phật dạy chúng ta phải thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường và vì người diễn nói kinh Vô Lượng Thọ để đoạn nghi, sanh tín. Sau khi đã có tín tâm vững vàng đối với pháp môn Niệm Phật Vãnh Sanh, thì tự nhiên Nguyện và Hạnh sẽ theo đó mà thành tựu. Thế mà có người gọi những việc làm đó là hư vọng, chẳng nên tụng kinh, nghe kinh hoặc giảng nói kinh này. Phật bảo người niệm Phật với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, tương lai sẽ thấy Phật đến tiếp dẫn, trong khoảng khảy ngón tay liền hóa sanh trong hoa sen nơi ao thất bảo, thì có người nói không thật sự có Phật A Di Đà hiện thân tiếp dẫn, những chuyện này là giả, chỉ là sự tưởng tượng của con người mà thôi. Chúng ta thấy đó, ngay chỉ một chữ Tín thôi mà còn không có, thì làm sao có được Nguyện Hạnh thật sự chứ? Vì thế, trước hết phải biết tu nơi lý luận. Lý luận là cách thức dùng để tra vấn, xem xét cái tâm của mình có giống tâm của Phật, Bồ-tát không, xem xét cái trí của mình có giống trí của Phật, Bồ-tát không. Nếu không thấu suốt lý luận trong Tịnh độ Tam kinh, chắc chắn chưa thể kiến lập được một trong sáu thứ tín ấy, thì làm sao có thể gọi là thâm tín tâm? Thâm tín tâm thật sự phải được kiến lập từ sự thông suốt Tịnh độ Tam kinh. Một khi thâm tín tâm được kiến lập, tự nhiên thái độ xử sự, đãi người, tiếp vật của chúng ta sẽ thay đổi rõ rệt.
Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Nếu trong đời sau, mãi cho đến khi Chánh Pháp bị diệt, sẽ có chúng sinh trồng các gốc lành, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật. Do Như Lai kia gia trì uy lực nên đặng pháp môn quảng đại như thế, nhiếp giữ thọ trì sẽ được rộng lớn Nhất Thiết Trí Trí.” Kinh lập lại ý này bằng câu kệ: “Ðời trước nếu không tu phước huệ, nơi đây chánh pháp chẳng thể nghe. Ðã từng cúng dường các Như Lai, thì hay vui vẻ tin việc này. Kiêu ác giải đãi cùng tà kiến, khó tin pháp vi diệu Như Lai.” Hai câu kinh văn này đã nói rõ, phần đông Phật tử tu pháp môn Tịnh độ chẳng phải mới ở trước Đức Phật phát nguyện vãng sanh trong đời này, mà đã từng phát nguyện ấy rất nhiều lần trong những kiếp trước. Chúng ta tuy có phước huệ được nghe, được tu pháp môn Tịnh độ và đã từng phát nguyện vãng sanh nhiều lần từ nhiều kiếp trước, nhưng thật ra các nguyện ấy chẳng thật, đều là nguyện giả trật! Nguyện đã giả thì hạnh cũng giả luôn. Thử hỏi, nếu nguyện ấy là thật, hạnh ấy là thật, thì tại sao hiện nay chúng ta vẫn chưa thể vãng sanh? Nếu niệm niệm muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là thật, thì tự nhiên thái độ của ta liền thay đổi. Thật sự mà nói, ngay cả bản thân mình còn chẳng thể cai quản nổi, thì còn có con mắt nào thừa để thấy lỗi người khác? Tất cả những lầm lỗi này đều do chính mình còn phân biệt, chấp trước, chớ chẳng phải lầm lỗi của người khác. Nếu chính mình chẳng có phân biệt, chấp trước, thì lầm lỗi do đâu mà có trong tâm mình? Chẳng phải chúng ta đã từng biết Chân tâm vốn chỉ là vắng lặng chẳng có một vật hay sao! Lầm lỗi xuất phát từ khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, lầm lỗi xuất hiện trong từng mỗi ý niệm do ta dấy lên. Như vậy, chẳng phải tất cả lầm lỗi đều ở nơi ta đó sao! Nếu lầm lỗi là của người khác, thì tại sao nó lại ở trong tâm ta?
Lục tổ Huệ Năng dạy: “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi người khác. Hắn sai, ta chẳng sai. Lầm rồi, tự đọa lạc.” Như vậy, người tu đạo thật sự có trí huệ sáng suốt, nhất định phải tu Tịnh nghiệp, tức tu tâm địa thanh tịnh. Nếu trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, chẳng có niệm phân biệt, chẳng có ý chấp trước, chẳng có khởi tâm, chẳng có động niệm, thì đó chính là tu tâm địa thanh tịnh đến cùng tột đúng theo lời Phật dạy trong Bát-nhã Tâm Kinh: “Trong Chân tâm chẳng có ý niệm cao hay thấp, đúng hay sai, sạch hay dơ khi sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần.” Người tu Tịnh nghiệp dùng trí tuệ Bát-nhã và tâm địa thanh tịnh để niệm Phật tới mức công phu thành phiến cho đến Nhất tâm Bất loạn, chẳng cần phải trông cậy vào bất cứ một trợ pháp nào khác, chắc chắn sẽ vãng sanh. Thật thà mà nói, càng xen tạp thêm nhiều các pháp trợ đạo khác, càng dễ loạn động, chẳng thể nhất tâm. Nay, do nhờ học Phật, có được chút ít trí huệ, có được cái nhìn khác với người không học Phật, nên hết thảy những chuyện thị phi, thiện ác của người đời chẳng còn liên can đến mình nữa, thì cần gì phải bận tâm vào những chuyện ấy? Chúng ta chẳng còn ghim những chuyện thế gian trong lòng, thì chẳng chuốc lấy chướng ngại mà phải chịu nhục trước những lời thị phi thiện ác của người đời. Vì thế, người thật sự tu đạo, những gì không cần quan tâm tới thì hãy cố gắng hết sức mình lìa xa nó, những gì bất đắc dĩ cần phải quan tâm thì mới quan tâm, nhưng chỉ quan tâm về mặt sự, trong tâm chẳng chút bận lòng, quyết định chẳng bị cảnh giới bên ngoài lay chuyển. Phật pháp gọi thái độ này là “làm mà chẳng làm.” Người tu hành có công phu đắc lực, có trí huệ sáng suốt là ở chỗ này đây! Có tu hành được như vậy, tâm địa nhất định chẳng bị ô nhiễm mảy trần, quyết định đắc tâm thanh tịnh, thành tựu tất cả trí huệ biện tài, trở thành một Quán Tự Tại Bồ-tát, thoát ra khỏi mọi khổ ách!