Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài… Những đứa trẻ mong tết, đếm ngược từng ngày kể từ khi ba lặt lá mai, cái tâm ý ấy sao giống hệt với người lớn vậy. Người lớn cũng đếm ngược thời gian từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút giây để đến thời khắc giao thừa, để nhìn Bigdrop, Peachdrop… Đó là những quả cầu bằng pha lê ở thành phố Nữu Ước và thành Ất Lăng sẽ rơi xuống khi khoảnh khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới. Tuy rằng tết ta và tết tây có nhiều khác biệt nhưng cái tâm thức vui đón xuân lại chẳng khác gì nhau.
Mùa xuân luôn luôn mặc định là sự khởi đầu, là sự tươi trẻ, hạnh phúc, hy vọng, đoàn viên… Mùa xuân làm mới lại những gì đã cũ hoen già nua, mùa xuân làm cho muôn loài vạn vật sinh sôi nảy nở, cây lá đâm chồi, hoa khoe sắc hương, lòng người hoan hỷ. Những ngày đầu năm con người gác lại những bất đồng, tranh đấu, chiến chinh. Mùa xuân khoe sắc thắm, lòng người vấn vương, tình thương được nuôi dưỡng vun bồi để rồi nạp thêm năng lượng cho cả thân và tâm, để có thêm hy vọng và niềm vui mà đi cho trọn năm, đi cho hết cuộc chơi này.
Mùa xuân phương Đông nhiều màu sắc và âm thanh. Mùa xuân không thể thiếu tiếng pháo, pháo là âm thanh tự xa xưa, hễ nghe tiếng pháo nổ giòn giã khắp nơi là biết mùa xuân đã về. Đêm giao thừa là thời khắc giao nhau giữa cũ và mới, là phút giây giao cảm hòa hợp giữa con người và vũ trụ thiên nhiên, là khoảnh khắc linh thiêng giữa thế hệ hiện tại với ông bà tổ tiên, sự tiếp nối từng đời như thế chưa gián đoạn bao giờ. Đêm giao thừa trời đất tối đen như mực nhưng pháo nổ giàn trời, lòng người hoan hỷ, trời đất tự nhiên thanh tân đến lạ thường, cũng bầu trời ấy, cũng mặt đất này, cũng những con người yêu – ghét đây nhưng sao đêm giao thừa thấy thương chi lạ.
Mùa xuân phương Đông, mùa xuân cố quận vui lắm! Nhiều sắc thái văn hóa cùng đồng hành. Người người ăn vận mới đi lễ chùa, viếng phần mộ tổ tiên ông bà cha mẹ thân nhân, ghé thăm họ tộc, láng giềng… Dù gì thì cũng ba ngày tết, mặt người ai nấy vui tươi, nói lời tốt đẹp, làm việc nghĩa cử hy vọng đem lại may mắn an lành.
Mùa xuân em tung tăng khoe áo mới, những tà áo dài tươi sắc xuân phơi phới khắp mọi miền. Em cười như hoa, mắt biếc má đào cho lòng người nao nao. Em muôn đời đẹp như thế, cứ mỗi độ xuân sang. Mắt biếc má đào của ngàn năm trước với bây giờ có khác gì nhau chăng? Chắc chắn là không! Có khác nhau chăng là ở kiểu cách quần áo theo thời chứ mắt biếc má đào muôn đời vẫn thế! Đừng nói bây giờ, ngay cả mai sau vẫn vậy thôi, cái đẹp không phải ở con mắt mà ở từ trong tâm tưởng của mình.
Khi cố quận vào xuân, đất trời phương ngoại mới giữa mùa đông, lúc này rét nhất trong năm. Người ra đi mang theo không khí xuân, hình ảnh xuân, ký ức ức xuân… nên dù có lạnh cách mấy lòng vẫn rộn ràng với xuân ở quê nhà. Có thi sĩ đã viết:
Khi ta ở đất chỉ là đất ởKhi ta đi đất bỗng hóa tâm hồnPhần lớn người ra đi mang theo ký ức đất cũ trong tâm hồn, Ngày xưa, khi mình sống ở đấy thì đất chỉ là đất, vô tri, chẳng có chi đặc biệt. Khi ra đi mới thấy nhớ nhung, thấy thiết tha nhất là khi mỗi độ sang xuân. Giờ mới thấm thía là:” đất bỗng hóa tâm hồn”. Người ra đi với nhiều lý do: Di tản khi nội chiến tàn, tị nạn chính trị, thuyền nhân vượt biên, HO, bảo lãnh… trong số này có nhiều người hằng năm vẫn về quê ăn tết, thậm chí đi về như đi chợ, tuy nhiên cũng có một số ít chưa từng về, không về hay không thể về vì hoàn cảnh bất khả kháng, thế mới biết khi xuân về lòng lay lắt lắm.
Mùa xuân của những người di cư, di tản hay tha phương cầu thực rất thiết tha nhưng giữ trong tâm tưởng, hoàn cảnh thực tại với ước muốn ít khi nào tương đồng với nhau được.
