Trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói đến các tướng trạng ăn cơm và kinh hành nơi cõi Cực Lạc, nhưng thật ra toàn bộ các câu các chữ ấy chẳng gì chẳng là Tiêu quy Tự tánh. Thật ra, hết thảy cảnh tướng nơi cõi Cực Lạc chẳng gì chẳng phải là để biểu pháp Tiêu quy Tự tánh. Kinh ví việc đọc kinh giống như là việc ăn cơm xong, đi bách bộ để tiêu hóa những gì mình ăn vào bụng. Chúng ta học Phật mục đích là để đạt tâm thanh tịnh, khi tâm được định, huệ bèn phát sanh. Cho nên, chữ ăn cơm có nghĩa là Tự tánh thường định, chữ kinh hành có nghĩa là Tự tánh thường sanh trí huệ. Tự tánh thường định là Bổn tịch, Tự tánh thường sanh trí huệ là Bổn minh. Bổn tịch và Bổn minh là Bổn tánh của Chân tâm. Một khi tâm ta quay trở về Bổn tánh thường định thường huệ thì gọi là Tiêu quy Tự tánh. Khi chúng ta đọc một câu, một chữ trong kinh Phật với tâm chẳng chấp tướng, bèn phát sanh định huệ, thì đó gọi là xứng lý. Nay, nếu chúng ta đọc xong toàn bộ kinh, bèn phát sanh định huệ, trí huệ trong Tự tánh tự nhiên hiển lộ, giải được Như Lai chân thật nghĩa, trong tâm thật sự đạt được sự thụ dụng chân thật, tương ứng với Chân như Bổn tánh, thì đó cũng gọi là Tiêu quy Tự tánh. Tiêu quy Tự tánh còn gọi là tâm đắc, tâm đắc là Tự tâm thấu hiểu tỏ tường, Tự tâm lãnh ngộ xứng hợp với lý thể của Chân như. Nếu chúng ta học Phật mà chẳng thể Tiêu quy Tự tánh, chẳng đạt được sự thụ dụng chân thật trong Phật pháp, thì việc học Phật đó chẳng xứng lý, chớ nào phải đâu Phật pháp không xứng lý!
Thế nào là Tự tánh thường định? Tự tánh vốn là thường định. Nếu tâm địa thường định, chẳng tán loạn, chẳng dao động đối với cảnh giới bên ngoài, tất tương ứng với Tự tánh. Trong Phật pháp, con voi thường được dùng làm tỷ dụ để miêu tả cảnh giới thường định. Chúng ta thấy bước đi của con voi rất bình ổn, chậm rãi, tiêu sái, giống như lúc nào cũng ở trong định. Con voi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghĩ gì cũng đều ở trong định, không lúc nào chẳng định. Vì thế, chúng ta chẳng cần khoanh chân ngồi xếp bằng mới gọi là định. Chúng ta đi đường cũng định, đứng ở chỗ nào cũng định, nằm ngủ vẫn định. Tâm địa chẳng lúc nào chẳng định, chẳng lúc nào tán loạn, thì đó gọi là thường định. Bình thường lúc chúng ta công phu niệm Phật thường bị ngoại duyên cắt đứt, chẳng thể niệm niệm tương tục, bởi vì tâm mình chẳng thường định. Hòa thượng Tịnh Không có kể một câu chuyện của một Cư sĩ nọ, ông ta đã từng giúp đỡ các pháp sư tổ chức rất nhiều pháp hội khắp nơi trong và ngoài nước, khuyên rất nhiều người niệm Phật và đi hộ niệm vãng sanh cho nhiều người lúc lâm chung. Nhưng chính bản thân ông ta chẳng có thời gian niệm Phật. Mỗi ngày ông đều bận rộn quá nhiều với những công chuyện như xây dựng đạo tràng niệm Phật, thăm viếng bệnh nhân, khuyên người niệm Phật, hoằng pháp lợi sanh v.v… Cả ngày ông ta chạy tới, chạy lui, ngoại duyên quá nhiều, lo tính quá nhiều đến nỗi không có thời gian ngủ nghỉ. Lúc đó, có người cảnh cáo: “Nếu ông không lắng lòng niệm Phật sẽ chết rất khó coi!” Ông là người thông rõ pháp môn Tịnh độ, lại thường khuyên người khác nhất hướng chuyên niệm cầu sanh Cực Lạc, tất nhiên ông liền phản tỉnh và đã nhiều lần từ chối các ngoại duyên, đóng cửa tịnh tu. Nhưng trên căn bản là không thể nào yên tỉnh được. Có một lần ông ngã bệnh, muốn ở nhà an tỉnh mấy ngày để niệm Phật, không ngờ điện thoại từ sáng tới tối cứ reo mãi chẳng ngừng. Ông cắt đứt dây điện thoại thì có người lại đến tận nhà gõ cửa kiếm ông. Cuối cùng, trong một lúc gặp tai nạn ngoài đường, ông chết đột ngột. Lúc chết, chẳng có một người thân hay một đạo hữu nào bên cạnh giúp đỡ. Sau khi chết liền bị đưa vào phòng đông lạnh trong bệnh viện. Lúc người thân đến nhận xác, mở tấm vải che mặt, thật đúng như lời cảnh cáo: “Chết rất khó coi.” Câu chuyện này là tấm gương của chiếc xe đằng trước bị đổ, khiến chúng ta phải suy gẫm kỹ càng, hy vọng không đi theo dấu vết xe trước. Chúng ta tu pháp một niệm Phật, quyết định vãng sanh trong một đời này, nhất định trong tâm phải biết phân biệt chuyện lớn, chuyện nhỏ một cách rõ ràng. Chuyện lớn nhất và quan trọng nhất trong đời là gì? Phải thường luôn niệm câu Phật hiệu để duy trì tâm thường định, phải coi câu A Di Đà Phật là cái bùa hộ mạng, chẳng để ngoại duyên cắt đứt nó. Người thượng căn đương nhiên có thể thường niệm, có thể đi, đứng, nằm, ngồi, làm hết thảy các công chuyện mà chẳng bị ngoại duyên cắt đứt câu niệm Phật trong tâm, nhưng kẻ hạ căn tâm chẳng thường định, rất dễ bị ngoại duyên chi phối. Cho nên, nếu biết rõ chính mình là hạ căn muốn thành tựu đạo nghiệp, thì tạm thời phải cự tuyệt ngoại duyên. Tốt nhất là chẳng có ngoại duyên, đừng chủ động ngoại duyên, đừng bao giờ phan duyên, đại sự không bằng tiểu sự, tiểu sự không bằng vô sự. Một khi vướng vào ngoại duyên rồi, nó sẽ bám theo ta mãi, chẳng có cách nào chạy thoát.
Thế nào là Tự tánh thường huệ? Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng dạy: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật.” Đó cho ta thấy, Chân tâm của chúng ta từ xưa đến nay chưa hề tán loạn, vĩnh viễn vẫn là thường định. Thế nhưng, hiện thời chúng ta chẳng giống Phật là vì chúng ta dùng tâm ý thức, chẳng dùng Chân tâm. Mỗi ngày, chúng ta đều dùng tâm ý thức để tiếp xúc ngoại duyên, khiến tâm thường tán loạn chẳng có định, nên chẳng có sức kiên nhẫn trì niệm câu Phật hiệu tương tục, không gián đoạn. Lại nữa, phần đông chúng ta thường dùng cảm tình chẳng dùng lý trí để học Phật, chỉ thích nghe các pháp đơn giản, chẳng thích nghe pháp thâm sâu, nên trí huệ chẳng thường luôn tăng trưởng. Những rắc rối của phàm phu đều do đây mà có! Chúng ta phải biết, nếu Phật nói pháp quá đơn giản, thì lý lẽ rất khó phù hợp khít khao, người nghe chỉ có thể nhận biết Phật pháp một cách mường tượng, mơ hồ mà thôi, chẳng thể hiểu được một cách chánh xác, minh bạch, tỏ tường, sâu xa. Thậm chí, người nghe có thể hiểu lầm toàn bộ ý nghĩa của Phật, khiến Phật pháp biến thành phi pháp, khiến lời giảng dạy của Phật biến thành ma cảnh, khiến tâm Bồ-đề và chí nguyện cầu vãng sanh thành Phật của người nghe trong phút chốc biến mất như mây như khói. Vì sao có vấn nạn này? Vì người nghe kinh Phật đều dùng cảm tình, chẳng dùng lý trí. Phật dùng lý trí để nói ra chân tướng sự thật, còn phàm phu thì dùng cảm tình để nghe, nên mới gây ra tai họa lớn.