Mình xa góc bể chân trờiNhớ mùa xuân nhắn một lời nước nonMai vàng pháo đỏ gót sonEm vui trẩy hội giữa con đường này – thơ TLTP
Con đường này là con đường nào? đường xuân? đường dân tộc? đường nước non? đường đời? đường mưu sinh? hay đường sinh tử? Có biết bao con đường của mỗi kiếp nhân sinh, mình đã muôn đời cứ ngơ ngẩn và lạc lõng giữa con đường. Mình đã đi nhưng chưa bao giờ về tới, nếu đã về tới thì chẳng còn phân tâm giữa con đường, chẳng còn phải lưu lạc tha phương hay vọng về xuân cố quận.
Nào đâu chỉ có người Việt mới di tản hay tha phương cầu thực, Người Do Thái mất nước cũng đã hai ngàn năm lưu lạc khắp thế gian. Người Anh, người Âu châu di cư sang đất mới để tạo lập quê hương mới. Người Kurd, người Tây Tạng, người (A Phú Hãn) Afghanistan, người Iraq, Iran, Mexico, Laos-Hmong, người châu Phi… cũng di cư khắp nơi. Hầu như các dân tộc trên thế gian này đều dính vào vấn nạn di cư hay di tản, nhất là những dân tộc nhỏ, đất nước nghèo nàn lạc hậu. Người ta di tản vì chiến tranh, đàn áp, bất công, kỳ thị, nghèo đói… Lịch sử lòai người cũng chính là lịch sử của những trận chiến tranh và những cuộc di cư, di cư để mà sống còn. Động vật cũng di cư, chúng di cư vì sự sinh tồn (trú đông, tránh rét, sinh sản, tìm kiếm thức ăn…). Loài vật di cư nhưng đến mùa thì lại quay về nơi chốn cũ, tỷ như cá hồi từ biển cả lại vượt ngàn dặm về lại đầu nguồn sông suối để sinh đẻ, chim muông di cư tránh rét, khi trời ấm lại bay về. Những đàn bướm Monarch cũng di cư hàng vạn dặm, đến khi xuân sang lại lũ lượt hồi hương. Loài vật quay về nơi sinh ra không phải vì nhớ thương, chỉ đơn thuần là bản năng sinh tồn. Loài người thì khác, đó là cả một trời nhớ thương, đó là tâm sự nặng trĩu trong tâm hồn. Loài người có thần thức, có tác ý, có một chữ tâm, quê hương bản quán in sâu trong tiềm thức, trong tâm hồn. Mỗi khi xuân về thì nỗi nhớ lại trào dâng, không khí xuân, hương xuân, ký ức xuân kích thích mạnh trong tâm ý. Bởi vậy khi xuân về tết đến thì nhớ lắm, lòng lay lắt lắm! Chỉ những người may mắn có cả gia đình sum hợp ở hải ngoại thì mới có thể dửng dưng với tết quê nhà.
Tết của người Việt, nước Việt xưa nay thường gắn với hình ảnh ngôi chùa, lên chùa lễ mỗi độ xuân sang. Bạn có là Phật tử hay không Phật tử cũng thích lên chùa ngày đầu xuân. Người ta lên chùa lễ Phật, cầu an cho gia đình, cầu siêu cho ông bà cha mẹ, cầu sự gia hộ của Phật, Bồ Tát hay các vị linh thiêng mà họ tin tưởng. Ngôi chùa là một hình ảnh đặc biệt trong văn hóa Việt, đã hình thành và tồn tãi mấy ngàn năm nay. Thiền sư, thi sĩ Huyền Không đã viết:
Mái chùa che chở hồn dân tộcNếp sống muôn đời của tổ tôngTết ở quê nhà vui lắm, lên chùa lễ Phật, thăm viếng họ hàng, bạn bè, láng giềng, trẩy hội xuân… nhưng phải là tết ở làng quê nông thôn cơ. Ai đã từng ăn tết ở thành phố khắc biết. Tết ở thành phố buồn lắm, phố xá vắng teo, nhà nhà đóng cửa im ỉm. Người lao động về quê hết trơn rồi, những nhà giàu thì du lịch xa… Chỉ ở làng quê, ở nông thôn mới thấy đậm đà không khí tết, tết ở thành phố rất nhạt vị so với nông thôn. Làng quê nông thôn mới là nơi lưu giữ cái hồn, cái đặc trưng của tết nói riêng văn hóa Việt nói chung.
Người Âu – Mỹ có câu phương ngôn:” Home is where heart is”, nói thì hay vậy chứ người xa quê vẫn nhớ quê lắm, làm sao mà “heart is” được, may ra chỉ có thể nói:
Con tim nửa để lại nhàNửa mang theo với phù hoa quê người – thơ TLTP
Với người phương Đông, nhất là những kẻ nặng tình thì nỗi nhớ quê tha thiết biết bao nhiêu. Ngày xưa Thôi Hiệu đã bảo thế rồi:
Nhật mộ hương quan hà xứ thịYên ba giang thượng sử nhân sầuTiểu Lục Thần PhongẤt Lăng thành, những ngày sắp sang xuân