Thế nào là cảm tình? Cảm tình là tám thức, là vọng tưởng điên đảo. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta thấy trên mạng có đăng những bài giảng về pháp môn Tịnh độ. Họ nói vãng sanh không có thật, chẳng có ai thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn người lâm chung vãng sanh. Rất nhiều người nghe lời bình luận như vậy, bèn không tin có Phật A Di Đà hiện thân tiếp dẫn vãng sanh, không tin những thoại tướng của người vãng sanh. Họ nói Tịnh độ Tam kinh chẳng có nói tới những thoại tướng này. Thật ra, họ đã nhầm lẫn, lại khiến người khác nhầm lẫn. Chúng ta hãy đọc Phẩm Chánh Nhân Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ, sẽ thấy câu: “Người này mạng chung, sắc tướng như Phật, mỗi mỗi trang nghiêm, sinh về cõi báu.” Câu kinh văn này nói lên điều gì? Người vãng sanh hiện thoại tướng tốt đẹp nơi nhục thân, thân thể mềm mại, sắc mặt tươi nhuận, hồng hào, đảnh đầu ấm v.v…, thậm chí có người đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh v.v…. Đấy đều là những thoại tướng tốt đẹp hiện ra nơi nhục thân của người lúc vãng sanh. Người niệm Phật vãng sanh do lìa tám thức mà đắc Nhất tâm Bất loạn, nên có thể thấy Phật hiện thân tiếp dẫn. Họ thấy Phật bằng gì? Bằng Chân tâm Bổn tánh của chính họ, chớ chẳng phải thấy bằng tám thức. Bọn phàm phu chúng ta chuyên dùng tám thức, nên dù ngồi sát bên cạnh người vãng sanh cũng chẳng có cách chi thấy Phật, Bồ-tát. Chẳng lẽ do ta không thấy bèn phủ nhận cái thấy của người khác ư? Ta chẳng thấy Phật nên ta chẳng vãng sanh, người khác thấy Phật nên họ vãng sanh, đạo lý này là lẽ tự nhiên! Tỷ dụ: Một người mắt sáng thì tất nhiên có thể thấy mọi chuyện hiển bày trước mắt, còn người mù thì chẳng thể thấy gì hết. Do lực gia trì nhiếp thọ của A Di Đà Phật lúc lâm chung, nên tâm người ấy thanh tịnh chẳng tán loạn nên thấy Phật đến tiếp dẫn vãng sanh, còn đại chúng ở hiện trường do tâm loạn động nên chẳng thể thấy Phật. Người niệm Phật đắc Nhất tâm Bất loạn giống như người sáng mắt, còn người vọng tưởng, phân biệt, chấp trước giống như người mù chẳng thể thấy. Nói cách khác, hễ khi nào tâm mình thường định thường huệ, thì bèn thấy Phật, Bồ-tát; khi nào chúng ta còn dùng tám thức thì vẫn chưa thể thấy Phật, Bồ-tát hiện thân tiếp dẫn vãng sanh.
Chúng ta phải biết, Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật A Di Đà chỉ quy về một nguyện: Tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh Cực Lạc! Vì thế, A Di Đà Phật mới có danh hiệu là Tiếp Dẫn Đạo Sư. Thấy Phật A Di Đà tức là vãng sanh, vãng sanh tức là thấy Phật. Nếu một trong hai chuyện này chẳng có thật, chẳng lẽ Đại Nguyện của Phật A Di Đà là hữu danh vô thực? Nếu người tu Tịnh độ mà chẳng tin chuyện thấy Phật vãng sanh, thì mỗi ngày tụng kinh Tịnh độ, niệm danh hiệu A Di Đà Phật để làm gì? Do đó, chúng ta phải biết dùng lý trí, chẳng thể dùng tâm ý thức để phán định tâm cảnh của người vãng sanh. Tâm cảnh của người vãng sanh là thường định thường huệ. Còn tâm cảnh của phàm phu chúng ta là thường sanh vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thế nào là lý trí? Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Thường trụ Chân tâm.” Lý trí là Chân như Bổn tánh, là Chân tâm bất động, là Thường trụ Chân tâm. Mỗi người chúng ta đều có Thường trụ Chân tâm, nơi Phật chẳng tăng thêm chút nào, nơi phàm phu chẳng khiếm khuyết chút nào. Chân tâm ấy vốn là thường định, chẳng tán loạn, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi. Cho nên, chỉ khi nào tâm mình thường định bất động, thì lý trí mới hiện tiền. Hễ tâm động bèn là vô minh, chẳng phải là trí huệ. Nếu chúng ta biết dùng Chân tâm bất động để học Phật thì sẽ sớm Tiêu quy Tự tánh. Phàm phu chúng ta tuy có Chân tâm bất động giống hệt như Phật nhưng chẳng biết dùng, chỉ dùng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên thường luôn khởi hoặc, tạo nghiệp, chịu khổ, đây là chuyện rất oan uổng. Chư Phật, Bồ-tát dùng Chân tâm, chúng ta dùng vọng tâm, chỗ khác nhau đơn thuần chỉ là cách dụng tâm không giống nhau mà thôi! Chúng ta học Phật nhằm để hiểu rõ chư Phật, Bồ-tát và chúng ta chẳng có chút sai biệt nào cả, chỉ vì cách dụng tâm không giống nhau, nên mới hiện ra các tướng trạng khác nhau như vậy mà thôi.
Đức Phật nói: “Vô lượng pháp môn cũng chỉ là một pháp.” Phật, Bồ-tát thị hiện trong thế gian nói ra vô lượng pháp môn để giáo hóa chúng sanh, nhưng thật ra tất cả các pháp ấy đều chỉ là một pháp. Một pháp đó nhằm dạy chúng sanh cách dùng Chân tâm giống như Phật. Cho nên, một khi chúng ta hiểu rõ và biết sử dụng Chân tâm chẳng dùng vọng tâm nữa, liền khôi phục bản năng giống như Phật. Nói theo ngôn ngữ thông thường, Chân tâm chính là lý trí. Lý trí là tâm địa chẳng si, là Tự tánh thường huệ. Trong phẩm Như Lai Xuất Hiện của kinh Hoa Nghiêm, Đức Thế Tôn đã nói rõ: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai, nên hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật.” Chúng ta tuy thật sự có Chân tâm thường định thường huệ, nhưng vì vọng tưởng, chấp trước quá mức, nên hiện thời nó chẳng thể khởi tác dụng. Chúng ta hiện tại là một phàm phu chưa chứng đắc, chẳng thể khởi tác dụng của Chân tâm thì làm sao có thể thấy Phật hiện ra tiếp dẫn người khác chứ! Nhất định chẳng thể thấy Phật, chỉ khi nào chúng ta chứng đắc Tự tánh thường định thường huệ, mới có thế thấy Phật hiện thân tiếp dẫn vãng sanh. Thậm chí các bậc A-la-hán, Bích-chi Phật và Bồ-tát còn không thường thấy Phật thì làm sao chúng ta thấy được! Lúc các vị Đại Thánh muốn thấy Phật, nghe pháp bèn tu Bát Châu Tam-muội, đứng yên một chỗ, định tâm suốt chín mươi ngày chín mươi đêm không gián đoạn để đắc tâm thường định, mới có thể thấy Phật hiện ra ở giữa hư không.
Kinh Di Đà cũng nói, nếu người thiện nam, tín nữ Nhất tâm niệm Phật suốt bảy ngày, bảy đêm, không hề gián đoạn, đạt được Nhất tâm Bất loạn bèn thấy Phật A Di Đà và chư thánh chúng hiện ra ngay ở trước mặt. Vì sao niệm Phật lại có kết quả sớm như vậy? Đấy đều là do oai thần gia trì của Phật A Di Đà mà người niệm Phật được tâm thường định thường huệ, nên mau được thấy Phật, nghe pháp, đắc Vô Sanh Nhẫn. Khi xưa, Đông Lâm Liên Xã của Sơ tổ Huệ Viễn Đại sư, tại núi Lô Sơn, có tất cả là một trăm hai mươi ba vị đồng tu, tất cả đều cùng tận mắt thấy A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí và chư thánh chúng hiện thánh tướng. Vì sao họ được thấy? Vì họ đều niệm Phật, được Phật gia trì, mau đắc Nhất tâm Bất loạn. Tâm của họ là thường định thường huệ, nên ngay lúc còn sống đã tận mắt thấy thánh tướng của Phật, Bồ-tát hiện ra tiếp dẫn người khác vãng sanh. Sau đó, hết thảy một trăm hai mươi ba vị cũng lần lượt vãng sanh, để lại thoại tướng tốt đẹp, hy hữu, đúng như Đại kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Người này mạng chung, sắc tướng như Phật, mỗi mỗi trang nghiêm, sinh về cõi báu.”